Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Tuyên ngôn của người làm thơ cựu chiên binh

Nguồn: Blogngominh
Quý vị muốn làm gì thì làm
Muốn mị dân muốn yêu nước muốn bán nước bằng mồm thây kệ
Tôi không thù người Tàu cũng chẳng ghét xứ Trung Hoa
Nhưng đứa nào xâm lược nước tôi là chết ngay tại chỗ
Quý vị cứ việc đi đêm cứ việc sửa lại bản đồ lịch sử
Cứ việc quên bẵng ải Nam Quan cho Nguyễn Trãi đội mồ
Nhưng đứa nào bứt của thân nhân tôi sợi tóc
Là tôi đập nát đầu chứ không đập bằng thơ
Quý vị cứ việc chơi gôn cứ việc sắm sửa phi cơ
Cứ đầu cơ địa ốc cứ kiếm tiền vi vút
Nhưng đứa nào bắt dân ngu cu đen thay quý vị ở tù
Là tôi đào mả ba đời quý vị lên trét cứt
Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc
Cứ hung hăng như Gaddafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn
Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác
Nhưng lúc đường cùng đừng năn nỉ tôi nghen!
Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sĩ cực êm
Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ
Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện giá xăng
Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đĩ
Quý vị phải như vậy mới là quý vị
Vô cảm vô lương vô đạo đức vô thần
Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân!
Tháng 8-2012
BCV

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

AI LÀ VUA

Nguồn : Blogngominh
FB Lưu Trọng Văn
Trước đêm tạm xa Sài Gòn, gã lò dò vào rạp xem phim Kong. Mùi bắp bung cứ làm khó cho cái mũi của gã vốn ưa mùi cỏ dại, mùi hoa dại. Biết làm sao được khi tụi trẻ vào rạp phim bây giờ đã bị ghiền vừa ngó màn ảnh vừa rào rạo nhai bắp bung.
Hình như cả rạp chỉ có mình gã là khọm. Bọn trẻ làm chủ ở cuộc chơi này, và mùi bắp bung cũng là mùi vua của không gian này. Đành chấp nhận thôi.
Kong.
Gã bị cuốn hút vào Kong lần đầu tiên xuất hiện bên những núi núi non non, trên biển cả, rừng rú quê hương Việt của gã. Nói thật đó chính là lý do mà gã đến rạp.
Gã thú nhận rằng gã quá bị lụy chuyện cảnh đẹp quê nhà. Nhưng, xem xong gã tự hỏi điều gì cuốn hút hàng triệu người xem trên thế giới đem tới doanh thu tuần đầu tiên hơn 140 triệu đô cho Kong?
Điều gì đã đưa Kong trở thành bộ phim bom tấn đứng hạng nhất về lượt người xem trong tuần đầu tiên ra mắt ấy?
Và điều gì đã làm cho các rạp chiếu ở VN nghìn nghịt người đi xem phim, xếp hàng dài chờ mua vé?
Gã đọng lại ba hình ảnh.
-Bức tượng tổng thống Nich xơn của Hoa Kỳ –
người ra lệnh thả bom B-52 hủy diệt quê hương gã trước cảnh tàn phá muôn loài, tàn phá thiên nhiên nhân danh những giá trị của riêng mình bị biến thành hình nộm xoay như chong chóng.
– Cô gái phản chiến, phản cái ác do Brie Larson đóng nằm gọn lỏn, nhỏ bé và thánh thiện trong bàn tay lông lá khổng lồ của Kong.
– Kông tức quá đấm ngực thùm thụp rồi ngoác mồm gầm thét lên vì con người hủy diệt thế giới thiên nhiên thánh thiện của mình, một thế giới mà Kong yêu và chiến đấu quyết liệt trước bọn ma quỷ để bảo vệ nó.
Nước mắt. Nỗi đau. Sự xấu hổ.
Kong của Jordan Vogt – Roberts gầm thét lên thay cho chính Jordan.
Có thể với ai đó Kong cuốn hút bởi hình ảnh phim sống động, đẹp một cách gai người cùng những kỹ xảo tuyệt vời của Hollywood.
Với gã Kong chinh phục gã ở sự căm giận những kẻ ngu xuẩn, tham lam, độc ác không biết mình là ai giữa Trời đất, vũ trụ hay mỗi xứ sở bản địa này mà láo lếu tự cho mình là vua của muôn loài là chủ của thế giới là chúa của một quốc gia để áp đặt tất cả theo ý thích và quyền lợi bẩn thỉu của mình.
Chủ đề tư tưởng của phim được Jordan đẩy đến cao trào giữa giữ dội lửa ngút trời, giữa tiếng kêu thảm thiết của thế giới thiên nhiên, trong ánh mắt căm thù của viên trung tá chỉ huy chiến dịch tiêu diệt Kong, chinh phục thế giới do Samuel Jackson đóng tuyên chiến: Ta sẽ cho Kong biết ai là vua?
Ai là vua?
Con người sẽ còn gây khổ đau cho nhau, khi kẻ này tự cho mình là vua được quyền ngồi chồm hỗm trên đầu những kẻ khác.
Và, loài người sẽ còn chìm trong sự bất hạnh khi tự cho mình là vua được quyền ngồi chồm hỗm lên thế giới Thiên nhiên do Tạo hóa tạo ra mà không hòa vào Thiên nhiên như một đứa con ngoan của Trời đất.
Nguồn: FB Luu Trong Van

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

NHÀ THƠ TÚ MỠ

ĐỖ NGỌC YÊN

Nguồn: Ngominhblog

Kỷ niệm 117 năm Ngày sinh nhà thơ Tú Mỡ (14/3/1900- 14/3/2017)Trào lộng mà nhân hậu.Nói đến Tú Mỡ là người ta dễ liên hệ đến bậc đàn anh Tú Xương. Hai ông là những đỉnh cao của thơ trào phúng. Mà đã là thơ trào phúng ắt sẽ phải chạm đến tâm hồn Việt. Tuyệt nhiên không có thứ thơ trào phúng lai căng, nhập ngoại.


