(Diễn văn của nhà thơ
Hữu Thỉnh,Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam, khai mạc Hội nghị Đại biểu những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX)
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội
VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam,
tôi trân trọng chào mừng và cảm ơn các vị khách quý, đại diện cho các cơ quan
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trân trọng chào mừng và cám ơn các nhà văn lớp trước
đã đến dự Hội nghị, đem đến sự khích lệ và động viên to lớn đối với các tài
năng trẻ của đất nước.
Tôi nồng nhiệt chào mừng các tác giả trẻ, đại
biểu cho đội ngũ đông đảo những người viết văn trẻ gồm nhiều dân tộc anh em từ
các vùng miền trong cả nước đã về dự cuộc gặp mặt văn học đầu đời đáng ghi nhớ
của chúng ta.
Ở bất kỳ thời đại nào,
cuộc sống cũng tìm cách sinh ra những nhà văn của mình. Đó là trí khôn của lịch
sử, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ
IX là hình ảnh thu nhỏ của một đội ngũ đông đảo những người viết
văn trẻ đầy say mê và tự tin tham gia vào đời sống văn học trong những năm gần
đây. Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ những điều kiện sáng tạo
tốt nhất mà không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng
thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà
dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên “một cánh đồng bất tận” cho các
tài năng trẻ nảy nở và phát triển. Sau 30 năm đổi mới, đồng hành với các cây
bút trẻ là một lớp bạn đọc trẻ đầy thông minh, sở hữu một vốn sống, sở thích,
thị hiếu khác hẳn trước. Họ mong mỏi tìm thấy những đại diện tinh thần của họ,
trông đợi và uỷ thác cho các nhà văn cùng thế hệ với họ nói lên thật đích đáng
và say lòng người tất cả những gì đang làm nên diện mạo và cốt cách của xã hội
ta hôm nay. Bất luận lý do gì, chúng ta không có quyền để bạn đọc phải thất
vọng.
Thưa Hội nghị,
Theo cách nhìn văn hoá
học, cuộc sống mà chúng ta đã đang trải nghiệm mang một ý nghĩa đặc biệt đó
là sự chưa từng có. Võ công oanh liệt đời nào cũng có và rất đáng
tôn vinh. Nhưng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại nhịp bước cùng nhân
loại thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử. Nó sẽ làm thay đổi đến tận gốc rễ
số phận của cả cộng đồng đến mỗi cá nhân, tạo nên một bước ngoặt lịch sử về
trình độ phát triển và bậc thang giá trị. Cấu trúc xã hội, quan hệ con người,
nguyên tắc ứng xử, cho đến nhịp sống, ham muốn, sở thích sẽ hoàn toàn thay đổi.
Trong xã hội hiện đại, lý trí sẽ can thiệp rất sâu vào mọi lĩnh vực. Thêm vào
đó khoa học, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất quan trọng bậc nhất. Xu
hướng lý tính hoá đã đẻ ra những đứa con vô cảm là có thật. Dưới tác động của
ba đặc điểm của xã hội hiện đại là thị trường, dân chủ và vai
trò của cá nhân, mọi khuôn thước sẽ bị tháo tung ra, mở đầu cho một
cuộc trở dạ về văn hoá vô cùng nhọc nhằn và phức tạp. Và trong lúc chuyển hoá
từ cái cũ sang cái mới, bên cạnh những mảng màu tươi sáng và cảm động chúng ta
thấy có những con dơi bay chập choạng săn lùng những lợi ích cá nhân, gây nhiễu
loạn cho cả một tiến trình của dân tộc; cùng với nó là những nghịch cảnh và
thảm cảnh từng giờ kêu gọi lương tâm con người và lương tâm nhà văn. Đạo đức
trở thành một mối lo của toàn xã hội. Cuộc sống yên lành bị vẩn đục và đe doạ
bởi mọi cái ác. Nhưng cho dù thực trạng có gai góc và phức tạp đến đâu, cũng
không làm thay đổi xu hướng chính của cuộc sống là hướng thiện. Xã hội càng
hiện đại thì lương tâm càng phải lên ngôi và văn học không bao giờ mất giá trị
của nó. Do đó, chúng ta có thể nói rằng; tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại
hoá đất nước thực chất là tạo nên một nền văn hoá mới, trong đó có sự phát
triển cộng sinh giữa các giá trị truyền thống và phi truyền thống. Và đây mới
thực là vấn đề mới mẻ nhất đồng thời cũng khó khăn, gian khổ, phức tạp nhất,
nhọc nhằn nhất như người đi trên cát. Xây dựng các công trình công nghiệp nguồn
vốn, công nghệ, thậm chí sách vở và chuyên gia, chúng ta có thể vay và thuê
nước ngoài. Còn xây dựng văn hoá dân tộc thì chúng ta không thể vay mượn, dập
khuôn ở bất cứ đâu hết. Do đó, tinh thần chỉ đạo hội nghị những người
viết văn trẻ hôm nay không phải đơn giản là chuẩn bị nguồn bổ sung, kế cận cho
văn học, mà thực chất là góp phần chuẩn bị bồi dưỡng, xây dựng một đội quân văn
hoá đủ sức chuẩn bị cho nhân dân ta bước vào ngôi nhà của xã hội công nghiệp.
Đây là một bài học mang tính toàn cầu. Chúng
ta đã từng thấy có những dân tộc có thể bách chiến bách thắng trên lưng ngựa,
nhưng lại thấy bại trong xây dựng cuộc sống văn hoá và xã hội có văn hoá
ngay trên của quê hương của họ. Ngược lại có những quốc gia thua trận về quân
sự nhưng lại có thể trở thành một cường quốc kinh tế và văn hoá. Sức sống dân
tộc, ý chí tự cường đã giúp họ làm nên sự thần kỳ đó.
Thưa hội nghị,
Văn chương là câu
chuyện của tài năng. Qua những sáng tác đầu tay của các anh chị em trẻ, chúng
tôi thấy loé lên nhiều tín hiệu đáng mừng. Các bạn viết về cuộc sống ngày hôm
nay thật tự nhiên, rộng thoáng và thông thuộc. Sẽ là một diễm phúc nếu thế hệ
sau giỏi giang hơn các bậc cha anh của mình. Đó là vấn đề đạo lý, hơn nữa, một
đòi hỏi lành mạnh của cuộc sống. Tài năng thực sự thời nào và ở đâu cũng luôn
luôn hiếm và quý. Đó là câu chuyện muôn một. Tài năng là thiên bẩm, không thể
ban phát, không thể vay mượn. Tài năng là sở hữu cá nhân, nhưng lại mang tính
xã hội. Bởi ngay từ khi cầm bút, không một ai là không nghĩ đến việc muốn gửi
một thông điệp nào đó đến người đọc. Tính chất xã hội của tài năng bắt đầu từ
đó. Và nếu như tài năng thuộc về xã hội, thì chính là xã hội giao cho mỗi
nhà văn tự quản lý, tự nuôi dưỡng để phát triển tài năng của mình. Trong công
việc lâu dài và khó khăn này, thiết tưởng lời khuyên sau đây của Alexandre
Mercereau xứng đáng để chúng ta cùng tham khảo. Ông nói: “Làm cho hạt giống
nảy mầm trong tâm hồn, ra bông, kết nụ, đơm quả; làm nảy nở bản năng thành cảm
giác, cảm giác thành tư tưởng, tư tưởng thành đường lối xử thế; phát triển sự
rung cảm, tăng gấp bội con người trong khía cạnh chân thiện mỹ, đấy là một
thiên chức của những người cầm bút.”
Tôi được biết, là
những người viết văn trẻ, điều khiến các bạn quan tâm nhất là đi tìm cái mới.
Đây là một câu chuyện nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Cũng cần nói thêm rằng, đi
tìm cái mới không chỉ là mối quan tâm của riêng lớp trẻ, mà là nỗi khổ tâm của
tất cả các nhà văn. Mối quan tâm ấy đeo đẳng suốt một đời. Vậy cái mới trong
văn học là gì? Có cái mới của ngôn ngữ, nhịp điệu, của cách nhìn, cái mới của
cấu trúc, của biểu cảm, của hình thức. Nhưng cái mới thực sự, và đáng đi tìm
nhất là cái mới của tư tưởng nghệ thuật, triết lý nghệ thuật. Một
tác phẩm cao hay thấp, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp trước nhất là quan
trọng nhất là ở tính tư tưởng. Có nhà văn phương Tây gọi văn học là triết
học trong trạng thái loãng. Nội hàm của khái niệm “triết học trong
trạng thái loãng” theo tôi hiểu là sự khái quát hiện thực bằng hình tượng
nghệ thuật theo một tư tưởng thẩm mỹ nào đó. Chúng ta đã từng biết có biết bao
tác phẩm gây dư luận ồn áo trong một lúc, nhưng nó nhanh chóng rơi vào quên
lãng vì sự thấp kém về tư tưởng. Giải phóng mọi nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã
hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mơ ước ngàn đời của
nhân dân ta, đồng thời đó cũng là khát vọng cháy bỏng của những người cầm bút.
Đó là tiền đề để có một cuộc sống “Người với người sống để yêu nhau”. Muốn nâng
cao tính tư tưởng của tác phẩm, nhà văn phải có lý tưởng và khát vọng. Không có
lý tưởng, không có khát vọng lớn thì mọi sự khéo tay tỉa tót đều trở chẳng đi
tới đâu.
Cái mới trong văn học
còn là cái chưa từng có. Cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay cung cấp cho nhà văn biết bao chất liệu mới, vô giá mà không một sự tưởng
tượng nào tạo ra được. Do đó, đi tìm cái mới trước hết là đi vào đời sống, hoá
thân vào đời sống, đem tài năng mà chuyển hoá chất liệu của đời sống thành
những hình tượng sống động, khoẻ mạnh với sức truyền cảm mãnh liệt. Thiếu lý
tưởng, thiếu khát vọng, thiếu vốn sống, chạy theo mốt, thời thượng và chiều
nịnh thị hiếu thấp kém cùng lắm chỉ có thể đẻ ra những đứa con tinh thần xanh
xao thiếu máu, không để lại dấu ấn gì và cũng không cần thiết cho ai. Các nhà
văn lớp trước, trải qua hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, để lại cho
chúng ta bài học sâu sắc, có thể coi như một bí quyết thành công, đó là sự nhập
cuộc và dấn thân hết mình vào sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, đúng như nhà thơ
Xuân Diệu đã nói “tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Do vậy đi vào đời
sống là phương hướng và hành động sống còn của mỗi chúng ta. Ngay cả lý tưởng,
khát vọng cũng cần được kiểm nghiệm, thử thách trong đời sống. Chuẩn bị về vốn
sống, vốn văn hoá và với ngọn lửa khát vọng không bao giờ nguội lạnh, đó là bí
quyết giúp cho một nhà văn có thể đi được lâu bền trên hành trình vô cùng nhọc
nhằn của công việc sáng tạo.
Trong xu thế mở cửa,
rộng thoáng đã sẽ có rất nhiều trào lưu nghệ thuật của thế giới được giới thiệu
tại nước ta, dưới nhiều hình thức. Chúng ta hoan nghênh những cố gắng tạo ra
các cửa sổ để nhìn ra thế giới. Chúng ta trân trọng đón lấy các cơ hội mà sự
nghiệp Đổi mới đem lại. Tuy vậy, chúng ta tiếp thu thế giới phải có tâm thế chủ
động và phải đứng vững trên mảnh đất của văn hoá dân tộc để tìm cho được các
tinh hoa của nhân loại và quyết tránh đi vào vết xe đổ trong bãi thải văn hoá
của thế giới. Quan tâm đổi mới hình thức là cần thiết để khắc phục sự nhàm chán
và cũ kỹ. Nhưng, bẻ một cặp thơ lục bát ra làm mấy dòng, viết một mạch không
chấm câu, hoặc miêu tả tỉ mỉ những cảnh sau màn the dễ hơn nhiều là tiếp biến
các tinh hoa đích thực của thế giới để vươn tới đỉnh cao. Các trường phái không
cứu được tài năng. Trong văn học, cái còn lại cuối cùng là tư tưởng, tình cảm
và nghệ thuật được nung chảy để trở thành các hình tượng nghệ thuật có sức ám
ảnh khôn nguôi. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói:Thơ hay làm cho người ta quên thơ
đi chỉ còn cảm thấy có tình người. Trong văn học cuối cùng là một chữ Hay.
Chúng ta hoan nghênh các cây bút phê bình trẻ,
trong đó có nhiều cây bút nữ có mặt trong Hội nghị này. Thiên bẩm trao cho họ
cái nhiệm vụ vô cùng khó khăn là thẩm định và hướng dẫn các giá trị. Ở đây có
sự kết tinh giữa năng khiếu và học vấn. Đọc để nắm cho được xu hướng, dòng
chảy, diện mạo của những người cùng thế hệ. Đọc, học hỏi để làm chủ nền văn học
dân tộc. Đọc để đủ sức đưa ra các nhận định, những phẩm bình xác đáng trong sự
tương sánh với thế giới. Tất cả, quả là một núi công việc với biết bao công phu
bền bỉ đáng khâm phục. Nhận rõ vai trò quan trọng của lý luận phê bình những
năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã liên tiếp tổ chức
nhiều lớp tập huấn dành riêng cho các cây bút lý luận, phê bình trẻ. Các lớp
này sẽ được tổ chức đều đặn và một học viên có thể tham gia nhiều lớp trong
nhiều năm. Từ diễn đàn này, tôi bày tỏ sự vui mừng và trân trọng chào đón các
cây bút lý luận, phê bình trẻ, nguồn bổ sung vào khoảng trống của lý luận, phê
bình hiện nay.
Thưa Hội nghị,
Hội Nhà văn Việt Nam
chọn mùa Thu với bầu trời của Cách mạng tháng Tám và hương hoa sữa thơ mộng để
mời đại biểu viết văn trẻ của các miền về họp mặt tại thủ đô Hà Nội. Trong văn
học không ai làm thay được cho ai, không ai thay thế được ai. Nhưng tập hợp,
đoàn kết và cùng trao đổi nghề nghiệp luôn luôn là một việc rất cần thiết. Các
bạn đã có những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Từ hôm qua trở về trước,
các bạn sống và làm việc ở giai đoạntự phát hiện ra chính bản thân mình.
Từ hôm nay trở về sau, các bạn bước sang chặng đường mới, chặng đường
bổ sung, làm đầy và vắt kiệt mình để có những tác phẩm
xứng đáng với đất nước, với nhân dân và xứng đáng với thời đại của mình. Với ý
nghĩa đó, tôi xin thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khai mạc Hội
nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. Chúc hội nghị
thành công.
Hà Nội, 27/9/2015
Posted in Diễn đàn Nguồn Quà tặng xứ mưa ( Ngô Minh)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét