Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

TUÂN NGUYỄN – TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI…

img_8195

ĐỌC BỘ SÁCH “NGÔ MINH TÁC PHẨM”, TẬP 2:

TUÂN NGUYỄN – TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI

 Ngô Minh
 tuan-nguyenNhà văn Tuân Nguyễn
Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách “ Nhớ Tuân Nguyễn” do anh sưu tầm và biên soạn ( NXB Hội Nhà văn, 2008). Cuốn sách 420 trang dày dặn là tập hợp đầy đủ nhất về tính cách, sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh. Đã 25 năm Tuân Nguyễn  về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Họ vẫn lưu giữ thơ anh, vẫn thuộc thơ anh để chép lại cho người biên soạn sách. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ. Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi: Sao người trí thức trẻ ấy lại lâm vòng lao lý oan khiên làm vậy?  Trong bài “ Tuân Nguyễn- Kẻ mơ mộng”, Hà Nhật kể :” Buổi chiều ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe là lạnh người: Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: Khi có ai đó muốn kêu lên:” Trời ơi sao mà tôi khổ thế ?”, thì nhìn vào Tuân Nguyễn  sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.

Tôi chưa được gặp anh Tuân Nguyễn. Thế hệ độc giả Việt Nam tuổi 60 như tôi trở xuống cũng không mấy người biết Tuân Nguyễn, bạn đọc ở miền Nam lại càng không biết, vì thời trẻ anh chỉ có ít thơ  in trên báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được xuất bản, lúc 31 tuổi (1964) anh đã bị tù tội đến 10 năm trời. Nhưng giới trí thức Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước ai cũng biết “vụ” Tuân Nguyễn. Vì Tuân Nguyễn là nhà báo, thân thiết với làng văn nghệ, nên việc anh bị bắt làm rúng động giới trí thức lúc bấy giờ. Tôi biết nhiều về Tuân Nguyễn nhờ anh Phùng Quán kể; rồi sau này biên soạn, tổ chức bản thảo mấy cuốn sách về Phùng Quán, được đọc nhiều bài viết về Tuân Nguyễn. Năm 1985, lần đầu tôi đến nhà anh Phùng Quán ở phía sau Trường Chu Văn An cũ. Tôi thấy nhà thơ có làm trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo  khi còn tuổi vị thành niên mà Phùng Quán viết trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”; bên cạnh là trang thờ Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỷ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Anh bảo thiêng lắm. Năm 2003, sau khi ra mắt cuốn “Nhớ Phùng Quán” (NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “ Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn “Phùng Quán– Ba phút sự thật” cho NXB Văn Nghệ, tôi đã coi bài viết của Phùng Quán về Tuân Nguyễn là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp một nhân cách tuyệt vời. Bị tù tội gần 10 năm xơ xác thân mình vẫn đam mê văn chương thơ phú. Bị ô tô tông chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết ở tuổi mụ 49, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăng trối của Tuân Nguyễn :” Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…”

           Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI ! Phùng Quán kể rằng, có lần Tuân Nguyễn “định viết bài thơ dài, nhan đề : Tôi có lỗi.  ”Chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Tôi ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng Đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”. Nói cách khác người trí thức, nghệ sĩ chưa có những tác phẩm lớn để để lay động tâm can cơn người, làm cho con người ngày càng NGƯỜI  HƠN, nên xã hội còn có quá nhiều kẻ hại dân hại nước ! Lỗi là lỗi như thế. Vì lẽ đó, đọc cuốn “Nhớ Tuân Nguyễn”, tôi muốn kể lại câu chuyện về NGƯỜI CÓ LỖI Tuân Nguyễn để bạn đọc biết thêm trí thức Việt Nam đã sống như thế nào trong cái thời khốn khổ chưa xa ấy…

Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì kháng chiến. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên anh  đảo ngược lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận . Theo nhà thơ Hà Nhật, bạn thân của Tuân Nguyễn thì quê gốc của anh ở Quảng Bình. Học trường Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương.  Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh là người mơ mộng, người lãng mạn nên thoát ly theo cách mạng.  Năm 1949, anh tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội…Thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Sau Hiệp định Geneve anh được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa văn khoá I cùng lứa với Hà Nhật, Vũ Bội Trâm ( vợ Phùng Quán sau này). Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.
Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam  là những năm Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết Người mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh mê Đốt, nghiện Đốt. Anh  thích thơ Chế Lan Viên qua tập thơ “ Ánh  sáng và phù sa”. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi như đảo Cô Tô, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, sang Vân Nam, Trung Quốc, vô tận Vĩnh Linh, Quảng Bình, đi thuyền trên sông Kiến Giang. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực của người dân và những sai lầm khuyết điểm trong xây dựng kinh tế và quản lý xã hội ở miền Bắc. Ở Hà Nội, anh chơi thân với nhiều bạn văn thơ như Băng Sơn, Nguyễn Xuân Thâm,Tạ Vũ- Nguyễn Thị Điều, Vân Long, Hà Nhật, Hoàng Tố Nguyên.v.v. Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam , “Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “ Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “ Anh nhìn bằng tim tim anh trong vắt”, anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trôi, thơ tặng một kiều bào về nước, tặng một chuyên gia địa chất Nga.v.v..Anh còn viết nhiều thơ tình rất sâu sắc: Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu / Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng ( Không dề I); Khi tình yêu đi qua / Một mảnh buồn ở lại ( Không đề II)…Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè : Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười;  Phật nào lấp được bể trầm luân…Bạn bè anh hay nhắc bài thơ Nghe nhạc Johann Strauss viết trong một đêm cùng bạn thơ đi chơi Hà Nội rồi về nhà Băng Sơn uống rượu :
Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp
                           Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao
                           Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
                           Những con người nước lạ phải lòng nhau
Nghe bản nhạc Sông Đa Nuýp xanh của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý thơ Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp là rất nhạy cảm. Câu thơ Những con người nước lạ phải lòng nhau chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in  nhiều ở báo Văn Nghệ, báo Thống Nhất, phát trong buổi Tiếng Thơ. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện. Nhưng  như trong bài thơ Không đề I anh viết năm 1963: Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/  Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến độ rằm…Những câu thơ như là vận vào số phận của anh…

Ngày 21/10/1964, khi mới 31 tuổi, tài năng sắp chín, Tuân Nguyên bị bắt tại cơ quan trước sự ngạc nhiên của bạn bè, đồng nghiệp. Tại sao anh bị bắt ? 45 năm nay, câu trả lời vẫn úp mở. Theo tôi biết, Tuân Nguyễn bị bắt trong trào lưu “chống xét lại” nhập khẩu từ Phương Bắc những năm 69 của thế kỷ XX. Tức là theo phong trào “chung sống hòa bình” đang nổi ở Liên Xô, ngược với tư tưởng “thế giới đại loạn” của Mao. Trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những việc làm không đúng, không nhân văn, những ấu trĩ, non nớt của các cấp lãnh đạo. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “ xét lại”, “chống đối  ”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án. Để tìm ra những trí thức “phản động” đó cần phải có bọn dòi bọ làm nghề tố giác! Tố giác để tâng công, tố giác để chạy tội.  Phùng Quán kể :”Tuân Nguyễn “trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ  quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrutsov…vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”. Hơn nữa, lãnh đạo đã để ý nhiều lần Tuân Nguyễn chơi thân với “Phùng Quán nhân văn giai phẩm”, Phùng Quán hay đến Đài. Vì Phùng Quán và Tuân Nguyễn ở cùng tiểu đội trong Trung đoàn 101 thời chống Pháp ở Bình Trị Thiên sao mà không thân nhau được. Mà Tuân Nguyễn lại không quan niệm Phùng Quán là người có tội. Phùng Quán bị nạn, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Phùng Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn cũng đã lường trước hậu quả của mỗi quan hệ này, nên anh đã nhờ người canh chừng. Trong bài Nhớ anh Tuân Nguyễn, Mai Niệm viết :” Mỗi lần anh Quán đến chơi, anh Tuân nguyễn thường nhờ tôi xuống dưới cầu thang cạnh bếp ăn tập thể để canh có ai hỏi anh Tuân Nguyễn thì ngăn lại, bảo anh đi vắng (nhất là H)…. Sáng 18/8/1963, anh Quán đến… Tôi đang lau xe đạp thi H đến. H. là người cùng phòng nên  đi thẳng lên gác…Vừa lên chưa được một phút, H đã xuống mặt hầm hầm sát khí bảo tôi :Sao câu lại để cho ông Quán đến cơ quan mình mà không báo bảo vệ ?”…Tuân Nguyễn có một bài viết rất sâu nói về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. Bài viết bị trưởng phòng cho là “không có lập trường”, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.v.v.. Thế là tên Tuân Nguyễn đã nằm trong “sổ đen” rồi. Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể :”Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H. người cùng Phòng Văn nghệ lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…” Về việc cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn,  Xuân Đài  kể rằng, Tuân Nguyễn đã báo cho bạn bè biết ai đó đã mở ngăn kéo bàn viết của anh, dù đã khoá rất kỹ, lấy mất  cuốn nhật ký và một chỉ vàng. Tuân bảo nhật ký của mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước và thơ. Thằng đê tiện đã đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thêm chỉ vàng để Tuân Nguyễn nghĩ là kẻ gian lấy trộm. Người  biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo, hai anh đều là đảng viên, đều làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam thời ấy cho biết, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ phòng Văn nghệ  chuyển lên lãnh đạo là… H cùng phòng với Tuân Nguyễn.  Không biết đến bây giờ H.còn sống để đọc cuốn Nhớ Tuân Nguyễn không? Nếu đọc thì “con người lập trường“ ấy có chút gì ân hận về việc làm hèn mạt của mình không ?  Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ rất cảm động, nhưng “gay cấn” là bài  “Khóc thầy”. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai người bị quy tội “đại xét lại”:  Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất / Tiếng nói của lương tâm / Đau đớn này đau đớn nào hơn / Chân lý không muốn nằm dưới đất / Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ… Và đây là hai câu kết :
Chúng con đi sau linh cửu của thầy
                                      Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa

         Ta đã biết ai  là kẻ đã ăn cắp cuốn nhật ký Tuân Nguyên để tâng công với cấp trên. Nhưng theo nhà văn Xuân Đài, cái anh H ấy rồi sau này vẫn không cứu được mình, do sống tha hoá nên bị khai trừ ra khỏi đảng.  Nhưng không hiểu sao, khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn (tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách  này) , là người cùng phòng, lại đồng hương lấy. Chính tôi thế hệ sinh sau, ra Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỷ XX , khi nhắc đến Tuân Nguyễn cũng nghe nói như vậy. Một mất mười ngờ. TNV rất đau khổ trước sự độc mồn độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyên đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “ nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Nhưng anh Vấn chẳng thanh minh với ai.  Anh lặng lẽ gửi đồ tiếp tế, sách, bút Trường Sơn, và cả cuốn từ điển Nga-Việt vào Trại cải tạo cho Tuân Nguyễn tự học tiếng Nga , để dịch được cuốn sách Bim trắng tai đen của G.Trôiepônxki ra tiềng Việt được tái bản nhiêù lần. Tuân Nguyễn đi tù, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn vừa tôn vinh một người bạn tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình. Cảm ơn tấm lòng và sự kiên nhẫn của nhà thơ Trần Phương Trà !

Trong chuyện bị bắt của Tuân Nguyên, có một chi tiết Phùng Quán kể làm người đọc cười ra nước mắt. Trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn là thanh niên chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên khi viết về một nhân vật chơi bời, Tuân Nguyễn thiếu thực tế, liền nhờ Phùng Quán kiếm cho một cái “đồng tiền vàng”, tức là  nhãn hiệu của cái bao cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Thời đó loại bao cao su này không được bán tự do bên ngoài, mà chỉ có ở cửa hàng phân phối có giấy giới thiệu của Công đoàn cơ quan mới mua được. Phùng Quán ngờ bạn mình đang cần cái đó vì yêu. Nhưng không phải, Tuân Nguyễn chỉ xem để  biết, để mô tả cho chính xác khi viết văn. Phùng Quán  bảo với Tuân Nguyên rằng:“tay H (H đã nói ở trên) hay chơi bời, cùng cơ quan với cậu lúc nào cũng có “đồng tiền vàng” trong túi, Cậu hỏi xin nó một cái”.  Và cái ngày định mệnh 21/10/1964 ấy, Tuân Nguyễn gặp H. tại cổng cơ quan, hỏi  xin một “đồng tiền vàng” . H móc túi lấy cho Tuần Nguyễn một đồng tiền vàng. Tuân Nguyễn đút túi chưa kịp bóc xem thì  người ta đến đọc lệnh. Sau lệnh bắt, người ta yêu cầu Tuân Nguyễn cởi bỏ hết đồ mang theo trong người, kể cả kính cận, để lập biên bản. Thế là đồng tiền vàng trong túi bị phát hiện. Tuân Nguyễn hổ thẹn lắm, vì anh bị quy thêm một tội nữa: Chưa vợ mà có đồng tiền vàng tức là “hủ hoá” ! Sau này Tuân Nguyên kể với Phùng Quán: “ Lúc đó, một chi tiết khó tin trong tác phẩm Kỷ niệm ngôi nhà những người chết của Dostoievsky vụt hiện lên trong ký ức mình.Có một người tử tù sắp sửa phải thụ hình. Y bị trói vào cọc hành hình cố vươn ra chuẩn bị đón lưỡi dao bén ngọt của đao phủ. Y chợt ngoảnh lại, run rẩy nói với người đao phủ: Trên gáy tôi có cái ung nhọt đang mưng mủ. ông làm ơn đừng chém vào chỗ cái nhọt ! Rất đúng với hòan cảnh của mình lúc đó, sắp phải đi tù không biết bao nhiêu năm, thế mà mình lại không cảm thấy đau khổ bằng sự việc trong túi  có đồng tiền vàng”. Đi tù cải tạo 9 năm 7 tháng , cho đến khi ra tù, Tuân Nguyễn vẫn chưa biết đồng tiền vàng ấy hình thù như thế nào…

Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn bị đưa vào Trại cải tạo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong  bài “ Nhớ thương anh”  Phạm Ngân Giang, là người đã cưu  mang Tuân Nguyên nơi ở khi ra tù trong một thời gian , cho biết, ở Trại cải tạo Nghĩa Đàn, anh được làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu, thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ… Anh sống nhân cách, không kêu ca phàn nàn, lại hay nhường nhịn giúp đỡ mọi người, nên ai cũng thương anh.  Trong trại người ta nhốt cao bồi riêng, gái điếm riêng, họ nhờ anh đưa thư cho nhau, anh thương tình đưa hộ, bị giám thi trại bắt được, cảnh cáo nếu tái phạm thì chuyển đi lao dộng chứ không được làm thống kê nữa. Ở Trại Nghệ An được một năm thì Trại bị máy bay Mỹ bắn nên chuyển ra Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Thời hạn cải tạo được 4 năm anh được Ban giám thị Trại cho làm bản tự kiểm điểm để được tha, nhưng Tuân Nguyên không tự kiểm điểm mình mà lại viết bản lên án , tố cáo Ban giám thị ăn hối lộ, đút lót.v.v. nên không những không được tha mà bị chuyển qua trại Bá Thước (cũng ở Thanh Hoá) làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha anh khoác ba lô về, loanh quanh mấy tháng trời không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Anh buồn chán lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ. Mọi người trong trại khuyên anh  hãy về với cuộc sống để yêu, để bảo vệ cái đẹp. Về để đi tiếp chặng đường dang dở của mình. Và anh lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè…Anh đi đánh véc ni, đi dọn vệ sinh ( đổ thùng nhà cầu) ở ga Hàng Cỏ để sống qua ngày.

Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyên như là sứ giả của Thượng Đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý, là con gái của  ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả  Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của  trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm, dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái  CHẤT NGƯỜI  cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng ? Nhà văn Thái Vũ ( Bùi Quang Đoài) viết:” Quả là “mệnh trời” khi Tuân gặp Thuý, khi nỗi buồn khó dứt của một người đang mong có một niềm vui, đúng hơn là một chỗ dựa. Trong thời buổi chữ “tài” đang lay lắt thì chữ “mệnh” đúng là đã cứu vãn một kiếp người…”

Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn như  Phạm Ngân Giang, Vũ- Điều, Băng Sơn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buống 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp soong , bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường…Hoạ sĩ Chu Hoạch góp một bức chân dung Đốtx treo trước bàn viết, Phùng Quán, Lê Huy Quang góp tre đóng chạn đựng bát đữa, soong nồi… Sau khi có nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình. Tuân Nguyên làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiêù bản gửi đi mời bạn bè.
Quá nghèo nên tạm thế này thôi
                                  Đâu dám làm cho khác mọi người
                                  Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
                                   Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
                                   Bao năm nghoảnh lại hoàn tay trấng
                                   Một sáng nhìn lên miệng hé cười
                                   Thiếp báo là thơ- giờ gửi tới
                                    Xin mời có dịp đến nhà chơi.

          Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người: … Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ nhà thơ như ở đây? / Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi / Ba phải đứng vì không đủ chỗ… Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ cô đơn như ở đây ?/ Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa / Sống bằng thơ đau với rượu cay/ Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ yêu thương như ở đây ? / Mỗi tấc đất có một người quỳ gối / Dâng trái tim và nước mắt / Cho nỗi đau của cả loài người…

         Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyên- Phương Thuý vào Sài Gòn ở lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ anh đã được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức, ngoài giờ thì dịch sách báo. Buồn cười nhất là khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, đoạn thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, tổ chức bảo anh kê khai là “ nghỉ chữa bệnh!”. Vui thật. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nơi. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo :” Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăng trối câu nổi tiếng : Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”. Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một lời nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này: Chính Trí thức là người có lỗi, vì từng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh .Vâng, chúng ta là người có lỗi !

                                                                       


Ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc

 31/01/2017

“Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và ngoại giao nước ngoài, Trung Quốc đang xúc tiến các mục tiêu hình thành một vùng thống trị về thương mại, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, và các liên kết an ninh. Do đó, nếu các quốc gia đang gánh chịu những mức nợ nặng nề thì nỗi lo tài chính của họ chỉ giúp cho các mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước chưa bị sập bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý – và làm bất cứ điều gì họ có thể làm để tránh nó”.
_____
Tác giả: Brahma Chellaney
Dịch giả: Song Phan
23-01-2017
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
NEW DELHI – Nếu có một điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thật sự nổi trội thì đó là việc sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy lợi ích địa chiến lược của nước họ. Thông qua sáng kiến “một vành đai, một con đường” $1000 tỉ Mỹ kim, Trung Quốc đang trợ giúp các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường bằng cách mở rộng các khoản vay lớn cho các chính phủ của họ. Kết quả là các nước đang bị rơi vào bẫy nợ nần khiến cho họ dễ bị Trung Quốc ảnh hưởng.
Tất nhiên, việc mở rộng các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng vốn không phải là xấu. Nhưng các dự án mà Trung Quốc đang tài trợ thường không có ý định nâng đỡ nền kinh tế địa phương, mà để tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu kém chất lượng, giá thành thấp của họ. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của chính họ làm giảm thiểu số lượng việc làm được tạo ra cho địa phương.
Một số dự án đã hoàn thành bây giờ đang chảy máu tiền. Ví dụ, Sân bay quốc tế Rajapaksa Mattala của Sri Lanka, mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, đã được gọi mỉa mai là sân bay vắng nhất thế giới. Tương tự như vậy, cảng Magampura Mahinda Rajapaksa ở Hambantota phần lớn vẫn để không, giống như cảng Gwadar nhiều tỉ đô la ở Pakistan. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, các dự án đang vận hành đúng như đòi hỏi: tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần cập bến Sri Lanka, và gần đây hai tàu chiến Trung Quốc đã tạm dùng sự an toàn của cảng Gwadar.
Theo một nghĩa nào đó, thậm chí sẽ là tốt hơn cho Trung Quốc khi các dự án không chạy tốt. Suy cho cùng, gánh nợ nần càng nặng cho các nước nhỏ thì đòn bẩy của chính Trung Quốc sẽ càng lớn thêm. Hiện tại, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc hung hăng theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của họ ở biển Đông.
Hơn nữa, một vài quốc gia bị ngợp bởi các khoản nợ của họ đối với Trung Quốc, đang bị buộc phải bán cho họ các cổ phần trong các dự án do Trung Quốc tài trợ hay trao quyền quản lý cho các xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Ở các nước có nhiều rủi ro về tài chính, Trung Quốc hiện nay đòi hỏi nắm đa số về sở hữu trước. Ví dụ, trong tháng này Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với Nepal trong việc xây dựng một đập nước nữa do Trung Quốc sở hữu phần lớn ở đó, với Tập đoàn quốc doanh Tam Hiệp của Trung Quốc nắm 75% cổ phần.
Như thế vẫn chưa đủ, Trung Quốc đang thực hiện các bước để cầm chắc rằng các nước sẽ không thể thoát ra khỏi nợ nần. Để đổi lại việc gia hạn trả nợ, Trung Quốc hiện đòi hỏi các nước phải trao cho họ các hợp đồng cho các dự án bổ sung, qua đó làm cho cuộc khủng hoảng nợ của các nước này không dứt được. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc xoá $90 triệu nợ cho Campuchia, chỉ để nắm được nhiều hợp đồng lớn mới.
Một số nền kinh tế đang phát triển đang hối hận về việc họ quyết định nhận vay nợ của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã nổ ra bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan, do việc Trung Quốc chủ ý bán phá giá hàng hóa, đang giết chết sản xuất địa phương, và bị trầm trọng hơn do việc Trung Quốc nhập khẩu lao động cho các dự án của chính họ.
Chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã ra lệnh điều tra các cáo buộc Trung Quốc hối lộ cho các lãnh đạo cũ. Tháng trước, Zhao Lijian, quyền đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, đã tham gia vào một vụ tranh cãi với các nhà báo Pakistan trên Twitter về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến dự án và việc sử dụng tù nhân Trung Quốc sang làm lao động ở Pakistan (không phải là một cách làm mới đối với Trung Quốc). Zhao mô tả những cáo buộc trên là “vô nghĩa”.
Nhìn lại, những mưu đồ của Trung Quốc có vẻ rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận vay nợ của Trung Quốc, theo nhiều cách, là dễ hiểu. Bị các nhà đầu tư lơ là mà họ lại có những nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn chưa được đáp ứng. Vì vậy, khi Trung Quốc chường mặt ra, hứa hẹn đầu tư rộng lượng và tín dụng dễ dàng, họ đều tham gia vào. Chỉ sau đó khi rõ ra mục tiêu thực sự của Trung Quốc là để thâm nhập thương mại và nắm đòn bẫy chiến lược; đến lúc đó thì đã quá muộn, và các nước đều đã bị kẹt vào vòng luẩn quẩn.
Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Mặc dù nhỏ nhưng nước này nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng phía đông của Trung Quốc và các cảng Địa Trung Hải. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi nó là vị trí trọng yếu cho việc hoàn thành con đường tơ lụa trên biển.
Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh ở Sri Lanka trong thời cầm quyền gần như độc đoán của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Quốc đã bảo bọc Rajapaksa khỏi những cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và người cho vay đứng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai ở đây, cho Trung Quốc đòn bẫy ngoại giao đáng kể.
Mọi việc đều thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, cho đến khi bất ngờ Rajapaksa bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ giải thoát Sri Lanka khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Đúng như hứa hẹn, ông cho ngưng công việc đối với các dự án lớn của Trung Quốc.
Nhưng đã quá muộn: chính phủ Sri Lanka đã ở trên bờ vực vỡ nợ. Vì vậy, như một cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc đã quang quác, Sri Lanka không có lựa chọn nào khác ngoài việc “quay lại và ôm Trung Quốc trở lại.” Sirisena, cần nhiều thời gian hơn để hoàn trả các khoản vay cũ cũng như tín dụng mới, lẵng lặng chấp nhận một loạt các đòi hỏi của Trung Quốc , khởi động lại các sáng kiến bị đình chỉ, như dự án $1,4 tỉ cảng thành phố Colombo, và trao Trung Quốc nhiều dự án mới.
Sirisena cũng vừa đồng ý bán 80% cổ phần cảng Hambantota cho Trung Quốc với giá khoảng $ 1,1 tỉ. Theo đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần trong các dự án khác cũng đang được thảo luận, để giúp Sri Lanka “giải quyết vấn đề tài chính của mình”. Bây giờ, Rajapaksa tố cáo Sirisena trao cho Trung Quốc những nhượng bộ quá mức.
Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và ngoại giao nước ngoài, Trung Quốc đang xúc tiến các mục tiêu hình thành một vùng thống trị về thương mại, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, và các liên kết an ninh. Do đó, nếu các quốc gia đang gánh chịu những mức nợ nặng nề thì nỗi lo tài chính của họ chỉ giúp cho các mưu đồ thực dân mới của Trung Quốc. Các nước chưa bị sập bẫy nợ của Trung Quốc nên lưu ý – và làm bất cứ điều gì họ có thể làm để tránh nó.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

