Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

EM CÓ VỀ

Bài viết nhân 50 năm truyền thống trường ĐHSPKT-HY
Em có về không? Đã cuối năm rồi đấy.
Hưng Yên đông, hoa sữa trắng trên cành
Ven sân trường, bàng đang mùa trút lá
Lắc rắc sợi mưa, xào xạc lá bay.
Ta tìm lại những ngày cắp sách
Giảng đường xưa, hàng ghế mình ngồi
Những đêm trắng cùng bạn bè viết vẽ
Ngày đi ca rộn rã máy khoan.
Bạn bè ta buổi ấy cơ hàn
Manh áo mỏng giữa trời đông rét giá
Nồi quân dụng cơm đầy ngô độn
Bữa sắn, bữa khoai, mì sợi qua ngày.
Em có về không? Trường của chúng mình
Đâu còn nữa nhà tranh vách trát.
Đã bừng lên rạng ngời nét mặt
Giảng đường nay phòng ốc thênh thang
Bàn ghế mới và bảng đen to rộng
Máy chiếu hình thay bản vẽ Ao..
Thầy Cô mình tóc đã bạc phơ.
Mắt vẫn sáng, bao dung gần gũi
Người về hưu, người còn ở lại
Nét phấn ngay trên bảng mỗi ngày.
Bạn bè ta đứa còn, đứa mất
Đứa nghèo xơ, đứa giám đốc công ty
Lòng vẫn vậy nhớ thời cắp sách,
Mái trường xưa và hàng ghế ta ngồi.
Hưng Yên tháng 12 năm 2016

Không có tết nơi này.

Ngô Nguyệt Hữu
Sáu tuần nữa là Tết, Bình Định vẫn ngập trong lũ. Từ thành phố Quy Nhơn tỏa đi các huyện, đều bắt gặp những con đường đầy nước. Thị xã An Nhơn, có đoạn nước lên đến ngực người lớn.
Hôm Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào thị sát lũ, địa phương không thể đưa Phó Thủ tướng vào điểm ngập nặng để thăm dân. Nhiều khu vực ngoài tầm kiểm soát, thủy điện vẫn báo tin xả lũ.
Năm cơn lũ chồng lũ kéo dài trong hơn tháng qua đã khiến Bình Định không còn sinh khí, không còn hoa màu, mai Tết. Những chậu cúc đã vào chậu chờ tháng Chạp rệu rã, úng, rũ lá.
Chín giờ sáng, nhà trường cho học sinh về sớm vì lũ. Cậu học trò tuổi 11 đã vĩnh viễn không được gặp mặt cha mẹ nữa.
17 giờ chiều, tan ca. Cô công nhân tuổi 23 đã không còn được ôm con thơ vào lòng nữa. Con của cô vừa tròn hai tuổi, chồng được tin báo lặng lẽ đưa thi thể vợ về.
Rạng sáng, người đàn ông mưu sinh bằng nghề mò cua nuôi gia đình vùi mình trong lũ..
Những phận người lặng lẽ rời bỏ cõi tạm này theo cái cách mà chúng ta quen miệng gọi là hậu quả của lũ lụt.
Năm nay, tôi đi công tác nhiều hơn so với mọi năm, những vùng lũ, những nơi hạn. Tôi thật sự hoảng sợ vì đã chứng kiến sự bất thường của thiên nhiên, thứ mà bao nhiêu năm chính chúng ta tiêu pha phung phí, từ rừng cho đến nguồn nước. Câu chuyện này sẽ không có hồi kết, khi mà lãnh đạo Bộ Công thương vẫn đang quyết liệt làm thép, thứ đang khiến Bắc Kinh đau đầu vì hệ lụy môi trường.
Trên rừng đầy có thủy điện, dưới biển đặc nhà máy thép, đồng bằng chen chúc nhiệt điện. Bức tranh về thảm họa không thể nào rõ hơn được nữa. Tiếc rằng cho đến giờ, vẫn quá ít người lên tiếng về nguy cơ ấy. Dẫu rằng tác động ngay trước mắt đấy thôi.
Nhưng đó là chuyện khác còn trong status này, chỉ mong các anh chị nghĩ về Bình Định với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Nhất là khi còn mấy mươi hôm nữa, Tết đã về.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Hai bài thuốc quý khiến người Dao phải đặt ra một quy định là con trai dưới 16 tuổi không được sử dụng, lý do được đưa ra là bà con không muốn cánh thanh niên sung quá mà gây ra hậu quả.

                                                                           Nguôn: Phạm Viết Đào/ Blog

Cánh mày râu người Dao Đỏ ở vùng Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, luôn tự hào dẻo dai, đặc biệt trong khoản làm hài lòng chị em. Cánh nam giới nơi đây có may mắn được sống trên kho thảo dược, trong đó có những vị thuốc vô cùng quý khiến nhiều người phải thèm khát.

Thần rừng đã ban cho phụ nữ bài thuốc hỗ trợ khi sinh đẻ, cánh nam giới cũng có bài thuốc quý dắt lưng, gồm hai thảo dược quý hiếm, gồm “cứu nhiêu lỵ” (dịch tiếng nghĩa là sức chín trâu) và “cù boong nậu” (dịch nghĩa là cứng như dùi đục).
Bài thuốc quý khiến người Dao phải đặt ra một quy định là con trai dưới 16 tuổi không được sử dụng. Lý do được đưa ra là bà con không muốn cánh thanh niên sung quá mà gây ra hậu quả. Vị thuốc quý mọc tít trên những triền núi đá, sau cả trăm năm mới được khai thác. Chẳng thế mà ai may mắn kiếm được vị thuốc này là được bà xã thưởng lớn.
Sức chín trâu
Nhớ lại lúc gặp ông Bùi Văn Ngoạn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Búng, hỏi về tình hình sức khỏe của nhân dân, ông Ngoạn cười tủm: “Anh cứ vào bản Dao mà tìm hiểu. Tại sao các bậc cao niên ở nơi này lại có sức vóc hơn người? Tại sao thanh niên 15-16 đã sùng sục đi tìm vợ? Đó là do họ được sử dụng những cây thuốc quý. Bản thân anh em miền xuôi công tác tại xã cũng được thơm lây đấy”.


thuoc

Ông Ân bên cây Kiếu nhiêu lỵ mà ông di thực trồng ở vườn nhà


Ở bản Nậm Búng có gia đình ông Triệu Tài Ân được coi là người biết nhiều bài thuốc hay nhất bản. Ông Ân đang ngồi bó ngối bên bếp lửa. Những ngày đầu đông, công việc đồng áng đã xong nên bà con người Dao có chút thời gian nghỉ ngơi.
Thứ này mà đã khô chỉ còn cách ngâm cả đoạn, chứ việc chặt đứt là rất khó. Do vậy, mỗi khi lấy ở rừng về, tôi phải chặt nhỏ thành từng khúc khi nó còn tươi”. Củ “Kiếu nhiêu lỵ” dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là sức chín trâu lại là thân dây leo, nên nó mềm mại hơn. Do vậy, một loại cứng, một loại mềm kết hợp thành bài thuốc toàn dương đại bổ rất tốt cho đàn ông bị yếu sinh lý.
Ông Ân đã có cháu nội, cháu ngoại đề huề nhưng nom ông còn khỏe lắm. Nước da bánh mật nhuộm màu nắng gió. Dáng người dong dỏng nhưng ánh mắt sắc lẹm. Giọng nói sang sảng. Ông vẫn có thể lên rừng đi kiếm thuốc và đi săn cả tuần trời mà không biết mệt.
Có khách quý đến, thay vì pha trà, ông mang thứ nước thuốc có màu cánh gián ra mời. “Người Dao ít uống trà lắm. Nước lá, nước rễ cây uống quanh năm. Thứ thuốc giúp người ta bình tâm, an thần, giải độc rất tốt. Chẳng thế mà ở cái bản này, từ xưa đến nay hiếm người mắc bệnh nan y. Đặc biệt là cánh đã lên lão như chúng tôi tuổi cao nhưng lại “già” không đều”, ông Ân chia sẻ.
Loài thảo dược quý này sống trên triền núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, thuở trước, ông Ân chỉ cần vào rừng nửa buổi là kiếm được cả gùi to. Nay đi một ngày, may lắm mới kiếm được một cây. Thứ cây thân dây leo này thường mọc ở nơi rừng rậm treo leo bên vách đá. Rễ của chúng cũng cắm sâu vào các khe đá mà hút lấy dưỡng chất và khí trời.
Trong góc nhà của ông An còn giữ lại được 2 đoạn rễ cây. Loại có màu đỏ, rắn như dùi đục là cây “cù boong nậu”. Loại này phải dùng rìu của đám thợ sơn tràng khi xưa mới có thể chặt nổi.
Ngày đầu nghe tin bài thuốc độc đáo của người Dao, nhiều người sững sờ không tin về công dụng của nó. Họ tìm đến nhà ông An, ông không giải thích nhiều mà cho họ vài đoạn rễ cây về ngâm rượu dùng thử và chưa lấy tiền. Ông khẳng định như đinh đóng cột: “Bao giờ thuốc có công dụng, các anh đến trả công tôi đi tìm thuốc cũng chưa muộn”. Và từ nhiều năm bốc thuốc giúp người đến giờ, ông chưa phải cho ai thuốc không bao giờ. Họ đều quay lại hậu tạ ông vì công dụng quá hiệu nghiệm của bài thuốc quý.
Cấm trẻ dưới 16 tuổi
Bao đời sống cùng rừng sâu, núi thẳm nên bà con người Dao cũng đặt ra những quy định riêng về ứng xử với rừng. Họ không bao giờ khai thác rừng một cách ồ ạt mà chỉ xin rừng một phần.


thuoc 2

Củ Kiếu nhiêu lỵ, dịch nghĩa là 'Sức mạnh bằng 9 con trâu'


Dù biết cây “Kiếu nhiêu lỵ” là bài thuốc tốt, họ cũng chỉ lấy đủ dùng là thôi, chứ không ai gom hàng một cách ồ ạt. Thuốc quý, công dụng tức thì, nhưng cánh trai tráng cũng được các cụ truyền lại cách ứng xử với thuốc. Trong đó có một quy định bất di bất dịch là ai dưới 16 tuổi thì không được dùng bài thuốc này.
Lý do các cụ đưa ra là đang ở độ tuổi còn non tơ, đám trai ngựa non háu đá, dùng thuốc vào tựa như hổ mọc thêm cánh, chúng sẽ hung hãn hơn và dễ làm những điều trái với lương tâm đạo đức.
Anh Triệu Tài Pây năm nay đã ngoài hai mươi tuổi cũng được các cụ dạy rất kĩ về cách sử dụng thuốc. “Chỉ có những người ở nơi khác, bất chấp quy định, cố sử dụng thuốc quý khi chưa đủ tuổi đã mang họa vào thân. Người Dao hào phóng thật nhưng ai mà đến xin thuốc khi chưa đủ tuổi, các cụ không bao giờ chỉ cho”, anh Pây tâm sự. Bản thân anh Pây cũng chưa dám sử dụng loại tiên dược này. Lý do mà anh đưa ra là cái gì cũng cần phải thuận theo tự nhiên. Khi nào sức khỏe đi xuống, ta cần “xốc” lại thì mới dùng đến thuốc.
Mang tiếng là người chuyên lấy thuốc, nhưng trong nhà ông Ân không hề có cây thuốc nào. Như đoán được thắc mắc của vị khách lạ, ông Ân giãi bày: “Kiếm được cây nào là có người đến lấy cả rồi. Đặc biệt là mấy ông doanh nghiệp cỡ bự ở thị xã Nghĩa Lộ, TP. Yên Bái tham lam lắm, đặt mua cây “Kiếu nhiêu lỵ” và “Cù boong nậu” trước cả năm trời. Đắt mấy họ cũng mua. Ngày nào họ cũng gọi điện cứ như mình mắc nợ họ”.


thuoc 3

Đại gia ở Yên Bái rất chuộng thảo dược Kiếu nhiêy lỵ và Cù boong nậu của người Dao Đỏ đất Văn Chấn


Hóa ra thứ cây làm cho cánh nam giới có thể vênh vênh tự đắc đó từ nhiều năm qua bị săn lùng ráo riết, nên số lượng cứ giảm dần. “Nhiều lần đi cả ngày trong rừng mà không kiếm được cây nào”, ông Ân thở dài.
Ông Ân năm nay đã ngoài 70 tuổi, nom ông còn gân guốc,tráng kiện lắm. Bản thân ông không dám dùng bài thuốc này vì lỡ uống vào là phải rời bản. “Giờ ở cái tuổi này, mình phải làm gương cho con cháu”, ông Ân vừa nói vừa phân bua.
Theo mô tả của ông Ân, giống cây này mọc trên núi đá. Rễ của chúng cũng ăn sâu vào khe đá để hút dưỡng chất. Cây càng lâu năm thì càng quý. Xưa người Dao đi thấy thuốc, không bao giờ chặt ngang cây hoặc trốc cả rễ. Họ chỉ lấy một phần thân, để lại cây chính để sang vài năm sau cây lại ra thêm. Cái quy tắc sống hài hòa cùng thiên nhiên của người Dao giờ đây đã bị xâm phạm.
Từ khi đường sá đi lại thuận tiện, nhiều người biết đến bài thuốc quý này, nhiều người coi việc đi tìm thuốc là cách kiếm sống. Sau mỗi năm, số cây bị nhổ tận gốc trốc tận rễ đưa ra khỏi rừng nhiều hơn. Bản thân người Dao nhiều lúc muốn tìm bài thuốc này cũng gặp vô cùng gian khó. Họ phải đi xa, sang tận rừng Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) tìm kiếm.
Công ty Cổ phần Dược thảo Fansipan, với sự hỗ trợ của lương y Phạm Văn Thanh, lương y Hoàng Tuyết Minh, đã cùng người Dao Đỏ thu hái bền vững những thảo dược quý này, để chế thành bài thuốc sắc và ngâm rượu, bồi bổ cơ thể, giúp quý ông sung mãn.
Độc giả có thể liên hệ số điện thoại sau để được tư vấn về thảo dược tăng cường sinh lý của người Dao Đỏ: 0915.330535 - 0979.184263 - 04.32151903.
Linh Nhi

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG VỚI CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM

Nguồn Quà tặng xứ mưa/ Ngô Minh
NGUYỄN VĂN MẠNH-Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng-Từ lúc cất tiếng khóc chào đời tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), đến nay đã tròn 140 năm (1/10/1876 – 1/10/2016); nhưng mỗi lần nhớ đến quyền Chủ tịch nước Cụ Huỳnh Thúc Kháng chúng ta không khỏi xúc động về một con người đã cống hiến trọn đời mình cho dân cho nước.
Bác Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Ảnh: Internet
Còn nhớ vào đầu thế kỷ XX, Cụ Huỳnh sau khi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904), lúc chỉ mới 28 tuổi, mặc dù học giỏi đỗ cao, danh tiếng lừng lẫy nhưng đã không ra làm quan với triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Trước cảnh đất nước nghèo khổ lầm than dưới ách bọn thực dân đế quốc, Cụ cùng các sĩ phu yêu nước khác phát động phong trào Duy Tân để mở mang dân trí, tăng cường sức mạnh cho đất nước. Cuộc vận động này xuất phát từ Quảng Nam năm 1905 rồi lan nhanh ra các tỉnh Trung Kỳ và sau đó phát triển đến các tỉnh Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Do ảnh hưởng ngày càng lớn của phòng trào, năm 1908 Cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Đến năm 1921 khi ra tù, Cụ về làm chủ bút báo Tiếng Dân và Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Sau Cách mạng tháng Tám, Cụ tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch hội Liên Việt. Dù ở cương vị nào con người của Cụ cũng luôn toát lên một nhân cách “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả cuộc đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu; cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…1
Là một người ngay thẳng, chỉ biết nói điều hay lẽ phải, bởi thế ngay trong số đầu ra mắt báo Tiếng Dân ngày 10/8/1927, Cụ Huỳnh từng công khai tuyên bố: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói thì ít ra giữ những quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”2. Chỉ cần một tuyên ngôn đó cũng đủ để thấy nhân cách con người Huỳnh Thúc Kháng.
Phải nói rằng, bên cạnh những đóng góp trong hoạt động của phong trào Duy Tân, hoạt động dân biểu, hoạt động trên lĩnh vực báo chí, Cụ còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Một trong những đóng góp của Cụ đối với đất nước là những bài chuyên luận bàn về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Những bài viết của Cụ được đăng tải trên tờ Tiếng Dân mà Cụ là chủ bút. Đó không phải là những lời tuyên bố sáo rỗng, vô căn cứ, trái lại, Cụ đặc biệt chú ý đến các luận cứ khoa học để chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của đất nước ta.3
Từ giữa những năm 1938 trở đi, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) giữa Pháp và Nhật hết sức gay gắt. Tháng 3/1939, Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam đặt dưới quyền cai trị của Pháp. Từ ngày 12/7/1938, Tiếng Dân bắt đầu đăng một loạt bài về quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) như: “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp” (Tiếng Dân, số 1280), “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy (Tiếng Dân, số 1282). Đặc biệt, Tiếng Dân còn có một bài nghiên cứu, bình luận dài, viết rất công phu và có giá trị: Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ Biên Tạp Lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23/7/1938) do Sử Bình Tử tức Huỳnh Thúc Kháng viết. Trong bài báo này Cụ đề cập đến việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã trở nên nghiêm trọng: “Như trong bài báo Tiếng Dân số trước đã nói, đảo Tây Sa là mấy hòn đảo con con làm nơi trú cho loài chim biển ở ngoài biển khơi, không ai cần để ý đến, mà nhân cuộc Trung Nhật chiến tranh trở nên một vấn đề nghiêm trọng trên trường quốc tế, rõ là một điều không ngờ4. Và Cụ khẳng định: “Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy…”.5
Cụ đã liệt kê các tài liệu phong phú: Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, Triều Chính Yếu Thực Lục của hai triều Gia Long – Minh Mạng, Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú hoặc Cống Hạ Ký Văn của Dương Quốc Dung, Mán Hình Thi Thoại và Đông Hành Thi Thuyết của Lý Văn Thức, Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông… trong đó đều đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ. Trong số đó Cụ Huỳnh nhấn mạnh giá trị của Phủ Biên Tạp Lục bởi sự khẳng định chuẩn xác các yếu tố hành chính, địa lý, kinh tế, quân sự của một nhà khoa học uyên thâm. Qua bài báo “Dấu tích đảo Tây Sa (Parasels) trong lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ Biên Tạp Lục, trước hết Cụ Huỳnh nhấn mạnh vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải dựa vào các tài liệu chữ Hán làm minh chứng: “…chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít”.
Từ đó Cụ dựa vào các tài liệu cổ sử để chứng minh đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của nước ta, cụ thể:
1. Trước hết Cụ dựa vào tài liệu Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối đời Lê để viết: “… nơi phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, làng An Bình gần biển, ngoài biển có nhiều hòn đảo, trong đó có đảo Hoàng Sa dài ước 30 dặm. Rồi kể vật sản: yến sào, chim biển, ốc taive, xà cừ, đồi mồi, hải sâm… Sử chép truyện Chúa Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa 70 suất thay phiên ra đảo lấy hải vật, đi ba ngày đêm đến đảo, mỗi năm tháng 3 đi, tháng 8 về; lại có chép sao biên bản của Thuyên Đức Hậu là cai quản đội Hoàng Sa ấy, kể rõ mỗi năm nhặt được thiếc mấy cân, vàng mấy hốt, đồi mồi, yến sào mấy cân, lại có khi nhặt được đồng khí, súng tiền… (những thứ có lẽ là đồ vật của những chiếc tàu chìm đây đó). Đến giá trị nhất là tờ công văn của Quan Chánh Đường quan huyện Văn Xương, phủ Huỳnh Châu (Trung Hoa) gởi sang Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa khi hộ tống hai tên trong đội Hoàng Sa bị phiêu bạt sang đây; trong “Thuận Hóa” công văn có chép: “Năm Càn Long thứ 19 (1754, triều Hiến Võ năm thứ 17) tên quân đội Cát Vàng, người làng An Bình, huyện Chương Mỹ, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đi ra Vạn Lý Trường Sa tìm nhặt các hải vật, tám tên lên bờ tìm nhặt để hai tên lại giữ thuyền, rủi bị trận bão, đứt dây neo, thuyền trôi dạt vào bãi biển Tàu, viên huyện Văn Xương cho thuyền về xứ, chúa truyền Nguyễn Thuận Hóa cai bạ Thức Lượng Hầu làm thư phúc đáp. Đọc đoạn đại lược chép trên, thấy công trước tác của cụ Lê Quý Đôn thật không phụ cái tiếng “tài cao học rộng” và sách Phủ Biên Tạp Lục giá trị đáng quý là dường nào! (Bản này không chỉ kể chuyện trên, nào việc Xiêm La, Chân Lạp… cho đến làng xã, thuế khóa, vật sản, đường thủy, đường lục, cầu trạm, quán xá đều có chép). Trong nước có bản sách quý hóa như vậy mà chỉ có bản chép bằng tay, tam sao thất bản, rồi gác vào xó kín, không đem ấn hành và công bố sách độc, sách dạy; đến ngày nay nhân dịp có việc mới nhắc đến, để mong góp chút ánh sáng nhỏ nhoi truyền đến người đọc. Như thế trách nào dân không ngu. Rõ thẹn với hai chữ “văn hiến” biết bao”.
2. Dựa theo Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, Cụ viết: “Cống Hạ Ký Văn của cụ Dương Quốc Dung dưới mục Phong Vực có nhắc đến… ngoài phần biển Quảng Ngãi có đảo Hoàng Sa từ cửa biển Sa Kỳ đi hướng đông, ba ngày đêm thì đến nơi, cồn cát nơi đứt nơi nối, vài mươi dăm không sao kể hết, dấu người ít đến”.
3. Cụ dựa vào Mán Hình Thi Thoại và Đông Hành Thi Thuyết của cụ Lý Văn Thức ghi lại trong những chuyến đi Trung Quốc và Lucon (Philippines): Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) cụ đi Phúc Kiến có chép: “Thuyền đi về bến hữu, nơi gọi là “Vạn Lý Thạch Đường” đều là cát vàng (Hoàng Sa) cũng gọi là “Vạn Lý Trường Sa”; Cụ có bài thi có câu: Vạn Lý Trường Sa bí tuyệt hiểm Thất châu cuồng lăng nhạ oan hào. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) cụ lại đi Lữ Tống (Lucon) đảo Phi Luật Tân hồi đó thuộc Tây Ban Nha. Thuyền từ Quảng Ngãi đi theo hướng đông, bị gió lạc vào vùng Vạn Lý Trường Sa cụ có bài dẫn nói: Một chòm đảo cát nổi lên giữa biển, phía Tây là biển Quảng Ngãi phía Bắc tiếp biển Quảng Đông, Phúc Kiến, phía đông tiếp biển Lữ Tống, phía Nam thì kéo dài… là một nơi tuyệt hiểm có thuyền bè.
4. Tiếp đến Cụ dẫn Đại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của cụ Cao Xuân Dục mới soạn lại và Bản Triều Chính Yếu Thực Lục cả tiền triều và triều Minh Mạng, Bản Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông để minh chứng: Đảo Tây Sa là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy…
5. Cuối cùng Cụ kết luận, vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta. Quyền ngoại giao ta ngày nay đã phó thác cho nước Pháp, quyền này đã có nước Bảo Hộ đối phó. Ký giả viết bài này cốt có hai điều cảm khái:
– Triều Nguyễn ta từ đời Minh Mạng về trước rất lưu tâm mặt quốc phòng, không chỉ về mặt biên giới lục địa như Xiêm La, Cao Miên, săn sóc mở mang, mà về đường hải phận thường có thuyền quan phải đi khảo sát và giao thiệp với các xứ ngoài (đời ấy gọi là Dương Đình Hiệu Lực).
– Những sách tiền nhân ta viết bằng chữ Hán, trong đó có nhiều sách giá trị quý báu, có quan hệ đến quốc gia và xã hội rất đáng biểu dương, không phải đáng mạt sát hết như phần đông các thiếu niên đã tưởng lầm. Nhân vấn đề đảo Tây Sa này, may ra những sách có giá trị trong kho Hán học bỏ xó kia, có một vài thứ đã chết sẽ sống lại chăng?6
Như vậy, theo Cụ Huỳnh Thúc Kháng, về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cần phải chú ý đến các yếu tố sau đây:
1. Vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa đã diễn ra từ cuối những năm 40 của thế kỷ XX.
2. Quốc gia nào có đầy đủ các bằng chứng, cứ liệu sớm về phân thư, chúc thư, luật điền thổ – lập nghiệp của tiền nhân để lại, cũng như các thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của quần đảo này thì quốc gia đó có luận cứ khoa học khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về mình.
3. Cần sử dụng các tư liệu Hán Nôm, các tài liệu thuộc về thư tịch cổ để tìm cơ sở khoa học cho chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam đã từ lâu.
4. Cần chú ý nghiên cứu triều Nguyễn về vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đặc biệt là biên giới biển đảo.
5. Trong tất cả các tài liệu cổ, tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn là tài liệu có giá trị nhất về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đối với Việt Nam.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã qua đời cách đây gần 70 năm (21/04/1947) nhưng những trăn trở, suy nghĩ, những lời răn dạy của Cụ về đất nước, về chủ quyền biển đảo vẫn còn nguyên giá trị lịch sử của nó. Nhớ về Cụ, chúng ta không chỉ nhớ về một con người có nhân cách trong sáng, ngay thẳng, trung thực, “không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm giàu sang” chỉ “phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”; nhắc lại những bút tích của cụ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ta lại càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối với dân tộc và đất nước.
(Nguồn: Tạp chí Sông Hương11-2016)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Giáo sư Harald Haas từ Đại học Edinburgh đã phát minh ra một công nghệ truyền tin mới, “Li-Fi”:
 Li-fi 100 lần nhanh hơn Wi-Fi

 Giáo sư Harald Haas từ Đại học Edinburgh (Đại học Edinburgh) 

Từ các nhà hàng tới nhà ga, những mạng không dây Wi-Fi được lắp đặt khắp nơi trong thành phố. Với sự phổ biến ngày càng tăng của các trang web video, một số người muốn truy cập internet với tốc độ nhanh hơn nữa. Một trong những công nghệ này là “Li-fi”, cho phép truyền với tốc độ 100 lần nhanh hơn Wi-fi.

Li-Fi do Harald Haas, giáo sư tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, phát minh ra. Sự khác biệt lớn nhất so với mạng Wi-Fi sử dụng sóng vô tuyến điện không dây đó là Li-Fi sử dụng quang phổ điện từ của ánh sáng nhìn thấy được, có phổ tần số rộng hơn 10.000 lần sóng vô tuyến. Điều này cung cấp khả năng truyền tin với tốc độ cực cao với hiệu quả sử dụng điện tuyệt vời.

Nguyên tắc của nó tương tự như mã Morse. Ánh sáng đảm bảo truyền tin thay vì các tín hiệu kỹ thuật số. Với công nghệ này, ví dụ dùng ánh sáng của một bóng đèn LED với một tốc độ cao của nano giây (một nhấp nháy quá nhanh để có thể nhìn thấy bằng mắt thường), một lượng lớn dữ liệu có thể được truyền cực nhanh. Nó không có bất kỳ tác động nào lên cơ thể con người như sóng vô tuyến, chúng ta có thể nói rằng đây là một chuẩn truyền tin không dây an toàn.

Ánh sáng không thể xuyên qua các bức tường, do đó phạm vi của mạng bị hạn chế. Tuy nhiên điều đó cũng cung cấp một bảo mật cao hơn so với các tiêu chuẩn của truyền tin Wi-Fi thông thường Ưu điểm lớn nhất của Li-Fi là tốc độ của nó. 

Trong những năm gần đây, khi tốc độ mạng cáp quang đã đạt tới 100 Gbps (gigabyte) cho mỗi giây, thì Li-fi cho phép một tốc độ cực cao là 224 Gbps mỗi giây. Về lý thuyết, tốc độ tải về của Li-fi cho một bộ phim dài 2 tiếng 1.5GB sẽ là 18 giây.

Hãng Velmenni của Estonia đã bắt đầu cung cấp lắp đặt  công nghệ Li-Fi trong các môi trường khác nhau, và nó đã được chứng minh rất hữu dụng. Giám đốc điều hành công ty Deepak Solanki tuyên bố “hiện nay đang tiến hành thử nghiệm trong các cơ quan và các khu công nghiệp và văn phòng.”

Li-Fi nhanh hơn và rẻ hơn so với Wi-Fi. Việc sử dụng đèn LED cũng có lợi thế là điện năng thấp và thân thiện với môi trường hơn so với bóng đèn thông thường.
( Nguồn: Google)/ (Nguồn Quà tặng xứ Mưa/ By Ngô Minh)

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

10 Đặc điểm của người Việt do viện Xã Hội học Mỹ nêu

1.10 đặc điểm ấy đều chính xác, tuy nhiên chưa phải là đầy đủ.
2. Cách nêu trong thế so sánh ngầm với tư duy phương Tây. Chỉ người phương Tây mới nhìn ra 10 đặc điểm này.
3. Các đặc điểm đều có hai mặt. Ta thường tự khẳng định chỉ có một mặt, thiếu biện chứng VÀ THIẾU KHOA HỌC.
4. Nó không ngợi ca theo kiểu đề cao “bản sắc Việt Nam”, “tính dân tộc”, cũng không theo kiểu “người Việt xấu xí” học mót của Bá Dương, cho nên có vẻ khách quan.
5. Xét Các đặc điểm đó với thực tế nghèo khổ, lạc hậu, tụt hậu của VN thì thấy rất đúng. Nước nông nghiệp lạc hậu, tư duy theo mùa vụ, lấy đâu ra tầm nhìn dài lâu? Lại theo chế độ trách nhiệm nhiệm kì lấy đâu ra nhìn xa. Nói tầm nhìn cho có vẻ oai thế thôi, chứ ai thực hiện? Ai cũng mong hạ cánh nhẹ nhàng thôi. Tầm nhìn người Việt không xa hơn cái ghế. Câu chuyện tầm nhìn là xa xỉ đối với người Việt hiện đại. Cứ nhìn thực tế vá víu ở VN thì thấy rõ chẳng có ai có tầm nhìn. Tầm nhìn XHCN là giả tạo. Tầm nhìn TBCN không có. Chỉ mỗi việc công nghiệp hoá mà ì ạch mãi, công nghiệp hoá theo kiểu Vũ Huy Hoàng thì chỉ đớp cho ngập miệng mà thôi.
6. Tôi thấy người Việt có tính a dua, hay học đòi. Thấy thế giới có gì hay thì học đòi, tham gia ngay, nhưng do thiếu hiểu biết, nên làm không đúng nghĩa. Ví dụ thấy di sản văn hoá thế giới là đăng kí tới tấp, cái gì cũng muốn cho thỏa cơn khát sĩ diện, nhưng có suy nghĩ để bảo tồn đâu?
7. Người Việt hiện nay thiếu một trung tâm đoàn kết lớn cho cả dân tộc. Hạt nhân đoàn kết trong thực tế không lôi kéo được người dân. Cho nên làm gì cũng nửa vời. Cái gì cũng làm theo lối diễn, không làm thật bao giờ, cho nên mọi mặt không phát triển. Cả xã hội là một show diễn vĩ đại, hoành tráng từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp (ngoại trừ một số hoat động chuyên môn). Rất ít ai làm thật một điều gì. Chỉ một vụ Vũ Huy Hoàng là thấy người ta đang nghĩ cách để diễn cho đẹp mặt, chứ không muốn qua đó mà chấn chỉnh lại xã hội. Thằng Vũ Huy Hoàng đã phá hoại sự nghiệp công nghiệp hoá của đất nước mà không xử tội, lại còn huân chương độc lập, đồng chí đồng rận… Họ không muốn từ bỏ loại CÁN BỘ KIỂU VŨ HUY HOÀNG. Do không mấy ai làm thật các sự nghiệp xã hội, cho nên xã hội không chiu phát triển. Lấy vị dụ về giáo dục. Biết bao khẩu hiệu, biết bao quốc sách, biết bao dự án tiêu bạc tỉ đô, mà mấy ai làm thật?
8. Cho nên chỉ khi nào có người muốn làm thật, không biểu diễn thì đất nước mới có cơ hội phát triển. Người Mỹ không phát hiện ra khả năng biểu diễn của người Việt chúng ta. Nếu họ hiểu có thể họ sẽ không viện trợ nữa. Cho nên cần giấu kĩ đặc tính này và phải biểu diễn cho i hệt như thật.
9. Người Việt có lối tự tôn ngầm mù quáng rất tai hại. Nước Nhật chẳng hạn, thấy mình thua nước nào thì học ngay nước đó để bằng họ. Người Việt thấy mình thua người ta thì tìm một cái khác của mình để đối trọng ra điều ta chẳng thua, vì thế mà cứ thua mãi. Ví dụ tự hào về chế độ của mình.
10. Muốn tiến bộ cần học tập tư duy phương Tây. Chớ nên dựa vào bản sắc dân tộc mà ảo tưởng và tụt hậu, Thời đại đã khác xưa rồi.
T.Đ.S.

NẮNG HANH
                                                                                                     Tản văn của Hồ Ngọc Vinh

Giữa mùa đông, khi mặt trời đỏ lừ từ từ nhô lên. Hừng đông. Những ánh nắng đầu tiên của một ngày mới bắt đầu. Màn sương như những tấm voan mỏng dần tan. Thôn xóm dần hiện ra với những ngôi nhà trong đủ sắc màu xanh, vàng, ghi, mái son, những mảnh vườn xanh ngay cả trong những ngày đông giá. Hơi sương lạnh. Bình minh thôn dã thật êm dịu. Êm dịu!
Nắng hanh. Thật  hiếm có những ngày đông, nắng hanh vàng sóng sánh cả không gian như những ngày này.
Khác với nắng xuân, nắng hè, nắng thu, Nắng hanh rất vàng, vừa có cái nóng, vừa có cái lạnh hơi se se.
Nắng hanh thường có vào dịp cuối thu, nhưng phải tới sang đông nắng hanh mới đầy đủ những điểm riêng biệt của nó. Màu vàng óng trải trong không gian, vàng từ những ngôi nhà, vàng trên lá biếc, vàng trên cánh đồng, cả không gian nhuộm màu vàng của nắng hanh.
Mùa nắng hanh cũng là mùa của cây trái chín. Đôi bên đường, suốt chiều dài từ Văn Giang  về tới Khoái Châu những vườn cây quả đang vào mùa chín rộ. Những quả bưởi, quả cam, quýt …vàng ruộm nắng. Những mảnh  vườn bắp cải xanh mỡ mang đang cuốn lá.
Nhớ những câu thơ trong bài thơ bài ca xuân 61.của nhà thơ Tố Hữu: ‘ Rét nhiều nên ấm nắng hanh, đắng cay lắm, mới ngọt lành đó chăng”. Bài thơ này Tố Hữu viết trong cao trào cảm xúc khi đất nước vừa từ đêm trường của phong kiến, thực dân trở thành một đất nước độc lập, tự do, có những thành tưu nổi bật trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, Miền Nam thu được những chiến thắng giòn dã. Từ những hiện tượng tự nhiên, logic của tự nhiên, bằng hai câu thơ ấy,Tố Hữu đã nói nên quy luật của cuộc sống xã hội, của cách mạng. Gian khổ để có những ngày độc lập, tự do, tự chủ với niềm vui phơi phới hướng tương lai.  Không ít nhà thơ đã viết về nắng hanh. Trong bài thơ nắng hanh, Anh Thơ viết: “Ngoài quán chợ với chiếc khăn mỏ quạ, cô gái làng ghé nón sau bồ cau. Nhưng nắng hanh cũng làm cô đỏ mặt. Cho thêm duyên trên miệng thắm quyết trầu”. Đọc những câu thơ này tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh của những thiếu nữ tuổi đôi mươi, mà không chỉ những thiếu nữ vào độ tuổi ấy, nói chung nắng hanh làm hồng thêm má ướt, thắm xanh thêm ánh mắt họ.
Thiên nhiên  kỳ diệu đã ban cho con người những mùa: xuân hạ, thu đông. Xen với những ngày giá rét, bầu trời u ám đầy mây và gió đông bắc lạnh đến cắt da , cắt thịt là những ngày nắng hanh. Thiên nhiên cho con người những cảm xúc tinh khôi, lãng đãng để yêu hơn mảnh đất chôn nhau cắt rốn này;nâng đỡ tinh thần của con người bằng vẻ đẹp của nó, của nắng hanh.
Hãy quan sát, rung cảm trước nắng hanh để biết trân trọng và gìn giữ vẻ đẹp của tự nhiên, của cuộc sống con người.


                                                                                                            Hưng Yên tháng 12 năm 2016

ĐI DỌC SÔNG HỒNG

Hưng Yên quê tôi chuẩn bị kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh . Mình có bài thơ : Hưng Yên với nghìn năm Thăng Long tặng các bạn quê Nhãn trên mọi miền Tổ quốc và nước ngoài hướng về quê hương :
Thơ Quý Nghi.
Đi dọc Sông Hồng
Trên con tầu mang tên Phố Hiến
Những công chúa Tiên Dung
Thời áo phông tìm đến
Nguồn cội một mối tình
Bất tử của ngàn năm !...
Dòng chảy phù sa
Vọng lời xa xăm
Bờ bãi đôi bờ
Lở bồi xanh mướt ...
Tàu ngược xuôi con nước
Cặp bến làng cổ Bát Tràng
Tìm trong khuôn mẫu bạt ngàn
Cho mình một nước men riêng
Dời Hà Thành tàu xuôi Hưng Yên
Lên bãi tự nhiên
Vào vọng cung Đa Hoà khấn vái
Cầu cho tình yêu
Vượt qua ngang trái
Xây lâu đài hạnh phúc thiêng liêng
Cất cánh bay đôi lứa thần tiên
Đọc câu đối Chu mạnh Trinh hào sảng ?...
Nơi đây đất Nhãn
Mùa hoa dào dạt ong bay
Thành phố Hưng Yên
Cầu Yên Lệnh dang tay:
Phố vẫn nét quê
Thơm hương rơm rạ
Sân thượng chang chang ngô thóc
Bên cửa sổ :
Em ngồi hong tóc
Thoảng thơm bồ kếp , lá chanh
Chợ Quảng Châu họp sớm tan nhanh
Về còn cày cuốc
Gửi lá trầu cay tới mọi miền đất nước
Cho hạnh phúc nồng say lứa đôi..
.
Nhuy sen Phố Hiến quê tôi
Ngàn năm thơm ngát trà người Tràng An !.
QN- 2016

VỀ THĂM ĐỀN THÁC

Tặng thành phố tôi yêu, tặng bạn văn và bạn bè tôi bài thơ này.

Anh lại về phố núi,
Nghe tiếng sông Đà reo.
Hòa Bình đang tuổi trẻ,
Vườn hoa muôn sắc màu.
Đông đã về với núi,
Vẫn vương ấm nắng vàng.
Những con tàu màu xanh,
Dập dềnh bên bến Ngọc.
Hồ xanh, núi trời xanh.
Giữa mênh mông trời nước,
Những con tàu sóng lăn.
Trên boong tàu, du khách,
Trong thanh thiên mơ màng.
Chúa Thác dạy đoàn kết
Quân với dân một lòng,
Lại dạy dân trồng cấy,
Canh cửi và chăn nuôi.
Linh xưa vấn còn đây,
Nơi tiên nữ giáng trần,
Động chúa bên hồ biếc.
Trong mơ màng huyền ảo
Thấp thoáng bóng thuyền lương.
Tiên nữ trong cõi tiên,
Bỗng hóa thành truyền thuyết.
Em có về với anh?
Cùng thăm đền Chúa Thác.
Thác Bờ, Hoà Bình, 11/2016

SÔNG QUÊ

Tản văn của Nguyễn Văn Thích
Sông quê !
Người làng tôi gọi thế mặc dù sông cũng có tên. Cha ông đã dặt cho sông cái tên rất đẹp “Nguyệt Đức”. Theo người già giải thích thì “Nguyệt “ là trăng,”Đức” là phẩm hạnh con người. Đặt tên ấy hẳn tổ tiên đã lấy đức làm đầu
Xa xưa sông đẹp lắm, nước chảy men theo làng từ đình Rãy đến đình Vách, uốn lượn như một dải lụa. Đoạn giữa có chiếc cầu đá bắc ngang, người làng gọi “cầu Chùa” vì bên kia cầu chênh chếch về phía tây là chùa Hòa Lạc, một di tích đã được nhà nước cấp bằng “Văn hóa-Lịch sử”. Cây gạo lẻ loi, tuy không xum xuê, nhưng mùa hè nào cũng nở đầy hoa. Thuở nhỏ chúng tôi thường đứng trên cầu nhảy xuống sông để tắm. Bên này cầu có ao Giáp, ao làng Hoàn, gò Ông Voi vừa làm tăng cảnh quan, vừa là chứng tích truyền thuyết lịch sử của làng
Tương truyền, cách đây hàng nghìn năm, hai vị Cường Bạo Đại Vương, Thạch Linh Đại Vương khi dẹp giặc xong, trên đường về quê, qua địa phận Hành Lạc, thấy nơi đây cây trái tốt tươi, người người hòa thuận, bèn dừng chân nghỉ lại. Bỗng nhiên đêm ấy trời nổi giông gió, sấm chớp đùng đùng, Rồi mưa, mưa tràn mặt đất, nước réo ầm ầm phía dòng sông. Sáng ra khi mọi thứ yên tĩnh, các bô lão trong làng tìm mãi chẳng thấy hai vị đâu, Nơi hai vị nghỉ chân, mối đùn thành một cái gò rất cao. Thấy lạ, mọi người truyền nhau đây là nơi hai vị “hóa” để về trời. Tử đấy gò đất được gọi gò “Ông Voi”
Đứng giữa cầu Chùa thả mắt về hai phía, dòng sông như chiếc kính thu thiên. Bầu trời in dưới đáy làm nền cho bức tranh thiên nhiên kỳ ảo, hai hàng cây bên bờ soi bóng đung đưa theo nhịp nước trôi
Thuở trên đầu còn để trái đào, bố tôi đã được ông nội tôi kể cho nghe
Vào thế kỷ XVII làng Lê – Xá có dòng họ Trương, bà Trương Thị Ngọc Chữ lấy Trịnh Bính, đẻ ra Trịnh Cương. Mười bốn tuổi lên ngôi, chúa Trịnh Cương hay về thăm quê mẹ. Một hôm du thuyền ngược dòng Nguyệt Đức, đến địa phận làng tôi (Hành Lạc) thấy có khoảng đất trống, ba mặt là làng, một mặt có bến sông, bãi chợ, chúa bèn cho dừng thuyền lên bờ thưởng ngoạn..Xa xa, những vườn nhót vàng sẫm, tiếng chim tí tách truyền cành, ngài say mê chẳng muốn quay về.Thế rồi thành thói quen, cứ mỗi lần về quê ngoại, chúa lại đến nơi đây ngắm cảnh, nhiều lần ngủ lại qua đêm. Dân làng tôi thấy chúa mến cảnh, quí người làng, bèn xin chúa cho lập một vườn Ngự , từ đấy cái tên xóm Vườn Quan , Lưu Xá được hình thành
Từ Lê Xá ngược dòng sông qua Ngô Xuyên mới tới Hành Lạc, đặt Vườn Ngự ở đây hẳn chúa Trịnh Cương phải tinh tường lắm
Chẳng biết chuyện ông nội tôi để lại có phải là chứng tích hay không, nhưng được nghe qua lời kể lại của bố tôi, tôi không chỉ tự hào về đất làng mà còn thấy làng quê, dòng sông và con người gắn bó thật khăng khít. Bà nội mất, tôi theo mẹ đến dòng sông. Mẹ ném một hào xuống sông rồi múc một ca nước về rửa mặt. rửa tay chân cho bà. Mẹ tôi mất. chị tôi cũng làm như vậy
Tôi tắm nước dòng sông từ nhỏ, nước dòng sông lại rửa sạch cho bà và mẹ tôi trước khi từ giã cõi trần. Cũng là nước của dòng sông thôi, sao có lúc thân thiện thế, có lúc linh thiêng huyền bí thế ?
Làng tôi nghèo, người làng đa phần làm nông nghiệp, con trâu cái cày là bạn không thể thiếu với nhà nông. Những chiều tháng sáu âm lịch, mang trâu ra sông tắm, nhìn đàn cá bơi quanh, bao mệt nhọc của một ngày đi cày, nước sông quê dường như cũng cuốn trôi đi hết
Đêm trăng ngồi dưới bóng tre, vuốt tóc người yêu, nhìn dòng nước bạc, thả con thuyền giấy trôi, lòng bồng bềnh như mình không còn là con người thực nữa. Chao ôi ! sông quê hiện thực thế, sông quê lãng mạn thế. Một anh bạn làm thơ thốt lên” Gió triền sông thổi dài câu hát” thật chẳng ngoa chút nào
Tôi may mắn hơn các bạn cùng tuổi, từ nhỏ đến giờ chỉ quanh quẩn bên khúc sông quê, được ăn những bữa cháo trai béo ngậy mà dòng sông cung cấp, được bơi qua sông đánh nhau với lũ trẻ thôn bên, được chứng kiến những buồn vui mà dòng sông chẳng thể thốt lên lời.
Sông giận giữ khi trời nổi giông gió, sông đau dớn, quằn quại khi phải nhấn chìm những di sản quí giá một thời!
Giờ đây làng đã lan tới tận bờ sông. Lòng sông đầy lên bị bị ứ đọng những rác thải lâu ngày. Thương tình anh bạn làm thơ. Câu hát không được gió triền sông thổi dài mà phải dừng lại bởi bức tường những nhà cao. Nhịp sống ồn ã kiểu thị thành đã tới, Người ta quên đi cả những tên xóm đầy ý nghĩa, mà gán cho nó bằng những con số vô hồn, xóm 11, xóm 12, ! Ngay cả các phương tiện truyền thông của thôn, của xã cũng thản nhiên gọi vậy !
Tuy vậy sông quê vẫn lặng lẽ, cần mẫn chở nước trôi xuôi. Ao Giáp, ao làng Hoàn, gò Ông Voi đã bị san lấp thành nhà và vườn cây cá nhân. Ngày hội làng, đứng giữa lòng ao Giáp ngày xưa nhớ lại trò bắt vịt, lòng cứ ngao ngán. Thắp nén hương cầm trên tay, nhìn về phía gò Ông Voi thấy như mình có tội với tổ tiên, với Thành Hoàng làng
Câu nói người xưa”sông có khúc…” cứ ám ảnh tôi. Cả một dòng sông nhưng mỗi khúc sông mang một tên khác nhau,qua địa phận làng nào thì khúc sông mang tên làng ấy,có khúc sông mang hai cái tên khi mà hai bên bờ sông là hai làng khác biệt. Chẳng biết sông buồn hay vui khi mang hàng trăm cái tên còn tên thật thì bị lu mờ,
Thực tình mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX , một số đình chùa được cấp bằng”Lịch sử-Văn hóa” người làng tôi mới biết đến hai tiếng “Nguyệt Đức”, tuy vậy cách gọi sông quê, thói quen đã ngấm thành máu thịt không dễ gì từ bỏ
Dù khác xưa nhiều nhưng với làng sông vẫn gắn bó thân thiết trong hai tiếng SÔNG QUÊ
LikeShow more reactions
Comment