Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

ĐIỂM DANH 4 TÊN Ô NHỤC NHẤT CỦA NHÀ TRẦN


Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, trong giới quý tộc nhà Trần đã xuất hiện những gương mặt hèn nhát, phản bội...
 
Là triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần đã để lại cho dân tộc ta hào khí Đông A bất diệt với những vị tướng tài và ba lần chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Nguyên Mông - đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. 
 

Nhưng thời đại nào cũng có người tốt, kẻ xấu và nhà Trần cũng không phải ngoại lệ. Trong cuộc chiến chống Nguyên Mông, trong giới quý tộc nhà Trần đã xuất hiện những gương mặt hèn nhát, phản bội mà tiếng nhục còn lưu lại đến ngày nay.
 
Trần Di Ái quên quốc thể vì tham quyền 
 

Trong thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nước Đại Việt đã trải qua nhiều thách thức to lớn về chủ quyền.
 

Khi vua Nhân Tông mới vừa lên ngôi, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai người đưa thư trách cứ ông vì tự lập ngôi và đòi phải sang nhà Nguyên chầu thiên tử.
 

Do không được chấp nhận, đến năm 1282, vua Nguyên lại sai sứ sang yêu sách: “Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo mỗi hạng hai người”.

Một lần nữa, vua Trần Nhân Tông không đồng ý và sai người chú của mình là Trần Di Ái (em trai vua Trần Thái Tông) sang thay cho mình. Vua Nguyên Hốt Tất Liệt không bằng lòng, liền lập Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương và sai 1.000 quân hộ tống về nước, hòng áp đạt quyền cai trị lên Đại Việt.
Bản thân Trần Di Ái cũng muốn muợn sức người Mông Cổ để giành ngôi, nếu không thành thì vẫn có thể biện hộ bằng chuyện bị vua Nguyên cưỡng ép. 
Tuy nhiên, vừa đến vùng biên ải thì đội quân hộ tống Trần Di Ái bị quân nhà Trần đánh tan tác. Trần Di Ái bị bắt, nhưng được vua Trần tha tội chết, chỉ bị bắt làm lính hầu ở phủ Thiên Trường, sống trong sự hổ thẹn đến hết đời. 

 
Khát vọng ngông cuồng của Trần Ích Tắc 
 

Theo sử sách, Trần Ích Tắc - con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông - là một người học vấn uyên thâm, thông hiểu lịch sử, nghệ thuật và văn chương. Có trí tuệ hơn người và đầy tham vọng quyền lực, đến 15 tuổi, Ích Tắc đã có ý tranh đoạt ngôi vua với anh cả. 
 

Để thực hiện mục đích này, Trần Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho nhà Nguyên thông qua cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên Nam tiến để lập mình làm vương.
 

Triều đình nhà Trần không hề hay biết dã tâm của Tắc. Khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt năm 1285, Trần Ích Tắc lĩnh ấn Đại tướng, chỉ huy chống giặc miền Đà Giang. 
 

Thời cơ đã đến, Ích Tắc vội vã đem cả gia đình đầu hàng giặc và được đưa về phương Bắc. Vua Hốt Tất Liệt của nhà Nguyên phong Tắc làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước. 
 

Nhưng dự định này không bao giờ thành hiện thực vì thất bại của quân Nguyên. Trần Ích Tắc ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), làm quan triều Nguyên và được đối đãi rất hậu. Mùa hè năm 1329, Trần Ích Tắc chết trên đất khách quê người.
 

Vì sự phản bội của mình, Trần Ích Tắc bị nhà Trần loại khỏi tông thất, cho đổi tên thành Ả Trần - với ý khinh bỉ nhân vật này hèn nhát như đàn bà. 
 
Trần Kiện dâng hàng vạn quân cho giặc
 

Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang, được phong làm Chương Hiến Hầu, được mô tả là người có tướng mạo khôi ngô, văn võ song toàn. 
 

Với tài năng của mình, Trần Kiện được triều đình tin tưởng cho thay cha lĩnh chức Tịnh Hải quân Tiết Độ Sứ, kết hôn với con gái của Thái Sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, sinh con và được phong tước Mặc Hầu. Trên đường quan lộ, Trần Kiện là người có tính khiêm nhường, nho nhã, độ lượng, được lòng dân. 
 

Năm 1284, do hiềm khích trong triều đình, Trần Kiện về làng Nhân Mục ẩn cư. Cùng năm, Thoát Hoan dẫn quân xâm lược Đại Việt và đánh bại quân nhà Trần, trong lúc Toa Đô dẫn binh từ Chiêm Thành đánh tập hậu. Triều đình lâm vào thế bí, mời Trần Kiện về cầm quân chống Toa Đô.
 

Trớ trêu thay, do sợ hãi sức mạnh của quân Nguyên và không tán đồng sách lược của nhà Trần, Trần Kiện đã đem hàng vạn quân cùng binh khí đầu hàng và cộng tác đắc lực với kẻ xâm lược. Thoát Hoan khen ngợi sự hàng phục của Kiện và ban thưởng rất hậu.
 

Sau khi quân Nguyên bị phản công và đại bại tại chiến trường Đại Việt, Trần Kiện theo giặc rút về phương Bắc, nhưng đến ải Chi Lăng thì quân nhà Trần do Nguyễn Địa Lô chỉ huy phục kích và bắn chết. 
 
Trần Văn Lộng phản phúc, đánh phá quê nhà 
 

Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành Hầu Trần Duyệt, cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ. Là người có tính điềm tĩnh, Lộng được vua Trần tin cậy, phong làm đại tướng cầm quân phòng thủ vùng sông Tam Đái.
 

Năm 1284, đại quân của Thoát Hoan tràn vào Đại Việt và đánh phá dữ dội. Cầm cự được một năm, phần vì bị dụ dỗ, phần vì sợ hãi, Trần Văn Lộng đem toàn bộ gia quyến đầu hàng quân Nguyên. 
 

Nhà Nguyên lập tức phong chức tước, tiền của, đồng thời cấp ngựa và vũ khí cho Trần Văn Lộng. Kẻ phản phúc này đã theo chân quân Nguyên tấn công Đại Việt và lập được một số chiến tích. Khi quân Nguyên bị đánh đuổi, Lộng chạy theo đám tàn quân xâm lược. 
 

Từ đó đến lúc chết, Trần Văn Lộng được triều Nguyên trọng dụng và ban cho rất nhiều bổng lộc. Thi hài của nhân vật này được chôn ở hồ Mã Gia đất Hán Dương, Trung Quốc và được con cháu thờ phụng.


Hoàng Phương

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Trung Quốc nên chuẩn bị hậu sự cho Triều Tiên?

Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trang “Diễn đàn Đông Á” bản điện tử số ra ngày 11/9/2017 đăng bài “Đã đến lúc chuẩn bị cho kết cục xấu nhất của Triều Tiên” của tác giả Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo), Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh. Bài này đang gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong dư luận Trung Quốc.
Giáo sư Giả Khánh Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên phát triển sớm muộn sẽ trở thành sự đe dọa thực sự đối với nước Mỹ, nước này có thể sẽ phát động cuộc tấn công quân sự “phủ đầu” nằm hủy diệt vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cho dù Mỹ tự kiềm chế không đánh đòn phủ đầu thì trong tình hình ngày càng bị quốc tế trừng phạt nghiêm khắc hơn và Mỹ cùng Hàn Quốc tập trận chung với quy mô ngày càng lớn, Triều Tiên cũng có thể phát động chiến tranh.
Mối nguy hiểm bùng nổ chiến tranh trên bán đảo này đang ngày càng tới gần, Trung Quốc tất phải chuẩn bị cho kết quả “xấu nhất”. Cái kết quả “xấu nhất” mà Giả Khánh Quốc nói ở đây là chính quyền Kim Jong Un hoàn toàn sụp đổ trước đòn đánh quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. Giả Khánh Quốc cho rằng giờ đây Trung Quốc nên đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc, nói rõ trước một số vấn đề quan trọng.
Giả Khánh Quốc cho rằng vấn đề thứ nhất là Trung Quốc không muốn thấy quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, bởi lẽ đây là một phòng tuyến tâm lý, quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 có nghĩa là lần thứ hai họ lên miền Bắc, điều đó phía Trung Quốc khó chấp nhận, vì thế cần phải nói rõ với phía Mỹ để giành được sự thừa nhận ngầm của họ. Giả Khánh Quốc cho rằng Mỹ sẽ tiếp thu yêu cầu hợp lý này của Trung Quốc.
Thứ hai là vấn đề xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Giả Khánh Quốc cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không có bất cứ giá trị kỹ thuật nào, đặt vào trong tay ai đều gây phiền phức, hơn nữa chi phí rất cao. Trung Quốc có thể cho phép Mỹ xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng khi Trung Quốc đã không cho phép Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 thì cuối cùng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có lẽ sẽ do phía Trung Quốc xử lý. Khi hai nước Trung Quốc và Mỹ đều phản đối “phổ biến vũ khí hạt nhân” thì tin rằng Mỹ cũng sẽ không phản đối [cách giải quyết như vậy].
Thứ ba là biện pháp ngăn ngừa một lượng lớn người tị nạn Triều Tiên có thể ùa vào Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể cần vượt biên giới tiến vào Triều Tiên, lập vùng tập trung người tị nạn ở bên trong biên giới Triều Tiên nhằm thu xếp [chỗ ở] cho nạn dân.
Thứ tư là làm gì để tái thiết chính phủ Triều Tiên và trật tự trong nước. Giả Khánh Quốc cho rằng Trung Quốc nên cùng Mỹ, Hàn Quốc thu xếp trước vấn đề này, có lẽ việc xây dựng chính phủ mới của Triều Tiên cần được tiến hành dưới sự giám sát và chủ trì của cộng đồng quốc tế.
Thứ năm là vấn đề rút hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Mỹ và Hàn Quốc từng nói đi nói lại rằng hệ thống này nhằm để đối phó với Triều Tiên, thế thì sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đã giải quyết xong, Mỹ nên rút THAAD ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Giả Khánh Quốc cho rằng việc đó cũng nên đạt thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh “Quyết không cho phép xảy ra tình trạng hỗn loạn chiến tranh, thế nhưng chẳng ai có thể bảo đảm, chẳng ai có thể chi phối tình hình Triều Tiên sẽ phát triển theo hướng nào; Giả Khánh Quốc  cho rằng xem ra việc Trung Quốc lo lắng chuẩn bị cho tình hình xấu nhất ở Triều Tiên cũng là có lý. Nhưng tiền đề của 5 vấn đề Giả Khánh Quốc nghĩ tới là chính quyền Kim Jong Un nhanh chóng tan rã, hoàn toàn sụp đổ trước sự tấn công quân sự của Mỹ. Phải chăng ý kiến đó hầu như là quá chủ quan?
Trước đây Giả Khánh Quốc từng phát biểu ba quan điểm về vấn đề Triều Tiên: thứ nhất, chớ nên coi Triều Tiên là vùng đệm của Trung Quốc, bởi lẽ trong chiến tranh hiện đại sẽ không lặp lại chuyện Nhật đi theo con đường cũ qua bán đảo Triều Tiên để xâm lược Trung Quốc; thứ hai, chớ nên cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên là hai nước XHCN có chế độ chính trị như nhau, bởi lẽ Triều Tiên thực hành “Chế độ chủ thể” coi “Triều Tiên trên hết”, còn Trung Quốc thực hành “CNXH đặc sắc Trung Quốc” hoàn toàn khác với chế độ của Triều Tiên ;  thứ ba, chớ nên cho rằng hai nước Trung Quốc, Triều Tiên máu thịt liền nhau, có tình hữu nghị chiến đấu, bởi lẽ tuy rằng Trung Quốc nhìn nhận như vậy về mối quan hệ giữa hai nước nhưng Triều Tiên lại không nhìn nhận như thế.
Ba quan điểm nói trên của Giả Khánh Quốc về vấn đề Triều Tiên từng làm cho một số “thanh niên nổi giận”[1] ở Trung Quốc rất bất mãn, họ chửi Giả Khánh Quốc là “tay sai của Mỹ”, thậm chí có người nói ông là “đặc tình” [tuyến nhân] của CIA, được Mỹ bảo vệ.
Giả Khánh Quốc là Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh, ông hay viết bài trên các diễn đàn ở nước ngoài. Quan điểm của Giả Khánh Quốc dĩ nhiên có trọng lượng nhất định. “Diễn đàn Đông Á” là chuyên trang về các vấn đề chính trị và kinh tế vùng châu Á-Thái Bình Dương, tòa soạn đặt tại Australia.

MƯA THU


Đêm, mưa tuôn xối xả
Ngày, mưa vẫn không thôi
Giọt lách chách mái tôn
Giọt xiên xiên bóng nước.

Mình anh trong cô độc
Lặng nghe tiếng mưa rơi
Lòng buồn lên chơi vơi
Nỗi đau mong có vợi.

Muốn chôn chặt trong lòng
Những vui buồn một thủa
Mượn rượu cay để cạn
Sao lòng cứ đầy vơi.

Cô liêu lắm em ơi
Giữa mùa thu buồn rượi
Mưa!
Mưa!
Buồn chẳng dứt!
Thơ buồn ngập mưa thu.
Hưng Yên tháng 10 năm 2017

Tướng Giáp: Tài năng và số phận


Tác giả: Bùi Tín
VOA – Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.
***
Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.
Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của CHXHCN Việt Nam không hề cải chính.
Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cơ chế chính trị Việt Nam?
Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài «Sông Đa-núyp xanh» – Le Danube bleu.
Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung quốc, Ba lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu: Fidel Castro của Cuba, đại tướng Hoffman của CHDC Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.
Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh Gia Yếu lược, Vạn Kiếp Tông bí. Ông say sưa nói về «ngụ binh ư nông,» dân binh, dân quân, về chủ trương «đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung» thời đầu đến Đại Đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý «đánh chắc thắng,» về yếu tố nghi binh, bất ngờ – Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.
Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh – lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Cộng có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là «Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi» và «Nền dân chủ mới» đều là bản dịch 2 cuốn «Trì cửu chiến» và «Tân dân chủ chủ nghĩa» của ông Mao.
Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến «tốc chiến – tốc quyết» – đánh nhanh – giải quyết nhanh.
Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành «đánh chắc, tiến chắc», rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.
Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn – Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra «vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài», vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, đại tá Đỗ Đức Kiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức TƯ đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính Trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng «đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác.»
Sau chiến thắng Điện biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.
Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ – vin cớ rằng Bác cao tuổi, bát đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi, hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.
Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.
Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đòan, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan «sinh Bắc tử Nam», phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.
Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.
Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Cộng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.
Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng về «Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2,» về «Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên,» nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là Vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Cộng.
Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.
Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.
Nguồn: VOA

VỢ CHỒNG THỜI SMART FON



                                                                                    Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Thủy vừa cảm thấy lo lắng, vừa bực bội, khi nhìn thầy SMART FON lúc nào cũng kè kè trên tay chồng, chỉ muốn giằng nó khỏi tay anh vứt  đi. Ngày xưa mới lấy nhau, “chuyện thầm kín chẳng dám nói với ai”, vợ chồng đêm bảy, ngày ba, ngoài ra không kể. Anh nhà chị vô cùng sung mãn, cử chỉ, hành động vô cùng âu yếm, chiều chị từng tí. Vậy mà từ ngày có cái điện thoại thông minh Hùng quí nó hơn quí vợ, cặp kè với nó, tâm sự với nó cứ như với người tình tuyệt vời. Mà vợ chồng đã già đâu chứ, mới gần bốn chục, tuổi của sự hoàn chỉnh của giới. Lẽ  ra phải ghê gớm lắm mới phải.Không những thế còn xuất hiện cái tính cáu bẳn. Hễ nói là to tiếng, nặng lời với vợ và các con. Người đâu không biết tâm lý là gì. Hay cái giống đàn ông nó thế, chưa lấy được người ta thì săn đón, được rồi thì sinh rẻ rúng.
Từ hồi chuyển từ điện thoại cục gạch sang điện thoại thông minh, Hùng cặp nhật cho mình nhiều kỹ năng lắm. Anh cài Jalo, cài Messinge, cài Twitte…rảnh việc là lướt WEB, vào FACE dốc bầu tâm sự với cả những người anh chưa gặp mặt bao giò. Đời anh không thể thiếu nó. Thiếu gì thì thiếu chứ thiếu SMART FON không hiểu đời anh sẽ ra sao. Nên mỗi lần bị vợ gầm ghè khó chịu vì sử dụng điện thoại, nói thật nhé, thây kệ Thủy. Cô ấy làm sao mà hiểu được. Đàn bà nên chăm chú vào chồng con, đừng nên quan tâm cái khác làm gì. Từ xưa đã thế rồi.

Sáng nay, mọi người trong phòng của Thủy sôi nổi bàn tán. Không chỉ phụ nữ mà cả cánh đàn ông nữa. Chủ đề không ngoài chuyện tình yêu. Mọi người cao giọng: “Chuyện ngoại tình ngày nay không hiếm gặp nữa. Tình công sở. Tình một đêm. Tình qua Email. Tình qua Face. Làm sao kiểm soát được đây. Đặc biệt là cánh đàn ông. Tốt nhất là thu đủ lương tháng. Không có tiền, mọc cánh ra mà đi. Thi thoảng tớ xem cái điện thoại nhà tớ. Biết hết các bạn của lão. Có bạn gái nào cũng biết. Bạn mới, khả nghi là tớ làm rõ liền. Làm thế không sợ ông xã giận ư. Thì nhè lúc lão mải việc, đi tắm chẳng hạn mà xem.”
Cánh nam giới: “không kiểm soát được đâu các bà ơi. Bước ra khỏi nhà, đàn ông là của xã hội rồi. Có cái tính ấy, họ tìm được muôn vàn cơ hội. Đi theo từng bước cũng chẳng quản lý được. Chỉ hy vọng vào sự tự giác của họ thôi.”
Nghe đồng nghiệp bàn tán Thủy đâm lo. Vài tháng nay rồi, Hùng dường như không biết có vợ trong nhà. Đàn ông ở tuổi tứ tuần phải sung mãn mới đúng. Đằng này có lẽ hú hí với con nào nên chẳng thèm để ý tới vợ. Kiểu này đến phải đập cái máy điện thoại của lão để lão không thể liên hệ với ai được nữa mới yên.
Nỗi lo lắng ấy từ lâu nay rồi thường trực trong Thủy làm chị ăn không ngon, ngủ không yên, liên tục phải kín đáo để ý tới thái độ, cung cách cư xử của chồng. Mà sao dịp này trông Hắn gian thế, cứ như vừa phạm lỗi gì đó….
Vợ chồng Thủy đều là công chức. Mỗi người một cơ quan. Hàng ngày, bọn trẻ đi học. Buổi sáng, Thủy, Hùng mỗi người một xe tới cơ quan. Trưa ăn cơm công sở. Tối cả nhà mới sum họp.
Chiều mỗi khi về nhà, là Thủy tranh thủ vào chợ mua bán, gấp gáp về nhà lo bữa cơm tối cho cả gia đình. Gặp chồng, gặp con là niềm vui của Thủy. Thấy chồng con ăn ngon miệng, được câu khen cũng là niềm vui của chị. Chị yêu anh ấy, yêu lũ con, coi đó là sở hữu riêng không thể xâm phạm. Bởi vậy mỗi khi đồng nghiệp râm ran về chuyện ấy, Thủy thường nói với thái độ không khoan nhượng:” Tớ chúa ghét chuyện lăng nhăng. Tớ mà phát hiện lão nhà tớ ngoại tình, là lành làm gáo, vỡ làm muôi ngay. …”.
Tối nay, sau bữa cơm tối, Hùng ra nằm giường, bật quạt, tay cầm cái SMART FON, theo thói quen lướt Web.
Nhìn chồng mải mê với cái máy điện thoại, nhớ lại chuyện giữa đồng nghiệp ở cơ quan, Thủy chợt lo. Thủy nhắc:- Anh  có cất ngay cái điện thoại đi không-  Người đâu  về đến nhà vẫn không thôi với cái máy-  Đồng thời ném cái nhìn tỏ rõ bực tức về phía chồng.
Chồng chị “ anh  Hùng “ đang nằm ngiêng trên giường, chân co, chân duỗi, dán mắt vào cái máy điện thoại, dường như không nghe thấy lời nhắc nhở của vợ, tiếp tục theo dõi một sự kiện nào đó trên màn hình điện thoại qua FACE BOOK, thi thoảng lại cười ra vẻ vô cùng đắc ý.
-Anh cất ngay cái máy điện thoại đi! Xem mãi không chán ư! Trông anh cười, nói với cái máy, người ta nói anh bị thần kinh đấy. Đàn ông đàn ang gì, đi làm cả ngày, suốt ngày ở công sở với cái máy tính, máy điện thoại, về nhà vẫn không rời ra được-  Thủy chì triết- Ngôn ngữ của chị vừa tỏ vẻ bực tức vừa mát mẻ cũng không khiến  Hùng bận tâm, rời khỏi cái điện thoại cầm tay. Anh tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại, bỗng nhiên cười  thầm, miệng lẩm bẩm cái gì không rõ.
 Thủy càng thêm  bực tức nghĩ thầm: chẳng lẽ lại xông ra giường giằng lấy cái máy điện thoại ném đi cho  hả giận.
Từ lâu nay rồi vào mỗi tối, sau khi ăn cơm, anh một góc giường, hai đứa con mỗi đứa một góc ghế bận bịu với máy điện thoại. Hai đứa con chị, thằng Hạnh, con Hằng mỗi đứa một chiếc máy điện thoại thông minh. Chị bảo mua cho chúng cái máy rẻ tiền thôi, dùng Sim sinh viên, chúng không chịu, nhất thiết đòi bằng được máy APPLE hoặc dòng Sam Sung đời mới.. Tiền lương  chẳng dư dật lắm, nhưng chiều con cuối cùng anh chị phải chiều chúng. Thằng Hạnh có chiếc điện thoại thông minh, tìm cách cài được GAME,  JALO, FACE, mua sim 3G, 4G thế là cả ngày vui với thế giới ảo. Con Hằng cũng vậy suốt ngày buôn dưa lê với bè bạn, cung cách cứ như người ở trên thiên đàng rơi xuống, điệu bộ của nó, mái tóc nó để, cách nó ăn nói trông giống các nhân vật trong phim hoạt hình Hàn Quốc lại phần giống cách ăn nói, điệu bộ của người hành tinh khác.
 Thủy tiếp tục với vẻ giận dỗi không giấu diếm:Cũng như anh, em bận tối mặt cả ngày ở công sở, về đến nhà lại rối lên với cơm nước, giặt giũ cho bố con anh. Đã vậy, suốt ngày anh bận rộn với cái máy, không rời nó ra nửa bước, Việc nhà anh không giúp đỡ em. Anh không dạy dỗ chúng. Anh làm hỏng chúng. Dường như em và con, gia đình này không phải là của anh.
 Hùng dừng tay, ném cái điện thoại xuống đầu giường, nói: mất cả vui. Càng ngày càng khó tính, cấm cẳn như ma ấy.- Thì thôi vậy!
Thủy: Anh nhìn hai đứa nhỏ kia. Bố thế thì sao dạy bảo được con.
Hùng nhìn hai đứa con đang dán mắt vào điện thoại, bực mình nói: hai đứa có thôi đi không. Vào bàn học ngay kẻo lại ầm ĩ lên bây giờ. Có thôi đi không! Không thôi, bố thu lại máy đấy. Thằng Hạnh, con Hằng phụng phịu, bất đắc dĩ về bàn học. Chúng để máy điện thoại ngay trước mặt. Thoảng lại ngó vào màn hình.
Thủy nói: nước này em sẽ không thuê bao mạng Internet, không thuê bao các gói TV mạng nữa. Cứ cái đà này, các con hỏng mất, trong nhà ngày nào cũng có cãi vã chỉ vì điện thoại di động và cái tivi.
Thật ra mấy tháng trước  Thủy đã báo cắt thuê bao mạng. Thế nhưng chồng và các con chị dùng 3G rồi 4G kết quả trả cước cao quá, xót ruột, lại đành báo lại  thuê bao mạng. Từ hồi có cái máy điện thoại di động thông minh tới giờ anh sáng dậy ăn sáng, đi làm, tối về tắm giặt, ăn cơm tối , làm bạn với màn hình điện thoại tới mười một mười hai giờ đêm rồi lăn ra ngủ. Chẳng tâm lý gì cả.
Nói đến đấy, Thủy chợt nghĩ: Ngày xưa mới lấy nhau cứ quấn lấy mình, chết mệt, vậy mà giờ đây, có lần mình phải chủ động mà hắn chẳng thèm đụng cựa. Tất cả là tại cái mạng. Chị hồ nghi: có thể hắn có bồ giấu ở đâu đó . Có thể lắm…Đàn ông ai mà tin được họ.

