Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016




Bài viết hay, Hồ Vinh Post lên trang của mình cùng các bạn suy ngẫm.
Nguồn: Quà tặng xứ mưa/
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật” có lẽ chúng ta đều hiểu rằng kiểm soát quyền lực, một trong những vấn đề thiết yếu hiện nay nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng, lãng phí, cửa quyền…
Vậy quyền lực là gì, và vì sao đã hàng ngàn đời nay từ bậc vua chúa, tổng thống, thủ tướng, các ông chủ những tập đoàn giàu có, đến các ông bố, bà mẹ, đến những người lao động bình thường đều mong có một chút quyền, một chút thôi, hay quyền lực vô biên?…

Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù không để ý… “Chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc – những gì ta mong muốn nhất” – mở đầu cuốn sách Quyền lực đích thực, tác giả Thích Nhất Hạnh đã viết như vậy.
Quyền lực, chuyện của muôn đời. Lịch sử đã chứng kiến biết bao tấn bi kịch do giành giật quyền lực mà dẫn đến những cuộc chiến tranh, sát phạt đẫm máu, huynh đệ tương tàn, đất nước bị phá hủy; Từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc, đã và đang không ngừng diễn ra…
Quyền lực là gì? “Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị…” (Thích Nhất Hạnh).
Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giầu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực không mang hạnh phúc cho chính bản thân mình và mang lại bất hạnh cho nhiều người, cho đất nước, thì giàu có và quyền thế để làm gì?
Triết gia Jean Jacques Rouseau đã viết: “Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận”.
Đúng vậy. Sử dụng quyền lực không đúng sẽ nhận lấy sự chống đối từ phía những người dưới quyền khi một bên thâu tóm quyền lực và một bên không có quyền lực thì bên không có quyền lực có xu hướng nổi loạn. Sự cách biệt quá lớn giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa nhóm người này với nhóm người khác sẽ làm cho quyền lực bấp bênh. Ngay cả khi dường như được người khác chấp nhận thì người cầm quyền vẫn cảm thấy bất an.
Ấy vậy, nhưng ở nước ta hiện nay đang có hiện tượng lạm dụng quyền lực để thao túng người khác, để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân, gia đình, bạn bè, hay cho những nhóm lợi ích khác nhau. Sự lạm dụng quyền lực này nhiều lúc đã bất chấp tất cả, dẫn đến “Tự tung tự tác” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Làm sao để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, đó là vấn đề nóng hiện nay.
Thực ra, trên thế giới đã có khái niệm về quyền lực của những người không có quyền lực, đó là quyền lực của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ấy là nói về quyền lực của nhân dân, sức mạnh của nhân dân .
Nhân dân chính là “tai mắt” của mọi xã hội. Chỉ có nhân dân mới biết được người cán bộ từ khu phố, từ quận, phường… rõ nhất. Nhưng, người dân có biết cũng không làm gì được, nếu không có những cơ chế thực sự có hiệu quả để “Dân biết, dân bàn, dân làm dân kiểm tra” như khẩu hiệu mà chúng ta đã nêu.
Để cho những người dân bình thường, không có quyền lực, thực hiện được quyền lực của mình, chúng ta chỉ có thể thực hành mọi điều một cách dân chủ, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Nguồn Văn nghệ số 48

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Thơ Lưu Quang Vũ




Hồ Vinh giới thiệu bài thơ của Nhà thơ,  Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ
Một đất nước luôn có kẻ dẫn đường
Cho người ngoài kéo đến xâm lăng
Cho những cuộc chiến tranh
Đẩy con em ra trận
Những điều sỉ nhục và căm giận
Một xứ sở
Nhà tù lớn hơn trường học
Một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới
Có những cái đinh để đóng vào ngón tay
Có những người Việt Nam
Biết mổ bụng ăn gan người Việt
Một đất nước
Đến bây giờ vẫn đói
Không có nhà để ở
Không đủ áo để mặc
Ốm không có thuốc
Vẫn còn những người run rẩy xin ăn
Nỗi sỉ nhục buốt lòng
Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng
Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng
Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng
Khi người mình yêu
Nói vào mặt mình những lời ti tiện
Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch
Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn
Khinh mọi người và tự khinh mình
Như chính tay ta đã gây ra mọi việc
Và tất cả không cách nào cứu vãn
Nỗi sỉ nhục ngập tràn trái đất
Khi lẽ phải luôn thuộc về kẻ mạnh
Những nền văn minh chạy theo dục vọng
Những guồng máy xấu xa chà đạp con người
Đi suốt một ngày
Giữa rác rưởi và chết chóc
Luôn thấy bị ném bùn lên mặt
Nói làm sao được nữa những lời yêu
Nghĩ về cha, con sẽ chẳng tự hào
Nỗi tủi nhục làm cha nghẹn thở
Nỗi tức giận làm mặt cha méo mó
Trong hận thù không thể có niềm vui
Nhưng không thể sống yên, không thể được nữa rồi
Nỗi tủi nhục đen sì mỗi cành cây
Nỗi tủi nhục của đứa trẻ chạy trốn
Nỗi tủi nhục trên mỗi bậc thang lười biếng
Trong cốc nước đưa lên môi lạnh ngắt
Trên mỗi dòng tin mỗi ống quần là phẳng
Mỗi chiếc hôn ướt át thì thầm
Mỗi nấm mồ bị vùi dập lãng quên
Trên bàn tay đưa ra trên mỗi bức tường
Nỗi tủi nhục tội lỗi nỗi tủi nhục kinh hoàng
Trên vệt máu bầm đen trên nụ cười thỏa mãn
Cha chẳng có gì để lại cho con
Ngoài một cửa sổ trống trơn
Ngoài một tấm lòng tủi nhục và căm giận
Ngoài kỷ niệm về những năm tàn khốc
Cho một ngày con được sống thương yêu
Di cảo 1972-1975.


                                                                         

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

CHO NGÀY MAI XANH


Trong xanh, trong xanh
Ánh mắt.
Thơ ngây, thơ ngây
Khuôn mặt.
Trang giấy trắng trong
Tâm hồn rộng mở
soi trong ánh mắt xanh,
Ta bỗng thấy nao lòng.
Những trang sánh em học hôm nay,
Để mai đời rộng mở
Hạt giống ương rồi hoa sẽ nở.
Nắng hửng lên cho trái ngọt bốn mùa.
Sẽ bừng lên những miền tăm tối,
Bởi tri thức là khai sáng đó em.
Đời mai kia đâu chỉ có hoa hồng.
Cũng có lúc đất trời giông bão.
Nay chắt chiu với bao hoài bão,
Trời bao la cho cánh chim Bằng.
Hãy cứ làm hạt nước ngọt trong ,
Để tưới tắm, cây cành xanh lá.
Đất phù xa dẫu dù khoảnh nhỏ,
Vẫn ươm mầm cây trái ngọt lành.
Hưng Yên tháng 11 năm 2016
LikeShow more reactions
Comment

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Hồ Vinh giới thiệu bài thơ của Anh Quý Nghi nhân 20/11.
Nhân ngày nhà giáo VN 20-11-2016 QN chúc các thày cô luôn tươi trẻ sáng tạo tâm huyết với nghiệp trồng người !. Nhân đây xin tặng bài thơ :
THĂM THẦY GIÁO DẠY VĂN
Thăm thày giáo dạy văn , chiều đã xế
Lưng thày gập trên ghế cũ xạm màu
Vẫn gọng kính đồi mồi , nay lỏng lẻo
Nếp da nhăn nheo tựa mặt giấy đã nhàu
Không còn thấy trên bàn trang giáo án
Nhưng " Truyện Kiều " vẫn mở mỗi tuần hương
Câu khấn đầu là : " lạy vua Từ Hải "
Tới Thuý Kiều thì mắt kính nhoà sương !...
Những trang văn đọc mà đời vậy
Em mơ màng nghe thầy giảng vần thơ
Thổi vào hồn trò tình yêu da diết
Căng buồm lên thuyền đi tới bến bờ
Đối với thày , em mãi là trò nhỏ
Mặc dù bắt tay , thày gọi bằng :" Ông "
Cằm tập truyện của em thày rưng rưng nước mắt
(Cứ như là đời thày ,mới được in xong !...)
Người dạy văn và viết văn " ông"ạ !
Tiền thì nghèo chỉ giầu tình mà thôi
Theo nghề toán hôm nay trò nhiều lắm
Thơ văn như " ông " chỉ một đôi người ?...
Rót chén rượu nhạt , thày cười sảng khoái :
- Cạn đi "ông" Hãy cứ vì Người !...
Cây chẳng phụ ,cây đơm hoa kết trái
-Cạn đi " ông "Hãy cứ vì NGƯỜI ! .
Bài này em kính tặng riêng thày giáo dạy văn TÔ ĐẰNG xúc động tặng thầy tập truyện ngắn đầu tay : "Người vun măng "nxb TN năm 2000
QN

Hồ Vinh giới thiệu bài thơ của Ts Đỗ Thế Hưng nhân 20/11/2016, như lời chúc sức khỏe tới Thầy Cô.
Xin gửi tặng bài thơ để tỏ lòng tri ân các Thầy/ Cô giáo. Kính chúc các nhà giáo luôn mạnh khỏe và không ngừng sáng tạo để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

CÓ NGƯỜI THẦY - EM SẼ MÃI MÃI YÊU!
Có người thầy cặm cụi mỗi đêm thâu
Trang giáo án sáng từng con chữ nhỏ
Dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong gian khó
Vượt muôn trùng sóng gió, thắp tương lai.
Có người thầy mơ ước một ngày mai
Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay nhân ái
Sẽ xua tan bóng đêm kinh hoàng nơi hoang dại
Để thế gian này chan chứa yêu thương.
Có người thầy chất ngất nỗi vấn vương
Nhọc nhằn mưu sinh theo đuổi nghề cao quý
Gìn giữ thanh danh, một lòng trung thủy
Để cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình xưa.
Có người thầy thầm lặng hy sinh
Cả tuổi thanh xuân nơi rừng thiêng, nước độc
Bỏ lại quê hương, một trời yêu thân thuộc
Đến với em thơ, khai sáng các bản làng.
Có người thầy - Em sẽ mãi mãi yêu
Bởi gương thầy giúp em tin cuộc sống
Và tình thầy làm em thêm lay động
Tiếp sức cho em vững bước vào đời.
ĐTH
18/11/2016

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

KHÚC HÁT BÊN ĐẬP HÒA BÌNH

Bài thơ này được làm nhân chuyến thăm Hòa Bình!

Thác bờ, Thác bờ mênh mang sóng gợn
Mặt gương xanh, những trái núi xanh xanh
Sương mờ tỏ, núi rừng ôm biển nước.
Những con thuyền neo bến, đợi giăng câu.

Anh nghe tiếng sông ầm ì qua đập
Nhớ một thời nước thác trắng tung bờm
Con rồng dữ được ngăn dòng, đập chắn
Điện sáng bừng đêm thành phố như sao.

Nơi anh đứng đập cao vài trăm mét
Thành phố xa xa rất mực mộng mơ
Những khu phố mái son lẩn khuất
Những con đường hướng tỏa muôn nơi.

Tượng Bác đó trắng thanh cao tinh khiết
Trên đỉnh cao vút mãi tầm nhìn
Rừng núi thân yêu những ngày xây dựng
Tiếng máy gầm, bộc phá nổ trong thung
Người đào núi để mai ngày lắp máy
Đưa điện về thắp sáng bản xa.

Bao đoàn người đi trong yên lặng
Bên tượng đài, máy xúc, máy nâng.
Dẫu thời gian có bào mòn đá núi,
Vẫn còn đây sự tích anh Hùng.

Lời bài hát vọng vào đá núi.
Hòa Bình ơi! Âm vang sông Đà.
Tiếng đại ngàn nhịp hòa tiếng nước
Phút nao lòng, không nỡ rời xa.

Hưng Yên tháng 9 năm 2016

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Thơ của Nguyễn Văn Thich.

TIẾNG TỪ QUI
Não nề như tiếng khóc
râm ran tựa côn trùng
tiếng Từ Qui gọi bạn 
tan dần vào khoảng không
Ta ngồi trong phòng vắng
qua khe cửa khép hờ
âm thanh từ cổ tích
len vào động hồn thơ
Tam Đảo 9-2016

Tặng các bạn truyện ngắn mới viết.
NHỮNG MẢNH VỠ
Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh

Trời nóng, trong phòng không khí oi bức khó chịu. Mấy chiếc quạt điện quay vù vù vẫn không xua hết cái nóng nực của những ngày cuối hè. Tôi nói giọng bông lơn:
- Làm mối cho Hạnh một anh bạn lém lỉnh, phong độ, nói ra thơ, thở ra văn. Nói con
cua trong hang phải bò ra. Được không?
Dù rất buồn, nhưng biết tôi đùa, Hạnh vẫn nhìn tôi vui vẻ, cười mủm mỉm, nói: Em chịu.
Tôi tiếp:
- Trời đất! Anh ấy độ ngoài bốn mươi thôi. Trông đẹp trai lắm. Linh hoạt, láu lỉnh.
Hạnh thốt lên: Thôi! Khiếp! Em sợ cái linh hoạt láu lỉnh lắm rồi! Lại còn văn thơ nữa Nghe văn thơ mà sống được à! Lúc nào cũng văn, thơ thì kinh dị lắm. Giờ em chỉ muốn có người hiền lành, sống nội tâm, yêu em, chung thủy. Thế thôi. Đẹp trai cũng chẳng cần.
Quỳnh đang chăm chú, nghe chuyện cũng ngước lên tham gia: sao bây giờ lắm người ly hôn thế? Có đôi mới lấy nhau vài tháng đã đâm đơn ra tòa.
Thu dừng tay trên bàn phím máy tính, nhìn Hạnh với vẻ đồng cảm, chia sẻ, nói: chưa có con với nhau, đổ vỡ hôn nhân, hậu quả dễ giải quyết. Có con với nhau rồi, vợ chồng ly dị chỉ khổ lũ trẻ.
Quỳnh:
- Chị gái tôi ly dị đã vài năm nay rồi. Vợ chồng có với nhau hai mặt con. Một trai, một
gái. Chị muốn nuôi cả hai con nhưng không được. Vợ chồng găng nhau mãi. Chồng chị chỉ muốn nuôi đứa con trai. Chị dứt khoát không chịu. Chị nói với viên thẩm phán: “Hai con tôi dưới chín tuổi. Theo luật tôi được nuôi chúng. Chúng còn bé, chúng cần sự chăm sóc của mẹ.” Viên thẩm phán hỏi cháu trai: Cháu nói: “Cháu muốn ở với bố”. Vậy là chị không được nuôi dưỡng thằng bé. Chị ấy nhớ con đến phát điên. Nhất là khi biết được, nó được ông bà nuôi. Bố cháu chẳng hề chăm sóc con , đi làm nay đây mai đó, thoảng lại dắt về một cô, giáp ất cưới xin rồi lại thôi. Thằng bé trông như người mất hồn, lúc nào cũng có vẻ như ngơ ngác, lếch thếch, yếm thế trước bạn bè. Có lần nhớ con, chị phải đến trường, nhìn ngắm con lúc nó ra chơi, hoặc lúc nó trên đường về nhà. Quỳnh kể xong, thở dài buông lời: Chuyện của chị ấy buồn đến chết đi được!
Thu: Sao lại có thể có người bố như thế? Con mình dứt ruột đẻ ra, máu mủ của mình. Người như thế có lẽ chỉ có một.
Nghe chuyện Quỳnh kể, khuôn mặt Hạnh thoáng buồn, những nét buồn, ưu tư từ lâu rồi lặn trong đáy mắt, quan sát kỹ có thể nhận ra điều đó.
*
Vợ chồng Hạnh tuy vẫn ở chung một nhà , nhưng đã ly thân từ lâu. Hạnh nằm với hai con gái.. Chồng chị “ anh Hoa” nằm riêng. Thậm chí bữa cơm, người ăn trước, người ăn sau chứ nhất quyết không chịu cùng mâm. Họ sống như thế vài năm nay rồi. Không ai chịu nhún nhường, làm lành phá đi không khí ngột ngạt, ngự trị trong gia đình. Vợ chồng nhìn nhau cứ như người dưng, không ai chịu nói với ai, mặt lạnh như bom. Không khí yên lặng chẳng khác nào trời tích gió trước cơn bão. Bà Tình mẹ chồng Hạnh thấy vợ chồng con trai bất hòa, vừa bực, vừa buồn dọn sang nhà cũ nấu ăn riêng.
Hôm đó vào một buổi sáng chủ nhật. Trời se lạnh. Cuối thu, trời nhiều mây. Thoảng đã có những đợt gió đông bắc mang theo hơi lạnh phả vào không gian. Hạnh cùng hai con dọn lên ở trong một gian phòng tập thể của cơ quan. Chiếc xe tải nhỏ , trên rơ mooc của nó lỉnh kỉnh những giường , tủ, và các thứ lặt vặt. Hạnh phải thuê xe bởi thân phụ nữ mang được hết các dụng cụ gia đình lên nơi ở mới cách hàng chục cây sẽ phải thực hiện nhiều chuyến, với Hạnh vô cùng vất vả. Trong lòng quặn thắt nỗi đau vì sự bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân; Ước mơ hạnh phúc trọn vẹn, bố mẹ thuận hòa và những đứa con xinh xắn mà Hạnh thêu dệt bao năm nay vậy mà có cơ đổ vỡ.
Nhớ lại lần đầu họ gặp nhau. Lúc ấy Hạnh đang theo học năm thứ 2 ở trường một trường y của tỉnh. Đó là một buổi sáng chủ nhật, trong phòng chỉ còn lại Hạnh và Minh. Minh quê ở tận Thái Bình cách trường hơn trăm km nên cuối tuần thường ở lại ký túc xã sinh viên . Hôm nay Minh có khách đến chơi. Minh nói: Cậu ở lại phòng trờ chuyện với bạn tớ cho vui. Một mình tớ tiếp khách cũng ngại.
Khách là hai chàng trai đang theo học Đại học tại Hà Nội. Cả hai chàng trai đều cao lớn vạm vỡ, nhanh nhẹn, khéo léo. Hoa có khuôn mặt vuông chữ điền, vầng trán vuông, cằm vuông, hàng lông mày rậm, giọng nói to, rõ, biểu lộ nội lực sung mãn. Hoa tỏ ra chắc chắn khi biểu đạt những suy nghĩ và cảm xúc của minh bằng những câu nói ngắn gọn, hàm súc. Người thanh niên như thế, con gái ai chẳng mềm lòng. Hoa hớp hồn Hạnh ngay từ phút giây đầu tiên, ánh nhìn đầu tiên. Hạnh không ăn không ngủ bởi những cảm xúc rối bởi và tâm trạng trống vắng không rõ nghĩa, khi nghĩ rằng không thể gặp lại Hoa. Khi nhận được bức thư tay của Hoa từ người bạn của Minh, đọc thư cảm xúc vui sướng, hạnh phúc ngập tràn trong lòng Hạnh. Vậy là từ đó họ hò hẹn nhau vào mỗi cuối tuần.
Lễ cưới được tổ chức sau khi Hạnh tốt nghiệp trở về công tác tại một cơ quan thuộc huyện . Mọi người nói: Chúng nó quá đẹp đôi. Chồng đẹp trai, có tài. Vợ xinh xắn duyên dáng. Cả hai công việc tử tế. Thật quá hạnh phúc. Vậy mà sau gần chục năm chung sống, khi đã có hai con gái Hạnh tưởng Hoa toàn tâm tòa ý yêu vợ, thương con vun đắp cho hạnh phúc gia đình, đùng một cái phát hiện ra Hoa đã có con với người đàn bà khác. Hạnh đau đớn, vật vã tưởng như không thể vượt qua nỗi đau này, thơ thẩn như người mất hồn, ăn không ngon, ngủ không yên, không thể tập trung vào công việc. Hạnh muốn đập phá mọi thứ tan tành cho hả dạ. Lắm lúc nghĩ thôi thì ông ăn chả, bà ăn nem, thế là huề. Trả thù chồng bằng cách đó, xem cảm giác anh ta bị phản bội như thế nào. Nhưng Hạnh không thể. Cứ nhìn thấy đàn ông, trong Hạnh lại xuất hiện cảm giác khó chịu, khinh miệt.
Lân nay bà Tình biết quan hệ giữa vợ chồng Hoa không được cơm lành canh ngọt, nhưng không thể ngờ Hạnh lại có thái độ quyết liệt như vậy. Cố tình dứt áo ra đi. Bà lẩm bẩm, đi thì dễ về khó lắm. Đã can ngăn nó, nhưng Hạnh nhất định không chịu. Ngược lại thời gian trước khi loáng thoáng biết tin Hoa ngoại tình, bà phẫn nộ lắm. Hạnh nó xinh xắn nết na thế. Gái hai con mà vẫn ăn đứt lũ trẻ. Vậy mà còn gái gú. Bà gọi con trai mắng té tát: “ Anh không biết giữ gìn tình cảm hạnh phúc gia đình. Không biết trọng danh dự. Làm người phải biết điểm dừng. Anh không hối cải, tôi không thèm nhìn cái mặt anh nữa” . Biết tin Hoa đã có con trai, bà bán tính bán nghi. Đích thân đi dò la, thấy thằng bé giống Hoa như đúc, bà lại mừng. Thế là bà có cháu trai. Ai bảo con Hạnh không chịu đẻ. Bảo nó đẻ đứa nữa, đi canh trứng cho chắc. Hạnh nói: “ con không đẻ nữa đâu. Con trai, con gái cũng thế thôi. Con gái, nhưng chúng ngoan ngoãn, học giỏi là được. Con trai khó dạy, phải những đứa hư hỏng thì chẳng thà thôi cho xong.” Nói thế là con bé chỉ biết sống cho mình, không thương chồng, không vì dòng họ nhà này. Ngày nay, chuyện ăn cơm, ăn phở, con gái có thai vài tháng trước khi cưới có ai còn dị nghị nữa đâu. Con Hạnh nó cứng nhắc quá. Già néo, đứt dây, chỉ thiệt vào thân.
Vào một sáng chủ nhật, Hoa cùng mẹ, chú họ, em trai , em gái lên chỗ Hạnh. Hạnh bất ngờ trước tình huống này, luống cuống mở cửa phòng, lo sợ có thể cãi vã xảy ra. Đó là điều Hạnh không bao giờ muốn.
Không khí trong gian phòng lặng ngắt. Khuôn mặt ai nấy đều tỏ vẻ nghiêm trọng. Khi mọi người đã ngồi yên tọa nhấp chén nước chè, Bà Tình nói thong thả:
Đàn ông dăm thê bày thiếp. Gái ngoan chỉ có một chồng. Có người đàn bà mang trau cầu đi hỏi vợ cho chồng. Xem ra thế mới là người đàn bà biết thương chồng, thương con.
Hạnh bất chợt nổ: Thôi đi mẹ! Thời buổi này là thời buổi nào rồi. Quan niệm đa thê, trọng con trai cũ lắm rồi. Con nào chả là con.
Hoa nói: Em thông cảm! Tha thứ cho anh! Chỉ bởi em không sinh được con trai. Bố mẹ anh chỉ có mình anh là con trai. Ông bà chỉ có anh là cháu trai. Không có con trai tức nhà anh mất giống. Thế thì làm để làm gì. Nhà cao cửa rộng con rể ở. Anh không cam tâm thế. Em cho anh đón thằng bé về. Em không phải mang nặng đẻ đau lại có thêm đứa con trai. Thế không sướng ư! Nay mai nó phụng dưỡng, lo lắng cho em, cho anh, cúng lễ cho bố mẹ, ông bà..
. Hạnh muốn phát điên khi nghe Hoa nói, buông giọng bực bội: Anh đón cả mẹ nó về nhà mà ở.Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Chúng ta nên ly dị. Tôi nuôi các con tôi. Anh rộng đường muốn làm gì thì làm.
Bà Tình có vẻ khó chịu, yên lặng một lát, rồi cố gắng nói bằng giọng ôn tồn: sự việc đã ra như thế rồi. Con có khùng lên, có đập phá thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Cuối cùng chỉ thiệt thân thôi. Đàn bà có hai con rồi, ly dị thiên hạ cười chê, cũng chẳng ai muốn bén mảng đến đâu. Mẹ nói cho con hay. Khôn thì quay đầu lại là bờ. Bố nó mang con trai về nuôi. Cha sinh không bằng mẹ dưỡng lo gì. Hôm nay chúng tôi lên đây, nói chuyện tình cảm. Giải quyết vấn đề trong gia đình. Nếu con không nghe mẹ, bố Hoa sẽ đưa các con về nhà tôi nuôi.
Hạnh sững người khi nghe mẹ chồng nói. Thật ra bà nói đúng. Làm to chuyện, ly dị chị sẽ là người thiệt thòi nhất. Hai đứa con gái vào cảnh phải lựa chọn hoặc ở với bố, hoặc ở với mẹ. Chúng sẽ thiếu đi khung cảnh đầm ấm của gia đình để phát triển tâm lý ý thức một cách bình thường, thuận lợi như bao đứa trẻ khác. Nhưng lòng Hạnh cay đắng lắm. Hạnh không còn tin, yêu, cảm giác chỉ còn lại là sự khó chịu mỗi khi bên nhau.
Nhớ lại mấy ngày trước,Thu khuyên: “ Mày ly dị với ông ấy được cái gì chứ? Đàn ông bỏ vợ, lấy được vợ khác ngay. Đàn bà khác. Khó lắm! Vô cùng khó để kiếm người đàn ông thương và thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Có chăng họ nhả lời bỡn cợt, trăng hoa. Cậu quan sát mà xem, có mấy đàn bà sau khi ly dị kiếm được ông chồng tử tế. Quỳnh cũng nói: Đừng dại mà ly dị! Ly thân thôi. Con mình mình nuôi. Không cho nó bén mảng chăm sóc con nữa. Sao số mày nó khổ thế!
Hạnh trong lòng uất ức, nghĩ: Hoa thật là tàn tệ. Việc của vợ chồng. Vợ chồng tự giải quyết với nhau. Nay cùng mẹ, chú ruột, thêm vài đứa em lên làm ầm ĩ khu tập thể của cơ quan. Chẳng khác nào áp đáo tại gia. Điều này càng khiến Hạnh khó chịu hơn. Hạnh nói chậm dãi, ánh mắt buồn, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất vọng:
Mẹ ạ! Con đã nghĩ kỹ lắm rồi. Vợ chồng sống với nhau phải có niềm tin, sự tôn trọng lẫn nhau. Giữa chúng con không còn tình yêu. Hễ nhìn thấy nhau là khó chịu. Các cháu ở trong không khí gia đình căng thẳng, chẳng vui vẻ gì. Đứa nào đứa nấy the lét, buồn rầu sợ hãi. Con không thể để các cháu trong hoàn cảnh ấy. Thà không có bố thì thôi. Chúng con không thể ở với nhau được nữa. Thôi thì chia tay nhau cho khỏe. Nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai.
Bà Tình: chị nói nghe hay thật! Có phải nói bỏ là bỏ ngay được đâu. Con dâu gì , mẹ chồng khuyên bảo mãi không nghẹ. Sao cứng nhắc thế. Nghĩ rộng ra xem nào.
Từ nãy Hoa yên lặng lắng nghe chuyện giữa mẹ và vợ, khuôn mặt nhăn nhó, lúc biểu lộ buồn, lúc biểu lộ tức giận. Hoa uể oải nói: Em không tiếc công sức bỏ ra bao năm nay để xây dựng gia đình ư? Anh cũng chỉ vì muốn có đứa con trai nên mới thế. Chúng mình bỏ nhau, con cái sẽ ra sao? Sao em không nghĩ tới chuyện đó. Chuyện nhỏ, đừng xé to như thế làm gì. Chuyện tình công sở nay chẳng phải là ít. Thời cuộc nó thế. Em mắt nhắm, mắt mở là xong thôi! Tốt nhất ngày mai em dọn về ở với anh.
Tiếc công , tiếc sức xây dựng gia đình? Câu hỏi này phải hỏi anh mới đúng. Anh âm thầm phản bội vợ con, lăng nhăng hàng bao năm nay. Anh nghĩ giấu mọi người được mãi ư? Anh có thể vô tư khi mọi người không ai biết chuyện ấy. Nhưng anh nhầm rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra. Anh lại còn biện hộ cho cái thói.. đàn ông như anh thật chẳng còn chút tự trọng nào.
Hoa: thôi mẹ ạ! Về thôi. Nếu nhà con muốn thế, chẳng thể làm gì được!
Bà Tình bần thần, yên lặng một lát, nhìn con dâu, con trai, nhìn hai đứa cháu đang đứng dúi ở góc phòng, mà buồn. Lòng mẹ, ai chẳng muốn cho con cái hạnh phúc trọn vẹn, các cháu ngoan ngoãn. Đấy là niềm hạnh phúc của tuổi già. Nay cơ sự gia đình chúng như vậy bà không yên tâm. Hàng năm nay rồi dõi theo cuộc sống vợ chồng chúng, bà lo lắng, bởi tiên liệu có một ngày cuộc sống gia đình của chúng sẽ tan vỡ. Nếu vậy bà còn niềm vui gì để sống .

*
Từ ngày mẹ con Hạnh chuyển lên ở trong khu tập thể của cơ quan, nhà chỉ còn lại hai mẹ con. Khách vào nhà không khỏi cảm giác lạnh lẽo hoang vắng cứ như vườn cây vừa qua cơn giông, nên tơi tả rách nát. Thật ra khi mới nghe phong thanh chuyện Hoa có đứa con trai với một phụ nữ ở thôn trong, bà mừng lắm, đã vài lần kiếm cớ vào thăm mẹ con thằng bé, thấy nó giống Hoa như đúc bà yên tâm, đích thị nó là giống má của dòng họ nhà bà. Mỗi lần vào chơi , bà không quên mua hoa quả, sữa cho cháu, cho mẹ nó ăn để bổ dưỡng. Người ngoài có nói ví như con bé ấy, miệng hôn chồng, mông chổng ra ngoài cho đàn ông khác cắm, rồi con nó mỗi đứa con một bố thì bà cũng chẳng hề bận tâm. Với bà điều quan trọng là con bé đã sinh cho bà đứa cháu trai khỏe mạnh.
Bà Tình ôn tồn nói vơi Hoa: con cứ đón thằng bé về nuôi. Mẹ trông nom cháu cho. Hạnh bị sốc nặng đấy. Nhưng rồi cũng nguôi ngoai thôi.
Hoa: mẹ thằng bé chưa chắc đã chịu.
Bà Tình: Có thể đưa cho con bé ít tiền.
Hoa: con cũng đã làm vậy nhưng cô ấy nhất định không nhận. Cô ấy nói. “Tôi không bán con tôi! Việc anh mang con về nuôi tôi nhất trí.Tôi không đòi hỏi ở anh điều gì.” Trước thì cô ấy nói thế. Bây giờ lại khác. Cô ấy muốn nuôi thằng bé.
Bà Tình: nó lại muốn trói buộc con rồi. Không thể để nó nuôi thằng bé. Ngữ ấy đồ ba bị, chỉ làm hỏng con.
Những chuyện này, có lần Hoa cũng đã nói hết với Hạnh. Hạnh lòng sôi lên vì giận dữ nhưng vẫn giữ vẻ lãnh đạm trên khuôn mặt. Hạnh nói: việc đón đứa trẻ về nuôi là việc của anh. Đừng hỏi tôi chuyện ấy. Chúng ta không thể sống chung được nữa đâu. Ly dị thôi. Đau một lần, vết thương rồi sẽ lành còn hơn là sống mãi trong địa ngục. Tôi đã viết đơn ly dị rồi.
Vào một buổi tối sau khi tắm giặt , ăn cơm, Hoa ăn vận quần tề chỉnh hơn ngày thường. Tối nay Hoa gặp Hạnh để thống nhất với nhau chuyên ly hôn. Lòng anh buồn rười rượi, âu lo. Thật lòng anh không muốn ly dị. Không muốn mất đi những kỷ niệm tình yêu đẹp đẽ với Hạnh. Tình yêu thời sinh viên sối nổi, lãng bạc không phải mấy ai cũng có được. Anh không muốn mất gia đình, mái nhà anh và Hạnh cùng những đứa con đã gắn bó với nhau tránh nắng , tránh mưa, tránh những ngày giông bão. Thế nhưng anh có thể làm được gì. Chỉ có thể kêu gọi sự tha thứ của Hạnh. Nhưng Hạnh lần nào cũng vậy lòng đã khép lại trước nỗi đau quá lớn, trước niềm tin và tình yêu đã bị hủy hoại. Nguyện vọng của Hạnh giờ đây là tiến hành các thủ tục ly hôn càng nhanh càng tốt.
Họ ngồi trong căn phòng hẹp trong khu tập thể BV. Ngọn đèn Ne-on lúc sáng, lúc tối mờ bởi sụt áp. Hai đứa trẻ ngồi ở góc trong đang tập tô. Hạnh kéo chiếc Rido che khuất chiếc giường và cái bàn nơi lũ trẻ đang ngồi, không muốn cuộc nói chuyện giữa bố mẹ làm ảnh hưởng đến chúng.
Bỗng chốc nhớ lại những kỷ niệm thời hai đứa yêu nhau, khát khao được bên nhau. Vào thứ bảy, chủ nhật hai đứa ngồi bên nhau cả buổi, ngắm nhìn nhau không biết chán. Xa nhau một chút là nhớ thương bồi hồi. Nỗi nhớ và khao khát bên nhau khiến con tim nghẹt thở. Vậy mà giờ đây, ngồi bên nhau họ như người xa lạ. Trong Hạnh chỉ còn lại cảm giác ghê ghê bởi mùi mồ hôi của đàn ông.
Hạnh: Theo luật, tôi có quyền nuôi các con, bởi chúng chưa đủ 9 tuổi.
Hoa: Mỗi người nuôi một đứa. Anh nuôi đứa lớn. Con Phương còn nhỏ, em nuôi.
Hạnh: Không! Tôi nuôi cả hai đứa. Chúng cần có chị, có em. Vả lại anh còn có con trai anh, có cô ấy. Anh cần gì đến con Anh, Con Phương. Các con tôi không cần người bố như anh. Tôi đã làm đơn rồi. Anh ký. Ngày mai tôi gửi đơn lên tòa án huyện.
Hoa mệt mỏi, đôi mắt anh thâm quầng bởi mất ngủ từ nhiều ngày qua, mặt cúi gằm. Anh không đủ sức để ngước lên nhìn khuôn mặt Hạnh đang giận dữ, nỗi buồn vẫn còn đó không thể giấu trong ánh mắt.

*
Dịp này, Hạnh thực hiện công việc như một cái máy, dù đó là việc cơ quan hay gia đinh. Hạnh muốn mượn sự bận rộn để tránh cảm giác cô đơn buồn tủi. Quan sát Hạnh lúc công việc, ai cũng có thể nhận thấy điều đó.
Thu: trời ơi! Con này mày điên rồi. Sao phải ly dị? Thế thì dễ cho họ quá. Ly dị là mất hết công sức bao năm xây dựng gia đình. Thôi thì cho qua đi. Bỏ cái nhỏ được cái lớn. Thời buổi ngày nay, chuyện ngoại tình không hiếm gặp. Nhà nghỉ nhiều thế. Chuyện tình công sở được mọi người nói đến. Chán cơm ăn phở . Tối cơm về nhà cơm, phở về nhà phở , mắt không biết , tim không đau.
Quỳnh: cuộc sống giờ cần có cách nhìn hiện đại. Khi không thay đổi được thực tại, thì tốt nhất chấp nhận nó. Cậu có thêm đứa con trai. Không phải đẻ nữa. Hãy giữ anh ấy cho riêng cậu. Chẳng phải là không tốt ư. Nỗi đau nào cũng có phương thuốc hiệu nghiệm để sửa chữa. Rồi cậu quen đi thôi.
Hạnh : các cậu chỉ giỏi lý sự. Gặp hoàn cảnh của tớ , các cậu phát điên không/ Lợn quen máng. Đã vụng trộm, không có gì đảm bảo họ không đến với nhau nữa. Làm sao giữ chân họ. Vậy là phải chấp nhận cảnh chồng mình lang chạ với người khác. Tình cảm bị chia sẻ. Tớ không có tấm lòng như vậy.
Quỳnh: khổ mấy đứa nhỏ thôi! Chúng nó như chim táo tác vì mất tổ. Mấy lần đến nhà cậu, nhìn chúng, thương quá. Hay là chấp nhận sự đã rồi. Chung sống, để con cái có cái tổ yên lành, yên tâm học hành. Có đứa trẻ vì cha mẹ ly dị, dẫn đến khủng hoảng tâm lý, trở lên hư đốn. Cậu đã bao năm hy sinh cho gia đình. Ngày trước hai đữa cậu sau khi xây dựng gia đình mỗi đứa một nơi cách nhau vài trăm km, vậy mà tớ thấy cậu có vẻ vui vẻ hạnh phúc. Bây giờ….
Hạnh: cậu chỉ được cái khéo nói. Ai chẳng muốn giữ gìn hạnh phúc của mình cơ chứ. Đúng là thời gian xa nhau, mình có cảm xúc hạnh phúc vô cùng bởi niềm tin và tình yêu, bởi hy vọng và sự khao khát được ở bên nhau. Cuối tuần gặp nhau, mình vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Giờ cảm xúc ấy không còn nữa. Lão đã giết chết tình yêu của tớ. Ăn cắp tình yêu của tớ. Tớ căm thù lão, khinh ghét bọn đàn ông.
Thu: Yêu khác! Dường như khi đã lấy nhau, sau vài năm tình yêu không còn nữa. Cảm giác như có men say trong người, trạng thái bâng khuâng da diết nhớ thương không còn nữa. Còn lại đó là sự bận rộn, lo lắng bởi miếng cơm manh áo. Lúc ấy sống với nhau vì trách nhiệm, vì nghĩa nhiều hơn là vì tình.
Hạnh: tớ nghĩ nhiều rồi. Những điều các cậu nói tớ hiểu cả. Nhưng bọn tớ thực sự không thể sống chung. Tó không thể sống chung với một kẻ phản bội, không có gì đảm bảo rằng người ta sẽ hối lỗi. Có thể tớ sẽ vất vả nuôi con một mình. Nhưng rồi sẽ quen thôi.
Thu: không ai cho cậu nuôi tất cả lũ con.
Hạnh: sao lại không? Chúng là con gái. Chúng dưới 9 tuổi mà.
Thu: người ta vẫn sẻ hỏi lũ trẻ, muốn sống với bố hay muốn sống với mẹ.
Chiều nay, như thường lệ, sau khi đón con Phương từ nhà trẻ về nhà, Hạnh tong tả quay xe, rẽ ra phố huyện, xuôi xuống trường Tiểu học Thành Công đón con Ngọc Anh. Hạnh dựng xe dưới gốc cây xà cừ, chăm chú dõi theo đám trẻ đang từ sân trường túa ra cổng trường. Bên ngoài trường, phụ huynh học sinh đang chờ đón những đứa trẻ về nhà. Trước đây vợ chồng Hạnh vẫn thay nhau đi đón con. Nay nhìn thấy những ông bố, niềm vui của người cha, trong lúc chờ con, Hạnh thấy tủi thân, lòng trào lên da diết nỗi thương con. Nó đâu rồi trong vài trăm đứa trẻ kia. Hôm trước bận công việc ở cơ quan, không thể đón con bé đúng giờ. Ngọc Anh đứng chờ mẹ bên gốc Phượng trong nỗi sợ hãi, nó khóc. Bác bảo vệ trường đã an ủi nó, dắt nó vào phòng bảo vệ, rót nước cho nó uống…Lúc Hạnh đón con, Ngọc Anh gặt nước mắt. Chị thấy mắt con bé đỏ hoe. Hôm rồi, ông bà ngoại nói cần thì ông bà lên chăm cháu. Cháu bà ngoại tội bà ngoại cũng không sao. Nhưng Hạnh không muốn. Căn phòng bé tí chỉ đủ kê cái giường, cái bàn, đâu rộng cho dăm sáu con người. Hạnh nói: ông bà lên thăm cháu cho vui. Việc chăm cháu, thôi để con . Vất vả tí chút thôi. Con chịu được.
Ngọc Anh kia rồi, Hạnh nhận ra mái tóc hoe vàng của con, cái váy kẻ xanh con đang mặc. Chẳng hiểu sao Hạnh cứ thấy con bé vẻ tội nghiệp thế nào, nhất là từ khi quan hệ không lành giữa vợ chồng chị không thể giữ kín.
Ngọc Anh chạy tới bên mẹ. Nó chỉ chực ôm chầm lấy mẹ. Ngọc Anh xốc lại chiếc ba lô phía sau lưng, leo lên xe.
Hạnh cho xe chạy chậm, vừa chạy xe vừa tranh thủ hỏi con:
- Hôm nay con làm những gì?
Ngọc Anh: con làm toán rồi tập miêu tả.
- Con được điểm mấy?
- Con được 10 điểm toán. Văn 8.
- Trưa con cơm có ngon không?
- Bình thường mẹ ạ!

Buổi tối sau khí ăn cơm, Ngoc Anh đột nhiên hỏi mẹ:
- Mẹ ơi ! Sao bố không ở cùng với mẹ con mình? Thật ra trong suy nghĩ non nớt,
Ngọc Anh hiểu đã có vấn đề gì đó nghiêm trọng xảy ra giữa bố và mẹ. Ngọc Anh thấy thương mẹ. Ngọc Anh cảm thấy rằng sở dĩ mẹ đưa hai chị em lên ở trong khu tập thể, nguyên nhân là do bố. Hình như Ngọc Anh đã có em trai. Trớ trêu thay đứa em trai đó cùng cha , khác mẹ. Bố là người có lỗi. Ngọc
Hạnh: bởi bố không còn yêu mẹ con mình nữa. Người bố yêu là một người đàn bà khác- Hạnh nói, rồi mủi lòng thương thân, thương con, nước mắt trào trên khóe mắt chị. Chị cố nén cảm xúc nói với con- con muốn sống với bố, hay muốn sống với mẹ? Hay mẹ đưa con về với bà nội, sống với bố?
Ngọc Anh: không! Con muốn ở với mẹ cơ!
Câu trả lời của con gái phần nào khiến Hạnh bớt đi nỗi đau và giận dữ, bởi ừ thì mất đi tình cảm của Hoa, nhưng Hạnh vẫn còn những đứa con. Với người đàn bà thì con cái là tất cả. Tình cảm của người mẹ đã lấn át làm mờ đi tình yêu giữa vợ và chồng.
Năm nay mùa đông đến sớm. Gió mùa đông bắc hun hút thổi man dại hú ào ào trên mái tôn. Gió luồn lách qua khe hở của các ô cửa, ô thoáng đem cái lạnh ngự trị trong phòng. Hạnh kéo chăn đắp lên ngang ngực cho các con. Tình yêu thương cùng sự xót xa đồng thời dậy lên trong lòng. Đã mấy mùa đông rồi qua đi. Hạnh quen dần với cuộc sống của người mẹ đơn thân nuôi các con gái. Trói lại đánh, khen hay chịu đòn. Mọi người trong cơ quan khen Hạnh có bản lĩnh. Trời đất! Bản lĩnh gì cơ chứ. Lòng chị nhói đau mỗi khi nghĩ tới những ngày hai đứa yêu nhau, lãng man và hạnh phúc ngập tràn. Những năm tháng sống bên nhau, có anh Hạnh cảm thấy như có bờ vai vững chãi để tựa, Hạnh và những đứa con có một mái nhà ấm áp. Vậy mà tất cả giờ chỉ còn lại là những mảnh vỡ. Cái lạnh trong lòng cộng với rét ngọt khiến chị càng lạnh thêm.
Thời gian qua, gia đình, họ hàng, cơ quan rồi viên thẩm phán nhiều lần tổ chức hòa giải. Hạnh cảm thấy quá mệt mỏi mỗi lần được mời lên, hoặc phải tiếp đại diện của tổ hòa giải. Chẳng nhẽ Hạnh không thấy tiếc cho tình yêu, tình cảm vợ chồng, gia đình mà chị đã dày công vun đắp? Chẳng lẽ Hạnh không thấy được sự thiệt thòi cho những đứa trẻ, và sự thiệt thòi của chính bản thân khi hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Đau lắm chứ. Xót xa lắm chứ. Và thật ra, mới đầu Hạnh đâu nghĩ đến việc ly hôn. Mỗi đứa một nơi, trong một thời gian nhất định, có thể Hạnh hồi lại, tha thứ cho Hoa, chấp nhận Hoa, bởi con người đâu có thể thập toàn. Thế nhưng, Hoa vẫn thế thôi, lém lỉnh, bốc đồng, tiếp tục ra vào không những với mẹ thằng bé mà còn với người đàn bà khác. Toàn với những người đàn bà cơ nhỡ.
Sáng nay, theo giấy gọi của tòa, Hạnh đưa cả hai con theo. Trong căn phòng nhỏ, viên thẩm phán trong véc màu đen, ngồi cắm cúi đọc những dòng chữ trên xấp giấy trước mặt. Dường như anh chờ đợi mẹ con Hạnh và Hoa đã lâu. Hoa cũng đã đến, anh ngồi đối diện với Hạnh. Căn phòng im lặng đến nỗi có thể nghe tiếng con mọt cót két đục gỗ. Khuôn mặt ai nấy đăm chiêu. Những đứa trẻ có vẻ sợ sệt, hết nhìn bố, lại nhìn mẹ và viên thẩm phán nghiêm nghị trước mặt.
Hạnh mệt mỏi nói với viên thẩm phán: nói thật! Có người phụ nữ nào muốn ly hôn! Nhưng quả thực giữa chúng tôi không còn tình yêu nữa. Ngay cả sự tôn trọng cũng không còn.
Viên thẩm phán năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Nhiều năm trong nghề anh đã từng xử những vụ ly hôn.. Có những vụ chia con, chia của thật phúc tạp. Vụ nào cũng vậy thôi, cho dù nguyên nhân nào, cũng vẫn khiến lòng anh day dứt, chỉ muốn họ đoàn tụ, nuôi dạy con cái. Anh cầm lá đơn, đọc đi đọc lại cố tìm hiều căn nguyên sâu xa dẫn đến nguyện vọng ly hôn của họ. Trong lá đơn có đoạn viết:” không còn tình yêu. Không còn sự tôn trọng..”. Đọc bao nhiêu lá đơn như thế này rồi. Nhìn hai đứa trẻ, anh thấy thương chúng vô cùng, nhịp tim như chậm lại. Cố nén những cảm xúc anh hỏi cháu Ngọc Anh: Cháu muốn sống với bố , hay với mẹ?
Ngọc Anh òa khóc: cháu muốn sống với mẹ, với cả bố cháu.
Viên thẩm phán ngẫm nghĩ nói: quyết định chỉ được tuyên khi đương sự đã giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề, cả hai phía đều không còn những thắc mắc. Hiện nay, việc nuôi con, vợ chồng vẫn chưa thống nhất. Các cháu muốn bố mẹ quay lại sống hòa thuận với nhau. Đề nghị vợ chồng về suy nghĩ, xem xét lại, hôm khác giải quyết.
Hưng Yên tháng 9/ 2016