Nhà thơ Tú Mỡ
Tuy nhiên không hẳn vì đi theo con đường trào phúng của bậc đàn anh Tú Xương, mà anh công chức tài chính thời Tây Hồ Trọng Hiếu lại chọn bút danh cho mình là Tú Mỡ. Liệu còn một lý do nào khác nữa chăng?
*Nhà thơ Tú Mỡ, tên thật là Hồ Trọng Hiếu. Ông sinh ngày 14/3/1900, tại phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong một gia đình tiểu thủ công nghèo. Lên 5 tuổi, Trọng Hiếu học chữ Hán với ông nội. Sau khi ông nội mất, cậu bé Hiếu mới chuyển sang học trường tư chữ quốc ngữ với thầy giáo Quý ở phố Hàng Mành. Học được một năm, ông xin chuyển vào học trường công ở phố Hàng Bông, rồi tiếp đến là ở phố Hàng Vôi.
Năm 14 tuổi (1914), Trọng Hiếu đỗ đầu bằng sơ học yếu lược Pháp- Việt. Ngay năm sau đấy ông được nhận vào học trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội). Cùng khóa với ông có Hoàng Ngọc Phách, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Tố Tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam và đã được dịch ra tiếng Pháp ngay khi nó vừa xuất bản bằng tiếng Việt.
Chẳng hiểu vì duyên cớ nào, năm lên 16 tuổi, Trọng Hiếu bắt đầu nhiễm chứng làm thơ. Ông đã kể lại một cách rất hồn nhiên và hóm hỉnh trong hồi ký của mình rằng: …tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua bộ Hán- Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của nữ sĩ họ Hồ tên Xuân Hương, rồi đến Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Trần Tuấn Khải,… những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất,…. Đấy toàn là những bậc thơ tài danh đất Việt…
Khi tròn 17 tuổi, chàng thư sinh Hà thành Hồ Trọng Hiếu đem lòng yêu một nữ sinh 15 tuổi ở phố Hàng Bông. Bắt đầu từ thời điểm này, chứng bệnh làm thơ của chàng ngày càng nặng thêm. Thật không may cho kẻ si tình, sau khi bài thơ tặng người yêu đầu tiên theo thể thất ngôn bát cú, có tên là Tương tư đến tay Hoàng Ngọc Phách thì bị chê là mòn sáo. Quả là chẳng có sai, vì ở cái tuổi ấy, vốn không có khiếu thơ tình, nhưng khi tình yêu sét đánh sạt qua thì cứ nghĩ gì viết nấy thôi, chứ lấy đâu ra cảm xúc.
Năm 18 tuổi, Hồ Trọng Hiếu đỗ bằng Thành Chung và cuối năm đó, ông xin
vào làm thầy ký trong Sở Tài chính Hà Nội cho đến Cách mạng Tháng 8/1945. Dù không phải là nghề thầy phán, nhưng ngay từ khi bắt đầu đi làm ông cũng đã sáng tác được bài thơ khôi hài đầu tiên, đó là bài Bốn cái mong của thầy Phán. Nhưng cũng phải đến lúc chàng thanh niên họ Hồ 26 tuổi mới bắt đầu có thơ đăng trên Việt Nam thanh niên tạp chí và Tứ dân tạp chí. Và mãi đến năm 32 tuổi, sau khi gặp Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) năng khiếu thơ trào phúng của Tú Mỡ mới được phát hiện và ngay sau đấy ông được mời tham gia Tự lực văn đoàn. Sau một thời gian ngắn, Tú Mỡ được cử phụ trách mục Giòng nước ngược trên tờ Phong Hóa, một tờ báo chuyên về văn chương, hài hước và trào phúng của
nhóm này.
Mùa đông năm 1946, cuộc kháng Pháp bùng nổ bùng nổ, Tú Mỡ thôi không làm ở Sở Tài chính nữa mà lên chiến khu, tham gia kháng chiến bằng ngòi bút trào phúng sở trường quen thuộc. Thời kỳ này, Tú Mỡ ký tên là Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh,…cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ. Tú Mỡ là tên đặt đùa, ý là người kế tục nhà thơ bậc thầy Tú Xương. Vả lại, hai chữ Tú Mỡ lúc này ông còn nghe gần với đú mỡ (rửng mỡ), có vẻ không được…nghiêm túc. Và từ nay, tôi đặt thơ vào hai mục riêng: loại đánh địch là mục Nụ cười kháng chiến và loại ca ngợi tinh thần anh dũng của quân dân là mục Anh hùng vô tận. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), thì trong lúc kháng chiến, có lần ông bị đối phương bắt nhưng đã tìm cách thoát được.
Năm 1954, chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới. Đến năm 1957, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, nay là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học-  nghệ thuật Việt Nam và là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khóa I.
Tú Mỡ mất ngày 13 tháng 7 năm 1976, tại Bệnh viện hữu nghị Việt- Xô, Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.
Sự nghiệp sáng tác của ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ về nhiều thể loại khác nhau. Về thơ cóDòng nước ngược, tập 1 do Đời Nay xuất bản, 1934, tập 2 do Đời Nay xuất bản, 1941. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm giàu tính chiến đấu như: Nụ cười kháng chiến, (1952); Anh hùng vô tận (1952); Nụ cười chính nghĩa (1958); Bút chiến đấu (1960); Đòn bút (1962); Ông và cháu (tập thơ thiếu nhi, 1970); Thơ Tú Mỡ (tập thơ tuyển, 1971), cùng một loạt tác phẩm về diễn ca, chèo, tuồng, hát xẩm,… Năm 2008, Tú Mỡ toàn tập (gồm 3 tập) được Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Nhà thơ Tú Mỡ từng đã được nhận các giải thưởng: Giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1951; Giải nhì về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001.
Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan thì: Tú Mỡ là người thuốc lá không hút, chè tàu không nghiện, tổ tôm không biết đánh. Giữa đám người cầm bút đông đảo đa ngôn đa sự, ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu không mơ tưởng hão huyền, tin rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn
như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã có nụ cười hóa giải giúp!,… (1)
Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà văn Việt Nam hiện đại nhận xét: Thơ mới ngày nay đã xâm chiếm gần đến đất đai của thi ca Việt Nam… làm cho những tay kiện tướng còn lại của trường thơ cũ như Trần Tuấn Khải, Tương Phố đều phải xếp bút. Tuy vậy, vẫn còn một dòng thơ cũ chảy róch rách, nước thật ngọt ngào, vì nó là thứ nước của nguồn xưa mà người Việt nam quen uống từ lâu. Tôi muốn nói đến hai tập Dòng nước ngược (tập 1 và 2) của Tú Mỡ. Hai tập thơ này đều có cái giọng bình dân rất trong sáng. Chúng ta vốn ưa thích xưa nay: giọng cợt đùa lẳng lơ của Hồ Xuân Hương, giọng nhạo đời của Trần Tế Xương, giọng thù ứng ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu, giọng giao duyên tình tứ của Trần Tuấn Khải; từng ấy giọng thơ, ngày nay ta thấy cả trong hai tập thơ trào trúng của Tú Mỡ…Cũng như Tản Đà và Trần Tuấn Khải, Tú Mỡ viết rất nhiều lối, nào phong dao, nào thù ứng, nào hát xẩm, nào văn tế, nào chầu văn… mà lối nào của ông cũng đều hay cả…Thơ Tú Mỡ thật là thơ có tính cách Việt Nam đặc biệt (2).
Còn theo Giáo sư Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học giản ước tân biên  (Quyển 3), xuất bản năm 1965 thì:Trong làng thơ Việt Nam sau 1932, có một cây bút không mới chút nào…vậy mà ngự trị thường xuyên trên báo Phong Hóa  Ngày Nay’ và được độc giả thời ấy rất ham coi, đó là cây bút trào phúng Tú Mỡ…. Thơ ông chịu ảnh hưởng rõ rệt thơ cũ…từ cảm hứng đến thể cách. Ông sáng tác đủ loại: thơ Đường, phú, văn tế, lục bát, hát nói, hát xẩm, chầu văn… Nói rằng ông đã tiến hơn tiền bối thì quá đáng, song ở ông cũng đã có một lời thơ hoạt bát, cách gieo vần tài tình, giọng dí dỏm tự nhiên và biết mượn tình cười để chinh phục người ta… Sau Tú Mỡ (và đồng thời ông nữa) trên khắp các báo, người ta làm thơ trào phúng nhan nhãn, nhưng dễ chừng không ai bắt chước được tác giả Giòng nước ngược (3).
Sự hướng đạo của Nguyễn Tường Tam đối với Tú Mỡ ngay từ thời tập tọng làm thơ là không thể chối cãi được. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ. Tờ báo đầu tiên mà Tú Mỡ cộng tác là Phong Hóa của nhóm Tự lực văn đoàn do Nguyễn Tường Tam phụ trách. Ông đã khuyến khích chàng thanh niên Hồ Trọng Hiếu đi vào thơ trào phúng, cho nên mới thành Tú Mỡ… Sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu: Các anh phân tích thế thì tôi đã nghe ra…Chỉ lo trước một điều, quả đất tròn, biết đâu việc đời thế nào, một ngày kia ta bắt sống Nguyễn Tường Tam mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đấy. Xin Chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam. Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không nhìn ai: Tôi đề nghị các anh như thế (4) .
