Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Huyền thoại về Từ Đạo Hạnh: Thiền sư đắc đạo, Hoàng đế hay Thần linh?


Nguồn Đại Kỷ Nguyên
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) là một vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam vào thời nhà Lý, được nhân dân cung kính với tên gọi Đức Thánh Láng. Hình tượng được tôn thờ ở chùa Láng, chùa Thầy và chùa Nền tại Hà Nội. Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, ngày ngài viên tịch. Theo truyền thuyết ngài còn là ông Tổ của nghề múa nước rối.
Tu hành xuất thần thông
Thiền Uyển Tập Anh, cuốn sách ghi chép về các tông phái Thiền học, các thiền sư nổi tiếng Việt Nam, ghi về sư như sau:
Thiền sư họ Từ, tên húy Lộ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án. Nguyên là Từ Vinh trọ học ở hương Yên Lãng, lấy vợ là con gái nhà họ Tăng rồi cư trú ở đó. Ông là con bà họ Tăng đó. Bản tính ông từ nhỏ hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được.
Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo đá cầu, đánh bạc vui chơi, thường bị cha trách mắng là lười nhác.
Một đêm Từ Vinh lén vào phòng thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống bên cạnh, còn Từ Lộ thì đang tựa án mà ngủ, tay vẫn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Từ đó cha ông mới không phải lo nghĩ gì nữa. Sau triều đình mở khoa thi tăng quan, ông dự thi được trúng tuyển.
Nguyên trước kia thân phụ ông là Từ Vinh có điều xích mích, bị Diên Thành Hầu cho là dùng tà thuật xúc phạm đến mình. Vì vậy Diên Thành Hầu nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.
Thây Từ Vinh trôi đến cầu An Quyết thì bật dậy, chỉ tay vào nhà Diên Thành Hầu suốt một ngày. Diên Thành Hầu sợ hãi sai người đi báo với Đại Điên. Đại Điên đến nơi quát: “Kẻ tu hành giận không quá đêm!”. Thây Từ Vinh nghe vậy lại tiếp trôi đi.
Ông muốn báo thù cha nhưng không biết cách nào. Một hôm nhân lúc Đại Điên ra ngoài, sư bèn xông vào đánh. Bỗng nghe trên không có tiếng quát: “Dừng lại! Dừng lại!”. Ông sợ vứt gậy mà chạy.
Từ đó ông quyết chí tìm đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ. Đến nước Kim Xỉ Loan gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Ông ẩn cư trong hang đá núi Phật Tích, ngày ngày trì tụng kinh chú Đại Bi Đà La, đủ mười vạn tám nghìn lần. Một hôm sư thấy thần nhân đến bảo: “Đệ tử là Trấn Thiên Vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh nên xin đến hầu để sư sai phái”.
Ông quyết chí tìm đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ. Đến nước Kim Xỉ Loan gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Sư biết là đạo pháp viên thành, đã có thể báo thù cha. Sư bèn đến bên cầu An Quyết, thử ném gậy xuống giữa dòng nước xiết. Chiếc gậy liền trôi ngược dòng đến phía tây cầu Tây Dương (Cầu Giấy ở Hà Nội) thì dừng lại. Sư mừng nói : “Phép ta thắng Đại Điên rồi”. Sư bèn đi thẳng đến nhà Đại Điên. Đại Điên trông thấy nói:
– Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao?
Sư ngước nhìn lên trời, không thấy động tĩnh gì, bèn vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết.
Từ đó rửa sạch oán thù, việc đời như tro lạnh, sư bèn đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tìm thầy ấn chứng. Nghe nói Kiều Trí Huyền hoá đạo ở Thái Bình, sư tìm đến tham vấn. Sư đọc bài kệ hỏi về chân tâm:
Lẫn với bụi đời tự bấy lâu
Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?
Cúi xin rộng mở bày phương tiện
Thấy được chân như sạch khổ sầu
Trí Huyền đọc kệ đáp:
Minh ngọc vang đưa tiếng ảo huyền
Ở trong vẫn lộ tấm lòng thiền
Cát sông là cõi Bồ Đề đó
Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn
Sư vẫn lờ mờ không rõ bèn tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Phạm Hội. Sư hỏi:
– Thế nào là chân tâm?
Phạm Hội nói:
– A nan mỗi cái đều là chân tâm
Sự rạng rỡ, tỉnh ngộ, hỏi lại rằng:
– Tu hành, ở như thế nào?
Phạm Hội đáp:
– Đói ăn khát uống.
Sư lạy tạ rồi cáo từ trở về. Từ đó pháp lực như được tăng thêm, duyên thiền càng thêm thuần thục, có thể khiến rắn rết, muông thú đến chầu phục, đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.
Bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng 3 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112) ở phủ Thanh Hoá có người tâu: “Vùng bờ biển Sa Châu có một đứa trẻ con linh dị, mới lên ba tuổi mà nói năng biện giải như người lớn, xưng là hoàng tử, tự đặt hiệu là Giác Hoàng. Phàm mọi việc làm của hoàng thượng, không điều gì đứa bé ấy không biết, là hóa sinh của Đại Điên vậy.”
Vua sai trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can ngăn vua không nên làm như vậy.
Các quan lại nói: “Nếu đứa bé quả thật linh dị, tất nên thác sanh vào nội cung, rồi sau mới lập làm thái tử được”. Vua nghe theo, bèn cho mở hội lớn, bảy ngày đêm để làm phép thoát thai.
Sư nghe chuyện tự nghĩ: “Đứa bé này là yêu tà, mê hoặc mọi người. Ta nỡ nào ngồi nhìn mà không cứu, để nó làm mê hoặc nhân tâm, làm loạn chính pháp?”.
Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuỗi hạt do sư đã kết ấn, treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ ba, thì Giác Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: “Ta đã đi khắp hoàng thành, nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt vào bằng cách nào”. Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận.
Vua ngờ sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì sư thú nhận. (Ảnh minh họa: flickr.com)
Nợ nghiệp vay phải trả, viên mãn nhập Niết Bàn
Quan quân bèn bắt sư trói, đem đến lầu Hưng Thánh để triều thần định tội. Lúc ấy gặp Sùng Hiền Hầu đi qua, sư thống thiết giải bày với Hầu về chuyện đó. Sư nói:
– Qúy Hầu gắng giúp cho bần tăng thoát tội. Ngày sau xin đầu thai để đáp ơn tạ đức.
Sùng Hiền Hầu nhận lời. Khi vào triều nghị, các quan đều nói:
– Bệ hạ không có nối dõi nên mới cầu Giác Hoàng thác sinh làm con, vậy mà Từ Lộ dùng bùa phép cản trở, xin bệ hạ cho xử chém để thiên hạ hả lòng.
Sùng Hiền Hầu từ tốn tâu rằng:
– Giác Hoàng nếu quả có thần lực, thì dẫu cả trăm Từ Lộ làm bùa chú cũng không làm hại được. Đằng này Giác Hoàng lại bị lưới sắt chắn không vào được, thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngu ý của thần, bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ và cho Từ Lộ thác sinh. Vua thuận theo lời tâu của Sùng Hiền Hầu.
Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền Hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng, nhưng Sùng Hiền hầu biết trước nên không căn vặn gì. Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Sư dặn Sùng Hiền Hầu: “Khi nào phu nhân sắp sinh thì báo cho bần tăng biết trước”. Đến lúc phu nhân sắp sinh Sùng Hiền Hầu cho người đến báo. Sư bèn tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi bảo đệ tử:
– Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ hai mươi hai. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa. Các đệ tử nghe nói không cầm được nước mắt. Sư bèn đọc bài kệ rằng:
Thu về chẳng báo nhạn theo bay
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hởi môn đồ đừng quyến luyến
Thầy xưa mấy lượt hoá thầy nay
Nói xong sư trang nghiêm mà hoá, đến nay hình xác vẫn còn ở trong vách đá chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn
Phu nhân Sùng Hiền Hầu sinh con trai, tức là Dương Hoán. Khi được 3 tuổi, Lý Dương Hoán được vua Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi cho ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), trở thành vua Lý Thần Tông.
Ngày 26 tháng 9 năm 1138, Lý Thần Tông qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 23 tuổi. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Năm 1136 vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ ban cho Minh Không. Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này”.
Tháng 8 năm 1132, quân Chân Lạp và Chiêm Thành vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái úy Dương Anh Nhị đánh thắng được quân hai nước. Sang năm 1134, hai nước phải đến tiến cống.
Tháng 9 năm 1136, tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng lại mang quân vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp.
Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp. (Ảnh minh họa: amazon.com)
Vua Thần Tông đại xá cho các tù phạm và trả lại ruộng đất mà đã tịch thu của quân dân trước đó. Ông cũng thực hiện chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay phiên nhau cứ sáu lần một tháng được về làm ruộng. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển.
Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi (1136), bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:
Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư Nguyễn Minh Không. Đến am, sư cười bảo: “Đây không phải là việc cứu cọp đó ư?”. Quan chỉ huy hỏi: “Sao thầy sớm biết trước?”. Sư bảo: “Ta đã biết việc này trước ba mươi năm”.
Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: “Bá quan đem cái vạc dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó”.
Sư lấy tay mò trong vạc lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: “Quý là trời”. Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.
Lý Thần Tông ở ngôi hoàng đế được 10 năm, chỉ thọ 23 tuổi.
Nam Phương (Tổng hợp)
Xem thêm:

Chia Sẻ
241
 Từ

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Làm một người ‘thú vị’ mới chính là cảnh giới cao nhất của nhân sinh

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
Ngày nay, chúng ta thường đánh giá một người thông qua thân phận, địa vị, nghề nghiệp, thu nhập, nhà, xe… Nhưng ở các quốc gia phát triển, họ lại dựa vào sự “thú vị” của một người để đánh giá mức độ thành công của người đó.
Người nước ngoài thường dùng từ “thú vị” để đánh giá một người, nếu như bị người khác nói “không thú vị” thì chính là thất bại. Cũng vì vậy mà có người nói rằng, kẻ thù lớn nhất đời này của con người chính là “cuộc sống vô vị”.
“Vô vị” cũng do nhiều nguyên nhân hợp thành. Mà những thế hệ người sinh ra trong thời đại này càng không có cách nào “thú vị”. Vòng quay gấp gáp của xã hội hiện đại khiến chúng ta không có thời gian nghĩ đến thứ gọi là “thú vị” này. Chúng ta vẫn còn bị kìm hãm, quá nhiều gánh nặng, mâu thuẫn trong tư tưởng, lúc nào cũng chau mày, ủ rủ.
Vì vậy ở bên cạnh chúng ta có rất nhiều người lương thiện, có năng lực, sự nghiệp thành công, tài phú không ít, nhưng mà lại không có chút thú vị nào. Có một số người phụ nữ, vừa đẹp vừa lộng lẫy nhưng lại khiến cho người khác nhàm chán. Vậy “thú vị” thực ra là gì?
1. “Thú vị” là gì?
Nhà văn Dư Quang Trung nổi tiếng của Đài Loan trong tác phẩm “Bằng hữu tứ hình” đã phân con người thành bốn loại:
Loại hình thứ nhất: Cao cấp mà thú vị
Loại hình thứ hai: Cao cấp mà vô vị
Loại hình thứ ba: Cấp thấp mà thú vị
Loại hình thứ tư: Cấp thấp mà vô vị
Dùng “thú vị” và “vô vị” làm tiêu chuẩn để phân loại người cho thấy điều này thật quan trọng. Nhà văn Trung Quốc Giả Bình Ao từng nói rằng: “Một người có thể vô tri nhưng không thể vô vị, muốn làm một nhà văn quê mùa cũng cần phải là một người thú vị“.
Khi con người không còn thú vị nữa thì sẽ trở nên nông nổi, lỗ mãng, ngớ ngẩn, nông cạn, không còn đáng yêu nữa. Cả ngày buồn rầu cau mày, tâm sự trùng trùng, than ngắn thở dài, hình như cả thế giới này đều thiếu nợ họ. Người như vậy sống chỉ ngăn trở người khác, khiến cho người khác thêm buồn bực.
Nhưng một người thú vị lại không giống như vậy, bởi vì sự tồn tại của họ khiến cho những người xung quanh trở nên vui vẻ hơn, náo nhiệt hơn. Từ trường mà họ phát ra cũng giúp cho người khác phấn chấn hơn. Người thú vị được xem như “quả khai tâm” trong cuộc sống, cũng là “nguồn vui vẻ” của người khác.
Khi ở cùng với người thú vị bạn sẽ cảm thấy cả thế giới này đều thú vị, cuộc sống thú vị, thậm chí ngay cả bản thân cũng bắt đầu thú vị. Một người thú vị sẽ rất yêu quý và hết lòng với cuộc sống.
Người thú vị mang lại cảm giác vui vẻ, xua đi cái lạnh lẽo, buồn rầu. (Ảnh: Pinterest)
2. Người hiện đại không nhất thiết sẽ thú vị hơn người cổ đại
Trong thời cổ đại có một số người còn thú vị hơn so với người hiện đại. Ngày nay chúng ta đọc “Luận Ngữ”, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy Khổng Tử là một người vô vị. Nhưng nếu bạn biết được Ngài và đệ tử nói chuyện hài hước ra sao, hay gặp mỹ nhân nam tử, Ngài còn chơi đàn, bông đùa cùng họ. Khi đó, bạn sẽ biết “Thánh nhân” chính là một người thú vị, tình cảm phong phú.
Một người thú vị không nhất định là một người có danh tiếng cao xa, mà là một người thanh cao thoát tục. Ví dụ như Tấn Nhân Vương, Tử Du, sống ở Sơn Âm, vào một đêm nọ bị tiếng sét đánh thức, ông đến Trung Viện, một bên uống rượu, một bên thưởng thức cảnh sét đánh, cảm xúc dâng trào, liền ngâm thơ.
Một người thú vị là một người tâm không bị ràng buộc, trực tiếp diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình, chân thành, không giả tạo. Cho dù có gặp phải hoàn cảnh khó khăn cũng giữ vững lập trường, không thay đổi khí chất.
Chẳng hạn như cả đời nhà văn Kim Thánh Thán đều rất khôi hài, chỉ bởi vì một vụ “Khốc miếu án” mà bị phán tử hình, nhưng vẫn cười chịu chết. Hai người con trai của Kim Thánh Thán là Lê Nhi và Liên Tử tiếp nhận lời trăn trối của người cha hiền từ mà lệ chảy thành dòng.
Kim Thánh Thán nhìn thấy con trai như vậy vẫn bình tĩnh ung dung, nói với con mình rằng: “Khóc có tác dụng gì chứ, hai con đến đây, ta ra vế đầu của một câu đối, hai con đáp lại vế sau“. Sau đó lập tức ra vế đối:
Liên Tử tâm trung khổ“.
Hai người con nghe xong liền quỳ xuống, vừa khóc vừa suy nghĩ vế đối. Kim Thánh Thán lại nó: “Đều đứng dậy đi, để ta giúp hai con đối lại vế sau“. Nói xong ông lập tức đọc ra vế sau:
Lê Nhi phúc nội toan“.
Hai câu đối này có ý nghĩa là: Trong lòng của Liên Tử đau khổ thì trong tâm của Lê Nhi cũng bi thống.
Hai câu đối này cũng là lời từ biệt sinh tử, nhất ngữ song quan, vừa nghiêm cẩn lại vừa khiến cho tâm hồn người khác lay động.
Một người thú vị không nhất thiết phải làm thành việc lớn, nhưng lại có thể khiến cho người khác vừa nhìn đã vui vẻ.
Một người thú vị mới thật sự hiểu được chân lý của cuộc sống, cũng hiểu được cách hưởng thụ cuộc sống. (Ảnh: Youtube)
Ví như trong truyện “Anh Hùng Xạ Điêu”, Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông là nhân vật khiến cho người ta thích nhất. Võ công của ông mặc dù cái thế, nhưng tâm tính lại giống hệt trẻ con, cả ngày điên điên khùng khùng. Ông thích bày trò đùa ác liệt, nhưng lại không hề ác ý, xung quanh ông luôn phát sinh nhiều chuyện tốt. Tạo ra không ít lãng mạn vui tươi cho giang hồ suốt ngày chém chém giết giết, mưa máu gió tanh.
Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rõ: Thú vị là một tài nguyên ít ỏi trong xã hội này, thú vị không liên quan đến việc đọc sách uyên bác ra sao, càng không liên quan gì tới việc tiền bạc nhiều ít như thế nào. Cũng không có liên quan gì đến thân phận, địa vị, giới tính, tuổi tác, hoàn cảnh, điều kiện…
Những người thú vị thường dễ bị người khác hiểu sai. Có người ngộ nhận rằng “thú vị” là ăn uống nhanh nhẹn, lời nói thô thiển, cử chỉ thấp kém. Đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Mà trái lại họ là những người thân thiện, gần gũi, hài hước, tốt bụng và sâu sắc. Ở bên họ chúng ta luôn cảm nhận được nguồn năng lượng vui vẻ, tích cực đầy hứng thú và yêu cuộc sống.
Thật ra muốn làm một người thú vị không hề khó chút nào. Trước tiên bản thân bạn phải cảm thấy thế giới này thú vị. Thú vị cũng là một loại thái độ sống. Một người thú vị thường là một người thông minh, lạc quan, hài hước, và tràn đầy tình cảm.
Một người thú vị mới thật sự hiểu được chân lý của cuộc sống, cũng hiểu được cách hưởng thụ cuộc sống. Trên thế giới này có nhiều người thú vị, thì chỉ số hạnh phúc của chúng ta sẽ càng được nâng cao, mong rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành một người thú vị.
Theo soundofhopeKhải Phong biên dịch
Xem thêm:

CÁNH CÒ




Rập rờn, rập rờn cánh cò trắng
Mỗi sáng tinh sương
Mênh mông, mênh mông
                                   Cánh đồng
Ngân nga trong ta
Câu  dân ca mẹ ru:
“Cánh cò bay lả, bay la
Bay từ ngọn gạo, bay ra cánh đồng”.
Cánh cò bay xa
                   Năm châu bốn biển,
Cò vào trong thơ, vào ca dao, cổ tích
Cò vào giấc ngủ em thơ
Nuôi dưỡng hồn người
Cánh cò quê ta dầu sương, dãi nắng

Cánh cò bay la, cánh cò bay lả
Cò hóa hồn người
Quê mẹ ơi!

Hưng Yên 2018


.



ĐÓ LÀ MÙA XUÂN




ĐÓ LÀ MÙA XUÂN

Mưa dịu nhẹ đậu trên vai áo
Rét giá, hanh khô  đã qua rồi
Xuân tỉnh giấc, tinh khôi lộc biếc
Đất trở mình rạo rực cờ, hoa.

Anh chợt nghe sáng nay chim hót
Tiếng yêu thương lảnh lót trên cành
Trong vườn xanh, ngát hương hoa bưởi.
Đất  Quê hương trải bao dông bão
Vần còn đây đằm thắm  mùa xuân.

Hưng Yên 2018















.



Những câu chuyện của loài vật khiến con người chấn động về nhân sinh 09:00, 20/02/2018


NGuồn: Đại Kỷ Nguyên
Dưới chân núi Thiên Sơn có một ngôi làng nhỏ, trong làng có một con ngựa mẹ khỏe mạnh xinh đẹp, con ngựa đực đã mất từ lâu. Người trong làng muốn tìm một con ngựa đực khác để lai giống tiếp, nhưng đều không thành công. Mọi người cuối cùng nghĩ đến một con ngựa con rất là cao lớn khỏe mạnh mà con ngựa mẹ sinh ra. Nhưng trong tâm người dân du mục đều hiểu rõ, loài trâu bò vốn cự tuyệt giao phối họ hàng gần. Làm sao đây?
Thế là, những mục dân liền lấy tấm vải đen bịt chặt hai mắt của hai con ngựa lại, sau đó đưa ngựa con đến trước mặt ngựa mẹ. Kết quả đã được như ý muốn, hai con ngựa đã giao phối thành công.
Những mục dân chột dạ, ra xa hơn 100 mét mới cởi bỏ tấm khăn bịt mắt của hai con ngựa ra. Lúc này, ngựa con quay đầu nhìn một cái, nhận ra là ngựa mẹ; ngựa mẹ cũng nhận ra đứa con của mình. Bất thình lình, một chuyện không ngờ đến đã xảy ra:
Chỉ nghe ngựa con ngửa mặt lên trời hí to một tiếng, ngựa ta gắng sức lồng lộn giật đứt dây cương, chạy bạt mạng về phía vách núi ở đằng xa ….
Những mục dân còn chưa kịp phản ứng gì, ngựa con đã tung mình lên trên không, lao xuống vách núi.
Mọi người hốt hoảng vội vàng ngoảnh đầu lại nhìn ngựa mẹ, ngựa mẹ cũng kêu thảm một tiếng, chạy thục mạng về phía ngược lại, khi đến gần vách núi sâu vạn trượng, ngựa mẹ cũng tung mình lao xuống vực thẳm giống y như vậy!
Đây là một cảnh tượng mà người bạn nhà thơ ở vùng Tân Cương của tôi tận mắt chứng kiến, trong lúc kể lại chuyện này, vành mắt anh đỏ hoe, âm thanh nghẹn ngào.
(Ảnh minh họa)
Mọi người thường nói loài ngựa trâu trí óc không được thông minh, nhưng loài ngựa trâu vẫn biết xấu hổ là gì; mọi người thường nói loài chim cánh cụt ngu xuẩn vụng về, nhưng loài chim cánh cụt lại một lòng chung thủy với tình yêu. Điều này đối với con người chúng ta, nhất là người hiện nay vốn tự cho là bản thân mình là sinh mệnh cao cấp mà nói, thật đúng là sự chế nhạo lớn biết chừng nào. Trong xã hội hiện nay, khi ôm bồ nhí trở thành niềm kiêu hãnh, khi tình một đêm trở thành mốt thời thượng, khi làn sóng ly hôn trở thành câu chuyện được mọi người hết lời ca tụng, thì những giáo viên “cầm thú” đã trở thành hiện tượng tràn lan…
Dê là tượng trưng của sự hèn nhát, nhưng loài dê biết quỳ gối cảm ơn mẹ mình khi được cho bú mớm; loài quạ càng không được con người yêu thích, nhưng loài quạ lại có mỹ đức phụng dưỡng cha mẹ. Hình tượng của hươu cũng rất là khiêm tốn, nhưng loài hươu cũng biết hiếu kính thiện lương… Có một truyền thuyết về chú hươu lao mình xuống vực thẳm thật khiến con người phải tự hổ thẹn. So với loại người vô đạo đức không biết tôn kính bề trên, phụng dưỡng cha mẹ, thì loài hươu không biết còn cao thượng hơn biết bao nhiêu lần.
Mọi người thường nói, sói là loài động vật tàn nhẫn nhất trên thế giới, đây đúng thật là một nỗi oan lớn trong giới tự nhiên. Bởi thật ra, sói chỉ vào những lúc bụng đói mới “há to miệng” với loài cừu, còn con người sau khi ăn no rồi mới đi giết người, khi đói càng là lạm sát vô cớ để thỏa mãn vị giác, thật đúng là cực kỳ tàn ác. Nếu không tin thì hãy xem thử danh sách thực đơn của các món: óc khỉ chưng hấp, vay cá chua ngọt, tay gấu hương lạt, v.v…. thì sẽ biết ngay những món ăn nổi tiếng này đầy mùi máu tanh, đều là bằng chứng thép về sự tàn nhẫn tham lam của con người.
Có một nữ doanh nhân người Mỹ đến Trung Quốc làm giao dịch. Trước khi về nước, người chủ đặt bàn tiệc ở nhà hàng cao cấp để nói lời từ biệt, trên bàn ăn có hai món ăn: vi cá kho tàu, lẩu cay thịt chó. Sắc, hương, vị đều có đủ cả, bởi cô chưa từng ăn qua những món này, nên rất lấy làm hiếu kỳ, liền hỏi chủ nhà đây là món gì. Người chủ vừa tỏ ý khoe khoang vừa nói rõ sự thật. Sau khi nữ doanh nhân biết rõ sự thật của món vi cá và thịt chó đã từ chối không dùng. Cô nói: “Thật tàn nhẫn quá, loài chó là bạn thân của chúng tôi, cá mập nếu không có vây, chắc chắn sẽ không sống tiếp được nữa, tôi thật sự cảm thấy nhục nhã nếu ăn cái món vi cá và thịt chó này”. Người chủ Trung Quốc nghe xong không khỏi xấu hổ.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã từng đăng một bản tin như vậy: ngoài hồ Côn Minh, tỉnh Vân Nam không hiểu sao lại có rất nhiều chú chim hải âu bay lượn, người dân thành phố Côn Minh rất lấy làm hiếu kỳ, đều mang bánh mì, bánh khô cho những chú chim hải âu ăn, và đây là điều rất đáng được tuyên dương.
(Ảnh minh họa)
Nhưng thời gian lâu dần, mọi người dần dần không còn cảm thấy hứng thú với việc này nữa, những chú chim hải âu đã bị lạnh nhạt. Nhưng có một ông cụ, không kể gió thổi trời mưa, ông đều mang thức ăn đến để nuôi mấy chú chim hải âu đó. Chuyện này đã được một nhóm sinh viên đến hồ Côn Minh vẽ vật thực và chụp ảnh phát hiện, lúc đầu họ không chú ý lắm. Có lần trời đổ mưa to, ông lão vẫn đến, lúc này mới khơi dậy sự chú ý của họ, liền đem cảnh ông lão khom lưng cho những chú chim hải âu ăn chụp lại. Nhưng về sau họ phát hiện ông lão không có đến nữa, cảm thấy có phần kỳ lạ, liền vội vàng đi dò hỏi thông tin ông lão. Mọi người cho biết, ông lão đã qua đời rồi, ông lão gần như đã dùng hết toàn bộ số tiền tích cóp được để mua bánh mì và bánh khô cho những chú chim hải âu ăn. Nhóm sinh viên sau khi nghe xong vô cùng cảm động, họ đã phóng to bức ảnh “ông lão cúi mình cho chim hải âu ăn” mà họ tình cờ chụp được và đem dựng ở bên hồ Côn Minh, bên trên có ghi dòng chữ: “Ông lão yên nghỉ, chúng tôi sẽ chăm sóc cho những chứ chim hải âu này!”
Nào ngờ sau khi tấm biển vừa được treo lên, bị cảm động không phải là con người, mà là những chú chim hải âu. Những chú chim hải âu đột nhiên nhìn thấy hình ảnh ông lão quen thuộc, liền vây quanh phía trước tấm bảng không chịu rời đi, thậm chí còn có hai hàng chim hải âu xếp ngay ngắn trước tấm ảnh chụp giống như hai hàng rào danh dự, chúng đang bày tỏ lòng cảm âm, báo ân bằng cách thức của mình.
Thế còn con người vốn được xem là anh linh của vạn vật thì như thế nào đây? Thẩm Dương có một ông lão tên là Vương Nho Thần, sống cuộc sống thắt lưng buộc bụng suốt 13 năm trời, ông đã bỏ ra gần mấy vạn Nhân dân tệ quyên góp cho 40 sinh viên nghèo khó hoàn thành việc học. Nhưng có 10 sinh viên trong đó, chưa từng viết lá thư và cũng chưa từng đến thăm qua ông lão. Cô con dâu của ông lão đau buồn nói: “Ông cụ không muốn điều gì khác, chỉ là muốn được nhìn mặt họ, muốn có được một chút thư từ của họ, dù chỉ là viết mấy chữ thôi cũng được”. Tuy nhiên, những sinh viên đại học này trước sau vẫn không có xuất hiện.
So với những chú chim hải âu, những người được gọi là “nhân tài của thời đại” và “trụ cột của đất nước” không biết còn phải thấp hơn bao nhiêu cấp bậc.
Mọi người thường mắng câu “mắt chó coi thường người khác”, nhưng loài chó đối với chủ nhân lại nhất mực trung thành, trông nhà coi cửa, nhẫn nhục chịu khó, rất là tận tâm với trách nhiệm của mình. Nhưng trong xã hội con người lại không thiếu những kẻ bán chủ cầu vinh, lấy oán báo ân, vì tiền mà không nhận người thân, cha con xem nhau như kẻ thù.
Mạnh Tử nói: “Người mà không hiểu lễ nghĩa liêm sỉ, thật không phải là người nữa“. Ông bà ta thường nói, bất kể là làm gì, trước tiên phải học làm người đã. Làm người vẫn còn cần phải học sao? Không sai, hết thảy mục tiêu sau cùng của giáo dục và học tập chính là học làm người. Không học biết được làm người, hễ không cẩn thận sẽ trở thành động vật, thậm chí còn không bằng cả cầm thú… con người nếu không có đạo đức, không phải cầm thú thì chính là ma quỷ.
Tiểu Thiện biên dịch
Xem thêm:

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

7 điều ‘không’ người thông minh cần hiểu trong đời để sống hạnh phúc, quên phiền não

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
Bạn làm việc chăm chỉ mỗi ngày nhưng vì sao vẫn cảm thấy không hài lòng, vẫn gặp phải nhiều phiền phức? Liệu có phải bạn đang tự đặt mình vào những tình thế hiểm nghèo, tự kéo mình lại bởi chính những thói quen xấu của mình?
Dưới đây là một vài thói quen không tốt đang kéo bạn lùi lại. Muốn thay đổi cuộc đời mình, nhất định bạn phải rời xa chúng. 
1. Không cố gắng làm người hoàn hảo
Việc trở thành người hoàn hảo không có nghĩa là bạn phải làm việc quá vất vả. Đúng là bạn thực sự nên nỗ lực để thành công nhưng đừng bao giờ tự ném mình xuống biển.
Nếu dành quá nhiều thời gian để cố gắng làm hoàn hảo một công việc gì đó, bạn có thể không hoàn tất công việc theo đúng thời hạn đã định. Bạn cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời khác. Hãy hoàn thành công việc theo đúng thời gian dự kiến và bước tiếp.
Đừng để đầu óc bạn đeo đuổi quá về những việc cũ. Ngày hôm qua chính là một bóng ảnh, chợt đến rồi chợt đi. Còn tương lai thì chỉ là sự nối tiếp không ngừng của những ngày hiện tại. Làm thật tốt những việc của ngày hôm nay chính là bạn đang có trách nhiệm với quá khứ và tương lai của mình. 
2. Không câu nệ việc được người khác công nhận khả năng

Loài hoa dại mọc trong hốc núi, cả đời chẳng được người xem ngắm mà chẳng quên toả hương khoe sắc. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Sống mà chỉ vì để được người khác công nhận thì chưa gọi là sống. Việc thường xuyên tìm kiếm sự công nhận của người khác sẽ khiến bạn nghi ngờ chính bản thân mình, cản trở bạn trong việc tự nhận thức hết sự nỗ lực của bản thân.
Cây tùng, cây bách không cần được người đời khen ngợi, công nhận, mà quanh năm vẫn xanh lá um tùm chốn rừng rậm thâm u. Loài hoa dại mọc trong hốc núi, cả đời chẳng được người xem ngắm mà chẳng quên toả hương khoe sắc.
Sự công nhận chỉ là một chút danh tiếng. Con người sống vì danh thì cũng chết vì danh. Làm việc tốt không cầu báo đáp, lưu danh, thế mới gọi là người chân chính.
3. Không tự ti khi cảm thấy bản thân mình còn non nớt và bị tổn thương
Việc luôn tỏ ra mạnh mẽ và cứng đầu có thể khiến người khác có chút nể nang bạn, nhưng thực ra lại khiến bạn không xây dựng được mối quan hệ chân tình. 
Tất cả chúng ta đều là con người, bạn nên tự nhắc mình như vậy. Nếu chuyện xảy ra khiến bạn phải khóc, thì bạn cứ khóc. Nếu chuyện xảy ra lại khiến bạn buồn cười thì bạn cứ cười thôi.
Sẽ không ai đánh giá thấp bạn chỉ vì bạn khóc hay cười. Thực tế, mọi người xung quanh thậm chí còn đánh giá bạn tốt hơn vì bạn cũng giống họ, bạn cũng là con người. 
4. Không chấp nhất chuyện nhỏ

Hãy biết cách tha thứ để sống hạnh phúc hơn. (Ảnh: Pixabay)

Bướng bỉnh không phải là một tính cách tốt. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng phải trải qua các cuộc xung đột. Tính cách bạn được thể hiện rõ nét nhất thông qua cách thức bạn đối diện với các cuộc xung đột đó.
Nếu bạn chọn cách tha thứ, bạn sẽ có được những cảm xúc tốt nhất, tốt cho cả sự tự trọng của bản thân.
Hãy sẵn lòng kiểm soát các xung đột bằng sự tự nguyện, đừng đổ mồ hôi vì những điều nhỏ nhặt, đừng luôn cảm thấy cay đắng. Hãy để tâm trí bạn được tự do, vươn tới những điều tốt đẹp. 
5. Không khép kín 
Có lẽ bạn không biết rằng mình không những có thể học hỏi từ Tổng giám đốc của một công ty lớn nào đó mà còn có thể học hỏi từ nhân viên thanh toán tiền ở siêu thị. 
Bạn nên hiểu rằng có lẽ mình cũng không tài giỏi hơn mấy so với những người bên cạnh. Hãy mở lòng trò chuyện với mọi người, bạn sẽ thấy con đường đi của họ. Có lẽ bạn cũng chưa ý thức hết được rằng mình sẽ học hỏi được nhiều hơn từ việc thấu hiểu những người xung quanh. 
6. Không chờ đợi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân

Để mở màn cho con đường rèn luyện của mình, bạn cần mua một đôi giày tốt. (Ảnh: Pixabay)

Có phải bạn thực sự nghĩ rằng thành công đến từ may mắn? Không phải như vậy, đằng sau thành công của những người có danh tiếng trong xã hội chính là sự nỗ lực. 
Nó cũng đơn giản như việc nếu muốn có sức khoẻ tốt thì bạn cần bắt đầu thực hiện các bài tập rèn luyện thân  thể. Ví như để mở màn cho con đường rèn luyện của mình, bạn cần mua một đôi giày tốt. Hãy nhớ rằng người duy nhất có thể thay đổi cuộc sống của bạn và khiến mọi việc được hoàn tất chính là bạn mà thôi. 
Chờ đợi việc tốt lành đến với mình chẳng khác nào há miệng chờ sung, ôm cây đợi thỏ cả. Nếu không nỗ lực một phen, cố gắng tiến tới, thứ bạn đạt được chỉ có thể là vọng tưởng huyền hoặc mà thôi.
7. Không trì hoãn công việc 
Đừng trì hoãn công việc, đừng để bạn rơi vào tình huống nước đến chân mới nhảy. Điều đó sẽ khiến bạn trở nên căng thẳng và lo lắng hơn. Hãy rút kinh nghiệm của bài học trước và đừng lần lữa trì hoãn công việc, cho dù đó là việc lớn hay việc nhỏ.
Hãy dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để làm các việc lớn, khi đến thời hạn được yêu cầu, bạn sẽ không phải nhăn nhó căng thẳng để hoàn tất. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi dần từng bước hoàn thành công việc mỗi ngày, chứ không phải đợi đến phút cuối. 
Theo Vision TimesNhật Hạ biên dịch

NGƯỜI ĐỨC DẠY CON NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CẢ THẾ GIỚI PHẢI KÍNH PHỤC

Nguồn : Đại Kỷ Nguyên
Bạn có biết ở Đức, việc các bậc phụ huynh ép trẻ em học hành khi chúng chưa đến tuổi đi học bị cấm? Tất nhiên, không phải là người Đức không lo lắng gì đến tương lai của con em mà là họ có những lý giải riêng về việc học đối với những đứa trẻ, thậm chí cặp sách của chúng không hề nhỏ hơn ở cặp của những đứa trẻ ở châu Á là bao.
Ví dụ khi ở lớp mẫu giáo, cô giáo sẽ dạy chúng làm thế nào để tự lên xe bus công cộng về nhà, nên chấp hành luật giao thông như thế nào, không được nói to ở nơi công cộng, phân loại rác ra sao, v.v… Còn nếu như đứa trẻ có hứng thú với một môn học nào đó như: âm nhạc, nghệ thuật hoặc thể thao, chúng có quyền học những thứ đó ở một câu lạc bộ nào đó, thậm chí có những nơi còn dạy hoàn toàn miễn phí.



Ở Đức nếu như đứa trẻ có hứng thú với một môn học nào đó như: âm nhạc, nghệ thuật hoặc thể thao, chúng có quyền học những thứ đó ở một câu lạc bộ nào đó. (Ảnh: thenoteroom.com)

Người Đức coi trọng việc rèn luyện nhân cách cho trẻ hơn là tri thức
Ví dụ:
Để trẻ học về tình yêu thương: rất nhiều gia đình sẽ nuôi những con vật nuôi nhỏ trong nhà như chó, mèo, để trẻ học được cách quan tâm đến những loài động vật đó trong quá trình chăm sóc chúng.
Để trẻ học được sự kiên cường: sau khi trẻ ngã, chỉ cần không quá nghiêm trọng, cha mẹ sẽ không tới giúp đỡ, mà để chúng tự đứng lên.



(Ảnh minh họa: sparkling.vn)

Để trẻ học được cách tôn trọng: các bậc cha mẹ sẽ không bao giờ lật xem đồ của con nếu chưa được sự đồng ý của chúng.
Để trẻ học được sự lễ phép: cha mẹ khi muốn nhờ con cái giúp đỡ điều gì sẽ nói bitte (làm ơn), sau đó nói danke (cảm ơn).
Để trẻ học được cách quản lý tiền bạc: các bậc cha mẹ Đức sẽ để trẻ làm một số việc vặt đơn giản trong nhà để có được tiền tiêu vặt, tránh việc trẻ không lao động mà được hưởng.
Để trẻ học được cách tự chịu hậu quả: nếu muốn nhắc nhở con phải đúng giờ, họ sẽ nói: “Bố mẹ rất tiếc là không thể lái xe đưa con tới trường. Điều này con phải tự trách mình, con có thể lựa chọn việc bỏ bữa sáng và tự bắt xe bus tới trường hoặc đến muộn.”
Để trẻ học được cách tự chịu trách nhiệm: có những gia đình rất nghiêm khắc,nếu đứa trẻ quên mang quần áo bẩn bỏ vào máy giặt, thì chúng sẽ phải tiếp tục mặc đống đồ bẩn đó.


Để trẻ học được cách giữ chữ tín: các bậc cha mẹ Đức sẽ lấy bản thân mình làm gương và dạy trẻ rằng, các con phải biết giữ lời hứa, không được nuốt lời, và phải hoàn thành theo đúng thời gian đã nói trước đó.
Để trẻ học được sự tự tin: ở Đức, các bậc cha mẹ rất coi trọng việc bồi dưỡng sự tự tin cho con. Cho dù chỉ là một chút tiến bộ nhỏ, họ cũng sẽ cổ vũ và tán thưởng con. Họ sẽ tuyệt đối không vì thành tích tốt xấu của con mà phủ nhận sự ưu tú về một phương diện nào đó của trẻ.
Để trẻ học được cách hợp tác với mọi người: tại Đức dù là ở nhà hay là ở trường, người lớn đều sẽ có những buổi hoạt động tập thể tổ chức cho bọn trẻ, bởi nước họ có thịnh hành một câu nói: “Wer alleine arbeitet, addiert. Wer zusammen arbeitet, multipliziert” (Sự cố gắng của một người là phép cộng, sự cố gắng của cả đội là phép nhân).
Dưới đây là những thói quen tốt mà những đứa trẻ đã học được sau khi trưởng thành
Đọc sách: mặc dù xã hội hiện nay là xã hội điện tử, nhưng sách bằng chất liệu giấy dường như vẫn rất thịnh hành ở Đức. Theo thống kê, 91% người dân Đức đọc ít nhất là 1 cuốn sách/năm; 23% dân số đọc khoảng từ 9 -18 cuốn sách/năm; thậm chí có 25% dân số đọc tới hơn 18 cuốn/năm. Ở Đức, nếu để ý một chút bạn sẽ thấy chỉ trên một con phố thôi mà đã có rất nhiều cửa hàng sách lớn nhỏ khác nhau, và trong các hiệu sách này luôn đông người. Người Đức cũng có thói quen mang sách theo người, nếu có dịp tới Đức, bạn sẽ thấy, ở các nơi công cộng như tàu điện ngầm, người chơi điện thoại thì ít còn người đọc sách lại rất nhiều.



91% người dân Đức đọc ít nhất là 1 cuốn sách/năm; 23% dân số đọc khoảng từ 9 -18 cuốn sách/năm; thậm chí có 25% dân số đọc tới hơn 18 cuốn/năm. (Ảnh: gutenberg.org)

Nhường nhịn: có một lần một cao tốc của Đức gặp sự cố, có tới hai hàng xe trên một làn đường. Bởi có việc phải đi gấp nên tôi đã đi hơi nhanh, thấy vậy, một chiếc xe đi ở bên trái đã chủ động đi chậm lại để tôi vượt qua. Nếu bạn đi tàu điện ngầm ở đây lúc đông người, bạn sẽ phát hiện ra rằng, những người đứng ở gần cửa ra vào sẽ chủ động bước xuống trước để những người cần xuống phía sau có thể xuống rồi mới lại đi lên.
Đúng giờ: đại đa số người Đức đều tuân thủ rõ quy định về giờ giấc, nói về đúng giờ ở đây không chỉ đơn thuần là người dân Đức, mà còn cả các phương tiện giao thông công cộng tại Đức, nếu không có tình hình bất thường, tàu điện ngầm hay xe bus đều sẽ tới bến đúng giờ quy định.
Chú trọng gia đình: khi làm việc, người Đức sẽ rất chăm chỉ và tập trung, còn khi xong việc, họ sẽ về với gia đình ngay lập tức, rất ít trường hợp vì công việc xã giao mà không về nhà, thậm chí vào mỗi dịp nghỉ họ đều giành toàn bộ thời gian cho gia đình.
Quý trọng sinh mệnh: khi gặp các loại xe đặc biệt (ví dụ xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe có rú còi của cảnh sát..) người dân đều sẽ tự động đi sát vào lề nhường đường cho xe kia.
Sổ ghi chép: hầu như người Đức nào cũng đều có một cuốn sổ ghi chép. Cuốn sổ này không nhất định là có liên quan tới công việc, nhưng nhất định có liên quan tới cuộc sống của họ, ví dụ như các dự định, kế hoạch, thời gian thực hiện, v.v…



(Ảnh minh họa: kenh14.vn)

Chấp hành luật giao thông: người Đức rất tôn trọng luật giao thông nhất là khi lái xe (đương nhiên không phải tất cả người Đức đều được như vậy) bởi vì họ cho rằng điều này không chỉ liên quan tới sự an toàn của bản thân mà còn của người khác. Thậm chí ban ngày lái xe họ cũng bật đèn DRL, khi chuyển làn họ không chỉ nhìn gương chiếu hậu, mà còn ngoái đầu lại xem có chiếc xe nào đằng sau không.
Chú trọng chất lượng cuộc sống: mặc dù người Đức có thể tạo ra những chiếc xe hơi mang đẳng cấp quốc tế đỉnh cao nhưng họ không hề coi trọng những thứ phù phiếm ở bề mặt. Họ có thể chi tới 200 euro để mua một cái ấm giữ nhiệt hơn là một cái ví hiệu Gucci. Họ có thể bỏ ra tới 500 euro để mua một dụng cụ nhà bếp hữu ích hơn là sở hữu một cái túi hiệu LV, thậm chí họ sẵn sàng chi hàng ngàn euro để chăm sóc cho vườn hoa của mình hơn là mua một cái áo khoác Burberry.
Chú trọng bảo vệ môi trường: bạn sẽ rất khó để nhìn thấy một người Đức đang vất rác bừa bãi bởi họ hiểu được tầm quan trọng của môi trường, cho dù là ở nước ngoài, người Đức cũng sẽ làm như vậy. Tôi từng cùng một người bạn Đức đi leo núi ở Trung Quốc, bởi không tìm được thùng rác, anh bạn này đã mang vỏ cây kem của mình trong suốt quãng đường leo núi, cho tới khi tìm thấy thùng rác mới chịu vứt.
Cẩn thận: người Đức quan tâm tới cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, ví dụ khi bạn mua một quả trứng gà tại một siêu thị ở Đức, bạn sẽ thấy trên đó đều có một mã số, và thông qua mã số này bạn có thể biết được tới cả môi trường sinh trưởng của nó như thế nào.
Khế ước tinh thần: chúng ta thấy có rất nhiều người Đức rất cứng nhắc trong công việc nhưng bạn phải biết rằng, điều đó có bắt nguồn từ một loại văn hóa tên là “khế ước tinh thần” mà họ được dạy dỗ từ khi còn rất nhỏ. Họ không dễ gì đưa ra lời cam hết, nhưng một khi đã hứa và cam kết về việc gì nhất định sẽ làm cho được và tới cùng. Có lẽ đó là lý do tại sao hàng mang thương hiệu Đức luôn “miễn chê”.
Không khuất phục: tại sao xe ô tô của Đức có thể đắt hơn nhiều so với các loại ô tô thông thường? Tại sao nồi của Đức đắt hơn gấp mấy chục thậm trí mấy trăm lần so với các loại nồi bình thường khác? Tại sao “Made in Germany” là tượng trưng cho sản phẩm chất lượng cao? Chính là vì ở đó kết tinh sự chuyên tâm, sự kiên trì và sự chất lượng mà họ đã cam kết với khách hàng.
Tôn trọng trật tự xã hội: mỗi một người dân Đức đều tôn trọng trình tự trật tự xã hội, ví dụ như nói về chuyện xếp hàng, cho dù là người đứng xếp hàng, hay là xe ô tô xếp hàng, rất ít khi có hiện tượng chen lên trước.



Mỗi một người dân Đức đều tôn trọng trình tự trật tự xã hội, ví dụ như nói về chuyện xếp hàng, cho dù là người đứng xếp hàng. (Ảnh: businessinsider.com)

Ý thức công cộng: nếu bạn để ý, sẽ phát hiện ra rằng, tại những nơi công cộng ở Đức hầu như đều rất yên tĩnh, hầu như mọi người đều nói chuyện ở trạng thái nhỏ nhẹ thì thầm, rất ít khi có tiếng la lớn ồn ào.( Ngoại trừ những người mê bóng đá)
Đồng cảm: người Đức thường chủ động giúp đỡ những người già cả, ốm yếu và tàn tật. Nếu một người già bị ngã, nhất định sẽ có người đến giúp đỡ, hơn nữa không chỉ là một người.
Yêu nước: người Đức ít dùng lời để chứng minh rằng mình là người yêu nước, thậm chí còn thường lên tiếng chế nhạo những điểm bất hợp lý của nước mình. Nhưng từ cách họ kiên trì sử dụng đồ dùng sản xuất trong nước, không khó để nhận thấy tinh thần yêu nước ẩn tàng nhưng mạnh mẽ của họ, họ luôn hết lòng ủng hộ sản phẩm trong nước. Còn nếu muốn bạn nhìn thấy tình yêu nước này rõ hơn, hãy cùng họ đến cổ vũ đội tuyển quốc gia Đức trong một trận bóng đá mang tầm cỡ quốc tế.
Kiên Định