Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Tham nhũng, lợi ích nhóm trong quân đội Trung Quốc

Nguồn: Mạnh Kim Blog
Chẳng phải tự nhiên mà vào tháng 6-2012, Trung Nam Hải đã buộc tất cả viên chức sĩ quan cao cấp PLA phải tiết lộ tài sản, cá nhân cũng như gia đình. Trong số báo đề ngày 5-7-2012, tờ Epoch Times cho biết, một số sĩ quan PLA đã bí mật chuyển khoản ra nước ngoài trong đó có Đài Loan! Năm 2006, Phó Đô đốc Vương Thủ Nghiệp đã bị xử tử hình (hoãn án hai năm) tội nhận hối lộ hơn 160 triệu tệ (24 triệu USD). Vụ việc chỉ bị lộ tẩy khi một trong năm tình nhân của Vương “đại nhân” khai báo, sau khi cô này mang bầu và đòi Vương “đền” một triệu tệ.
Trước đó nhiều năm, đại tá Từ Tuấn Bình cũng chuồn khỏi Trung Quốc để tránh bị xử tội tham nhũng. Họ Từ dính vào “băng nhóm” tham ô của tướng Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Cơ Thắng Đức, người bị xử 15 năm tù vào năm 2000, tội dính vào đường dây buôn lậu của trùm tội phạm Lại Xương Tinh. Cần biết, Cơ Thắng Đức chính là con trai của Cơ Bằng Phi, ngoại trưởng Trung Quốc vào thời điểm Tổng thống Mỹ Richard Nixon công du Bắc Kinh năm 1972.
Trong một cuộc gặp mặt cuối năm 2011, tướng Lưu Nguyên (con của cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ) đã nhấn mạnh vấn đề tham nhũng trong PLA. “Chẳng nước nào có thể đánh bại được Trung Quốc” – họ Lưu nói trước khoảng 600 sĩ quan thuộc Tổng cục hậu cần trong cuộc gặp chiều ngày 29-12-2011 – “Chỉ có tham nhũng mới có thể hạ gục chúng ta và khiến các đơn vị quân đội chúng ta bị đánh bại mà chẳng hề lâm chiến”. Tình trạng tham nhũng trong PLA nghiêm trọng đến mức trong bài viết trên Foreign Policy, nhà báo John Garnaut đã nói rằng tất cả đã “thối rữa từ bên trong”. Người ta đã có thể thấy sĩ quan PLA ngày càng “xa rời quần chúng”, với những chiếc xe sang gắn biển số quân đội đậu đầy đại lộ Trường An hay tại các câu lạc bộ gần sân vận động Công Nhân.
Uy lực bao trùm và lan rộng của giới sĩ quan PLA cũng thể hiện ở việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn kết thân với họ để được bảo kê và tiếp cận những hợp đồng béo bở. Tại sao phải tham nhũng? Chỉ khi có nhiều tiền mới có thể không chỉ ăn chơi vung vít mà còn mua được những vị trí cao hơn trong quân ngũ. “Một số cá nhân (trong PLA) đã dùng tiền nhân dân, hàng hóa nhân dân, tài sản nhân dân để đổi lấy quyền lợi cá nhân, cười nhạo luật pháp và cả những điều lệ đảng. Họ tấn công những sĩ quan trung thành dám đứng lên tố cáo. Họ bắt cóc, tống tiền các vị lãnh đạo đảng và biến thượng cấp mình thành tấm khiên che chắn. Họ sử dụng mọi mánh khóe mafia ngay trong quân đội” – Lưu Nguyên nói.
Năm 1999, Giang Trạch Dân tiến hành chiến dịch điều tra tham nhũng liên quan tập đoàn Viễn Hoa (Yuanhua Group) của trùm tội phạm Lại Xương Tinh. Viễn Hoa đã dùng mối quan hệ với một số sĩ quan PLA để buôn lậu và trốn khoản thuế lên đến 6,3 tỉ USD. Vụ việc khiến hàng trăm viên chức cấp tỉnh và sĩ quan PLA bị rớt đài trong đó có tướng Cơ Thắng Đức. Cho đến nay, không có vụ tham nhũng nào liên quan PLA mà mức độ kinh khủng bằng vụ Viễn Hoa. Tháng 7-1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ từng nổi điên khi biết rằng, lần nào hải quan ra tay chặn hàng lậu của Lại Xương Tinh thì cũng đều bị quân đội can thiệp. Để mua chuộc giới chức quân đội, Lại Xương Tinh đã tổ chức những buổi tiệc trác táng tại hộp đêm Hồng Lâu ở Hạ Môn, nơi đương sự từng khoe một cuộn thư pháp với thủ bút của tướng Trì Hạo Điền, phó chủ tịch Quân ủy trung ương!
Đầu năm 2012, Trung Quốc đã loại trung tướng Cốc Tuấn San, tổng cục phó Tổng cục hậu cần, khỏi quân đội. “Cốc tướng quân” là sĩ quan quân đội đầu tiên ở vị trí cao cấp như vậy bị lật khỏi ghế kể từ vụ Vương Thủ Nghiệp. Một nguồn tin liên quan trực tiếp đến sự việc cho biết, họ Cốc đã mua chuộc bằng tiền lẫn hù dọa giới chức địa phương để thực hiện trót lọt những vụ tham ô tư túi cũng như để leo lên vị trí cao trong PLA. Cùng bạn bè và người thân – trong cũng như ngoài quân đội, Cốc đã hốt bộn từ một dự án bất động sản ở Thượng Hải. Sử dụng bộ phận công binh của Tổng cục hậu cần như một “đế chế” mafia riêng, “Cốc tiên sinh” đã xây hàng trăm biệt thự tại Bắc Kinh làm quà tặng cho bạn bè và đồng minh, trong đó có một biệt thự dành riêng cho đương sự, nằm bên ngoài doanh trại quân đội, đằng sau bức tường cao kề bên khu vực “Bắc Kinh tứ hoàn lộ”. Bạc Hy Lai là một trường hợp khác. Thời đương quyền, Bạc Hy Lai cũng sử dụng quân đội để thiết dựng đế chế riêng.
Tất cả hỗn loạn vừa kể xuất phát từ một trong những lý do: quân đội bắt đầu được quyền “làm kinh tế”. Gần như chẳng có quân đội nước lớn nào được phép làm tương tự. Quân đội Mỹ, Anh, Pháp… không bao giờ được phép dính vào bất kỳ dự án dân sự nào. Một quân đội chuyên nghiệp là một quân đội phân biệt được lợi ích kinh tế với lợi ích quốc phòng. Một quân đội chuyên nghiệp là một quân đội chỉ có một mục tiêu: quốc phòng. Để quân đội được quyền “làm kinh tế”, tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm sẽ phát sinh. Nắm súng trong tay, quân đội, lúc này, sẽ dùng súng để bảo vệ lợi ích nhóm thay vì bảo vệ quốc gia.
Chủ đề: Thế giới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét