Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

MỘT CHÚT TÌNH PHAI

          

Trên  tán xanh  đỏ rực trời hoa phượng
Xao xuyến nắng hè, ra rả ve ngân
Hàng ghế đá dưới bóng cây còn đó
Em nơi đâu để nỗi nhớ vơi đầy.

Tìm em! Tìm em ! Những tháng năm trôi!
Như sóng mãi tìm về  với bến,
Mây lang thang  tìm đến mưa nguồn.
Em ở đâu? Những bước đời phiêu dạt,
Có vấn vương một chút tình phai.

Vấn vương chi, ngọn gió dông dài
Cứ kể mãi  thì thầm với lá .
Ai níu kéo  thời gian dừng lại?
Người có lưu , hay tình đã phai ?

                                                          Hưng yên hè 2016

.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

VÔ ĐỀ





Anh chỉ còn cánh cò trắng thôi,
Bởi thánh thần đã trở thành quỷ dữ.
Những tiếng kêu thương đau,
Trong thân xác vật vờ.

Thương cánh cò lặn lội đường xa,
Cánh cò ăn đêm, cánh cò vấp ngã
Lang  thang phiêu bạt quê người.
Cò đứng co ro, mênh mông nước trắng
Heo hắt chiều đông.

Trong anh xưa, cánh cò bay lả
Chập chờn trong mơ, trong tiếng hát ru
Con cò lặn lội đường xa.
Con cò phiêu bạt quê xa.
Biển chập chờn sóng dữ!

Cánh cò kiếm ăn nơi đâu?
Cò bay đi nơi đâu?
Rừng đã hết, nước sông dần cạn
Ruộng, nước nay ẩn họa vô tình.

Anh chỉ còn cánh cò trằng thôi em!
Mơ đã hết, tình yêu đã chết.

                                    Tháng 5 năm 2016


Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

chùm thơ của Nguyễn Văn Thích


THEO CHÂN TRONG HỘI

Cứ dừng chân lại thấy
hình như em vừa đứng chỗ này
kỳ lạ thật hội đông như thế
anh vẫn mơ màng có hương tóc em bay

Phía sân chùa mấy cô yếm thắm
giọng ngọt ngào quyến rũ những người dưng
ngoài khoảng rộng ồn ào tranh phần thắng
anh lê chân trong hội bước ngập ngừng

Hình như em hình như anh chậm bước!
cứ theo chân cho đến lúc hội tàn
em gần lắm mà cũng xa…xa lắm
bước chân chiều loạng choạng níu thời gian

NGUYỄN VĂN THÍCH

KHÔNG EM

Em một bên
tất cả một bên
anh là trụ
giữ cân bằng cho hai chiều trái phải
câu thơ theo đến giữa đường dừng lại
đậu vào chỗ không em

Anh nhìn về phía ấy
Lặng yên
Giá như có phép thần
Anh cưỡi mây bay đén

Câu thơ không em lạnh cóng
Chuyến vi hành không em nhẹ tênh
Biển cứ vô tình xanh
Có lấp đầy khoảng trống ?


NGUYỄN VĂN THÍCH




            TƯƠNG TƯ LÀNG



          Làng quê trải ánh nắng vàng
Nhà cao , tường trắng ngỡ ngàng chân tre
          Xuân đi chỉ nắng vào hè
Nằm mơ tiếng cuốc gọi về xa xăm

        Ổ  rơm ấm chỗ mẹ nằm
Gió chiều thổi dọc tháng năm diệu hò
        Trăng vàng vỡ nhịp chèo khua
Hoàng hôn đủng đỉnh , chuông chùa vang vang
        Khói lam vờ vật giăng màn
Đồng xanh sóng lượn khẽ khàng lời ru
        Mẹ ngồi thăm thẳm mùa thu
Chập chờn cánh bướm đánh đu lá cành

         Lời yêu gói lại để dành
Vẫn làng quê đấy mình thành tương tư

NGUYỄN VĂN THÍCH

 











ĐC Nguyễn Văn Thích Hành Lạc Như Quỳnh Văn Lâm Hưng Yên

 ĐT 01655050968

NỢ TÌNH

Truyện  ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Chị Bình lớn tiếng giận dữ:
-Tôi nói cho cái mặt mợ biết nhớ. Nhà tôi không có kiểu mèo mả, gà đồng. Em tôi  vừa mất hơn năm, mợ đã rước gíai về nhà. Bình vừa nói vừa lấy tay chỉ vào cái ảnh thờ đặt ở phía trái trên ban thờ. Ảnh này Tươi nhờ thợ chụp lại,  sửa bằng công nghệ Photoshop, chọn loại khung ảnh bằng gỗ chò chỉ,  vừa với kích cỡ của ảnh, trang trọng đặt nó lên ban thờ.
Chị Loan dịu giọng hơn nhưng đượm vẻ chì chiết:
-Nhà này vẫn là nhà của bố mẹ tôi. Lơ mơ chúng tôi đuổi mợ ra ngoài đường. Mợ đừng tưởng.
Chị Mơ chậm rãi kể lể:
- Thấy cậu như vậy, chị em chúng tôi xúm vào mỗi người một ít làm cho cậu mợ nếp nhà. Tuy không tầng nọ, tầng kia, nhưng nhà xây, trần bê tông cứ thế mà ở. Biết điều thì chúng tôi cho ở, bằng không cuốn xéo khỏi cái nhà này.
Trong nhà không khí thật ngột ngạt. Giặc Đông Ngô không bằng bà cô bên chồng . Mấy chị  chồng sát khí đằng đằng, mặt đỏ tía tai, giận dữ mắng nhiếc Tươi  không tiếc lời.
Tươi chợt nhớ lại những cử chỉ chăm sóc đỡ đần của Hạnh …Ừ . Như thế có phải là ngoại tình không? Nếu như vậy là ngoại tình, Tươi có lỗi quá đi chứ. Nhưng  quả thật, giữa Tươi với Hạnh chưa có điều gì. Tươi không thẹn với  lòng mình khi nói ra điều đó. Mọi người quàng xiên ra cả việc nhà cửa, đất đai, xúc phạm đến lòng tự trọng của Tươi. Rõ ràng là mọi người coi Tươi không ra gì, coi thường Tươi. Nãy giờ Tươi nhẫn nhịn,  họng nghẹn ứ, uất ức mà chẳng thể giải thích. Lúc sau bỗng nhiên Tươi như phát hỏa, khuôn mặt đỏ bừng rồi chuyển sang tái  đi gì uất giận. Tươi nói:
-Này các chị đừng nhiều lời nhé! Đất đai là của nhà nước giao cho dân quản lý. Chồng tôi cũng là con.  Chồng tôi có phận có phần. Đất này là đất của nhà  tôi, không ai có  quyền.
Chị Bình tức bực tiếp tục bằng giọng kẻ cả:
-Con này còn lý sự. Này! Chúng tao chưa ai ký  vào văn bản chuyển nhượng đất đâu nhé. Đất này  vẫn thuộc quyền của bố mẹ. Nhà này chúng tao làm . Biết điều chúng tao cho ở, bằng không ra khỏi nhà.
*
Chồng Tươi tên Phương mới mất cách đây hơn năm, bởi căn bệnh hiểm nghèo. Từ lúc phát bệnh đến lúc mất tại bệnh viện khoảng hai ngày. Ngày đầu Phương không ăn uống gì cả, ngồi cạnh bàn, uống rượu. Hôm sau kêu đau đầu, người nhà đưa lên bệnh viên song cũng không cứu được. Phương tắt thở ngay trên bàn cấp cứu.
Ngày trước họ đến với nhau cũng thật kỳ ngộ. Phương vốn bị khèo, bước đi tập tễnh, người thấp.  Phương có khuôn mặt nhỏ, trán dô, cằm nhọn, vẻ láu cá. Mái tóc cúp cua nên trông Phương có vẻ ngang ngạnh bất cần. Tuổi thanh niên mà Phương  nghịch ngợm như con trẻ, ra đường hết chòng người này, ghẹo người khác đặc biệt là đám thanh nữ. Đôi khi các cô phải đỏ mặt vì sự tục tĩu của Phương. Đám trai tráng cũng ngại không dây dưa với Phương vì sợ lôi thôi.  Phương thôi học từ khi hết lớp 7 (lớp cuối cấp hai trước đây), ở nhà  vừa làm ruộng rồi đi xe thồ. Ngày xưa ở làng có nghề xe thồ. Một số người dân trong làng, trong đó có cả nữ giới dùng những chiếc xe thống nhất, hoặc xe thiếu nhi Liên Xô chế thêm gióng, thêm cọc hàng ở giữa thân xe, treo vào cọc mỗi bên một chiếc sọt to. Bằng cách này, họ có thể chuyên  chở vài tạ hàng. Hàng chủ yếu là cát, gạch và vôi củ, đôi lúc cả lúa khi làng vào vụ gặt. Tuổi ngoài hai mươi mà Phương chưa vợ vì cái tính ngịch ngợm và dáng di cà nhắc.
Lúc ấy Tươi cũng đã hai tư tuổi. Tươi người thấp, gầy, khuôn mặt nhỏ lệch một phía, trán hẹp,  tóc lúc nào cũng như sơ rối, miệng hơi trễ, đôi mắt híp.   Ở quê, nếu không đi học, tầm tuổi  này chưa có người hỏi về làm vợ là báo động rồi.
Một buổi chiều, khi từ lò vôi về, mặt mũi, quần áo Tươi lấm tấm bụi đất, bụi vôi, đôi quanh sảo tòng teng trên vai, cả ngày nhặt vôi, xếp đá, mệt đến nẫu người, nhưng Tươi vẫn có cảm giác khoan khoái, vừa qua dốc thì gặp Phương. Lúc ấy Tươi quàng khăn  chỉ hở hai mắt vô tư. Phương buông lời: này Tươi ơi! Đi đâu mà vội mà vàng, mà xiên bụi rậm mà quàng đôi chân…Tươi nhìn gã. Ai chứ Phương ở làng Cò thì Tươi biết . Gã nổi tiếng vì thói bỡn cợt, ngang ngạnh ở trong vùng. Nhưng đôi mắt gã sáng long lanh khi nhìn Tươi. Tươi chẳng trả lời, đôi chân bước nhanh theo triền đê về nhà. Chuyện gặp  gỡ giữa hai người chỉ có thế, vậy mà hai đứa nên vợ nên chồng. Thiên hạ xì xào bàn tán đúng là nồi nào vung ấy. Tươi nghe chỉ cười thầm tự nhủ: ‘ Với Tươi điều quan trọng là có một tấm chồng hợp lẽ, có đứa con để sau nay nhờ cậy lúc về già. Con gái không lấy được chồng, ở vậy thành bà cô, như cây cau điếc. Sợ lắm! Mọi chuyện khác Tươi không nghĩ đến. Tại sao con người cứ phức tạp hóa mọi chuyện. Cứ đơn giản đi, dễ sống.”
Vợ chồng ở với nhau hơn hai chục năm chưa bao giờ xưng hô anh anh em em. Phương gọi vợ bằng mày, nhưng muốn vợ gọi bằng anh. Có bận Phương nói dỗi với anh chị em nhà vợ: nhà em chưa bao giờ gọi em bằng anh.
Tươi hồn nhiên: ít hơn người ta hai tuổi,  cứ bắt người ta gọi bằng anh. Cả nhà cười nắc nẻ vì chuyện ấy.
Cũng chả bao giờ Phương tỏ ra cử chỉ quan tâm săn sóc vợ. Gã vô tư quá. Ngày đi làm quần quật,  tối đến bữa cơm nhâm nhi chén rượu  rồi cả đêm bới lông tìm vết cứ như quên cái gì đó. Quên rồi lại nhớ, nhớ rồi lại quên.
Có bữa điên tiết gã chửi, đánh Tươi từ trong nhà ra đến ngõ, ầm ĩ cả xóm. Tươi khóc sùi sụt kể lể: đấy các ông các bà coi. Tôi đẻ con cho hắn, nối dõi tông đường nhà nó, chăm con cho nó, chiều nó như chiều vong. Ấy vậy mà thi thoảng nó thượng cẳng chân, thượng cẳng tay,  đánh tôi sây sẩm mặt mày thế này có đáng không hở trời. Sau những cuộc cãi vã là  mây mưa dồn dập. Có lần Tươi tức không chịu. Phương thức đến khuya không  chịu ngủ, hết đi vào lại đi ra, dọa đi với đàn bà khác. Thương hắn, Tươi lại chiều. Thế là cơm lại lành, canh lại ngọt. 
          Hàng xóm nói: có mày chịu được hắn chứ  chúng tao chẳng bao giờ. Không chồng, không con cũng thôi.
          Tươi cười vui: bát đũa còn có khi xô nữa là vợ chồng. Mình quen rồi. Kệ hắn. Rồi đâu cũng vào đấy. Chuyện bỏ vợ , bỏ chồng chẳng hay ho gì. Đừng phức tạp mọi chuyện. Chuyện tình yêu là chuyện của mấy người lắm chữ làm cho ra dáng. Tươi chẳng cần yêu vậy mà cũng có với nhau vài mặt con. Với Tươi con cái là  tất cả. Tươi yêu  chúng, lo lắng cho chúng, thương xót chúng còn hơn cả bản thân.
          Tươi và Phương có với nhau bốn mặt con, ba gái đầu, đẻ cố được đứa con trai. Lúc các con còn nhỏ, Tươi lăn ra làm như  bống, lúc làm vôi, khi gánh cát, nhặt nghệ, làm mấy sào ruộng. Ai thuê gì làm nấy chẳng nề hà. Vào dịp trồng lúa, trồng lạc, có người gọi, Tươi  mặc quần áo mưa, khoác thùng phun thuốc sâu lội ruộng, tay cầm cần đẩy, tay cầm vòi , phun thuốc sâu, mệt mỏi vì say thuốc. Vậy mà tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, vợ chồng không hề có tích lũy, thêm công nợ.
Mấy chị em chồng thường ta thán: con Tươi không  biết làm ăn căn cơ.  Người ta làm giàu cho chồng cho con. Đằng này làm như vậy mà sờ đến tiền vẫn không có. Phải vay tiền chính sách để sống thì cũng chịu.
Những lúc như vậy Tươi buồn bực lắm. Ai chẳng muốn giàu. Đấy! Làm như thế chứ còn thế nào nữa. Bốn đứa con, thêm thằng chồng hay rượu , ăn uống tiêu  pha như củi lụt đâu còn gì để dành.
Mấy đứa con của Tươi học hết lớp bảy, rồi ở nhà đi làm. Nhờ người giới thiệu, chúng vào tận Đồng Nai, Sài Gòn làm việc trong các công ty, lập gia đình trong đó. Hàng năm cũng chẳng về nhà. Muốn về cũng chẳng có tiền. Chúng gọi điện: bố mẹ vào đây ở với chúng con. Trong này nơi tập trung đông người, dở ra cái gì cũng kiếm được ngày hàng trăm. Bố mẹ ở ngoài đó, ốm đau chúng con lo lắng lắm.
Tươi: Đâu cũng đất trời này thôi. Tuổi mẹ nói gì đến việc làm giàu. Các con  thương lấy bản thân,  chăm sóc cho gia đình thế là mẹ mừng. Bố mẹ ở ngoài này, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, không muốn xa quê hương, có thiếu thốn chút ít, không chết ngay mà sợ. Tươi nói với con mà nước mắt chảy ràn rụa, nhòe cả cái điện thoại di động loại rẻ tiền con gái mua tặng.
Vậy mà hắn trốn vợ, trốn con trong lúc thẳng Phong chưa có công ăn việc làm ổn định, chưa thành gia thất. Còn nhớ Lúc Phương kêu đau dữ dội, Tươi khóc. Phương nói: mày khóc cái gì! Tao không chết được đâu, lên viện, uống vài liều thuốc là khỏi thôi. Vậy mà hắn bỏ hắn đi. Mới biết mệnh con người mong manh lắm. Sống được một ngày là biết một ngày. Sinh ra là để tủi, để đau, để vất vả, để trả nợ đời người. Ngồi bên thi thể của Phương, Tươi khóc, khóc dữ dội, tiếng khóc nấc lên từ trong lòng ngực. À thì ra, Tươi thương Phương lắm, cảm giác mất mát khiến Tươi vô cùng đau xót. Giờ Tươi mới ý thức được điều đó. Sống với nhau vài chục năm, có với nhau mấy mặt con còn gì, con chó còn có tình huống hồ là con người. Phải đến cái lúc mất đi, Tươi mới hiểu được rằng đã thương hắn, nhớ hắn, yêu hắn.
Phương mất,Tươi cảm nhận được sự trống trải và quạnh quẽ mênh mông trong lòng, đôi lúc ngộp thở. Thế mới biết cho dù có lúc nó điên, bạt cho Tươi mấy cái tát, mắng chửi Tươi và cái mã nó xấu đui xấu hủi nhưng có nó, vẫn có người đàn ông trong  nhà, chăm lo những công việc mặc nhiên của giới mày râu. Có nó đêm nằm ấm áp. Mới thấy rằng nếu thiếu đàn ông, đàn bà đâu thể hoàn hảo.
Chiều nay, Tươi mang cái máy bơm nước ra ruộng . Cả tháng không có hạt mưa nào, cây trồng không thể phát triển vì thiếu nước. Tươi giòng ống nước xuống mép sông, giật dây khởi động cho máy chạy. Vài tiếng đồng  hồ, cái máy hộc lên mấy  tiếng phình phịch…ịch…ịch rồi tắt ngấm. Mệt và tức, Tươi đứng bất lực nhìn cái máy, bống chốc nhớ Phương . Phải chi hắn còn sống, những công việc này hắn làm. Có bao giờ Tươi phải mó tay. Đồ đểu! Tưởng sống với nhau cùng lo toan công việc, vậy mà hắn đã vội đi.
Sở dĩ có cái việc lân bang hàng xóm đồn ầm ĩ về Tươi, mấy chị em chồng áp đáo tại nhà vì nghi ngờ Tươi có quan hệ lén lút với Hạnh.
Cách đây hơn nửa năm, Tươi làm phụ vữa cho nhóm thợ xây. Gọi thế cho oách thôi chứ họ chỉ có ba người, nhận làm những công trình nhỏ như tường rào, nhà bếp, chuồng lợn, bể…Thật ra Tươi dẫu không làm phụ nề vẫn đủ ăn. Nhưng còn cái khác buộc Tươi phải làm: thứ nhất Tươi vốn quen lao động chân tay, nhàn tản là cảm thấy mệt mỏi; Thứ hai Tươi còn thằng con chưa lo được gia  thất cho nó. Tươi muốn có chút ít dành cho các con, dành cho mình lúc lâm chung, chị  em chúng khỏi tỵ nạnh đến mất chị , mất em. Mọi người bảo Tươi lẩn thẩn, lẩm cẩm cũng được.
Hạnh là thợ cả của tốp thợ đó, rất quan tâm đến Tươi. Đôi mắt Hạnh đăm đắm lộ rõ cảm thông chia sẻ với Tươi. Đặc biệt vào những lúc trời nắng dữ dội và oi bức, Tươi vận quần áo bảo hộ màu ghi bạc phếch vì vữa vôi, xi măng, chân đi ủng, khom lưng cầm xẻng, xúc từng xẻng cát nặng, có lúc nhảy cả vào cối vữa dùng chân nhào, mồ hôi mồ kê chảy ướt đẫm người. Một mình phụ vữa cho ba thợ xây quả là công việc nặng nhọc.  Hạnh bỏ dao bay, ra phụ với Tươi. Lúc Hạnh nhắc  người trong đội ra cùng Tươi làm vữa. Không như những thợ cả khác hay  cáu gắt, với Tươi, Hạnh  dùng  thứ ngôn  ngữ thật trìu mến và cảm thông: ” Mệt rồi hả, nghỉ tí đi. Tôi đỡ cho.. Ra làm cốc nước mát đi! Thắng ra cùng cô ấy làm vữa. Làm phải biết giữ sức. Có mẹo mới làm việc được lâu dài…..vv.” Những cử chỉ chăm sóc và  sự thông cảm của Hạnh làm Tươi có lúc thấy lòng vợi đi sự mệt mỏi, nhưng sự quạnh quẽ lại lớn lên.
Hạnh giúp Tươi dựng lại căn bếp bằng gạch cay. Tất nhiên vật liệu hoàn toàn của Tươi. Công thợ Hạnh chỉ lấy chút ít dùng trả cho thợ em.
Vào những buổi mưa dầm, vắng việc,  Hạnh lên nhà Tươi chơi, ngồi lâu lâu bên cái bàn trà làm bằng gỗ xà cừ đã mọt, uống nước chè vặt.
Tất cả chỉ có thế. Miệng nhân gian ác độc cứ thêu dệt nào là Hạnh cho Tươi tiền. Nào là bắt gặp hai đứa đi xuống dốc xuôi. Người ta đàn bà góa, không ý tứ gì, lên nhà người ta ngồi lì làm gì. Người ta nhìn Tươi cười cợt, đồn thổi một thành trăm, thành ngàn, làm Tươi cứ như người mắc tội.
Có người tỏ ra thông cảm với Tươi nói: các công các bà rỗi việc?  Sao lại cứ chích vào lòng người ta thế?  Trông người ta thế mà không thương! Chồng mất. Các con đi xa cả. Người ta thật cô quạnh. Mà có ai nhìn  thấy người ta trai trên gái dưới không? Kể cả cô ấy có ai quan tâm đi nữa, thì đã sao nào?  Con người chứ có phải gỗ đá đâu! Sống với nhau phải có chút tình chứ. Để mà sẻ chia mất mát và cảm thông. Những kẻ phá hoại hạnh phúc của người khác mới có tội.
Có người bâng quơ: gớm xét nét quá. Bây giờ nhà nghỉ đầy ra kia. Có ăn mỡ mới thương đến mèo. Con người với nhau sao cạn tình đến thế, vô cảm và cay nghiệt đến thế.
Vào những buổi tối, sau một ngày làm lụng mệt nhọc trở về, Tươi vội lấy nồi cơm điện, rửa, xúc bơ gạo nấu. Có một mình nên Tươi thường nấu một bữa ăn hai bữa. Ăn cơm một mình dẫu có thịt cá,  nem công chả phượng cũng chả thấy ngon. Tươi trệu trạo nhai nuốt từng miếng cơm, dùng muôi múc canh đưa lên miệng  húp từng ngụm nhỏ. Canh đã cho nhiều mì chính mà sao đắng ngắt. Có lúc Tươi ngước nhìn tấm ảnh chồng. Trên ban thờ, Phương nhìn Tươi lạnh lùng và nghiêm khắc. Nghĩ đến sự quan tâm của Hạnh, Tươi giật mình. Tươi vội đứng dậy, lấy nén nhang, thắp, đôi mắt nhìn bức ảnh với ánh mắt như sám hối. Tươi thành khẩn: “ Nam mô a di dà phật…Nam mô a di đà Phật…Các con của ông giờ  đi xa cả. Ở nhà chỉ còn mình tôi. Tôi cũng định đi với các con, nhưng còn đất hương hỏa. Vả lại còn thờ ông. Ông sống khôn, chết thiêng, phù hộ độ trì cho các con mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. …”. Tươi  khấn khứa, đồng thời nhìn lâu lâu vào tấm ảnh đẻ trên ban thờ. Tấm ảnh đã vương bụi, đôi mắt người mất dường như vẫn đắm đắm, lạnh lùng, nghiêm khắc. Tươi hoảng sợ, chạy ra bên ngoài, lâu lâu mới hồi tâm.
Tươi thôi không theo gánh thợ xây làm phụ vữa. Hạnh hỏi:  sao không đi làm ?
Tươi nói: người ta dị nghị. Hạnh cũng có thể vạ lây, mất công mất việc. Ngần này tuổi đầu rồi, nghe người ta đàm tiếu, đau lắm. Hạnh cũng đừng đến nhà Tươi chơi nữa. Chúng ta không nên gặp nhau. Hạnh thở dài. Lòng tê dại. Ánh mắt xa xăm chợt buồn.
Vào một chiều, Tươi khoác  bình bơm thuốc sâu về nhà, treo vào cái móc tường bếp. Người Tươi nóng ran như hòn than, đầu óc quay cuồng. Không kịp thay quần áo Tươi nằm lăn ra giường, mê man. Trong cơn mê sảng, lúc Tươi nhìn thấy lũ con ở bên đang lo lắng nhìn mẹ, dõi theo từng hơi thở của mẹ. Tươi thấy tội nghiệp cho chúng, như những con cò lặn lội đường xa, tha phương cầu thực kiếm sống. Lòng Tươi trào dâng niềm thương xót lũ cò con. Tươi ú ớ : mẹ có tội với các con! Mẹ không thể lo cho các con được nhiều hơn, giúp các con có cuộc sống với công việc ổn định tránh được mọi sự bất ổn. Mẹ không đáng mặt làm mẹ của các con. Lúc Tươi thấy mọi người đang cười cợt, dè bỉu. Những lời nói của họ như kim châm vào da thịt làm Tươi  cảm thấy xa xót vô cùng.  Bừng tỉnh, Tươi gắng gượng ra bên bàn, với tay lấy tích nước , rót nước nguội vào cái cốc nhựa , uống ừng ực. Bất giác Tươi nhìn lên bức ảnh. Khuôn mặt Phương lạnh lùng vô cùng. Mệt mỏi, Tươi quay lại giường nằm, tiếp tục mê man. Tươi chập chờn nhìn. Có ai đó đến bên giường, đứng nhìn Tươi, nói với Tươi bằng giọng ngạo nghễ của kẻ quyền uy đầy ma lực: này nói cho cô biết. Cô chỉ là của tôi. Chỉ là của tôi thôi !Biết không! Tươi choàng tỉnh. Bóng người với khuôn mặt lạnh lẽo ấy cũng biến mất.

Tươi vội vàng ngồi dậy. Trời ơi! Giá có lũ con ở bên.Chúng sẽ lấy nước cho mẹ uống, bón cho mẹ thìa cháo loãng. Chúng sẽ sa sót cho người đã mang nặng đẻ đau ra chúng, nuôi chúng lớn. Tươi muốn gọi hàng xóm, nhưng chợt nghĩ tới những lời đàm tiếu lại thôi. Tươi thấy tủi thân, quạnh quẽ, mệt mỏi và trống trải vô cùng. Chẳng có ai cả. Chỉ thấy có cái bóng của Tươi đơn côi  nhập nhoạng rũ rĩ in trên tường.                                                              Hưng Yên tháng 3 năm 2016