Chiều nay, sau khi gấp máy tình trong chế độ ngủ đông, Thủy nhoài người với lấy cái túi xách để phía trái bàn. Với cảm xúc  vui vẻ vì cuối cùng công việc đã xong. Lúc nãy, chị nộp lên phòng bản kế hoạch dự án được giao làm hơn tháng nay. Để hoàn thành nó, chị phải tranh thủ làm cả trưa ở cơ quan. Chị vội chào đồng nghiệp, bước nhanh xuống lán, lấy xe. Giờ chị qua qua trường tiểu học đón con Hằng, sau đó rẽ qua chợ. Mọi khi Hằng vẫn được bố đón, nhưng hồi nãy Hùng điện chọ chị, báo tin sẽ về muộn đôi chút.
 Hằng đã đợi mẹ ở cổng trường. Hằng cười rất tươi, vui khi thấy mẹ tới đón. Chị dừng xe, để con ngồi ổn định trên xe, mới tăng ga. Mẹ con chị rẽ vào chợ. Chị tranh thủ mua rau , đậu vài thứ lặt vặt rồi vẽ vào con đường bê tông qua khu phố nhỏ về nhà.
Hùng vẫn chưa về. Giờ đã gần sáu giờ tối. Chị ngước nhìn đồng hồ, thoáng lo lắng, rồi tất tả vào bếp nấu cơm. Chị có niềm vui thích đặc biệt mỗi khi vào bếp. Gian bếp tuy nhỏ, nhưng ngăn nắp. Tủ chạn treo, tủ bếp, bồn rửa, tủ lạnh dường như chúng tìm đúng vị trí, ngay ngắn tạo cho căn phòng vẻ thông thoáng trang nhã. Mỗi món ăn, dù là rau Thủy cũng luôn  thay đổi cách chế biến cho chồng con được ngon miệng.
Gần nửa tiếng sau, Hùng  mới về. Cả nhà vui vẻ bên mâm cơm. Hằng ríu rít kể chuyện vừa xảy ra ở lớp.
Sau khi ăn, Hùng ra gường nằm với tâm trạng thỏa mái, phởn phơ. Anh với chiếc SMART FON, bắt đầu lướt WEB. Thằng Hạnh, con Hằng mỗi đữa một góc cũng bắt đầu bận bịu với cái máy điện thoại. Sau khi rửa bát, quay lại thấy cảnh ấy, Thủy cảm thấy không hài lòng :
            - Này anh! Có thôi đi không!
-         Đấy! Lại điệp khúc rồi!
-         Sao nói là điệp khúc!  Anh phải để các con nó học chứ. Chúng mỗi đứa lăn ra một
góc kia- Chị bực bội nói- Không chịu thay đổi gì cả. Nếu muốn thì anh ra chỗ khác mà xem.
-         Anh còn ra chỗ nào nữa. Ngay cả trong nhà anh không còn tự do nữa rồi. Em  theo
dõi, cấm anh không được xem mạng. Thế thì còn gì là niềm vui sống nữa. Cả ngày vất vả, tối về xả hơi chút cũng không được.
-         Sống với anh em anh không vui sao? Vậy thì anh tìm cô khác mà sống. Mẹ con
em sống với nhau- Chị dằn dỗi nói.
-         Đấy ! lại đai ra rồi. Người đâu mà dai như đỉa ấy. Đàn ông sợ nhất các bà vợ nói
nhiều.
            Nghe Hùng nói, mỗi lúc Thủy thêm bực mình: Thì anh đi với người phụ nữ khác. Còn lạ gì anh nữa. Các anh ngồi cạnh vợ mà vẫn còn anh anh em em tán tỉnh với những cô gái trên mạng, gửi ảnh cho nhau. Khối ông còn hẹn nọ hẹn kia,  anh yêu em, em yêu anh. Yêu đương gì kiểu ấy. Chả gặp mặt nhau bao giờ cũng yêu. Yêu cái con chó. Em nói để anh biết. Anh làm gì, ỏ đâu, tiêu bao nhiêu tiền, em biết hết. Không giấu em được đâu. Đàn ông các anh, ai tin được. Gớm! Trời đất, không biết thời này là cái thời gì nữa….
            Hùng vừa cáu giận , vừa ngạc nhiên trước lời lẽ của vợ. Trước đây đâu có thế; Cô ấy dịu dàng, hiền thục. Vậy mà giờ này trông kìa, tru tréo, cay nghiệt, mặt méo đi tái nhợt. Giờ mới thấy con hổ Hà Đông nó thế nào.Tại sao giờ đây vợ chồng hay va chạm, lời qua tiếng lại, lúc vì cái SMARTFON, lúc vì mấy đứa nhỏ, lúc vì anh về muộn. Anh đã ghìm nén lắm rồi. Bảo anh phải từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động thông minh ư ? Khó quá! Với anh nó như người tình rồi. Nó sở hữu anh, hay anh sở hữu nó. Cũng như vậy, vợ sở hữu anh, hay anh sở hữu cô ấy. Rút cuộc lại, anh không còn là của anh nữa. Anh là của vợ, của cái điện thoại kia. Anh đã nhịn lắm rồi, ức lắm rồi. Vậy mà vợ anh nói: anh đi chỗ khác mà sống, sống với người đàn bà khác. Mà anh có làm gì cơ chứ. Thà cứ như thằng Đỏ, khi vợ tru tréo vì bắt gặp hắn cùng với người đàn bà khác, hắn tỉnh khô nói “  vừa đẻ xong, cô phải chịu thiệt”. Vợ Đỏ có  làm được gì hắn đâu, đành phải nuốt cục ngẹn vào lòng. Còn anh, đứng đắn quá đi  chứ, chưa cờ bạc, gái gú mà hàm oan. Thật tức quá. Tức không chịu được. Anh nói: Ừ thì anh đi chỗ khác sống. Nếu em không còn thích sống với anh. Anh nói rồi đứng phắt dậy, lấy vài bộ quần áo, cho vào cái va ly.
Thủy lúc này bỗng chột dạ, tự hỏi mình đã quá lời rồi chăng. Nhưng phụ nữ vốn kiêu ngạo. Chị nghĩ: thách kẹo anh ấy ra khỏi nhà. Làm sao anh  có thể sống thiếu chị, xa những đứa con. Chị nói: ông thích đi à? Đấy rảnh chân  rồi, đi đâu thì đi. Ngoài kia có con ….đ..nó trông nom ông.
Mấy đứa trẻ, thấy bố mẹ cãi nhau sợ hãi, lấm lét nhìn bố mẹ. Chúng không dám can ngăn. Chúng không hiều để can ngan. Chúng lo sợ trước vẻ mặt hằm hằm giận dữ và đau khổ của bố, khuôn mặt tái đi vì ẩn ức của mẹ.
Hùng đã kéo khóa va ly, bước ra cửa vặn quả đấm cánh cửa…Ngoài kia có  thể là bầu trời tự do, thoáng đãng, cũng có thể….anh không lường được. Hành vi này anh không dự tính, chỉ là do quá nóng giận mà thôi.
Anh bước một chân ra khỏi cửa, vội quay lại. Vợ anh òa khóc. Khóc nức nở. Khóc trong sự hờn dỗi yêu đương. Làm sao anh có thể xa cô ấy, và xa những đứa con yêu cơ chứ. Anh sững sờ, quay lại.
Thằng Hạnh, con Hằng thấy bố quay lại đã bớt sợ hãi. Chúng cầm điện thoại đưa cho bố, nói: bố cầm hộ chúng con máy điện thoại, khi nào chúng con cần, chúng con xin bố.
Anh cầm chiếc điện thoại trên  tay, ngẫm nghĩ:Tất cả là tại mày, SMARTFON ạ! Ngẫm nghĩ giây lát anh lại tự nhủ: không! Không phải tại cái điện thoại. Là tại mình. Vô hình dung mình đã bị bệnh nghiền công nghệ. Ừ thôi! Từ nay phải  tỉnh táo khi sử dụng SMARTFON.

                                                                                    Hưng Yên tháng 4 năm 2017


Tìm hiểu An Nam tứ đại khí


Tác giả: Hồng Liên
Nếu mỗi nền văn hóa lâu đời đều gắn liền với những bảo vật linh thiêng, tựa như Nhật Bản có “Tam Chủng Thần Khí”, Trung Hoa có “Trấn Quốc Chi Bảo”, hay Triều Tiên có “Thiên Phù Tam Ấn”, thì Việt Nam cũng tự hào nhắc đến bốn báu vật thần thánh – “An Nam Tứ Đại Khí”.
An Nam Tứ Đại Khí còn được gọi là Nam Thiên Tứ Bảo Khí, hay Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí, gồm có: tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Ngân Thiên (có tài liệu nói là chuông Quy Điền), và vạc Phổ Minh. Đây được coi là 4 kỳ quan, 4 quốc bảo, 4 công trình nghệ thuật dưới thời Lý, Trần.
Vậy thì, vì sao chúng được tôn vinh là “đại khí”, “bảo khí”, hay “thần khí” – nghĩa là những báu vật có thể chấn hưng cả một quốc gia, quyết định đến sự phồn vinh hay suy vong của cả một dân tộc? Chắc hẳn câu trả lời sẽ không chỉ giới hạn ở mức độ bề thế của quy mô, mức độ tinh xảo của nghệ thuật, hay mức độ vĩ đại của tinh hoa và văn hoá. Mà sâu xa hơn, nó còn ẩn chứa nhiều bí mật của cả 4000 năm lịch sử.
Và nếu nhìn lại những “bộ tứ” của Đại Việt, ta có thể thấy tất cả đều là những bậc thánh thần. Ví như An Nam Tứ Bất Tử thờ 4 vị thánh linh thiêng; Hoa Lư Tứ Trấn thờ bốn vị thần trấn giữ các hướng đông, tây, nam, bắc của vùng đất cố đô; hay Thăng Long Tứ Trấn là 4 ngôi đền thiêng thờ các vị đại thần bảo vệ cho kinh thành.
Phải chăng An Nam Tứ Đại Khí cũng cần mang trong mình những yếu tố linh thiêng và cao quý nhường ấy, mới có thể được coi là vật báu chấn hưng dân tộc Việt?
Nhưng có lật giở cả Đại Việt sử ký toàn thư cũng không tìm được lời giải thích cho sự ra đời của tứ đại khí này. Có chăng, thì những cái tên như tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, hay chùa Quỳnh Lâm chỉ lác đác xuất hiện đôi lần như một công trình nghệ thuật hay một di tích bị tàn phá bởi chiến tranh. Chính sử dường như vẫn luôn tránh né những câu chuyện mang yếu tố thần thoại, trong khi huyền sử lại chỉ được chắp nối qua những lưu truyền và ghi chép dân gian.
Bởi vậy, để tìm lời giải thích cho bốn báu vật nói trên, chúng ta hãy lần theo những truyền thuyết xưa còn để lại. Cho dù nó mang sắc màu huyền thoại, cho dù nó có những yếu tố tâm linh khó giải thích bằng lời, thì dẫu sao đó vẫn là một phần của lịch sử mà dân gian vẫn gìn giữ cho chúng ta đến ngày hôm nay.

(Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện bắt đầu từ thời vua Thần Nông khoảng 5000 năm trước đây. Sau khi thống nhất sơn hà, Thần Nông làm phép thu linh khí Hoa Hạ xuống núi Thái Sơn, khiến đồng đen trong lòng núi Thái Sơn kết tinh thành trâu vàng của Trung Hoa. Khi thiên hạ thanh bình hoặc khi có chúa thánh ra đời, thì vào những đêm trăng sáng, trâu vàng lại ra khỏi núi, bay lơ lửng trên không trung, toả sáng cả một vùng.
Núi Thái Sơn vốn là nơi có mỏ đồng đen quý hiếm. Các thầy phong thuỷ Trung Hoa cho rằng đồng đen là mẹ của vàng, bởi vậy các đời vua đều thu thập đồng đen ở Thái Sơn đem cất vào kho, rồi làm phép cho trâu vàng không được rời khỏi núi.
Thời nhà Đường, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền sang làm tiết độ sứ tại nước ta. Cao Biền sớm nhận thấy linh khí phương nam cường thịnh nên đã trấn yểm các thế đất, thu tất cả tinh hoa linh khí của Đại Việt vào bụng 36 con trâu vàng rồi đem về giam dưới núi Thái Sơn cùng với con trâu vàng của Hoa Hạ.
Đến đời vua Tống Thái Tông, sau khi bại trận trước quân ta ở Chi Lăng và Bạch Đằng, vua Tống sai đào trâu mang về yểm ở hoàng cung, trong đó có cả con trâu vàng Trung Hoa và 36 con trâu vàng giữ linh khí Đại Việt.
Sau đó, khi hai vị thánh tăng của Đại Việt là Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh vân du đến Trung thổ, các vị đã giúp nhà Tống trừ tà tại hoàng cung nên được vua Tống ban thưởng đồng đen. Hai vị thánh tăng đã làm phép thu hết cả kho đồng đen, đồng thời lấy lại 36 con trâu vàng có chứa tinh anh của dân tộc Việt. Từ đó, linh khí Đại Việt lại rực sáng cả trời nam.
Sau khi trở về, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh đã dùng số đồng đen thu được đúc thành bốn bảo khí giữ nước, được gọi là Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí.
Bởi vì đồng đen là tinh hoa trên núi Thái Sơn, mang trong mình linh khí của trời đất, vậy nên tứ bảo khí của Đại Việt, một cách tự nhiên, đã mang trong mình một sức mạnh thần kỳ.

Núi Thái Sơn nằm tại miền Sơn Đông Trung Quốc.

Bảo khí thứ nhất: Đỉnh tháp Báo Thiên
Chùa Báo Thiên được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông. Vào niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình (1056), vua ngự thuyền ra hồ Tây thưởng ngoạn. Bỗng đâu xuất hiện một người lạ trách mắng vua rằng: “Nhà ngươi làm chúa trời Nam, sao không lo tu đức, sửa sang chính sự mà lại rong chơi? Như vậy vua làm gương cho kẻ xấu, cho bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá hà hiếp dân lành. Ta là thần giữ việc mưa gió vùng này. Nay thấy dân khổ nên báo cho vua hay”, nói xong bèn biến mất.
Vua Lý Thánh Tông vội trở về kinh, chấn chỉnh lại triều chính, đồng thời sai người xây chùa để tạ ơn Trời Phật, vì vậy chùa mới có tên là “Báo Thiên”. Sang năm sau, nhà vua lại cho dựng một toà tháp cao 20 trượng (40m) gồm 12 tầng.
Đến đây, hai vị thánh tăng lại dùng đồng đen để đúc nên đỉnh tháp (tầng thứ 13). Cũng kể từ đó những vì tinh tú trên thiên hà đều hướng về phương nam, đêm đêm toả hào quang chiếu sáng đất Thăng Long.

(Ảnh minh hoạ: Wikipedia)

Bảo khí thứ hai: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm
Bức tượng tại chùa Quỳnh Lâm không chỉ được chế tạo từ đồng đen, mà bên trong còn lưu giữ 18 viên xá lợi của các vị bồ tát Đại Việt, lại thêm 360 viên đá linh khí từ các đền thờ chư thánh và anh hùng của Đại Việt. Bởi chứa tinh anh của dân tộc, nên đây là bức tượng linh thiêng vào bậc nhất cõi trời Nam. Có câu nói rằng, chỉ cần pho tượng vẫn còn thì Trung Nguyên mãi mãi không thể xâm phạm bờ cõi An Nam.
Bảo khí thứ ba: Vạc Phổ Minh
Vạc đặt trong chùa Phổ Minh ở Nam Định. Theo mô tả, vạc nặng ba vạn cân, bên ngoài có hình rồng uốn lượn và hình chim âu đang bay, trên thành có 100 lỗ hình quả trứng tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên. Trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng để tích tụ linh khí của dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của dân tộc, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến vua Lý Thánh Tông.
Tục truyền rằng, ngay sau khi vạc được an trí, trên không có tiếng nhạc vang lừng, rồi hàng vạn con hạc từ đâu về bay lượn. Hào quang từ trong vạc phát ra sáng chói một vùng. Ngài Minh Không thấy vậy mới nói rằng: “Không ngờ linh khí tụ nhanh đến vậy. Sau đây trên trăm năm sẽ có giặc phương Bắc, thiên hạ không ai địch nổi. Nhưng nơi đây một vị đại thánh sẽ giáng trần phá tan giặc đó”.
Quả nhiên, mảnh đất ấy là nơi phát tích ra nhà Trần sau này. Còn người anh hùng đó chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông.
Bảo khí thứ tư: Chuông Ngân Thiên
Khi nhắc đến thần khí thứ tư, có ý kiến cho rằng đó là chuông Quy Điền ở chùa Một Cột. Nhưng chuông Quy Điền không phải do hai vị thánh tăng đúc nên, hơn nữa cũng không thể hiện được ý nghĩa linh thiêng như ba thần khí còn lại. Bởi vậy, giả thiết này e rằng không hợp lý.
Nói về chuông Ngân Thiên, sở dĩ có tên gọi như vậy là vì tiếng chuông vang rền lên tận trời xanh.
Chuông Ngân Thiên gắn liền với sự tích con trâu vàng dưới lòng Hồ Tây. Chuyện kể rằng, sau khi đúc, chuông được đưa lên đỉnh tháp Báo Thiên. Lúc ấy thần linh đều tụ về nơi này, hai vị thánh tăng mới bắt đầu đánh chuông. Tiếng chuông vang rền, ngân tới tận Trung Hoa. Vì đồng đen là mẹ của vàng, con trâu vàng Hoa Hạ ngỡ là tiếng mẹ gọi bèn vùng lên chạy về đất Thăng Long, rồi sau được trấn yểm dưới lòng Hồ Tây. Gần nơi trâu trầm xuống được dựng đền thờ, gọi là đền Kim Ngưu, nghĩa là đền Trâu Vàng. Người dân Thăng Long vẫn đồn đại rằng, những đêm trời đẹp trâu vàng lại nổi lên mặt Tây Hồ, có lẽ là vì vậy.
Lại nói về quả chuông Ngân Thiên, hai vị thánh tăng cho rằng thần linh Đại Việt tuy nhiều nhưng quỷ ma cũng không thiếu. Trải qua các cuộc chiến tranh, rất nhiều hồn phách của binh sĩ Trung Hoa bỏ mình trên đất Việt vẫn thường quấy nhiễu nhân gian. Bởi vậy, hai vị đã chiêu hồn họ để làm chày giải oan. Với những binh hồn không thể siêu thoát, hai vị lại thu hồn phách của họ vào chuông Ngân Thiên rồi thả xuống sông Lục Đầu. Nơi quả chuông rơi xuống còn được gọi là “đoạ chung lại”, tức vũng chuông rơi.
***
Đến đây ta có thể thấy những yếu tố linh thiêng làm nên Tứ Đại Khí của mảnh đất An Nam. Nó thần thánh, bởi nó được tạo nên từ hai vị thánh tăng bất tử của Đại Việt – Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh. Nó thần thánh, bởi nó hội tụ tất cả linh khí và tinh hoa của 4000 năm lịch sử dân tộc. Và nó thần thánh, bởi đó là những pháp khí gắn liền với Phật và Thần.
Trải qua bao phong ba tuế nguyệt, An Nam Tứ Đại Khí đã chứng kiến những trang sử hào hùng của hai thời Lý, Trần. Người ta nói Lý-Trần là hai thời đại huy hoàng của Đại Việt bởi đây là những triều đại tôn vinh Phật Pháp, coi Phật giáo là quốc pháp cai trị đất nước, và ngay cả nhiều vị vua cũng xuất gia tu hành. Đây cũng là thời kỳ mà những bậc anh tài đã xuất hiện làm rạng rỡ non sông, như Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, v.v. Có lẽ cũng còn một lý do để tin rằng, trang sử huy hoàng đó có đóng góp không nhỏ của 4 bảo khí đất An Nam…

LUẬT ĐỜI


                                                                                                         Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh

Dây bầu phải đeo nuôi quả bầu. Đấy là luật đời- Ông Hùng nói với Ông Mỗi . Ông Hùng tỏ ra tâm đắc với phát hiện ấy. Khuôn mặt đen đúa, nhàu vì thời gian và vất vả của ông nay phảng phất sự ưu tư.  Đôi mắt với hàng lông mày rậm của ông xa xăm giống hệt đôi mắt của những nhà hiền triết.
Ông Mỗi tán thưởng: ông nói đúng đấy. Cha mẹ yêu thương  con cái. Nhưng bọn trẻ không biết điều ấy. Lúc bé vô tư ngịch ngợm, không nghe lời cha mẹ. Lớn lên cũng vậy. Khi xây dựng gia đình, chúng chỉ biết đến vợ con chúng. Đã mấy  đứa báo hiếu được công sinh thành. Luật đời đấy ! Ông Hùng a!.....
Làng xóm, hơn chục nóc nhà quanh đây, mỗi gia đình chỉ còn có hai người và họ đều ở cái tuổi  năm,  sáu chục tuổi. Cũng như những gia đình khác, bọn trẻ học hành, đi làm xa cả , chúng xây dựng gia đình lập nghiệp ở thành phố, khu công nghiệp, thi thoảng ngày lễ, ngày tết mới đưa vợ con về thăm quê, nên vợ chồng ông Hùng quạnh quẽ ở quê.
Ngày xưa lũ con còn bé, vợ chồng ông Hùng nai lưng làm lụng, đầu ghềnh, cuối bãi chắt chiu từng hạt thóc nuôi con. Ngày, ngày mong chúng khôn lớn. Vợ chồng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cấy đơn thuần nên kinh  tế eo hẹp. Dạo hai đứa, thằng Hoàng và con Hà học đại học, ông bà phai vay vốn chính sách dành cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn lấy tiền cho con đóng học phí.  Ông Hùng nghĩ: Thôi! Vợ chồng ông đã vất vả, không muốn con cái  như sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, tiếp tục với cảnh đầu tắt mặt tối với mảnh ruộng, chỉ mong chúng thoát ly khỏi đồng ruộng, nhàn hạ. Thế là ông bà sướng rồi. Vẫn còn nợ đấy, nhưng  còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Thằng Hoàng cos lương tháng, bảo gửi tiền về cho bố trả. Ông nói: Con còn nhiều việc. Nợ nhà nước ấy mà. Bố mẹ còn sức, còn có thể trả được. Các anh, các chị tự lo được cho cái thân vậy là được rồi.
Thi thoảng ông Hùng sang hàng xóm tâm sự. Hết chuyện con, lại đến chuyện vợ. Bà Hùng mỗi khi ở nhà một mình, thấy ông đi chơi lâu về, lòng lại lo lắng bực bội. Thấy cái mặt ông trước cổng là té tát: Ông không thể ở yên ở nhà ư! Rảnh một chút là đi. Tôi làm chó giữ nhà cho ông chắc. Ông Hùng nhìn vợ, biết mình sai nên không la lối, lẳng lặng vào nhà.
Ông nghĩ: dịp này bà ấy cấm cảu quá. Chẳng như ngày xưa, còn son trẻ, chiều chồng lấy con, ngày nào cũng âu yếm, mua cho ông rá đỗ và rượu ngon. Không chịu lên giường với bà ấy có mà hỏng đời. Nay vào mỗi tối,vợ chồng xem ti vi một lát, sau mỗi người một giường. Bà không thích nằm cạnh ông bởi mùi đàn ông gây gây, bởi ông ngủ ngáy như sấm. Ông cũng quen dần, nay nằm cạnh bà là khó chịu. Chảng bù cho cái ngày mới lấy nhau, chỉ mong cho trời tối. Mỗi đêm không được cái là không yên giấc nồng. Ông Hùng nói với ông Mỗi. Ông Mỗi dứt khoát không chịu tin.
Ông Mỗi nói: Ông cứ hay dối. Việc ấy có gì phải giấu giếm. Đàn ông khi nào đầu gối hết máu mới hết ham hố. Ở tuổi ông, ngày trước tôi vẫn còn mạnh mẽ lắm.
Ông Hùng: Mỗi người một khác. Giờ  chủ yếu giở ra xem  “tranh” thôi! Mà tranh cũng chẳng thiết xem. Hãi hết vía đi được.
            Ông Mỗi: có thật không đấy! Vậy là cái chất đàn ông trong ông hỏng rồi.
Chuyện về  con, cháu được đề cập nhiều nhất  mỗi khi các ông , các bà gặp nhau. Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là ga cuối chỉ còn có hai người. Cũng bởi vậy nên hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau họ bỗng trở nên thân thiết hơn lệ thường.
Năm nay mùa thu hoạch lúa đã qua rồi. Đường làng bộn bề rơm phơi. Đâu đâu cũng thấy ngai ngái mùi rơm rạ. Lũ gà ngày mùa khảnh ăn, nhỏ nhẻ từng hạt thóc rồi buông. Ông bà Hùng với hơn ba sào ruộng, thu hoạch hơn sáu tạ thóc, gần đủ cho cả năm ăn. Thóc đã được phơi kỹ, quạt sạch cho vào thùng tôn  Giờ rảnh rỗi, ông Hùng lại sang nhà ông Mỗi. Ông Mỗi sống một mình. Vợ ông theo con vào trong nam trông cháu. Trông hết  cháu này tới cháu khác, thành thử ông Mỗi sống đơn thân ở quê, thổi cơm một lần cho cả ngày. Có khi chẳng buồn nấu cơm, chỉ bát mì là xong. 
Ông Hùng: Ngày trước anh em mình mong có con, nuôi con để sau này nhờ cậy lúc tuổi già. Giờ ngẫm lại. Chẳng trông mong được gì ở con cái. Chúng nó đi biền biệt, chẳng mấy khi về nhà. Điện thoại cũng hiếm gọi. Vợ chồng tôi trông cả vào mấy sào ruộng. Thôi! Mình còn khỏe, còn làm được mà ăn. Khi nào không nấu được nồi cơm hãy hay. Vợ chồng tôi trồng rau, nuôi gà chỉ mong lũ con về để làm thịt. Thi thoảng bà ấy lại gửi gạo, gửi rau, con gà, con ngan cho chúng. Của nhà làm ra , toàn là đồ sạch. Thật đúng là già rồi vẫn không hết lo cho con, cho cháu.
Ông Mỗi: ông còn sướng hơn tôi. Mấy đứa con tôi lập nghiệp mãi trong nam. Thằng út đang làm việc tận Hàn Quốc. Nói dại. Ngộ nhỡ mình có mệnh hệ gì, chẳng thể nhìn con lúc nhắm mắt.
Ông Hùng: tôi cũng vậy thôi. Mình không mong gì ở các con đâu ông ơi! Chúng nó có vợ, có con chúng quấn lấy nhau, lo cho nhau chứ.
Ông Mỗi: ừ ! Đúng vậy thật! Ngày xưa mình cũng vậy. Ngẫm lại, càng ngày tôi càng thấy ông đúng. Dây bầu phải đeo bầu thôi. Muôn đời người, nước mắt chảy xuôi. Sinh con, nuôi dạy con âu đó  là tránh nhiệm của đời người.
Ông Hùng bất giác nhớ lại hình ảnh lũ con còn nhỏ, gia đình đoàn tụ yên ấm bên mâm cơm. Lòng cha mẹ có giây phút hạnh phúc nào bằng khi được nhìn ngắm lũ con mỗi ngày một lớn khôn, khỏe mạnh , xinh xắn  Những hình ảnh ấy giờ đây lùi sâu vào ký ức, mỗi khi tái hiện, khiến ông bồi hồi, nghẹn ngào khó tả. Ông thần người. rồi tiếp tục  chuyện với ông Mỗi :các  con tôi càng ngày, càng hiếm về. Công việc ở công ty choán hết thời gian của chúng.
Ông Mỗi: chúng phải đi ca. Mỗi ca mười, có khi tới mười hai, mười ba tiếng đồng hồ. Tan ca là mệt rũ, về đến nhà chỉ có ngủ. Bọn trẻ giờ cũng vất vả.
Ông Hùng:  Giờ, cả cái xóm này, nhà nào cũng vậy, chỉ còn lại cha mẹ quạnh quẽ, sớm chiều nương tựa vào nhau lúc về già.


                                                                                                            Hưng Yên tháng .5. năm 2017…