Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Đọc thơ tôi

Thơ: Nguyễn Thích
Rồi một ngày tôi sẽ ra đi
tất cả sẽ ra đi
câu thơ phơi mình trên cát
thoi thóp cùng thời gian ngấn nước
Câu thơ làm xanh cánh đồng
câu thơ làm trắng bức tường
câu thơ biến nỗi buồn thành niềm vui bất tận
Đọc thơ tôi
vài người khen
vài người không khen
tôi thì im lặng
nghe trong bụng mình có nhịp đập con tim
Thơ tôi mềm cuộc sống đảo điên
dòng thời gian không bao giờ chảy ngược
bộ óc, con tim cái gì có trước
cái gì còn trên trang giấy trắng thơm
Tôi viết bằng đầu tôi nghĩ bằng tim
bao lời lẽ run run đầu ngọn bút
Điều nói được và điều chưa nói được
thơ hiện về đau đáu những cơn mơ

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Tản mạn - làng

Thơ Nguyễn Thich
Người nông dân ngồi trên chiếc ghế đệm
kê ở giữa nhà
bật ty vi 
xem thời trang và cuộc thi hoa hậu
quên thuở đi cày
Những cán bộ nghỉ hưu
đàm luận chuyện Trung Đông và giá - lương hàng tháng
thời sung sức mãn nguyện trong lòng bàn tay
Từng đợt gió nhấc bổng cánh đồng xanh,
nhấc bổng chiếc ao làng
xóa dấu tích thời gian
thành những ngôi nhà thời đại
ngạo nghễ với mai sau
Thiếu phụ lên chùa
leo tầng cao ngôi nhà chào sư
rồi xuống quỳ dưới chân các pho tượng phật
cầu xin
điều tốt lành ban phát
Cây Bồ Đề thả lá vàng héo hắt
Rặng nhãn ven đình
chắt chiu sự âm thầm của đất
nâng niu chùm quả ngọt
đẩy đưa chốn chợ đời
Em
thả nửa khối hình tạo hóa ban cho
thả nửa tiếng cười
hoàng hôn tan từng vệt sẫm
Tôi đứng giữa làng nhớ về thời xa lắm
Chuyện làng mẹ nghe
Mẹ kể tôi nghe

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Làn sóng thánh chiến thứ tư

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

PX*3924134
Nguồn: Carl Bildt, “The Fourth Jihadist wave”, Project Syndicate, 22/04/2016.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các ngôn từ mạnh mẽ đã xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc tranh luận về việc làm thế nào để chống lại mối đe dọa khủng bố thánh chiến. Những người dẫn các chương trình tọa đàm trên truyền hình dự đoán về thời điểm giành lại quyền kiểm soát Raqqa thuộc Syria hay Mosul thuộc Iraq từ tay Nhà nước Hồi giáo (ISIS), hàm ý rằng việc giải phóng những thành phố này ít nhất là sẽ đánh dấu sự bắt đầu chấm dứt vấn đề. Và vào tháng 12, Ted Cruz, một ứng viên Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống Hoa Kỳ, còn đi xa tới mức nói về những cuộc tấn công hạt nhân (nhằm vào ISIS) như sau: “Tôi không biết liệu cát có thể phát sáng trong bóng tối không, nhưng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời cho điều đó,” ông nói.
Những câu chữ đơn giản ấy thực sự đánh giá thấp khó khăn của thử thách này. Như Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây, mối đe dọa thánh chiến mà chúng ta đang đối mặt là làn sóng thứ tư trong một chuỗi những làn sóng ngày một nguy hiểm. Nếu chúng ta muốn tránh tạo nên một làn sóng thứ năm còn mạnh mẽ hơn, bắt buộc chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm mà chúng ta đã phạm phải trong cách đối phó với ba làn sóng trước đó.
Làn sóng thánh chiến đầu tiên xảy ra khi những chiến binh tình nguyện trong cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô tại Afghanistan về nước và bắt đầu tấn công những chế độ mà họ cọi là phi Hồi giáo. Điều này dẫn đến làn sóng thứ hai, một làn sóng thánh chiến gây chết chóc còn nhiều hơn, khi Al Qaeda tung ra những cuộc tấn công ngoạn mục chống lại “kẻ thù xa”, tìm cách lôi kéo các cường quốc phương Tây vào một cuộc chạm trán bạo lực và chiến tranh trực tiếp. Những cuộc tấn công vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã đánh dấu đỉnh điểm của làn sóng này.
Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau đó đã cơ bản thành công trong việc loại bỏ khả năng của Al Qaeda trong việc tung ra những cuộc tấn công trên diện rộng. Nhưng cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đã tạo điều kiện cho làn sóng thứ ba, châm ngòi cho một cuộc chiến phe phái khốc liệt giữa người Sunni và Shia, tạo điều kiện cho Al Qaeda lợi dụng sự hỗn đoạn của một đất nước ngày một bị phân mảnh.
Cuối cùng, chiến dịch được gọi là “Đánh thức người Sunni” (Sunni Awakening) đã làm thất bại các nỗ lực của Al Qaeda tại Iraq, và sự kiện Mùa xuân Ả rập năm 2011 đã tái định hướng các diễn tiến chính trị của khu vực. Nhưng sự thất bại trong việc xây dựng một chính phủ mang tính bao trùm (có sự tham gia của tất cả các phe phái) tại Iraq, cùng với sự đàn áp đẫm máu những người biểu tình tại Syria, đã đem đến cho những lãnh đạo thánh chiến nhiều kinh nghiệm chiến trường một sự khởi đầu cho làn sóng thứ tư.
Đến giờ đây là làn sóng nguy hiểm nhất. Hàng chục nghìn chiến binh đã tham gia vào nỗ lực xây dựng một nhà nước Hồi giáo (caliphate) trên vùng đồng bằng Lưỡng Hà. Trong khi đó, ISIS đã bành trướng ra hàng loạt những khu vực khủng hoảng khác và thu nạp hay kích động những kẻ khủng bố tại ngay các xã hội phương Tây, được thể hiện qua những cuộc tấn công tại Paris, Brussels, và San Bernardino.
Việc chống lại mối đe dọa này sẽ đòi hỏi một trận chiến ý thức hệ mạnh mẽ chống lại những thế lực gây thù hằn và bất khoan dung, xây dựng trên nền tảng lịch sử Hồi giáo đầy cởi mở và vị tha. Nhưng chỉ có cuộc chiến ý thức hệ thôi sẽ là không đủ.
Chúng ta còn phải thừa nhận nguồn gốc thực sự của mối đe dọa khủng bố thánh chiến: những xung đột và thất bại của các nhà nước trải dài từ Tây Phi qua khu vực Trung Đông nói chung tới Nam Á. Không phải chủ nghĩa thánh chiến tạo ra những cuộc khủng hoảng ngày nay. Ngược lại, năng lực quản trị kém và sự thất bại của các quốc gia đã mang lại cho chủ nghĩa thánh chiến cơ hội phát triển.
Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ là một nhiệm vụ khó khăn và kéo dài nhiều thập niên. Phần lớn khu vực này bước vào thế kỷ 21 trong một trạng thái tệ hại; và ở hầu hết mọi nơi, mọi thứ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn. Cố gắng giải quyết thử thánh của thánh chiến bằng đàn áp, như Ai Cập đang làm hiện nay, có nguy cơ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Và bỏ tù những người theo chủ nghĩa Hồi giáo thường có nghĩa là tạo cho họ một môi trường lý tưởng để tuyển mộ, truyền bá, và đào tạo (các phần tử cực đoan). Thay vì vậy, cần phải tạo ra những lối mở cho các lực lượng chính trị dân chủ Hồi giáo hoạt động.
Bất chấp quy mô của thử thách này, phương Tây thiếu một chính sách rõ ràng về điều cần thúc đẩy và làm thế nào để đạt được nó. Rõ ràng là lực lượng quân đội phải được sử dụng. Nhưng chiếm lại Raqqa hay Mosul chỉ là nhiệm vụ đơn giản nhất trong số những nhiệm vụ đang đối mặt với chúng ta. Đã bao nhiêu lần các lực lượng phương Tây đoạt lại tỉnh Helmand ở Afghanistan hay tỉnh Anbar của Iraq, và kết quả là như thế nào?
Điều khó khăn hơn nhiều – và quan trọng hơn nhiều – sẽ là việc đảm bảo các cấu trúc hợp pháp của một chính quyền mang tính bao trùm được thiết lập tại những nơi mà Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã bị đánh bật. Những cấu trúc này phải giải quyết được cảm giác bị đàn áp trong nhóm người Ả-rập Sunni cũng như cảm giác bị sự ngược đãi của một bộ phận lớn dân chúng, điều đã làm tăng thêm sự giận dữ trên khắp khu vực.
Nếu không có một chiến lược như vậy, việc giành lại Raqqa và Mosul sẽ chỉ đơn thuần là một khúc dạo đầu cho một làn sóng thánh chiến thứ năm thậm chí còn khốc liệt hơn, điều mà những kẻ thánh chiến tận tụy và giàu kinh nghiệm sẽ cố gắng khắc họa là trận chiến cuối cùng chống lại những kẻ “thập tự chinh” tại phương Tây. Không phải ngẫu nhiên mà ISIS đặt tên cho tạp chí tuyên truyền của mình là Dabiq, là tên của nơi mà phiên bản ngày tận thế của Hồi giáo được tiên đoán sẽ diễn ra.[1]
Chúng ta nhất định không được đưa cho kẻ thù thứ mà chúng muốn một cách dễ dàng. Thay vào đó, chúng ta phải bắt đầu một cuộc chiến ý thức hệ chống lại chúng, coi chúng chính là những kẻ khủng bố, đồng thời giải quyết những điều kiện đã làm chúng nở rộ. Những kẻ thánh chiến Hồi giáo đang tìm kiếm cách leo thang nhằm đưa chúng ta vào thế hoàn toàn đối đầu. Nếu có một điều nào đó chúng ta học được kể từ năm 2001 thì đó chính là việc chúng ta không được phép rơi vào bẫy của chúng.
Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU ở Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ở khu vực Balkan, và là Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton. 
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Fourth Jihadist wave

Nước nhỏ trong vòng xoáy chính trị cường quyền

Nguồn:Nghiên cứu  quốc tế

Tác giả: Ngô Di Lân
Thời gian vừa qua đã chứng kiến một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Singapore, được “châm ngòi” bởi nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani, người hiện là Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.
Bài bình luận với tiêu đề “Qatar: Những bài học lớn từ một nước nhỏ” trên tờ Strait Times của Mahbubani đã ngay lập tức làm “dậy sóng” bởi quan điểm “nước nhỏ phải hành xử như nước nhỏ” của ông, với hàm ý rằng Singapore nên “khom lưng, cúi đầu” trước các cường quốc gần như đi ngược lại với nguyên tắc đối ngoại của Singapore từ trước đến giờ. Những người phản đối Mahbubani cho rằng Singapore có được vị thế như ngày hôm nay là nhờ việc theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập và theo nguyên tắc chứ không phải bằng việc làm “tay sai” cho các cường quốc. Vậy ai có lý hơn trong cuộc tranh luận này? Các nước nhỏ nên làm gì để bảo vệ mình khi bị cuốn vào vóng xoáy chính trị cường quyền?
Những bài học của Mahbubani
Mặc dù bài bình luận của Mahbubani đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ nhưng trên thực tế, hai trong ba bài học mà ông cho rằng các nhà lãnh đạo Singapore nói riêng và các nước nhỏ nói chung cần khắc cốt ghi tâm hoàn toàn không có gì đáng tranh cãi.
Thứ nhất, Mahbubani cho rằng các nước nhỏ cần coi trọng tổ chức khu vực của mình. Đối với các nước Đông Nam Á, điều này có nghĩa là họ cần coi trọng ASEAN và đầu tư nhiều hơn vào tổ chức khu vực này. Lập luận của Mahbubani rất đơn giản: Singapore tránh được tình trạng như Qatar vì ASEAN giúp gắn kết các nước trong khu vực và xây dựng lòng tin vững chắc giữa những nước này. Nói cách khác, ASEAN góp phần duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực. Hơn nữa, các tổ chức khu vực cũng là một cơ chế hữu hiệu để các nước nhỏ “khuyếch đại” tiếng nói của mình, từ đó có sức mặc cả lớn hơn với các cường quốc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc nhất quyết đòi đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông chứ không chấp nhận đàm phán đa phương với cả khối ASEAN để giải quyết tranh chấp. Vì lẽ đó, giá trị của các tổ chức khu vực là không thể chối cãi được.
Thứ hai, Mahbubani cũng khuyên các nước nên chú trọng vào Liên Hợp Quốc. Về cơ bản, bài học thứ nhất và bài học thứ hai của Mahbubani tương đối giống nhau. Cả Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực đều là những cơ chế đa phương mà trong đó các quốc gia sử dụng luật cứng (ví dụ như Hiến chương LHQ) và luật mềm (các quy chuẩn ứng xử chung) để “trói tay” các cường quốc. Các quốc gia vẫn tồn tại trong một thế giới vô chính phủ mà trong đó vũ lực vẫn có sức mạnh chi phối lớn nhất nhưng rõ ràng sự ra đời của LHQ đã khiến thế giới trở nên an toàn và yên bình hơn cho các nước nhỏ. Ngày nay nước lớn không thể “ỷ lớn hiếp bé” một cách trắng trợn như thời Trung Cổ. Nhờ các tổ chức và thiết chế quốc tế như LHQ mà các cường quốc buộc phải để ý đến hình ảnh của mình trong con mắt của cộng đồng quốc tế và hạn chế sử dụng vũ lực. Do đó, việc đề cao LHQ gần như chẳng có gì gây tranh cãi đối với các nước nhỏ.
Điểm duy nhất gây tranh cãi trong bài viết của Mahbubani là “nước nhỏ nên hành xử như một nước nhỏ”. Đối với Mahbubani tuy hành xử theo nguyên tắc và các quy chuẩn đạo đức là rất quan trọng nhưng để đảm bảo an ninh của mình, các nước nhỏ cần phải đặc biệt linh hoạt và nhạy bén trong chính sách ngoại giao của mình, kể cả khi điều đó yêu cầu hy sinh những nguyên tắc cốt lõi. Trên thực tế, điều này có nghĩa là đôi khi các nước nhỏ không được phép làm phật lòng các nước lớn, ví dụ như không đưa ra bình luận trực tiếp về phán quyết của Toà trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện Philippines v Trung Quốc. Ông cũng cảnh báo rằng các nước nhỏ không nên theo bước Qatar – ví dụ điển hình của một nước nhỏ không biết lượng sức mình. Theo Mahbubani, Qatar đã mắc phải sai lầm lớn khi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng và quá tự tin rằng quan hệ gần gũi với Mỹ sẽ bảo vệ họ được khỏi mọi mối đe doạ.
Trong khi đó, đa số những người có quan điểm đối lập với Mahbubani thường không quá tập trung vào bài học mà ông ấy rút ra từ trường hợp Qatar. Dường như những người này phản đối và chỉ trích Mahbubani chủ yếu vì họ cảm thấy bị xúc phạm bởi quan điểm “nước nhỏ phải hành xử như nước nhỏ” của Mahbubani, với hàm ý rằng nước nhỏ nên phục tùng nước lớn. Trong bài phản biện của mình, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan đã khẳng định một cách đanh thép rằng “Singapore không thể tồn tại và thịnh vượng như ngày hôm nay nếu chỉ là chú cún ngoan của bất cứ nước nào”.
Có thể thấy rằng ở đây cả hai quan điểm đều có lý ở một chừng mực nào đó và trên thực tế chúng không mâu thuẫn với nhau hoàn toàn bởi Mahbubani không hề ủng hộ việc nước nhỏ quy phục trước nước lớn một cách tuyệt đối còn Kausikan cũng có thể đồng ý rằng đôi khi chiều ý các nước lớn sẽ là một nước cờ khôn ngoan để đảm bảo an ninh và thịnh vượng về lâu dài. Chính vì vậy, vấn đề ở đây không phải là một sự lựa chọn tuyệt đối giữa nguyên tắc và ứng xử thực dụng mà là làm sao cân bằng được giữa hai yếu tố này trong chính sách và đưa ra lựa chọn phù hợp cho từng trường hợp. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề có thể bàn luận một cách trừu tượng được bởi sự lựa chọn cuối cùng sẽ luôn phụ thuộc vào cân nhắc chi phí – lợi ích tại từng thời điểm.
Đảm bảo an ninh quốc gia trước thách thứ từ các cường quốc
Mặc dù những bài học mà Mahbubani đúc kết ra cho các nước nhỏ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar nhưng nếu theo dõi kĩ sự kiện này thì có thể thấy rằng đây là một sự kiện vô cùng hi hữu. Bài học Qatar không có giá trị mấy đối với các nước nhỏ bởi đại đa số các nước nhỏ đều biết lượng sức mình và theo đuổi một chính sách đối ngoại an toàn chứ không theo đuổi chính sách đối ngoại “kiểu nước lớn” như Qatar. Vì vậy, xác suất những nước nhỏ như các nước ASEAN gặp phải trường hợp tương tự như Qatar là rất thấp.
Vấn đề mà những nước như Việt Nam, Philippines hay Ukraine thường xuyên phải đối mặt không phải là giải quyết khủng hoảng ngoại giao sau khi can thiệp vào nội bộ của các nước khác mà là làm thế nào để vừa giữ vững được độc lập – chủ quyền, vừa tránh bị biến thành con tốt trong ván cờ lớn của các cường quốc. Đối với những nước này, có hai điều kiện tiên quyết để có thể đảm bảo an ninh trong một thế giới vô chính phủ: (i) đánh giá chính xác cán cân quyền lực (balance of power) trong khu vực và (ii) tuyệt đối tránh bị cô lập về mặt ngoại giao.
Trên thực tế, việc đánh giá chính xác cán cân quyền lực trong khu vực rất quan trọng đối với bất kì nước nào chứ không chỉ riêng gì nước nhỏ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho việc đánh giá thiếu chính xác cán cân quyền lực đối với một nước nhỏ sẽ lớn hơn rất nhiều so với một nước lớn bởi sự tồn tại của các nước lớn về cơ bản đã được đảm bảo còn một nước nhỏ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xoá sổ khỏi bản đồ nếu theo đuổi một chiến lược đối ngoại sai lầm. Hơn nữa, nước lớn có khả năng định hình môi trường chiến lược của mình còn các nước nhỏ không có lựa chọn nào ngoài việc điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình khu vực và chính sách của các nước lớn.
Việc tránh bị cô lập về mặt ngoại giao cũng quan trọng không kém bởi cái giá phải trả cho các hành vi hung hăng, hiếu chiến đối với một quốc gia đang bị cô lập sẽ nhỏ hơn rất nhiều đối với một quốc gia có quan hệ tốt và rộng rãi với nhiều nước khác. Không phải tự nhiên mà trước khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã có một chuyến công du đến nhiều nước để tìm kiếm sự ủng hộ và đồng thời cô lập Việt Nam. Do đó, một nước bị cô lập sẽ đối mặt với nguy cơ bị cưỡng ép hay thậm chí bị tấn công lớn hơn so với các nước không bị cô lập. Vì lẽ đó, việc tránh bị cô lập ngoại giao cần phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nước nhỏ.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Là một nước nhỏ với vị trí địa-chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam ắt sẽ là mục tiêu trong “cuộc chơi lớn” của các cường quốc trong khu vực. Để có thể đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo hiện nay, Việt Nam cần “hành xử như một nước nhỏ”.
Điều này không có nghĩa là Việt Nam nên trở thành tay sai của các nước khác. Ngược lại, Việt Nam cần duy trì đường lối đối ngoại độc lập, không quá phụ thuộc vào bất kì một cường quốc nào. Tuy nhiên, như Mahbubani đã nói, việc hành xử một cách có nguyên tắc là quan trọng nhưng chúng ta cần mềm dẻo và điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt theo thời thế để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Chính vì vậy, trong một tương lai xa hơn, các nhà lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến việc từ bỏ nguyên tắc “3 không” trong đối ngoại – quốc phòng. Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ từ bỏ ngay nguyên tắc này mà cũng không có nghĩa là Việt Nam nhất thiết phải liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cho các nước láng giềng thấy rằng Việt Nam không chịu trói bởi bất kì nguyên tắc nào khi lợi ích quốc gia cốt lõi bị đe doạ. Rõ ràng Trung Quốc không hề muốn Việt Nam từ bỏ chính sách “3 không” vì khi đó rất có thể Việt Nam sẽ tìm kiếm sự hậu thuẫn quân sự từ một nước khác để đối phó với Trung Quốc. Đây là một kết quả vô cùng tệ hại với Trung Quốc bởi không những họ mất vùng đệm chiến lược ở khu vực Đông Nam Á mà còn có một đồng minh của Mỹ là láng giềng. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể dùng việc từ bỏ nguyên tắc “3 không” để mặc cả với Trung Quốc nhằm yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ ở Biển Đông.
Cuối cùng, Việt Nam phải hết sức duy trì đường lối đối ngoại đa phương hiện nay để tránh tình thế bị cô lập về mặt ngoại giao. Cụ thể hơn, chúng ta nên tiếp tục chủ động góp phần xây dựng và cải cách các thể chế khu vực như ASEAN để chúng vận hành một cách hiệu quả hơn. Tuy ASEAN hiện nay là một cơ chế tốt để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao từ các nước khác và khuyếch đại tiếng nói của mình nhưng cần phải nhìn nhận một cách thực tế rằng cách thức ASEAN vận hành còn nhiều bất cập và nó hoàn toàn có thể vận hành một cách hiệu quả hơn. Do đó, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập và cải cách ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kì một quốc gia nào khác để đảm bảo an ninh – quốc phòng của mình. Mỹ có thể là đối tác quốc phòng tiềm năng nhất của chúng ta nhưng Mỹ không nên là đối tác quốc phòng duy nhất của Việt Nam. Việc phụ thuộc vào một nước quá nhiều rất nguy hiểm bởi chính sách của các nước khác luôn có thể biến động theo thời gian. Đây là điều rất có thể xảy ra dưới chính quyền Trump và vì vậy, sẽ rất rủi ro nếu chúng ta đặt cược hết vào một đối tác như Mỹ. Vì vậy, con đường tối ưu nhất cho Việt Nam vẫn sẽ là thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhưng đồng thời chủ động can dự với tất cả các đối tác tiềm năng khác trong và ngoài khu vực, kể cả khi điều đó yêu cầu chúng ta phải đổi mới chính mình.
Tóm lại, cuộc tranh luận trong giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Singapore có nhiều giá trị cho Việt Nam nhưng trên hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng đối với mọi nước nhỏ, để đảm bảo được an ninh quốc gia thì luôn phải đánh giá cán cân quyền lực trong khu vực một cách chính xác để điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và tích cực tham gia xây dựng quan hệ với các thể chế khu vực và với nhiều đối tác đa dạng để tránh tình trạng bị cô lập ngoại giao. Nếu Việt Nam làm được hai điều này, gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Ngô Di Lân là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ.

THU RƠI

THU RƠI!
Thu rơi trong ánh mắt em dịu buồn sâu lắng
Và  thu đậu trên đôi vai em gày mảnh mai
ÔI! Những cánh rừng thu vàng lá
Những con đường hoe vắng, lá rơi
Xao xác nhẹ đôi bàn chân ai, diệu vợi.

Mùa thu trên gương mặt em khiến anh bối rối
Ngẩn ngơ lòng, ngắm mãi hình em.
                                                Hưng Yên năm 2017


 MÙA BÃO
Thu sang rồi vẫn nóng nực em ơi!
Nắng chang chang. Cành khô lá héo.
Anh biết mùa thu đang ủ bão
Cho một ngày hê hả đất trời.

                                       Hưng Yên 2017

ĐÊM MƯA


Đêm nay, chớp lóe xé trời
Sấm ì ùng, sét xé tai oàng nổ
Đất trời nhập nhoạng, mông lung.
Anh ngồi nghe mưa rơi.

Mưa rào rào, mưa  rơi
Giọt gõ trên mái tôn
Giọt mờ bay táp lá.
Mưa ào ào xối xả…
Giọt gõ bên hiên nhà.

Không nghe thấy tiếng ếch
Gọi nhau mùa tự tình
Đâu rồi tiếng chẫu chuộc
Tìm nhau để  thương.yêu.

Tiếng mưa dồn như xối..
Tiếng mưa gõ long tong
Một mình trong đêm vắng
Ngỡ mùa  ngâu đã về.
                        Hưng Yên tháng 8 năm 2017



Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Tại sao Nicholás Maduro vẫn nắm quyền ở Venezuela?


Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế

Nguồn: “Why is Venezuela’s Nicolás Maduro still in power”, The Economist, 11/5/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Những cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn, một nền kinh tế hỗn loạn và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng cũng không thể lay chuyển quyền lực của vị tổng thống.
Nicolás Maduro, Tổng thống Venezuela, không được nhiều người ủng hộ. Bốn trong số năm người Venezuela nghĩ rằng chính phủ của ông làm việc không hiệu quả. Họ nói đúng. Đất nước của họ, có trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là nhiều hơn Ả Rập Saudi, dân số chỉ 31 triệu người, và một vị trí địa lý đáng ghen tị, lại đang ở giữa cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất thế giới, với những hàng người xếp hàng mua bánh mỳ theo phong cách Liên Xô, sự thiếu hụt các loại thuốc cơ bản và sự gia tăng đáng chú ý các chỉ số tiêu cực như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và sốt rét. Lạm phát đang hướng đến mức 2.000% vào năm tới. Đồng nội tệ bolívar chỉ còn 0,8% giá trị so với đồng USD trong năm năm qua. Các chính phủ đang công khai mô tả rằng những động thái gần đây của Tổng thống Venezuela nhằm tiếm quyền của quốc hội dân cử là một mối đe dọa đối với dân chủ và khu vực. Ngay cả những người ủng hộ ông cũng đang vất vả để có thể mô tả về Maduro như là một người có chút sức hấp dẫn. Vậy tại sao ông ta vẫn đang nắm quyền?
Ông Maduro phải cảm ơn người tiền nhiệm về sự tồn tại này của mình. Trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của mình, Hugo Chávez đã làm suy yếu một cách có hệ thống tất cả các thể chế chính của quốc gia này, đặt tất cả mọi thứ vào lợi ích của đảng cầm quyền, và đảm bảo rằng bất cứ sự thay đổi nào do phe đối lập dẫn đầu sẽ hoặc bị thách thức hoặc là bất khả thi. Toà án tối cao, cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang của Venezuela, dù ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đều nằm dưới ngón tay cái của tổng thống. Chỉ có một cơ quan vẫn duy trì độc lập, và đó là quốc hội.
Quốc hội Venezuela được chuyển sang phe đối lập nắm quyền kiểm soát sau một cuộc bỏ phiếu đảo chiều lớn vào tháng 12 năm 2015. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng với ông Maduro. Ông ta có thể chỉ đạo tòa án tối cao phục tùng mình để bãi bỏ các đạo luật của quốc hội khi được yêu cầu. Tương tự như vậy, khi cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Maduro dường như sẽ đảm bảo rút ngắn nhiệm kỳ của ông hồi năm ngoái, một tổ chức khác, hội đồng bầu cử, đã làm công việc bẩn thỉu cho vị tổng thống bằng cách trì hoãn và rốt cộc là ngăn chặn cuộc bỏ phiếu.
Điều đó khiến cho một sự chuyển đổi quyền lực nhanh chóng là bất khả thi. Phe đối lập đã đi đến kết luận rằng lựa chọn khả thi duy nhất của họ là xuống đường. Đảng này hy vọng rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ chứng minh cho việc ai là người thực sự nắm giữ quyền lực chính ở Venezuela, từ đó thúc giục những nhượng bộ nghiêm túc từ phía chính phủ, hoặc thậm chí là một cuộc nổi dậy. Nhưng ông Maduro lại giữ con át chủ bài: quân đội.
Thể chế được được cho là trung lập nhưng lại bị chính trị hóa nặng nề này được gần như gắn liền với cấu trúc chính trị của Venezuela. Các sĩ quan hoặc cựu sĩ quan đang điều hành 11 trong số 32 bộ của chính phủ. Các quan chức chóp bu trong quân đội cũng điều hành các ngành kinh doanh trọng điểm, bao gồm cả ngành phân phối lương thực nhà nước. Điều đó, cùng với những cơ hội kiếm lời chênh lệch giá bằng cách khai thác tỷ giá hối đoái chính thức thấp một cách giả tạo của đất nước này, đã cho phép một tầng lớp tinh hoa trong quân đội thu được những khoản lợi nhuận hậu hĩnh từ sự cai trị hỗn loạn của ông Maduro. Đối với các tướng tá, và các quan chức cấp cao trong chính phủ (một số bị đe doạ truy tố nếu có sự thay đổi chế độ), những lợi ích của tình trạng hiện tại đồng nghĩa với việc họ sẽ làm hầu hết mọi thứ để duy trì quyền lực.
Tuy nhiên, áp lực nghiêm trọng đối với chính phủ vẫn tồn tại. Nền kinh tế tiếp tục sụt giảm; mang lại nguy cơ thực sự về vỡ nợ quốc gia. Giờ chính phủ có ít tiền hơn để vừa xoa dịu bất mãn vừa chia sẻ giữa những kẻ tham nhũng. Có những tin đồn dai dẳng về những vụ đào tẩu ở hàng ngũ cấp trung và cấp thấp trong quân đội. Tổng chưởng lý hiện nay rất không thoải mái về đường lối độc đoán của chính phủ mà bà đang phục vụ. Vị tổng thống có thể ngăn chặn cách rõ ràng nhất để đánh bại ông ta, đó là một cuộc bỏ phiếu công bằng. Nhưng ông ta không phải là không thể bị tấn công.

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

TIẾNG VE

Thơ: Quý Nghi
Rạo rực ve ru những trưa hè
Tán bàng , rặng nhãn với hàng me
Lùm xanh ra rả bừng đây đó
Gió khẽ lay cành , lá vẫy khoe
Tiếng ve tô thắm màu phượng đỏ
Ve ru tròn mọng túm nhãn lồng
Ve sôi ruột bút chừng cạn mực
Ve rang chiêm sớm đã mẩy đòng
Nhạc ve hoà sáo diều cao thấp
Túi nữ sinh còn sót trái mận vàng
Mùa thi cuối khoá dồn chuyển cấp
Giọt giọt mồ hôi nhỏ từng trang !...
Bầu trời xanh bên những hàng cây biếc
Trăng mênh mang hây hẩy gió đêm hè
Một ngày qua , không có gì hối tiếc
Chỉ thấy yêu khi nghe rộn tiếng ve .
QUÝ NGHI

KHĂN LÀNG

 Thơ Quý Nghi
Khăn làng :
In sắc trời trong vắt
Những khóm hoa lục bình
Hồng má con gái
Khăn làng :
Cạn tròng ngươi con mắt
Con cò hương lò dò
Vụt bay
Khóm tre xào xạc
Khăn làng :
Sớm sương mờ mịt
Đôi bờ
Cỏ mươn mướt xanh
Khăn làng :
Rào rào mưa bóng
Cá Măng văng mình
Gọng vó bè kéo khum
Khăn làng có tên
Ngưu Giang cổ tích
Vắt vai xóm thôn
Lau bừng khuôn mặt
Khăn mịn như trăng
Khăn mát như lụa
Khăn trải êm đềm
Ngọt ngào ca dao !
Quý NGHI

NGUYỆT HỒ LỐI CŨ

Thơ: Quý Nghi
Nguyệt Hồ Nguyệt Hồ lối cũ
Con đường nhỏ ấy mình đi
Chỉ vừa xa thôi đã nhớ
Dáng hình nửa tỉnh nửa quê !
Mặt nguyệt êm đềm phẳng lặng
Cỏ mật triền đê cong mềm
Tiếng nói ngọt nước nhãn ấy
Phải em - ồ sao giống em !?
Nguyệt Hồ chiều thu ngăn ngắt
Trời nước xanh như mọi hồ
Chỉ con mắt đen hạt nhãn
Là riêng , riêng xứ mộng mơ ...
Nguyệt Hồ yên tĩnh đêm đêm
Nơi riêng sau ngày hối hả
Ở đây chẳng ai vội vã
Bóng cây ngả vào bóng cây !.
Bàn tay nắm trong bàn tay
Lạo xạo con đường sỏi nhỏ
Lung linh đèn màu mờ tỏ
Quện cùng dáng anh và em .
QUÝ NGHI

TÌM LẠI ĐIỀU ĐÁNH RƠI

Thơ: Nguyễn Thích
Vô tình một chút thôi
Anh và em lỡ hẹn
Để đi mà chẳng đến
Lời nguyền rớt xuống sông
Giá mà nước đừng trong
Thì những chiều bến vắng
Ngẩn ngơ và say đắm
Thời gian rồi cũng qua!
Giờ về chỗ hẹn xưa
Lòng vẫn nguyên khoảng trống
Muốn được làm con sóng
Tìm lại điều đánh rơi

MẸ MÙA THU VÀ EM

Thơ: Nguyễn Thích
Mẹ kể
mùa thu mấy mươi năm trước
cha đi 
mẹ đứng bên thềm
cái dáng mảnh mai dính hiên nhà thành bóng
mẹ ngồi mòn cả màn đêm
mùa thu đến trong màu cờ, sắc áo
cha không về
mẹ khóc
nước mắt chẳng chảy ra ngoài mà lặn vào tim
mẹ thành goá bụa
nuôi con lớn khôn lầm lũi phần đời
lại tiễn con đi trong nắng
heo may vàng xao xác lá thu rơi
con ngồi bên nấm mộ
cỏ mùa thu phủ kín chỗ mẹ nằm
đất nước hết chiến tranh nhưng trong lòng dậy sóng
một dải sơn hà nặng tình nghĩa cha ông
mùa thu vẫn nguyên sắc lá
hoa cúc vàng vương trên áo em
ánh mắt đọng miền sâu thẳm
làn tóc dài hương bồ kết trinh nguyên
anh đằm vào hương ấy
thấy mùa thu trong em

ĐI QUA CƠN MƯA



Tí tách mưa rơi
Thời gian  chầm chậm
Không gian mênh mang
Giọt buồn sâu thẳm.

Ai níu được bước chân
Cho tình yêu kết trái
Ai níu được thời gian
Để tình yêu về lại.

Ta nghe tuổi đá buồn
Những ngày tháng buồn
Những nhà ga ta đã đi qua
Trời chiều quạnh quẽ.

Dòng sông nào đưa ta qua những tháng năm?
Con sóng nào ru ta?
Bờ vai nào cho ta gối đầu êm ái?
Bàn tay nào nhè nhẹ
Cho trái tim bớt muộn phiền.
ÔI!  Tiếng mưa  cứ gõ
Thời gian chầm chậm trôi
Cô đơn lên ngôi.


Tí tách mưa rơi
Em ơi!
Đầu ta nhức buốt
Nghiệp kiếp đa mang
Đâu dòng sông mềm mại?
Đưa ta về cõi mơ êm ái!

                                    Hưng Yên tháng 8 năm 2017

Mâu thuẫn giữa Hồi giáo và chủ nghĩa thế tục ở Pháp

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

burkini
Nguồn: Noëlle Lenoir, “The Burqa and French Values”, Project Syndicate, 25/08/2016
Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Đã có nhiều cơ quan truyền thông phương Tây chỉ trích đạo luật năm 2010 của Pháp về việc cấm che mặt, cụ thể là những chiếc khăn burqa được sử dụng để che đi khuôn mặt và toàn bộ cơ thể của phụ nữ, và sắc lệnh vừa được ban hành vào năm nay cấm sử dụng đồ bơi toàn thân “burkini” tại những bãi biển công cộng cũng đã thu hút nhiều sự chú ý tiêu cực.[1] Việc chỉ trích Pháp trên mặt báo không còn là điều gì mới mẻ, nhưng những người chỉ trích động thái này đã bỏ qua những yếu tố lịch sử và chính trị – xã hội, lý do khiến đa số người Pháp ủng hộ chúng.
Đầu tiên, chủ nghĩa thế tục – hay còn gọi là laïcité – là một nguyên tắc đã định hình xã hội Pháp. Theo Hiến pháp Pháp – mà trong đó tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận được bảo vệ – tất cả công dân có thể chọn theo bất kỳ tôn giáo nào, hoặc không theo tôn giáo nào cả; nói cách khác, họ có thể chỉ trích và nhạo báng các đức tin và phong tục tôn giáo.
Năm 2004, Hội đồng Hiến pháp nước Pháp cho rằng Hiến pháp nước này tuân theo Hiến chương Liên minh Châu Âu về những Quyền Cơ bản. Nhằm “hòa hợp nguyên tắc tự do tín ngưỡng và chủ nghĩa thế tục”, Hội đồng cho rằng “Hiến pháp cấm “các cá nhân theo đuổi các niềm tin tôn giáo của mình nhằm mục đích đi ngược với những quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân.”
Tại Pháp, những sự kiện gần đây có vẻ như đã trực tiếp đe dọa những nguyên tắc này. Năm 1765, nhà triết học thời kỳ Khai sáng của Pháp, người theo thuyết bất khả tri, đã viết: “Bất cứ ai có khả năng khiến bạn tin vào những điều vô lý cũng có khả năng khiến bạn phạm phải tội ác.” Các nghệ sĩ biếm họa và phóng viên của tuần san Charlie Hebdo, những người đã bị sát hại bởi 2 phần tử Hồi giáo cực đoạn, trước đó đã tiếp tục truyền thống thời kỳ Khai sáng mà Voltaire góp công khởi xướng, và đòn tấn công ấy đã gây ra hiệu ứng sợ hãi đặc biệt đối với quyền tự do ngôn luận kiểu Pháp. Những lời dọa giết vẫn đang được gởi đến tờ Charlie Hebdo, gần đây nhất là sau khi tờ báo phát hành tranh biếm họa về cuộc tranh luận burkini.
Bên cạnh chủ nghĩa thế tục tại Pháp là chủ nghĩa nữ quyền, cũng là một nguyên tắc được tôn thờ trong Hiến pháp. Kể từ năm 1999, Điều 1 Hiến pháp đã quy định sự cân bằng giới tính trong mọi cơ quan ra quyết định tại Pháp, từ Quốc hội đến các cơ quan nhà nước địa phương, hội đồng quản trị, vv…. Mặc dù chiếc trần kính nổi tiếng vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, hiện nay đã có nhiều phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo cao tại Pháp hơn bao giờ hết.
Cũng như chủ nghĩa thế tục, sự bình đẳng giới tính được quy định bởi hiến pháp này mang nhiều mâu thuẫn với những diễn giải bảo thủ của Hồi giáo, những diễn giải này thường kêu gọi việc ăn mặc kín đáo và tách biệt nam nữ tại bệnh viện, hồ bơi và trường dạy lái xe. Và, trong nhiều cộng đồng Hồi giáo Pháp, các thầy tu Hồi giáo bảo thủ có nhiều ảnh hưởng trong việc định hình vị thế của phụ nữ hơn là giáo viên hay các nhà lãnh đạo địa phương.
Với nền văn hóa nữ quyền mạnh mẽ của Pháp, nhiều công dân Pháp coi hành động phân biệt giới tính và che mặt là mang tính đàn áp, kể cả khi chúng được gọi là sự lựa chọn của người phụ nữ. Nước Pháp có lịch sử chào đón dân nhập cư, đặc biệt trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc Thế chiến; thế nhưng nước này chưa bao giờ thỏa hiệp với những thái độ và hành vi không những xâm phạm mà còn công khai thách thức các nguyên tắc hiến định của họ.
Luật pháp của Pháp nghiêm cấm thu thập dữ liệu dựa trên chủng tộc và tôn giáo, nhưng có khoảng 8 đến 9% trong tổng số 66 triệu công dân Pháp là người Hồi giáo – nhiều thứ hai tại châu Âu, sau Đức – và một nửa trong số đó được cho là chưa quá 24 tuổi. Đa phần người Hồi giáo tại Pháp không phải là những người mới đến, họ đã đến đây từ thời các phong trào độc lập của Algeria, Morocco và Tunisia hồi những năm 1960, điều đó có nghĩa rằng những người Hồi giáo trẻ ngày này thuộc thế hệ thứ ba của làn sóng nhập cư đó. Nhiều người đã rất thành đạt, đặc biệt là các phụ nữ trẻ, những người đang thể hiện xuất sắc trong thị trường lao động ngày càng mang tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hồi giáo cảm thấy bất mãn với cuộc sống của mình và cảm thấy bị phản bội bởi lời hứa của Pháp về quyền bình đẳng, điều khiến họ chất vấn và thách thức những giá trị Pháp. Là nhóm cư dân đặc thù, họ cảm nhận sâu sắc gánh nặng từ tình trạng thất nghiệp kéo dài, trung bình ở mức 25% đối với giới thanh niên và lên tới 40% ở các vùng ngoại ô (banlieues), tức các khu dân cư bao quanh các thành phố lớn tại Pháp, nơi nhiều gia đình Hồi giáo đang sinh sống.
Với những điều kiện đó, người trẻ thường hay đổ lỗi cho xã hội, họ tin rằng xã hội đã hạn chế quyền tôn giáo của họ, khiến họ có kết quả học tập kém, cùng những hệ quả bất lợi khác. Đối với một số người, cảm giác bị cô lập đã được giải tỏa thông qua sự căm ghét nước Pháp, bạo lực bài Do Thái, và việc chối bỏ các giá trị Pháp, đến nỗi họ xác định bản sắc của mình thông qua những diễn giải cực đoan về Hồi giáo chứ không phải thông qua tư cách công dân Pháp.
Hàng thập kỷ  qua, chính phủ Pháp đã cố gắng che đậy vấn đề bằng cách đổ hàng tỉ euro vào những chương trình được gọi là “chính sách đô thị” nhằm cải thiện những dự án nhà ở xuống cấp. Nhưng chẳng gì có thể che đậy được những tội ác ghê sợ tại Pháp trong 2 năm qua bởi những thanh niên Hồi giáo trẻ bất mãn tin vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Bản danh sách rất đáng gây lo ngại. Sau cuộc tấn công vào tờ Charlie Hebdo và một cửa hàng tạp hóa bán đồ ăn kosher (của người Do Thái) vào tháng 1 năm 2015, đã có nhiều cuộc tàn sát xảy ra tại nhà hát Bataclan và nhiều địa điểm khác tại Paris vào tháng 11/2015; cuộc tấn công bằng xe tải tại cuộc diễu hành mừng quốc khánh tại Nice vào mùa hè này (2016); vụ sát hại một linh mục, người đã bị cắt cổ, xảy ra sau đó tại một nhà thờ Thiên chúa giáo tại Normandy trong một buỗi làm lễ; cuộc tấn công vào một căn nhà riêng nằm ở ngoại ô Paris, nơi một cặp vợ chồng cảnh sát bị giết ngay trước mắt con mình; và vụ một người đàn ông Do Thái bị đâm tại Strasbourg trong tháng này.
Những vụ việc này ngày càng củng cố các phong trào dân túy tại Pháp và trên toàn châu Âu. Tại chính nước Pháp, những cuộc tấn công này đang được sử dụng để củng cố lập luận bài Hồi giáo của các chính trị gia như Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, người có thể vào tới vòng hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Trong bối cảnh những chấn động này, nhiều công dân Pháp tin rằng khả năng tồn tại của nền Cộng hòa đang bị đe dọa. Và họ cho rằng không có lý do gì những đặc trưng của Pháp về chủ nghĩa đa nguyên và sự bao dung nên trở thành nguồn cơn cho sự hủy diệt của nước này.
Noëlle Lenoir là cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về châu Âu của Pháp, hiện là Chủ tịch Viện Châu Âu tại trường Hautes Etudes de Commerce tại Paris, và là nhà sáng lập và chủ tịch của viện nghiên cứu chính sách Cercle des Européens.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Burqa and French Values

Suy nghĩ lại về tương lai Trung Quốc

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

Nguồn: Stephen S. Roach, “Rethinking the Next China”, Project Syndicate, 25/05/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Thư | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong 7 năm qua, tôi đã dạy một khóa được nhiều người theo học ở Yale có tên là “Tương lai Trung Quốc”. Ngay từ ban đầu, tôi tập trung vào những mệnh lệnh chuyển đổi trong nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc, cụ thể là tiến trình chuyển đổi từ mô hình nhà sản xuất thành công lâu nay sang mô hình ngày càng được thúc đẩy bởi tiêu dùng của hộ gia đình. Tôi dành nhiều sự lưu tâm cho những rủi ro và cơ hội của sự tái cân bằng này cũng như những hệ quả liên quan đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc và nền kinh tế thế giới nói chung.
Trong khi nhiều “viên gạch” chủ chốt của tiến trình chuyển đổi của Trung Quốc đã được đặt vào đúng vị trí, đặc biệt là sự tăng trưởng vượt bực của ngành dịch vụ và tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, thì rõ ràng đang xảy ra một chiều hướng chuyển đổi vừa mới mẻ vừa quan trọng khác: Trung Quốc đang chuyển đổi từ một kẻ tìm cách thích nghi với tiến trình toàn cầu hóa thành kẻ lèo lái tiến trình đó. Trên thực tế, Trung Quốc của tương lai đang đặt cược nhiều hơn vào mối liên kết của mình với một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, và theo đó tạo ra một loạt những rủi ro và cơ hội mới.
Rõ ràng là có điều gì đó không ổn đã xuất hiện trong những năm qua. Chiến lược chuyển đổi này phản ánh rất nhiều dấu ấn lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, cụ thể là sự chú trọng của ông vào “Giấc mơ Trung Hoa”. Ban đầu, giấc mơ này là một thứ gì đó như một khẩu hiệu của chủ nghĩa dân tộc, được định hình như một tiến trình phục hưng giúp Trung Quốc giành lại vị trí nổi trội trên thế giới trong quá khứ, tương ứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nước này.
Nhưng hiện nay Giấc mơ Trung Hoa đang được định hình thành một kế hoạch hành động cụ thể, tập trung vào kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” (OBOR). Sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng liên khu vực đầy tham vọng này là một sự kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế với khuếch trương quyền lực địa chiến lược, được hỗ trợ bởi những thiết chế tài chính mới do Trung Quốc dẫn dắt: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới (thuộc BRICS), và Quỹ Con đường Tơ lụa.
Đối với những ai đang nghiên cứu sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, thì tiến trình này khó có thể được xem là một diễn tiến tầm thường. Dù tiến trình chuyển đổi vẫn đang diễn ra, tôi xin mạn phép nhấn mạnh ba hàm ý có thể có.
Đầu tiên, Trung Quốc không thật sự thay đổi 180 độ. Là một nhà kinh tế học, tôi có xu hướng đặc biệt chú trọng vào các mô hình kinh tế và giả thuyết liên quan rằng các nhà lập chính sách có thể nhảy từ mô hình này sang mô hình khác. Tuy thế, nó không rõ ràng như vậy – đối với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.
Bất chấp những mục tiêu thực tiễn, giờ đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng chiến lược tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng khó thực hiện hơn suy nghĩ ban đầu. Tỷ lệ tiêu dùng trong GDP chỉ tăng 2,5% từ năm 2010 – quá ít so với mức tăng thu nhập cá nhân mà người ta mong đợi sẽ đến từ mức tăng 7,5% trong tỉ trọng ngành dịch vụ và mức tăng 7,3% tỉ trọng dân số đô thị có thu nhập cao trong cùng thời kỳ.
Sự cách biệt lớn trên thực tế này phản ánh một mạng lưới an sinh xã hội đầy những lỗ hổng vốn tiếp tục khuyến khích người dân tiết kiệm nhằm phòng ngừa rủi ro. Điều này đang ngăn cản tăng trưởng tiêu dùng theo ý muốn của nước này. Dù vẫn thực hiện cam kết đô thị hóa và phát triển các ngành dịch vụ, nhưng Trung Quốc đã chọn dựa vào một nguồn tăng trưởng mới ở bên ngoài nhằm bù đắp cho mức cầu thấp ở trong nước.
Thứ hai, lần vươn ra toàn cầu này mang nhiều dáng dấp của mô hình nhà sản xuất cũ. Nó cho phép đưa năng lực sản xuất dư thừa trong nước đang tăng lên một cách đáng lo ngại sang đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của dự án OBOR. Và nó dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) để thúc đẩy đầu tư, qua đó ngăn chặn những cải tổ vốn cần thiết bao lâu nay trong lãnh vực công nghiệp khổng lồ này của Trung Quốc.
Mặt bất lợi của sự ủng hộ mới xuất hiện gần đây dành cho mô hình nhà sản xuất là nó làm giảm ưu tiên dành cho mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Trong báo cáo công tác thường niên của Thủ tướng Lý Khắc Cường – một dạng tuyên bố chính thức về chính sách kinh tế – sự nhấn mạnh vào chuyển đổi cơ cấu sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng đã giảm rõ rệt trong hai năm qua (chỉ xếp thứ 3 trong cả hai năm 2016 và 2017, trong khi các sáng kiến bên cung được ưu tiên cao hơn).
Thứ ba, cách tiếp cận toàn cầu của Trung Quốc phản ánh một sự thay đổi trong nền quản trị của nước này. Sự củng cố quyền lực trong nước của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là một phần của câu chuyện. Sự dịch chuyển quyền ra quyết định kinh tế từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) của Quốc Vụ Viện sang các tiểu nhóm lãnh đạo trực thuộc Đảng là đặc biệt quan trọng, tương tự như chiến dịch chống tham nhũng, tăng cường kiểm duyệt Internet, và các quy định mới đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO).
Trớ trêu là quá trình tập trung quyền lực này quá rõ ràng. Sau tất cả, thì Tập Cận Bình đã sớm đưa ra lời hứa về việc phá bỏ những khối quyền lực thâm căn cố đế, và các cải cách đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11 năm 2013 đã nhấn mạnh việc khuyến khích nhiều hơn vai trò quyết định của thị trường.
Nhưng lần vươn ra toàn cầu mới của Trung Quốc có một sự phi lý còn lớn hơn. Nó đi ngược lại phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy chống toàn cầu hóa đang nổi dậy ở nhiều nước phát triển. Là một nền kinh tế tập trung vào ngành sản xuất, Trung Quốc hưởng lợi rất nhiều từ tiến trình toàn cầu hóa, cả về tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và giảm nghèo đói nhờ số lượng người lao động dư thừa tìm được việc làm. Hướng tiếp cận đó hiện nay đã bị đình trệ bởi những mất cân bằng trong nước của Trung Quốc, sự suy giảm thương mại toàn cầu sau khủng hoảng 2008, và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ chống lại Trung Quốc. Và kết quả là các nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm tận dụng hơn nữa quá trình toàn cầu hóa đã đã vấp phải những thách thức trầm trọng từ chính mình.
Một Trung Quốc toàn cầu hóa hơn cũng đem lại những hệ quả quan trọng cho chính sách đối ngoại của nước này. Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đặc biệt nổi bật, nhưng những “dấu chân”của Trung Quốc ở châu Phi và Mỹ Latinh cũng thu hút sự chú ý sát sao hơn. Có lẽ chiến lược mới này làm nổi lên vấn đề lớn nhất trong tất cả: Liệu Trung Quốc có lấp đầy khoảng trống bá quyền được tạo ra bởi cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” theo khuynh hướng biệt lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không?
Tóm lại, tương lai của Trung Quốc đang được định hình sẽ hướng ra bên ngoài nhiều hơn, sẽ quyết đoán hơn và tập trung quyền lực nhiều hơn so với những gì tôi hình dung khi bắt đầu dạy khóa học “Tương lai Trung Quốc” vào năm 2010. Đồng thời Trung Quốc không còn giữ nhiều cam kết đối với việc thực hiện các chương trình cải cách dựa trên thị trường với những điểm nổi bật như tăng tiêu dùng cá nhân và tái cấu trúc các doanh nghiệp quốc doanh. Khó mà biết được liệu điều này có làm thay đổi đích đến cuối cùng của quá trình tái cân bằng của Trung Quốc hay không. Tôi hy vọng là không. Nhưng chính vì lẽ đó, nó khiến việc dạy một khóa học ứng dụng trở nên thú vị hơn, khi mà trọng tâm của khóa học là một mục tiêu không ngừng thay đổi.
Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Rethinking the Next China

Bộ Quốc phòng TQ nói về lý do hủy giao lưu biên giới Trung – Việt


  • Bản tin do “Thời báo Hoàn cầu” TQ phát đi lúc 23h30 ngày 21/6 (giờ Bắc Kinh) viết:
    Tối 21, khi trả lời câu hỏi của “Thời báo Hoàn cầu”, Cục Tin tức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: do nguyên nhân sắp xếp công việc, phía TQ hủy bỏ cuộc gặp cấp cao biên giới của quân đội hai nước tiến hành theo kế hoạch cũ.
    Ngày 12/6, tin tức chính thức do Bộ Quốc phòng phát đi cho biết:  Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long ngày 12 rời Bắc Kinh đi thăm Tây Ban Nha, Phần Lan, Việt Nam và dự cuộc gặp cấp cao biên giới lần thứ tư của quân đội hai nước TQ-VN. Ngày 18/6 Phạm Trường Long thăm VN, tại Hà Nội, ông đã lần lượt hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Trong các cuộc hội kiến, hội đàm, Phạm Trường Long nói TQ-VN là láng giềng núi liền núi, sông liền sông, là bạn bè cùng chí hướng, là khối cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược. Dưới sự quan tâm thúc đẩy của lãnh đạo hai Đảng hai nước, hiện nay mối quan hệ hai nước có xu thế phát triển tốt đẹp, sự hợp tác trên các lĩnh vực có thành quả nổi bật.  Phía TQ muốn cùng phía VN làm tốt việc ghép nối chiến lược “Một vành đai, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, đẩy mạnh sự hợp tác thiết thực, thực hiện cùng nhau phát triển. Phía TQ cao độ coi trọng sự phát triển mối quan hệ giữa hai quân đội, muốn tăng cường hợp tác với phía VN, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quân đội đạt được sự phát triển lớn hơn.
    Nguyễn Hải Hoành biên dịch
    Nguồn:
  • The Observer