*
Tú Mỡ hay Bút chiến đấu đều là bút danh của Hồ Trọng Hiếu do thời vận mà thành. Chỉ nghe những tên bút danh ấy người ta có thể đọc vị được ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, cái tên bút danh Tú Mỡ, ngoài hàm nghĩa Hồ Trọng Hiếu tự nhận mình là hậu bối của nhà thơ trào phúng Tú Xương, còn có một ý nghĩa khác, thực tế hơn và cũng khôi hài hơn. Bởi lẽ ông là một người gầy dơ xương, nên có lẽ gọi là Tú Xương thì mới đúng. Tú là học hết bậc tú tài Tây, còn Xương vì ông lấy đâu ra thịt. Thế nhưng, Tú Xương là bút danh của bậc tiền bối, cùng theo dòng thơ trào phúng, nên người có học, lại đức độ như Hồ Trọng Hiếu không thể để cho thiên hạ nhầm lẫn có hai Tú Xương, nên ông đành chuyển sang bút danh Tú Mỡ, âu cũng là một cách khôi hài và tự trào về dáng vóc gầy còm dơ xương của ông vừa đắc đạo với tiền nhân, vừa đắc chí với chính mình.
Với cái tên bút danh Tú Mỡ, khiến nhiều người nghĩ đến có lẽ đây là ước nguyện da diết và cháy bỏng của một anh chàng toàn da bọc xương mà lại tự xưng mình là Mỡ, chỉ nghe cũng đã thấy phì cười. Ông vua văn xuôi trào phúng, người cùng thời với Tú Mỡ là nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chấp bút bài thơ đùa trêu Tú Mỡ từ cái sự trái khoáygiữa bút danh và vóc dáng thật của nhà thơ hoàn toàn trái ngược nhau. Đấy cũng là sự lý giải vì sao Tú Mỡ sống lâu. Ấy là một lần Tú Mỡ làm thơ xỏ xiên Trời, dám gọi Trời là xừ. Thực ra đây là cách gọi tắt của từ cũ me xừ, cách nói bồi từ tiếng Pháp monsieur để đùa hoặc chê bai một ai đấy, chẳng hạn như: me xừ ấy dạo này rảnh rỗi nhỉ. Thậm chí Tú Mỡ còn có lúc bảo Trời là đồ xỏ lá ba que, khiến Trời phải sai Thiên Tào đi dò la khắp thiên hạ để tìm bắt Tú Mỡ về trị tội. Bởi theo logic thông thường thì Mỡ ắt sẽ phải… béo. Cho nên khi đi khắp hạ giới Thiên Tào chỉ chú trọng đến cái tên Mỡ ấy theo phương châm là:
Bắt thằng béo kẹp kìm lòi mỡ
Phớt lờ đi những đứa gầy còm.
Kết cục là Tú Mỡ đã lọt lưới Trời mà sống thọ đến tuổi cổ lai hy vì thoát được sự truy xét của Thiên Tào. Lại là một cách đùa hóm hỉnh và rất thông minh của ông vua truyện trào lộng Nguyễn Công Hoan. Nhưng ở Tú Mỡ, bên trong cái buồn cười, đầy vẻ trào lộng ấy lại là một con người rất mẫn cán với công việc và nhân hậu với cuộc đời, bằng hữu, đặc biệt là với người thân trong gia đình.
Sinh thời Tú Xương cũng đã có bài thơ Thương vợ viết theo thể thất ngôn bát cú hay đến mức nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học và các nhà lý luận đã xếp bài thơ này vào loại mẫu mực của thể loại thất ngôn bát cú:
Quanh năm buôn bán ở mom song
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!
Không những thế, bài thơ còn là mẫu mực về tình nghĩa vợ chồng, đạo phu thê từ trước tới giờ, đáng để cho nhiều người trong chúng ta soi vào tấm gương ấy.
Còn bài thơ Khóc người vợ hiền của Tú Mỡ được viết theo thể song thất lục bát khá dài. Dù dài, nhưng vì là bài thơ quá hay nên tôi trích nguyên văn ra đây để mọi người cùng thưởng thức:
Bà Tú ơi! Bà Tú ơi!
Té ra bà đã qua đời, thực ư ?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai
Đâu bóng dáng con người thùy mị,
Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi,
Vần còn khỏe mạnh, vui tươi,
Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh.
Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ
Một cô nào thiếu nữ thanh tân.
Vậy mà cái chết bất thần
Cướp bà đi mất, vô ngần xót xa!
Tôi được bà vợ hiền thuần thục,
Cảm thấy mình tốt phúc bao nhiêu!
Đôi ta cùng một cảnh nghèo,
Đạo chồng vợ lấy chữ yêu làm nền.
Nhớ khi giường bệnh đã nằm,
Bà còn thủ thỉ tình thâm thương chồng
“Tôi mà chết thì ông sẽ khổ,
Vì, cứ theo câu cổ ngữ ta
Xưa nay con cái nuôi cha
Cũng không chu đáo bằng bà nuôi ông.”
Bà ơi, hãy dầu lòng yên dạ,
Giấc nghìn thu cho thỏa vong hồn,
Bà đi, đã có dâu con,
Một lòng phụng dưỡng, chăm nom bố già.
Tôi có khổ, âu là chỉ khổ
Vì thiếu bà, nhà cửa vắng tanh,
Khổ khi thức giấc tàn canh
Bên giường trống trải một mình nằm trơ.
Khổ nhớ lại sớm trưa ngày trước
Pha ấm trà chén nước mời nhau.
Giờ tôi chẳng thấy bà đâu,
Bên bàn thờ nhắp chén sầu đầy vơi…
Khổ những lúc ra sân mê tỉnh
Ngắm vườn nhà thấy cảnh thênh thang,
Mà bà khuất núi cho đang,
Quả cau tươi, lá trầu vàng ai xơi?
Khổ trông thấy cái cơi còn đó,
Đã khô trầu, khô vỏ, khô cau.
Ba thước đất đã vùi sâu
Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi
Ngẫm: cảnh già cuộc đời sung sướng,
Tưởng vợ chồng còn hưởng dài lâu
Không ngờ con tạo cơ cầu,
Bà đi, để tủi dể sầu cho tôi
Ôi! Duyên nợ thế thôi là hết,
Năm muơi năm thắm thiết yêu nhau!
Bà về trước, tôi về sau
Thôi đành tạm biệt, nuốt sầu gượng vui
Bà đi rồi nhưng tôi phải ở,
Công việc đời còn dở tí thôi,
Bao giờ nhiệm vụ xong xuôi,
Về nơi cực lạc, lại tôi với bà…
Kể từ cổ chí kim, phần lớn các đức ông chồng đều thương yêu vợ, vì dẫu sao họ cũng mang tiếng là phận chân yếu tay mềm, nhưng đã gắn bó nhiều năm tháng cuộc đời với mình, lo gánh vác việc nhà, yêu chồng, thương con, nhưng mà thương được như Tú Mỡ hồ dễ chỉ đếm đầu ngón tay. Theo tôi, đây là bài điếu văn bằng thơ, hay là một bài thơ khóc vợ hay nhất từ trước đến nay. Nếu một bài thơ hay được nhìn nhận tùy thuộc vào cái tình mà tác giả gửi gắm vào đấy chân thành, thiêng liêng và mặn nồng đến mức nào, thì đây đích thức không có bài thơ nào khóc vợ hay hơn thế. Điều ấy cho thấy tình cảm thắm thiết và tấm lòng nhân hậu của nhà thơ đối với người bạn đời không có gì sánh bằng. Dù nỗi đau mất người vợ hiền đến tột độ, nhưng Tú Mỡ vẫn không giấu nổi sự trào lộng vốn có của mình, khiến người đọc không cảm thấy bị quá sốc, mà cứ lịm ngọt nỗi đau thấu tậm gan ruột. Đấy chính mới là nỗi đau đích thực không gì có thể bù đắp được.
Những bài thơ viết cho thiếu nhi sau này của Tú Mỡ càng cho thấy ông là một người càng hóm hỉnh bao nhiêu, càng đôn hậu bấy nhiêu, đặc biệt là bài Thương ông. Bất kỳ ai đọc bài thơ này cũng dễ dàng nhận ra đằng sau sự hóm hỉnh là một tấm lòng hết mực thương yêu của người ông đối với đứa cháu bé bỏng của mình:
Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khoẻ
Vì nó thương ông
Đôi mắt sáng trong
Việt ta thủ thỉ:
– Khi nào ông đau
Ông nói mấy câu
Không đau! Không đau!
Dù đau đến đâu
Khỏi ngay lập tức…
Ông phải phì cười:
 – Ừ, ông theo lời
Thử xem có nghiệm:
Không đau! Không đau!
Và ông gật đầu:
– Khỏi rồi! Tài nhỉ!
Việt ta thích chí:
 – Cháu đã bảo mà…!
Và móc túi ra:
– Biếu ông cái kẹo!
Bài thơ rất giản dị được viết theo thể bốn chữ dễ đọc và dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn là ông vua thơ trào phúng Tú Mỡ đã tìm được cách nói đúng với tâm lý lứa tuổi của cả ông lẫn cháu, rất hợp với lứa tuổi trẻ thơ, với tình cảm ông cháu hơn cả về giọng điệu và ngồn từ. Dù có thể đây là cảm xúc về một điều có thực từng diễn ra với hai ông cháu nhà thơ Tú Mỡ, hay chỉ là trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, thì vẫn là một tình cảm đẹp được nhìn qua lăng kính trào lộng, hóm hỉnh của người ông, khiến nó trở nên gần gũi, thân quen hơn với lứa tuổi thiếu niên của nhiều thế hệ.
……………….
Tham khảo:
(1). vuongdangbi.blogspot.com
(2). Vũ Ngọc Phan- Lược theo Nhà Văn hiện đại (1942-1945). Nxb Văn học, H, 2008.
(3). Phạm Thế Ngũ– Việt Nam văn học giản ước tân biên. Văn học hiện đại  1862- 1945. Quốc học tùng thư xuất bản, năm 1965.
(4). Tô Hoài. Cát bụi chân ai. Hồi ký. Nxb Hội Nhà văn, H, 1992.


NHỮNG KHOẢNG LẶNG THẦM\                         
                      Tặng Nhà Thơ Nguyễn Văn Thích
Có   thẻ làm gì được người ơi/ Dẫu lòng  trào  sóng dội.
Hạt cát nhỏ nhoi đâu thành bãi, thành bờ.
 Ngọn đèn  đơn côi đêm dày sao tỏ
Giữa căm thù, cuồng tín,
Ích kỷ dối lừa
Mưu mô , thủ đoạn
Giữa Vô tri, Hoang dại
Tiến bộ hóa ngô nghê.

Có ai lắng nghe lòng trăn trở 
Quốc ,,,Quốc .. Tản Đà  vọng mãi mai sau.
Sao không thể bắt tay nhau,
Mãi  sống bằng, căm thù cuồng nộ

Đau đớn thay những khoảng lặng  thầm
Người méo mó bởi mô hình dị dạng
Với tâm thức bộc nô
Ươn hèn trơ trẽn
Sao có thể lớn lên.

Ôi! Đành vậy, lặng   thầm đau xé!
Đất quê nghèo trong nghiệp bể dâu..
                        Hưng Yên tháng 3 năm 2017


Lặng

Thơ Nguyễn  Văn Thích
                 Hưng Yên tháng 3 năm 2017
Lặng (.) một chấm nhỏ nhoi
Mà bão giông nghiêng ngả
Ngoài kia đời hối hả
Trong này lặng niềm riêng
Lặng là khoảng bình yên
Sao trong lòng nổi sóng ?
Ta thiết tha được sống
Nên để chết phần mình !

Trống trận” lại nổi trên biển Đông

Nguồn : Ngominhblog

 Hàn Gia Bảo

Về việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 năm nay, nhà báo Trần Đăng Khoa vừa kể lại mẩu chuyện sau đây trên “phây”[1]: Một vị lãnh đạo truyền thông Trung Quốc bảo nhà thơ, “Chúng ta là nhà báo thì phải vì đại cục, viết cái gì cũng vì tình hữu nghị đằm thắm giữa hai nước, đừng kích động nhân dân, đừng để dân hiểu lầm”. Trần Đăng Khoa trả lời: “Chúng tôi cũng chỉ mong vậy và luôn giữ đúng cam kết, thậm chí là nín nhịn. Nhưng chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền của chúng tôi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Có điều tại sao các anh lại đi kích động nhân dân. Một loạt bài của báo Hoàn Cầu nói sẽ tấn công Việt Nam, với vũ khí đặt ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể san phẳng thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Nếu là báo lá cải, chẳng chấp, nhưng đó lại là phụ trương báo của báo Đảng thì không thể chấp nhận được”. Nhà báo Trung Quốc: “À, đấy chỉ là báo thị trường”. Trần Đăng Khoa đáp lại: “Báo Nhân Dân chúng tôi cũng có nhiều phụ trương, như Ngày NayNhân Dân cuối tháng đều là báo thị trường cả, nhưng chúng tôi có bao giờ nói Trung Quốc như vậy đâu”.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Hoa Kỳ tham gia tuần tra Biển Đông hôm 1922017.  Ảnh AFP

Tiếng gươm khua…
Một cách tương tự, Việt Nam và các nước ASEAN khác đều có thể chất vấn Ngoại trưởng Vương Nghị khi ông này vừa tuyên bố những lời có cánh: Tình hình Biển Đông đang dịu đi, thậm chí căng thẳng giảm và giảm một cách đáng kể (?!) Làm thế nào mà tình hình có thể dịu đi khi mà bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài La Hay (PCA), phớt lờ sự phản đối của nhiều nước, Trung Quốc vẫn cố sống cố chết quân sự hóa những hòn đảo đã cướp được ở Biển Đông; Trung Quốc vẫn tìm mọi cách biến những hòn đảo thuộc chủ quyền của nước khác thành những kho thuốc súng của mình, thành những trận địa hạt nhân, châm ngòi cho các đụng độ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Làm thế nào mà căng thẳng trên Biển Đông có thể thuyên giảm khi mà đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa kêu gọi Quốc hội Trung Quốc cho tăng thêm quân tiếp viện, tăng thêm sự hiện diện ở các vùng biển mà Bắc Kinh từng đơn phương tuyên bố chủ quyền (một cách phi pháp). Cũng bên lề Quốc hội, bà Chủ nhiệm Ban đối ngoại Phó Oánh thừa nhận, tương lai vùng biển này có liên quan đến lập trường của Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung, nhưng rồi chính Ngoại trưởng Vương Nghị lại gạt Mỹ và các nước khác ra khỏi vấn đề Biển Đông và nghênh ngang đòi để một mình Trung Quốc “bảo kê” toàn bộ Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Quốc hội hàng năm, Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Tại thời điểm này, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối, họ sẽ không được ủng hộ, trái lại họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của cả khu vực. Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi ý tưởng của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác… Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này bị phá hoại hoặc cản trở”. Nhưng ai khuấy động Biển Đông khi chính Trung Quốc vừa tiếp tục ban hành bất hợp pháp lệnh cấm đánh bắt cá trong một phạm vi biển bao trùm lên toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng vừa nới rộng “thẩm quyền xét xử” ra cả vùng Biển Đông đang tranh chấp, theo bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. Mới đây nhất, Trung Quốc công khai tuyên bố, nước này vừa đóng xong giàn khoan lớn hơn giàn khoan HD-981 nhiều và có thể sẽ kéo xuống Biển Đông. Chưa kể những thông tin về việc xây nhà máy điện sử dụng năng lượng hạt nhân hay lắp đặt các thiết bị quan trắc dưới lòng biển xuất hiện dày đặc trong thời gian gần đây[2]
Từ này 27/2, Trung Quốc và ASEAN vừa nhóm họp để đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Dự kiến các bên sẽ tiến hành một hội nghị nữa tại Philippines trong tháng 6 tới. Mục tiêu là vào cuối năm nay có thể chính thức hóa một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để kiểm soát những tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, tại cuộc họp vừa qua vẫn tiếp tục nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Trên thực tế, các bên liên quan chưa bao giờ nhất trí được việc xác định những thực thể nào tại Biển Đông là có tranh chấp, chủ yếu là do Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển. Ngoài ra, ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đề ra một chiến lược đoàn kết để phản bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dùng quân bài kinh tế để chia rẽ nội bộ ASEAN. Và trên hết, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu theo đuổi tham vọng nắm quyền kiểm soát rộng hơn đối với toàn bộ Biển Đông. Theo Giáo sư Luật Hàng hải Jay Batongbacal, từ Đại học Philippines, nếu COC chỉ mới đạt được cái khung bộ quy tắc thì hoàn toàn chưa đủ. Đó chỉ là phần “mục lục của một cuốn sách”. Không phải ngẫu nhiên, chưa thấy có nước nào trong ASEAN cho đến nay, ra tuyên bố về kết quả của cuộc đàm phán nói trên.

Dấu hiệu tăng nồng độ
Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh đang có dấu hiệu tăng thêm nồng độ. Từ đầu tháng Ba, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Tổng thống mới của Hoa Kỳ Donald Trump tuy đang gặp một số khó khăn về nội bộ nhưng cũng đã có tuyên bố khá rõ ràng về các chính sách đối nội và đối ngoại, nêu bật chủ trương cứng rắn với Trung Quốc về kinh tế, tài chính, quốc phòng. Về Biển Đông, các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của chính quyền Trump còn tỏ ra mạnh mẽ hơn cả Tổng thống trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhiều lần khẳng định giữ nguyên và củng cố liên minh quân sự với các nước châu Âu và châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia… kiên quyết bảo vệ tự do thông thương hàng hải và hàng không quốc tế trong vùng, kiên quyết chống lại việc độc chiếm và biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson từng mạnh mẽ tuyên bố không cho ai được cưỡng chiếm các đảo nhân tạo trong vùng biển quốc tế, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.
Truyền thông từ đầu tháng qua cũng đã nhất loạt đưa tin về chuyến thăm thị sát siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Tổng thống Mỹ hôm 3/3 tại Virginia[3]. Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ xốc lại sức mạnh quân sự Mỹ. Trong bài diễn văn phát biểu trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford, vị Tổng thống doanh nhân này cảnh báo đối thủ tiềm tàng của Hoa Kỳ: “Chớ có dại đối đầu với nước Mỹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!”. Tuy ông không nêu đích danh đối thủ này là nước nào, nhưng theo tờ Đa Chiều, không có gì nghi ngờ việc Trung Quốc là một trong những đối thủ tiềm tàng lớn nhất của Mỹ. Trong chuyến thị sát vừa qua, ông Donald Trump đã công bố với thế giới rằng, sức mạnh quân sự Hoa Kỳ là không nước nào sánh nổi và nó sẽ còn lớn mạnh hơn nữa, vì ông sẽ đề nghị Quốc hội tăng thêm 10% ngân sách quốc phòng để đóng mới vũ khí trang bị. Ông Trump không dấu diếm: “Hàng không mẫu hạm này và những tàu sân bay lớp Gerald R. Ford trong tương lai sẽ thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ trên các đại dương. Chúng sẽ thực hiện các sứ mệnh quan trọng. Hy vọng chúng ta không phải sử dụng đến sức mạnh quân sự, nhưng một khi chúng ta phải dùng đến quân đội, phiền phức cho đối thủ sẽ rất lớn!”
Tổng thống Trump cùng các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, các tướng lĩnh Ngũ Giác Đài, Tư lệnh Hạm đội 7 đều cùng chung một luận điểm “hòa bình thông qua sức mạnh”. Chính quyền mới khẳng định mạnh mẽ: Hoa Kỳ và các nước đồng minh có quyền thực hiện tự do hàng hải và hàng không phù hợp với pháp luật quốc tế ở mọi vùng biển quốc tế, mà Biển Đông là một trong số những địa bàn quan trọng nhất do sự tấp nập dày đặc của hàng hải thế giới. Ngày 28/2/2017, tàu sân bay USS Carl Vinson vừa kết thúc một lịch trình hải hành như các cuộc diễn tập từng xẩy ra trước đây. Đô đốc James Kilby chỉ huy Cụm tàu này nói đây là một hoạt động FONOP thông thường. Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự đều cho rằng đây là một hành động nhằm thăm dò, nắn gân Bắc Kinh xem phản ứng của Bắc Kinh ra sao khi một Cụm tàu tác chiến hiện đại Hoa Kỳ tiến sát vào các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã củng cố thành căn cứ quân sự suốt mấy năm nay. Trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng và kéo dài thêm các đường băng, xây dựng thêm hải cảng, đặt nhiều bệ phóng tên lửa tầm ngắn và khi cần có thể thay bằng tên lửa tầm trung, cùng với nhiều căn cứ radar, doanh trại, nhà nghỉ cho khách du lịch.
*
Ngày 13/3/2017, Hãng tin Reuters trích ba nguồn tin khác nhau, cho biết Hải quân Nhật Bản cũng sẵn sàng triển khai vào mùa Xuân này một chiến hạm lớn nhất tại Biển Đông. Đây sẽ là việc thể hiện sức mạnh chưa từng có của Nhật Bản trong khu vực kể từ sau Thế Chiến II. Tàu khu trục sân bay trực thăng Izumo sẽ ra khơi vào tháng 5/2017 và sẽ ghé các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia các cuộc tập trận chung vào tháng Bẩy với Hải quân Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Tàu Izumo dài 249 mét (816.93 ft), lớn bằng những chiếc hàng không mẫu hạm thời Thế chiến thứ Hai của Nhật Bản. Tàu có thể chứa đến chín chiếc trực thăng. Izumo cũng tương tự như những chiếc hàng không mẫu hạm tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng không có khoang cho tàu và máy bay hạ cánh. Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, đã và đang cố gắng điều chỉnh Hiến pháp của Nhật thời bình và hậu chiến. Nước này quy định tàu Izumo là một khu trục hạm, vì hiến pháp cấm mua vũ khí tấn công. Con tàu sẽ giúp cho Nhật Bản phô diễn sức mạnh quân sự vượt ra khỏi lãnh thổ của mình. Người Nhật không nói nhiều và cũng không đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng gần đây đã chủ động nhận nhiều trọng trách hơn trong viêc làm giảm tiếng “trống trận” trên các vùng biển châu Á./.

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Chùm thơ của Quý Nghi


(1) HOA LAN VƯỜN CHÙA
Hoa lan bên gác chuông chùa
Cửa thiền ngan ngát gió lùa thoảng thơm
Chòng chành chiều vọng tiếng chuông
Rêu phong phủ khép nỗi buồn thẳm sâu !...
Hoa xưa ưu ấp mái đầu
Hương xưa thảng thốt nguyên màu trắng trong
Người đi nhập thác cuộn dòng
Để ai gềnh đá nặng lòng sông sâu ...
Trời xanh đã biếc một màu
Tin sương rũ nát , vò nhàu tâm can
Lỡ làng thắt giải khăn ngang
Bịt đầu xuống tóc khói nhang nguyện cầu
Đăm đăm phật Thích trên đầu
Mõ buông tiếng nấc , nhẩm câu kinh chiều
Vườn chùa Lan đứng quạnh hiu
Hương thơm thoảng ngát nói điều ...Chuông ngân !?...
(2)TÌNH QUÊ
Người về gốc rễ quê ta
Vắng lâu gặp lại nửa xa nửa gần
Cổng làng níu bước chân dừng
Lá đa gói ghém niềm mừng nỗi thương ...
Có còn một dáng tinh sương
Ao làng tiếng vỗ , áo vương sen thầm
Gần nhà mà ngõ phải vòng
Bện rơm gói lửa , than hồng ném sang
Thơm lừng đũa quậy chảo rang
Chiếc khăn tùm túm nóng ran - Nếp mùa
Lanh canh thuyền thúng bóng trưa
Bến bờ ngày ấy gió mưa mặn mòi
Người về gặp lại giếng khơi
Chụm đầu khoanh miệng , gầu ơi tuột gầu !
Tìm gì trong mắt chim sâu ?
Long Lanh nắng sớm lại cầu chiều mưa ...
Lâng lâng gió đã chuyển mùa
Bâng khuâng đầu xóm chuông chùa ngân xa !.
(3) ĐẤT
Nâu đất thịt , đỏ ba zan
Muôn năm " Tấc đất tấc vàng " Người ơi !
" Hiền như cục đất " ấy thôi
Mặc ai đào bới không lời thở than !
Lòng sâu ngàn độ nóng ran
Coi chừng bùng nổ phun nham có ngày !?
Tiễn người nắm đất xuôi tay
Huyệt sâu chỉ bạn đất dày nêm quanh
Xưa - Nay mốc giới giao tranh
Máu còn nhuốm đỏ , chảy thành suối sông
Đất mồ ma đất cha ông...
Linh thiênglong mạch nên không dễ dời
Sinh đất rồi mới sinh Người
Vì Người nên đất muôn đời thủy chung !.
QN-3-2017

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

. XỨ SỞ NÀY NỢ ÔNG ẤY LỜI TRI ÂN

Nguồn: blogbasam

LS Đặng Đình Mạnh
12-3-2017
Ảnh: Alexander Rhodes
Khi đọc những dòng chữ Việt ngữ này, là bạn đang chiêm ngưỡng tác phẩm của các linh mục thừa sai Dòng Tên gồm các cha Gaspar De Amaral, cha Antonio Barbosa, cha Francisco De Pina và cha Alexandre De Rhodes, tất cả họ đều là tác giả của quốc ngữ mà người Việt ta đang sử dụng hàng ngày.
Với linh mục Gaspar De Amaral, cha đã soạn cuốn từ điển Việt – Bồ. Với linh mục Antonio Barbosa, cha soạn cuốn từ điển Bồ – Việt. Với linh mục Francisco De Pina, được cho là cha đã dựa vào cách phát âm tiếng Bồ để chuyển tự ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng Trong (Từ sông Gianh trở vào Nam). Nhưng các cha đều mất khá sớm, tuy vậy, cùng với một số linh mục khác trong giai đoạn tiên khởi này, các cha đã giúp đặt nền móng đầu tiên cho quốc ngữ Việt Nam.
Với linh mục Alexandre De Rhodes, thì cha đã dựa vào hai công trình từ điển nêu trên và bổ sung thêm phần La tinh để hình thành nên cuốn từ điển Việt – Bồ – La.
Thực tế, chính việc bổ sung phần La tinh của cha Alexandre De Rhodes đã trở thành đóng góp quan trọng bậc nhất giúp hình thành nên chữ viết theo lối La tinh mà sau đó nhanh chóng trở thành quốc ngữ Việt Nam.
Đánh giá về vai trò của linh mục Alexandre De Rhodes trong việc khai sinh nên quốc ngữ Việt Nam, tờ Nguyệt San MISSI do các linh mục Dòng tên người Pháp quản lý đã từng viết nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, đại lược như sau : “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, cha Alexandre De Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến ba thế kỷ”.
Quả vậy, khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách in quyển từ điển và các sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ tại nhà in Vatican – Roma, thì cha Alexandre De Rhodes đã giải phóng cho nước Việt Nam về chữ quốc ngữ.
Bởi lẽ trước đó, tương tự như Nhật Bản và Cao Ly (Triều Tiên), thì người Việt Nam sử dụng lối chữ viết tượng hình, biểu ý của người Tàu hoặc chữ nôm do tự sáng chế và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Cao Ly mới chế biến ra chữ viết riêng của họ, nhưng vẫn không theo cách viết La tinh nên bị hạn chế nhiều. Còn người Nhật Bản thì sau nhiều lần thử nghiệm chế biến lối chữ viết khác, nhưng cuối cùng đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình, biểu ý của người Tàu.
Trong khi đó, chính người Tàu dưới chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông cũng đã từng tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexandre De Rhodes, đã tiến bộ trước người Tàu đến hơn ba thế kỷ rưỡi (1651 – 1017 – tính từ năm in cuốn từ điển Việt – Bồ – La đến thời điểm hiện nay.
Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Alexandre De Rhodes khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, chính cha Alexandre De Rhodes là người hệ thống hóa, hoàn tất công trình làm ra chữ quốc ngữ thành công vào năm 1651, tức là năm mà cuốn tự điển Việt – Bồ – La chào đời tại nhà in Vatican – Roma.
Thế nên, chính tại nhà in Vatican ở Roma là nơi mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình, và chính năm 1651 cũng là năm khai sinh chính thức của chữ quốc ngữ Việt Nam.
Theo đó, chữ viết theo lối La tinh ban đầu được các nhà truyền giáo đặt nền móng cho việc sử dụng trong cộng đồng Ki-tô giáo Việt Nam, đến khi được người dân Việt Nam chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, thì mặc nhiên nó đã tự mình được nâng cấp thành chữ quốc ngữ.
Ghi nhận công nghiệp của cha Alexandre De Rhodes đối với xứ sở, năm 1941, một tấm bia kỷ niệm nhân ngày sinh nhật thứ 350 của cha đã được dựng ở gần bên bờ Hồ Gươm trước cửa đền bà Kiệu – Hà Nội. Đến năm 1957, khi Hà Nội thuộc sự quản lý của chính quyền Cộng Sản thì bia đã bị gỡ bỏ.
Chính quyền Sài Gòn cũ đặt tên ông cho một con đường tọa lạc trước mặt Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, đối xứng với phía bên kia là đường Hàn Thuyên, tên danh sĩ được ghi nhận có công phát triển và phổ biến lối chữ Nôm. Sau năm 1975, chính quyền cộng sản đổi tên đường thành Thái Văn Lung và bây giờ thì đã trả lại tên cũ là Alexandre De Rhodes cho con đường này.
Về tiểu sử : Nguyên, cha Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) sinh ngày 15/03/1591 (hay 1593 ?) tại vùng Avignon, miền nam nước Pháp. Gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia), tổ tiên sang tị nạn ở vùng Avignon là đất của Giáo Hoàng. Ông gia nhập Dòng Tên tại Roma năm 1612, thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Đầu năm 1625, cha Alexandre De Rhodes đến Việt Nam bắt đầu từ Hội An. Cha bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của cha. Nhưng cuộc đời truyền giáo của cha ở đây rất gian nan, trong vòng 20 năm, cha bị trục xuất đến sáu lần. Đến năm 1645, cha bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Cha mất ngày 5/11/1660 ở Iran, thọ 69 tuổi.
Hiện nay, ở Việt Nam đã từng xuất hiện ý kiến phủ nhận công lao đóng góp của cha Alexandre De Rhodes trong việc khai sinh chữ quốc ngữ, một trong số họ nêu quan điểm : “Alexandre De Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi. [1]
Riêng đối với công chúng, thì :
– Lối chữ viết đã trở thành quốc ngữ của xứ sở với chín mươi triệu đồng bào cả trong và ngoài nước cùng sử dụng;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện những dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ thuở hồng hoang đến nay;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện lời ru “Ầu ơ …” ân cần của mẹ từ ngày sinh ra ta làm kiếp người;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện sự yêu thương giữa những thành viên trong gia đình, giữa những đôi tình nhân, giữa những người tri kỷ …
– Lối chữ viết được dùng thể hiện ca từ những nhạc phẩm bất tử như Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng, Trưng Nữ Vương, Lòng mẹ, Tình ca …
– Lối chữ viết mà dân ta có thể tự hào là riêng biệt trong khi rất nhiều quốc gia khác, kể cả nhiều cường quốc vẫn còn phải vay mượn (Úc, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Ấn Độ, Gia Nã Đại, Nhật Bản, Đại Hàn …);
Thì người khai sinh của lối chữ viết ấy chắc chắn phải là ÂN NHÂN của xứ sở mình, bất kể đến quốc tịch của họ, bất kể đến tôn giáo của họ và bất kể đến động cơ của họ khi khai sinh lối chữ ấy !
Và với chế độ :
– Lối chữ viết được Ông Hồ Chí Minh dùng để viết lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh chế độ;
– Lối chữ viết được dùng để thể hiện Hiến pháp quy định sự độc tôn chính trị của Đảng Cộng Sản;
– Lối chữ viết được dùng trong tất cả mọi sinh hoạt chính trị, hành chính, xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa …
– Lối chữ viết mà hơn 700 tờ báo của chế độ đang dùng;
– Lối chữ viết mà hơn 24.000 vị tiến sĩ khoa bảng quốc gia đang dùng;
– Lối chữ viết mà hơn 400 trường Đại học, cao đẳng các loại và hàng vạn trường học các cấp đang dùng;
Nhưng lại không mấy ai trong số họ nhắc đến ngày sinh nhật của cha Alexandre De Rhodes, người có công khai sinh lối chữ viết mà nghiễm nhiên đã là quốc ngữ của xứ sở, như là một trong những ân nhân của dân tộc này thì thật là đáng thất vọng !
Tôi tin rằng, xứ sở này nợ ông ấy lời tri ân !
——————
Advertisements

Từ Fukushima đến Duesseldorf

 Nguồn: blogbasam


Xuân Thọ
12-3-2017
Nếu như Chernobyl 26.4.1986 chỉ là một tiếng chuông cảnh tỉnh, thì thảm họa Fukushima ngày 11.3.2011 đã làm thay đổi nhận thức của nhân loại về con quái vật hạt nhân.
Liên Xô 1986 đang chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế và niềm tin dễ làm người ta ngờ rằng, Chernobyl chỉ là một sự cố của sự cẩu thả Vodka, của một nền công nghệ lạc hậu kiểu xe Lada và đồng hồ Poljot. Nhưng Fukushima 2011 đã cho thấy một cường quốc Hightech và một dân tộc kỷ cương hàng đầu thế giới đã không thể làm chủ được con quái vật đó, một khi nó xổ chuồng.
Nuớc Nhật trước Fukushima sử dụng khoảng 25% năng lượng điện hạt nhân cho nhu cầu 984 tỷ KWh/Năm (Đức 600 tỷ KWh, Việt Nam khoảng 135 tỷ KWh)[1], sau đó đã phải lần lượt đóng tất cả các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) để lên một kế hoạch thoái hạt nhân. Ngày 5.5.2012 nhà máy ĐHN cuối cùng của Nhật đã rời khỏi lưới điện quốc gia. Trong một thời gian vài tháng ròng, thực tế đã cho thấy nền kinh tế thứ 3 thế giới hồi đó hoàn toàn không cần đến ĐHN.
Chính phủ bảo thủ Đức dưới sự lãnh đạo của thủ tướng A. Merkel sau khi lên cầm quyền 2005 đã xóa sắc lệnh “Thoái hạt nhân” mà chính phủ cánh tả Đỏ-Xanh đã vất vả đạt được sau 4 năm tranh đấu với công nghiệp ĐHN Đức. Vậy mà chỉ 2 ngày sau khi lò máy số 1 Fukushima nổ tung, bà Merkel đã vội vàng tuyên bố đưa nước Đức quay trở lại chính sách ”Thoái hạt nhân”. Người Đức vốn kiêu hãnh về trình độ công nghệ và kỷ cương của họ nhưng vẫn chấp nhận một tấm gương: Người Nhật.
Fukushima đã làm ngay cả người Đức bảo thủ nhất cũng phải đoạn tuyệt với hy vọng khống chế được nguy cơ nhiệt hạch. Cho đến giờ phút này, tỷ lệ ĐHN của Đức đã rút từ 20% xuống 7%. Đến năm 2022 tới, nuớc Đức sẽ hoàn toàn không còn ĐHN. Trong khi nhiệt điện vẫn chỉ giữ tỷ lệ 46%, năng lượng xanh từ mặt trời, gió và bio đã tăng lên đến 40%[2].
Vì nhân loại chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa năng lượng và khí thải nên ĐHN vẫn còn là một thành phần quan trọng trong bài toán năng lượng. Công nghiệp Nhật sau vài tháng từ bỏ ĐHN đã tìm cách len lỏi, chống lại làn sóng  phản đối của nhân dân để tái khởi động các tổ máy hạt nhân, sau khi được gia cố và nâng cấp. Ngày nay tỷ lệ ĐHN ở Nhật đã hồi phục lại ở mức 20%. Phòng trào phản đối ĐHN cuả Nhật đã không chấp nhận bước lùi này và từ đó đến nay, cuộc đấu tranh của họ nhằm đạt được một quyết định như nước Đức vẫn đang tiếp tục.
Hôm nay 11.3.17 các bạn Nhật ở Düsseldorf đã tổ chức một ngày tưởng niệm Fukushima để huy động sự ủng hộ của công luận Đức. Phong trào mang tên Sayonara-Genpatsu (vĩnh biệt hạt nhân) với mục tiêu phản đối chính sách hạt nhân của chính phủ Nhật, đã vận động được khoảng 100 người Nhật, Đức đến tham dự cuộc meeting và tuần hành tại Trung tâm thành phố được coi là thủ đô Nhật tại châu Âu này. Ba nữ thành viên của phong trào đã bay từ Nhật sang để thông báo với nhân dân châu Âu về tình hình nhiễm xạ trên quê hương họ. Các diễn giả đều mong muốn nước Nhật làm được như Đức và khẩu hiệu của họ là: Chúng tôi vì nhân loại, nhân
Yếu tố Việt Nam trong cuộc biểu tình hôm nay ngoài anh Dương Hồng Ân thuộc nhóm “Save Vietnam’s Nature” từ Stuttgart và tôi từ Köln, còn có gia đình ông Clemens, một người Đức từng sống ở Việt Nam 9 năm. Ông và bà vợ người Nhật hãnh
Cờ đuôi nheo Việt trong ngày Fukushima Duesseldorf 11.03.2017
Các bạn Nhật rất quan tâm đến vấn đề ĐHN ở Việt Nam và tôi phải kinh ngạc khi nghe họ nói “Chính phủ bạn hiện không làm điện hạt nhân không phải vì nhận thức, mà vì thiếu tiền”. 
Tuy bạn không chê Việt Nam nghèo, không có trình độ KHKT, không có thiết chế minh bạch để kiểm soát một nền công nghiệp nguy hiểm, nhưng cả mấy người đều bày tỏ sự lo ngại khi nói với tôi: “Nguy cơ rủi ro của các bạn khi chơi với con quỷ này lớn hơn chúng tôi cả trăm lần!”
Ông Fujii đại diên Sayonara-Genpatsu và TS Dương Hồng Ân, “Save Vietnam’s Nature
Trong thời gian qua, nhóm “Save Vietnam’s Nature” đã dịch tác phẩm “10 bài học từ Fukushima” từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để những ai quan tâm đến vấn đề môi trường có thể học hỏi[3]. Cầm cuốn sách mỏng tiếng Việt trên tay, ông Hayato Fujii, điều phối viên phong trào Sayonara Genpatsu rất cảm động. Ông cảm động vì ngỡ rằng cuộc đấu tranh của họ đã đi vào lòng người Việt.
Nhưng có bao nhiêu người Việt hàng ngày vẫn kêu ca về ô nhiễm không khí, về ô nhiễm nguồn nước, về ô nhiễm thực phẩm, về bệnh ung thư lan tràn, đang thực sự quan tâm đến cuộc đấu tranh vì một môi trường sống tốt đẹp?
Ảnh: Xuân Thọ
Cologne 11.03.2017
___