Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

VĂN TẾ THẬP LOẠI CÁ TÔM

Nguồn:Tễu Blog

Tác giả: Khuyết danh

Lời dẫn của Văn Giá: 25/4/2016-Nhà NCVH Nguyễn Hùng Vĩ vừa gửi cho tôi bài văn tế mà anh mới sưu tầm được. Trong bài này, tên các loài sinh vật biển được in nghiêng, phần lớn được sử dụng như một phép chơi chữ rất thú vị. 

Nay xin đưa lên FB hầu chuyện các quý vị. Cảm ơn nhà NCVH Nguyễn Hùng Vĩ! (VG).

Thủa trời đất nổi cơn bán chác
Lũ ngoại bang bạc ác ranh ma
Đất dày biển thẳm bao la
Vì đâu nên nỗi hương hoa ngút trời.

Biển Vũng Áng chơi vơi bóng nguyệt
Mỏm Đèo Con tựa huyệt xanh om
Hải lưu phơi xác cá tôm
Ngang lưng chữ S như ôm đoạn trường.


Loài rạm cáy vẫn thường chui lủi
Cát phơi còng ,sóng dúi ghẹ cua
Dương đôi con mắt trơ trơ
Hai càng tám cẳng cũng thua đận này.

Loài đén nhệch xưa nay rúc cát
Cũng một ngày nục nát thân lươn
Cớ chi chẳng quấn chẳng trườn
Còng queo quằn quại nằm ườn phơi thây.

Xưa tôm tép đua bầy giỡn nước
To tôm hùm, tiểu nhược ruốc moi
Một ngày nhật nguyệt sáng soi
Đem thân bèo bọt mà chơi ngọn triều.

Như cá mú thì nhiều vô kể
Thu, song, hồng, nhụ, đé, trích, chim
Giăng đầy lợi bể nằm im
Dãi thây trăm họ suốt nghìn dặm xa.

Rắn như ốc, nuột nà như nuốt
Gai như , trơn mướt tựa nheo
Cá tôm như phận kẻ nghèo
Sa cơ một chuyến gieo neo vạn đời.

Kẻ ám sát biển khơi đâu tá
Diệt môi trường, tàn phá môi sinh
Ngán ngao mà hỏi cao xanh
Biển vàng mà chết cũng thành tha ma.
Ngó hết biển nhìn qua sơn cước
Giang sơn này độc dược tràn lan
Bán buôn sông biển non ngàn

Hồn hề hồn hỡi hồn tan hay còn…


Nhớ quê nhớ biển–Đề Ngộ
4/2016.

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

POL POT Lương tâm tôi trong sạch

Nguồn: Dân luận blog
Trần Gia Huấn
Ngày này, cách đây 42 năm, đại đoàn quân du kích Khmer Đỏ do Pol Pot dẫn đầu tiến vào “giải phóng” thủ đô Phnom Penh.
Như đấng công thần lập quốc, Pol Pot tuyên bố thành lập Campuchia Dân chủ và khai sinh một loại lịch mới bắt đầu “Năm O”.
Ngay lập tức, ông cho đóng cửa tất cả các sứ quán phương Tây gồm cả Liên Xô. Nhân viên sứ quán bị trói, khiêng ra phi trường để trục xuất về nước.
Tiếp theo, ông cho dọn vệ sinh tư tưởng, gột rửa hết những tàn tích tư bản. Đeo kính mát bị cho là đồi trụy. Mang đồng hồ bị coi là xa xỉ. Nói tiếng nước ngoài là phản quốc. Trí thức không những là lũ ăn bám, mà còn là tai họa cho chế độ. Người buôn bán là bọn bóc lột. Giới tu hành bị coi là kẻ lười nhác trốn việc. Tiền bạc là con đĩ của nhân loại. Không cần bệnh viện, trường học, chợ búa. Không ai được sở hữu thứ gì dù một cây kim. Gia đình bị xé nát. Một cuộc vô sản hóa vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Phnom Penh hoa lệ và sầm uất bên dòng sông Bốn Mặt phút chốc hoang tàn. Vương quốc Khmer hùng vĩ biến thành một nhà tù khổng lồ, một nghĩa địa mêng mông, vô tận: Chết bệnh, chết đói, chết khát, chết do lao động quá sức, chết do tra tấn, hay bị xử tử bằng quốc, bằng vồ, bằng búa, bằng liềm.
Một phần ba dân số quốc gia đã chết như vậy chỉ trong vòng ba năm chín tháng cầm quyền của ông. Thế giới gọi ông là kiến trúc sư của cánh đồng chết Khmer.
Chưa đủ, ông còn là một đầu bếp vĩ đại nấu lên món lẩu máu tạp phí lù. Kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận, Ông thổi bùng lên ngọn lửa “Cáp Duồn” (hãy chặt đầu bọn Việt Nam mọi rợ). Việt Nam lại phải dấn thân vào một cuộc chiến đẫm máu và kéo dài theo toan tính của Bắc Kinh.
Ông là một nhà cách mạng cộng sản cực đoan. Những di sản ông để lại là một cuộc pha trộn giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa Mao, Staline, chủ nghĩa dân tộc và chứng vĩ cuồng.
Hình như lịch sử xứ Đông Dương cứ muốn đùa giỡn với tháng Tư. Ông dẫn đại đoàn Khmer Đỏ vào giải phóng Phnom Penh 17/4/1975. Ông qua đời vào 15/4/1998.
Nhà báo Mỹ Nate Thayer đã lặn lội vào tận cánh rừng già hẻo lánh Anlong Veng, nơi ông trút hơi thở cuối cùng mô tả: Ông chết trong bộ đồ bà ba du kích màu đen. Ông nằm trên chiếc giường tre xiêu vẹo, cổ nghẹo sang một bên, dịch trong hai ống mũi trào ra, côn trùng bu đầy khoé mắt.
Ai đã đưa ông lên đỉnh quyền lực? Nhất định không phải do phiếu bầu của dân. Không phải do kiến thức uyên bác hay lòng đức độ. Không phải do lòng ái quốc hay tình yêu thương đồng loại. Càng không phải do phép màu của Đức Chúa Trời.
Ông leo lên từ nòng súng bạo tàn của loài ác qủy. Trước khi chết ông tâm sự: “Lương tâm tôi trong sạch.”
Calgary, Canada
Thứ Hai, 17/4/2017
Trần Gia HuấnPOL

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

ĐƯỢC 2 ĐẠI GIÁO SƯ DÁN TEM, CÔ LÊ THỊ HẰNG VẪN MẤT NẾT

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Nguồn: Nguyễn Xuân Diện Blog


CÁC CỤ CẨN THẬN CHO DÂN NHỜ...
Nguyễn Phan Khiêm

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Liên kết Việt. Theo đó, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, đại tá "dỏm" Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền gần 2.100 tỉ đồng.

Sao một tay đại tá dởm lại có thể thuyết phục để lừa đảo khắp cả nước như thế nhỉ? Nguyên do là trong các hoạt động quảng bá sản phẩm, tổ chức các chương trình trả hoa hồng, thi đua, khen thưởng, Lê Xuân Giang và các thành viên của công ty thường xuyên sử dụng quân phục, riêng Giang gắn hàm Đại tá, đồng thời mời một số Tướng tá quân đội đã nghỉ hưu tham dự nhằm tạo niềm tin cho khách hàng nhầm tưởng Liên kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng. Nhìn thấy các vị “đức cao vọng trọng” ấy dân tin.

Có bác to to còn đến trao Bằng khen của Chính phủ nữa, dân không tin sao được. Cuối cùng tra ra thì họ bảo đó là Bằng khen dởm.

Hay vụ Trái tim Việt Nam đang nóng hiện nay. Ông Trần Đức Trung (56 tuổi) và bà Lê Thị Hằng (54 tuổi), nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã bị Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 139 BLHS).

Bà Lê Thị Hằng từng được GS Vũ Khiêu tặng câu đối chúc mừng khi ra mắt với danh hiệu “Đại sứ thiện chí về phát triển nông thôn” rằng:

"Đại sứ vươn xa đầy thiện chí
Nông thôn đổi mới đại thành công".
 

 .
Hôm đó, có cả ông Phạm Thế Duyệt, GS Đặng Vũ Minh, GS Hoàng Chương,đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT tới dự. 


Từ trái sang: Giáo sư rởm Hoàng Chương - Bà Sự Đái Lê Thị Hằng - Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh (Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN VUSTA)

Dân tin các cụ lắm, các cụ đức cao vọng trọng, uy tín, học thức đầy mình mà đến dự , trao bằng khen, tặng hoa, tặng câu đối thì như tem bảo đảm dán vào đâu dân tin đấy. Vì vậy, dân kính mong các cụ, các bác thận trọng khi nhận những lời mời “ngọt ngào” của những đơn vị mà các cụ, các bác không rõ lắm...
------------

Từ Ngọc Lang

Chiều ngày 12/4/2017, Lê Thị Hằng (54 tuổi) đã bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ CA) thực hiện lệnh bắt cùng với Trần Đức Trung (56 tuổi) do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nông dân nghèo.

Điều nực cười là trước đó, ngày 23/6/2013, một số Nhà báo ( trong đó có tôi) được mời đến dự một sự kiện khá hoành tráng: Lễ vinh danh cô Lê Thị Hằng là "Đại sứ thiện chí vì Sự nghiệp phát triển Nông thôn mới". Hôm đó, có cả ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT tới dự. Trong khi đó, GS Hoàng Chương lại quên phắt (hay không thèm mời) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Nhưng thế lại hóa hay cho T.Ư HỘi NDVN.

GS Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động còn tặng cô này đôi câu đối "Đại sứ vươn xa đầy thiện chí/ Nông thôn đổi mới đại thành công" (cũng chẳng hay cho lắm). Trên phông buổi Lễ còn thấy có cả Lô -gô của Liên hiệp các Hội Khoa học và KT Việt Nam (VUSTA), Bộ NN-PTNT cùng vài doanh nghiệp khác.

Qua tìm hiểu,tôi rất ngỡ ngàng khi được biết Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam là người đã sốt sắng, nhiệt tình xây dựng và cổ vũ hình ảnh cô "Đại sứ Nông Thôn mới " này. Tại buổi ra mắt, GS Hoàng Chương trịnh trọng công bố Quyết định của Trung tâm bổ nhiệm cô Đại sứ Lê Thị Hằng.

Hài hước hơn, cô này còn phát biểu hùng hồn rằng: Với tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước, tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình, cố gắng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn.

Thế nhưng, ngay sau đó, " Đại sứ thiện chí " Hằng đã cấu kết với Nhà báo Trần Đức Trung ( Phó TBT một Tạp chí) để lập ra "Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển Nông thôn mới". Với cái mác này, Trung tâm không những không hỗ trợ gì cho người nghèo mà còn lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn của hàng nghìn nông dân.

Ở đây, cần đặt ra câu hỏi: Trung tâm của GS Hoàng Chương có chức năng và quyền hạn để bổ nhiệm " Đại sứ " kiểu thế này không? Vì sao GS Hoàng Chương lại sốt sắng đưa cô Hằng này ra làm Đại sứ ? Trước đó GS Hoàng Chương đã tìm hiểu, xác minh về nhân thân của Lê Thị Hằng chưa? Khi Hằng tham gia lừa đảo, GS có hay biết không? GS đã công bố hủy Quyết định bổ nhiệm chưa?!

---

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

ÁM ẢNH GIA TRUYỀN Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn: Blog Trần Nhương