Ngoại giao nước nhỏ và bài học cho Việt Nam

Nguồn : nghiên cứu quốc tế

Tác giả: Nguyễn Thị Linh
Tháng 7/2016 tại Singapore nổ ra một cuộc bút chiến bàn luận về chủ đề ứng xử của nước nhỏ trong quan hệ quốc tế giữa các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước này. Cuộc tranh luận thu hút sự chú ý của dư luận bên trong và bên ngoài Singapore bởi nó không chỉ phản ánh sự chia rẽ tư tưởng trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Singapore hiện nay mà còn động chạm đến vấn đề cốt lõi liên quan đến bản sắc của một chủ thể hết sức đặc biệt trong chính trị quốc tế hiện đại. Singapore là một quốc đảo với dân số 5,6 triệu nhưng lại có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới và thành tích đối ngoại đáng khâm phục. Từng được coi là “một chấm đỏ” (little red dot), nhưng Singapore ứng xử với tư thế của một quốc gia độc lập, không ít lần từ chối những đề nghị của các cường quốc. Rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên cuộc tranh luận nổ ra, và chắc cũng không phải lần cuối. Những ý kiến trong diễn đàn hết sức có giá trị để giới nghiên cứu chính sách của Việt Nam tham khảo.
Khác biệt quan điểm
Lời qua tiếng lại bắt nguồn từ bài bình luận “Bài học lớn từ một Nước nhỏ” trên Nhật báo Strait Times của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Sở dĩ bài viết thu hút sự chú ý bởi Mahbubani  được coi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng của Singapore với cuốn sách nổi tiếng Can Asians Think? (tạm dịch: Người châu Á có thể tư duy được không?). Ông cũng có sự nghiệp kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại, đã từng được bổ nhiệm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Đại sứ của Singapore tại Liên Hợp Quốc.
Trong bài bình luận, Mahbubani viện dẫn trường hợp của Qatar, nước đang bị dính vào cuộc khủng hoảng chính trị-ngoại giao với các thành viên còn lại trong Liên đoàn Ả-rập, để lập luận rằng nước nhỏ không nên phớt lờ quy tắc vĩnh viễn của địa chính trị: “Nước nhỏ phải hành động như các nước nhỏ”, không phải hành xử giống cường quốc hạng trung. Quan điểm trên được hình thành trên nhận định: do tự tin về tiềm lực kinh tế và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Qatar đã hành xử “quá sức” như một cường quốc hạng trung, trực tiếp can dự vào các cuộc chạy đua địa chính trị ở khu vực (can thiệp trực tiếp vào tình hình Syria, hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở các quốc gia khác). Các nước láng giềng lớn hơn như Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập, Liên minh Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với cáo buộc “Qatar gây chia rẽ nội bộ Ả Rập, xúi giục các âm mưu chống lại Nhà nước, vi phạm chủ quyền, chứa chấp các tổ chức khủng bố như Nhóm Anh em Hồi giáo, ISIS và Al-Qaeda.”
Từ quan sát đó, Mahbubani phê phán lập trường của Singapore công khai ủng hộ Toà trọng tài Biển Đông và rút ra kết luận rằng Singapore nên cẩn trọng và kiềm chế khi đưa ra các bình luận liên quan tới các cường quốc để tránh rơi vào tình huống của Qatar. Ông này cũng bổ sung thêm rằng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người có những bình luận “cởi mở và tự do về các cường quốc” là trường hợp ngoại lệ. Quan điểm của Mahbubani được Tiến sĩ Yap Kwong Weng, chuyên gia về Đông Dương của Trường Lý Quang Diệu ủng hộ. Ông này cũng cho rằng Singapore nên tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại phù hợp, cẩn trọng và không nên cư xử như một nước hạng trung để tránh rủi ro liên quan tới những tính toán địa chính trị.
Quan điểm của Mahbubani gặp phải sự phản ứng của nhiều chính khách hàng đầu Singapore. Nhà ngoại giao nghỉ hưu Bilahari Kausikan[1] cho rằng suy nghĩ của Mahbubani là “lộn xộn, dối trá và nguy hiểm”, xúc phạm các lãnh đạo tiền nhiệm và người dân Singapore. Kausikan cho rằng “Singapore sẽ không tồn tại và thịnh vượng như con chó thuần dưỡng của bất cứ nước nào” và các nhà lãnh đạo của nước này sẽ không do dự đứng lên bảo vệ các lý tưởng và nguyên tắc của họ.[2] Ông dẫn chứng các ví dụ về những nhà ngoại giao Singapore như Bộ trưởng George Yeo, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng giữ vững quan điểm của mình khi đối mặt với các nước lớn hơn như Trung Quốc, Indonesia để chứng minh cho lập luận của mình.
Cùng lối tư duy này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao K. Shanmugam cho rằng lời bình luận của Giáo sư Mahbubani là “đáng nghi vấn về mặt học thức” và đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản mà lãnh đạo lập quốc Lý Quang Diệu theo đuổi: đó là không nghĩ nhỏ mọn hay nhún nhường trước các nước khác.[3] Dựa trên những kinh nghiệm của bản thân với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Shanmugam cho rằng nếu Singapore cho phép bản thân mình bị bắt nạt thì nước này sẽ tiếp tục bị bắt nạt. Do đó, trong vai trò Ngoại trưởng, ông không bao giờ để các nước khác làm điều như vậy với Singapore.
Cựu Đại sứ lưu động Ong Keng Yong, hiện đang là Phó Chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cũng cảnh báo rằng quan điểm của Mahbubani đi ngược lại lợi ích của Singapore. Quan hệ quốc tế không đơn thuần dựa trên quy mô diện tích và dân số. Theo ông, nước nhỏ không thể lựa chọn “sự sợ hãi” trước các nước lớn, mà buộc phải đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia vì nếu làm khác sẽ luôn bị các nước lớn chèn ép.
Nguồn gốc của cuộc tranh luận
Cuộc tranh luận công khai về chính sách đối ngoại của Singapore nảy sinh trong bối cảnh khu vực này có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Kể từ 2009, những va chạm liên quan đến vấn đề Biển Đông đẩy quan hệ Trung Quốc và một số nước ASEAN vào một số đối đầu về ngoại giao cũng như trên thực địa. Từ đó, mâu thuẫn giữa Singapore và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông xuất hiện. Là một quốc gia thương mại, Singapore chủ trương duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi đó Trung Quốc có xu hướng sử dụng sức mạnh chèn ép các nước nhỏ mà bỏ qua luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Bên cạnh đó, Singapore nỗ lực duy trì đoàn kết ASEAN trong khi Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ.
Nhìn lại, mâu thuẫn Singapore và Trung Quốc tích tụ trong giai đoạn Singapore là quốc gia điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc kể từ tháng 8/2015. Xích mích đầu tiên là tại Diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta, Indonesia tháng 4/2016, hai nhà ngoại giao lão thành của Singapore (Ong Keng Yong và Kausikan Bilahari) cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ của ASEAN và cố gắng gây chia rẽ khu vực sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được đồng thuận bốn điểm với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng ý định của Trung Quốc bị hiểu nhầm và yêu cầu Singapore làm rõ lời buộc tội trên.[4] Tiếp đến vào tháng 6, sau cuộc họp đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh, Singapore lại trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này không tham gia họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện như dự kiến. Singapore và một nước ASEAN đã không đồng ý trong một số vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc ép ASEAN coi vấn đề Biển Đông là khúc mắc song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN riêng lẻ. Trung Quốc và ASEAN rõ ràng là có những tuyên bố khác nhau và Trung Quốc lần nữa tìm cách chia rẽ ASEAN bằng cách gây áp lực lên một số nước thành viên để ngăn cản một tuyên bố chung không có lợi cho Trung Quốc.[5] Trung Quốc chỉ trích Singapore không làm tốt vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN nhằm thúc đẩy đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Singapore cũng là quốc gia có lập trường ủng hộ Toà trọng tài Biển Đông mà Trung Quốc tìm mọi cách để bác bỏ.
Cho tới tháng 9, Đại sứ Singapore tại Trung Quốc gửi thư cho Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu bác bỏ cáo buộc của Thời báo này cho rằng Singapore đang làm căng thẳng tình hình Biển Đông với những hành động và tuyên bố không có căn cứ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết (NAM). Tình hình quan hệ song phương tiếp tục xấu đi khi Trung Quốc bày tỏ bất mãn trước việc Singapore cho phép tàu chiến Littoral và tàu ngầm tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ triển khai ở Singapore và thực hiện tuần tra ở Biển Đông.[6] Tháng 11/2016, Trung Quốc trả đũa bằng cách bất ngờ bắt giữ lô xe bọc thép Terrex của Singapore quá cảnh ở Hong Kong trên đường về Singapore sau khi tập trận ở Đài Loan. Lý do hải quan Hồng Kông đưa ra “phát hiện thiết bị kiểm soát khả nghi.” Vụ việc tạo ra căng thẳng ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Trung Quốc và Singapore, đặt Singapore trước rủi ro bị mất bí mật quân sự liên quan đến lô xe bọc thép tối tân.
Chuỗi sự kiện và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Singapore và Trung Quốc có lẽ là cơ sở thực tế để nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani đưa ra bình luận “nước nhỏ nên theo ngoại giao nhỏ”, không nên can dự vào những vấn đề liên quan đến địa chính trị của các cường quốc. Câu chuyện Qatar cơ bản chỉ là cái cớ để Mahbubani thể hiện sự bất mãn đối với chính sách đối ngoại của Chính phủ Lý Hiển Long. Các nhà ngoại giao khác như Kausikan Bilahari, Ong Keng Yong, và S. Shanmugam là những nhân vật chủ chốt đã từng phục vụ trong nội các của Thủ tướng Lý Hiển Long. Rõ ràng, Mahbubani ám chỉ Singapore nên theo chính sách đối ngoại thực dụng, không nên có lập trường quá mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, trong khi Bilahari, Yong và Shanmugam cho rằng Singapore nên đứng lên bảo vệ luật pháp quốc tế.
Sức mạnh của các lập luận
Cuộc tranh luận về ngoại giao Singapore phản ánh hai trường phái chính sách truyền thống là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Chủ nghĩa hiện thực chính trị nhấn mạnh vào thực tế tồn tại độc lập so với suy nghĩ, ý tưởng và nhận thức. Quan điểm của Giáo sư Mahbubani xuất phát từ tiền đề rằng Singapore là một nước nhỏ, không còn là một lãnh đạo có khả năng cân bằng quan hệ với các nước lớn như Lý Quang Diệu và tình hình quan hệ căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc gần đây, nước này nên tự lượng sức mình, tránh gây sự với các nước lớn. Trong khi đó các ý kiến chỉ trích quan điểm của ông bắt nguồn từ hệ tư duy lý tưởng, cho rằng thực tế được định hình bởi suy nghĩ và các tư tưởng, và thực tiễn của Singapore kể từ khi lập quốc. Theo đó Singapore phải có lý tưởng, dám theo đuổi lý tưởng như Lý Quang Diệu, dám thách thức các nước lớn trong nhiều tình huống cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thượng tôn pháp luật và duy trì ổn định khu vực.
Về cách tiếp cận, việc so sánh sự tương đồng giữa Qatar với Singapore của Giáo sư Mahbubani dựa trên diện tích, sức mạnh kinh tế và chính sách tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài là một cách đặt vấn đề thuyết phục. Cả Singapore và Qatar đều là những quốc gia nhỏ bé nhưng lại sở hữu sức mạnh kinh tế đứng đầu thế giới và nhiều ý kiến đồng tình rằng hai nước này có tầm ảnh hưởng quốc tế vượt trên diện tích (punch over its weight).[7] Cụ thể cả Singapore và Qatar đều thuộc nhóm các nước giàu nhất thế giới cho tới năm 2016 tính theo GDP danh nghĩa (GDP Qatar xếp thứ 5 với 60.733$ và Singapore là 53.053$ ở vị trí thứ 11).[8] Trong suốt thập kỷ qua, Qatar thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao vị thế đồng thời giúp duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực. Nước này tiến hành một số cuộc hành quân lớn, đảm nhiệm các biện pháp ngoại giao mạo hiểm và cung cấp các diễn đàn nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Có thể kể đến việc Qatar tham gia liên minh quân sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ người dân Libya năm 2011 hay đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng Syria.[9]Ngoài ra Qatar còn sẵn sàng hợp tác với Mỹ, Hamas, Hezbollah và Iran; nhiệt tình ủng hộ các cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập và Libya. Các hoạt động này phần nào làm suy yếu an ninh và ổn định của các nước khác, từ đó dẫn đến sự bao vây, cấm vận của một loạt các nước Vùng Vịnh và Ả-rập đã từng “cùng chung chiến hào” với Qatar. Theo đó, quan điểm “đừng cố quá sức” cơ bản thuyết phục.
Tuy nhiên, lập luận của Mahbubani có một số điểm yếu về lô-gic. Một là, lập luận này dựa trên tiền đề rằng Qatar sẽ chịu khuất phục trước sức ép từ các nước Ả-rập khác. Trên thực tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay Qatar vẫn đứng vững nhờ nội lực mạnh và mạng lưới quan hệ rộng giúp giải toả phần nào sức ép từ phía Tây. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, và hồi kết còn chưa rõ ràng. Hai là, việc sử dụng một trường hợp điển hình để đi đến một khái quát hoá quá lớn tạo ra những lỗ hổng trong dẫn chứng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay rất khác với vấn đề mà Singapore phải đối mặt ở Biển Đông, cả về bản chất vấn đề, phe phái và tương quan lực lượng. Qatar can dự mạnh mẽ vào một số vấn đề Trung Đông cơ bản là mục tiêu ảnh hưởng, trong khi đó Singapore đấu tranh ở Biển Đông là cho lợi ích lâu dài và bản sắc của nước này. Singapore giàu có và thành công phần lớn nhờ nguồn lực trí tuệ, tự do hàng hải trên biển và trật tự dựa trên luật pháp. Theo đó, hoà bình, ổn định và luật pháp trên biển là lợi ích sát sườn của Singapore. Ba là, việc Mahbubani cho rằng vai trò của Lý Quang Diệu là độc nhất, không thể lặp lại là thiếu thuyết phục. Có thể thấy, quá trình đấu tranh chống lại cường quyền luôn đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Bốn là, Mahbubani không thuyết phục khi không thảo luận cụ thể về các nước nhỏ nên “kiềm chế” đến đâu là vừa đủ. Lịch sử cho thấy chính sách cầu hoà thường không bao giờ thoả mãn các cường quốc.
Ở phía đối lập, các ý kiến chỉ trích mạnh về lập luận, nhưng yếu về cách trình bày. Tính thuyết phục của dòng lập luận này xuất phát từ mô hình đối ngoại thành công của Singapore, nước đã kiên trì xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trường hợp của Lý Quang Diệu chứng tỏ nước nhỏ vẫn có thể “nghĩ lớn” và hành động dựa trên nguyên tắc và lý tưởng, và đó cũng là lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, thay vì tranh luận trực tiếp với các lập luận của Giáo sư Mahbubani, các ý kiến trên quá nghiêng về đả kích cá nhân như chỉ trích tác giả là “nguy hiểm”, “dối trá” hay có “vấn đề về học thức.” Trong bài viết, Mahbubani phần nào có lý khi cho rằng Singapore nên kiềm chế và cẩn trọng trong phát ngôn hay tuyên bố liên quan tới các cường quốc chứ không nói  rằng Singapore phải cúi đầu, khúm núm hay để bị bắt nạt. Mahbubani cũng cho rằng, các nước nhỏ cần dựa vào Liên Hợp Quốc và tổ chức khu vực, nhưng luận điểm này bị bỏ qua. Nói chung, cần giữ lý tưởng và nguyên tắc, cần khôn khéo tránh đối đầu đầu trực diện, công khai với các cường quốc. Tuy nhiên, ranh giới giữa điều cần giữ nguyên tắc và cần ứng biến linh hoạt luôn rất khó để xác định. Nó thuộc về nghệ thuật và bản lĩnh của các nhà lãnh đạo. Cả hai hệ thống quan điểm trên có lẽ đều có những yếu tố cực đoan, không phản ánh lịch sử và thực tại của Singapore.
Có thể thấy rằng cả hai lập luận trên đều chia sẻ quan điểm rằng tư duy đối ngoại nghĩ lớn và chiến lược của Lý Quang Diệu là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của Singapore. Và khi nhân tố này không còn xuất hiện, người ta đặt ra câu hỏi là nước này nên tiếp tục chính sách của Lý Quang Diệu hay hành động cẩn trọng như một nước nhỏ. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, Lý Quang Diệu dẫn dắt Singapore thành công không xuất phát từ việc ông theo nguyên tắc của chủ nghĩa lý tưởng hay hiện thực mà lãnh đạo theo chủ nghĩa “hiện thực mềm” và kinh nghiệm nhưng luôn lấy lợi ích quốc gia là trên hết.[10]
Lý tưởng “lợi ích quốc gia”
Lý Quang Diệu nghĩ lớn, mạo hiểm nhưng cũng quan tâm nhiều tới sự thay đổi hoàn cảnh, quan sát xu hướng an ninh và kinh tế quốc tế, từ đó định vị Singapore trong mối quan hệ song phương, đa phương để nắm bắt cơ hội trước kẻ khác để kiên trì mục tiêu đưa Singapore đi lên, từ một làng chài nghèo nàn đến một trung tâm tài chính, kinh tế của thế giới. Nói các khác, lý tưởng của Lý Quang Diệu chính là lợi ích quốc gia thực tế, không phải bất cứ hệ tư tưởng cụ thể nào. Theo đó, Singapore thiết lập quan hệ hiệu quả với tất cả các nước, nhấn mạnh hợp tác thực chất có lợi cho các bên. Lý Quang Diệu kiên quyết đảm bảo độc lập cho Singapore, đồng thời sẵn sàng thoả hiệp trong các lợi ích không cốt lõi, và thực hành ảnh hưởng gián tiếp thông qua các thể chế quốc tế.[11] Tư duy đối ngoại của Lý Quang Diệu nhấn mạnh tính linh hoạt, sẵn sàng thay đổi nếu chính sách không có hiệu quả thực tế, tận dụng thời cơ để hành động có lợi cho Singapore chứ không nhất thiết phải kiên định trong mọi trường hợp hay theo đuổi một chính sách bị chi phối bởi ý thức hệ.
Ngoại giao của Singapore dưới thời kỳ của Thủ tưởng Lý Hiển Long có sự tiếp nối và kế thừa từ nền tảng đối ngoại của Singapore từ thời lập quốc. Lý Hiển Long từng đúc kết, chính sách đối ngoại của Singapore là sự cân bằng giữa “chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng.”[12]Singapore buộc phải nhìn nhận thế giới đúng bản chất của nó (realism) nhưng không ngừng tìm mọi cách để thực hiện lý tưởng xây dựng một quốc gia phồn thịnh. Quan điểm của Singapore cho thấy, động lực phát triển cần được đặt lên trên, và luôn sẵn sàng thay đổi bản thân trước khi thay đổi thế giới. Để có ảnh hưởng trên thế giới, Singapore cần phải xây dựng một mô hình phát triển thành công và chính sự thành công đó giúp Singapore có tiếng nói và tiếp tục đóng góp để định hình trật tự thế giới có lợi cho Singapore.
Trên cơ sở đó, can dự của Singapore đối với vấn đề Biển Đông thể hiện sự cân bằng giữa “hiện thực” và “lý tưởng.” Biển Đông vừa là lợi ích sát sườn, vừa là lợi ích lâu dài của Singapore, đảm bảo để tiểu quốc thương mại này có thể có hoà bình, công bằng và thịnh vượng bền vững. Singapore ngày càng thể hiện vị thế và tiếng nói của nước này trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với tư cách là quân sư của ASEAN. Singapore thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề này trong các hội nghị quốc tế và là nước ASEAN ngầm công nhận phán quyết của Tòa trọng tài. Singapore có thái độ rõ ràng khi tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết này tại Hội nghị Trung Quốc – ASEAN tháng 9 năm 2016.[13] Theo đó phán quyết của Toà trọng tài không phải chỉ là vấn đề của Philippines và Trung Quốc, mà là trật tự pháp lý quốc tế liên quan đến lợi ích của tất cả các nước, trong đó có Singapore.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang theo đuổi chính sách thực dụng trên cơ sở cân bằng quan hệ với các nước lớn, đồng thời tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác khác. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức để thúc đẩy các mối quan hệ song phương quan trọng. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ và Nhật Bản tháng 5 và tháng 6/2017; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai và Con đường tháng 5/2017 và thăm Liên Bang Nga tháng 6/2017. Các chuyến thăm giúp làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác và đối tác với các cường quốc chủ chốt, giúp tạo dựng lợi ích lâu dài của các nước ở Việt Nam, đồng thời tranh thủ các nguồn lực mới để phát triển đất nước.
Việc vượt qua rào cản ý thức hệ để nhìn nhận, đánh giá các quốc gia khác ở cả hai góc độ, đối tác và đối tượng, là cách tiếp cận đúng cho Việt Nam. Lối tư duy này đã giúp Việt Nam không bị cực đoan hoá, xử lý các nguy cơ, tiêu cực ở mức độ phù hợp mà không quá ảnh hưởng đến mặt hợp tác, đồng thời tích cực mở rộng hợp tác nhưng không để bị lệ thuộc quá nhiều vào một cường quốc, từ đó mất đi độc lập, tự chủ. Yếu tố nền tảng cho chính sách Việt Nam không phải là đi với nước nào, dựa vào nước nào, mà tìm cách phát huy tính tích cực trong quan hệ với tất cả các nước để phát triển bản thân. Văn kiện Đại hội XI và XII đã nhấn mạnh nguyên tắc “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết” và nguyên tắc này cần trở thành lý tưởng và phải được hiện thực hoá trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Phải luôn “nhìn xa” thì mới có thể “đi nhanh và đi thẳng.” Chính sách của Việt Nam cần xây dựng trên lợi ích dài hạn (phát triển) đồng thời linh hoạt, khéo léo xử lý thoả đáng những thách thức trước mắt.
Do vậy, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế có nhiều khó khăn và phức tạp, Việt Nam không được rời mắt khỏi lợi ích quốc gia dài hạn. Để làm được điều này, chính sách ngoại giao thực dụng của Lý Quang Diệu có thể có những gợi ý hữu ích cho Việt Nam bởi lẽ trên thực tế Việt Nam không phải nước nhỏ, nhưng phải đối diện với nhiều vấn đề tương tự trong quan hệ với các cường quốc. Theo tư duy đối ngoại của Lý Quang Diệu, sự ổn định chiến lược không tự nhiên mà có, theo đó “con cá nhỏ” như Singapore muốn sinh tồn và phát triển tốt cần phải làm cho bản thân mình trở nên “khó nuốt” đối với những “con cá to” bằng cách tự chủ và mạnh mẽ hơn. Để làm được như vậy, nó có thể làm bạn với những con cá khác, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ, và thúc đẩy an ninh tập thể theo cách các nước có nghĩa vụ liên đới trong việc bảo vệ an ninh cho nhau.[14] Tương tự, Việt Nam cần tự chủ và mạnh mẽ để có thể chơi được với các “con cá lớn” thông qua giao dịch đa phương vì hợp tác với nước này sẽ không làm hạn chế giao dịch của Việt Nam với nước còn lại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phải luôn bắt nguồn từ và được kiểm điểm trên lợi ích quốc gia của Việt Nam, theo đó Việt Nam không chọn đi theo bên nào mà lựa chọn luật pháp và trật tự quốc tế đã mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực trong suốt thời gian qua.
Tóm lại, cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Singapore gợi mở cho Việt Nam về cách ứng xử với các nước lớn trong các vấn đề khu vực. Theo đó, có ba vấn đề chính sách mà Việt Nam nên chú ý: (1) sức ép, đe dọa của các cường quốc sẽ ngày càng lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải luôn nắm bắt được thực tiễn, bản chất của thế giới, khéo léo nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng và dài hạn của quốc gia; (2) nếu không thay đổi được bản thân thì không thể thay đổi thế giới xung quanh, không có sức mạnh và tầm nhìn dài hạn thì không thể có độc lập về tư duy và chính sách như Singapore đã thay đổi số phận của họ nhờ nắm bắt thực tiễn, kiên trì mục tiêu dài hạn, dám kiên định giữ nguyên tắc; (3) không can thiệp vào nội bộ nước khác, không tham gia vào cạnh tranh nước lớn, nhưng tích cực đóng góp xây dựng luật chơi chung qua các cơ chế quốc tế.
Nguyễn Thị Linh là cử nhân chuyên ngành Chính trị quốc tế và Ngoại giao Việt Nam và là hội viên CLB Galileo, Học viện Ngoại giao. Linh hiện nay là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
Bài được đăng lần đầu trên Nghiên cứu Biển Đông.