Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

NHỮNG CHIẾC LỒNG CHIM



Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Ông Phước rút ghim, mở cửa lồng. Con Sáo vẫn nhảy nhót từ góc nọ, sang góc kia, dường như đã quen với khoảng không chật hẹp và thức ăn do ông Phước hàng ngày thả vào trong những chiếc khay. Con Sáo ngó nghiêng nhìn bàn tay ông, nhìn ông bằng ánh mắt trong trẻo , thơ ngây.
Con Sáo này ông Phước đã nuôi từ vài ba năm nay, từ lúc nó còn nhỏ, lông  ống mới nhú trên cánh. Một thợ săn bắn chim trong làng đã rình bắn được chim bố, chim mẹ, phá tổ, nhặt được mấy Sáo non, đem về nuôi. Lũ chim non ngơ ngác, sợ hãi nép mình vào nhau trong chiếc hộp bằng nhôm, luôn miệng kêu khe khẽ chích…chinh…chích….chinh..Được vài ngày trừ con Sáo này, lũ Sáo non khác chết cả. Ông Phước xin  nó mang về nuôi dưỡng. Ông bắt sâu, bắt châu chấu, tìm chuối tây, hàng ngày bón cho Sáo. Con Sáo hồi lại, chẳng mấy chốc lông cánh chắp khấu, bay nhảy trong chiếc lồng bằng nan mây dành riêng cho nó. Ông dạy Sáo tiếng người. Sáo bắt chước nhanh lắm. Mỗi khi có khách vào nhà, nó  cất tiếng: Phước ơi! Có khách. Phước ơi !  Có khách. Khách vào , chào khách..!.
Ông Phước nuôi nhiều loại chim, nhưng với con Sáo này ông cảm thấy vô cùng thân thương. Tình cảm hệt như cha với con vậy. Ông có thể giao cảm với nó, trìu mến, săn sóc nó, sa xót đau mỗi khi nó đau chân.
Ông Phước Kiên nhẫn đợi. Lát sau, Sáo nhảy tới gần cửa lồng, ngó nghiêng ra ngoài ô cửa,  nhìn ông Phước, do dự, rồi chui khỏi lồng , bay đậu trên cành cây trứng cá trước nhà.
Ông Phước nhìn theo con Sáo, đôi mắt tỏ ra quyến luyến, trong lòng bỗng trở nên nhẹ nhõm lạ thường.
Sáo sà xuống, đậu trên vai ông, nhẹ nhẹ kêu: Phước!...Phước.. Ông Phước nhẹ nhàng đặt bàn tay lên lớp lông dày mịn màng của nó, cảm xúc yêu thương tràn ngập trong lòng. Dường như Sáo  cũng có cảm giác đó. Nó nghiêng cái mỏ, nghiêng ánh mắt, chớp chớp, rồi cúi xuống rỉa rỉa vào mấy ngón chân, rỉa rỉa vào bờ vai ông.
Ông Phước: Bay đi! Bay đi! Mặc dù Phước đã quen với tiếng Sáo hót Phước ơi! Phước ơi! Với Phước, Sáo không đơn thuần là chú chim, mà là một phần của đời sống tình cảm. Nhưng thôi! Hãy trở về với thiên nhiên, với tự nhiên, với loài, sinh con đẻ cái thật nhiều. Thật nhiều! Hãy bay đi! Bay đi!

Dường như Sáo không nỡ xa ông. Sáo bay lên đậu ở cành cây trứng cá,ngó nghiêng, rồi lại bay xuống, sà vào vai ông, lượn quanh ông.
Ông Phước nhìn theo Sáo quả quyết khích lệ: Hãy bay đi tới những chân trời Sáo muốn! Trở về với đàn, với loài! Sinh nở thật nhiều. Ông nẹp lại cửa lồng, đi nhanh vào nhà, lát sau mới trở ra sân. Ông ngước nhìn quanh, đôi mắt sục sạo trên bầu trời, những lùm cây quanh đó như muốn tìm lại Sáo. Không thấy Sáo đâu nữa. Ông cảm thấy như vừa mất đi một vật gì đó rất quý, nhưng trong lòng thấy nhẹ bỗng như đã làm việc gì có ý nghĩa cho đời.
Ông ngồi xuống bên chiếc bàn trà, rót lưng chén, đưa miệng nhấm nháp. Chè thơm, vị đậm đọng lại ngòn ngọt trên lưỡi, trong miệng. Ông nhìn những chiếc lồng chim, hồi tưởng lại những ký ức xa xôi, nhưng như vừa mới xảy ra .
Ngày trước, làng quê chủ yếu là những nếp nhà tranh lẩn khuất dưới những khu vườn xanh mát bóng cây, bười , nhãn, na, khế, cam….vv. Nhà này ngăn cách nhà kia bởi những hàng rào dâm bụt, rào mây, hoặc ô rô. Những khu vườn đầy tiếng chim. Sáng  sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, chim chóc trong các khu vườn hót vang chào mừng ngày mới tươi vui, rộn rã, gợi lên cảm xúc thanh bình, thanh thoát trong lòng người. Chiều đến, lũ cò trắng, cò lửa về đậu trên những khóm tre, cả đêm chúng kêu cò…cò..cò hệt như họp chợ. Ông  nhớ độ cuối thu, những đàn chim từ phương bắc bay qua làng theo hình mũi tên về phương nam tránh rét, nhớ những đàn giang, mòng két hàng ngàn con đậu bên diền bồng bềnh, bồng bềnh trên mặt sông vào độ xuân về.
Để bắt chim ông dắt lên người những cành lá, ngồi hàng giờ trên cây kiên nhẫn chờ lũ chim đến, nhón bắt về nuôi. Ông tự tay vót nan tre, nan mây, gác lên bếp. Khi chúng ngấm  khói trở nên óng vàng, ông ngồi  tỉ mẩn đan những chiếc lồng. Lồng ông đan có đủ kích cỡ, dành cho các loài chim khác nhau. Có chiếc nhỏ chỉ bằng chiếc ấm tích. Có chiếc to gấp rưỡi cái nơm. Điểm chung ở chúng là nét mềm mại cong xuôn đều từ trên xuống dưới đáy lồng và màu sắc vàng nâu óng chuốt. Ông làm những chiếc lồng chim không chỉ với sự khéo tay hay mắt, còn bằng tình cảm thân thương dành cho thiên nhiên, dành cho lũ chim nuôi. Ông đã nuôi nhiều loại chim: Sẻ, Chào mào các loại, Chích chòe, Sáo, Khuyên.vv. Ngày ngày, ông tranh thủ bắt sâu, châu chấu.. mang về làm thức ăn cho chim, dành những quả chuối tây vàng óng thơm phức cho nó. Có buổi đi làm đồng, ông mang theo chiếc lồng chim Sáo, dùng vải che lồng, để lồng ở đầu bờ, không quên đặt sẵn trong những chiếc khay nhỏ, chuối, cào cào rồi nước uống. Kết thúc buổi cày, ông xách
lồng về nhà. Với ông tiếng chim hót như những bản nhạc ríu rít của cuộc sống, tươi vui, sống  động, gợi trong lòng người cảm xúc thanh thoát, sảng khoái, tĩnh tại, vợi đi những mệt nhọc toan tính thường ngày.
Đã mấy năm nay rồi, những chiếc lồng trong khu vườn nhà ông Phước vắng bóng chim. Chủ yếu là lồng không. Con Sáo ông vừa phóng sinh là con chim cuối cùng ông nuôi trong lồng. Ông tự nhủ với lòng mình như vậy.
Lâu lâu tôi về thăm ông. Bên chiếc bàn trà, ông Phước nói với tôi: Giờ ít chim chóc lắm.
Tôi nói:
-         Cũng không ít lắm đâu!
-         Ít đi nhiều chứ. Chỉ có những người như chúng tôi mới thấy được điều
đó. Bây giờ là thời buổi của bê tông, của đô thị. Tỷ lệ che phủ bởi cây xanh mỗi ngày một ít đi. Người ta trồng cây chủ yếu với mục đích kinh tế, những loại cây ngắn ngày, sớm cỗi.
-         Điều ấy cũng đúng- Tôi nói- Nhưng cũng phần vì lo lối săn bắt tận diệt
của con người.
Ông Phước nói bằng giọng trầm buồn: Giờ con người lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng trọt , chăn nuôi. Chim ăn sâu trúng độc, chết.  Và rồi lại nhiều sâu. Tệ hơn nữa là con người săn chim bằng đủ kỹ thuật.
-         Ông muốn nói tới cách người ta thu âm tiếng chim trống- mái, phát lại
để dụ chim vào bẫy- Tôi nói.
-         Đấy cũng chỉ là một chiêu trò thôi. Người ta dùng lưới bắt chim, dùng
keo dính bẫy chim, dùng súng bắn chim cả ngày lẫn đêm. Ông Phước buồn rầu nói.
Tôi nói:
-         Ông nói đúng. Dịp này các loài chim trong khu vực mỗi ngày một ít đi
không thấy chèo bẻo, bạc má và những con bói cá treo minh trên không soi cá.
Ông Phước:
-         Mỗi ngày có hàng chục lượt người đi xe máy, thậm chí đi ô tô về bắn
chim ở khu đầm ngoài. Họ mặc quần áo rằn ri, mỗi người một khẩu. Ai nấy béo núc, hổ ăn không hết thịt họ.  Họ quần thảo cả ngày, thấy chim nào cũng bắn. Nói đến đấy, ông Phước nhìn những chiếc lồng chim treo trên mái, trong chái nhà, ngoài vườn. Theo ánh mắt ông, tôi chỉ thấy những chiếc lồng không im lìm.
Buổi tối đó giấc mơ kéo ông Phước vào thế kỷ sau. Thế giới chỉ còn lại một loài động vật trông giống khỉ, song không phải khỉ, cũng chẳng phải vượn, mắt sâu trũng đỏ lừ, mi mắt cũng đỏ, lông mày rậm, mình mẩy, tay chân đầy lông lá, hai hàm răng dài nhọn trắng ởn. Loài động vật này phàm ăn và tàn ác ghê gớm. Chúng đã ăn hết các loài trong tự nhiên và giờ đây để tồn tại, chúng ăn thịt đồng loại.
Tỉnh dậy ông Phước bàng hoàng sợ hãi. Sáng sau, khi tỉnh dậy, việc làm đầu tiên của ông là tháo những chiếc lồng xuống, đập  bẹp hết.
Bỗng con Sáo mới được phóng sinh ngày nào bay về. Nó bay quanh rồi đậu vào vai ông cất tiếng hót: Phước..! Phước.

                                                                             Hưng Yên năm 2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét