Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DẠY HỌC TÍCH HỢP TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ

                                    Bài viết của Hồ Ngọc Vinh đăng trên tạp chí phát triển Giáo dục
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VẤN ĐỀ
Năm 2008, bộ lao động thương binh và xã hội, tổng cục dạy nghề ban hành chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các nghề đào tạo khác nhau. Đây là cơ sở pháp lý để các trường dạy nghề trong toàn quốc thực hiện chuyển đổi  quá trình đào tạo nghề từ phương thức truyền thống niên chế sang phương thức đào tạo mới. Theo đó các môn học chung tạo cơ sở lý thuyết để học tập mođun các năng lực thực hiện. Việc chuyển đổi này có thể ví như một cuộc cách mạng về lý luận và  trong thực tiễn  đào tạo nghề. Chủ trương này nhằm cho quá trình đào tạo nghề gắn liền với thực tế sản xuất, không ngừng đáp ứng nhu cầu của xã hội về chất lượng của nguồn nhân lực, trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ CNH và HĐH để đến năm 2020  nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có những bất cập nảy sinh, đó là những câu hỏi của giáo viên như: tại sao phải thực hiện bài giảng theo phương thức tích hợp; bản chất của tích hợp trong đào tạo nghề là gì? Biên soạn giáo án tích hợp,  xác định nội dung, lựa chọn hoạt động phương pháp dạy học cho các bước của giáo án như thế nào  ..?..vv. Bài viết này dựa vào hoạt động thực tiễn của chúng tôi trong hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình đào tạo nghề, đặc biệt là tổ chức thực hiện các bài giảng tích hợp.

2. KHÁI NIỆM VỀ TÍCH HỢP VÀ DẠY HỌC TÍCH HỢP

Thuật ngữ tích hợp được sử dụng từ lâu trong giáo dục và đào tạo. Một cách khái quát nhất, tích hợp được hiểu là: sự tích lũy, sự hợp nhất, sự nhất thể hóa kết tạo thành đối tượng mới. Như vậy có thể thấy tích hợp là một nguyên tắc của sự phát triển và cấu trúc các khoa học. Nguyên tắc này cũng chi phối quá trình đào tạo từ việc phát triển chương trình tới tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá  thành tích học tập của học sinh trong quá trình đào tạo.
Nguyên tắc tích hợp được thể hiện ngay trong xây dựng các chương trình đào tạo. Có các kiểu chương trình tích hợp sau:
-         Tích hợp đa môn ( Multidisciplinary Integration)
Các cách tiếp cận tích hợp đa môn tập trung trước hết vào các môn học. Các môn liên quan với nhau có chung một định hướng về nội dung và PPDH nhưng mỗi môn lại có một chương trình riêng. Tích hợp đa môn được thực hiện theo cách tổ chức các Chuẩn từ các môn học xoay quanh một chủ đề, đề tài, dự án, tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp những kiến thức của các môn học có liên quan.Trong tích hợp đa môn lại có các kiểu tích hợp trong nội bộ môn học; tích hợp kiểu lồng ghép..vv
-         Tích hợp liên môn ( Interdiciplinary  In tegration)


Theo cách tiếp cận tích hợp liên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các nội dung học tập chung: các chủ đề, các khái niệm, các khái niệm và kĩ năng liên ngành/môn. Họ kết nối các nội dung học tập chung nằm trong các môn học để nhấn mạnh các khái niệm và kỹ năng liên môn.
Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với một hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp.
-         Tích hợp xuyên môn ( Transdiciplinary Integration)
Trong cách tiếp cận tích hợp xuyên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các vấn đề và quan tâm của người học . Học sinh phát triển các kĩ năng sống khi họ áp dụng các kĩ năng môn học và liên môn vào  thực tế của cuộc sống. Hai con đường dẫn đến tích hợp xuyên môn: học tập theo dự án (project-based learning) và thương lượng chương trình học (negotiating the curriculum).
Theo định nghĩa của NCREL nguồn HTTP://WWW.ncrel.org/Sdrs/areas/Student/ at7lk12.ht: “Dạy học tích hợp hay dạy học theo chủ đề ( thematic íntruction) là cách tiếp cận liên ngành, theo đó các nội dung giảng dạy được trình bày theo các đề tài hoặc chủ đề. Mỗi đề tài hoặc chủ đề được trình bày thành nhiều bài học  nhỏ để người học  có thời gian hiểu rõ và phát triển các mối liên hệ mới những gì họ đã biết và trân trọng…”.
Dạy học tích hợp các khoa học được UNESCO định nghĩa:  là một cách trình bày các khái niệm và các nguyên lý khoa học, tránh nhấn quá mạnh  hoặc quá sớm sự  sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Theo Xavier Roegiers: sư phạm tích hợp là một quan niệm về quá trình học tập, trong đó toàn bộ quá trình học tập góp phần hình thành ở học sinh những năng lực  cụ thể có dự tính trước những điều kiện cần thiết cho hoc sinh, nhằm phục vụ cho các quá trình học tập sau này hoặc hòa nhập học sinh vào cuộc  sống lao động. Cũng theo hướng tích hợp DHCKH với CN, gắn học và hành, Xavier Roegiers cho rằng giáo dục nhà trường phải chuyển từ đơn thuần dạy kiến thức sang phát triển ở HS các năng lực hành động, xem năng lực (compétence) là khái niệm cơ sở" của khoa sư phạm tích hợp (pédagogie de l'intégration).
Ngoài các hoạt động riêng lẻ cần có hoạt động tích hợp  sử dụng phối hợp kiến thức, kỹ năng, thao tác đã lĩnh hội một cách rời rạc vào giải quyết vấn đề.
Một số chú ý trong các khái niệm trên đây, đó là cách nhìn tổng thể về cấu trúc liên ngành của nội dung đào tạo để cấu trúc chương trình; mục tiêu đào tạo phải hướng tới là hình thành các năng lực thực hiện cho người học.


2. TÍNH TÍCH HỢP CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGHỀ
            Mục tiêu của đào tạo nghề là hình thành năng lực thực hiện và phát triển toàn diện nhân cách người học. Năng lực thực hiện được tổ hợp bời các năng lực thành phần gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp và năng lực xã hội cùng với các yếu tố tư chất của cá nhân.
Năng lực thực  hiện là khả năng  thực hiện được các hoạt động (nhiệm vụ, công việc) trong nghề theo tiêu chuẩn đặt ra đối với từng nhiệm vụ, công việc đó ( Nguyễn Đức trí -Tiếp cận đào tạo nghề dựa trên năng lực thực hiện và việc xây dựng tiêu chuẩn nghề, 1996).
Cách tiếp cận về mục tiêu đào tạo nghề trên đây là quan điểm chỉ đạo trong xây dựng chương trình theo phương pháp phân tích nghề và Mô đun hóa nội dung của chương trình.

Trong chương trình khung đào tạo nghề mới ban hành ngoài các MOĐUN năng lực thực hiện ký hiệu là MĐ, còn có các môn học   được ký hiệu là MH, gồm các môn học chung, các môn học cơ bản, cơ sở ngành. Các môn học này giúp nguời học có các tri thức, kỹ năng nền tảng cho việc học tập các Mođun năng lực thực hiện. Các Môdun năng lực thực hiện gồm có các Môđun bắt buộc và các Môđun  tự chọn. Mỗi  Môđun NLTH gồm có các bài giảng lý thuyết, thực hành và bài kết hợp dạy lý thuyết với hướng dẫn thực hành.
Theo đó Môđun NLTH:  là một đơn vị học tập, người học cần lĩnh hội,  tương ứng với một hoạt động, một công việc  xác định của một nghề. Trong đó bao gồm các kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, và các phẩm chất đạo đức trong công việc cần phải có.
            Chương trình đào  tạo nghề hiện nay là kiểu chương trình kết được cấu trúc bởi các môn học và các Mođun năng lực. Theo kiểu chương trình này, khối kiến thức các môn chung, các môn kỹ thuật cơ sở là một thành phần của chương trình đào tạo theo mô đun và được mô đun hóa thành các học phần trong chương trình đào tạo được thể hiện  theo lát cắt ngang. Theo lát cắt dọc, phần lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề được tích hợp thành các môđun  năng lực. Điều này tất yếu dẫn đến việc tổ chức dạy lý thuyết kết hợp hướng dẫn thực hành ngay khi thực hiện các bài giảng thực hành. Có thể xem hình dưới đây.
            Theo PGS .TS Đặng Thành Hưng- một số vấn đề quản lý giáo dục và lý luận dạy học đại học:(trong học trình tổng thể, trừ những phần bắt buộc phải tổ chức theo cấu trúc bộ môn, bài bản có tính ổn định cao, những học vấn còn lại được  tổ chức thành những học trình tích hợp liên môn và xuyên môn). Vai trò của Tính tích hợp trong các chương trình đào tạo là giảm tải, rút gọn tài liệu, tiết kiệm thời gian học tập, tạo thuận lợi cho việc học, đảm bảo để học có chất lượng hơn.Đặc điểm cơ bản của các chương trình đào tạo nghề  hiện nay  thể hiện ở sự tích hợp các miền mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ, tích hợp nội dung các môn học, tích hợp giữa lý thuyết với thực hành; ở cấu trúc nội dung chương trình đào tạo  thành các môn học chung, các môđun năng lực thực hiện, mỗi môđun tương ứng với một công việc cụ thể của nghề có thể nhưng không nhất thiết những công việc này trở thành một dự án học tập.
Tích hợp trong đào tạo nghề là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống các kiến thức lý thuyết cần thiêt liên quan (môn chung , cơ sở ngành, lý thuyết chuyên môn) và kỹ năng thực hành nghề tương ứng thành một nội dung kỹ năng nhất định, nhằm đem đến cho người học các năng lực thực hiện công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Nhờ tính tích hợp này mà các đơn vị kiến thức, các mô đun năng lực trong chương trình đào tạo nghề có có khả năng liên thông ngang dọc để tạo ra các mô đun trình độ, thuận lợi trong xây dựng chương trình, trong tổ chức đào tạo.

            Như vậy có thể kết luận: chương trình khung đào tạo nghề mới ban hành gồm có
các môn học, các mô đun NLTH là một giải pháp nhằm khắc phục những hạn  chế của phương thức đào tạo nghề theo mô đun kỹ năng hành nghề trước đây và phương thức đào tạo nghề truyền thống; đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa học với hành, giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất, có tính tich hợp cao với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu xã hội về chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo.
           
3.  DẠY HỌC TÍCH HỢP TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ
            Đã  có nhiều nghiên cứu về dạy học tích hợp đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, tuy nhiên đến nay dạy học tích hợp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp it được nghiên cứu.
            Dạy học tích hợp trong đào tạo nghề cũng có những dấu hiệu bản chất như dạy học tích hợp ở các bậc đào tạo khác vì đối tượng nhận thức của người học cũng là nội dung các khoa học, sự hình thành năng lực và phát triển toàn diện của người học cũng  tuân theo quy luật tích hợp. Do vậy dạy học tích hợp trong đào tạo nghề phải là một nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình đào tạo.

          Một số quan niệm cho rằng: dạy học tích hợp là dạy lí thuyết kết hợp với dạy thực hành,  lí thuyết chuyên môn cần đến đâu cung cấp đến đó, thực hành được tiến hành ngay; dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một không gian cùng thời gian.
          Lưu ý tới các định nghĩa về dạy học tích hợp ở mục 2 có thể thấy cách trình bày  như trên chưa lột tả được rõ ràng thuộc tính cơ bản của tích hợp và sư phạm tích hợp. Đây chỉ là các biện pháp thực hiện tư tưởng sư phạm tích hợp trong đào tạo nghề mà thôi.
          Có thể nói dạy học tích hợp trong đào tạo nghề là dạy học định hướng vào mục tiêu hình thành năng lực thực hiện cho người học, đảm bảo sự vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết trong các hoạt động để giải quyết các nhiệm vụ học tập (công việc)  mang tính dự án.
          Theo Tác giả Ths. Trần Văn Lịch trong đào tạo nghề có các mức độ của dạy học tích hợp như sau: Tích hợp theo Mô-đun, tiến độ dạy có thể dạy - học toàn bộ lý thuyết trước tiếp sau là thực hành; tích hợp theo bài, lý thuyết dạy – học trước , thực hành dạy sau sau khi học xong toàn bộ lý thuyết của bài; mức độ 3 là tích hợp theo từng bước công việc, trong đó kiến thức và kỹ năng  thực hành được dạy học tích hợp trong từng bước công việc.
           Mặt khác quan điểm sư phạm tích hợp không những có thể vận dụng đối với các bài tích hợp trong các Mô- đun năng lực còn có thể thể hiện trong các bài lý thuyết và bài thực hành nói riêng. Cách hiểu này tránh được sự hạn chế trong nhận thức của một số giáo viên về sư phạm tích hợp.     
Dạy - học các mô đun năng lực thực hiện đòi hỏi phải tích hợp được lý thuyết và thực hành trong quá trình tổ chức dạy học, tích hợp được các miền mục tiêu, nội dung  học tập. Trong thực tế, giáo viên đang thử nghiệm theo những cách hiểu riêng với những mức độ cụ thể khác nhau về tích hợp như là sự liên hệ, sự phối hợp, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Từ đầu những năm 1990, tại trường CĐSPKT HY nay là trường ĐHSPKT HY đã tổ chức dạy thực hành theo phương thức tích hợp, đơn giản là dạy lý thuyết chuyên môn trong giai đoạn hướng dẫn mở đầu, thực hành cần lý thuyết chuyên môn đến đâu dạy  đến đó, trong đó vẫn sử dụng mẫu GIÁO ÁN thực hành cũ được tổng cục dạy nghề ban hành. Một số trường khác, ví dụ: trường THCN Việt Đức nay là trường CĐ công nghiệp VIỆT ĐỨC tổ chức dạy thực hành theo công nghệ, trong đó lý thuyết công nghệ được tổ chức dạy học ở giai đoạn hướng dẫn mở đầu. Tại  CHDCĐ trước kia CHLBĐ hiện nay hướng dẫn  thực hành cơ bản theo phương thức tích hợp, trong đó lý thuyết chuyên môn được tổ chức dạy học trong phần hướng dẫn mở đầu.
          Các bài thực hành theo phương thức truyền thống trước đây phần lý thuyết chuyên môn được thực hiện như một bài dạy lý thuyết riêng tách biệt trong kế hoạch đào tạo/ kế hoạch dạy học. Phương thức này dẫn tới hạn chế là: phần lý thuyết chuyên môn  thiếu sự gắn kết liên hệ với bài thực hành, khó khăn trong thể hiện nguyên lý thống nhất giữa lý thuyết với thực hành và tính chất tích hợp của nội  dung đào tạo vốn là một đòi hỏi của đào tạo nghề để nâng cao chất lượng dạy và học. Thể hiện quan điểm sư phạm tích hợp trong đào tạo nghề  tránh được hạn chế này.
Như vậy có thể thấy, dạy học tích hợp trong quá trình tổ chức dạy học các bài trong mô đun năng lực thực hiện  là sự gắn kết giữa dạy học lý thuyết chuyên môn ứng dụng ( bài dạy lý thuyết) với hướng dẫn thực hành của giáo viên và luyện tập của học sinh nhằm hình thành  năng lực hoạt động nghề nhất định.
           Mặt khác sự hình thành năng lực thực hiện căn bản phải dựa trên các hoạt động học tập của người học để giải quyết nhiệm vụ học tập ( công việc) nên quá trình dạy học được thực hiện theo quan điểm dạy học định hướng năng lực thực hiện, lấy người học làm trung tâm, trong đó vận dụng các phương pháp dạy học phức hợp là chủ yếu. Theo đó quá trình dạy học theo các bước sau:
Bước1: Định hướng mục tiêu học tập: Ở bước này người học nhận biết nhiệm vụ học tập,  mục tiêu học tập, tìm kiếm thông tin, thảo luận về các phương án, quyết định lựa chọn phương án. Bước 2: thực hiện: người học thực hiện nhiệm vụ thực hành theo các phương án đã lựa chọn ( luyện tập thực hiện bài tập thực hành để hình thành kỹ năng).
Bước 3: kiểm tra đánh giá.
             Các bước của quá trình dạy học định hướng năng lực đã trình bày trên đây là những gợi ý cho giáo viên hoạch định chi tiết kế hoạch dạy học theo mẫu giáo án tích hợp mà  tổng cục dạy nghề ban hành.
            Quyết định số 62 của Bộ LĐTBXH và TCDN ban hành các mẫu giáo án, trong đó có mẫu giáo án tích hợp. Không phải bài giảng nào trong các Môđun cũng được soạn theo mẫu giáo án tích hợp.Thích hợp là các bài giảng thực hành trong đó các hoạt động học tập lí thuyết, thực hành gắn liền  với giải quyết nhiệm vụ (công việc) nào đó mà kết quả là tạo ra một sản phẩm hay một dịch vụ. Như vậy khi nghiên cứu chương trình đào tạo nghề, các khoa, bộ môn phải thống nhất trong việc lập kế hoạch thực hiện các bài giảng, những bài giảng nào thực hiện theo phương thức thông thường; bài nào thực hiện theo phương thức tích hợp. Kế hoạch này khi được thông qua đồng thời là văn bản điều chỉnh hoạt động dạy thực hành của các giáo viên, đồng thời là căn cứ để kiểm tra, mặt khác giúp nhà trường xác định số giờ giảng dạy của giáo viên.
          Cấu trúc của giáo án tích hợp được xây dựng trên cơ sở cấu trúc dạy học định hướng năng lực thực hiện, cấu trúc giải quyết vấn đề.  Các phương pháp dạy học phù hợp với bài giảng tích hợp là kiểu phương pháp phức hợp như: phương pháp tình huống, phương pháp làm việc trong và bằng dự án, phương pháp bốn giai đoạn, phương pháp sử dụng phiếu hướng dẫn .
4. Các biện pháp thực hiện dạy học tích hợp trong đào tạo nghề
            Như trên đã phân tích, vận dụng dạy học quan điểm dạy học tích hợp trong đào tạo nghề là một đòi hỏi khách quan xuất phát từ cấu trúc chương trình, mục tiêu đào tạo nghề là năng lực thực hiện và sự phát triển toàn diện của người học, nguyên tắc cấu trúc của các khoa học và đồng thời là quy luật của lĩnh hội và hình thành năng lực cũng như các phẩm chất của nhân cách. Tuy nhiên có những biện pháp nào để thực hiện?
Thứ nhất đó là khâu lập kế hoạch dạy học các môn học chung và các Mô-đun năng lực thực hiện đảm bảo mối liên hệ giữa chúng theo sơ đồ được mô tả trong chương trình đào tạo.
Tiến hành nghiên cứu sơ đồ phân tích nghề để thấy được những kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất người học cần có để phối hợp giải quyết nhiệm vụ học tập, xác định chuẩn năng lực tương ứng với công việc, yêu cầu ở mỗi bước công việc để xây dựng các phương án và phương tiện kiểm tra đánh giá.
Việc hình thành năng lực thực hiện đòi hỏi các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc lên lớp lý thuyết và hướng dẫn thực hành phải đủ và thuật lợi cho việc triển khai ý đồ phương pháp như học tập theo nhóm, học tập theo hình thức cá nhân, dạy học bằng sử dụng phiếu hướng dẫn và dạy học bằng dự án...vv. Số lần luyện tập phải đủ để người học thực hiện hoạt động đến mức độ tự tin trong các tình huống thực.
Đa dạng hóa các kênh thông tin đặc biệt là sử dụng đa phương tiện trong truyền thông dạy  học.
Áp dụng các phương pháp  dạy học định hướng vào tính tích cực của học sinh như: dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học bằng tình huống điển hình, dạy học bằng dự án và học tập theo nhóm...vv.
Cấu trúc bài giảng cần có sự linh hoạt và hài hòa, xen kẽ với  các tình huống nhận thức mới là các tình huống củng cố, vận dụng để nâng cao sự chú ý tích cực và hình thành năng lực thực hiện cho học sinh.
Vận dụng quan điểm dạy học định hướng năng lực thực hiện trong xây dựng cấu trúc các bước lên lớp và trong hoạt động phương pháp.


Theo đó cách soạn giáo án có thể  như sau:
Phần đầu giáo án
1.      Tên bài: Xác định theo cấu trúc các bài có trong mođun năng lực thực hiện
2.      Mục tiêu học tập gồm: Mục tiêu kiến thức; Mục tiêu kỹ năng;- Mục tiêu thái độ
Khi mô tả chú ý tới cấu trúc hình thức mục tiêu học tập gồm chủ thể thực hiện + hành động + nội dung + chuẩn mực thực hiện + điều kiện thực hiện
3.      Đồ dùng trang thiết bị
Phương tiện dạy học, cơ sở vật chất luyện tập, vốn tri thức kinh nghiệm đã có của học sinh
4.      Hình thức tổ chức: Hướng dẫn , luyện tập toàn lớp, nhóm, tổ, cá nhân; giao bài tập cá nhân.
Kế hoạch thực hiện bài giảng

TT
NÔI  DUNG- BƯƠC
CHƯC NĂNG
HOAT ĐÔNG DẠY
HOAT ĐÔNG HỌC
 I
Dẫn nhập

Tạo hứng thú, chú ý của học sinh
Cho xem một sản phẩm
Hoặc mô tả tình huống thực tế..vv.
Quan sát

Phân tích tình huống
II
Nêu vấn đề
Nêu mục tiêu học tập
Khái  quát nội dung
Hình thành động cơ
Nhận thức rõ nhiệm vụ học tập
Hướng dẫn thảo luận về các mục tiêu cần đạt được
Hướng dẫn nghiên cứu  nhiệm vụ học tập
Thảo luận về các mục tiêu học tập

Nghiên cứu nhiệm vụ học tập
III
Giải quyết vấn đề




Tiểu kỹ năng 1




Lý thuyết chuyên môn
Cung cấp kiến thức chuyên môn phục vụ giải quyết tình huống( tiểu kĩ năng 1)
Hướng dẫn nguồn tài liệu
Nghiên cứu tài liệu

Thực hành
Lập kế hoạch thực hiện





Tổ chức luyện tập

Xây dựng kế hoạch hình thành khả năng so sánh, quyết định PA.

Hình thành kỹ năng, kỹ xảo – năng lực thực hiện.
Hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện




Hướng dẫn luyện tập bằng các phương pháp: sử dụng phiếu hướng dẫn; làm mẫu..quan sát..vv.
Thảo luận nhóm
Quyết định phương án thực hiện


Luyện tập- thực hiện giải quyết vấn đề 

Tiểu kỹ năng 2




Lý thuyết




Thực hành



IV
Kết thúc vấn đề
Nhận xét, thông báo kết quả
Thông báo bài tập cho ca sau
Khái quát
Hệ thống hóa nội dung
Đúc rút kinh nghiệm
Hướng dẫn khái quát hệ thống nội dung bài
Hệ thống, khái quát hóa nội dung

          Trong thực tế phần chức năng của các bước lên lớp không có trong mẫu giáo án  . Để tiện cho việc xác định nội dung của các bước thực hiện và hoạt động dạy học, người viết bổ sung thêm phần này để tham khảo.

Một số lưu ý khi soạn giáo án tích hợp:
            + Các Môđun năng lực gồm nhiều bài giảng, mỗi bài giảng được tiến hành ở một hay nhiều ca thực tập.
            + Phần lý thuyết chuyên môn đươc trình bày như bài dạy lý thuyết trong phần hướng dẫn mở đầu ca thực tập.
            + Giáo án  có thể soạn cho ca hoặc cho bài.
            + Hoạt động dạy học được lập kế hoạch và thực hiện trên cơ sở của các phưong pháp tình huống, dự án có cấu trúc  giải quyêt vấn đề.
            + Kiểm tra sau mỗi bài, Môđun.
            + Người học học với nhịp độ khác nhau.
Thông tư của TCDN Bộ LĐTB và XH về  soạn giáo án tích hợp trong  đó có hướng dẫn khá chi tiết, tuy nhiên trong thực tế giáo viên vẫn còn nhiều vướng mắc. Một là các hoạt động phương pháp nào cần được lựa chọn đưa vào kế hoạch giáo án để thực hiện các bước tổ chức dạy học theo mẫu giáo án quy định. Hai là vẫn có sự không thống nhất trong việc xác định các nội dung phải thực  hiện trong mỗi bước giáo án. Cụ thể là ở bước:nêu vấn đề. Có giáo viên mô tả các bước quy trình công nghệ trong đó. Có giáo viên khái quát phần lý thuyết chuyên môn và phần thực hành...Bước giải quyết vấn đề được chia thành từng tiểu kỹ năng cũng gây phức tạp cho việc soạn giáo án. Với bài giảng có nhiều tiểu kỹ năng thì kế hoạch giáo án sẽ quá cồng kềnh quá dài và bất cập. Ở đây cần nhấn mạnh rằng bài giảng thực hành có thể được thực hiện ở một ca, hoặc ở nhiều ca, nên khi soạn giáo án cần chú  ý khái niệm và cấu trúc giáo án bài hay giáo án ca. Nếu soạn giáo án ca thì cần bao nhiêu giáo án? Điều này đã được đề cập trong nội dung môn GDHNN được trường ĐHSPKT-HY.  PGS. TS Nguyễn Đức Trí chủ biên năm 1997.
Theo đó với các bài giảng thực hành có khối lượng nội dung kiến thức chuyên môn và thời gian thực hành lớn, cần phân chia nội dung cho các ca hướng dẫn trên cơ sở của thời gian định mức kỹ thuật và  tính trọn vẹn của công việc ở mỗi nguyên công công nghệ có thể tạo ra bán thành phẩm kiểm tra được.
Trách nhiệm đó thuộc về các khoa chuyên môn trong phân tích chương trình, lập kế hoạch dạy thực hành, hướng dẫn soạn giáo án.
4. Một số yêu cầu của dạy học tích hợp và khuyến nghị
            Trong thực tế dạy học các Modun năng lực xuất hiện nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Hiểu biết của giáo viên về chương trình khung, cách thức tổ chức đào tạo và dạy học các Môdun năng  lực thực hiện,  quy định của nhà nước về kiểm tra đánh giá các  Môdun năng lực còn hạn chế. Thực tế đội ngũ giáo viên trong các cơ sở đào tạo nghề cho thấy: có giáo viên chỉ dạy được lý thuyết, có giáo viên chỉ hướng dẫn được thực hành. Điều này cho  thấy sự chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai thực hiện chương trình chưa thật thấu đáo; bởi vậy đây cũng là vấn đề khó khăn cho các cơ sở đào tạo trong việc phân công giáo viên, và cho đội ngũ giáo viên khi tổ chức dạy học các Mođun NLTH. Dạy học các mođun năng lực thực hiện đòi  hỏi  cơ sở vật chất kỹ thuật trong điều kiện chuẩn, nhưng cơ sở vật chất như: nhà xưởng, hệ thống thiết bị kỹ thuật, dụng cụ, vật liệu của các cơ sở đào tạo còn rất khiêm tốn.

 Để thực hiện chương trình khung đào tạo nghề mới ban hành, tổ chức dạy học các MOĐUN theo phương thức tích hợp, đòi hỏi có các biện pháp tổ chức chỉ đạo của lãnh đạo; giáo  viên phải có hiểu biết căn bản về chương trình khung đào tạo nghề, các phương pháp dạy học định hướng năng lực thực hiện, được hướng  dẫn cách thức tổ chức dạy học; phát triển các nguồn học liệu theo chương trình khung và cách thức kiểm tra đánh giá các NLTH. Do đó cần phân loại, tổ chức tập huấn giáo viên về  chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để đảm bảo cho họ vừa có khả năng dạy lý thuyết, vừa có khả năng hướng dẫn thực hành, để thực hiện các bài giảng theo phương thức tích hợp.
            Mặt khác tiến  tới xây dựng các bộ tài liệu, phương tiện trong đó có cả các bộ công cụ kiểm tra đánh giá mô đun NLTH, chuyển giao  cho các  cơ sở đào tạo nghề. Tạo cơ sở  thống nhất để thực hiện đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo theo chương trình khung.
Trên đây là một vài trao đổi và khuyến nghị của chúng tôi về chương trình khung đào tạo nghề do bộ lao động thương binh và xã hội- tổng cục dạy nghề ban hành và dạy học tích hợp. Xín cám ơn sự chú ý.
                                                                                    Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
                                                                                                Tháng 10 năm 2011.

                                                                                                 Hồ Ngọc Vinh,

Nguồn tài liệu:
1.      Nguyễn Đức Trí và tập thể tác giả, Giáo dục học nghề nghiệp, Đại học SPKT -HY, 1997.
2.      Đinh Công Thuyến, Hồ Ngọc Vinh, Phạm Văn Nin, Hướng dẫn đào tạo nghề theo năng lực thực hiện, TCDN, 2008.
3.      Guenter Paetzol, phương pháp dạy học trong đào tạo nghề, NXB Berlin, năm 2001.
4.      Chương trình tập huấn GVDN, TCDN, 2006

5.       Chương trình khung đào tạo nghề/ QĐ- BLĐTTBXH, 2008 

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

ANH CHÍ NĂM 2015


Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Mỗi khi có sự giữa hắn với hàng xóm, mọi người nói: Chấp hắn làm gì. Hắn chỉ có thế, hơi một chút là  cà khịa, dây cà ra dây muống, sinh chuyện cãi vã. Vậy là mọi người nhường nhịn, mỗi khi có khúc khắc với hắn chỉ vì lo sợ chuyện nhỏ  xé thành to . Mà cãi nhau với hắn thật chẳng khác nào thằng dại để B, thằng khôn xấu mặt.
Nhưng Chí không nghĩ mọi người cư xử với hắn theo cái lẽ nhường nhịn như thế. Lúc nào Chí  cũng thấy Chí đúng, Chỉ giỏi hơn mọi người, kể cả  ông Giáo nhà bên cạnh cũng chỉ là đồ lý thuyết suông, nhại lại những gì trong sách vở, thiếu thực tế. Có lần Chí bô bô nói với mọi người: “Cái lão Giáo ấy  suốt ngày quần là , áo lượt, sáng cắp cặp đi, tối cắp cặp về chẳng chịu làm gì cả. Mã ấy, cứ thử quăng quật ra ngoài cuộc đời như Chí có mà chết nhăn răng.” Cho nên dù chí có nghèo, đừng có ai khinh thường Chí nhé. Đừng có ai cho rằng Chí không biết gì nhé. Chí đây còn khôn hơn các vị tám vạn lần đấy.  Chẳng biết mèo nào , cắn mỉu nào đâu.
Trong lòng Chí  từ lúc cha sinh mẹ đẻ vốn có sẵn cái máu tị hiềm. Nói cách khác đó là sự đố kỵ ganh ghét. Ừ thì trong con người ai chẳng có chút tỵ hiềm, con người  chứ có  phải thánh nhân đâu. Có điều sự đố kỵ trong lòng Chí mỗi ngày mỗi lớn, càng ngày càng lớn. Thấy hàng xóm mua được cái tivi mới cũng tức. Thấy người ta mua được cái xe máy cũng tức. Thấy lúa người ta tốt hơn lúa nhà minh cũng tức. Thấy con người ta học hành ngoan ngoãn thi đỗ vào cao đẳng đại học cũng tức. Tức không nhịn được đến nỗi  phải gióng giả: Chúng mày chẳng là cái thá gì với tao đâu nhé. Đừng vội nên mặt với thằng này. Tao muốn, thì chúng mày chỉ có nước về nhì.
Một dạo vì căm tức  hàng xóm, Chí mua thuốc chuột cho vào thức ăn làm mấy con chó nhà hàng xóm dính bả chết. Có đận, nhà có gà toi, Chí làm gà, lấy lại cái thân xào với lá chanh nhắm rượu, lông lòng vứt sang vườn nhà bên làm gà hàng xóm chết dịch cả. Chẳng ai ngờ những chuyện ấy. Chí lấy thế tự sướng, đặc biệt khi nghe họ than thở, bao nhiêu công chăm chút chó con chó, con gà nay tự dưng chúng lăn đùng ra chết, thật là tiếc công, tiếc của.
Mọi người trong con mắt của  Chí ai cũng thâm độc và mưu mô cả. Trong nhà xảy ra cãi cọ giữa vợ chồng Chí, dứt khoát con vợ đã đi nghe hàng xóm,  láng giềng đâm bị thóc, chọc bị gạo, Con gà, con ngan chết, dứt khoát do thằng hàng xóm thâm hiểm đem gà mắc bệnh H5N1 vứt vào vườn cho lây.
          Chí có tài ăn nói. Có thể nói hàng giờ được, về mọi thứ. Cái gì Chí  cũng biết. Hễ nói là Chí cao giọng chê người này, chê người kia. Trong nói chuyện, Chí chẳng chịu kém ai bao giờ. Chỉ có Chí là có lý.  Bởi tự lâu Chí biết con gà còn tức nhau tiếng gáy, con người hơn nhau lời ăn, tiếng nói. Sao Chí lại có thể thua họ cơ chứ.
Với ông Giáo hàng xóm, Chí quan hệ không thân mật cho lắm. Trước ông Giáo, Chí vừa có mặc cảm tự ty, ghen tỵ có lúc cố tỏ ra khinh bỉ. Những trạng thái tâm lý ấy, đan xen cùng tồn tại trong lòng Chí.
Ấy vậy mà hôm nay, Chí chủ động gặp ông Giáo. Ông giáo Hòe, mọi người  vẫn gọi như vậy, làm việc ở trường trung học cơ sở, nổi tiếng là người nhẫn  nhịn, không muốn làm mất lòng ai, lo sợ bị xúc phạm đến cái tiếng ông Thầy. Với Chí, ông Hòe lúc nào cũng tỏ ra trân trọng, lễ phép. Hễ có  chuyện gì với Chí, ông cố giữ, thậm chí không ra lời biện minh để sự việc trôi qua. Thấy Chí sang chơi ông giáo mừng lắm. Ông đon đả cung kính nói: Hôm nay ông Chí có thời gian sang tôi uống nước! Ông Giáo cẩn thận, rửa bộ ấm chén, tráng trà, rót nước hãm. Đợi cho chín trà, ông mới trang trọng rót trà vào tách nhỏ, trân trọng đưa mời Chí: Ông xơi nước.
Chưa kịp vào chuyện thì Chí nói:  bán anh em xa mua láng giềng gần. Có việc gì, người đầu tiên đến với mình là cái anh hàng xóm.
Ông Giáo: ông nói phải. Các cụ có câu hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau là vì cái lý đó.
Chí cao giọng: ông giáo cũng cần lưu ý. Mình sống phải có hàng xóm. Gần gũi với hàng xóm. Làm người phải có cái đức ông ạ! Có đứa sống thất đức thế mà cũng đòi sống. Ông trời có mắt đấy. Ăn ở độc ác,  hậu quả  nhỡn tiền thôi. Tôi không hoa hòe hoa sói như các ông. Tôi chỉ mộc thế. Có gì không phải, ông bỏ qua.
Ông Hòe: Ấy chết! Lý lẽ của ông cao siêu lắm đấy. Vâng! Đúng thế! Có Tâm  thì mọi sự sẽ sáng rõ. Con người cốt ở cái tâm ông ạ!
Chí: nói vậy thôi.  hôm nay tôi sang là có  việc nhờ ông. Ông văn hay, chữ tốt, viết cho tôi cái đơn kiện.
Ông Hòe chột dạ: đơn gì? Kiện ai? Tôi không sành lắm chuyện đơn từ.
Chí: Ông buồn cười bỏ mẹ! Có chuyện tôi mới nhờ đến ông. Nếu không…Hay là ông không muốn giúp tôi, xin cứ nói thẳng.
Ông giáo : không phải thế! Muốn giúp ông lắm. Nhưng việc gì chứ việc ấy tôi không sành. Thế ông định kiện ai?
Tôi kiện thằng em trai mất dạy của tôi. Kiện cả bà già tôi nữa.
Ông Giáo : làm gì nên nỗi ấy?  Có việc gì anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau!
Chí: ông không phải dạy khôn tôi. Được như ông nói, tốt quá.! Ai chẳng muốn. Anh em như những ngón tay trong một bàn tay. Tay  đứt ruột xót. Nhưng cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Thằng  em tôi phá hoa màu của tôi. Lừa mẹ tôi làm di chúc cho nó quyền thừa kế tất cả đất đai nhà cửa. Tôi mang tiếng con trưởng mà thân tự lập thân. Đã thế lại mang tiếng là keo kiết, tham lam.
Ông Giáo Hòe im lặng, nhìn Chí, khuôn mặt ông hơi nhăn lại vẻ như đắn đo, phần như thương hại. Ông Giáo Hòe bỗng nhớ lại sự việc cách đây hơn nửa tháng làm dân làng xôn xao. Đó là mấy sào lạc của nhà Chí xanh tốt đang độ ra tia củ, bị người ta bừa đi.
Hôm đó, đứng nhìn những dây lạc dần héo khô, những củ nghệ vốn gãy tơi tớp dưới nắng nóng,  vợ chồng Chí phát điên vì tiếc xót. Mất hàng chục triệu đồng rồi ông ạ!- Vợ Chí nói- Nếu tính cả  thất thiệt do không có thu hoạch mất mát phải tới vài chục triệu đồng.
 Chí lặng người, hai hàm răng cắn chặt lại nghiền ngẫm tiếc nuối và căm tức.
Vợ Chí: ai nỡ lòng nào thế không biết. Thù oán gì mà hại người ta đến nông nỗi này. Cây lạc là vật vô tri vô giác nó có tội gì đâu, vậy mà đang tâm bừa đi.
Chí điên tiết: thôi ! Bà im đi! Đừng rền dẫm nữa. Mẹ nó! Tôi mà biết được thằng nào, băm vằm ra làm muôn mảnh. Đồ chó chết. Tàn độc hơn cả Tần Thủy Hoàng. Chí chửi vậy, song Chí cũng biết chắc đến 80-90 phần trăm là ai rồi. Ngẫm lại chỉ có thằng em Chí làm chuyện này. Nó là người đang thù oán với Chí, mâu  thuẫn với Chí do tranh chấp đất đai hương hỏa và đất ruộng mà hợp tác xã đã chia cho từ hồi đầu những năm 90. Cái thằng chó chết, bỏ xứ mà đi, không đi hằn đi, nay vác cái mặt về làng, đòi hết thứ này tới thứ khác, nhỏ to với mẹ già, định lấy hết gia tài của bố mẹ, đẩy Chí tới chỗ phải xung đột với cả gia đình.
Mấy hôm trước đây, em Chí ( Mong) , ngày xưa thường gọi là cu nhỡ cũng sang nhà ông Giáo Hòe. Hắn nói cứ như thể thanh minh. Ông Giáo ạ, gần hai chục năm trời nay, mấy sào ruộng để cho nó làm không lấy một đồng nào vậy mà hắn không biết điều. Vài sào ruộng của mẹ tôi nó cũng làm, vậy mà  quanh năm ngày tháng không biết hỏi han đến mẹ. Người đâu mà keo kiệt, ích kỷ bất hiếu như hắn. Tôi đòi lại ruộng để làm. Hắn không chịu  trả. Hắn nói hắn bao công cải tạo ruộng. Anh em với nhau mà không thương xót, xử tệ thế . Thế thì nó là cái con gì chứ.
Mẹ Chí ( cụ Vang) năm nay tuổi ngoài tám mươi, ngày ngày vẫn cặm cụi với mảnh vườn, mảnh ruộng tự nuôi bản thân, mặc quần phíp đen, áo cánh màu sữa, nghiêng ngả những bước chân sang nhà ông giáo. Cụ nói như để thanh minh, trút đi nỗi bực dọc trong lòng: Thằng Chí nhà tôi thế mà cạn tàu ráo máng. Ruộng em nó cho làm gần hai chục năm. Nay Mong đòi lại thì trả cho nó. Đằng này cứ dằng dứ , không chịu trả. Có phải  của mình đâu mà tiếc. Thành thử chúng  cãi nhau văng này , văng nọ ra tứ tung. Chỉ thiếu điều chúng lôi cha mẹ ra mà chửi.
Nhìn gương mặt buồn, thiểu não của cụ, ông Giáo nói: ông Chí nói nhân nghĩa lắm. Người đã hiểu như thế sao đối xử với cụ, với Mong  tệ bạc được. Chắc chỉ nóng giận chút thôi, đâu rồi lại vào đấy. Bát nước nguội dần đi, cơm lại lành, canh ngọt. Rồi cụ  xem.
Cụ Vang : tôi ngần này  tuổi đầu rồi vẫn không muốn nhờ đến con cháu. Mỗi bữa một lưng cơm, thìa canh. Muốn ăn cũng chẳng nuốt được. Thương vợ chồng Chí vất  vả, bao năm nay hơn sào ruộng của tôi và ông ấy cho chúng làm. Cây cối hoa quả cho chúng thu. Thấy tôi có tiền chúng vay, rồi chẳng bao giờ trả. Song chúng cũng tệ lắm. Chẳng bao giờ biết đến mẹ. Được đồng nào giữ rịt. Tôi cũng chẳng tiêu đến, nhìn lũ cháu, biết là chúng phải nuôi con nên chẳng chấp.
Ông Giáo lặng người hình dung ra cảnh cụ Vang , thổi một lần dành ăn trưa, ăn chiều cho đỡ bận rộn; một mình cụ với niêu cơm, trệu trạo cho qua bữa, rùng mình nghĩ tới luật đời khô khan. Một mẹ nuôi cả bầy con. Bầy con không nuôi nổi mình mẹ.
Buổi chiều đó, độ 5h bồng có tiếng huyên náo thì ra anh em Chí cãi nhau. Mong mặt tái mét chỉ trỏ vào mặt Chí nói: bao năm nay cho mày làm ruộng, các cháu có được cái kẹo nào..keo kiệt nó vừa vừa thôi chứ. Nay bảo trả ruộng lại còn đòi tiền.
Chí mặt cũng tái mét vì giận dữ, người run lên nói: tao làm ruộng phải trả sản hộ mày, trông ruộng hộ mày, tao tôn ruộng mất bao nhiêu là tiền. Nay đòi tao trả, sao dễ thế. Mày phải trả tao tiền mới được nhận lại khu ruộng đó.
Mong nói: ai khiến ông đổ đất tôn ruộng của tôi.
Vợ Mong quần áo tơi tả cũng đang xỉa xói vào mặt chị dâu, nói:. Bao năm nay, mẹ có đồng nào, chúng bay ở nhà lận hết lưng của mẹ. Chổi cùn rế rách cũng bòn. Mẹ ốm mẹ đau, chẳng ngó ngàng gì, không nỡ biếu mẹ lấy một ngàn. Cái giống gì thế hở, có còn là con người không?
Vợ Chí quần áo cũng xộc xệch, nhảy  bồ bồ, lớn tiếng nói: vu oan giáng họa. Đúng là vu oan giáng họa! Mày ăn nói thế mà được à. Bao năm nay chúng mày ở đâu. Ai trông mẹ già. Người ta còn cho không nhau ruộng kia kìa. Biết thế chúng tao bỏ hoang cho chó ỉa. Về mà đóng sản. Người đâu hễ cứ về đến nhà là sinh mâu thuẫn.
Vợ Chí và vợ Mong lao vào nhau ẩu đả một hồi. Làng xóm phải ra sức can thiệp, kéo mỗi người ra một chỗ mới thôi.
Mong nói với mọi người. Tôi làm ăn thất bát mới phải cùng vợ và các cháu quay về quê, ngỡ là được quấn túm đùm bọc. Ai dè! Anh với chả em. Từ nay, thôi không có anh em gì với chúng nó nữa.
Cụ Vang đứng ngay ngõ nhìn mấy đứa con cãi nhau, mặt buồn rười rượi. Cụ không cầm được nỗi đau xót. Cụ lấy ống tay áo quyệt nước mắt, nói. Các ông các bà thấy tôi có khổ không! Thật đúng là vô phúc.
Sáng nay Chí  sang nhà ông Giáo từ rất sớm. Chí có  vẻ sượng sùng, nhìn ông Giáo như  thăm dò, không biết ông Giáo nghĩ gì về hắn. Mà ông Giáo sao có thể mỉa mai hắn được chứ. Chắc gì ông Giáo đã có nhân như Chí, chịu khó như Chí. Còn cứ luận về con người a. Ai chẳng có phân trong bụng. Nhà nào chẳng có hũ mắm thối.
Chi băn khoăn: ông Giáo! Hôm trước nhờ ông Giáo viết hộ cái đơn kiện. Viêc chưa đâu vào đâu. Ông Giáo chịu khó giúp tôi chút. Cả đời mới nhờ nhau một việc. Ông Giáo cứ chối từ.
Ông Giáo đăn đo: không phải không muốn giúp ông. Chỉ muốn anh em trong nhà bảo nhau. Mỗi người nhường nhịn nhau chút ít việc gì không xong.
Chí:  Mình nể người ta chứ người ta có nể mỉnh đâu. Thằng Mong nó cũng đang kiện tôi ra ủy ban. Mẹ tôi cũng đang kiện tôi ra Ủy ban. Lần này tôi sẽ kiện nó về tội phá hoại tài sản, xúc phạm danh dự và tội đánh người. Tôi cũng kiện mẹ tôi tội bôi nhọ chúng tôi. Đi đâu cụ  ấy cũng kể lể bôi xấu chúng tôi. Dân người ta biết gì đâu, nghe cụ nói là người ta tin ngay. Thằng Mong là con, tôi cũng là con. Có phận, có phần ,tôi đòi lại phần đất của tôi trên khu đất mẹ tôi đang ở.
Ông Giáo: ông có đất ở rồi cơ mà.
Chí ngẩng ngay mặt lên, động thái dứt khoát: khu đất tôi đang ở là hợp tác chia cho tôi. Tôi bỏ tiền ra để tậu. Mẹ tôi không thể xử xự thế được. Thằng thì coi như mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre. Thằng thì ôm ấp chiều chuộng cho nó tất thảy. Nó được cái khéo nịnh mà.
Ông Giáo: chuyện trong nhà. Thú thật tôi không thể giúp gì ông được lúc này. Ông cứ về nhà suy ngẫm cho chán đi. Anh em tay dứt ruột xót, lẽ nào lôi nhau ra cho thiên hạ cười chê.
Nghe ông Giáo nói, Chí giật mình, cái miệng nhệch đi chút ít, định nói gì đó, rồi lại thôi. Chí nghĩ: Có khó gì việc này. Sở dĩ muốn nhờ ông Giáo vì muốn cái đơn văn hoa chút ít. Chí sẽ tự viết lấy vậy.
Hơn tuần sau, Ủy ban cho gọi Chí, Mong và cụ Vang lên giải quyết. Mọi người cố thuyết phục Chí và Mong mỗi người nhường nhịn nhau. Nhưng việc vẫn không thành. Chí đòi Mong phải trả Chí tiền tôn đất, tiền cải tạo mấy sào ruộng màu, đền bù lại phần hoa màu bị phá, phần đất của Chí ở khu  vườn nhà cụ Vang. Chí đòi xem, sửa lại bản di chúc cụ Vang làm, trong đó có ghi tất cả vườn, nhà, đồ đạc trong nhà, nay, tôi để lại cho con trai út của tôi tên là Mong…
Mong không muốn trả tiền. Ruộng đất của hắn là lẽ đương nhiên- Mong nói  thế- Mẹ cho ai đấy là quyền của mẹ. Thằng nào đụng đến là hắn chém.
Một sáng, cả xóm bỗng huyên náo. Mọi người đổ đến nhà cụ Vang. Tiếng vợ Mong kêu khóc rống lên: ối ! Trời ơi! Ối! Ông trời, ông đất ơi. Người ta giết chồng tôi. Ới ! Ông ơi là ông ơi! Anh với chả em. Ông ơi! Ông bỏ vợ , bỏ con đi cho nhẹ cái thân ông. Ông ơi! Thế này có xót xa không ông ơi!
Chí phủ phục xuống thân em , cuống quít tháo sợi dây chão vẫn còn quàng quanh cổ Mong. Hắn rên lên đau đớn: Trời ơi! Em tôi! Sao em nỡ lòng tìm đến cái chết. Có việc gì mà không có thể giải quyết được giữa anh em mình cơ chứ. Chí khóc , nước mắt trào ra chảy dòng dòng trên má. Cảm giác mất mát, cảm xúc đau  đớn cùng lúc ùa vào lòng Chí, khiến Chí như phát điên.
Mọi người kéo Chí đứng dạy. Ông Giáo nói: Này, thân vẫn còn ấm nóng, lưỡi chưa thụt. Gọi người đến cấp cứu ngay! Biết đâu còn kịp.
Chí thẫn thờ nhìn mọi người đang làm hô hấp nhân tạo cho Mong. Mọi bực tức xưa nay không thấy đâu cả, chí có nỗi thương xót trào dâng trong lòng.

                                                          Hưng Yên ngày 7 tháng 6 năm 2015