CHẤN HƯNG ĐẠO ĐỨC BẮT ĐẦU TỪ CON NGƯỜI HAY THỂ CHẾ
                            
                                                                                             Phamvietđao/ Blog
Cuộc tọa đàm Mùa Xuân do Tạp chí Người Đô Thị tổ chức năm nay có sự góp mặt của TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban tuyên giáo Trung ương; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; nhà báo Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ; nhà giáo - TS. Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen; ông Lương Văn Lý - chuyên gia công pháp quốc tế, Công ty Luật Phước và các cộng sự; ông Võ Trí Hảo - tiến sĩ luật học, PGS. Khoa Luật Đại học Kinh tế TP.HCM; NSƯT Thành Hội - Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.
Khách mời đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nên quan điểm đa chiều, có khi đối nghịch nhưng về tổng thể, mọi người đều thừa nhận đạo đức xã hội lâm nguy.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan là khách mời đến sớm nhất dù ở xa nhất. Mượn lời một biên tập viên trên sóng truyền hình quốc gia, ông cho rằng tử tế không phải là câu chuyện của riêng ai. Quan chức bớt tham nhũng, xã hội có thêm nhiều trường học, bệnh viện. Doanh nhân bớt hàng gian hàng giả, cạnh tranh sòng phẳng để đôi bên cùng thắng. Nông dân không sản xuất nông sản bẩn, chôn đồng loại và chôn chính mình. Người lãnh đạo cao nhất Đồng Tháp chia sẻ mong muốn thúc đẩy hệ thống công chức dưới quyền hành xử tử tế, dù thừa nhận mục tiêu này không dễ thực hiện. Nguyên nhân “có lẽ bắt nguồn từ sai lầm nào đó, sai sót nào đó trong hệ thống”. Thêm nữa, đánh giá, xếp loại công chức chủ yếu dựa trên thang đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, trong khi tử tế khó thể lượng hóa. Nhắc lại câu nói của nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, luật sư Martin Luther King rằng “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”, ông Hoan nhận xét sự tử tế đang đơn độc.
Khi tử tế cô đơn
Những hành vi tử tế ít có không gian sinh tồn là một thực tế. Thời mới về nước làm việc trong hệ thống công quyền, ông Lương Văn Lý (nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM), từng chủ động khước từ danh hiệu Lao động tiên tiến trong một đợt bình bầu cuối năm do tự nhận thức chưa xứng đáng. Thay vì được khen trung thực, ông bị tổ chức phê bình làm ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua của tập thể. Nghệ sĩ Thành Hội, Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thuật lại tình huống một người đàn ông rớt bọc tiền trên đường. Có người nhào lại lấy chân chặn lên mớ tiền xổ tung tóe, can ngăn đám đông xúm vào hôi của. Kết cục, nạn nhân vẫn mất tiền, còn người nghĩa hiệp xém bị đập hội đồng. Bản thân ông Hội cũng từng gặp rắc rối vì hành vi tử tế. Chứng kiến một vụ tai nạn giao thông trong lần lái xe từ Sài Gòn ra Nha Trang, ông xốc nạn nhân lên xe, chạy thẳng đến bệnh viện. Ông cùng chiếc xe vung vãi máu me bị công an giữ lại thẩm vấn! Những mẩu chuyện thực tế cho thấy hai khía cạnh. Một là người tử tế trong xã hội vẫn còn. Và hai là môi trường không thuận lợi để hành vi tử tế bộc lộ.
Đụng đến luật pháp, TS. Võ Trí Hảo nhập cuộc với góc nhìn bao quát. Ngược về thời bao cấp, ông Hảo bình luận luật pháp lúc đó khá sơ sài; tuy nhiên, xã hội trật tự vì có những sợi dây như hội đoàn giằng
Lê Minh Hoan:“Người ta nói bao cấp kinh tế xóa được nhưng bao cấp trong tư duy chưa xóa được. Hãy để xã hội vận động và tự họ điều chỉnh, nếu xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng và xã hội, đã có pháp luật”
giữ thiết chế xã hội. Mở cửa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là một loại dung môi khiến những sợi dây này bị hòa tan. Thiết chế cũ đổ vỡ, thiết chế mới chưa kịp hình thành là nguyên nhân chủ yếu khiến đạo đức xã hội đảo lộn. Theo ông Hảo, pháp luật Việt Nam không hỗ trợ tốt kinh tế thị trường, tác động tiêu cực đến không gian sinh tồn của sự tử tế. Cụ thể, pháp luật thời gian dài dè dặt thừa nhận nguồn luật gồm tập quán pháp và án lệ. Nguyên nhân từ đâu? Lịch sử để lại vai trò độc tôn của các văn bản quy phạm pháp luật trong suốt đêm trường trước Đổi mới. Lùi xa hơn nữa là cơn ác mộng cải cách ruộng đất. Cái gọi là “đấu tranh giai cấp” khuyến khích công chúng ác cảm với tập quán, kể cả tập quán tốt đẹp, chúng mặc nhiên bị xem như di sản của chế độ phong kiến và thuộc địa, cần phải dọn sạch. Năm 2014, Việt Nam bắt đầu thừa nhận án mẫu nhưng quá trình hình thành án lệ vẫn còn rất dài. Pháp luật Việt Nam cũng chưa hỗ trợ tốt cho niềm tin, mà biểu hiện rõ nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng trong tố tụng dân sự. Pháp luật tố tụng dân sự trong một thời gian rất dài từng yêu cầu hòa giải bắt buộc, dẫn đến bị bên gian manh lạm dụng tìm cách kéo dài thời gian tố tụng - vô hình trung khuyến khích rủi ro đạo đức (moral hazard). Biết chắc sẽ thua kiện vì chây ỳ trả nợ nhưng những người không tử tế sẵn sàng vi phạm hợp đồng bởi khả năng bị trừng phạt không tương xứng với lợi ích từ việc chiếm dụng trái phép tài sản của đối tác. Ngay khi thắng kiện, người ngay vẫn tiếp tục mệt mỏi vì quá trình thi hành án. Kết quả khảo sát của VCCI và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện cung cấp những con số thống kê dễ làm thui chột niềm tin vào công lý. Nếu giải quyết tranh chấp tại tòa Việt Nam thành công khoảng 60% thì phương án thuê xã hội đen có xác suất thành công lên đến 80%! Thời gian qua tòa tốn hai năm, còn xã hội đen chỉ cần ba tháng. Tỷ lệ thi hành án qua tòa ước tính đạt 50% vì bị tẩu tán tài sản, trong khi thuê xã hội đen lên đến 90%. Vai trò hệ thống tòa trong việc bảo vệ người ngay thiếu hiệu quả, không hỗ trợ cơ chế hợp đồng, khiến cho tình trạng chụp giựt có đất sống. Luật pháp đi sau cuộc sống. Ở nhiều nước, tòa được quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp luật chưa quy định, các thẩm phán bằng lương tri sẽ đưa ra những giải pháp công lý bù đắp. “Ở ta, trước 2016, nếu chưa có luật thành văn tương ứng, tòa hoặc xử thua, hoặc khước từ thụ lý” - ông Hảo ví dụ về sự thiếu hụt công lý.
Những tiếng kêu thảng thốt
Là một chuyên gia luật, ông Hảo còn là giảng viên đại học. Khép lại “góc nhìn rất nhỏ về vai trò bảo vệ sự tử tế của luật pháp và tòa án”, ông Hảo chuyển sang giáo dục với hai trục trặc là mục tiêu giáo dục và triết lý giáo dục: “Một thời gian rất dài người ta nhấn mạnh thống trị giai cấp trên ba phương diện chính trị, kinh tế và tư tưởng”. Không loại trừ tình trạng tử tế trở thành ưu tiên thứ hai ở các cơ sở giáo dục
Võ Trí Hảo: “Thể chế gồm hai vòng tròn: thể chế phi chính thức (gia đình, tộc họ, hội quán, tôn giáo...) và chính thức là nhà nước và pháp luật. Hai vòng tròn này tương tác, kết hợp, chuyển hóa qua lại, quyết định một xã hội trật tự hay không”
từ cấp mầm non đến bậc đại học. Nhìn ra thế giới, trường đại học được thiết kế theo chiều kim đồng hồ. Nhận tín hiệu từ thị trường lao động, phụ huynh gõ cửa trường đại học đặt hàng. Nếu chưa có chương trình đào tạo, nhà trường linh hoạt như nhà hàng, thiết kế ngay “thực đơn” mới. Lúc này mới cần đến vai trò giám sát của Nhà nước, kiểm tra “thực đơn” có vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hay không. Ta thì sao? Nhận chỉ thị giáo dục Việt Nam cần đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, Bộ Giáo dục - Đào tạo triệu các hiệu trưởng lại quán triệt tinh thần. Trên cơ sở đó, các trường lên chương trình rồi tuyển sinh. Đào tạo theo ý chí của Nhà nước thay vì thị trường khiến sinh viên Việt Nam tốt nghiệp nhiều và thất nghiệp nhiều. Bộ trưởng Giáo dục vô can. Không kiếm được việc làm sau khi ra trường, sinh viên và gia đình gánh chịu. Thế nhưng, phụ huynh và sinh viên lại không có tiếng nói quyết định về chương trình đào tạo. Khi dạy theo mệnh lệnh từ cấp trên, không xuất phát từ nhu cầu thị trường, người thầy khó có thể đòi hỏi sự tôn trọng từ sinh viên. Ngày xưa, thấy ai hay chữ trong vùng, bố mẹ làm mâm xôi con gà, cho con xin đến làm lễ bái sư. Nên tôn sư trọng đạo là tự nguyện. “Tôi cho rằng xã hội Việt Nam vẫn tôn sư trọng đạo, có điều là sư nào: sư thật hay sư giả? Vô trường học, hiệu trưởng ấn ông thầy vào lớp, bảo học trò rằng đấy là sư, phải gọi là sư. Chắc gì học trò đã bái”, ông Hảo chua chát.
Khi hiện tại tầm thường, tương lai mù mịt, người ta dễ có xu hướng ngoái lại vàng son quá vãng là nhận định của NSND Doãn Hoàng Giang. Không thể phủ nhận tinh thần tự trị xuyên suốt giáo dục miền Nam trước 1975. Từng có nhiều năm hoạt động chính trị trong lòng Sài Gòn nhưng ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ rành mạch về quan điểm với góc nhìn không định kiến. Triết lý giáo dục thời đó rõ ràng, tóm gọn trong ba từ. Hướng tới nhân bản nên giáo dục công dân để học trò tốt lên thực sự. Dân tộc nên môn lịch sử được đề cao, bài học không đi vào chi tiết thương vong, số lượng khí giới khí tài mà khắc họa những nhân vật anh hùng, hun đúc lòng yêu nước. Sau cùng là khai phóng, tự do học thuật, tự do tiếp thu tinh hoa nhân loại. 
Đụng đến giáo dục, chủ tọa hướng về TS. Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Ngôi trường đại học này hằng năm đều có thói quen đặt chủ đề cho năm sau vào cuối khóa. “Sống tử tế - học đàng hoàng” ra đời cách nay sáu năm, từ sự tổng kết những mong muốn bình thường của các thầy cô vào một thời điểm chuẩn bị bắt đầu năm học mới, Ban giám hiệu chỉ thêm “kết nối năm châu” vì đó là chủ trương xuyên suốt của trường. “Nói kiểu Nam bộ là cái đáng lẽ ra phải vậy mà không làm như vậy thì gọi là không tử tế chớ gì” - bà Phượng mở lời. Bà đồng tình với quan điểm của ông Lê Minh Hoan, tử tế là trách nhiệm của mọi người. Bà cũng đồng tình với ông Lê Hoàng rằng cần tiếp cận đa chiều. Bên cạnh việc thấy cho hết những thách thức từ thiết chế xã hội, thể chế chính trị để giữ được sự tử tế, bà cho rằng xã hội hiện đại phức hợp hơn, nhiều yếu tố đan xen hơn cách nay mấy trăm năm. Xã hội xưa không phức hợp như bây giờ nên người ta đặt ra chuẩn mực, và làm không trúng thì thường coi là lệch chuẩn. Thời nay còn nói về sự lệch chuẩn là tư duy cũ, ràng buộc bởi những chuẩn mực cứng kiểu sống như thế nào mới được gọi là quân tử và hành xử phi quân tử ắt là tiểu nhân. Xác quyết niềm tin sâu sắc vào con người cá nhân tự do, bà cho rằng cần gia tăng quyền tự do của con người, đề cao trình độ hiểu biết, suy nghĩ độc lập, tư duy phản biện của mỗi cá nhân. Khi nào từng cá thể hiểu rằng quyền và trách nhiệm của mình là suy nghĩ trước những bất cập trong cuộc sống, lấy một chọn lựa nào đó hoặc nhiều chọn lựa nào đó và luôn chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, lúc đó may ra sự tử tế mới khá lên được.
Thành Hội: “Tôi nghĩ sống tử tế không khó. Cái gì không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác”
Tinh thần tự do được bà Phượng theo đuổi trong môi trường giáo dục hướng đến việc tạo lập cho người học cảm nhận họ là cá thể tự do, được quyền phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Theo bà, cái rất thiếu ở xã hội chúng ta là nhận thức rằng xã hội chỉ tử tế hơn khi có nhiều con người tử tế. Con người chỉ tử tế được khi họ tự do và chịu trách nhiệm về bản thân. Không chịu trách nhiệm về bản thân thì làm sao có trách nhiệm với xã hội? Tử tế gắn với nhiều giá trị khác, chẳng hạn công bằng, trung thực, tôn trọng người khác… Đó là những giá trị phổ quát của bất kỳ xã hội nào. Nhưng chọn lựa và thực hiện giá trị, phải là chủ thể cá nhân tự giác.
Ngồi kế bà Phượng là nghệ sĩ Thành Hội, Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ông cũng có 10 năm dạy học, đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Sân khấu Cao đẳng Nghệ thuật TP.HCM. Giọng biểu cảm, ông Hội phản biện bà Phượng bằng trải nghiệm cá nhân. Theo ông, không thể có học trò tự do khi các đề văn đều có đáp án. Việc kiên trì đề nghị bỏ đáp án kỳ thi đầu vào khiến ông trở thành cái gai trong hội đồng chấm thi. Sinh viên đi học nói theo người ta. Làm việc thì đón ý thủ trưởng. Rành rọt kể lại những câu chuyện trong môn công dân giáo dục gieo vào lòng mình sự tử tế hơn 40 năm trước, ông Hội tỏ ra bất bình về việc người ta đưa nghị quyết vào chương trình giáo dục công dân. Ông than phiền về sự xuống cấp của môi trường giáo dục. Người thầy không còn là thành phần ưu tú của xã hội. Có thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
“Nhìn lui” miền Nam thời kỳ trước, ông Lý nhận thấy báo chí đầu thập niên 1970 thường sử dụng từ “băng hoại” khi đề cập đến vấn đề đạo đức. Miền Bắc sau 1975, thang giá tr
Lê Hoàng: “Chúng ta lo lắng vì cái ác, cái không tử tế nổi cộm, không đơn lẻ mà có tính xu thế. Tuy nhiên, hiện thực xã hội cần được tiếp cận đa chiều. Câu chuyện bốn cô giáo mầm non ngâm mình trong nước lạnh, xả thân cứu 13 học trò trong lũ dữ tại Phú Yên làm rung động trái tim cộng đồng. Sự tử tế vẫn hiện hữu ngay cả trong lằn ranh sinh tử. Những hành vi tử tế nên được cổ vũ kịp thời và xác đáng”
ị đạo đức vẫn tồn tại, trong đó có quan hệ thầy - trò. Tiếc rằng thể chế chính trị không chú trọng gìn giữ, phát triển. Dường như người ta còn muốn phá nó, thay thế giáo dục đạo đức bằng giáo dục ý thức hệ. Ưu tiên giáo dục chính trị khiến nhiều giá trị bị xóa sổ. Khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường được thiết lập trên khoảng trống hoàn toàn về đạo đức. Đồng tiền thể hiện sức mạnh với xã hội, cộng sinh cùng quyền lực. Nhìn tới, ông Lý cho rằng gia đình không còn là nơi gieo mầm tử tế. Phần lớn ông cha bà mẹ đã bị băng hoại đạo đức thấm sâu. Chấn hưng đạo đức phải bắt đầu từ lối thoát duy nhất là giáo dục. Trách nhiệm của nhà trường nặng nề hơn, giáo dục tử tế từ bậc mầm non. Nhớ lại thời gian công tác tại Sở Ngoại vụ TP.HCM, ông Lý kể về một số đồng nghiệp quay lại nhiệm sở sau khi hết thời hạn công tác tại đại sứ quán. Con cái họ rất ngoan, ăn xong trái chuối, tự giác đi kiếm sọt rác bỏ vỏ. “Một thời gian sau, vẫn là những đứa trẻ đó, cũng ăn trái chuối nhưng phần vỏ quăng ra sân” - ông Lý ngao ngán.
Không đồng tình với quan điểm phó thác sứ mạng giáo dục đạo đức cho nhà trường, theo ông Lê Hoàng, người thầy chịu trách nhiệm trước lớp mấy chục học sinh không có mối quan hệ ruột thịt nhưng ông bố bà mẹ, ông bà nội ngoại ràng buộc bởi quan hệ huyết thống. Thêm nữa, quá trình phát triển nhân cách hình thành từ tuổi thơ. Dùng hình ảnh hình chóp nón, ông Hoàng so sánh. Ở những quốc gia văn minh, trẻ em thả ra ngoài xã hội cũng không hư nhờ thiết chế xã hội hoàn chỉnh. Còn ở ta là cái chóp nón ngược. Buông ra là hư liền. Bên cạnh nếp nhà, hành vi con người còn bị chi phối bởi nếp tộc. Văn hóa dòng họ là một hình thái của thể chế phi chính thức.
Trả lại Caesar những gì của Caesar
Thành tựu 30 năm Đổi mới là hành trình gập ghềnh phá vỡ tư duy kinh tế bao cấp. Tuy nhiên, nhiều mặt của đời sống vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng bao cấp. Bằng chứng là rất nhiều hội hoạt động không hiệu quả. Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung là Hiệp hội In Việt Nam. Hội viên bầu chủ tịch hội là ông Nguyễn Văn Dòng, nguyên Giám đốc Nhà in Trần Phú. Vận hành vì quyền lực thiết thực của thành viên, hội góp phần phát triển nghề nghiệp, năng lực ngành in, đồng thời giám sát, tham gia tích cực giải quyết xung đột của hội viên. Từ trường hợp cụ thể này, ông Hoàng cho rằng Nhà nước không nên ôm đồm, trả lại không gian cho những tổ chức xã hội nghề nghiệp quyền tự quyết.
Giáo dục phải hướng đến việc tạo lập cho người học cảm nhận họ là cá thể tự do, được quyền phát triển và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Con người chỉ tử tế được khi tự do và chịu trách nhiệm về bản thân. Ảnh: Hà Thành
Buông chiếc ipad, ông Lê Minh Hoan giãi bày rằng vừa tranh thủ trả lời email mấy bác nông dân dưới Đồng Tháp về việc khai trương hội quán thứ 9. Ý tưởng hình thành hội quán nảy sinh trong dịp tiếp xúc cử tri. Bác nông dân xin... bản kế hoạch phát triển xóm ổng bởi xã làm trật lất. Nguyện vọng nghe có vẻ khôi hài khiến mệnh quan đầu tỉnh suy nghĩ. Đúng là chuyện xóm làng là chuyện của dân. Đâu ai hiểu dân bằng dân. “Đáng ra phải ủng hộ chứ tại sao lại để dân phải xin mình”, ông Hoan nhắm một số người dân, khuyến khích rủ thêm người sinh hoạt, từ chuyện tình làng nghĩa xóm, học hành, trật tự trị an, cho đến sản xuất đàng hoàng, không lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất Trung Quốc... Phía chính quyền ủng hộ mặt bằng, máy tính, máy chiếu… Việc một ông bí thư tỉnh ủy tài trợ nông dân lập hội quán ban đầu cũng không tránh khỏi ý kiến này nọ. Nói vô rằng chữ “hội quán” không thuần Việt. Nói ra rằng đã có những tổ chức chính trị xã hội như nông dân, phụ nữ, đoàn thành niên... Xác nhận cũng phải mời người này người kia đích thân xuống hội quán nghe dân sinh hoạt, ông Hoan khẳng định những dè chừng ở đâu đó chủ yếu do vấn đề tâm lý. Về phương diện lý luận, ông Hoan mượn lời phát biểu của cố Tổng bí thư Trường Chinh tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc. Ông Trường Chinh nói rằng người dân làm chủ nhưng thực chất không đúng như vậy. Người dân có quyền và năng lực tham gia những hoạt động chính sách ở cấp vĩ mô chứ không phải tất cả chính sách đều do một người hay một nhóm người thực hiện.
Chờ đợi Nhà nước hay nhu cầu tự thân?
Đạo đức xã hội đã lâm nguy chưa? Hỏi cũng là tự trả lời. Tuy nhiên, mỗi khách mời có lựa chọn khác nhau. Tỏ ra không trông chờ vào sự chuyển động từ Nhà nước, ông Hội đề nghị tự cứu mình trước. Bắt đầu từ giềng mối gia đình đến quan hệ chòm xóm. Ông Thành Hội đề nghị truyền thông cùng lên tiếng, thức tỉnh cộng đồng về sự tuột dốc của đạo đức, cùng chung tay xây dựng lại xã hội.
Đồng tình với ông Hội nhưng theo ông Lương Văn Lý, vẫn cần sự tham gia chủ động từ Nhà nước. Bảo lưu quan điểm về vai trò giáo dục đạo đức của nhà trường, ông Lý lập luận chính sách do Nhà nước xây dựng và thực hiện. Soi rọi hệ thống công chức qua lăng kính pháp luật, ông Lý cho rằng luật cần minh bạch cụ thể, ngăn ngừa công chức lợi dụng việc giải thích luật, nhũng nhiễu dân. Cùng một bộ luật nhưng có khi sở ban ngành diễn giải khác nhau, lãng phí nguồn lực xã hội.
Chưa hoàn toàn được thuyết phục bởi giải pháp của ông Lý, bà Bùi Trân Phượng xác quyết cần ưu tiên đặt niềm tin vào con người cá nhân. Bà Phượng cho biết bắt đầu có những gia đình trẻ khước từ hệ t
Bùi Trân Phượng: “Con người không phải cục đất sét nên ở bất kỳ tuổi nào, xuất thân từ môi trường nào, gia đình lương thiện hay bất lương thì khi được thức tỉnh bởi những giá trị, con người vẫn có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp. Cái xấu lan ra được thì cái tốt cũng lan tỏa được”
hống trường công lẫn tư, tự tập hợp nhau lại rồi giáo dục con cái. Giáo dục nhà trường cũng không phải là phương thức duy nhất quyết định hành vi tử tế của con người. Con người có thể có đạo đức từ môi trường gia đình, làng xã, tộc họ... Trong hệ thống Nhà nước, nếu có những người tử tế thì chúng ta trân trọng họ, ủng hộ họ, chung sức góp phần làm tiếng nói của họ vang xa để làm giảm bớt mất lòng tin vào Nhà nước. Bởi lẽ, mất lòng tin khiến người ta không nuôi dưỡng điều tốt đẹp trong cá nhân mình. Ai đó nói tử tế là nhu cầu tự thân. Bà Phượng cho rằng con người phải tin rằng họ có thể sống tử tế ngay cả khi môi trường không tử tế. Xoay chiếc ly sứ, bà nói con người không phải là cục đất sét, vào tay người thợ lành nghề trở thành cái ly tốt, còn trúng thợ vụng thành ra vô dụng. Nhắc lại câu chuyện để sinh viên trường Hoa Sen làm diễn giả tranh luận câu hỏi “Nếu từ nhỏ không thấy rằng trung thực là điều bắt buộc phải làm ở trên đời thì đến năm 18-20 tuổi tôi còn suy nghĩ lại và thay đổi được không?”, bà Phượng cho biết có nhiều câu trả lời khác nhau.Có người nói được. Người nói khó. Người nói không. Thu hoạch thực nghiệm là các bạn sinh viên bắt đầu suy nghĩ, tự vấn và không mất lòng tin vào con người. Vì không phải cục đất sét nên theo bà Phượng, ở bất kỳ tuổi nào, xuất thân từ môi trường nào, gia đình lương thiện hay bất lương thì khi được thức tỉnh bởi những giá trị, con người vẫn có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp. Cái xấu lan ra được thì cái tốt cũng lan tỏa được.
Lương Văn Lý: “Gia đình không còn là nơi gieo mầm tử tế. Phần lớn ông cha bà mẹ đã bị băng hoại đạo đức thấm sâu. Chấn hưng đạo đức phải bắt đầu từ lối thoát duy nhất là giáo dục. Trách nhiệm của nhà trường nặng nề hơn, giáo dục tử tế từ bậc mầm non”
Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Chủ tọa xin phép đọc một phần trong bài phát biểu của TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (xem trang kế) để các khách mời có thể tranh luận, phản biện. Ông Hoàng là khách mời đầu tiên sốt sắng nhận lời tham dự tọa đàm của Người Đô Thị. Tuy nhiên, chuyến công tác đột xuất về miền Trung trong thảm họa thiên tai và nhân tai, làm hàng chục người chết khiến ông lỗi hẹn. Chủ tọa dứt lời, TS. Võ Trí Hảo lên tiếng. Theo ông Hảo, cần phân biệt rạch ròi ba nhân tố: con người tử tế, hành vi tử tế và thể chế tử tế. Con người tốt cũng có lúc sai lầm, cần bị phê phán; kẻ cướp cũng có lúc làm điều thiện và cũng cần được biểu dương hành vi tốt. Xác nhận quan điểm của các khách mời đều đúng, ông Hảo phân tích một xã hội có trật tự tốt là do thể chế tốt gồm hai thành tố tổ chức và quy tắc. Tổ chức thiết lập và thực thi quy tắc. Thể chế tập hợp hai nhóm phi chính thức (gia đình, tộc họ, hội quán, tôn giáo…) và chính thức là Nhà nước và pháp luật. Hai vòng tròn này tương tác, kết hợp, chuyển hóa qua lại, quyết định xã hội trật tự hay không. Thế nên chỉ xoáy vào một vòng tròn là hỏng. Những quy tắc đạo đức tốt được pháp luật ghi nhận trở thành thể chế chính thức. Ngược lại, pháp luật không tốt, xã hội không chấp nhận, thì cũng chết yểu. Bằng chứng Bộ luật Hình sự sửa đổi đã không áp dụng quy định phạt tù hành vi không tố giác tội phạm giữa những người có quan hệ thân thuộc. Trước đó, dù Bộ luật Hình sự 1985 tuy có quy định nhưng người ta không thể tố cáo người ruột thịt của mình. Nghĩa là thể chế phi chính thức tốt đã vô hiệu hóa, giảm bớt tác hại của thể chế chính thức bất hợp lý. Giữa hai loại thể chế này, ông Hảo nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của thể chế chính thức, vì ông Hảo lập luận: “Tất cả thể chế phi chính thức không bỏ tù được người phạm tội”. Về hiệu lực, thể chế chính thức vô cùng mạnh. Nói về tương tác, không phải lúc nào thể chế chính thức và phi chính thức cũng tương tác nghịch chiều. Chẳng hạn, tỷ lệ ly hôn trong cộng đồng Thiên Chúa giáo thấp vì lời thề chung thủy trước Chúa tác động thuận chiều với luật Hôn nhân gia đình. Hiểu được mối quan hệ tương tác là cơ sở để tác động vào hệ thống tổng thể các thể chế trong một quốc gia, cộng đồng; phải tác động đa điểm đồng thời nhưng cần lưu ý rằng nguồn lực hữu hạn, nên lựa chọn điểm tác động phù hợp với vị trí, năng lực của mình và hiệu quả chỉ đạt được khi tương tác thuận chiều với Nhà nước. “Không nên quá trông đợi Nhà nước mà chúng ta phải gây áp lực với Nhà nước”, ông Hảo khuyến nghị. Lý do là chúng ta lấy lại quyền lực vốn của chúng ta đã trót trao quá nhiều cho Nhà nước. Dẫn lời J. Madison: nếu mọi công dân đều là thiên thần thì không cần đến vai trò của Nhà nước. Ngược lại, nếu công chức là thiên thần, chúng ta không cần giám sát họ. Tiếc thay, xã hội chúng ta quản lý con người bởi con người. Mà con người là sai lầm. Vậy xây dựng con người hay xây dựng thể chế?
Mỗi người, hãy tự tìm câu trả lời.

Thượng Tùng - Ảnh Quý Hòa

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

THƠ VIẾT ĐẦU NĂM GÀ

            
Dẫu bóng tối có ngập tràn trái đất,
 Dối lừa giấu dưới bộ mặt thánh nhân,
Những con người không còn biết xấu hổ
Nháo nháo nhâng nhâng, tay chắn mặt trời;
Tham tàn phá hại, đánh cắp tương lai.
Gà vẫn gáy gọi mặt trời thức dạy
Bình minh lên xua đêm tối mông lung.
Đông dẫu lạnh mưa phùn và gió bấc
Thì xuân về vẫn muôn sắc hương hoa.

Năm Khỉ qua  rồi. Gà ơi!Gáy rộ!
Cho tan đi  giấc mộng cuồng si,
Thức tỉnh lại ước mơ thuần Việt,
Ta lại là ta căn cốt Lạc Hồng.
Hãy cất lên  tiếng gà kiêu hãnh
Để vừng đông sáng lạn chân trời’
Những phận người đêm dày mộng mị
Bỗng  bừng lên chân lý sáng trong
Gà ơi! Hãy gáy! Hãy gáy! O..O…O!
Cho tỉnh thức những nơi tăm tối
Những hồn thương cam chịu đọa đày
Để đất này nở hoa, trĩu trái
Và ngày mai tươi tắn  nụ  cười.
                        Hưng Yên tháng 1 năm 2017

    










Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Thơ tình ngày xuân

Bỗng  bùng dậy tháng ngày xưa cũ,
Bên giảng đường chúng ta bên nhau
Mỗi bài học, niềm vui nho nhỏ
Tha Hương ơi! Da diết quá em!

Anh có chờ đâu, có đợi đâu!
Nỗi nhớ có sâu vẫn lặng  thầm
Tơ tình như gió, hồn man mác
Chợt hiểu trong lòng mãi “không” em.

Mùa xuân lại đến chim làm tổ
Những cánh chim yêu hót say trời
Hương hoa thơm ngát, ong thụ phấn
Thơ tình cung bậc chỉ anh hay.

Đò ngang, xuân bến ai người đợi.
Lỗi hẹn bao người hóa tha nhân.
                                             Hưng Yên tháng 1 năm 2017






Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

XÂY DỰNG CON NGƯỜI TỰ CHỦ ĐỂ ĐẤT NƯỚC TỰ CHỦ. SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI BỊ DỞ DANG CỦA PHAN CHÂU TRNH

Nguồn: Ngominh/ blog
Nguyên Ngọc
Đầu thế kỷ XX, sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa Cần vương, đã xuất hiện Phong trào Duy Tân, thoạt tiên được khởi xướng bởi một nhóm trí thức ưu tú, thường được gọi là “bộ ba Quảng Nam” gồm Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào nhóm lên ở Quảng Nam, nhanh chóng loan ra khắp Trung Kỳ, ảnh hưởng sâu rộng đến cả nước, đưa tới cuộc Trung Kỳ dân biến năm 1908, cuộc bạo loạn chống Pháp lớn nhất trước Cách mạng tháng Tám. Cuộc nổi dậy bị đàn áp nặng nề, Trần Quý Cáp bị chém ở Khánh Hòa, Phan Châu Trinh bị đày ra Côn Đảo, về sau thoát tù đã sang Pháp để tiếp tục hoạt động, đến năm 1925 trở về nước, và mất ngày 24/3/1926, đến nay vừa đúng 85 năm. Huỳnh Thúc Kháng cũng bị đày Côn Đảo, sau khi ra tù đã chuyển sang hoạt động hợp pháp, chủ trương báo Tiếng Dân, tờ báo đậm khuynh hướng yêu nước chống Pháp sống được lâu nhất dưới thời Pháp thuộc; và trong số ba người, ông cũng là người còn sống được lâu nhất, để trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945.
Có một điều cần chú ý: cuộc nổi dậy rung trời chuyển đất năm 1908 không hề nằm trong ý đồ hay kế hoạch của những người chủ chốt khởi xướng phong trào Duy Tân, họ không hề lãnh đạo nó, nó nằm ngoài ý định của họ, thậm chí ngược với nguyện vọng và chương trình của họ. Có lẽ đó là một điều chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu, thử giải thích đôi phần hôm nay.
Nói về người đồng chí thân thiết nhất của mình, cũng là người đứng đầu nhóm “bộ ba Quảng Nam”, Huỳnh Thúc Kháng có một đánh giá rất đáng chú ý, ông gọi Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Như thường thấy ở các nhà Nho uyên thâm chuyển sang Tây học và sử dụng chữ quốc ngữ, Huỳnh Thúc Kháng vốn là người rất nghiêm túc, cẩn trọng, súc tích trong từng câu chữ phát ngôn. Chắc chắn đánh giá trên đây của ông dựa trên những suy ngẫm sâu xa, những hiểu biết rất kỹ về người đồng chí tâm huyết nhất của mình, và những so sánh không hời hợt. Ông hiểu nhà cách mạng không chỉ là người mưu đồ một cuộc nổi dậy, chủ trương một cuộc khởi nghĩa, lật đổ một chính quyền... Nhà cách mạng là người muốn thay đổi một xã hội, biến đổi số phận một dân tộc, chuyển cuộc sống của đất nước và con người sang một cấp độ khác, một đường hướng và một thời đại khác. Chính vì nhận thức như vậy nên ông đã không dành danh hiệu ấy cho ai khác trong những người chiến sĩ và anh hùng cùng thời với ông, ngoài Phan Châu Trinh.
Để cố gắng tìm hiểu đánh giá thoạt nghe có thể đáng ngạc nhiên này, có lẽ cần trở lại dù chỉ rất vắn tắt hành trình tư tưởng và hoạt động của Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Cha ông hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Trần Dư và Nguyễn Duy Hiệu cầm đầu. Năm 29 tuổi đỗ Phó bảng, cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; sau đó làm thừa biện, một chức quan nhỏ ở bộ Lễ của triều đình Huế. Những ai đã đọc qua dù chỉ đôi chút về Phan Châu Trinh đều biết ông rất khinh bỉ, căm ghét, đả kích kịch liệt vua quan triều đình Huế. Vậy tại sao ông lại ra Huế và làm quan? Huế bấy giờ là kinh đô, nơi diễn ra đời sống chính trị và văn hóa quan trọng nhất, nơi hội tụ và liên lạc rộng rãi với những nhân vật ưu tú trên cả nước... Và điều còn quan trọng hơn: là đầu mối (cùng với Hội An một phần) qua đường biển tiếp nhận tài liệu đến từ Trung Hoa cũng đang sôi sục trăn trở tìm đường. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dương trong Tuyển tập Phan Châu Trinh[1], ở phần Niên biểu, về những năm này chỉ ghi rất gọn mà đầy ý nghĩa: “1903: Làm quan ở Huế. Đọc sách mới. Kết giao với Phan Bội Châu... Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cũng ra Huế đọc sách mới.” Năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan. Còn Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đỗ cao song không hề chịu làm quan, nhưng cũng ra Huế, để “đọc sách mới”. Cùng có mặt ở Huế và cùng say sưa “đọc sách mới” bấy giờ còn có nhiều trí thức nổi tiếng: Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phương Trứ... Nhiều người khác như Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Hiệt Chi, Lương Văn Can... ở Bắc, Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất, Nguyễn Trọng Lợi... ở trong Nam, tuy không về Huế nhưng đều liên lạc với trung tâm Huế, và cũng chủ yếu để “đọc sách mới”.
Sách mới” là chữ của Nguyễn Văn Dương dịch cái mà hồi ấy người ta quen gọi là “tân thư”. Hẳn rồi đến một lúc cần trở lại nghiên cứu những “tân thư”, hiện tượng “đọc tân thư” sôi nổi một thời ấy, hiểu cho rõ tác động của chúng đối với một giai đoạn có thể có tính quyết định của lịch sử cận đại nước ta. Tân thư là các sách được chuyển sang từ Trung Quốc, gồm các tác phẩm của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, và các sách của Nhật, của Pháp được dịch ra chữ Hán, trong đó các tác phẩm kinh điển của Montesquieu (mà người ta dịch là Mạnh Đức Tư Cưu) và Jean Jacques Rousseau (được dịch là Lư Thoa). Sau khi đọc tân thư, Trần Quý Cáp thổn thức: “... nửa đêm tỉnh giấc, nước mắt đầm đìa”. Tân thư đã gây chấn động dữ dội trong tất cả tầng lớp tinh hoa yêu nước đang đau đáu tìm đường trong thế cùng cực bế tắc sau thất bại Cần Vương anh hùng mà tuyệt vọng. Tìm đường, đi con đường nào đây để có thể cứu nước, đưa dân tộc thoát ra khỏi vòng nô lệ? Tân thư thổi một luồng gió mới vào những đầu óc đang cháy bỏng bấy giờ. Tác động của nó cực kỳ to lớn. Tuy nhiên, đều là những nhà ái quốc tâm huyết, mỗi người đã chịu tác động đó một cách khác nhau, đi đến những suy ngẫm và những kết luận khác nhau, theo cách nói ngày nay, những phương án chiến lược khác nhau. Chính ở đây ta nhận ra chân dung tư tưởng và văn hóa, chính trị đặc sắc, có thể nói đặc sắc đến “độc nhất”, của Phan Châu Trinh. Trong một nghiên cứu gần đây (tháng 9-2010) tác giả Lê Thị Hiền Minh ở Đại học Québec, Canada viết: “Khác với Phan Bội Châu chỉ thấy ở đấy một cuộc chiến đấu vũ trang đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam cũng giống hệt như tổ tiên ông đối với quân xâm lược Trung Hoa, Phan Châu Trinh đã nhận ngay ra một vấn đề phức tạp hơn là một cuộc ngoại xâm về mặt lãnh thổ: vấn đề trang bị cho “những người yếu hơn” các phương tiện để bước vào một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa.”[2]. Như vậy, nếu đối với hầu hết những chí sĩ yêu nước đương thời, chấn động của Tân thư chỉ là thêm một kích thích mạnh mẽ ý chí dân tộc, tinh thần chống ngoại xâm, mà không dẫn đến một đường hướng gì mới về căn bản, do chưa có thay đổi gì về tầm nhìn; thì ở Phan Châu Trinh (và hai người đồng chí thân thiết nhất của ông trong bộ ba Quảng Nam) nó mở ra một chân trời hoàn toàn khác; như cách nói ngày nay, nó mở ra cho ông chân trời “toàn cầu hóa”. Ông là người đầu tiên nhận ra phương Tây, không chỉ là một phương Tây kỹ thuật tiên tiến như Phạm Phú Thứ, thậm chí như Nguyễn Trường Tộ đã thấy và lo lắng ..., mà là một phương Tây văn hóa, văn minh, khác hẳn và cao hơn cái thế giới hạn hẹp phương Đông ta từng biết xưa nay và vẫn loay hoay tìm đường trong đó.
Pháp (và phương Tây nói chung bấy giờ) là thế lực (puissance) hoàn toàn khác với Trung Hoa, mối uy hiếp mà Việt Nam đã thành công trong việc giữ một khoảng cách nhất định suốt gần một nghìn năm. Giữ được như vậy là vì dù tương quan lực lượng đã nhiều lần hết sức chênh lệch, nhưng hai bên đều thuộc cùng một thời đại lịch sử, một nền văn minh tương đồng. Thắng lợi của Việt Nam chống đồng hóa Trung Hoa suốt nghìn năm, như chúng ta đã nói nhiều lần, là thắng lợi văn hóa. Thắng lợi văn hóa trong khung khổ đóng kín của phương Đông, hay cũng có thể nói khung khổ thế giới Hán hóa (sinisé).
Giáp mặt với Pháp, với phương Tây, “sự thống nhất văn hóa và chính trị cho đến nay được bảo vệ bằng việc giữ gìn các giá trị Khổng giáo bị lay chuyển bởi các giá trị của thiên chúa giáo và, ít nhận ra được rõ hơn, bởi việc du nhập một hệ chữ viết dựa trên nguyên tắc Hy-La, chữ Quốc ngữ, được coi là ngôn ngữ chính thức song song với chữ Pháp từ năm 1878...[3]; “Việt Nam đi vào một biện chứng văn hóa và bản sắc quyết định; việc mất lãnh thổ lại cộng thêm mối uy hiếp mất tiếp ngay các quy chiếu tâm lý-xã hội văn hóa... David Mar đã lưu ý rằng “thế hệ các nhà nho trưởng thành vào khoảng những năm 1900 bị ám ảnh bởi hình ảnh 'mất nước', không chỉ theo nghĩa chính trị, mà còn nghiêm trọng hơn là mất 'một sự sống còn về sau với tư cách là người Việt Nam[4]. Có lẽ lâu nay, khi nói về tình thế của đất nước vào đầu thế kỷ XX chúng ta đã tập trung chú ý vào sự mất mát đau đớn lãnh thổ, mà chưa làm rõ được hết những khía cạnh sâu xa và tinh tế này của xã hội khi đối mặt với phương Tây, với cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất, có thể gọi như vậy, mà Phan Châu Trinh, với một cái nhìn sáng suốt đã là người duy nhất nhận ra một cách hết sức tỉnh táo và sáng rõ. Ông nhận ra không chỉ tai họa đau đớn mất lãnh thổ quốc gia (như trong lịch sử ta đã nhiều lần mất vào tay Trung Hoa), mà lâu dài hơn, sâu sắc hơn, căn bản hơn, khó khăn hơn, nguy hiểm mất còn hơn, ông nhận ra một cuộc khủng hoảng văn hóa nghiêm trọng, thậm chí chưa từng có; điều mà David Marr chỉ ra là ở “các quy chiếu tâm lý - xã hội văn hóa”. Về sau Hoàng Xuân Hãn nói rằng chỗ độc đáo và đặc sắc nhất của Phan Châu Trinh so với tất cả những người ưu tú nhất đương thời, là ông đã đi tìm và tìm thấy nguyên nhân mất nước, dân tộc sa vào vòng nô lệ bi thảm, ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu nguy hiểm về văn hóa của Việt Nam, lạc hậu cả một thời đại, so với thế giới văn minh rộng lớn, toàn cầu, và Việt Nam từ nay không thể sống còn ngoài cái thế giới ấy, cái toàn cầu ấy, mà các tân thư đã mở mắt cho ông nhìn thấy. Vậy nên, tôi nghĩ có thể nói mà không hề sợ quá đáng, Phan Châu Trinh là nhà văn hóa tiên phong và lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX – và có thể cả thế kỷ sau đó nữa như ta sẽ suy nghĩ thêm. Và bài học lớn nhất của Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta là bài học về văn hóa.
Từ nhận thức cơ bản đó, ông đặt lên hàng đầu nhiệm vụ và chương trình đưa dân tộc vào “một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa”. Và như vậy, vấn đề lãnh thổ, khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ bản hơn nhiều, mà ông biết và chủ trương phải tiến hành từng bước.
Ta từng biết Phan Châu Trinh có chủ trương tự trị; và đi đến tự trị bằng con đường hòa bình, không bao động. Hẳn cần nói rõ, dù chỉ là phần nào, về tư tưởng này của ông, hình như lâu nay thường khá bị hiểu lầm. Trong chủ trương này có phần mà ông gọi là “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”, học lấy ngay cái hay chắt lọc được của đối thủ để đem lại sự tiến bộ cho dân ta. Thực ra trong suốt lịch sử lâu dài bài học này vốn không lạ với người Việt. Tổ tiên ta đã học biết bao nhiêu của Trung Hoa để góp cho sự trưởng thành toàn diện và cả cho sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc. Huống nữa học lấy văn minh phương Tây mà ta biết ta đã chậm trễ mất cả một thời đại là vô cùng cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, tư tưởng về tự trị của Phan Châu Trinh không chỉ bó hẹp trong ý nghĩa đó. Trong luận văn đã nhắc đến trên đây của Lê Thị Hiền Minh, tự trị được dịch là autonomie. Và theo từ điển autonomie được giải thích: “Quyền tự trị. Quyền tự do, độc lập về đạo đức hoặc về trí tuệ”. Đây là khía cạnh và nội dung quan trọng trong chủ trương lớn của Phan Châu Trinh. Lê Thị Hiền Minh viết: “Dự án hiện đại hóa Việt Nam của ông [Phan Châu Trinh], trong thực tế, là một dự án tự trị hóa [autonomisation] trong đó sự tự trị cá nhân và tập thể của những người Việt Nam sẽ thúc đẩy đất nước lên những đường ray của hiện đại hóa và văn minh[5]. Vậy rõ ràng ở đây có thể thay từ tự trị (thường chỉ được hiểu theo nghĩa một thiết chế chính trị) bằng từ tự chủ. Và từ đó, khẩu hiểu nổi tiếng của Phan Châu Trinh “Khai dân trí” cũng rõ ràng bộc lộ một ý nghĩa sâu xa mà có lẽ lâu nay chúng ta cũng chưa thấu hiểu hết tinh thần. Khai dân trí chính là xây dựng nên con người tự chủ, cá nhân tự chủ, để đi đến tập thể tự chủ. Lê Thị Hiền Minh phân tích: “Chính trong sự tự trị được hiểu là một sự tự tổ chức quản trị trong liên quan phụ thuộc lẫn nhau... Phan Châu Trinh tìm thấy một sức mạnh giải phóng chứ không phải một nền độc lập như Phan Bội Châu. Theo nghĩa đó, tự trị là “giá trị cho phép cùng tồn tại với những người khác mà ta không còn có thể áp đặt nền văn hóa của mình. Quyền của các thiểu số được xác định trong chính chuyển động cơ bản này” (Verbunt, 2006, tr. 144)[6]. Tác giả này còn nói rõ hơn: “Bởi mọi tập thể đều gồm những cá nhân, nên sự tự trị như một tiến trình không thể được trao cho một tập thể người mà không đi qua từng người. Tiến trình mà chúng ta gọi là “tự trị hóa” đó trước hết phải là một tiến trình riêng biệt (tức của từng cá nhân, từng cá nhân tiến đến tự chủ) trước khi đạt đến một kích thước tập thể, và việc đó, thông qua giáo dục, theo Phan Châu Trinh mà khái niệm tu thân trong tự phát triển của mỗi người không hề xa lạ... Dự án tự trị hóa của Phan Châu Trinh đồng thời là một dự án giáo dục hiện đại đưa mọi người Việt Nam qua con đường của trường học tự do ở Bắc Kỳ (tức mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục) và một dự án xã hội - kinh tế nhằm thiết lập một hệ thống hỗ trợ tập thể cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế...”[7].
Ở đây cần đặc biệt chú ý tư tưởng của Phan Châu Trinh về giáo dục nhấn mạnh đến việc xây dựng cá nhân tự chủ, mà ông coi là cơ sở của tự chủ tập thể, tự chủ dân tộc. Nhiều tác giả nghiên cứu các văn bản của Phan Châu Trinh, đặc biệt các thư ông viết cho Toàn quyền Beau, cho vua Hàm Nghi, cho vua Khải Định nêu bật cách xưng hô của Phan Châu Trinh được cho là hoàn toàn có ý thức: ông luôn xưng “tôi”. Chúng ta biết về mặt từ nguyên “tôi” vốn xuất phát từ quan hệ “vua-tôi”, với ý nghĩa là “tôi tớ, thần dân của vua”. Phan Châu Trinh xưng tôi với ý nghĩa khác, ý nghĩa được Alexandre de Rhodes chỉ ra khi ông coi từ này là tương đương với ego trong tiếng La-tinh. “Tôi” của Phan Châu Trinh chính là cái “le moi” phương Tây. Một cái tôi độc lập, có ý thức về nhân cách độc lập và ngang bằng của mình với người đối thoại. Phan Châu Trinh luôn xưng “tôi” trong tất cả các văn bản viết cho nhân dân, cho người cấp trên, cho các quan chức Pháp và Việt. Trong thư gửi Toàn quyền Beau năm 1907, ông mở đầu: “Tôi, Phan Châu Trinh, thự trước tác hậu bổ, tỏ bày cái tình trạng nguy cấp ở nước Việt Nam...”. Năm 1922, trong thư Thất điều gửi Khải Định, ông viết: “Tôi, Trinh, sinh găp lúc: trong thì nước nhà nghiêng ngập, ngoài thì các nước đua tranh lên đường tiến bộ...”. Lê Thị Hiền Minh nhận xét: “Là con người tư duy tự do, có thể nhìn chính lịch sử của dân tộc mình với một khoảng cách, chính là với tư cách “con người đích thực” [“personne authentique”] mà Phan Châu Trinh đã viết cho toàn quyền Beau: “Tôi, Phan Châu Trinh, quan chức cũ...”. Bản sắc cá nhân đó [ở Phan Châu Trinh] đòi hỏi một hệ đạo đức thẩm nhập suốt đời, hệ đạo đức của một công dân tự do đảm nhận các quyền và các bổn phận của mình […] Phan Châu Trinh nói với toàn quyền Beau với tư cách là viên chức nói với viên chức, nhà chuyên môn nói với nhà chuyên môn, con người nói với con người[8].
Hình như lâu nay khi nghiên cứu về hệ thống các trường Duy Tân mà “bộ ba Quảng Nam” đã lập được ở tỉnh nhà trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến 1908, cũng như về trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ta chưa chú ý tìm hiểu kỹ nội dung và tính chất rất quan trọng này trong quan điểm giáo dục ở các cơ sở nói trên. Chúng ta đã nói nhiều về tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm được kích thích, cổ vũ mạnh mẽ, tinh thần thực học ở đây, mà chưa làm rõ được triết lý về xây dựng con người hiện đại tự trị, tự chủ, con người tự do trước hết tự trong chính mình còn sâu xa hơn nhiều của các trường này.
Dò lại hành trình tư tưởng của ông, đọc lại kỹ các trước tác của ông, ta nhận ra rõ ở chính Phan Châu Trinh hình ảnh tiêu biểu của một con người như vậy. Và một con người đạt được đến tự do như vậy thì có khả năng đặt biệt là giữ được khoảng cách với mọi điều đã được coi là “chân lý”, là “lịch sử”, kể cả với lịch sử của chính dân tộc mình.
Chính với khoảng cách độc lập đặc sắc đó, đầy trách nhiệm và cực kỳ dũng cảm, Phan Châu Trinh đã ráo riết chỉ ra hai nhược điểm chí tử của dân tộc, đặc biệt trong hoàn cảnh của “toàn cầu hóa”, mà thẳng thắn một cách phi thường ông cho là tập trung rõ nhất, cực điểm nhất ở một con người đương thời lừng danh mà ông rất thân thiết, yêu mến, kính trọng và bảo vệ: Phan Bội Châu. Hai nhược điểm chí tử: một mặt chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi, sô vanh, mặt khác, nghịch lý thay, ý thức vọng ngoại mù quáng. Ông nói về Phan Bội Châu, mà cũng là nói về dân tộc mình, chẳng hề một chút khoan nhượng, nương nhẹ: “Phan Bội Châu là người chưng ra rõ nhất những tập quán dân tộc hình thành trong lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt thiên niên kỷ qua. Nếu có ai đó không biết bản chất thật của người Việt Nam, thì hãy cứ nhìn ông ấy. Dân tộc ta có tình yêu nước hẹp hòi và ở ông ấy, tư tưởng sô vanh lên đến cực điểm. Dân tộc ta có tính vọng ngoại và ở ông ấy, sự phụ thuộc vào sức mạnh bên ngoài lên đến tối đa. Dân tộc ta thiếu tinh thần độc lập và ở ông ấy cái thiếu đó càng rõ rệt hơn cả ...”.
Phan Châu Trinh coi ý nghĩa của cuộc đời ông là nỗ lực cứu nhân dân thoát ra khỏi những điểm yếu chí tử ấy, tự xây dựng cho mình, từ từng cá nhân, đến toàn dân tộc ý thức tự chủ - mà ông gọi là tự trị. Tư tưởng đó tập trung trong khẩu hiệu nổi tiếng của ông: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”...
Trong một thời gian ngắn hôm nay hẳn không thể nói kỹ và sâu hết về tư tưởng của Phan Châu Trinh mà dẫu chỉ điểm qua ta đã có thể nhận ra tính hệ thống, liên hoàn chặt chẽ, sâu sắc, và tính hiện đại đáng kinh ngạc của nó. Chương trình của ông là chương trình thay đổi một dân tộc, sửa chữa và làm lại nó, tự trong chiều sâu nhất của nó, chiều văn hóa, để nó có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới tất yếu toàn cầu hóa.
Cũng như tất cả những nhà tiên phong, những nhà khai sáng chân chính, nghĩa là những người đi trước, Phan Châu Trinh đã cô đơn trong cuộc đời của ông, và theo một ý nghĩa nào đó, cả về sau nữa. Ông không được sự đồng tình của phần lớn giới sĩ phu cùng thời, trong đó có vị sĩ phu ông kính trọng nhất: Phan Bội Châu. Quan hệ giữa Phan Châu Trinh - Phan Bội Châu là điển hình của một tình bạn kỳ lạ mà tiếc thay hình như ngày nay chúng ta không còn được thấy, đối nghịch kịch liệt về tư tưởng và quan điểm, đường lối, nhưng thân thiết và kính trọng nhau chẳng ai bằng. Khi Phan Châu Trinh mất năm 1926, Phan Bội Châu đã viết đôi câu đối thống thiết và đầy ý nghĩa:
Thương hải vi điền, tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền
Biển thẳm lấp chưa bằng, tinh vệ còn đội đá
Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha dứt dây đàn
Chung Kỳ Phan Châu Trinh đã mất, Bá Nha Phan Bội Châu đau đớn dứt dây đàn bởi biết còn cùng ai chia sẻ?
Phan Châu Trinh cũng cô đơn trước nhân dân đương thời của ông mà ông đã cống hiến cả cuộc đời để quyết cứu, cho một tương lai xán lạn bền vững mà ông đã sáng suốt nhận ra con đường để đi tới. Ông hiểu điều đó một cách sâu sắc. Ông nói: “Không phải tôi không biết sự ngờ vực của các quan chức người Pháp đối với tôi. Không phải tôi không biết sự căm ghét của các quan chức người Việt đối với tôi. Không phải tôi không biết mối hiềm khích của Phan Bội Châu đối với tôi. Không phải tôi không cảm thấy sự gièm pha của nhân dân Việt Nam đối với tôi. Nhưng tôi không tìm cách tránh sự ngờ vực ấy”. Ông tin sắt đá ở tư tưởng của ông, đường lối cứu dân tộc của ông. Là con người tự trị, tự chủ cao độ, là nhà tư tưởng tự do, có khả năng tạo một khoảng cách ngay với lịch sử dân tộc mình, với một hệ đạo đức ông đã tự xây dựng được cho mình, với tư cách là công dân tự do đảm nhận các quyền và các bổn phận của mình, cô đơn, ông dõng dạc tuyên bố: “Việc này, tôi, Trinh, đã nhận ra, quyết đảm nhận lấy, không nhường cho ai nữa hết!
Gần suốt một trăm năm ông cũng cô đơn với hậu thế. Chúng ta đã quá biết những người coi ông là kẻ “lạc lối trời Âu” ...
Lịch sử đã đi những con đường khác. Chúng ta đều biết song song với phong trào Duy Tân hòa bình của Phan Châu Trinh, là chủ trương “thiết huyết” của Phan Bội Châu, mà Phan Châu Trinh thẳng thắn chỉ ra rằng ông ấy đã lợi dụng sự ngu dốt của nhân dân (mà Phan Châu Trinh quyết ra công thức tỉnh) để kích động “nhằm thỏa mãn chính khuynh hướng hủy hoại của mình”. Cuộc khai dân trí của phong trào Duy Tân, hoàn toàn ngoài ý muốn và chủ trương của những người khởi xướng, chịu ảnh hưởng tự nhiên và cũng tất yếu của phái thiết huyết, sự bất bình tự nhiên và quyết liệt của nhân dân tự phát, đã dẫn đến cuộc Trung Kỳ dân biến 1908 anh hùng của nhân dân nhưng tai hại cho một con đường đi đang được sáng suốt tính toán và thực hiện. Nó đã được kẻ thù lập tức lợi dụng để tiến hành một cuộc tắm máu. Chương trình anh minh và vĩ đại của ông bị phá vỡ và dở dang.
Chúng ta đều biết trong lịch sử không có “nếu”. Nhưng suy nghiệm từ lịch sử cho hôm nay thì bao giờ cũng cần. Những gì đã diễn ra thì đã diễn ra. Song phải chăng có thể một trong những nguyên nhân của những vấn nạn mà chúng ta, xã hội chúng ta, đang gặp ngày nay và vẫn còn rất loay hoay chưa thật tìm được đường ra, chính là ở sự dở dang vừa nói trên đó. Cuộc khai hóa cơ bản, do nhà khai hóa vĩ đại Phan Châu Trinh chủ trương và tiến hành một trăm năm trước thì nay vẫn dở dang, vẫn còn nguyên đó.
Rõ ràng tư tưởng của ông, chương trình của ông, trong cốt lõi của nó, hôm nay vẫn còn nguyên tính cập nhật, thậm chí còn nóng hổi hơn, cấp bách hơn.
Tiếp tục chương trình lớn của ông là trách nhiệm lịch sử của chúng ta, mỗi chúng ta, hôm nay, và cả ngày mai.
Nguyên Ngọc, 3-2011

BT: Bài thuyết trình tại hội th