Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Thím Hoàn bộ quần
áo kẻ ô xanh nền trắng, bằng vải cô tông, đôi mắt sáng vui vẻ hài
hước, khuôn mặt đầy vẻ linh động đứng bên cạnh mấy người hàng xóm
trong bộ đồ lao động nhàu bẩn chưa kịp thay, khoát tay nói:
Nếu không vì con tôi
chẳng bao giờ đi làm ở công ty. Tội
gì đi làm ở công ty cơ chứ, làm ca,
làm kíp, chịu sự quản lý đốc thúc của người ta, mất hết cả tự do.Nghĩ
mà đau hết cả người!
Chị Xiêm hỏi: ai xin
cho bà thế?
Chị Hường nói vẻ
thán phục: hơn bốn mươi tuổi đầu vẫn xin được việc làm trong công ty.
Bà thật quá giỏi đấy.
Chị Xiêm: chắc có ai
xin cho rồi!
Thím Hoàn cười nói: kể cả là còn trẻ nhé, vào công ty ấy không phải dễ đâu.
Lúc phỏng vấn người ta hỏi tôi chị đang làm gì? Tôi nói bản thân làm
thợ may hơn hai chục năm nay rồi. Mấy cán bộ tròn xoe mắt.. Nói thật!
Không phải hoàng thân quốc thích không vào được công ty đâu. Tôi có hai
đứa cháu, một đứa làm trưởng phòng Marketing, một đứa cán bộ kỹ
thuật. Chúng lo liệu cho tất cả.
Có thế chứ!- Chị
Xiêm thốt lên. Đâu cũng trời đất này cả.
Chị Hường: Không
hiểu sao bà lại nổi hứng đi làm ở công ty. Công việc đồng áng, mấy
sào ruộng cấy cũng đủ thóc ăn quanh năm, vợ chồng đều có nghề
phụ mỗi ngày giẻ rách cũng kiếm
thêm được vài chục ngàn. Tự do không muốn lại đưa cổ vào tròng. Được
mươi ngày lại chán cho mà xem.
Chị Hoàn: không phải
chuyện đùa đâu! Mình nói nghiêm túc đấy. Nếu không vì con, mình đã
chẳng phải làm vậy. Các cậu tính. Thằng lớn đang học đại học ở HN,
mỗi tháng chi cho cháu ít nhất khoảng
ba triệu rưỡi đến bốn triệu. Con Hòa, tháng sau cũng sẽ đi học
đại học. Kì thi vừa rồi đã có kết quả. Cháu được 23 điểm chưa kể
cộng điểm khu vực hai nông thôn. Ông ấy nhà tôi hiền lành quá. Người
ta làm có cái ăn, cái để. Ông ấy làm, ngày công chẳng đáng kể chỉ
vì cái tội cả nể, thương người, không biết tính toán. Nghề may ở
nông thôn, ngày trước còn kiếm ăn
được. Bây giờ toàn quần áo may sẵn. Thoảng mới có khách đến đặt may
quần áo ngủ, hoặc chữa quần áo. Hiệu may giờ cũng nhiều. Ngồi có
mà há miệng chờ sung. Các cậu
tính, làm ruộng với nghề phụ như thế làm sao nuôi nổi các con ăn học
đại học đây. Tớ lại có thêm thằng út nữa chứ. Chẳng lẽ đành bó tay
buông xuôi sao?
Hòa
mặc cái quần ngố kẻ sọc ngồi trên chiếc tràng kỉ, nghe mẹ kể, vui
nhưng nhưng đôi môi hơi bĩu, nói: mẹ làm cứ như vì con mà mẹ vất vả
ấy. Con chẳng đi học nữa đâu.
Chị Hường: thế thì
ở nhà học lớp 60 mâm là xong.
Chị Hoàn: cứ như
người khác, chỉ đầu tư cho con trai học. Con gái học xong về nhà
người ta, báu gì.
Chị Xiêm: con gái
cái bòn. Sau này về nhà mẹ đẻ, xin từ cái chổi cùn dế rách.
Hòa kêu lên: khiếp! Các
bà! Thế thì đừng đẻ con gái nữa. Thôi chẳng thèm nghe chuyện nữa.
Hòa nói xong ngúng ngoảy đi vào nhà trong.
*
Xưởng nơi chị Hoàn
làm việc có chừng bảy trăm công nhân. Phần lớn là nữ độ tuổi từ 18 đến 40. Hiếm hoi lắm mới thấy một
nam giới trong các khâu sản xuất. Cánh mày râu chủ yếu đảm nhận các công việc
như lái xe nâng, bốc vác hoặc thực hiện các nghiệp vụ về điện.
Vào
bên trong mới thấy gian xưởng rộng mêng mông. Hơn ba chục dãy máy khâu công nghiệp, mỗi dãy vài chục chiếc
được bố trí theo dây chuyền.Cạnh đó là các bộ phận là , gấp và đóng gói. Công
nhân trong đồng phục màu trắng. Mỗi bộ
phận ăn vận đồng phục màu khác nhau.