Thứ bẩy ngày 8 tháng 4 năm 2017 9:21 PM




Truyện ngắn

Dễ gần một năm nay, hầu như lần nào cũng vậy, cứ thấy hắn về tới cổng, chàng thanh niên hàng xóm lại vội nhảy ra vồn vã, hồn nhiên:
- Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa?
Hắn chỉ biết gượng nở nụ cười chó thui để khỏi dội nước lạnh vào hy vọng của thằng bé. Gọi là thằng bé thì quả quá đáng, vì cậu ta cũng hơn 30 tuổi, có điều tâm trí ngây thơ như một đứa trẻ mười hai chốn quê rừng. Cậu ta sống trong ngôi nhà 3 tầng chỉ có hai bố con. Ông bố là một vị bác sĩ già, cỡ giáo sư tiến sĩ, song giờ đây niềm vui và động lực sống cuối đời của ông chỉ là làm thơ ôn kỷ niệm xưa, chăm sóc con chó giống Đức, và canh chừng đứa con trai út khỏi đánh mất chùm chìa khóa dù luôn đeo lủng lẳng trên cổ và bớt làm những điều dại dột khiến ông đau đầu. Thực ra, cậu ta chưa làm điều gì gọi là dại dột để ông bố mất thể diện với hàng xóm. Tình trạng tâm thần phân liệt của cậu ta ở dạng vẫn đủ năng lực để học hết hàm thụ mỹ thuật công nghiệp, và vẽ được khá nhiều bức tranh dễ thương, thậm chí có bức độc đáo. Nếu ở một đất nước "tư bản thù địch", chắc là những bức tranh nọ cũng sẽ được coi trọng, người vẽ sống được bằng tác phẩm của mình. Nhưng ở xứ sở là fan hàng đầu của các loại quảng cáo này, ai bỏ tiền ra cho cậu ta lăng- xê, triển lãm tranh? Ông bố nhếch mép, ừ, mày vẽ vời thế sẽ bớt rượu chè be bét và khỏi ngã xe đạp gãy quai hàm cho tao yên thân! Cậu ta lại không thể biết được cái thủ thuật "luộc" chính tác phẩm của mình, đem nhân bản chúng ra, và không có quan hệ cực đẹp để chúng có thể được tiêu thụ vèo vèo, được treo cả nơi công sở hoành tráng lẫn toa-let khách sạn sang trọng như nhiều "đồng nghiệp" may mắn của cậu ta! Hắn chợt giật mình. Biết đâu, trong số những người mà hắn ám chỉ "đồng nghiệp" ấy, có kẻ đang nhận trách nhiệm theo dõi hắn, chỉ vì hắn đã không chỉ một lần bóc mẽ cái nghệ thuật thương mại hóa nghệ thuật của họ?
Lâu nay, hắn mắc cái bệnh mà Lỗ Tấn từng duy danh: bệnh "bách hại cuồng". Bố hắn, bạn bè bố hắn từng bị khoác những cái án chính thức lẫn không chính thức mà Tòa án công luận đã "xử trảm", bị hành lên bờ xuống ruộng đến thân bại danh liệt. Không ít bạn bè hắn hoặc những người mà hắn kính trọng nhưng chỉ biết tên, bị mắc cái họa- cũng không khác ở thế hệ bố hắn là mấy, chung quy lại như ông cha hắn gọi là "họa sát thân" bởi tội "yêu thư yêu ngôn". Vì thế, hắn khôn ngoan "tránh voi chẳng xấu mặt nào", chui vào chuyên môn thuần túy, nếu không có duyên để được "hồng" thì cũng có lộc là "chuyên". Trên bục giảng, hắn cố gắng không để lòi "cái đuôi" dù chẳng đem ra mà xào nấu no bụng được thì cũng là cái "nghiệp" của dòng giống bất hạnh nhà hắn, để sinh viên và các tầng lớp trên sinh viên không thắc mắc, nghi ngờ gì hắn. Về tới nhà, hắn cũng ít chuyện trò với mẹ và vợ, phòng cái bệnh "buôn dưa lê" của các bà già bà trẻ mà vô tình làm lộ ra thân phận hắn. Tội nghiệp, cái thân phận vô hại mà phải chui lủi! Hàng xóm hắn có một số quan chức mấy Bộ mặt lúc nào cũng lạnh tanh qua cửa xe đắt tiền, còn lại là những trọc phú giàu xổi đến độ bóng loáng từ cái bậc dắt xe - họ thường nhìn như hắn có "cái mặt không chơi được", và có thái độ nghi kỵ, khinh khỉnh, hoặc bất đắc dĩ phải xã giao nhăn nhở. Đặc biệt, ở sát nhà hắn là một đôi vợ chồng làm ở một cơ quan thuộc "thượng tầng quý tộc", cô vợ là kế toán trưởng, đã cho cải tạo nhà giống lâu đài; họ tự hào được sinh ra ở đất Thang Mộc - quê Vua Chúa (những người bạn thân quý nhất của hắn và những người thầy hắn kính trọng nhất lại xuất thân từ vùng đất địa linh nhân kiệt khét tiếng ấy!). Họ còn đắc chí là hậu duệ của một đội trưởng Ưu binh kiêm Kiêu binh thời chế độ lưỡng đầu chưa thành quá khứ sử Việt, lớp người vỗ ngực là nền móng chế độ với câu thần chú: "còn Chúa còn mình..." Hắn thúc dục con gái đọc sách, học ngoại ngữ, và cho nó đi chơi xa khi rỗi rãi, để hạn chế mối quan hệ với những đứa trẻ xung quanh vênh vang ra mặt cậy thế, cậy của. Về nhà, hắn chỉ trò chuyện thân mật với cậu họa sĩ nọ, người mà hắn biết chắc là không có âm mưu, không có năng lực hại hắn, và cũng chẳng ai dở người hạ mình để chơi và lợi dụng cậu ta! Hắn có cảm giác an toàn tuyệt đối trước một type nhân vật kiểu chú bé Oskar của Gunter Grass(1). Và thế là hắn mắc nợ, một lời hứa hão: anh sẽ xin việc cho chú. Chuyện này, hắn không dám hé nửa lời với ông bố, người cứ mỗi lần gặp hắn là bỗ bã toa, moa, bởi ông thuộc lớp người không hình dung nổi phải chạy chọt biết bao tiền một suất làng nhàng vào cơ quan Nhà nước để không biết đến hết thế kỷ này có hòa vốn? (Dĩ nhiên là không kể đến suất quan chức bự). Hắn cũng đề phòng ông già mới duyềnh lên tâm hồn thi sĩ sẽ vui miệng san sẻ (hay phản đối một cách chính trực) với hàng xóm chắc chắn là có tai mắt của An ninh, truy đến hắn thì rắc rối to.
Gần ba năm nay, trước khi về hưu, hắn âm thầm tìm cách chuyển cả nhà tới một thành phố phía Nam. Thành phố mà qua báo chí, hắn biết là một nơi đáng sống nhất nước hiện nay, bởi có người đứng đầu với những quyết sách đúng đắn, mạnh bạo. Con gái hắn sẽ thoát được cảnh học thêm phờ phạc, cảnh buộc phải gà bài cho đứa kém hơn trong giờ kiểm tra cuối kỳ để lớp dành được tiên tiến cuối năm. Mẹ hắn sẽ kéo dài thêm tuổi thọ ở một môi trường còn có thể được gọi là khá trong lành, cả nhà bớt nỗi lo ngay ngáy bị đầu độc thực phẩm theo kiểu con ếch bị nung nóng từ từ trong chảo. Quan trọng nhất là thoát được mấy nhà hàng xóm khinh khỉnh vốn coi tiền của là Thượng đế, tệ hơn là hình như đang bí mật xoi mói hành tung của hắn. Vì vậy, hắn càng cẩn thận giữ mình. Hắn không dại dột gì nữa mà bình phẩm, mà thất vọng hỡi ơi cho thị hiếu mauvais gou^t của những bức tranh "Bờ hồ" chọc vào mắt chỉ có khung là đắt giá trong nhà hàng xóm dòng giống "Kiêu binh" mà hắn vô tình liếc thấy... Song, sự bất an ngày một tăng thêm. Con đà điểu trốn trong cát tưởng mình an toàn. Hắn thì không ngu ngơ thế. Đêm đêm, hắn vắt tay lên trán để tự kiểm điểm, tự đấu tố, tự phê bình - những từ ngữ khét lẹt mùi khủng bố tinh thần một thời chưa xa và hiện đương được trang kim thời thượng. Những cuốn phim đen trắng négatif chiếu chậm bắt đầu trở thành cấu trúc cơ bản của tâm hồn hắn. Có cuốn chiếu độc lập, có những cuốn lại đâm xầm vào nhau và tự vận hành cơ chế montage quái đản riêng của chúng...
Một cuốn phim nhắc hắn nhớ, ý định làm cuộc cách mạng di chuyển nơi cư trú chợt lóe đến với hắn khi kể cho sinh viên nghe về vở kịch Ba chị em của Tsekhov. Hắn chợt toát mồ hôi hột: Rất có thể một sinh viên nào đó đã báo cáo lên trên, suy diễn lời giảng của hắn về sự ngột ngạt tù túng xã hội nơi tỉnh lẻ khiến ba chị em ao ước được dọn nhà tới Moskva như một hư ảo hạnh phúc, nhưng rồi họ đau đớn vỡ mộng, và lại tiếp tục cái cuộc sống vũng lầy hiện tại. Một cuốn phim nhòe nước mắt của chính hắn văng vẳng lời nói của đôi bạn họa sĩ bên bức tranh trên giấy báo của mét Phái vẽ chân dung bố hắn ngồi bó gối trước một phin cà-phê, có bút tích của danh họa: "Hoan nghênh café!" Thực xuẩn ngốc khi hắn đem khoe với một số người mà hắn mù mờ về lai lịch, kèm những lời bình về sự đói nghèo thảm hại của các họa sĩ thời phải đổi tranh lấy cà-phê. Có khác gì lên án xã hội một cách thâm hiểm! Lại nữa: nhân vật chính của thời đại, Công Nông Binh đang chiến đấu và lao động sản xuất biến đâu rồi, sao chỉ có kẻ hưởng thụ kiểu tư sản? Cuốn phim tiếp liền lại là chính giọng của hắn trước sinh viên, kể theo lời bố hắn về bức tranh đầu tiên và cũng là cuối cùng của một người đàn bà gần hết cuộc đời làm nghề nhặt củi khô trên tuyết để nuôi sống đàn con cháu mình: trên một tấm toan phủ sơn trắng toát, có mấy nét vẽ đơn sơ nguệch ngoạc màu nâu đen. Bức tranh sau đó đã trở nên vô giá trong con mắt của những nhà sưu tập tranh thế giới. Không thể đem hệ thống mỹ học quen thuộc và cứng nhắc của chúng ta mà cảm thụ, đánh giá những tác phẩm như thế. Biết đâu, trong lý lịch cá nhân của hắn ở phòng tổ chức cán bộ đã có dòng ton hót của một sinh viên nào đó kiêm "mật thám tư tưởng": "Đi ngược lại quan điểm chính thống về văn học- nghệ thuật, tuyên truyền thứ mỹ học phi giai cấp rác ruởi!" Rồi, thực nguy hiểm cuốn phim trình chiếu cảnh hắn say sưa nói về những Hóa thân, Vụ án, Lâu đài của F. Kafka trong một cuộc sinh hoạt câu lạc bộ văn học- nghệ thuật giáo chức, hắn đã đọc mấy đoạn có gạch bên lề, có ghi chú hẳn hoi, trong đó là đoạn Jozep K ném thẳng vào mặt những kẻ thi hành công vụ: "tất nhiên lề lối của ngành tư pháp chúng ta đòi hỏi không những người vô tội bị kết án mà còn không được biết đến luật pháp". Hắn bật mình như mèo vồ chuột, chạy đến giá sách lục tìm cuốn sách tai hại kia, vội vã lật tìm những chỗ sẽ làm vật chứng hùng hồn kết tội hắn, xé chúng ra và bật lửa đốt. Bóng hắn bập bùng lay động, kỳ quái tựa Gregor Samsa hóa thành con bọ khổng lồ trong chính căn phòng của mình! Hắn đã phạm tội đốt sách, nhưng xét cho cùng không nghiêm trọng bằng tội mượn xưa nói nay, mượn ngoài nói trong, vẽ mây nảy trăng, tội dùng équivoque (biểu tượng hai mặt) - theo góc nhìn chính thống! Còn cuộn phim hãi hùng này đây: khi các rạp chiếu bóng cùng toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng hân hoan đến cuồng nhiệt quảng cáo không công cho chủ nghĩa nặng mùi bá quyền Đại Hán của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu qua bộ phim Anh hùng và chương trình Olimpic Bắc Kinh, hắn đã phản ứng một cách đơn độc để rồi chắc phải chuốc lấy sự khinh ghét, thù hằn của ối người, ối cơ quan- không chỉ vì hắn đã động tới túi tiền lớn của họ trong kinh doanh văn hóa, mà chính là vì đã cả gan động chạm tới và hòng giải thiêng một "vùng nhạy cảm" mà người dân đen và những trí thức hạng bét như hắn không có quyền. Sao hắn ngu lâu đến thế? Liên quan tới cái ngu do phim ảnh gây ra thì còn có cuộn phim này: Sau buổi chiếu phim tham khảo một bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng của LHP Cannes, hắn đã khái quát lại, đại khái: Suốt phim là những hình ảnh ẩn dụ kỳ lạ, đầy chất thơ, đạo diễn dùng cả lịch sử tiến hóa vũ trụ để diễn tả hân hoan sự hình thành một đứa trẻ. Thế mà nhân vật người cha lại bơ vơ lạc lõng trong những tòa nhà che khuất bầu trời, luôn tự hỏi về "Cây đời", về ý nghĩa của sự tồn tại. Rất nhiều câu hỏi được nêu ra: "Người đã ở đâu?", "Chúng con là gì với Người?", "Vì sao tôi được sinh ra?", "Mục đích sống của tôi là gì?"… Phim không hề có một câu trả lời! Nhưng người xem có thể tìm thấy câu trả lời: con người ta được sinh ra là cả một kỳ công vĩ đại, vậy mà đã không được sống cho ra sống! Một sinh viên ngay hôm đó tung lên Fb: "Một ông thầy của chúng tôi đã mượn diễn đàn chiếu phim học tập để tuyên truyền cho chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa vô chính phủ, kích động tinh thần nổi loạn, tư tưởng bi quan, rõ ràng ám chỉ xã hội ta và nhằm đả kích nền Điện ảnh Cách mạng khá sâu cay..." Dĩ nhiên là ở trường chẳng ai thèm đếm xỉa tới những lời nhăng nhít ấy. Nhưng biết đâu, ở một cơ quan bí mật nào đó, những lời giống như kết án kia đã được copy lại và được đóng khung đen làm dữ liệu trong hồ sơ để hạch tội sau này, khi có thời cơ? Điều đó thì hắn không dám chắc, có khi chỉ là sản phẩm méo mó của bệnh Bách hại cuồng đã tiến triển tới độ đáng báo động. Song, mặc dù đã có dấu hiệu của le fou (thằng điên) mức độ xấp xỉ cậu họa sĩ hàng xóm, có điều hắn biết chắc: viên tuần Trang thời nọ bất chấp cái lạy của thầy dạy mình là Lý Trần Quán để trói gô chúa Đoan Nam vương nộp cho quân Tây Sơn, chỉ vì tiền và sự an toàn của bản thân; còn học trò thời nay "bán thầy" là vì sự giác ngộ lý tưởng xã hội mà cậu ta được nhồi nhét một cách tuyệt vời, trên cả tuyệt vời thành công. Đó là cả một bước tiến lớn xét về tiến trình tư tưởng dân tộc.
Nhưng cuốn phim kinh khủng nhất, có thể sẽ là chứng cớ quy tội nặng nhất cho hắn đang xè xè chạy qua một tâm trí bấn loạn: Lần ấy, một người bạn thân là đạo diễn, phóng viên truyền hình rủ hắn tới làng Y ngoại thành Hà Nội. Bạn hắn bảo: Mày bớt ru rú trong tháp ngà văn chương nghệ thuật mà đến với The tree of Life (Cây đời) thứ thiệt đi! Không đợi đến lời khích bác thứ hai, hắn cun cút đi theo bạn. Hôm đó là một ngày đẹp trời song u ám bởi hàng vạn tâm trạng phẫn nộ, tức tối, hoang mang, tuyệt vọng... Trước đó, đã có rất nhiều bài báo viết về những xung đột, bê bối của làng này quanh chuyện giải tỏa đền bù đất đai. Nhưng, khi phóng viên của một đài Truyền hình lớn tới, mang theo cả máy quay, sự bức bối tích tụ lâu ngày của dân làng mới thực sự nổ tung ra. Khi thấy dân làng đổ tới mỗi lúc một đông, hắn chột dạ. Nhưng, có tư cách pháp nhân của bạn, hắn vững dạ phần nào. Hắn đeo túi máy cho bạn, đi sau ống kính ghi lại bao khuôn mặt phừng phừng nhãy nhụa mồ hôi, bao lời gào thét thê thảm kịch kim thu thanh. Lần đầu tiên trong đời hắn cảm nhận hết sự xót xa cho nỗi đau mất nguồn mưu sinh của những người dân hiền lành, quen nhẫn nhục. Trên những mảnh đất thấm mồ hôi của họ và ông bà cha mẹ họ, rồi đây sẽ mọc lên một khu du lịch sinh thái với những điểm dịch vụ ăn - chơi, những quán lá kiểu cách dành cho các đôi tình nhân mà người dân làng mãn kiếp cũng không thể bén mảng tới nổi! Tuy mắt cay xè và lồng ngực thổn thức trước cảnh bất công ngang trái sờ sờ, hắn vẫn đủ tỉnh táo để nhận thấy mấy chiếc xe tải do dân thuê chở đầy đất đá bắt đầu đổ xuống ào ào ngăn bên ngoài cổng khu vực chăm sóc sức khỏe cao cấp tương lai. Có tiếng thét lớn: "Đến nhà tay chủ tịch xã hỏi tội!". Nguy rồi. Hắn kéo tay bạn báo hiệu. Nhưng cậu ta dường đang mê man đi, dán mắt vào vi-zơ để không bỏ sót một nỗi uất hận nào đang sôi sục khắp bốn phía. Cảnh giác cách mạng của hắn hóa ra cao hơn thằng bạn. Hắn thét vào tai nó: "Rút ngay đi!" Lúc bấy giờ bạn hắn mới sững người tỉnh ra, hiểu rõ hơn hắn tình thế hiểm nghèo. Hai thằng vội vã thu máy, chạy ra chỗ gửi xe do dân làng trông hộ "các phóng viên". Hắn đèo bạn bằng chiếc xe máy phân khối lớn đã cũ song còn khả năng đương đầu với mọi cuộc săn đuổi. Quả là có một cuộc săn đuổi như hai thằng dự đoán! Mới chạy được gần trăm mét, qua gương chiếu hậu, hắn thoáng thấy hai chiếc xe máy hối hả phóng theo. Cuộc rượt đuổi qua hết làng, ra đường quốc lộ, rồi hắn phóng xe vào ngõ ngách trong làng bên cạnh hồi dài. Thế là thoát. Hú vía. Tối hôm sau, hắn gặp lại bạn thấy vẻ mặt thẫn thờ như người mất của. Đúng là "mất của" thật. Buổi sáng, có hai cán bộ An ninh văn hóa đến cơ quan bạn hắn, chỉ gặp được giám đốc. Họ yêu cầu nộp lại cái băng đã quay. "Cũng may là cuốn băng chưa lộ ra bên ngoài, chưa bị đem bán cho kẻ xấu - nó có giá của cả một ngôi nhà 4 tầng đấy! Lẽ ra chúng tôi phải mời đương sự lên làm việc, viết tường trình, tịch thu phương tiện phạm pháp. Nhưng anh ta chưa có tiền án tiền sự gì, chỉ là người ngây thơ quá thể về chính trị. Đề nghị cơ quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm thật nghiêm túc!" Đấy là sự phản ánh lại của giám đốc kèm theo mấy lời mắng mỏ thân tình. Có hai điều cực nguy hiểm cho bạn hắn: thứ nhất, anh ta không được cơ quan cử đi làm phóng sự về vụ này (Đời nào có chuyện được làm phóng sự về một việc "nhạy cảm" như thế!); thứ hai, có một lá đơn kiện mang danh nghĩa Chi bộ xã gửi tóe loe, vu rằng: các phóng viên đã ăn tiền của những kẻ xấu ở xã để góp phần kích động sự chống đối chủ trương chính sách của Đảng ủy, Chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa- xã hội! Nếu bạn hắn không cấp tốc ngay tối ấy kêu cứu một đồng môn đồng nghiệp là đạo diễn truyền hình đeo hàm đại tá công an - theo gợi ý khôn ngoan đột xuất của hắn, thì hẳn toi đời toi nghiệp rồi! Nhưng hắn thì không có ai chống lưng trong cái vụ động trời này. Đơn kiện kia có viết: "Người phóng viên đi theo giúp đỡ rất tích cực cho nhà quay phim, có thể là sếp, đã trực tiếp phỏng vấn và gợi ý thêm cho những kẻ làm loạn kỷ cương phép nước!" Hắn được (bị) chuyển nghề, lại có vai trò quan trọng hơn người cầm máy quay, thậm chí vai trò cầm đầu, hơn thế, nếu pháp luật khui ra còn mắc tội lừa đảo. Đáng đời chưa! Hắn đã phát sốt phát rét cả tháng ròng. Bạn hắn, sau khi tai qua nạn khỏi thì khệnh khạng:" Nếu tổng giám đốc mà có gọi tao lên khảo, tao sẽ nói: là một phóng viên, nếu tôi dửng dưng trước sự bất công, nguội lạnh với nỗi đau của người dân, thì chẳng xứng đáng cầm máy cầm bút nữa!" Hắn cười khẩy: "Yêng hùng quá nhẩy! May thoát hiểm nên thánh tướng! Còn tao chỉ vì dửng mỡ mà sẽ phải mang họa lớn đây!" Suốt một thời gian dài, không ai động chạm gì tới hắn, khiến hắn càng bồn chồn lo lắng. Như một cái án treo lơ lửng trên đầu. Phen này thì sạt nghiệp, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Đã hơn chục năm trôi qua, cái án chưa thành đó, cộng với những phốt tư tưởng trót mắc phải và do hắn tự huyễn hoặc thêm cứ đeo đẳng ám ảnh, thỉnh thoảng lại nhói lên tựa kim châm hồn hắn. Không hồ nghi gì nữa, đây chính là một cuộc giăng bẫy thú bự, trường kỳ mai phục, "thập-diện-mai-phục"- như tên một bộ phim võ hiệp Tàu! Như vậy thì càng phải mau mau tìm cách chuồn cho sớm khỏi đất này. Hắn và cả gia đình sẽ ra đi một cách lặng lẽ, bí mật, vào ban đêm, với ít đồ đạc, nếu lỡ hàng xóm biết thì phao là đi du lịch (Tất nhiên là vào dịp nghỉ hè của con bé, và cũng là dịp hắn nghỉ phép). Đồ đạc cồng kềnh nhờ cô em gái bí mật chuyển dần sau bằng xe tải (Cồng kềnh nhất chỉ là sách vở tài liệu của hắn).
Giữa những ngày tâm trí căng như dây đàn sắp đứt vì cái Án tưởng tượng nọ, hắn đọc được một bài viết trên báo lề phải nói về cái nơi hắn đang mong chuyển đến: hàng loạt dự án Cao ốc và Rì-dọt khủng đang chuẩn bị xẻ thịt tan hoang những bãi biển đẹp nhất Thành phố! Hắn tựa quả bóng xì hơi. Thế là hết. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Biết tìm đâu ở khắp xứ sở của quảng cáo này một nơi hầu như chỉ có sự Tử tế dựa trên sự Lương thiện? Hắn lại phải mầy mò từ đầu, làm lại cuộc hành trình rất có thể là vô vọng đi tìm xứ sở ít nhất cũng có cái vỏ của Thiên đường, chứ không phải xứ sở Thiên đưòng trong mộng của Alice mà con gái hắn mê mải...
- Anh ơi, đã xin được việc cho em chưa?
Hóa ra hắn đã về đến cổng lúc nào không biết. Lời nói quen thuộc của cậu họa sĩ "không chịu trưởng thành" lôi hắn trở về thực tại đắng ngắt, khó chịu. Trong tâm thế ấy, hắn chợt lóe lên sự hoài nghi quái quỷ: nếu cậu ta là le fou thật như ông bố thường nheo mắt chế riễu con trai, thì mỗi lần nói câu đó sắc thái phải sinh động, tự nhiên, mỗi lần một âm sắc khác biệt dù rất nhỏ; nhưng đây thì lần nào cũng đơn điệu và tỏ ra hồn nhiên thái quá như nhau? Phải chăng, nếu chú bé Oskar nọ quyết định ngụy trang để tồn tại bằng cách là sẽ không lớn nữa, thì cậu họa sĩ này lại ngụy trang cái sứ mệnh Gia-ve văn hóa mà người ta giao cho bằng sự vờ vịt nửa điên nửa tỉnh?
Nếu sự thật là vậy, hắn còn biết tin ai, tin điều gì nữa ở cõi đời này? Và hắn phải làm những gì để con gái hắn được thoát khỏi cái định mệnh quái gở kia?
__________________

CHIỀU MƯA XUÂN

Mưa bụi bay, mưa bụi bay… bay
Chiều nay, mưa bay …
Hoa xoan tím ngắt
Thương ai đong đầy.
Nơi này, cha mẹ đã sống rồi chia xa.
Lá đã tìm về nguồn cội
Đã quay đầu về núi cánh chim.
Con vẫn thấy người trong ký ức
Những tháng ngày chuối luộc thay cơm
Những mùa đông đệm rơm, chăn mỏng
Nghe gió lùa qua liếp thấu xương.
Người đã cho con hình hài
Dòng sữa mát trong
Như dòng sông lặng thầm cho đất này nước ngọt.
Quê hương cho con tiếng nói.
Con đã lớn lên bằng tình thương yêu của người
Tất tả sớm khuya, đau đáu trông mong.
Người cho con cảm xúc tinh khôi
Bởi tình yêu thương, nhọc nhằn năm tháng.
Em cho anh rung cảm đầu đời
Chợt sực tỉnh yêu là đau khổ.
Mảnh đất này, nơi cha mẹ cả đời
Chắt chiu dựng cho con tổ ấm.
Tình yêu như dòng sông bồi lắng phù sa
Cho con viết những lời trái tim sâu lặng.
Mưa bui bay,
Mưa bụi bay..
Hoa sầu đông tím ngát
Thương đau ai có đong đầy.
Hưng Yên tháng 4 năm 2017

Thiển nghĩ từ hiện tượng người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ trong bệnh viện.

Hưng Yên tháng tư năm 2017

Mới đây VTV1 đưa tin, bác sĩ ở bệnh viên HN bị người nhà bệnh nhân hành hung.
Việc hành hung bác sĩ có ở vài nơi, không nhiều, nhưng cũng đủ gióng tiếng chuông cảnh báo xã hội.
Tất nhiên hành vi hành hung bác sĩ trong bệnh viện là vi phạm luật pháp phải bị lên án, xử theo khung hình luật. Ở đây tôi và các bạn thử tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn tới sự bức xúc của người dân dẫn tới hành vi nêu trên.
Bạn đã từng đến bệnh viên? Bản thân tôi đã nhiều lần phải tới hoặc đưa người thân tới bệnh viện, xếp hàng dài từ sáng đến trưa chờ đợi đến lượt được thăm khám trong trạng thái nôn nóng, bức xúc. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này là do bệnh nhân quá đông, bệnh viện quá tải, song còn có lý do khác đó là sự trễ nải của một số ít y bác sĩ. Thậm chí có hiện tượng cò mồi, dùng tiền chen lấn để được lợi thế.
Số đông bác sĩ vẫn giữ được phẩm đạo đức ngành y, thông cảm cho bệnh nhân. Song vì sao vẫn còn đó thái độ thiếu ân cần với bênh nhân, hành vi trễ nải với công vụ?
Chúng ta có nhiều khẩu hiệu ví dụ: Lương y như từ mẫu. ..vv..., rất tiếc rằng về cơ bản suy nghĩ và hành vi của con người chỉ thay đổi khi đặt trước họ là lợi ích. Rất khó đòi hỏi thái độ ân cần tận tụy ở các bác sĩ, y tá khi đồng lương thấp. Không chỉ ở ngành y, ở các ngành khác cũng vậy.
Dẫu khẩu hiệu và thi đua ít nhiều thúc đẩy tính tích cực của con người., song cạnh tranh sinh tồn trong khung luật nghiêm minh vốn vẫn là động cơ chính. Cạnh tranh phát triển qua đó người dân được phục vụ tốt nhất, khuyến khích chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa. Đã đến lúc nhà nước không nên tự coi mình là bà đỡ, bao cấp cho các dịch vụ công bao gồm cả y tế và giáo dục, đặc biệt khi phúc lợi xã hội thấp. Tốt nhất nên có hành lang pháp lý tạo điều kiện cho sự đa dang sở hữu của dịch vụ công qua đó gắn chặt giữa thái độ ân cần, chu đáo của con người với lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng.
Ý thức và hành vi của con người về cơ bản chỉ thay đổi khi đặt trước mặt họ là lợi ích. Tôi luôn nhớ tới điều này.

ĐẤT

nguồn: Trần Nhương Blog
Thơ Trần Nhương.
ĐẤT 
là bốn ngàn năm
mồ hôi nước mắt
là máu là xương
là dòng là giống
Đất
làm nên Bạch Đằng
Đất làm nên Đống Đa
Đất làm nên Điên Biên
Đất làm nên lịch sử
Đất cho anh hùng vẻ vang !
Đừng tưởng đất chỉ là đất
Đất lặng im mà mang núi lửa
Tất cả những kẻ tham tàn chiếm đất
Đều diệt vong lụn bại !
Hãy nhớ
Đất là nhân dân
ĐẤT là NƯỚC
18/4/17

Tham nhũng, lợi ích nhóm trong quân đội Trung Quốc

Nguồn: Mạnh Kim Blog
Chẳng phải tự nhiên mà vào tháng 6-2012, Trung Nam Hải đã buộc tất cả viên chức sĩ quan cao cấp PLA phải tiết lộ tài sản, cá nhân cũng như gia đình. Trong số báo đề ngày 5-7-2012, tờ Epoch Times cho biết, một số sĩ quan PLA đã bí mật chuyển khoản ra nước ngoài trong đó có Đài Loan! Năm 2006, Phó Đô đốc Vương Thủ Nghiệp đã bị xử tử hình (hoãn án hai năm) tội nhận hối lộ hơn 160 triệu tệ (24 triệu USD). Vụ việc chỉ bị lộ tẩy khi một trong năm tình nhân của Vương “đại nhân” khai báo, sau khi cô này mang bầu và đòi Vương “đền” một triệu tệ.
Trước đó nhiều năm, đại tá Từ Tuấn Bình cũng chuồn khỏi Trung Quốc để tránh bị xử tội tham nhũng. Họ Từ dính vào “băng nhóm” tham ô của tướng Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Cơ Thắng Đức, người bị xử 15 năm tù vào năm 2000, tội dính vào đường dây buôn lậu của trùm tội phạm Lại Xương Tinh. Cần biết, Cơ Thắng Đức chính là con trai của Cơ Bằng Phi, ngoại trưởng Trung Quốc vào thời điểm Tổng thống Mỹ Richard Nixon công du Bắc Kinh năm 1972.
Trong một cuộc gặp mặt cuối năm 2011, tướng Lưu Nguyên (con của cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ) đã nhấn mạnh vấn đề tham nhũng trong PLA. “Chẳng nước nào có thể đánh bại được Trung Quốc” – họ Lưu nói trước khoảng 600 sĩ quan thuộc Tổng cục hậu cần trong cuộc gặp chiều ngày 29-12-2011 – “Chỉ có tham nhũng mới có thể hạ gục chúng ta và khiến các đơn vị quân đội chúng ta bị đánh bại mà chẳng hề lâm chiến”. Tình trạng tham nhũng trong PLA nghiêm trọng đến mức trong bài viết trên Foreign Policy, nhà báo John Garnaut đã nói rằng tất cả đã “thối rữa từ bên trong”. Người ta đã có thể thấy sĩ quan PLA ngày càng “xa rời quần chúng”, với những chiếc xe sang gắn biển số quân đội đậu đầy đại lộ Trường An hay tại các câu lạc bộ gần sân vận động Công Nhân.
Uy lực bao trùm và lan rộng của giới sĩ quan PLA cũng thể hiện ở việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn kết thân với họ để được bảo kê và tiếp cận những hợp đồng béo bở. Tại sao phải tham nhũng? Chỉ khi có nhiều tiền mới có thể không chỉ ăn chơi vung vít mà còn mua được những vị trí cao hơn trong quân ngũ. “Một số cá nhân (trong PLA) đã dùng tiền nhân dân, hàng hóa nhân dân, tài sản nhân dân để đổi lấy quyền lợi cá nhân, cười nhạo luật pháp và cả những điều lệ đảng. Họ tấn công những sĩ quan trung thành dám đứng lên tố cáo. Họ bắt cóc, tống tiền các vị lãnh đạo đảng và biến thượng cấp mình thành tấm khiên che chắn. Họ sử dụng mọi mánh khóe mafia ngay trong quân đội” – Lưu Nguyên nói.
Năm 1999, Giang Trạch Dân tiến hành chiến dịch điều tra tham nhũng liên quan tập đoàn Viễn Hoa (Yuanhua Group) của trùm tội phạm Lại Xương Tinh. Viễn Hoa đã dùng mối quan hệ với một số sĩ quan PLA để buôn lậu và trốn khoản thuế lên đến 6,3 tỉ USD. Vụ việc khiến hàng trăm viên chức cấp tỉnh và sĩ quan PLA bị rớt đài trong đó có tướng Cơ Thắng Đức. Cho đến nay, không có vụ tham nhũng nào liên quan PLA mà mức độ kinh khủng bằng vụ Viễn Hoa. Tháng 7-1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ từng nổi điên khi biết rằng, lần nào hải quan ra tay chặn hàng lậu của Lại Xương Tinh thì cũng đều bị quân đội can thiệp. Để mua chuộc giới chức quân đội, Lại Xương Tinh đã tổ chức những buổi tiệc trác táng tại hộp đêm Hồng Lâu ở Hạ Môn, nơi đương sự từng khoe một cuộn thư pháp với thủ bút của tướng Trì Hạo Điền, phó chủ tịch Quân ủy trung ương!
Đầu năm 2012, Trung Quốc đã loại trung tướng Cốc Tuấn San, tổng cục phó Tổng cục hậu cần, khỏi quân đội. “Cốc tướng quân” là sĩ quan quân đội đầu tiên ở vị trí cao cấp như vậy bị lật khỏi ghế kể từ vụ Vương Thủ Nghiệp. Một nguồn tin liên quan trực tiếp đến sự việc cho biết, họ Cốc đã mua chuộc bằng tiền lẫn hù dọa giới chức địa phương để thực hiện trót lọt những vụ tham ô tư túi cũng như để leo lên vị trí cao trong PLA. Cùng bạn bè và người thân – trong cũng như ngoài quân đội, Cốc đã hốt bộn từ một dự án bất động sản ở Thượng Hải. Sử dụng bộ phận công binh của Tổng cục hậu cần như một “đế chế” mafia riêng, “Cốc tiên sinh” đã xây hàng trăm biệt thự tại Bắc Kinh làm quà tặng cho bạn bè và đồng minh, trong đó có một biệt thự dành riêng cho đương sự, nằm bên ngoài doanh trại quân đội, đằng sau bức tường cao kề bên khu vực “Bắc Kinh tứ hoàn lộ”. Bạc Hy Lai là một trường hợp khác. Thời đương quyền, Bạc Hy Lai cũng sử dụng quân đội để thiết dựng đế chế riêng.
Tất cả hỗn loạn vừa kể xuất phát từ một trong những lý do: quân đội bắt đầu được quyền “làm kinh tế”. Gần như chẳng có quân đội nước lớn nào được phép làm tương tự. Quân đội Mỹ, Anh, Pháp… không bao giờ được phép dính vào bất kỳ dự án dân sự nào. Một quân đội chuyên nghiệp là một quân đội phân biệt được lợi ích kinh tế với lợi ích quốc phòng. Một quân đội chuyên nghiệp là một quân đội chỉ có một mục tiêu: quốc phòng. Để quân đội được quyền “làm kinh tế”, tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm sẽ phát sinh. Nắm súng trong tay, quân đội, lúc này, sẽ dùng súng để bảo vệ lợi ích nhóm thay vì bảo vệ quốc gia.
Chủ đề: Thế giới

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Những sự đầu tiên, từ "thời đại Hùng Vương":

Nguồn: Nguyenxuandienblog 
- Người đầu tiên có thể sống dưới nước mà không cần bình dưỡng khí: Lạc Long Quân.
- Người đàn bà đầu tiên trên thế giới đẻ ra “trứng”: Âu Cơ
- Người trẻ tuổi nhất hành tinh bay vào vũ trụ: Thánh Gióng
- Robot đầu tiên là cái gì và ai tạo nên? câu trả lời: Con ngựa sắt của Thánh Gióng và người làm nên là nhà nước Việt Nam cổ.
- Súng tiểu liên đầu tiên do ai làm ra, và nó là cái gì? trả lời: đó là cây nỏ thần của vua An Dương Vương
- Công nghệ đánh bóng ngọc trai đầu tiên trên thế giới: máu của Mị Châu
- Điệp viêu siêu đẳng đầu tiên của thế giới: Trọng Thủy (làm gián điệp để ăn cắp nỏ)
- Cặp vợ chồng đầu tiên thực hiện chính sách chia gia sản: Âu Cơ và Lạc Long Quân. (50 con xuống nước, 50 con lên núi)
- Người đầu tiên mang hàng giả vào Việt Nam: Trọng Thủy (mang nỏ thần giả cho AN Dương Vương)
- Người biết tiếp thị đầu tiên: Mai An Tiêm (Ông này đi tiếp thị … dưa)
- Người đi du lịch đại dương đầu tiên: An Dương Vương (Ông này đi tới giờ chưa về – chắc chắn ông phá kỷ lục của Nemo rồi)
- Người đánh ghen nhân từ nhất: Thủy Tinh: (Tay này chỉ lấy … nước tạt tình địch chứ không chơi … axit).
- Trẻ vị thành niên tham gia quân đội sớm nhất: Thánh Gióng : Ông này thì khỏi nói, 3 tuổi đã làm tướng đi đánh giặc.
- Mối tình sét đánh kinh nhất: Tiên Dung – Chử Đồng Tử: Gặp phát … cưới liền. 
Sưu tầm 

Con cháu Vua Hùng cũng đã dâng các lễ vật khủng dâng lên Vua Hùng các lễ vật: 
- Bánh chưng khổng lồ - đưa từ miền Nam ra, nhưng khi cắt ra để chia thì ôi thiu hết, phải vứt bỏ. 
- Bát miến khổng lồ. 
- Chai rượu 4000 lít để chuốc cho Vua Hùng say tít cung mây. 
- Bình trà khổng lồ dâng vua Hùng uống để Vua Hùng mất ngủ, thức triền miên lo cho con cháu. 

Thật là: 
Chung quy cũng tại Vua Hùng 
Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên!
______________ 

Hậu Khảo cổ:
Sự công bằng

Vua Hùng thách cưới toàn sản vật núi rừng “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Trong cuộc chiến giành nàng Mỵ Nương, Sơn Tinh không thắng mà Thuỷ Tinh cũng không thua, vì cơ hội trổ tài của hai người không công bằng. Sự thiên vị của Vua Hùng đã để lại hậu quả là một mối thù dai dẳng. 

Thế mà “dư luận” thì luôn bênh vực Sơn Tinh và lên án Thuỷ Tinh. Xem ra việc “phò thịnh, hạ suy” cũng đã có từ xưa rồi nhỉ?!


(truyện 100 chữ,trong tập NHỮNG MẢNH VỠ)

Campuchia và Myanmar - những xứ gần ta mà khác xa ta

  • Bởi Admin
    05/04/2017
    1 phản hồi
         
    Vương Trí Nhàn
    Ngoài chuyện tiền bạc, về tâm lý thôi mà nói, tôi thường đã rất ngại, không dám tính đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế tử tế thế mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế.
    Nhớ có lần đọc một câu của B. Russel, do Hà Văn Tấn dẫn lại, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý nói là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.
    Tôi cũng muốn làm theo lời khuyên đó, và chuyển nó từ trục thời gian xoay qua trục không gian. Tức là, nếu điều kiện cho phép, tôi thích đi lang thang ở những nước nghèo nước khổ, để khi quay về thấy yên tâm với nước mình. Ví dụ như đi châu Phi, hay mấy nước kem kem ở Trung Đông và Đông Nam Á.
    Nói thế thôi, chứ bây giờ chả ai nghèo khổ nữa, không bằng Tây nhưng họ biết học Tây để phát triển.
    Chỉ có riêng ta, chả học làm ăn gì cả -- sau chục năm hô hào nay cái nghĩa của hai chữ hội nhập tóm lại ở một nội dung là mua hàng ngoại về mà xài - nên đằng sau vẻ sặc sỡ giả tạo là sự nghèo nàn thực sự, tìm nước chán hơn nước mình rất khó.
    Tuy nhiên ở đâu thì qua sự so sánh cũng rút ra được ít suy nghĩ có ích.
    Tôi đến Campuchia tháng 11-2010 và Myanmar tháng 3-2013 cùng với tâm thế đó và đã ghi lại những cảm tưởng sau đây. Khi trình ra với các bạn, tôi biết tôi chỉ có những chuyến đi ngắn, lại ít phương tiện tiếp xúc, hẳn nhiều chi tiết có thể chưa chính xác lắm. Nhưng cái hồn của hai xứ này, nhất là chỗ khác nhau giữa họ và ta, tôi tin là tôi nắm được.
    CAMPUCHIA
    Trên những con đường quốc lộ, tôi đã chứng kiến một sự bình thản. Làng xóm nơi đây yên lành, trên nền không gian rộng rãi. Người ta không đổ ra đường để buôn bán.
    Đến Pnompenh, sự bình thản ấy vẫn còn. Đô thị không có nghĩa là chen chúc. Xe máy đã nhiều hơn xe đạp, nhưng không thành những dòng sông cuộn nước như ở ta. Ngay ở các ngã tư chưa có đèn đỏ, vẫn thấy có hiện tượng ô tô nhường nhau chứ không thúc vào đít nhau mà còi loạn lên như ở Hà Nội.
    Tôi đến Pnompenh vào một buổi chiều người đi đông nghìn nghịt ngoài đường, -- sau đó tôi mới biết là ngày hội té nước, cầu bắc qua sông bị gãy, tiếp đó là sự kiện bi thảm hơn ba trăm người chết và vài trăm khác bị thương.
    Tuy nhiên, nếu như ở VN, việc đó sẽ làm cho cả thành phố rung động thì ở đây, mọi chuyện không gây hoảng hốt quá đáng. Nhà nước không làm ầm lên cái chuyện kịp thời lo cứu trợ cho dân. Sáng hôm sau, trước bãi cỏ hoàng cung, những người công nhân vệ sinh bình tĩnh dọn rác. Hàng đàn bồ câu bay lên. Trước cửa bệnh viện, người đến thăm nom không khóc lóc động trời mà xếp hàng vào thăm người thân khá trật tự. Họ tin rằng xã hội sẽ biết cứu giúp người thân của mình một cách tốt nhất.
    Chỗ khác là những con người
    Ở đây tôi càng như trở lại một thời thanh bình cổ điển. Nơi đây khách du lịch không thấy những đám thiếu niên làm ồn trên đường và chen chúc nhau trong các cửa hàng chơi game. Không thấy các thiếu nữ váy dài váy ngắn, mắt xanh mỏ đỏ. Không thấy các đám công chức túm tụm bia rượu.
    Tôi tự giải thích cho tôi về sự thanh bình này: Chiến tranh đã đi qua đất nước này, nhưng nó không xới lật lên tất cả, nó không biến con người trở thành những cái bã của chính mình thời tiền chiến.
    Nếu sau chiến tranh người Việt mình không ai bảo ai gần như phát cuồng lên lao đi kiếm sống thì ở đây, người Miên yên tâm với tình cảnh của mình
    Con người không quá nhiều ham muốn. Không muốn trả thù cho những năm tháng vất vả vì chiến tranh. Không tự biến mình thành một xã hội tiêu thụ.
    Đặc biệt vì Siemriep là nơi nhiều du khách nước ngoài tới để thăm Ăngkor Wát Ăngkor Thom, nên tôi lại chứng kiến một nét khác làm nên lòng tự tin của văn hóa Campuchia. Họ không coi người nước ngoài là cái nguồn kiếm sống. Lại càng không coi những cái ngoại lai ấy là cái mẫu để học đòi bắt chước từng ly từng tí. Họ tự tin ở cách sống riêng của người Campuchia và biết học hỏi người nước ngoài một cách khôn ngoan và thận trọng.
    Bình thản trước lịch sử
    Cả ở Pnompenh lẫn Siemriep, phố xá được đặt tên bằng các con số là chủ yếu Rất ít phố ở đây lấy tên người để đặt như ở bên ta.
    Người Campuchia hình như không quá quan trọng đối với quá khứ của mình. Lại càng không coi việc đặt tên một người cho đường phố là cách thưởng công cho người đó, vô hình trung tạo nên một cuộc chạy đua lố bịch.
    Sống sát ngay Angko Wat Angkor Thom, nhưng người dân Siemriep không coi đó là nguồn kiếm sống, không chen chúc vào trung tâm để mở cửa hàng.
    Mà người các địa phương khác cũng không rồng rắn kéo về cố đô để lây niềm tự hào.
    Họ thản nhiên sống cạnh lịch sử, đến mức tôi cảm thấy hình như họ nghĩ rằng mình chưa đủ trình độ để giải thích quá khứ của mình.
    Cảm tưởng này lại đến với tôi khi thăm Bảo tàng quốc gia Campuchia ở Pnomgpenh.
    Giá vé vào cửa đắt, những 12 USD nên người bản xứ vào không nhiều.
    Thế sao chính phủ không tìm cách giảm giá vé để cho dân vào? Sau tôi mới biết thật ra bảo tàng này do người Pháp chủ trì xây dựng đâu từ 1925 và đến nay vẫn giữ nguyên theo cách trình bày ban đầu. Tức Bảo tàng này trình bày lịch sử Campuchia bằng con mắt người Pháp, chứ không phải bị cải tạo đi như ở ta.
    Nhưng cái du khách bắt gặp ở bảo tàng lại là một xứ Campuchia đích thực, và tôi ngờ khi tới thăm nó cả người bản địa lẫn người nước ngoài đều hiểu và yêu Campuchia hơn.
    Còn dân Việt từ quan đến dân do nghĩ rằng “không ai hiểu mình bằng mình”, chỉ biết làm ra những thứ bảo tàng quá nhiều đồ giả quá nhiều khẩu hiệu, phần xem được không bao nhiêu.
    Thử hỏi giữa ta với người hàng xóm ai biết tôn trọng quá khứ hơn ai?
    MYANMAR
    Một chút tò mò thúc đẩy tôi muốn sớm đến Yangon: người ta bảo thành phố đó tuyệt đối không có xe gắn máy. Đến đây lại thấy cái chuyện tưởng là kỳ lạ ấy thật ra không có gì phải ngạc nhiên.
    Cuộc sống các nước nghèo Đông Nam Á lẽ ra nó phải như thế. Xe máy nhộn nhạo cuồng loạn như chúng ta là hiện đại gắng gượng, hiện đại nửa vời, hiện đại giả tạo.
    Thảm ô tô khá dày nhưng mọi xe đi lại từ tốn, nhìn nhau mà đi chứ không bao giờ phải còi réo với đèn bấm ngậu xị như bên mình.
    Sau đây là một vài "cái không" khác của Yangon.
    Nhà cửa không cao, không có các loại cao ốc vài chục tầng, chỉ có những chung cư nhỏ. Tường nhà nhiều nơi cũ kỹ. Đường phố không dày đặc những biển quảng cáo hàng ngoại.
    Trên vỉa hè những bóng người thưa thớt đi lại chậm rải. Cộng với sự từ tốn của phương tiện giao thông, vẻ thanh thản của con người trên đường khiến khách phương xa mới tới có ngay cảm giác về sự ngự trị của trật tự. Không thấy một bóng cảnh sát gọi là có.
    Người đi đường không mỗi người một điện thoại cầm tay bấm nhoay nhoáy rồi nói cố gào thật to để át đi tiếng ồn phố xá.
    Nhìn vào các gia đình, cũng như trong các công trình công cộng, không thấy chỗ nào cũng một cái Tivi, hết quảng cáo mời chào mua hàng, lại lôi kéo giục giã người ta dán mắt vào các bộ phim nước ngoài sặc mùi bạo lực hoặc cải lương mùi mẫn.
    Một chút so sánh khi nhìn vào cuộc sống tinh thần
    Liên hệ tới xứ mình.
    Đáng lẽ quay trở về với xã hội tiểu nông trước chiến tranh để bình tĩnh băng bó những vết thương cũ dần dần khôi phục đất nước thì xã hội VN sau 1975 lại làm ngược lại.
    Người ở nông thôn dồn lên đô thị. Các chiến binh -- vốn không được chuẩn bị để có hiểu biết cần thiết về việc làm ăn xây dựng -- chia nhau lấp đầy bộ máy quản lý, điều hành mọi mặt kinh tế xã hội văn hóa giáo dục.
    Hỗn loạn chồng lên hỗn loạn. Nhưng mặc, tất cả hoan hỉ coi như xã hội mình đã bước vào cuộc sống hiện đại, bất chấp thực tế đó là một thứ quả chín ép dễ dàng biến dạng.
    Chúng ta luôn luôn thèm muốn một cuộc sống khác với cuộc sống mình vốn có. Cuống cuồng ăn nói đi lại. Cuống cuồng lừa đảo nhau hành hạ nhau. Cuống cuồng hưởng thụ, cố bắt cho được cái gì gọi là giàu có hiện đại mà người phương Tây đang có.
    Sở dĩ cuống cuồng là vì ta biết mình xa lạ biết bao với cái hiện đại thực sự. Càng bước gần hiện đại càng thiếu tự tin. Bằng con đường chính thường không bao giờ đạt được ước muốn nên làm liều làm lấy được.
    Đối lập lại là cách làm của Myanmar. Nội dung của sự thanh thản, yên bình lương thiện ở Yangon, là cái tinh thần tự nhận thức âm thầm của xã hội Miến. Người ta biết là người ta đang ở chỗ nào của thế giới này. Tự bằng lòng với mình. Yên tâm là có một xã hội phù hợp với trình độ sống vốn có.
    Năm 2010, đến Siemriep Campuchia, tôi ngạc nhiên vì trong khi khách nước ngoài nườm nượp thì thỉnh thoảng mới thấy một người bản địa. Giá VN có một di tích như thế xem. Dân mình sẽ đổ xô đến, ngoài chuyện làm dịch vụ kiếm sống trên lưng nhau, còn để thêm niềm “tự sướng” là ông cha mình đã tài ba giỏi giang đến thế đấy, nước mình vĩ đại ghê lắm.
    Chùa Vàng mà bọn tôi đến hôm nay cũng là một cái gì ngoại cỡ. Chiều thứ bẩy, người ta đổ đến lấp kín khu chùa mênh mông. Không thấy có cảnh chen vai thích cánh xô đẩy nhau chen bật nhau. Đến chùa ở đây là để tưởng niệm. Để được sống dưới bóng từ bi, cả gia đình con cái cầu cúng xong ăn bữa cơm đạm bạc bên chân tháp. Thế thôi.
    Trong khi chúng ta làm khổ nhau bằng những ám ảnh đâu đâu, thì người ta lẳng lặng sống theo cái nếp làm người vốn có.
    Ngoài đường, thỉnh thoảng lại gặp những đàn bồ câu lớn, tụ tập tự nhiên, không biết sợ người là gì; cạnh đấy thường có một người ngồi bán các loại thức ăn dành cho chim.
    Tản mát khắp các phố xá là những nhà sư khất thực, kể cả các em nhỏ mới vào chùa, tự nguyện sống cái cuộc sống đơn sơ của bao thế hệ đi trước.
    Lặng lẽ để thay đổi
    Sự ồn ào trên đường phố VN chẳng qua cũng là một biểu hiện của sự quá ồn quá lố trong đời sống nói chung.
    Mà rõ nhất là cái ồn bắt nguồn từ mạng lưới truyền thanh truyền hình tuyên truyền quảng cáo làm khổ con người hàng ngày.
    Tôi đã nói trên đường phố Yangon tịnh không nghe thấy những tiếng nói đầy áp đặt đó. Trong căn phòng ở khách sạn, khi mở ti-vi, tôi cũng chỉ thấy chỉ có một kênh riêng của nhà nước Miến, ngoài ra là một số kênh nước ngoài, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở con số 12.
    Thế có phải là đất nước này cứ dứng lì một chỗ? Không phải, giở lại lịch sử từ 1947 đến nay đã thấy họ bao thay đổi.
    Khi tôi từ Myanmar trở về, mấy người quen hỏi ngay là sao liều thế, thấy nói là ở bên đó quân ly khai các vùng đang nổ súng cơ mà. Không, tôi có cảm tưởng là ở cái xứ thanh bình này ai làm việc đó, chính trị là việc của một số người hiểu biết chứ không phải việc của bất cứ ai.
    Ở họ là những rắc rối nhỏ của một tình thế bình thường. Mình thì là cả một tổng thể rắc rối. So làm sao được.
    Trong cơn bế tắc, dân mình đang bàn tán nhiều tới những thay đổi bên nước Myanmar mà tổng thống Thein Sein mang lại mấy năm nay. Và nhiều người cấp tiến lại còn tính chuyện giá ta cũng làm như họ.
    Tôi thử giải đáp cho mình những câu hỏi loại này bằng cách nhớ lại một vài tin tức cũ. Ví dụ, trong số các tin tức mà tôi đọc được về Myanmar hồi trước có mẩu tin công chức Myanmar rất chuyên nghiệp, người nào cũng thành thạo tiếng Anh và không được đồng thời lo làm kinh tế riêng.
    Bộ máy nhà nước và những con người của bộ máy đó khác chúng ta lắm, làm gì có chuyện ta sẽ có ngày như họ.
    Mấy điều nhỏ sau đây hé ra cho thấy cung cách vận động của đời sống chính trị của Myanmar.
    -- Xứ sở này không hề lệ thuộc vào những danh hiệu sẵn có. Lúc họ gọi họ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Miến Điện, lúc thì lại Liên bang Myanmar.
    -- Thủ đô Rangoon đang rộng rãi hợp lý như thế, nhưng thấy cần thì lại thiết lập thủ đô mới ở Naypydaw.
    Cốt nhất là sự trung thành với tương lai chứ không phải trung thành với quá khứ.
    Đáng phải lo nhất là sự tử tế của con người và sự thịnh vượng của xứ sở chứ không phải cái tiếng hão.
    Đâu mới là xứ sở của vẻ đẹp tiềm ẩn
    Khi viết bài này, tôi có lên mạng và đọc được một bài của một bạn trẻ tên Phùng Kim Yến viết sau 6 ngày ở Myanmar, trong đó có câu nói về cái đẹp tổng quát của xứ sở mà bọn tôi vừa tới: đất nước có vẻ đẹp và cái duyên dáng tiềm ẩn (the hidden charm).
    Sau khi bảo đây vốn là slogan của du lịch VN, bạn Yến nhấn mạnh:
    Trong suy nghĩ của tôi, không phải Việt Nam mà chính Myanmar, mới là đất nước có vẻ đẹp và cái duyên dáng tiềm ẩn.
    Tôi cũng thấy thế. Tôi muốn bổ sung, còn rất nhiều thứ khác xứ ta không có, song dân ta lại thích đưa lên thật oách, và cố buộc mọi người tin rằng ta có. Tức đua đòi và khoe khoang một cách lố bịch không phải là bệnh riêng của ngành du lịch VN.