Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

DẠY HỌC ĐỊNH HƯỚNG HÀNH ĐỘNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH TRONG GIÁO DỤC NGHỀ



                                      Bài đăng trên Tạp chí Dạy nghề số 21 tháng 6 năm 2015

Ths. Hồ Ngọc Vinh , Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp được xác định là hình thành năng lực và phát triển toàn diện nhân cách người học. Có nhiều khái niệm về năng lực, tuy nhiên tựu trung lại năng lực là sự thực hiện công việc nghề nghiệp đạt chuẩn quy định đối với công việc đó. Để thực hiện mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trên đây, các nhà giáo dục đã đưa ra  mô hình đào tạo nghề theo năng lực thực hiện. Nó không chỉ là mô hình đào tạo còn thể hiện triết lý trong giáo dục nghề. Theo đó giáo dục nghề có ba giai đoạn cơ bản. Một là phát triển chương trình giáo dục nghề trên cơ sở của phương pháp DACUM ( Phương pháp phân tích nghề) , xác định các môdun năng lực người học sẽ lĩnh hội trong quá trình đào tạo; Hai là dạy và học các năng lực thực  hiện; Ba là kiểm tra đánh giá các năng lực thực hiện. Có thể khẳng định mô hình đào tạo nghề theo NLTH chú ý tới giáo dục nghề nghiệp ở tầm vĩ mô. Để hình thành NLTH cụ thể đương nhiên phải dạy và học các NLTH. Ở đây,  tôi chủ yếu đề cập tới quan điểm dạy học định hướng  hành động trong việc hình thành năng lực hoạt động nghề nghiệp cho người học trong giáo dục nghề.
Hanno Hotsch trong cuốn lý luận dạy học nghề nghiệp đưa ra khái niệm: Dạy học định hướng hành động là dạy học định hướng vào  tích cực hóa quá trình học tập của học sinh; sự  học mang tính toàn diện, toàn vẹn; trong đó kết quả ( Mục tiêu học tập) được thoản thuận trước giữa giáo viên và học sinh có tác dụng điều khiển , chỉ đạo quá trình dạy học , nhằm tạo ra một tỷ lệ cân bằng thích hợp giữa hoạt động chân tay và hoạt động trí óc.
Một số khái niệm trong đó  lưu ý là sự học mang tính toàn diện. Đó là học kiến thức, học kỹ năng và học thái độ. Như vậy cần học bằng khối óc, học bằng chân tay và học bằng trái tim. Sự học toàn vẹn - hoạt động học tập tuân  theo các bước hành động chung của con người đó là định hướng hành  động, thực hiện hành động, kiểm tra, đánh giá và phản hồi. Tình toàn vẹn còn thể hiện ở điểm hoạt động học tập khép kín bởi các khâu cảm giác tri giác hình thành biểu tượng đến tư duy trừu tượng hình thành khái niệm sau đó là hành động; trong các hoạt động này thể hiện rõ vai trò tự lập kế hoạch, thực hiện và tự kiểm tra của người học.
Dạy học định hướng hành động có cơ sở tâm lý học về hoạt động của VƯGOTKY và JAN PIAGE. Theo đó hành động luôn định hướng vào mục tiêu và có ý thức, hành động luôn hàm súc tính tích cực cá nhân. Dạy học định hướng hành động có mục tiêu nhằm hình thành năng lực  cho người học. Trong đó năng lực thực hiện là tổ hợp của các năng lực thành phần gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và tư chất của người  học.
          Một số chú ý trong học bằng hành động:
Bằng hành động con người đã hình thành nên môi trường của mình và đồng  thời làm biến đổi bản thân.
Tư duy phát triển trên cơ sở trực quan có được là do thực hiện hành động .
Con người có thể thực hiện hành động qua tưởng tượng và dùng nhận thức để chứng minh kết quả.
Kỹ năng kỹ xảo được hình thành trên cơ sở của hành động.
Đây là những kết luận quan trọng rút ra được khi nghiên cứu cơ sở tâm lý học hành động của VƯGOTKY và JAN PIAGE. Cho  thấy người học muốn chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thái độ phải trên cơ sở thực hiện các hoạt động học, trong sự tương tác tích cực giữa giáo viên với người học, người học với người học và người học với đối tượng nhận thức.
Dạy học định hướng hành động có một số đặc điểm sau:
          Dạy học định hướng hành động không phải là một phương pháp mà là giải pháp nhằm tổ chức hoạt động học tập có hiệu quả.
          Người học đóng vai trò trung tâm trong dạy học , thông qua việc tham gia tích cực vào tổ chức quá trình dạy học trong việc xác định mục tiêu, dự kiến  các hoạt động phương pháp, phương tiện, tham gia vào kiểm tra đánh giá. Trong học tập có sự đối chiếu, so sánh một cách tích cực và chủ động.
          Sự học là sự tự điều khiển
          Việc tổ chức quá trình học tập trước tiên là tạo ra các điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học.
          Mục tiêu của dạy học định hướng hành động  là phát triển năng lực và toàn diện nhân cách người học.
          Nó đồng thời hướng vào hai khu  vực một là hành động của người học trong quá trình học có tổ chức trong môi trường nhà trường, hai là hành động trong cuộc sống nghề  nghiệp và cuộc  sống cá nhân của người học.
          Việc học mang tính toàn diện và toàn vẹn như trên đã phân tích, thể hiện sự thống nhất trí tuệ, tình cảm và hành động trong học tập.
          Dạy hoc định hướng hành động đòi hỏi phải chú ý tới cấu trúc của hành động gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 định hướng hành động. Trong giai đoạn này người học nhận biết  vấn đề, tìm kiếm thông tin, lập kế hoạch phương án, khả năng giải quyết và đi đến quyết định. Giai đoạn 2 thực hiện hành động. Giai đoạn ba kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phản hồi.
          Tiến trình được thực hiện trên cơ sở logic khoa học chuyên môn và logic nhận thức.
          Điều lưu ý là tình huống vấn đề xuyên suốt trong quá trình dạy học. Nói cách khác người học thực hiện các hoạt động giải quyết các  tình huống thực tiễn nghề nghiệp được chuyển hóa vào dạy học.
          Hanno Hotsch mô tả quá trình dạy học định hướng hành động theo nghĩa rộng như sau:
 




  ên










Hình 1. Dạy học định hướng hành động theo nghĩa rộng
Các bước của dạy học định hướng hành động gồm:
1.     Giai đoạn mở đầu. Giai đoạn này có các nội dung như xác định mục tiêu, phát
triển nội dung học tập theo định hướng hành động; Kiểm tra các điều kiện học tập như phòng học, phương tiện thiết bị kỹ thuật, vật liệu học ..v; Chuẩn bị cho người học các hành động mang tính tự lực và ý thức trách nhiệm; trao đổi kinh nghiệm hoc tập định hướng hành động.; xác lập mối thể chế sư phạm .
2.     Giai đoạn lập kế hoạch. Giai đoạn này gồm các nội dung như xác định các
nhiệm vụ học tập hàm súc vấn đề cho mỗi lĩnh vực học tập; sắp xếp các hành động tương ứng với nội dung theo hệ thống; kế hoạch hóa hành động theo hệ thống khép kín: cảm giác---tư duy…..hành động; hướng dẫn nguồn tài liệu, khuyến khích người học tự lực tìm kiếm cách thức giải quyết; tạo điều kiện, khuyến khich sự trao đổi giữa các học sinh; chuẩn bị phương án kiểm tra.
3.     Giai đoạn thực hiện. Gồm các nội dung phân chia các nhóm học tập theo các
công việc học tập; tư vấn cho người học cách thức học tập và các ý tưởng giải quyết riêng; tạo cho sinh viên nhận thức rõ về kết quả học tập thông qua các thông báo; khuyến khích tự kiểm tra đánh giá.
4.     Giai đoạn kết thúc. Gồm các nội dung trao đổi với học sinh về cảm tưởng của
họ đối vơi giờ học; xác định các điểm có vấn đề tìm nguyên nhân để cải tiến các bài học tiếp theo; phát triển hoặc thu hẹp các ý tưởng giải quyết trong các trường hợp cần thiết…

Dạy học định hướng hành động đòi hỏi xây dựng mục tiêu cho hoạt động học tập đó là năng lực thực hiện tương ứng với mõi công việc nghề nghiệp. Có thể qua nghiên cứu chương trình giáo dục nghê. Bởi hiện các chương trình giáo dục nghề hiện nay  có cấu trúc bởi các môn học chung và các mô đun năng lực, trong đó đa số chương trình có kèm theo bảng phân tích nghề, mô tả chuẩn năng lực đối với mỗi công việc, yêu cầu kiến thức , kỹ năng thái độ để thực hiện  mỗi bước/ nguyên công của quy trình công nghệ.
Xây dựng nội dung lý thuyết, thực hành cho bài giảng căn cứ vào yêu cầu như đã trình bày ở mục trên. Lưu ý là tri thức được chọn lọc là tri thức cần thiết để thực hiện kỹ  năng.
Hoạt động phương pháp định hướng vào tính tích cực chủ động của người học. Trong đó giáo viên đóng vai trò cố vấn học tập, đưa ra những chỉ dẫn kịp thời giúp người học xử lý được vấn đề. Một số các phương pháp dạy học phù hợp có thể lựa chọn, vận dụng là Dạy học bằng tình huống ở các mức độ khác nhau, dạy học trong và bằng dự án, dạy học bằng sử dụng phiếu hướng dẫn, phương pháp bốn giai đoạn…vv. Các hình thức tổ chức học có thể vận dụng là : học theo lớp ( face to face), học theo nhóm, học theo tổ và cá nhân học tập.
Một trong những vấn đề trọng yếu nữa là chiến lược kiểm tra đánh giá năng lực thực hiện. Các lĩnh vực kiểm tra đánh giá bao gồm kiểm tra đánh giá kiến thức, kiểm tra đánh giá kỹ năng và kiểm tra đánh giá thái độ. Cần xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá trên cơ sở chuẩn năng lực. Đó là các phiếu kiểm tra, trong đó chủ yếu áp dụng thang đo định lượng đối với cả kiểm tra kiến thức và kỹ năng.
Hoạt động phương pháp được xác định trên cơ sở của logic giải quyết vấn đề, logic của việc lĩnh hội kỹ năng và kỹ xảo và quy trình của dạy học định hướng hoạt động.
Để hình thành năng lực , người học phải thực hiện các hoạt động bao gồm các hoạt động lĩnh hội các tri thức của kỹ  năng, luyện tập nhiều lần để hình thành kỹ năng và do đó, cần xác định nguồn học liệu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho hướng dẫn của giáo viên và việc thực hành của học sinh. Tức là xây dựng môi trường học tập tối ưu. Chỉ có như vậy hoạt động dạy học theo định hướng hành động mới được thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Năng lực của người học được hình thành đáp ứng được chuẩn quy  định đối với công việc đó.
          Xét một ví dụ sau đây:Bài kiểm tra sửa chữa bơm xăng . Đây là bài thực hành trong môn học “Thực hành sửa chữa động cơ ô tô”
          Mục tiêu: Sau bài học, người học thực hiện tháo lắp kiểm tra và sửa chữa bơm xăng theo đúng quy trinh kỹ thuật, trong thời gian 5h với các dụng cụ trong hòm dụng cụ tháo lắp, đồng hồ đo điện vạn năng, đồng hồ kiểm tra áp suất bơm, máy mài…vv.bơm xăng hoạt động đúng với lưu lượng và áp suất.
          Đây là bài giảng thực hành ( tích hợp). Bài giảng gồm có các nội dung, về mặt lý thuyết đó là những tri thức về cấu tạo, nguyên lý của bơm xăng,  tri thức về các dụng cụ đo, phương pháp  đo lưu lượng và áp suất bơm..vv. Về mặt thực hành gồm có quy trình tháo lắp, thao tác tháo lắp bơm, thao tác sử dụng các dụng cụ tháo lắp, thao tác đo lưu lượng, áp suất bằng đồng hồ kiểm tra áp suất và cốc đo nhiên liệu.
          Như vậy các hoạt động học để lĩnh hội nội dung lý thuyết chuyên môn là quan sát tranh ảnh, quan sát nguyên bản,  mô tả cấu tạo có thể được diễn ra dưới hình thức học tập theo nhóm. Tiêp theo là hành động phân tích nguyên lý làm việc của bơm cũng được tiến hành thông qua quan sát sơ đồ nguyên lý, vận dụng nguyên tắc khoa học để tìm hiểu  nguyên lý  hoạt động của bơm xăng. Hành động này có thể diễn ra dưới hình thức học tập theo nhóm. Những hoạt động học tập lý thuyết đều được thiết kế trên cơ sở xử lý tình huống.
          Hoạt động học tập thứ 3 là thảo luận xây dựng quy trình tháo lắp bơm xăng
          Để có được các kỹ năng thực hành người học được tổ chức luyện tập theo hình thức cá nhân / nhóm dưới  sự hỗ trợ của các phiếu hướng dẫn tổng hợp hay phiếu hướng dẫn quy trình công nghệ.
          Các tình huống dạy học cơ bản cần xử lý trong hoạt động thực hành gồm: tình huống bơm xăng không hoạt động; Tình huống bơm xăng hoạt động nhưng không đủ lưu lượng; tình huống áp suất trong bơm  không đảm bảo.
          Do đó về mặt phương tiện dạy học  cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động học tập theo nhóm và luyện tập của cá nhân. Gồm có:
          - Phiếu hướng dẫn quy trình tháo lắp, các bản vẽ cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bơm xăng, bảng ghim, bảng từ, giấy Ao, bút dạ các loại. Phiếu hướng dẫn kiểm tra lưu lượng- áp suất bơm.
          - Hòm dụng cụ tháo lắp, bàn , động cơ xăng, bơm xăng, ác quy 12 V, cốc đo  nhiên liệu, bình xăng dùng cho kiểm tra, đồng hồ đo điện vạn năng , máy mài, đồng hồ kiểm tra áp suất bơm.
          Nội dung kiểm tra gồm : kiểm tra lý thuyết ( cấu tạo, nguyên lý làm việc của bơm nội dung được biên soạn thành câu hỏi trắc  nghiệm nhanh; kiểm tra công việc thực hành gồm kiểm tra quy trình và kiểm tra  chất lượng sản phẩm thông qua tình trạng của bơm xăng sau khi được sửa chữa . Nội dung kiểm tra thực hành cũng được soạn trên phiếu. Gồm có phiếu kiểm tra quy  trình và phiếu kiểm tra chất lượng.
          Do khuôn khổ của bài viết nên trong hướng dẫn hoạt động dạy học dưới đây chỉ mô tả những vấn đề cơ bản nhằm làm rõ các hành động học tập được diễn ra theo mô hình dạy học định hướng hành động hình thành năng lực cho học sinh học nghề.