Mấy
ngày đầu, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn Hoàn làm quen với công
việc. Những thao tác mà cô phải làm lặp
đi lặp lại đơn điệu, lấy phôi liệu đưa vào máy, nhấn ga cho máy chạy. Việc
Hoàn phải làm là may đường may sườn phải của chiếc quần lót nữ. Thao
tác thực hiện phải thật chính xác, vì phôi liệu
đã được cắt sẵn theo chuẩn và máy đã được điều chỉnh để thực hiện duy nhất
một việc đó trong cả dây chuyền. Mọi thứ đều phải nhịp nhàng, đồng bộ và liên tục. Cả ngày đầu, Hoàn không
may nổi một đường may, bởi miếng vải lúc lệch trái, lúc lệch phải,
có lúc chạy ra ngoài bàn máy, thành thử Hoàn phải tách ra khỏi dây
chuyền, ngồi cặm cụi tháo chỉ, may lại. Lắm lúc tức phát khóc nghĩ
: “ vậy là mình không thể theo được công việc này rồi. Sao họ lại kỹ
tính thế không biết, đòi hỏi chính xác đến hàng mi li mét. Ai mà
làm được! Nó chỉ là cái quần lót thôi mà. Lương hưởng theo sản phẩm, thế này thì
chết đói.” Nhưng nhìn những người công nhân cắm cúi bên bàn máy, chợt
nghĩ đến lũ con cần tiền để học, Hoàn lại tự động viên mọi người
làm được thì mình cũng làm được.
Ngày thứ hai Hoàn
may được 20 chiếc, ngày thứ ba được 30 chiếc, ngày thứ tư được 50 chiếc.
Phần vì không khí công nghiệp khẩn trương, phần vì tính chất của dây chuyền đòi
hỏi các thao tác ở mỗi vị trí cũng phải chính xác và liên tục, phần sợ bị
loại khỏi công việc nên Hoàn không
dám lơi là. Đôi mắt chị nhìn như dán vào mũi kim và khay phôi liệu,
tập trung toàn lực thực hiện thao tác lấy vải, đặt vải và lựa vải
vào mũi kim sao cho thật chính xác.
Dần dà Hoàn bị lôi cuốn bởi công việc.
Khi đôi tay Hoàn rã rời
vì công việc, thân thể bải hoải mỏi mệt,cũng là lúc nghỉ trưa. Theo mọi người, Hoàn
xuống nhà ăn. Chị lấy khẩu phần ăn đựng trong hộp, cốc nước rồi tìm chỗ ngồi,
tay cầm thìa, tay cầm đũa, ăn ngấu nghiến. Đói vì mất nhiều ca lo, nhưng ăn
cũng không thấy ngon. Chị xúc từng thìa cơm đưa miệng, dùng đũa gắp rau, thịt
lợn xào bỏ vào bát, gắng ăn cho lại sức.
Lúc này, công nhân từ
các nhà xưởng đổ vào nhà ăn rất đông. Có đến hơn chin mươi phần trăm trong số họ
là nữ. Họ lấy khẩu phần thức ăn rồi tốp nào vào tốp ấy, vừa ăn vừa tán chuyện.
Đó là những người thợ đã vào làm trong doanh nghiệp này được vài ba năm, quen với
công việc, có kinh nghiệm nghề nghiệp. Chủ đề chính trong giờ nghỉ trưa bao giờ
cũng vậy đó là chuyện chồng con. Dường như những câu chuyện ấy làm cho họ lấy lại
cảm xúc tươi vui sau những giờ làm việc với công việc đơn điệu nhưng khẩn
trương như một cái máy. Thoảng có nam công nhân đi qua dãy bàn. Hầu như tất cả
cặp mắt của các nữ công nhân đổ dồn về phía đó, những tiếng gọi, tiếng trêu trọc
nổi lên thật ngộ. Dù chỉ có bóng dáng một hai nam công nhân trong nhà ăn, hoặc
trong xưởng , dường như cũng đủ làm
không khí bớt oi nồng bởi tính nữ . Mấy nữ công nhân cùng chuyền với Hoàn
ngồi cùng bàn. Hai người trong số họ đã lập gia đình, còn lại hơn chục người độ
tuổi hăm nhăm hăm sáu vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào.
Chị Tĩnh nói: làm lụng vất vả, có hôm
đi ca hai, về đến nhà khoảng 11 có hôm tới 12 giờ khuya mới về đến nhà. Chồng
con đã ngủ. Ngồi ngắm con ngủ, cái miệng
con chúm chím, khuôn mặt con vô tư đáng
yêu làm sao. Nghĩ mà thương con đến thắt ruột. Chẳng gần con được bao nhiêu
trong ngày. Lắm lúc chồng đòi …. Mệt quá
quay mặt vào trong, ngáp dài. Thế là lão
thôi. Lâu rồi cũng chẳng nghĩ đến sự ấy nữa..
Chỉ
nói dối!- Chị Hoàn cự lại. Khuôn mặt lúc nào cũng đỏ hây hây thế kia. Vậy mà
dám nói không thích chuyện ấy.
Có
ai bảo không thích đâu. Cái con này. Nhưng mà mệt chỉ muốn làm một giấc cho thật
đã. Còn mày ấy. Rồi xem nhá.
Mấy
đứa con gái trong tổ Hoàn chưa chồng, nghe các chị lớn tuổi nói chuyện ấy, cái
to, cái nhỏ với ngôn ngữ bóng, thoảng lại
phá lên cười, đôi lúc cũng đỏ mặt. Họ nói: gớm! Các bà. Chuyện gì mà tục thế.
-
Chúng
bay nữa, liệu mà chồng con đi.
-
Chồng
con sao được chị. Cả ngày đi làm. Từ sáng đến tối, bệt cả đũng quần.
Xí nghiệp toàn phụ nữ với nhau. Có quen biết ai đâu. Có cơ hội nào đâu.
Trong nhà máy có mấy anh trông còi còi,
cái ấy có khi chỉ bằng quả ớt, người đi hình dấu ngã, vậy mà cũng thành mì
chính cánh, vênh mặt lên với chị em.
Cả
đội lại ré lên cười. Chị Bích vẫn quen thói bông lơn: biết bằng quả ớt hay
to bằng củ khoai. Xấu dây tốt củ cũng nên. Mọi người lại cười như nắc nẻ.
Hoàn nói: cái nhà chị Bích này. Người
đâu mà hễ nói toàn là chuyện cái ấy. Cái gì bà cũng quay về với cái ấy được.
Giờ
nghỉ trưa ngắn ngủi nhưng tạo cho Hoàn lấy lại sức lực và tâm trạng thoải mái. Chị vào xưởng, tới vị
trí làm việc. Mọi người trong chuyền cũng đã bắt đầu với công việc. Tiếng máy
khâu chạy xè…xè…xè…xoẹt. Cả xưởng giờ rộn
ràng với những âm thanh của máy khâu.
Chị
Hoàn làm thêm giờ, nên mãi tới 4h chiều mới từ công ty về nhà. Bước khỏi cổng
công ty, chị cảm thấy không gian như rộng
ra, thông thoáng và rộng rãi. Chị hít thở thật sâu, cảm giác sảng khoái bởi không khí tươi mát tràn trong lòng.
*
Chiều, mặt trời đã
chếch lưng chừng phía tây. Ánh nắng nhạt dần. Chị Hoàn để xe máy
vào góc sân, vội xuống nhà ngang lục lọi, lấy bơm thuốc trừ sâu
khoác lên vai, không quên lấy gói thuốc sâu. Chị dong cái xe đạp cũ kỹ
vội đạp xe ra đồng. Chiều nay chị Hoàn phải bơm thuốc sâu cho thửa
lúa đang vào mẩy.
Mãi tới lúc nhọ
mặt người chị Hoàn mới về tới nhà. Mấy chị hàng xóm như thường lệ
lại ríu rít chuyện nhà , chuyện đời.
Chồng chị cùng con
Hòa cũng mới từ Hà Nội về nhà. Hôm nay anh cùng con lên trường Đại
học NT lấy giấy chuyển nguyện vọng tới trường khác.
Chị Hoàn: tưởng
cháu đỗ rồi. Ai dè chỉ trong một ngày điểm chuẩn vào trường nhảy
lên ở mức 26 điểm. Con bé bị tụt xuống hàng thứ 700 trong khi chỉ
tiêu ngành học chỉ có 70. Nguyện vọng một của cháu trượt rôi!
Chị Xiêm: chuyển cho
cháu vào đại học sư phạm. Nay mai
làm cô giáo vừa nhàn, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình.
Chị Hoàn giãy nảy:
Liệu có tiền mà xin việc không? Tiền ăn học đã tốn kém. Xin việc mất
vài trăm lit . Chạy công chức nữa. Tiền đâu? Thôi học cái ngành nào
đó, sau này làm việc trong công ty.
Chị Hường: tưởng xin
việc trong công ty dễ lắm ư? Đấy là ngày xưa. Giờ không phải là người
quen, không phải con ông cháu cha cũng khó bề thực hiện.
Anh Thịnh chồng chị
Hoàn: mọi người cứ nghe đồn thổi. Người ta cứ phóng đại lên, một
đồn mười, mười đồn trăm thành thử mọi thứ méo mó thế. Đầu tiên cứ
phải học giỏi cái đã. Sau hãy tính.
Chị Hoàn tư lự: nói Cá chuối
đắm đuối vì con. Khó khăn vất vả cũng phải cho con ăn học đến nới
đến chốn. Cháu Hòa học xong, xin vào
cơ quan nhà nước nếu mất vài trăm lít, dù phải bán nhà, bán
đất tôi cũng làm. Đời mình đã khổ
rồi. Chẳng lẽ để con cái khổ như mình
Chị Xiêm: thế thì cào răng ra mà ăn!
Chị Hoàn: kệ! Còn một răng tôi cũng bừa.
Hưng
Yên tháng 9 năm 2015
Hồ Ngoc Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét