Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

CHIỀU BIỂN ĐỘNG


Em biết không, chiều nay biển động,
Sóng vỗ bờ, tung bọt trắng phau
Lòng giận dữ biển trào muôn sóng
Ầm ầm xô  nghiền nát bến bờ.


Có điều chi, chiều nay biển động
Muốn nói gì nên biển sục sôi,
Từng đợt sóng vỡ bên  ghềnh đá
Đâu thỏa lòng khao khát biển khơi.

Nhớ mùa hè, biển thức canh thâu
Những cánh sóng vồng lên cánh sóng
Chim hải âu nhớ ngày biển lặng
Nhớ cánh buồm,  nắng tỏa chiều nay.

  

Chiều nay, bên anh bên này biển động
Đường phố quạnh hiu thưa thớt bóng người
Hàng ghế đá nhớ mùa hè quạnh quẽ
Anh nhớ em nên sóng mãi trào.


Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

MÓN QUÀ TẾT


                                           Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, năm hết tết đến. Ban mai của mùa xuân mới tuyệt diệu làm sao. Sương mỏng như mây, như khói. Làng xóm những vườn  cây xanh, những ngôi nhà với đủ các màu sắc, xanh, vàng….yên bình thấp thoáng trong màn sương. Cây cành đã bắt đầu nảy lộc. Những chồi non mới nhú đỏ đắn, khỏe khoắn uống những hạt sương mai tinh khiết,  để đón những tia nắng đầu tiên của ngày xuân.
Cũng như mọi nhà, vào những ngày giáp tết, gia đình anh Thông rất bận, tập trung dọn nhà, dọn vườn, gói bánh chưng, mua sắm hoa quả, bánh kẹo bày biện ban thờ tổ tiên để lễ tết.
Nhiều năm nay, dù có bận đến đâu vào những ngày này, anh Thông không quên đến thăm thày giáo Lãng. Người thày đã thắp lửa tình yêu, gieo vào  anh lòng vị tha, khơi gợi trong anh những khát khao , những đam mê  văn chương.
Cách đây hơn chục  năm, lúc đó thầy Lãng đã hưu trí, vào dịp giáp tết, Thông  đến thăm thầy. Hơn sáu chục tuổi đầu , tóc thầy bạc trắng như cước, gương mặt vẫn thần thái anh minh. Vẫn phong cách khoan thai, đường hoàng, tự tin như ngày nào. Thầy trò ngồi nhâm nhi chén chè mạn, chuyện về phong tục  văn hóa Tết. Thông bỗng nhớ lại những  bài giảng của thầy. Với giọng trầm ấm, sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh lịch sử, văn học và với những trải nghiệm trong cuộc sống, thầy cho anh biết thế nào là “ văn dĩ tải đạo”. Thầy nói: Văn  chương phải vì con  người, quan tâm tới những số phận đời người, đến được với con người, giúp con người hướng thiện, biết quan tâm đến bản thân và cộng đồng. Hình ảnh  Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên của Nhà thơ mù Nguyễn Đình  Chiểu đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện  lòng vị tha, dũng cảm đấu tranh cho tình yêu, loại trừ thói xấu, thể hiện đạo làm thầy , hình ảnh Chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất và tinh thần lạc quan  cách mạng trong những vần  thơ bay bổng như thần của Tố Hữu giờ đây vẫn sống trong ký ức không  thể nào quên của anh và của bao thế hệ học trò được nghe thầy giảng.
Hôm ấy ngoài cành đào, Thông ý tứ đặt cái phong bì bên trong tấm thiệp chúc Tết. Nhìn cành đào phai nụ lấm tấm đỏ, lác đác đã có bông nở, chồi lộc đã nhú, trên cành còn điểm vài lá xanh non tơ, thầy vui  lắm. Thầy Lãng nói: Như vậy là biết mua đào tết đấy. Cành đào phải nhiều nụ, có bông hàm tiếu, có bông nở biểu thị cho sự sung túc đầy đủ. Mầm lộc, lá xanh biểu thị sự xanh tươi, sự trẻ trung, hòa bình…. Đó là khát vọng của con người. Cầm cái thiệp trong tay, giở ra, khuôn mặt thầy bỗng nhiên đỏ lên, rồi biến sắc. Nhưng cũng rất nhanh chóng, khuôn mặt ấy rạng lên niềm vui và nụ cười ý vị.
Quan sát sự đổi thay trên khuôn mặt thầy, Thông biết mình đã xử sự chưa đúng trong trường hợp này. Có đáng là bao đâu, chỉ là chút ít lòng thành biếu Thầy  vui  Tết. Anh ngần ngại cúi xuống, vẻ mặt xấu hổ.
Thầy Lãng: trò cầm lấy!
Thông: Thưa thầy ! Chỉ là chút ít quà mọn thôi mà. Thầy cầm lấy vui Tết cho em vui.
Thầy cám ơn em! Thầy không thể nhận phong bì . Đến thăm thầy thế này đã là vui lắm rồi.
Vài tháng sau, nhân dịp hè ,Thông đến  thăm Thầy. Như thường lệ, Thầy trò lại cùng nhau chuyện nhà, chuyện đời.
Thầy Lãng: Trải qua những ngày tháng khó khăn, phải ăn cháo ăn rau, thầy rất biết và trân quý giá trị đồng tiền. Nhưng công đến đâu lấy đến đó. Thầy giáo cầm phong bì của trò, lúc đó không còn đạo học nữa. Đạo học đã không còn, rường cột xã hội sẽ ra sao?  Dân tộc mình vốn truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Đạo lý ấy giữ con người sống có trước có sau, lấy nhân nghĩa để xử thế, làm cho các mối quan hệ xã hội được lành mạnh, phát triển. Mỗi lần em đến thăm, chứng kiến sự tiến bộ của trò,Thầy rất vui, cảm thấy đã làm được việc gì đó dù rất nhỏ cho cộng đồng. Nhớ lại những năm tháng đứng trên bục giảng, trước bao nhiêu cặp mắt khao khát tri thức, khao khát ánh sáng Thầy lại bồi hồi.
Thông nói: Những lứa học trò tuổi chúng em, không thể nào quên hình ảnh  phong độ đường hoàng của thầy với những bài giảng toát lên những giá trị nghệ thuật nhân bản, khuyến khích hướng thiện.
Thông ạ! -Thầy Lãng nói-  Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Truyền thống tôn sư trọng đạo cần gìn giữ. Vì có thế học trò mới nên người. Tuy nhiên dạy học cũng là một nghề. Nghề trồng người để ăn lương. Trồng người là trách nhiệm của những người đứng lớp, không phải để ban ơn. Biết ơn phải được thể hiện ở lối sống tích cực có trách nhiệm  với bản thân , gia đình và cộng đồng.
Hôm ấy, Thông yên lặng nghe thầy nói, đôi mắt , khuôn mặt đắm chìm trong suy tư., trong các liên tưởng xưa và nay, liên hệ giữa lý luận và đời sống thường nhật. Anh nói vu vơ: Đôi khi đau đớn con người thường tìm đến Chúa, đức phật. Từ bi của Đức Phật, lòng vị tha của chúa đôi khi không thay đổi được số phận đời người. Hãy cho con người cần câu để họ có thể câu cá.  Thầy làm em bất giác  nghĩ tới những điều thật cao quí trong sự giản dị và hài hòa. Em thấy có  thời gian  vào những ngày  Tết, học trò, phụ huynh nô nức đến nhà thầy cô giáo lễ Tết…Song sự chân thành và hiểu biết thực sự về đạo lý ấy không phải ai cũng  ngộ được. Từ nhận thức đúng dẫn tới hành vi đúng phù hợp hoàn cảnh xa hội là cái đích của giáo dục phải không Thầy.
Thầy Lãng lại rơi vào suy tư. Thầy nói: em nói có điều đúng đấy. Nhưng chưa phải tất cả. Vì cuộc sống của con người về cơ bản là cuộc sống tâm linh.
Sáng nay, anh Thông đi chợ Tết mua cây đào. Chợ huyện mấy ngày nay rực rỡ trong sắc màu hoa. Hoa  dơn đỏ thắm, hoa cúc vàng, hoa cúc trắng… Những cây quất quả trĩu trịt trên cành, xen với những quả chìn vàng là những quả quất non xanh đủ các cỡ, lá cành xum xuê  biếc xanh biểu trưng cho sự phồn thịnh, niềm vui, sự may mắn và  trẻ trung . Đào được bày bán trên các vỉa hè, trong chợ, trong sân vận động của huyện. Những nụ  đào đỏ đắn, những bông hoa đào mới hé nở tươi trong sắc xuân  cùng với các loài hoa khác tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu.
Anh Thông dừng lại trước quầy hoa đào, nhìn ngắm những cây đào trong những thế khác nhau. Có cây cành được uốn công phu khum lại hình bông hoa đang nở, có cây  dáng ngiêng, cây có dáng trực, có cây dáng huyền .. Người trồng đào tuổi trung niên có khuôn mặt chữ điền, hồn hậu và chất phác say mê giới  thiệu với Thông về những cây đào...Anh nói: trồng đào công phu lắm, hàng ngày phải chăm  tỉa, uốn từng cành, từng chẽ cho nó vào thế. Chăm bón đúng kỳ hạn. Đặc biệt là kỹ thuật bí truyền trong việc trỉa cành lá, giữ cho đào nở vào đúng độ tết. Anh chỉ vào một cây đào cổ thụ nói: như cây đào này, mất công chăm sóc hơn chục năm mới có được  nó. Gốc cổ thụ, cành non.
Bất giác anh Thông liên tưởng  tới Thầy Lãng. Có những triết lý thật giản dị, đâu phải ai cũng biết. Thế là lại có chủ đề để hầu chuyện cùng thầy. Nghề trồng người của  thầy cũng gian nan lắm, dày công lắm …
Tôi mua cây đào này-  Anh Thông nói- tay chỉ vào cây đào trước mặt. Cây đào không lớn lắm,  gốc cổ thụ, cành non nhiều nụ, lác đác đã có bông nở đỏ thắm, nhụy phớt trắng. Cây có dáng tự nhiên, không cầu kỳ bởi cắt uốn nhưng nền nã và đẹp. Chắc Thầy Lãng sẽ rất hài lòng.


                                                                             Hưng Yên năm 2015 

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

NGÀY GIÁP TẾT


Trân trọng gửi cộng đồng thế giới ảo truyện ngắn này nhân những ngày tháng cuối năm 2015 


                                                                                                              Hưng Yên tháng ... năm ...

Tiền tết đã lĩnh, mọi thứ được chuẩn bị xong, sốt ruột vì chờ đợi, mãi tới hôm nay cơ quan mới được nghỉ tết. Có người đã vội đi chuyến xe cuối cùng  lúc nửa đêm qua về nhà. Vì đường về nhà phải chuyển nhiều tuyến xe, nên anh Hoàng sáng nay mới đáp chuyến xe sớm về quê. Hành khách trên xe khuôn mặt ai nấy vui vẻ phấn khích chuyện trò rôm rả về ngày tết: Bây giờ không gọi là ăn tết nữa mà là chơi tết. Trước đây dăm sau nhà chung con lợn. Ngày giáp tết tiếng lợn kêu eng éc, tiếng giã giò thì thụp vang làng. Mọi người đụng lợn chia nhau cân giò, cân thịt mỡ, miếng lòng. Cả năm làm lụng vất vả, đâu có miếng giò mà ăn. Nhưng nay khác rồi. Ngày thường trên mâm cơm đã có miếng giò, khoanh chả nên ngày tết cũng không còn háo hức với nó nữa. Người ta mua trữ đồ biển ăn cho lạ, song chủ yếu là chơi hoa, chơi cây cảnh. Anh Hoàng nói: với tôi điều sung sướng nhất là được ngơi nghỉ, đòan tụ cùng gia đình, họ hàng thăm nhau và tụ họp bạn bè. Đúng thế đấy, một hành khách khẳng định. Bây giờ là đòan viên, là chơi tết chứ không phải là ăn tết nữa. Thật mỗi thời gian một khác. Một hành khách khác kể: quê tôi vào mồng 3 tết, làng tổ chức rước nước. Đi đầu là quân binh gồm các chàng trai khỏe mạnh trong trang phục áo lậu vai vác đao kiếm, bát bửu, tiếp theo là đội tế  phần lớn là các chị em trong làng trong sắc phục áo tế màu vàng, kế đến là kiệu thánh mẫu, sau kiệu là đông đảo dân làng đủ mọi lứa tuổi. Đám rước đi  quanh làng, trống dong cờ mở  mang điều may mắn tới mọi nhà, sau đó ra bến sông, lên những  con thuyền chèo ra giữa  dòng. Người ta lấy nước ở giữa dòng về tế lễ.
Xe đi qua những khu phố nằm ven theo những triền đồi. Những vạt rừng thông lá kim khoảng chục năm tuổi trải dài trên những ngọn đồi, trong các thung lũng nhấp nhô như biển sóng. Phố phường với những ngôi nhà tầng mới được sơn lại, cái màu xanh cô ban, cái màu vàng…nằm xen giữa những khu nhà là những mảnh vườn, loáng thoáng hoa đào.
Suơng mù bao phủ cả bầu trời. Quá mù ra mưa, những hạt mưa xuân lây rây khiến đất trời như mơ, như thực. Mùa xuân đã đến rất gần. Ngồi bên cửa  kính ngắm đất trời, anh Hoàng nao lòng với bao kỷ niệm về gia đình, đặc biệt về những đứa con.
Trong thâm tâm, anh Hoàng chờ đón những ngày lễ này, để được đoàn tụ cùng gia đình, vợ và các con. Các con đã lớn và trưởng thành tới mức độ nào? Chúng có còn làm anh lo lắng như vài năm trước lúc độ tuổi có sự xung đột về tâm lý, thường không nghe lời bố mẹ, cho mình đã trưởng thành, không cần giáo dục của cha mẹ! Anh thích ngắm các con, khuôn mặt chúng, dáng vóc cao lớn của chúng, thấy vẻ đàn ông trên khuôn mặt còn lông tơ của chúng. Anh thích  những ngày cuối năm mọi thành viên trong gia đình xa gần tề tịu, đoàn viên chuẩn bị đón tết và  ngày mồng hai con cháu ở khắp nơi về quê thăm ông bà vui quây quần bên bữa cơm đầu năm. Lòng anh phơi phới, rộn ràng với những cảm xúc tươi mới và trong trẻo.
Chị Hoàng mở cánh cổng sắt  đón chồng, nói: các con về cả rồi. Mấy ngày nay các con cùng em rửa dọn tướt bơ! Mẹ con em chờ anh về!
Quả thật mọi thứ trong nhà được sắp xếp ngăn nắp…trần nhà mới quét, nền nhà mới lau, ban thờ cho đến bàn ghế tất cả đều đã được lau rửa sạch sẽ, mọi thứ đã được sắp đặt đâu vào đấy. Chị Hoàng nói: các con giờ có vẻ ngoan, tự giác làm những công việc gia đình, tỏ ra biết cách cư xử.
Anh Hoàng vui vẻ nói: mấy năm học đại học còn gì, trong môi trường sinh viên dần phải tinh khôn ra chứ.
Quả thật Hà cậu con trai lớn đã cao hơn anh nửa cái đầu, trước chỉ thấy cao vóng, giờ đã bắt đầu to ngang, trông cân đối và khỏe mạnh. Hà tỏ ra nhanh nhạy, thích giao lưu, và thường tỏ ra nổi trội trong đám bạn của nó .
Hòa có khuôn mặt của mẹ, vóc người cũng cao lớn, ít nói nhưng chắc chắn, làm việc gì là làm đến cùng. Anh Hoàng nói với vợ :Hà giống anh ở khuôn mặt và vóc dáng. Hòa giống em. Đúng là cùng một khuôn đúc mà mỗi đứa mỗi khác.
Chị Hòang nói: Anh cùng các con bày mâm ngũ quả. Hoa quả em đã chuẩn bị, để trên bàn đó.
Hà hỏi: tại sao lại phải bày ngũ quả trong những ngày tết.
Hòa nói: anh! Để thêm phần linh thiêng chứ còn sao nữa. Ban thờ trông cũng đẹp. Ngày tết có mâm ngũ quả cũng thêm phần trang trọng.
Anh Hoàng kể: đó là theo quan niệm của người phương đông nói chung  về thuyết ngũ hành. Ngũ hành thâm nhập vào đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Theo đó vạn vật tuân theo ngũ hành kim – mộc- thủy- hỏa thổ; vừa tương sinh vừa tương khắc. Đấy là quy luật sinh tồn, vòng quay của tạo hóa, bao hàm cả sự chuyển đổi của vị và của sắc. Sau một năm khi mùa màng thu hoạch xong, người Việt làm ngũ quả trong dịp lễ  tết; Chọn những quả thơm ngon, màu sắc độc đáo để cúng tổ tiên, gửi gắm ước nguyện và ý niệm sâu kín của mọi con người hướng về  tổ tiên trời đất; bày tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành và cầu xin an lành trong năm mới.
Chị Hoàng cười: anh nói văn vẻ quá. Còn quá nhiều tập tục của dân mình trong ngày tết. Anh có thể giải thích cho các con?
Anh Hoàng: làm sao biết hết. Các con hỏi. Hiểu điều gì anh trả lời cho ngọn ngành vậy thôi. Bọn trẻ bây giờ không biết thuần phong mĩ tục cũng coi như đánh mất cốt cách người Việt trong tâm hồn…..
Sáng nay mưa xuân lất phất rơi, lát sau tạnh, bầu trời mùa xuân đầy sương, sương vấn vít trên cành cây, trên những mái nhà, láng xóm chìm trong màn sương. Anh Hòang cùng con trai lớn lên chợ huyện. Thật ra giờ có thể mua đào, mua quất, hoặc cây cảnh ngay chợ làng. Mấy năm nay, giáp tết  những người trồng đào, quất.. mang cây đến tận chợ làng để bán. Song anh muốn cùng con đi chơi chợ tết.
Mùa xuân tràn ngập trong các gian hàng. Các loại bánh mứt tết, tranh ảnh, lịch tết được bày trên các sạp hàng. Đào Phai, bích đào, hoa tầm xuân, cành lộc, quất, quít, cây cảnh đủ loại  được bày bán trên các vỉa hè dọc đường phố huyện cho tới chợ đầu mối. Dòng người, mùa xuân ngập tràn trên những con đường, tất cả ngập tràn sắc đỏ, sắc vàng và màu xanh tươi mới. Người bán, người mua người đi vãn cảnh tạo thành phiên chợ hoa ngày têt ở phố huyện.
Hai cha con anh Hoàng mải ngắm đào. Những cây đào được uốn cong theo các kiểu thế cành đầy nụ, thoảng đã có bông nở. Những cây quất được tạo dáng, cây như chiếc ô xanh, cây trong dáng điệu tự nhiên, quả xanh, quả vàng, quả màu phớt hồng trĩu trịt trên cành. Những cây quít cao bằng đầu người,  từng cành, từng cành, quả quít to mọng nước, sắc vàng chín lủ cành.
Hà chọn được một cây đào. Hà nói: bố xem cây đào này, gốc cô thụ, chắc độ tuổi khoảng dăm năm. Người ta đã uốn cong thân chính, cành rất nhiều nụ. Anh Hoàng ngắm nghía đoạn nói với con:  Ừ cây đào này rất nhiều nụ, nhiều nụ lấm tấm, có nụ nứt kẽ, màu đỏ chớm hé e ấp, lác đác có bông nở. Mua cây đào này, để ở hiên chơi mấy ngày tết là vừa.
Người bán đào nói: cây này đã có người trả khoảng dăm trăm. Anh là người thứ hai trả giá đó. Chiều lòng người biết chơi cây, tôi để lại cho anh giá đó……
Hôm nay nhà anh Hoàng gói bánh chưng. Chị Hòang nói với chồng: thật ra có thể đặt mua vài cái bánh bày lên bàn thờ cúng tổ tiên là xong. Mấy năm nay làng có dịch vụ này, rất tiện. Nhưng em muốn nhà mình gói bánh, vui hơn.
Anh Hoàng nói: Làm bánh chưng bận bịu mất một ngày, nhưng đem lại cảm xúc ngày tết cho các con . Anh muốn  các con cảm nhận được sự sum họp, đầm ấm bên ánh lửa luộc bánh chưng ngày tết. Nồi bánh chưng sôi lục bục. Các con với anh  có thể vừa trông bánh  vừa chờ đợi phút giao thừa.
Hà và Hòa cũng thích học gói bánh. Hà bảo: năm nay mẹ phải gói nhiều bánh. Sau tết con và em mỗi đứa mang đi vài cái làm quà. Năm nay các bạn con sẽ tề tịu ở nhà mình. Bố mẹ cho phép con nhé. Chị Hoàng cười nói: bố mẹ rất vui vì việc đó. Bạn bè cả năm mới gặp nhau, cứ lành mạnh là được.
Anh Hoàng vẫn không thôi với những ký ức đêm ba mươi khi hai con còn bé. Chúng háo hức bên anh bên bếp lửa một lát rồi buồn ngủ, mắt trĩu xuống. Anh đợi gần đến giao  thừa gọi các con dạy. Vợ anh cũng dạy. Giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới  thiêng liêng và diệu kỳ. Không gian đột nhiên như lắng lại rồi chợt bùng nổ, vỡ òa bởi muôn ngàn tiếng pháo thăng thiên nổ lục bục. Đất trời và lòng người giao hòa. Khoảnh khắc ấy không gian, vạn vật bỗng như bừng sáng và lòng người cũng hân hoan trước thềm năm mới.
Hôm trước chị Hoàng đã rửa lá, cắt bỏ cuống lá, nạo mỏng cuống, xếp gọn thành từng bó, rất tiện để gói.  Anh Hoàng chọn những lá dong bánh tẻ,  lau sạch rồi nhẹ nhàng, khéo léo đặt lên chiếc mâm nhôm. Hai lá bao ngoài mặt phải của lá phải lộn xuống phía dưới, hai lá bao trong mặt phải của lá ở trên. Đặt lá như thế mặt ngoài chiếc bánh xanh, và bánh cũng xanh- Anh Hoàng vừa làm vừa giải thích cho hai con trai.
Chị Hoàng tay cầm đũa cả xéo đi, xéo lại đỗ trong nồi cho tơi cho mịn. Anh Hòang cầm cái bát con  , đong từng bát xôm xôm đổ gọn lên lớp lá dong đã trải.
Chị Hoàng tay nắm từng nắm đỗ, đặt lên lớp gạo vừa đổ, đặt lên đó vài miếng thịt lợn bạc nhạc, rồi lại đặt lên đó nắm đỗ. Mùi đỗ có hương vị cay nồng của hạt tiêu, mùi thịt lợn, mùi gạo nếp thơm nồng. Anh Hoàng xúc lưng gạo, đổ phủ lên phía trên rồi lựa tay, khéo léo gấp lá, gói thành chiếc bánh vuông vắn, dùng lạt buộc chặt tấm bánh.
Chị Hoàng vừa giúp chồng gói bánh vừa nói với các con: các con nhớ: mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày.  Sáng ngày mồng một tết, sau khi ăn cơm các con cùng bố sang chúc tết ông bà nội ngoại, chiều cùng mẹ ra chùa. Bố nó đi chúc tết họ hàng, hàng xóm láng giềng. Mồng hai cả nhà ăn cơm bên nhà nội…..Các con nhớ không được phép đi xe máy khi đã uống rượu. Ngày tết các con phải ngoan ngõan, nghe lời cha mẹ, giúp cha mẹ công việc, tránh cãi vã khéo rông cả năm.
Hà hỏi bố: sao lại có ngày tết, ngày lễ? Hòa cũng băn khoăn hỏi bố câu hỏi như vậy.
Anh  Hoàng suy nghĩ giây lát rồi nói với các con như tự sự. Mới hay sự kỳ diệu của tạo hóa. Sự luân chuyển của nó  tạo ra mùa, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tiết trời, tạo nên thói quen và tập tục  của làng quê,  văn hóa của dân tộc. Mới hay sự khăng khít của con người và thiên nhiên. Những tập tục văn hóa ấy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên truyền thống, cốt cách của dân tộc. Thiếu cái đó, mất đi cái đó là mất đi cơ hội để phát triển.
Anh Hoàng gói bánh nhanh. Cái nào, cái nấy vuông văn góc cạnh.  Anh nói với các con: thật ra có thể làm khuôn  để gói, bánh sẽ đều và vuông vắn hơn. Một số nơi không dùng lạt gói ,mà dùng ghim cài. Bố đã quen gói bộ rồi.
Chị Khanh hàng xóm thấy gia đình anh Hoàng gói bánh sang góp vui. Chị Khanh nói: Ông Hoàng gói bánh khéo hơn cả đàn bà con gái.
Anh Hoàng cười: cứ mạnh dạn là được. Gói bánh phải đều và chặt tay, tránh làm lại.
Chị Khanh: lát nữa nhờ ông gói hộ. Nhà tôi, tôi cũng đã học gói bánh. Chẳng hiểu sao không được. Gạo đi đằng gạo, lá đi đằng lá chán chết.
Chị Hoàng cười vui: Bà về xóc gạo với muối đi, thổi đỗ, chuẩn bị lá. Lát nữa ông nhà tôi sang gói. Tiện có cái nồi quân dụng, mấy nhà luộc chung cho vui….
Anh Hoàng cho cuống lá dong vào đáy nồi, xếp bánh lên phía trên, đặt xoong lên cái bếp mới  được xếp bằng gạch, đổ nước vào nồi rồi nhóm lửa. Lớp củi bằng thân cây roi và gốc tre ngâm khô lâu ngày cháy như reo vui trong bếp. Ngọn lửa chẳng mấy chốc đã đượm, lửa la liếm trên thành xoong. Nước đã bắt đầu sôi, hơi nước mang mùi bánh chưng tỏa thơm khắp nhà.
Ngoài trời bắt đầu tối. thoảng có tiếng rit như xé vải của quả pháo thăng thiên và rồi tiếng nổ lục bục của nó. Những tia lửa từ quả pháo bắn ra tỏa xuống như hoa cà hoa cải. Anh Hoàng từ nhà trên xuống bếp nói với các con: Giao thừa đã  rất gần rồi!
                                                                                    Hưng Yên ngày  tháng  năm 


                                                                                                Hồ Ngọc Vinh