TÌNH HUỐNG

HOẠT ĐỘNG HỌC
HOẠT ĐỘNG DẠY
Tình huống dẫn nhập
Động cơ xăng không hoạt động do bơm xăng hỏng

Quan sát nhận biết, phân tích tình huống.
Xác định động cơ, nhận biết nhiệm vụ học tập
Mô tả tình huống   thực tế
Hướng dẫn quan sát, phân tích tình huống


Tình huống nghiên cứu cấu tạo bơm xăng.
Quan sát hình dáng bên ngoài bơm xăng;
Quan sát bản vẽ;
Tiến hành thảo luận trong nhóm;
Mô tả chi tiết theo mẫu hướng dẫn
Trình bày trước lớp
Mô tả vấn đề: Bơm xăng có cấu tạo ra sao?
Phát tài liệu học tập, bản vẽ cấu tạo, nguyên bản và mô hình.
Tổ chức hoạt động nhóm
Tình huống nghiên tìm hiểu nguyên lý làm việc của bơm.

Thảo luận tìm hiểu nguyên tắc làm việc của bơm xăng.
Quan sát sơ đồ nguyên lý
Thảo luận /mô tả  nguyên lý làm việc của bơm xăng trên A0 hoặc trên Powerpoint;
Trình bày trước lớp
Mô tả vấn đề: Bơm xăng hoạt động theo nguyên tắc nào? Nguyên lý hoạt động?
Phát tài liệu : phiếu thống tin, sơ đồ nguyên lý trên Ao.
Tổ chức hoạt động nhóm.;

Tình huống xây dựng quy trình tháo /lắp
Thảo luận nhóm. Trên cơ sở kiến thức về cấu tạo, nguyên lý mô tả quy trình tháo lắp;
Trình bày trên Ao/ hoặc trên Powerpoint.
Mô tả tình huống; Để khắc phục hư hỏng bơm xăng cần tháo/lắp bơm?
Tổ chức hoạt động nhóm.
Luyện tập tháo lắp
Luyện tập tháo lắp bơm xăng theo hình thức cá nhân/ nhóm.
Làm bài tập theo phiếu bài tập.





Tự kiểm tra theo phiếu
Kiểm tra giữa các nhóm  theo phiếu.
Tổ chức luyện tập tháo lắp bơm xăng ;
Phát phiếu quy trình công nghệ., phiếu bài tập.
Kiểm tra công việc thực hành của học sinh
Hướng dẫn bài tập
Kiểm tra kết  quả học tập
Tình huống sửa chữa bơm không đủ lưu lượng
Thảo luận về nguyên nhân
Đề xuất phương án khắc phục
Tiến hành sửa chữa bơm trong điều kiện mô phỏng thực tế.


Tự kiểm tra theo phiếu



Mô tả tình huống bơm không đủ lưu lượng, động cơ làm việc không đủ công suất?
Giao nhiệm vụ học tập.
Kiểm tra kết quả hoc tập

Tình huống sửa chữa bơm không đúng áp suất.
Thảo luận về nguyên nhân
Đề xuất phương án khắc phục
Tiến hành sửa chữa bơm trong điều kiện mô phỏng thực tế.
Tự kiểm tra theo phiếu
Mô tả tình huống bơm không đúng áp suất;
Giao nhiệm vụ học tập

Kiểm tra kết  quả học tập
         
          Bảng trên chỉ là 1 trong nhiều phương án có thể chọn lựa để tổ chức dạy học theo mô hình dạy học định hướng hành động trong đó nội dung và hoạt động phương pháp chủ yếu trên cơ sở của các tình huống phối hợp với sử dụng phiếu hướng dân, làm mẫu, luyện tập và làm viêc trong nhóm. Lưu ý là còn có phương án khác.
                    Như những nghiên cứu về mặt lý thuyết và ví dụ ứng dụng kể trên, phần khác căn cứ vào  trải nghiệm dạy học của người viết có thể khẳng định, dạy học định hướng hành động với mục tiêu hình thành năng lực cho người học thông qua tổ chức hành động học tập là mô hình lý luận dạy học nghề nghiệp rất thích hợp để vận dụng vào trong thực tiễn giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

          Do vậy, mô hình lý luận dạy học này cần được đưa vào giảng dạy trong học phần giáo dục học nghề nghiệp, nội dung trong các chương trình tập huấn giáo viên kỹ thuật, nhằm nâng cao trình độ sư  phạm, hướng dẫn vận dụng , nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo  dục nghề nghiệp ở nước ta.




NGUỒN TÀI LIỆU

1.     Nguyễn Đức Trí ( chủ biên) Hồ Ngọc Vinh , Phạm Văn Nin, Hoàng Thị Minh Phương; Giáo dục học nghề nghiệp, NXB Giáo dục, năm 2011.
2.      Nguyễn  Đức Trí, Hồ Ngọc Vinh; Phương pháp dạy học trong đào tạo nghề; NXB Giáo dục ; năm 2013.
3.     Đinh Công Thuyến, Hồ Ngọc Vinh , Phạm Văn Nin ; Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Mô Đun; Tổng cục Dạy nghề, năm 2008.
4.     Gunteer PaetZold; Phương pháp dạy học trong đào tạo nghề, NXB LH. Sauer GmBH Heidelberg; năm 2001.

5.      Xavier Roegiers; khoa sư phạm tích hợp ; NXB Giáo dục ; Dự án VNM/B7- 3000/ 94/ 096-01; Liên hiệp Châu âu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét