Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Lệ bảo cử và lệ hồi tỵ – hay là tính liêm sỹ trong cách điều hành công vụ của người xưa


·           LÊ NGUYỄN
Trong thời gian qua, chúng ta nghe nói nhiều đến việc một số quan chức đua nhau cắt cử thân bằng quyến thuộc vào những cơ quan trọng yếu trong phạm vi quyền hạn của họ để dễ dàng bao che lẫn nhau, khuynh loát hệ thống công vụ tại địa phương. Có lẽ những kẻ đó chưa từng đọc sử, hoặc có đọc mà bất cần quan tâm đến tính liêm sỉ trong cách hành xử của người xưa. Chỉ cần xem lướt qua hai lệ phổ biến trong quan trường thời Lê – Nguyễn là lệ bảo cử và lệ hồi tỵ cũng đủ thấy ta đang lạc hậu như thế nào so với những người đã sống trước ta năm ba thế kỷ.
* LỆ BẢO CỬ – Bảo cử là tiến cử kẻ hiền tài ra làm việc nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, khoa cử luôn là cách thức quan trọng nhất để đánh giá tài năng của những người có học vấn trong xã hội. Việc thi cử được các triều đại từ Lý -Trần đến Lê – Nguyễn tổ chức khá chu đáo, bài thi được rọc phách để tránh trường hợp quan trường lợi dụng cho điểm tốt đối với bài làm của người thân hay học trò của mình. Người đỗ đạt cao dù là trạng nguyên hay bảng nhãn cũng phải trải qua một thời gian học hỏi kinh nghiệm tại các nha môn mới được trọng dụng, nắm những trọng trách trong guồng máy cai trị tại triều đình hay ở các địa phương.
Tuy nhiên, không phải người tài nào cũng chú tâm đến khoa cử. Có những người tài giỏi nhưng không màng đến danh lợi, không muốn “mỏi gối quì mòn sân tướng phủ” (Cao Bá Quát), chỉ thích đọc sách thánh hiền hay mở lớp dạy học tại nhà, lấy cái thú thanh cao ấy làm lẽ sống của kẻ sĩ. Cũng có những người tuy giỏi, như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, nhưng đường khoa hoạn luôn trắc trở, đi không lại trở về không. Vì thế, ngoài khoa cử, các triều đại đặt thêm lệ bảo cử, tạo điều kiện thu hút những người có tài nhưng vì nhiều lý do, không muốn hay không có cơ hội xuất đầu lộ diện.
Ngay khi vừa phục hồi nền độc lập cho xứ sở, năm 1429, vua Lê Thái tổ đã xuống chiếu định rằng các đại thần từ tam phẩm trở lên có bổn phận tiến cử người hiền tài “hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan…Nếu cử được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu…” (Đại Việt sử ký toàn thư-tập 3-NXB Khoa học Xã hội-Hà Nội 1972-trang 72). Từ đời Hồng Đức đến thời Lê trung hưng, việc bảo cử được hoàn thiện thêm. Năm 1671, vua Lê Huyền tông định rằng các quan nhị phẩm có thể tiến cử bốn người, quan từ lục phẩm đến bát phẩm được tiến cử hai người, tên được kê khai giao cho bộ Lại xét tuyển.
Sang thời Nguyễn, dưới triều Minh Mạng, nhà vua rất chú trọng đến lệ bảo cử, đã ban hành những qui định cụ thể như: các Thượng thư (chánh nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Bố chánh (chánh tam phẩm); Tham tri lục bộ và Phó Đô ngự sử (cùng tòng nhị phẩm) được tiến cử người giữ chức Án sát (chánh tứ phẩm); Thị lang lục bộ (chánh tam phẩm) và ấn quan tam phẩm được tiến cử người giữ chức Tri phủ (tòng ngũ phẩm), đồng Tri phủ (chánh lục phẩm)… Nhiều quan lại thuộc diện có quyền tiến cử nhưng ngần ngại, không dám hành sử, sợ tiến cử nhầm người, sẽ bị khiển phạt. Mặt khác, tiến cử nhằm người bất tài, vô hạnh cũng sẽ bị trừng phạt. Điều này cũng đã từng xảy ra: năm 1836, khi phủ Hoài Đức khuyết chức Tri phủ, Tham tri bộ Hộ là Vũ Đức Khuê tiến cử người quen biết là Tri huyện Tô Ngọc Huyền vào chức này. Khoa đạo thấy Ngọc Huyền không phải là người trong sạch, cẩn trọng mà Đức Huyền cũng cố tiến cử, bèn hặc tấu vua. Vua Minh Mạng ban chỉ sai Đức Khuê tâu rõ lại, sau thấy tờ tấu có nhiều chỗ chống chế gượng gạo, không nhận lỗi, liền giao cho bộ Hình bàn xử. Cuối cùng Đức Khuê đang từ hàm tòng nhị phẩm, bị giáng 3 cấp xuống làm Lang trung, hàm chánh tứ phẩm.
*LỆ HỒI TỴ
Hồi tỵ là từ Hán Việt, có nghĩa là tránh đi, được đặt ra để ngăn chặn tình trạng nhiều người trong một đại gia đình cùng làm việc trong cùng một đơn vị, cơ quan, dễ dẫn đến sự câu kết với nhau để tham ô và nhũng nhiễu dân lành. Dưới triều Nguyễn, lệ hồi tỵ được áp dụng rất chặt chẽ, cha con, anh em, họ hàng thân thích không được làm chung với nhau trong một nha môn hay một hạt, nếu triều đình không biết mối quan hệ giữa họ với nhau mà bổ về làm chung thì các đương sự phải tự khai để đổi một người đi chỗ khác. Ở mỗi khoa thi, các quan chức được cử làm khảo quan mà có anh em hay con cháu dự kỳ thi đó thì cũng phải xin hồi tỵ.
Năm 1831, vua Minh Mạng định rằng các quan chức ở ngạch thông phán (tòng lục phẩm), kinh lịch (chánh thất phẩm) ở các trấn, nếu là người ở bản hạt, phải đổi đi qua một hạt khác để tránh vì tình riêng mà sinh ra những điều tệ hại. Năm 1836, nhà vua lại định rằng những quan chức làm ở một nha môn từ 3 năm trở lên phải được đổi sang nha môn khác; các thông lại, lại mục nguyên quán ở phủ huyện nào thì không được làm việc tại phủ huyện đó. Đến triều Thiệu Trị, năm 1844, nhà vua còn đi xa hơn, định rằng những họ hàng có tang phục ba tháng trở lên, những người là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị, chồng em của vợ đều phải hồi tỵ, không được làm chung với nhau tại một nha môn. Triều Đồng Khánh, năm 1887, triều đình định rằng các quan lại làm cùng một tỉnh hay một nha môn, những người có nguyên quán cùng một huyện mà lại có giao tình thân thiết thì được cho hồi tỵ. Trong cùng một bộ hay một tỉnh, nếu trong bốn ấn quan (quan lại có sử dụng ấn tín, từ chánh ngũ phẩm trở lên), có đến ba người xuất thân cùng một hạt thì những người này cũng phải hồi tỵ. Trong trường hợp có người cùng làm ở chung làng với mẹ hay vợ thì phải trình báo quan trên và đợi chỉ nhà vua định đoạt. Trường hợp cụ Phan Thanh Giản là một tiêu biểu cho tinh thần “bất vị thân”, khi cụ giữ chức Kinh lược sứ, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, các con trai cụ là Phan Liêm và Phan Tôn, dù tuổi đời đã trên dưới 30, vẫn không có một địa vị nào đáng kể trong xã hội.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, tuy việc bổ nhiệm các viên chức chỉ huy hành chánh địa phương như Quận trưởng, Phó Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng không có những qui định chặt chẽ về lệ hồi tỵ, song việc bổ nhiệm các viên chức này được cân nhắc kỹ, trong đó quan hệ giữa nhiệm sở và sinh quán rất được chú ý. Riêng ngành tư pháp thời đó thì lệ hồi tỵ khá cụ thể và rõ ràng, viên chánh án một tỉnh thụ lý một vụ án mà nguyên cáo hay bị cáo, nguyên đơn hay bị đơn có quan hệ huyết thống hoặc mối thâm giao với mình, viên chức này sẽ xin hồi tỵ, cơ quan tư pháp trung ương sẽ cử một chánh án khác ở tỉnh gần đó sang xét xử nội vụ.
Tóm lại, vào thời nào hay ở đâu cũng vậy, những kẻ chỉ biết lạm dụng chức quyền, trọng dụng bọn dốt nát và xu nịnh, quay lưng ngoảnh mặt lại với người tài, sẽ mang trọng tội với Lịch sử.
( Nguồn: VHNA)

 (Nguồn Quà tặng xứ mưa)

“Người cầm lái số hai”: Lưu Thiếu Kỳ


·           LƯU Á CHÂU
(Trong bài này, người xưng “tôi” là một đồng chí lão thành làm công tác hơn 40 năm tại Cục Thư ký thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.)
Ô Lưu Thiếu Kỳ và vợ
Sách chép sử một thời đại thì không gián đoạn. Thông sử [sách chép sử nhiều thời đại kế tiếp nhau] thì gián đoạn không thông. Quá nửa các nhà sử học là nhà văn hạng hai, nhà tư tưởng hạng ba. Hiển nhiên họ chưa phát hiện quy luật đáng sợ này : Trên chính trường Trung Quốc, “Người cầm lái số hai” xưa nay bao giờ cũng có cuộc đời bi đát. Giở lịch sử các thời đại của Trung Quốc, rất ít vị Thừa tướng nào có kết cục tốt đẹp. “Làm bạn với vua như làm bạn với cọp” – tin rằng kinh nghiệm quý giá đánh đổi bằng xương máu này trên mức độ lớn là do các vị Thừa tướng tổng kết được. Đây là lời tố cáo bằng máu và nước mắt của họ.
Lịch sử phát triển tới thế kỷ XX, phát triển đến tay Đảng Cộng sản Trung Quốc, quy luật này trở nên vững vàng không gì lay chuyển nổi.
Hôm nay tôi không nói về ai khác mà nói về Lưu Thiếu Kỳ. Ông là tấm gương tốt trong số những “Người cầm lái số hai”.
Trương Quốc Đào [1] sau khi làm cuộc phản cách mạng bèn trốn ra Hong Kong, chửi bới tất cả các lãnh tụ Đảng Cộng sản. Khi chửi đến Lưu Thiếu Kỳ, ông nói: “Lưu Thiếu Kỳ là ‘công cẩu’ [con chó có công] của Mao Trạch Đông.” Trương Quốc Đào nói đúng. Mao Trạch Đông sở dĩ có ngày nay, Lưu Thiếu Kỳ là người lập công lớn nhất.
Còn nhớ, sau khi Hồng quân làm cuộc trường chinh đến được Diên An, có một lần mọi người cùng đi xem kịch, nội dung vở diễn là chuyện Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Đang xem bỗng Mao Trạch Đông quay lại nói với một vị nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng: “Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh, trong đoàn ấy ai là người kiên định nhất? Đường Tăng. Ai giao động nhất? Trư Bát Giới.” Rồi Mao Trạch Đông chỉ tay vào Trương Quốc Đào ngồi bên trái chỉ cách một ghế và nói: “Anh này là Trư Bát Giới trên đường trường chinh.”
Trương Quốc Đào nghe thế cả giận, ầm ầm xô ghế đứng dậy bỏ ra ngoài, chửi đổng : “Đồ vô liêm sỉ.” Sắc mặt Mao Trạch Đông không thay đổi. Tôi lại nghe thấy một tiếng xô ghế, nhìn lên, chỉ thấy một người cao dong dỏng đứng phắt dậy. Đó là Lưu Thiếu Kỳ. Ông nghiêm giọng bảo Trương Quốc Đào: “Anh im mồm đi!”. Người xem kịch rất đông nhưng chẳng ai ra tay phản ứng giúp Mao, ngay cả Mao Trạch Đông cũng không đốp lại Trương Quốc Đào. Lưu Thiếu Kỳ lại khảng khái ra tay giúp Mao. Xét riêng một chuyện tối hôm ấy, tôi mơ hồ cảm thấy Lưu Thiếu Kỳ có phần quá đáng. Đúng là Trương Quốc Đào có rủa người, nhưng Mao Trạch Đông cũng nói xấu người ta, mà lại ra đòn trước. Miệng lưỡi Trương Quốc Đào mỏng như tờ giấy, miệng lưỡi Mao Trạch Đông còn mỏng hơn giấy.  Sao mà Lưu Thiếu Kỳ lại có thể nhảy một bước vào hàng ngũ của Mao Trạch Đông như vậy?
Nhờ có sự giúp đỡ to lớn của Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông thắng áp đảo Trương Quốc Đào. Thấy tình thế bất lợi, Trương cúp đuôi bỏ trốn. Ngày nay xem lại sự việc đó mới thấy Trương Quốc Đào quả là thông minh. Tuy rằng cuối cùng ông ta ốm chết ở tuổi 80 trong một nhà dưỡng lão tại Toronto xứ Canada, nhưng so với Lưu Thiếu Kỳ thì ông chết đẹp hơn nhiều, chết trong nhiều tình thươnghơn. Lại còn thọ hơn Lưu Thiếu Kỳ 10 tuổi nữa kia.
Công lao vĩ đại nhất của Lưu Thiếu Kỳ là đã thực hiện được một phát minh sáng tạo: đưa ra “Tư tưởng Mao Trạch Đông”.
Năm 1945, Trung ương Đảng họp Đại hội Bảy. Trong kỳ họp này, Lưu Thiếu Kỳ ra sức nhiệt tình ca ngợi Mao Trạch Đông. Mấy lần đọc báo cáo ở Đại hội, lần nào ông cũng nhắc đến Mao Trạch Đông. Trong một bản báo cáo, Lưu Thiếu Kỳ tổng cộng 105 lần nhắc đến tên Mao Trạch Đông. Đây là con số thống kê của tôi. Hôm ấy tôi ngồi dưới hội trường, hết sức để ý quan sát vẻ mặt các vị lãnh tụ trên Đoàn Chủ tịch. Họ đều gật đầu. Chu Ân Lai, Nhiệm Bật Thời gật rất nhẹ, cùng lắm là cúi đầu mà thôi. Lâm Bưu tỏ vẻ xúc động và gật hăng lắm, như gà con mổ thóc ấy. Tôi lấy làm lạ là Mao Trạch Đông cũng gật đầu như họ. Khuôn mặt ông nở nụ cười tự tin. Ông buông thả bản thân, bỏ mặc cho người khác ca ngợi mình.
Khi Lưu Thiếu Kỳ đọc Báo cáo Sửa đổi Điều lệ Đảng, Mao Trạch Đông được Lưu biểu dương không dưới một trăm lần; nếu kể cả từ ngữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông” thì không đếm xuể. Có mấy lần ông nói ra ngoài báo cáo, giải thích thêm về cái từ ngữ vừa mới đẻ ra ấy. Mỗi lần làm như thế, giọng nói của ông mạnh thêm 80 phần trăm. Khi đọc văn bản đôi lúc ông còn nói lắp, nhưng khi nói ra ngoài đề thì lại trôi chảy như nước. Lưu Thiếu Kỳ liên tiếp vung tay chém vào bầu không khí phía trước ngực, đặc biệt xức động. Trong lần giải thích cuối cùng, ông nói lên một danh ngôn sau này người ta nhắc đi nhắc lại hàng chục triệu lần, khi nói câu ấy, giọng ông khàn khàn: “Mao Trạch Đông vĩ đại của chúng ta đã dùng tư tưởng của mình để nâng cao tư tưởng toàn dân tộc ta lên tới độ cao chưa từng thấy. Đó là Tư tưởng Mao Trạch Đông!
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm, tưởng chừng làm bung mái nhà Hội trường lớn Dương Gia Lĩnh. “Tư tưởng Mao Trạch Đông” do bà mẹ có tên Lưu Thiếu Kỳ đẻ ra. Đứa trẻ sơ sinh ấy vừa ra đời đã được khẳng định sẽ vạn tuế [muôn năm].
Ngày nay Mao Trạch Đông đã không còn nói gì, Lưu Thiếu Kỳ cũng vậy. Nhưng tư tưởng Mao Trạch Đông thì vẫn không ngừng phát ngôn. Chúng ta dùng nó để đấu trời, đấu đất, đấu người khác. Người khác cũng dùng nó để đấu chúng ta. Ai lên cầm quyền thì người đó đều tuyên bố mình nắm được tư tưởng Mao Trạch Đông; ai bị hạ bệ thì bị kẻ khác tuyên bố là đã phản bội nó. Lên hoặc xuống, bánh xe lịch sử quay lộc cộc, chỉ cái bánh xe ấy lừng lững không lên không xuống.
Mao Trạch Đông trước tiên nên cảm ơn Lưu Thiếu Kỳ. Quả thật Mao đã làm thế. Ông từng không chỉ một lần nói với người khác: “Qua chỉnh phong ở Diên An, tôi làm quen được mấy người bạn thân. Có Lưu Thiếu Kỳ, Trần Bá Đạt, Hồ Kiều Mộc, Cao Cương, Lục Định Nhất, Bành Chân. Còn có Châu Dương nữa.” Bỗng dưng Lưu Thiếu Kỳ được xếp lên vị trí thứ nhất. Ông đã lập công lớn cho Mao Trạch Đông.
Mao bình công xét thưởng, đền đáp cực kỳ hậu hĩnh: ông chuẩn bị giao nhà nước này cho Lưu Thiếu Kỳ. Nguyên soái Anh Quốc Montgomery khi thăm Trung Quốc có hỏi Mao Trạch Đông ai sẽ kế vị ông. Mao nói: “Rất rõ ràng, đó là Lưu Thiếu Kỳ. Ông ấy là Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng chúng tôi. Sau khi tôi chết thì đến ông ấy.”
Lưu Thiếu Kỳ sắp được cả một quốc gia, dĩ nhiên dương dương đắc ý lắm. Đại hỷ. Ông quy công lao cho bản thân. Người quy công cho mình bao giờ cũng khí thế ngút trời. Trong nhiều trường hợp tôi từng nghe thấy ông nói câu này: “Trước Đại hội Bảy, chưa dựng được uy quyền tuyệt đối của Mao Chủ tịch,[thế là tôi] dốc hết sức mình tạo dựng. Sau Đại hội Bảy, cảm thấy không nói tới thì mọi người cũng đều đã biết cả rồi, vì thế không nhắc tới nữa.” Ông ta hoàn toàn coi sứ mệnh thiêng liêng ấy là công việc của mình. Muốn dựng thì dựng, không muốn dựng thì không dựng. Quy công lao cho mình đến mức như thế thì sao mà không thất bại? Nếu đã dựng rồi thì phải dựng đến cùng chứ. Trong cái ngõ cụt ấy không có đường thoái lui đâu.
Sau khi bước vào thập niên 60, Lưu Thiếu Kỳ càng khí thế bừng bừng. Đặc biệt sau khi Mao Trạch Đông phát động Đại Nhảy Vọt thất bại, buộc phải lui về tuyến hai, để Lưu Thiếu Kỳ thay ông làm Chủ tịch nước cộng hòa, Lưu Thiếu Kỳ cũng trở thành một vầng mặt trời nóng rừng rực. Ngày thứ hai sau khi ông ta lên chức Chủ tịch nước, tôi nhìn thấy tờ “Nhân dân Nhật báo” in chữ đỏ. Ảnh Lưu Thiếu Kỳ và ảnh Mao Trạch Đông xếp ngang hàng đứng cao vót trên trang nhất. Ông ta còn mỉm cười hệt như Mao Trạch Đông. Đó là nụ cười tôn quý của bậc đế vương. Điều đó khiến tôi không tránh được tiếng thở dài. Lẽ ra vào thời điểm ấy ông nên nghiêm nét mặt mới đúng. Cho dù trong lòng có vui như mở cờ thì cũng nên buộc mình nghiêm nghị, tỏ vẻ khiêm tốn thận trọng chứ. Sao ông lại nhanh chóng học được nụ cười kiểu lãnh tụ thế nhỉ? Công lao làm cho đầu óc ông mụ mị. Ông đã coi nhẹ câu cách ngôn “Công cao chấn chủ” [công lao quá lớn làm chúa thượng kinh động sinh lòng lo ngại ] mà các vị công thần nhiều đời trước đã viết nên bằng tính mạng họ. Vì thế ông cũng đành như các vị công thần ấy, chịu kết cục chết thảm.
Mao Trạch Đông, vị chúa anh minh một thời đại sao có thể cho phép một “Người cầm lái số hai” hung hăng như thế nằm ngủ bên cạnh mình. Ông thay đổi thái độ đối với Lưu Thiếu Kỳ. Mùa hè năm 1965, De Gaule cử đặc sứ sang thăm Trung Quốc, khi gặp Mao Trạch Đông, ông này lại hỏi về vấn đề người kế vị. Mao Trạch Đông nói: “Những người như ngài De Gaule và tôi thì không có người kế vị.” Hôm ấy tôi không có mặt trong buổi hội kiến, nhưng biên bản ghi chép cuộc gặp trước tiên đưa về Cục Thư ký. Vừa nhìn thấy câu ấy, tôi biết ngay: kèn xung trận đã nổi lên rồi.
Mấy tháng sau, Đại Cách mạng văn hóa nổ ra, đem lại cái chết cho Lưu Thiếu Kỳ. Ông bị bất ngờ, không kịp đề phòng. Từ lâu Mao Trạch Đông đã đưa ông vào vòng ngắm bắn mà ông hoàn toàn chẳng hay biết gì hết. Cách mạng Văn hóa vừa bắt đầu, tôi được cử đi làm việc ở Tổ công tác đặc biệt chuyên thẩm tra vấn đề Lưu Thiếu Kỳ, cho đến khi ông chết tôi mới trở về đơn vị cũ. Vì thế tôi biết rất rõ tâm trạng ông.
Trong những ngày đầu, mỗi khi rảnh rỗi, Lưu Thiếu Kỳ đều đến chỗ gần nhà ở của Mao Trạch Đông, đi đi lại lại. Ông muốn gặp Mao. Nhưng Mao tránh mặt. Dường như Mao Trạch Đông cảm thấy mình có điều gì không phải, nếu không thì vì sao lại sợ Lưu như sợ cọp. Về sau rốt cuộc Lưu Thiếu Kỳ cũng gặp Mao Trạch Đông được một lần. Câu đầu tiên ông nói với Mao là: “Tôi xin từ chức Chủ nhiệm Ban Biên tập ‘Tuyển tập Mao Trạch Đông’…” Mao cúi đầu ra sức rít thuốc, cứ như người câm.
Hôm sau gần chục nghìn tiểu tướng cách mạng xông vào Trung Nam Hải lôi Lưu Thiếu Kỳ đi đấu tố, phê phán. Ông bị chúng đánh đập. Khi đại hội phê đấu kết thúc, mấy gã to xác điên cuồng vặn tay giúi đầu ông xuống bắt ông phải quỳ trước đám đông. Ông bị chúng quật ngã trên đất.
Ít lâu sau ông bị mất tự do. Trong thời gian ấy ông chỉ làm một việc: học tập “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Suốt ngày suốt đêm ông nâng cuốn sách đọc không nghỉ. Trước kia ông đọc sách ấy với tâm trạng đắc ý hài lòng, hăng hái say sưa. Đeo kính lão, hiền từ như bà cụ, mái tóc bạc chải mượt. Bây giờ ông đọc nó trong tình thế khác trước một trời một vực. Không còn sự yên tĩnh, lòng dạ sục sôi không yên, mái tóc bạc rối bời như tổ quạ, bộ ngực phập phồng. Khi giở sách, tay ông run lập cập. Nhiều lần tôi nhìn thấy ông đọc sách mà nước mắt lặng lẽ ứa ra hòa cùng nước mũi rơi xuống, ông chẳng buồn lau mà cứ để chúng rớt xuống trang sách.
Sau đấy phê đấu được nâng cấp. Lưu Thiếu Kỳ bị đánh đập, khắp người đầy thương tích. Các tiểu tướng cách mạng lôi ông ra, quẳng ông vào như con chó chết. Nhưng ông vẫn không cúi đầu. Tôi hiểu, chính là cái khí phách bất phục trong trái tim đã nâng đỡ ông không suy sụp. Ông không phục. Sao ông có thể chịu phục? Ông đã lập công lớn như trời biển mà lại phải chịu nỗi khổ cũng lớn như trời biển, đây chẳng phải là nỗi oan lớn như trời biển đó sao?
Nhưng cuối cùng ông đành phải nuốt nỗi nhục đó. Còn nhớ ngày mồng 5 tháng 10 năm 1968, ông bị đấu tố xong về nhà nằm dài trên giường, thoi thóp thở. Ông còn nhận được tin con trai lớn của mình đã chết. Ông bảo tôi: “Anh giúp tôi nhắn Chủ tịch một câu…… Tôi xin đi khỏi Bắc Kinh, cùng vợ con về Diên An làm ruộng. Về quê cũng được…… Tôi muốn làm người dân bình thường……
Chao ôi, cuối cùng ông đã quy thuận. Ông đang cầu xin. Ông triệt để nhận sai lầm. Ông đầu hàng. Tôi nhận ra bây giờ ông chỉ muốn giữ lấy mạng sống.
Điều không may là ông còn ấu trĩ. Sao mà ông biết được rằng khi ông ốm nặng suýt chết, người ta không chữa bệnh cho ông, thế nhưng khi Hội nghị Trung ương khóa VIII lần thứ 12 sắp họp, họ lại cử người đến chữa bệnh cho ông, không cho ông chết, nhằm “giữ lại tấm bia sống cho Hội nghị Trung ương [đấu tố]”? Ông làm sao biết rằng hôm nay, khi Hội nghị Trung ương họp xong đã hai chục ngày, người ta còn giấu chưa cho ông biết nghị quyết khai trừ đảng tịch ông, mà khăng khăng chờ tới cái ngày huy hoàng 24 tháng 11 sinh nhật ông lần thứ 70 mới tuyên đọc cho ông nghe bản nghị quyết ấy? Tất cả những chuyện đó đều nhằm để cho ông chết. Nực cười là ông vẫn còn cầu xin đi làm ruộng. Chín triệu sáu trăm nghìn cây số vuông đất nước này đâu còn tấc đất nào dung được cái thân ông?
Ôi chao, công thần – lòng tôi than thở. Công thần bi kịch muôn thủa, công thần không nơi nương tựa, công thần cô độc thê lương, công thần cuối đời bất trung, ông đang lặp lại vở kịch Tôn Tẫn, Ngũ Tử Tư từng diễn. Các vị đều muốn làm Thượng Đế cảm động. Hòn đá còn bị làm cho cảm động, nhưng con người thì không.
Lưu Thiếu Kỳ bị tước đoạt tất cả. Ông chết trong tình trạng trần truồng đến cái quần lót cũng không có. Trên tờ phiếu khai tử của ông có ghi thế này:
Họ tên:                                 Lưu Vệ Hoàng
Nghề nghiệp:                     Không nghề nghiệp
Nguyên nhân chết:        Ốm chết.    
Ghi chú:
[1] Trương Quốc Đào, 1897-1979, đại biểu Đại hội I Đảng CSTQ, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Chính ủy Hồng quân, phản đối trường chinh, lập ra Trung ương Đảng thứ hai, tháng 4/1938 trốn ra Hong Kong.

Nguyễn Hải Hoànhdịch và ghi chú trong ngoặc [ ]
Nguồn:
亚洲上将令人震撼的三篇文章      二把手刘少奇
( Nguồn: VHNA) (Nguồn Quà tặng xứ mưa)


Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

TÌNH CẢM LẠ


  • Giới thiệu bài thơ của Anh Quý Nghi
  • Chiều phố.Mình thường gặp các em bé bán báo,đánh dầy ve chai vé số...Lực bất tòng tâm chẳng giúp được gì nhiều bởi đồng lương hưu còi .Mình chỉ đánh dầy,mua báo vé số gửi số tiền gấp đôi và nói: khỏi thối lại .Đêm buồn đọc lại tiểu thuyết :"Những người khốn khổ "của BAN ZAC xúc động viết bài thơ mong các bạn cùng sẻ chia 
  • Có phải Cô Zet tình yêu của Giăng van Giăng không nhỉ
    Trộn đều tình cảm lạ
    Ông -cháu
    Cha- con
    Đôi trai gái yêu nhau...
    Hôm nay đây :
    Nhịp đời quay dưới ánh đèn màu
    Điệu nhạc xập xình chiều thứ bẩy...
    Nơi đầu phố -cuối đường kia
    Những em bé lang thang vai gày ôm báo
    Ngực đeo ảnh mình
    (Thẻ kêu gọi tình thương )
    Những cô gái nông thôn
    Đôi mắt đen đượm buồn
    Hươu lai rừng lạc phố
    Đi về đâu trong đêm đông lạnh giá
    Cô Zet ơi !
    Mái tóc mẹ mượt mà
    Hàm răng ngọc ngà lóng lánh
    Vật hy sinh cuối cùng thầm lặng
    Tất cả cho con tia nắng nhỏ mong manh !...
    Ai người như Giăng kic
    Cõng những Cô Zet
    Về làng S O S
    "Đời cho em những nốt nhạc vui " @
    Góp sợi chỉ nhỏ nhoi
    Dệt chăn lớn đắp những người khốn khổ ! ?...
    Ta lại nghĩ về tình cảm lạ
    Của Giăng van Giăng với Cô Zet
    Tiểu thuyết vẫn nóng hôm nay ! ? .

    KHI ĐÀN CHIM LẠI VỀ

      
    Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
    Dũng mở cánh cửa tủ lấy khẩu súng săn ra ngắm nghía. Khẩu súng này Dũng mua cách đây hơn hai mươi năm, nó đã từng mang lại cho anh bao niềm cảm khoái, thỏa mãn sự đam mê súng và những cuộc đi săn. Báng súng càng ngày càng bóng. Những vân gỗ màu xám vằn vèo, vằn vèo chìm dưới lớp va ni và lớp chất dẻo bảo quản trông thật đẹp. Nòng súng dài, ánh thép xanh sáng lạnh. Dũng đưa súng lên, hướng nòng súng ra ngoài ngắm rồi chúc mũi súng xuống đất, mở nắp nòng súng. Ổ đạn sạch sẽ. Mặc dù vậy anh vẫn cầm tấm giẻ mềm lau đi lau lại ổ lắp đạn, nòng và báng súng.
    Tôi hỏi:-Sao? Giờ nổi hứng à? Đã lâu không thấy cậu đi săn.
    Dũng: Ừ! Mình đã để khẩu súng nàyớ trong tủ nhiều năm nay rồi. Không phải vì đã mất đi đam mê đi săn. Nhưng chim chóc giờ quá ít. Ngày trước tớ với cậu vác súng đi một vòng quanh làng về là được một xâu chim đủ loại. Chào mào, sẻ, chim sâu, sáo, chìa vôi  đôi khi bắn được cả chú chèo bẻo.
    Tôi bỗng nhớ ngày trước, có buổi tha thẩn theo ông Ngừng xem săn bắn. Ông Ngừng vốn là thợ bắn chim nổi tiếng ở làng. Ông Ngừng có khẩu súng hai nòng, bắn đạn ghém. Khi đạn nổ những mảnh đạn bung ra chụp lấy con mồi. Săn bằng loại súng này thật ra không đòi hỏi độ chính xác cao. Ngày trước quanh làng nhiều đầm nước. Vào mùa thu hoặc đông, khi những những cánh lá sen đã héo tàn, trơ lại những thân sen khô khẳn màu nâu, có nhiều loại chim bay về kiếm ăn bên đầm. Đó là những chú le con thân đen, tinh khôn nhanh nhẹn hễ nghe tiếng động là bơi lội , ngụp lặn thục mạng trên mặt nước, những con chim giẽ, đôi khi có cả ngỗng trời, vịt trời.  Ông Ngừng thưỡng nằm dài đặt súng lên gò đất cao ngắm bắn khi phát hiện con mồi,  đôi lúc ông quỳ bắn. Tiếng nổ đù ….đùng   ùng vang động cả khu đầm, vọng lại ùng…oàng khiến bọn chim đang kiếm ăn táo tác vỗ cánh bay lên. Tôi thường đi nhặt chim cho ông. Những con chim bị trúng đạn, máu đỏ tươi nhỏ từng giọt. Có con đạn không trúng vào điểm huyệt, ngắc ngoải khẽ vỗ cánh, dướn mình bay lên, sức yếu dần, lả đi, đôi cánh xõa ra trông thật tội nghiệp.
    Dũng thừa hưởng sự đam mê  săn chim, và cả kỹ năng ngắm bắn trăm phát trăm trúng  của cha mình. Có điều giờ anh có khẩu súng săn của Tiệp. Để có được khẩu súng này, Dũng phải chắt chiu từng đồng tiền, thậm chí nhịn ăn, mặc cho vợ trì chiết. Đó là khẩu súng săn  của Tiệp loại bảy cân với phần tử ngắm chính xác từng ly. Khi bắn,  Dũng đưa súng lên, không phải ngắm nhiều, rất nhanh khi mục tiêu vừa nhú lên đầu ruồi,  gọn trong tầm bắn, siết cò . Anh có thể bắn vào bất cứ điểm nào trên thân con mồi nếu muốn. Phần lớn anh chọn ngắm bắn vào đầu, cổ hoặc ức con chim. Khi dính đạn, chim chết ngay đỡ mất công tìm kiếm.
              Khoác lên vai khẩu súng săn, kiểm lại túi đạn chì, Dũng nói: rất nhiều đạn. Cậu muốn bắn cứ mái thoải. Bắn cũng dễ thôi.- Dũng nói. Trong lòng anh dấy lên niềm cảm hứng lạ kỳ như những ngày trước đây mỗi khi khoác lên mình khẩu súng.
    Dũng tiếp: Hy vọng hôm nay kiếm được vài con giẽ giun, hoặc đôi con cò.
    Tôi hỏi: Sao không bắn sẻ.
    Dũng: Mình không thích lắm. Vả lại lũ sẻ bị săn nhiều giờ đâm ma lanh. Hễ mình giương súng lên là chúng kêu loạn xạ, bay biến mất khỏi tầm bắn.
    Chúng tôi ra khu đồng xuôi. Ngày trước đây là khu đầm quanh năm ngập nước, nay ngay cả vào mùa mưa nước cũng cạn. Xã viên cấy lúa ven theo lòng đầm hẹp, trồng lạc ở những khu ruộng cao. Từ nhà ra tới đây, dẫu qua đoạn đường khá dài, thậm  chí có chỗ nhiều tre, nhiều cây cổ thụ nhưng chỉ thấy thi thoảng vài con chim sẻ sợ hãi bay vút trong hoảng loạn và tiếng con chim bìm bịp gọi nhau. Loài chim bìm bịp rất khó phát hiện, khó bắn, bắn trúng cũng khó lấy được xác của chúng.
    Lúa đang mùa trổ đòng xanh mướt mượt. Lạc cũng bắt đầu thời kỳ trổ tia làm củ.
    Đi môt lúc lâu chẳng phát hiện được con chim nào. Niềm hứng khởi của Dũng cơ hồ mỗi lúc một nguồi tắt. Chợt Dũng nói: Kia rồi! Tôi thảng thốt: Đâu?
    Dũng tiếp: kia thôi! Con cò. Một chú cò. Con này phải tới hàng kg đấy! Theo tay Dũng chỉ tôi nhìn thấy một con cò trắng. Con cò đứng cạnh mép bờ lúa, sát mặt nước. Có lẽ nó lạc đàn. Vì từ lâu ít có cò đến kiếm ăn ở khu đầm ruộng này, bởi ít tôm tép ít châu chấu, cào cào vốn là loại thức ăn ưa chuộng của loài cò. Con cò đứng chơ vơ, không buồn dũi cái mỏ xuống đất. Mặt nước đầm trong có thể nhìn thấy đáy bùn, những dải rong rêu đuôi chó. Dường như con cò không  thiết kiếm ăn. Nó đang buồn vì không có mồi, và vì đã mấy ngày nay đi tìm đàn nhưng không gặp.
    Mới vài ngày trước nó thuộc đàn có gồm hơn chục con đi kiếm ăn ở khu đầm Thiên mẫu. Buổi tối, chúng  bay về đậu trên những khóm tre. Những người đi săn săn đàn cò vào mỗi sáng hoặc vào cuối chiều, thậm chí vào đêm. Họ dùng đèn chiếu lên những lùm cây rồi bắn. Cả đàn cò nay chỉ còn nó. Nó bay lang thang , miệng kêu những tiếng kêu thảm thiết…c…..ò….co…cò. và rồi lạc xuống cánh đồng này. Nó đứng co ro. Mắt ngơ ngác buồn nhìn xuống làn nước, rồi lại nhìn trời ngóng bạn.
              Dũng rút khẩu súng quỳ xuống ngắm bắn. Tôi chưa kịp gàn,  tiếng súng đã vang lên một tiếng tạch  đanh gọn khô khốc. Tôi kịp nhìn thấy, con cò nhảy dựng lên, mấy cái lông trắng từ sườn nó bung ra, lả tả rơi.
              Dũng chạy vội xuống tìm con cò. Tôi nghe tiếng Dũng càu nhàu: Mình bắn thế mà vẫn chưa chuẩn. Bắn vào lưng nó mất rồi.
              Con cò lê lết, lẩn vào trong những đám lúa. Nó cảm thấy đau dứt thịt ở cánh. Nó cố gượng đập cánh để bay lên nhưng cánh cứ sã xuống. Nó cảm nhận được sự huy hiểm rình rập và cái chết lơ lửng phía trước. Nó ngoái nhìn người vừa bắn nó, vẫn  chẳng hiểu chuyện gì. Nó cố lết vào sâu trong những bụi lúa, mong có sự chở che bởi mẹ thiên nhiên. Màu xanh che chở cho nó.
              Dũng lại giương súng lên, nhanh như cắt, xác định đồng  tử bắn rồi bóp cò. Lần này con cò khựng lại, xõa cánh. Đôi cánh nó đập đập trên mặt ruộng xâm sấp nước bùn rồi xõa ra. Mỏ nó nghẹo, rục xuống mặt ruộng.
              Dũng xắn quần, lội ruộng túm lấy con cò  rồi lội trở lại bờ. Những giọt máu đỏ từ ức con cò từng giọt, từng giọt tưoi rói nhỏ xuống mặt đất.
              Hôm ấy, Dũng chỉ bắn được mỗi con cò. Tôi bần thần nói: có lẽ nó là con cò cuối cùng của đàn cò.
              Dũng: có lẽ thế. Người đi săn giờ nhiều lắm. Rồi đến lúc không còn cò nữa để mà bắn.
              Tôi nhìn xác con cò vẫn còn bầm bết máu ở vùng cổ và vùng ức, nói với Dũng bằng giọng buồn: cứ cái đà này, sẽ không còn chim chóc để mà bắn.
              Buổi tối đó, tôi với Dũng ngồi uống bia với chút lạc rang. Chúng tôi không ăn thịt con cò tội nghiệp. Dũng mơ màng kể lại những kỷ niệm săn bắn ngày trước. Anh thốt lên: Bao giờ cho đến ngày xưa. Lũ chim tràn về kiếm ăn, làm tổ bên những đầm nước.
              Tôi nói:  Dũng! Cậu cất súng đi thôi. Ừ ! Bao giờ lại đến ngày xưa,  tụi mình bắt nuôi những chú sáo non, dạy chúng hót. Bất giác tôi nghĩ tới sự khoan dung của con người, để có được sự hài hòa và đa dạng. Sự kém cỏi về mặt ý thức và tàn nhẫn hệ quả là một môi trường bất cân xứng. Tôi nói với Dũng: Cất súng đi, để những ngày xưa ấy lại về.
              Vài ngày sau, khi sang nhà Dũng, khẩu súng đã không còn được treo trên góc tường, giáp tủ đứng. Dũng đã lau chùi súng, lấy giấy báo bọc trong, giẻ bọc ngoài, cất súng vào tủ.
              Vào mỗi chiều, Dũng thường hay ra khu đầm nông, xua đuổi đám thanh niên không biết tự đâu đến săn đuổi lũ chim. Dũng đề nghị  với chính quyền, tổ chức bảo vệ môi trường, ngăn ngừa sử dụng thuốc sâu, chất bảo vệ thực vật bừa bãi, cấm săn chim bằng lưới, hoặc bằng bả dính.
              Lũ chim mòng két lại về bên kia sông. Những đàn cò trắng lại tìm về với  cánh đồng, kiếm ăn trên vùng đầm nước. Mỗi sáng, mỗi chiều, những cánh cò trắng bay qua thôn gợi lên cảm giác thanh bình. Những con le le tinh ngịch ngụp lặn giữa những phiến lá súng.
              Dũng có cảm xúc sung sướng mỗi khi ngắm những cánh cò trắng, nhìn thấy những con giẽ, con bói cá bắt đầu bay về, bình yên làm tổ trên khu đầm nước, thầm nghĩ: đúng là phải cất súng đi, biết nâng đỡ, biết hòa đồng với thiên nhiên và phát triển  môi trường để sống. Nếu không thế gian này, cuối cùng chỉ còn có con người.
                                                                                
    Hưng Yên 25 tháng 5 năm 2016


    QUÊ MẸ


    Thẫn thờ nghe tiếng nước réo đầu ghềnh
    Tháng 7 mưa ngâu, đục ngàu nước lũ,
    Tiếng sấm vọng ì..ùng, mưa nguồn, gió biển
     Chớp sáng chân trời, những buổi hoàng hôn.

    Quê hương ơi! Tuổi thơ   khờ dại
    Thơ thẩn bên sông , tìm cỏ chọi gà
    Những sáng mai, sương đầm cọng cỏ
    Những trưa hè cùng bạn lội tắm sông.

    Quê mẹ  tôi, những   hè nắng lửa
    Đón mùa đông rét nổi da gà
    Gió hun hút trên đồng man dại
    Úm than hồng những buổi chăn trâu.

    Ngày xuân về,  lây rây mưa nhỏ
    Sương mỏng giăng, mờ tỏ xóm thôn
    Tiếng se sẽ hạt  mầm bật nảy
    Những cánh hoa  hương sắc khẽ vươn.

    Con lớn lên bằng nhọc nhằn đời mẹ
    Gian nan cha xuôi ngược bên sông.
    Tuổi thơ con những ngày trốn học
    Cha mẹ đau, trăn trở đêm ngày.

    Con đã tắm ở dòng sông này;
    Những giọt sữa vắt miệng con hau háu.
    Cha mẹ  sớm khuya dãi dầu mưa nắng
    Những luống khoai,  rau mùa nào thức ấy
    Hạt thóc vàng xay  giã nuôi con..

    Cảm xúc trong con, tình yêu trong con
    Nguồn yêu thương, vất vả đắng cay  cuộc đời cha mẹ
    Con đã lớn lên, dòng chảy mãi đêm ngày.

                                 Hưng Yên thu năm 2016





    CHA VÀ CON

                                                                                    
    Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
    Anh Toàn khuôn mặt méo  đi vì bực bội gằn giọng:
                Lâu nay anh không hề nghe tôi! Mọi việc  cứ thế anh làm không trao đổi với tôi, với mẹ anh một tiếng. Anh đang là công chức, là người nhà nước vậy mà bỏ. Tưởng có việc gì hay hơn, hóa ra anh về theo quản lý công trình cho cái thằng anh họ. Uổng công tôi cho anh ăn học, nhờ cậy bạn bè lo cho anh công việc. Dù chỉ là đội trưởng của đội sản xuất nhưng công việc ấy  khối người chạy chọt không được.
                Chị Toàn lắng nghe chuyện giữa hai bố con với tâm trạng lo lắng, giờ mới lên tiếng: Thời buổi này, công việc khó khăn, người khôn của khó. Nhiều thanh niên học đại học, trường này, trường nọ vẫn ở nhà chờ việc kia. Đi hết của này, cửa khác, không quen thân, không có tiền, chẳng nơi nào nhận. Vậy mà là người nhà nước rồi, còn rũ ra. Bây giờ thì làm sao?
                Tiệp nói: con  nghĩ nhiều rồi. Được danh là người nhà nước, hàng tháng đến kỳ lĩnh lương, chẳng phải lo nghĩ gì. Lại không phải làm việc trực tiếp, quần áo lúc nào cũng bảnh chọe. Mơ ước của nhiều người. Lương tuy thấp nhưng cứ đến kỳ nâng lương đều đặn, cuộc sống chẳng hề vất vả. Đấy là suy nghĩ của bố mẹ. Thanh niên bọn con bây giờ  khác. Bố mẹ cứ để vợ chồng chúng con vùng vẫy một thời gian xem sao.
    Anh Toàn mặt buồn rượi, thất vọng buông lời. Chúng tôi nói anh chị đâu có nghe. Nhưng sau  này đừng trách chúng tôi không khuyên bảo.
    *
    Thằng Tiệp chưa bao giờ nghe lời tôi- Ông Toàn tâm sự với vợ.
    Bà Toàn nói: hai bố con hễ  cứ nói chuyện với  nhau là to tiếng. Ông không thể bình tĩnh được ư. Nó đã lớn, có vợ  có con. Chuyện gì cũng phải từ từ.
    ÔngToàn: Ngay từ lúc nó mười bốn, mười năm tuổi, tôi đã dần hiểu con trai càng ngày càng khác xa tôi về suy nghĩ, nếp sống. Nó sống thiên về cảm xúc, thích gì làm nấy, a dua với bạn bè, thiếu lý trí. Lối sống ấy là lối sống được chăng hay chớ, sốc nổi, hay bị lôi kéo, rất dễ đổ vỡ.
    Ông nghĩ quá nhiều rồi. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già. Ít nhiều nó là con ông mang trong mình dòng máu  của ông. Làm sao nó có thể hư hỏng như ông nghĩ.
    Vợ chồng Ông Toàn tâm sự với nhau hồi lâu, sau khi vợ chồng Tiệp xin phép về gia đình bên vợ rồi từ đó về nhà trọ gần cơ quan của Vợ Tiệp ( Loan con dâu ông). Chiều dần buông. Nắng nhạt dần. Đã bắt đầu có gió. Những cơn gió nồm nam mang hơi nước  xua đi không khí oi nực của những ngày cuối hè. Bà Toàn đã ra chợ làng, như thường lệ.
    Còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ, bỗng chốc kỷ  niệm  những năm tháng ông bà còn dạy học ở Sơn La  ùa tới làm  ông  như rơi vào khoảng không lãng đãng xao xuyến, bồi  hồi. Mới đây thôi mà hơn gần hai chục năm đã trôi qua.
    Tốt nghiệp sư phạm, Toàn được điều động công tác ở một trường THHCS thuộc huyện miền núi giáp biên giới. Giáo viên của trường chừng chục người hầu hết là người miền xuôi. Có người đã chục năm công tác ở  vùng hẻo lánh này. Khu tập thể của giáo viên được dựng tạm bằng các loại cây rừng. Hóp chẻ dùng đan liếp. Xoan dùng  làm cột. Mái lán được lợp bằng cỏ tranh. Khu tập thể nằm cheo leo trên lưng núi. Gần ngay khu tập thể của trường là mấy dãy lán được dùng làm phòng học, nằm trên một khu đất phẳng hiếm hoi giữa lòng thung. Gió ngàn mùa đông cũng như mùa hè thổi ào ạt vào phòng.
     Từ trường đi các bản rất xa, về thị trấn huyện càng xa. Học sinh mỗi lớp hơn chục em. Đôi khi các em được ghép lớp để học. Thầy, cô cùng lúc dạy các nhóm lớp khác nhau trong cùng phòng. Lớp học cứ thua thớt dần. Cha mẹ các em không muốn cho con đến lớp. Các em ở nhà chăn trâu bò, đi rừng. Học cái chữ đã khó nhưng cũng chẳng làm gì. Toàn cùng mấy giáo viên  lội suối, băng rừng có lúc đi gần hai chục km đến từng nhà vận động bàn con dân bản cho con em đến trường. Vào dịp cuối tuần, họ rủ nhau đi chợ huyện. Đường từ trường đến chợ hơn ba chục km ngoằn nghèo như những lối mòn cheo leo vắt vẻo trên lưng chừng núi. Mỗi lần đi chợ huyện họ mua mắm , muối, cá khô tép khô để dành cho hàng chục ngày sau. Toàn quen Loan trong những ngày ấy. Vốn cùng quê, cùng cảnh ngộ nên họ nhanh chóng yêu nhau.
    Toàn nhớ lại những mùa đông rét buốt. Sương đóng băng trên lá cây. Hơi thở cũng đóng băng. Vào đêm, trời càng lạnh, gió thổi rít ào ào, gió hú qua  sườn núi. Bếp lửa tàn. Với cái chăn bông mỏng cũ kỹ, mấy đứa nằm bên nhau chờ trời sáng. Với Toàn dẫu gian khổ những đó là những ngày tháng anh có được nhiều niềm vui bởi được sống cho lý tưởng trồng người. Sau mỗi khó khăn là sự lạc quan, là  tiếng hát. Đặc biệt hơn những lúc lội suối, băng qua hàng vài chục km đường rừng để đến với Loan, những chiều thứ bảy, hoặc sáng chủ nhật. Họ ở bên nhau, yên lặng lắng nghe tiếng chim hót, tiêng con suối chảy róc rách, róc rách dưới khe núi. Anh  bóc măng tươi cho Loan luộc thay rau…..
    Sau khi kết hôn, Loan chuyển về công tác cùng trường.. Tiệp được sinh ở miền núi nơi vợ chồng Toàn công tác. Đó là vào một buổi sáng cuối xuân, mưa rừng rả rích. Bầu trời xám xịt nặng như chì. Loan nói: anh Toàn. Bụng em đau quá! Có lẽ em sắp ở cữ. Toàn cuống quít gọi đồng nghiệp. Họ dùng võng đưa Loan vượt hơn chục km đường rừng quanh co mới tới được trạm xa. Gần tiếng đồng hồ sau thì thằng Tiệp chào đời…
    Toàn đặt nhiều kỳ vọng vào con, mong con thành tài làm rạng danh gia đinh, nên ngay từ lúc Tiệp còn nhỏ, nuôi dạy nó bằng sự khắt khe, khuôn mẫu. Toàn bắt tay con tô từng nét chữ, sớm dạy con làm toán, dõi theo từng bước đi, hành vi, từng câu nói của con để uốn nắn, hài lòng nhận thấy con rất thông minh, trí nhớ tốt, tiếp thu nhanh. Vợ chồng dạy học ở miền núi quãng hai chục năm.. sau chuyển về quê. Nhiều năm liền Toàn làm hiệu trưởng trường THCS xã Toàn Thắng, xây dựng trường thành trường chuẩn quốc gia.
    Dù vừa dạy học vừa  làm công tác quản lý rất bận, nhưng chưa lúc  nào Toàn sao nhãng việc dạy con. Có điều từ  lúc Tiệp mười bốn, mười năm tuổi Toàn nhận thấy, con trai càng ngày càng xa mình. Có những biểu hiện xung đột cha  và con. Thằng bé dường như bỏ ngoài tai, những gì Toàn răn dạy. Nói gì nó cũng vâng, nhưng không bao giờ làm theo ý bố. Chưa bao giờ nó có ý thức làm vui lòng cha, thậm chí biểu lộ thái độ phản kháng. Toàn lo lắng lắm. Những lúc chỉ có hai vợ chồng, Toàn tâm sự với vợ: Giờ nó không nghe tôi  nữa. Mẹ nó tìm cách tiếp cận con. Mẹ con chuyện trò, để bảo ban nó. Chị Toàn: Anh học tâm lý rồi, phải biết chứ. Tuổi nó là tuổi. bùng nổ, xung đột, muốn tỏ ra người lớn. Cha với con làm sao có mâu thuẫn. Vài năm nữa, sẽ khác. Anh yên tâm. Em sẽ lựa lời nói với con.
    Ngần ấy năm công tác, Toàn không phải hổ thẹn với lòng mình. Anh giữ mình liêm khiết, quan tâm tới đồng nghiệp, giữ hòa khí để đoàn kết với mọi người. Với anh tiếng “ Thầy” mới trọng thị, cao quí làm sao, bởi nhà giáo thổi vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu cuộc sống, đem tới cho trẻ tri thức và năng lực chẳng khác nào bà  mụ thổi linh hồn vào bức tượng bằng đất sét để có được con người, mặt khác khi tri thức được lĩnh hội thì đó là khai sáng, sự thức tỉnh. Tiếng thầy mới cao quí làm sao.
    Ngày Tiệp học hết cấp ba. Anh Toàn nói với con: con có thể thi vào trường sư phạm. Con có năng khiếu về văn, học sư phạm văn cũng tốt con ạ.
    Tiệp nói:
    -         Theo nghề của bố ư? Không bao giờ.! Học văn ư? Càng không! Giờ có ai học
    văn nữa đâu. Học văn để thi tốt nghiệp thôi. Nếu không chẳng đứa nào thích.
    -         Bố chẳng biết con nghĩ thế nào. Nghề trồng người mà con có vẻ như dè bỉu.
    Con biết đấy là nghề mà xã hội trân trọng không?. Người ta có thể gọi đứa ăn cắp, ăn trộm là thằng một cách dè bỉu, khinh miệt nhưng với thầy cô thì không! Văn học giúp con người nhận thức bản ngã, nhận thức xã hội, hướng con người tới cái đẹp , thiện căn.
                Tiệp trả lời rắn rỏi:
    -         Con không coi thường nghề sư phạm! Nhưng con không chọn cho mình  con
    đường đó. Bố cả đời theo nghề, giữ gìn tiết tháo, thanh bạch rốt cuộc lại nhà mình có cái gì chứ. Trong khi mọi người nhà lầu, xe hơi thì nhà ta vẫn nếp nhà cấp bốn, tường vôi ghẻ lở. Chúng con có gì ngoài tấm bằng đại học để hướng tương lai đây? Nếp nghĩ ấy cổ quá rồi bố ạ! Con có cảm giác mọi người đã bỏ lại chúng ta phía sau.
    Vậy là Tiệp thi vào đại học xây dựng, sau năm năm học  tốt nghiệp với tấm bằng khá. Anh Toàn nhờ vả chỗ thân quen xin cho Tiệp một  công việc ở vùng mỏ. Tưởng nó yên vị ở đấy công tác vậy mà nó đánh thừng, đánh chão bỏ việc bằng được. Điều đó làm Anh chị Toàn không thể yên lòng.
                Chuyện vợ con của Tiệp cũng vậy. Lúc Tiệp mới nhận công việc ở Quảng Ninh, Thuận giám đốc công ty than CP vốn là bạn học cũ có đứa con gái cũng mới tốt nghiệp đại học gợi ý muốn làm thông gia với gia đình anh. Thuận nói: chỗ bạn bè, đồng niên, đồng tuế, cùng quê với nhau, hiểu nhau quá rõ rồi. Thằng Tiệp mà làm con rể tôi, tôi kéo cháu xuống công ty, giúp việc cho tôi. Nhà tôi có hai đứa con gái, nên cũng muốn chọn  rể hiền. Rể hiền nên con. Tôi sẽ xây dựng cho chúng.
                Anh Toàn mừng lắm, nói với vợ:  Được thông gia với gia đình giám đốc công ty thì quả là quá môn đăng hộ đối rồi. Tiệp được về làm ở công ty của bố vợ. Vợ chồng nhà cửa không phải lo, lương mỗi tháng vài ba chục triệu, tương lai rộng mở.
                Chị Toàn e ngại: đừng mừng vội anh. Tôi biết tính thằng Tiệp. Không yêu, rất  khoát nó không lấy đâu. Nó muốn tự lo, không muốn cha mẹ sắp xếp mọi công việc cho nó. Vả lại, nhờ vả nhà vợ, yên lành thì không sao, nhưng xảy sự là phức tạp lắm. Có đôi bỏ nhau cũng vì chuyện ấy.
                Đôi bên gia đình khéo léo cho hai trẻ gặp nhau. Anh Toàn ra Hòn Gai thăm con. Buổi chiều anh bảo Tiệp cùng anh xuống Cẩm Phả thăm bạn. Tối đó hai bố con cùng gia đình  Thuận ăn cơm ở một nhà hàng nằm giáp biển. Bình  “con gái ông Thuận” mặc váy màu đen, áo trắng,  khuôn mặt tròn, lông mày mảnh, mi cong, tươi tắn, xinh xắn, sử xự rất lễ phép. Sống ở môi trường thành phố, trong hoàn cảnh gia đình nhiều mối quan hệ, lại dăm năm đại học, tiếp xúc với nhiều người, trong môi trường khác nhau nên Bình tở ra rất tự tin trong giao tiếp. Sự có mặt của  Bình  khiến không gian trong gian phòng sinh động và trang nhã hẳn lên.
    Anh Toàn kín đáo quan sát Bình, thầm mong có đứa con dâu xinh xắn, ngoan ngoãn và hiện đại như thế. Quan sát con trai. Con trai anh khá đẹp trai, dáng người cao lớn, phong độ và cũng rất đẳng cấp. Chúng nó mà phải lòng nhau, bén duyên thì quả là điều đáng mừng. Lũ trẻ không mấy chốc như đã thân quen, chúng cho nhau số điện thoại, hẹn gặp lại. Những tưởng mọi việc xuôi chèo mát mái theo ý  nguyện của đôi bên cha mẹ. Nhưng sự thực không diễn ra đúng như mong đợi.
    Tiệp nói: con đã có người yêu. Bố mẹ đừng lo lắng, sắp đặt cho con.
    Anh Toàn: con nên thực tế một chút. Không sao đâu. Không phải hối hận đâu. Con mà làm rể nhà ấy, có khác nào được đặt lên bệ phóng, con đường công danh rộng mở, kinh tế không phải lo lắng. Hai bác ấy chỉ có hai đứa con gái, không cho nó thì cho ai. Có lẽ đây là  lần đầu tiên trong đời anh Toàn biểu lộ suy nghĩ thực dụng trong tình cảm. Tất cả  vì con thôi. Cha mẹ nào chẳng vậy. Vả lại trải nghiệm cuộc sống đã giúp anh có cách suy nghĩ và ứng xử  thực tế hơn.
    Tiệp: Nếu không lấy Loan, con sẽ không lấy ai nữa. Bố mẹ lúc nào cũng môn đăng hộ đối. Chỉ quan tâm đến địa vị, tiền bạc. Bố mẹ hãy mở lòng ra chấp nhận Loan.
    Nghe con nói, Toàn sững người. Con trai dùng từ ngữ không một chút e ngại. Nó dường như không hiêu cha. Và  anh không thể hiểu con . Toàn  đâm nghĩ ngợi, buồn bã. Con anh bỏ đi cơ hội vàng, để yêu một con bé quê tận Yên bái, nghề nghiệp chưa đâu vào đâu. Anh càng khuyên con thì Tiệp càng khùng, có bữa vùng vằng bỏ nhà đi mấy tuần sau mới về thăm cha mẹ. Tiệp không muốn nói chuyện  với bố. Điều đó càng khiến Toàn lo lắng, có đêm không ngủ, ngồi yên lặng trong bóng tối, hút thuốc lá vặt. Đấy là điều, chị Toàn chưa từng chứng kiến ở chồng. 
    Chị Toàn: Hay là cứ dựng vợ gả chồng cho nó.Cuộc sống của nó, nó lo. Mình có thể theo chúng suốt đời được đâu. Càng ép nó càng khùng. Cha con càng bất hòa.
    Vậy là Tiệp xây dựng gia đình với Loan. Sau một thời gian ngắn ở với bố mẹ, chúng tha nhau đi thuê một gian phòng gần khu công nghiệp Phố Nối. Tiệp mỗi tuần về thăm vợ đôi lần. Giờ ở nhà chỉ còn lại anh chị Toàn. Tuổi gần sáu chục côi cút trong cảnh  bóng xế chiều hôm.
    Vợ chồng anh Toàn chỉ còn biết nhìn theo con lo lắng. Anh Toàn nói với vợ: bọn trẻ giờ thích tự do. Chúng không muốn ở chung với bố mẹ đâu. Thằng Tiệp nghe vợ.
    Chị Toàn tất cả đều do con Loan cả, nó nhỏ to, rủ rê chồng, làm thằng bé mất cả phương hướng. Em đã nói thẳng thắn  với con bé : các con mới xây dựng gia  đình, trăm bề khó khăn. Làm vợ phải biết vì tương lai của chồng, kiên nhẫn, động viên chồng. Nó đang làm việc ngoài ấy, lương tuy không cao nhưng là người nhà nước. Nước lên thuyền lên, lo gì. Vài năm lên lương một lần. Công  việc ổn định, không phải tất bật ngược xuôi.
    Đáp lại lời em, Loan nói: công việc của nhà con, con không biết mẹ ạ! Tùy anh ấy thôi.
    Anh Toàn nói với vợ: thằng Tiệp cứ quấn lấy  vợ. Nó không  thể xa vợ nó. Tất cả là do con Loan.
    Chủ nhật vừa rồi, vợ chồng Tiệp về thăm cha mẹ. Trong lúc Loan cùng mẹ chồng bận bịu chuyện cơm nước,  Toàn tranh thủ nói với Tiệp: theo bố, con nên ở lại Hòn Gai làm việc. Dù gì cũng là công chức nhà nước. Nghèo đói chút ít cũng vẫn là người nhà nước. Nhà nước lo. Người ta chạy vào làm công chức, viên chức nhà nước không xong, nay con có ý định bỏ. Bố không hiểu con nghĩ thế nào.
    Tiệp: quan niệm người nhà nước nay  xưa rồi. Con mỗi tháng lĩnh lương được sáu đến bảy triệu, mỗi tuần vài lần tiền xe đi về, tiền ăn ở ngoài đó, rồi bạn bè. Chẳng lẽ họ mời mình mà mình không mời lại họ. Vậy là chẳng tiết kiệm được xu nào. Muốn lương cao phải làm sếp. Muốn làm sếp phải uống được rượu và biết quan hệ. Con không muốn thế. Thôi bố để chúng con tự  lo  liệu lấy cuộc sống.
     Toàn: tôi và  mẹ anh nuôi anh ăn học vậy là công toi. Các anh cậy  khôn, cậy giỏi làm việc  gì cũng theo ý mình. Sống bằng cảm xúc a dua chứ không bằng lý trí.
    Toàn: con định đi phụ với anh Duy quản lý công trình một thời gian, sau đó sẽ mở công ty tư vấn xây  dựng.
     Toàn: anh phải suy nghĩ cho chín chắn. Không phải ai mở công ty cũng được. Có khối người chết sặc tiết vì công ty kia. Không có mối quan hệ, không có người thân làm quan chức chính quyền, lấy đâu ra dự án, công việc mà nuôi công ty cơ chứ. Anh nói tôi càng thêm lo.
    Tiệp: bố yên tâm! Thời nay, đa số người dân xây dựng theo kinh nghiệm, bởi thế vài năm sau lún nứt tường, trần nhà, đập bỏ không xong, ở thì tính mạng bị rình rập. Con thấy đa số những công trình dân làm đều bắt chước theo một mô típ, không có hồn. Thị trường của công ty con là ở đấy. Vả lại, công việc kinh doanh không cần có vốn lớn, chủ yếu là trí  tuệ.
    Nghe Tiệp nói Toàn chỉ còn biết thở dài. Ngẫm nghĩ giây lát,  Toàn buông lời: Thực lòng bố chỉ muốn con làm việc ở Hòn Gai, là người nhà nước. Khuôn mặt anh lộ vẻ đăm chiêu. Anh buồn rầu nghĩ: vậy là niềm vui của anh về  đứa  con xênh xang mũ áo, là người nhà nước mỗi khi về làng không còn nữa.
    Chị Toàn nói với chồng: anh không thể theo nó, tính toán nước bước cho chúng. Thôi thì cứ để chúng chủ động tự  lo liệu lấy  cuộc sống. Có thế chúng mới  dày dạn  chững chạc. Mình nuôi dạy, cho ăn cho học , dựng vợ, gả chồng, chúng đủ lông, đủ cánh rồi. Cứ ôm ấp chúng mãi, chúng càng mất tính tự chủ, ỷ lại,  thậm chí ích kỷ, dông dài. Giờ đến lúc mình buông nó ra anh ạ!
    Vậy là Tiệp bỏ việc ở Hòn Gai,  về trông coi  xây dựng cho Duy. Công việc vô cùng bận rộn, có đêm phải ở lại công trường, thường tối mới về đến nhà, quần áo dính đầy bụi cát, bụi xi măng, người mệt lử mệt lả, hễ nằm là ngủ ngay, ngáy khò khò vô tư, quên cả vợ đến nỗi Loan đôi khi phải day day đánh thức chồng. Có hôm bực dọc, Loan điện cho mẹ chồng mách: mẹ à! Nhà con dạo này thường xuyên vắng nhà. Anh ấy chúi mũi vào công việc, về nhà đôi khi không thèm tắm, phắt lên giường ngủ ngay, người ngợm hôi rình. Con chẳng biết anh ấy kiếm được mỗi tháng bao nhiêu. Đôi tháng nay chưa đưa con được đồng nào. Anh em bạn bè thật đấy, nhung con sợ tin bạn mất bò. Biết thế này, anh ấy cứ làm ở Hòn Gai cho xong.
    Chị Toàn cáu nhưng vẫn giữ cho giọng nói bớt gay gắt: các con thừng chão bỏ việc bằng được. Giờ thì vất vả chưa! Cha mẹ nói không nghe. Cá không ăn muối , cá ươn. Không nghe cha mẹ trăm đường con hư. Đừng nói gì với bố con. Nếu không, bố con lại điên lên đấy.
    Vài tháng sau, Tiệp mở doanh nghiệp thật. Tiệp thuê một gian nhà mặt đường làm văn phòng, sửa sang, mua bàn ghế, máy tính . Bữa khai trương khá hoành tráng có đại diện của một vài công ty xây dựng,  bạn bè, đại diện chính quyền của khu phố. Anh Toàn cũng có mặt. Thôi thì còn làm được việc gì, làm cho nó, đỡ đần cho nó, nâng cánh cho ước mơ của con.
    Tuy vậy anh Toàn vẫn không hết phân  vân. Anh nói với vợ: Thanh niên giờ chúng khác mình quá. Đời mình có ai toan tính làm ăn mở công ty nọ kia, toàn những đi lo làm sao không bị tỳ vết, sống trong đói nghèo. Còn thanh niên thời nay, mở mắt ra là bàn chuyện kinh doanh. Thật mỗi thời một khác.

                                                                                        Hưng Yên tháng 9 năm 2016