Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Venezuela – Đế chế dầu mỏ sụp đổ vì quốc hữu hóa để ‘cào bằng’


Venezuela – Quốc gia giàu mạnh với nguồn tài nguyên trời phú bỗng chốc sụp đổ, một đế chế thương mại bỗng chốc trở thành con nợ khổng lồ với ngân khố trống rỗng. Bài học về quản lý kinh tế đi ngược lại với các quy luật thị trường vẫn luôn đắt giá… 

(Ảnh: Hoy Venezuela)
Venezuela có trữ lượng dự trữ dầu thô gần 301 tỷ thùng dầu thô. (Ảnh: Hoy Venezuela)

Một nền kinh tế từng phồn thịnh

Venezuela là thành viên của OPEC, là quốc gia từng có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch Commodities. Quốc gia này có trữ lượng dự trữ dầu thô gần 301 tỷ thùng dầu thô (thành viên OPEC đã kiểm chứng), còn lượng khí đốt tự nhiên thì lớn hơn cả Iran.
Năm 2014, khi dầu thô đang ở đỉnh, chưa điều chỉnh sụt giá dưới 100 USD/thùng, GDP của Venezuela được Ngân hàng Thế giới (WB) kiểm kê là 509,97 tỷ USD, đến năm 2015 thì sụt giảm chỉ còn 239,50 tỷ USD (giảm đi 270,47 tỷ USD). Đến năm 2016 ước lượng GDP là 333,7 tỷ USD; trong khi GDP (PPP) theo sức mua tương đương là 468,6 tỷ USD
Theo một ước tính của Ngân hàng Trung ương nước này được Reuters công bố hồi tháng 1/2017, kinh tế Venezuela đã suy giảm 18,6% vào năm 2016. Lạm phát lên đến 800%. Tỷ lệ thất nghiệp ước đoán 18% hoặc thậm chí là cao hơn. Tất nhiên, đây chỉ là những con số ước tính và chỉ mang tính chất tương đối, bởi Ngân hàng Trung ương Venezuela đã ngừng công khai các số liệu chính xác về tình hình kinh tế hơn một năm nay.

lam-phat
Tỷ lệ lạm phát của Venezuela năm 2016 ước tính lên đến 800%. (Ảnh: Tradingeconomics)

Theo dự báo của IMF, lạm phát năm 2017 của Venezuela sẽ tăng lên 2.200%. 100 Bolivar (VEB) – tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela vốn rất có giá trị nay chỉ có giá trị chưa đầy 3 cent trên thị trường chợ đen. Đồng Bolivar hiện không còn được chấp nhận giao dịch trên thị trường New York, London, Tokyo, Hồng Kông, hay Nam Mỹ nữa.
Dự trữ ngoại tệ của Venezuela chưa đến 11 tỷ đôla, tài sản dễ bán chỉ chiếm khoảng 1/5. Dự trữ vàng nay chỉ còn 187,5 tấn vàng (thời kỳ cao nhất lên đến 373 tấn vàng hồi quý IV năm 2011).
Và đáng buồn hơn, lượng dầu thô của Venezuela có thể đã cạn phân nửa do bị khai thác quá mức để trả nợ và tài trợ thiếu hụt ngân sách. Sản lượng dầu khai thác của quốc gia này đã giảm 10% vào năm ngoái và không có khả năng tăng trong 2017.
Trái phiếu của Venezuela từng có giá ở cấp AAA (Moody’s đánh giá năm 1976), và cấp AA (S&P đánh giá vào năm 1977-1982), nhưng nay thì bị xếp hạng Caa3 (CCC-) cho đến CCC và không còn khả năng đi vay trên thị trường tài chính.
Giới chuyên gia nhận định, mức độ suy thoái của Venezuela còn lớn hơn cả Hy Lạp vào thời điểm khủng hoảng đỉnh cao về đồng Euro. Năm 2001, Venezuela là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ nhưng giờ lại được liệt vào hàng nghèo nhất khu vực này.

Kinh tế đổi dòng xuống đáy – Vì đâu nên nỗi?

Ngay khi Hugo Chavez lên làm Tổng thống Venezuela vào năm 1998, ông đã đưa ra chính sách xóa bỏ sở hữu kinh tế tư nhân, và quốc hữu hóa hầu hết các doanh nghiệp tư doanh và nước ngoài như một phương thức để theo đuổi ảo vọng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”. Hugo Chavez tập trung tín dụng vào trong tay Ngân hàng Trung ương Venezuela – Banco Central de Venezuela (BCV).
Với phương châm “nhà nước quản lý và phân phối công bằng cho toàn xã hội”, hàng loạt lĩnh vực khác cũng chuyển hướng độc quyền như điện nước, xăng dầu, ngành công hiệp khai thác khoáng sản, hàng tiêu dùng, cảng biển, giáo dục, giao thông vận tải. Ngay cả việc quản lý các phương tiện thông tin truyền thông liên lạc, như xuất bản báo chí cũng do Tổng thống nắm giữ.

(Ảnh: Shutterstock)
Đồng Bolivar hiện không còn được chấp nhận giao dịch trên các thị trường lớn. (Ảnh: Shutterstock)

Khi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ phát huy tác dụng, tỷ lệ lãi suất bắt đầu tăng đột biến. Năm 2002, lãi suất vay quốc gia này lên đến 82%. Các doanh nghiệp tư nhân luôn phải vay vốn với lãi suất 2 con số, trong khi doanh nghiệp quốc doanh thì mức lãi suất lại gần như miễn phí, chỉ như vốn ngân sách tài trợ.
Khi “xin – cho” xuất hiện, tham nhũng trở thành vấn nạn: Tham nhũng đã trở thành vấn nạn kéo dài nhiều thập kỷ trong nền chính trị Venezuela. Theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Venezuela là quốc gia tham nhũng nhất ở châu Mỹ. Ngoài ra, tỷ lệ các vụ giết người ở nước này là 90 người bị sát hại/100.000 dân, mức cao thứ nhì thế giới sau El Salvador.
Khu vực kinh tế tư nhân dần biến mất, hàng loạt ngành công nghiệp phá sản, và quốc gia này chỉ có thể trông cậy vào nguồn khai thác dầu khí, khí đốt tự nhiên, các mỏ quặng kim loại. Vì vậy, họ đã khai thác đủ loại tài nguyên thiên nhiên như khí tự nhiên, quặng sắt, vàng, bô xít, kim cương,… và bán cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Chính sách trợ giá xăng cũng khiến ngân khố quốc gia kiệt quệ. Suốt nhiều năm, giá xăng Venezuela chỉ ở mức 0,02 USD/lít, và đến khi Nicolas Maduro lên làm Tổng thống thì giá xăng xuống mức kỷ lục 0,01 USD/lít (tháng 6/2013). Hiện nay, giá xăng bán lẻ tại Venezuela vào khoảng 0,60 USD/lít).
Kinh tế đổ vỡ: Cho tới nay, Venezuela đã mất khả năng kiểm soát tỷ giá, giá cả của các mặt hàng thiết yếu dẫn đến sự khan hiếm và tham nhũng; chi tiêu công mất kiểm soát; cướp bóc tại Công ty dầu quốc doanh PDVSA tràn lan…

Việt Nam thua lỗ nặng trong dự án dầu khí đầy tham vọng với Venezuela

Tháng 6/2010, hợp đồng thành lập và quản lý Công ty liên doanh PetroMacareo Lô Junin 2 – Venezuela đã được ký kết giữa Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (Thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) với Công ty Dầu khí Venezuela (đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela), để phát triển khai thác, nâng cấp dầu nặng tại lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, một trong những vùng trầm tích có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới, với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 40% (Việt Nam) và 60% (Venezuela). Đây cũng là giai đoạn giá dầu thô của thế giới ở đỉnh cao, bình quân gần 100USD/thùng.
Dự án này theo dự kiến ban đầu sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016, với công suất lọc dầu khoảng 200.000 thùng/ngày. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng sẽ phải trả cho đối tác thêm 584 triệu USD để tham gia liên doanh.
Tuy nhiên, kinh tế Venezuela suy giảm, lạm phát tại nước này đã tăng cao từ 30-60%/năm, đặc biệt là chênh lệch tỷ giá giữa đồng nội tệ/USD trong ngân hàng với ngoài thị trường gấp hơn 10 lần khiến giá thành chi phí mọi hoạt động tăng cao. Trong khi toàn bộ các chi phí phải sử dụng tới 50% là các dịch vụ tại nước sở tại. Ngoài ra, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 30USD/thùng, khiến PVN không thể tiếp tục dự án “bất khả thi” và chỉ có thể chấp nhận “đánh mất” 1,8 tỷ đôla đã đầu tư ở Venezuela và khoản 584 triệu USD trong hợp đồng liên doanh này.
Minh Ngọc (T/H)
Xem thêm:

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

CHÀO MÙA HÈ

Bỗng ran ran tiếng ve  trên cành lá.
Không gian xanh, rực rỡ nắng chang.
Hàng phượng vĩ lá giỡn đùa với gió,
Xao xuyến chi hoa hồng rực trên cành.

Ai có nhớ, có về thăm trường cũ,
Mái rêu phong, hoa giấy đỏ bên hè.
Đâu bè bạn, đâu thầy cô năm ấy?
Ta thẫn thờ bên ghế đá đợi nhau.

Bỗng sống lại một thời sách vở
Dạ trắng trong, ta ép những cánh hoa
Những ấp ủ, những ước mơ tuổi trẻ
Hướng tương lai, vững bước trên đường.

Cứ cháy lên phượng hồng xao xuyến
Bên giảng đường, lòng khẽ gọi : hè ơi!
                                    Hưng Yên tháng 5 năm 2017






Tại sao Trung Quốc tăng trưởng mạnh dù tham nhũng tràn lan?

China Railways Corrup_Cham
Nguồn: Yao Yang, “Graft or Growth in China?”, Project Syndicate, 04/05/2015.
Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ bệ được nhiều “con hổ” cấp cao trong chính phủ và được ca ngợi rộng rãi như là một thành phần chủ đạo trong các cải cách cơ cấu sâu rộng mà Trung Quốc cần thực hiện nếu nó muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên thị trường toàn diện và bền vững hơn. Nhưng lại có rất nhiều lo ngại rằng ở một đất nước nơi mà quan chức chính phủ đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc nhổ bỏ tận gốc rễ nạn tham nhũng có thể làm suy yếu sự phồn vinh.
Một số đã viện dẫn những khó khăn đáng kể gần đây của các khách sạn và nhà hàng sang trọng (mà ở Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều bởi chi tiêu chính phủ) như một bằng chứng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đang làm nản lòng các hoạt động nâng cao tăng trưởng. Nhưng sự sụt giảm này rất có thể là tạm thời, với các khách hàng mới đang nổi lên sau một thời gian điều chỉnh.
Một mối lo ngại đáng tin hơn là liệu những nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng có làm suy yếu động lực để quan chức chính phủ thúc đẩy tăng trưởng hay không. Rốt cuộc, các mức tăng trưởng cao thường chuyển thành các khoản tiền tô (rent) lớn mà có thể, thông qua các hành vi tham nhũng, được phân phối cho chính các quan chức cũng như cho bạn bè và những người họ đỡ đầu. Theo logic thì nếu loại bỏ các hành vi như vậy, các quan chức sẽ không thể thu được những phần thưởng lớn từ tăng trưởng kinh tế, và như vậy sẽ có ít động lực hơn để khuyến khích tăng trưởng.
Nhưng lập luận này không kín kẽ. Một trong các dạng tham nhũng phổ biến nhất là việc “bán” các “ghế” trong chính phủ – một hành vi ít liên quan đến tăng trưởng, nhất là khi nó được tiến hành bởi các sĩ quan cao cấp trong quân đội, chẳng hạn như các vị tướng trong Giải phóng Quân Nhân dân đã bị bắt giữ trong chiến dịch tiêu diệt nạn mua quan bán chức.
Một mối quan ngại lớn nữa là, nếu các doanh nghiệp không còn khả năng “bôi trơn bánh xe” – tức hối lộ quan chức để cho phép họ đi vòng qua các quy định tràn lan – thì thành tích kinh doanh của họ có thể bị ảnh hưởng. Và, thực tế là thậm chí sau 30 năm cải cách, kinh tế Trung Quốc vẫn còn bị trói buộc bởi các thủ tục quan liêu, điều làm hạ thấp năng suất một cách đáng kể.
Nhưng cũng có những lỗ hổng trong lập luận này. Điều quan trọng nhất là nếu sự hối lộ như vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng bất kỳ cách thức bền vững và đáng kể nào, thì nó cần phải được tiến hành bởi hàng loạt doanh nghiệp – không chỉ những doanh nghiệp giàu có nhất và có nhiều mối quan hệ nhất. Nhưng hiện tại thì không phải vậy; hầu hết các quan chức Trung Quốc bị buộc tội cho đến nay đều chỉ nhận hối lộ từ một doanh nhân đơn lẻ, qua đó cho phép doanh nghiệp của họ giành được vị trí độc quyền.
Như vậy, trong khi nạn hối lộ ở Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho tăng trưởng ở một mức độ nào đó thì nó lại không tạo ra được loại môi trường kinh doanh cạnh tranh ủng hộ các lợi ích lâu dài. Thật vậy, thực tế là tham nhũng áp đặt một loại thuế lớn nhưng vô hình lên doanh nghiệp, đặc biệt là bằng cách khiến các quan chức không muốn loại bỏ các thủ tục quan liêu cho mọi doanh nghiệp – một hành động vốn thật sự thúc đẩy tăng trưởng.
Kết luận là rõ ràng: chi phí của tham nhũng lớn hơn nhiều so với lợi ích – và không chỉ ở Trung Quốc. Từ Thế Chiến thứ hai, nhiều nước đã cố gắng chuyển đổi tình trạng từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, nhưng chỉ có 13 nước thành công – và tất cả đều có mức tham nhũng chính thức khá thấp.
Do đó, người ta có thể hỏi làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy trong 20 năm qua, mặc dù tham nhũng tràn lan. Câu trả lời có lẽ nằm trong chế độ “cử tuyển” (“selectocracy”) của nó. Không giống như trong một nền dân chủ, nơi mà công dân bầu ra quan chức chính phủ dựa trên những chuẩn mực mà họ lựa chọn, trong chế độ “cử tuyển” của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn ra các quan chức để đề bạt dựa trên khả năng thúc đẩy các mục tiêu chính của đảng – đặc biệt là tăng trưởng.
Tất nhiên, quan hệ chính trị và lòng trung thành cũng tác động đến các quyết định đề bạt, đặc biệt ở các cấp chính quyền cao hơn. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị ở Mỹ Pierre Landry và các đồng nghiệp của ông nhận thấy, tăng trưởng kinh tế là then chốt, nhất là trong số các quan chức cấp quận và thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Việc được đề bạt đem đến cho các quan chức một động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng. Hãy xem xét trường hợp của Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu bộ trưởng đường sắt, người đã thúc đẩy cơn sốt xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Mong ước của ông về thành tích chuyên môn – và nhất là ước vọng được thăng chức của ông – đã thúc đẩy ông đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Nhưng Lưu cũng dính líu vào các vụ lạm dụng quyền lực quy mô lớn– gồm có việc nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ tới lúc ông bị bắt năm 2011 – dẫn đến các tổn thất đáng kể về kinh tế cho nhà nước. Án tử hình (treo) của ông sẽ giúp ngăn chặn các quan chức khác đi theo con đường đó.
Nếu các quan chức tham nhũng có thể có những đóng góp đáng kể như vậy cho tăng trưởng thì hãy tưởng tượng xem các quan chức khác vốn tuân thủ pháp luật có thể làm được gì? Những gì họ cần là những động lực mạnh mẽ để trở nên tích cực (trong công tác). Theo nghĩa đó, chế độ “cử tuyển” của Trung Quốc vốn hứa hẹn thăng chức cho các quan chức chứng minh là mình hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng, có thể là chìa khóa để giải thích cho thành tích kinh tế ấn tượng của nước này.
Yao Yang (Dương Diêu) là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế và là Hiệu trưởng Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh.
Hình: Cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, người bị tuyên án tử hình treo năm 2013 vì tội nhận hối lộ. Nguồn: Fox News.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/05/19/trung-quoc-tang-truong-du-tham-nhung/#sthash.dZuIsMmq.dpuf

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

cách mạng Văn hóa: Thảm họa bị ‘lãng quên’ Posted on 16/05/2016 by The Observer

Nguồn: Ma Jian, “The Revolution will not be memorialized”, Project Syndicate, 31/05/2006.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bốn mươi năm trước, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa. Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền hiện đã ban hành một lệnh cấm bất cứ loại ý kiến đánh giá lại hay hoạt động tưởng niệm nào đối với thảm họa này như một phần nỗ lực của Đảng nhằm khiến người Trung Quốc quên đi thập niên mất mát đó.
Tuy nhiên, khi lên án người Nhật thờ ơ về vụ Thảm sát Nam Kinh trong Thế Chiến II, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rằng việc lãng quên quá khứ là phản bội nhân dân. Tuy nhiên, với nhân dân Trung Quốc, cuộc Cách mạng Văn hóa chính nó là một sự phản bội, một điều tiếp diễn cho tới ngày nay. Tất cả những sự kiện khủng khiếp sau đó, từ vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn, vụ đàn áp Pháp Luân Công và việc trấn áp các nhà hoạt động dân sự, tất cả đều là hậu quả tai hại của một tội lỗi gốc khó gột rửa đó.
Cách mạng Văn hóa đánh dấu đỉnh điểm của việc tiêu diệt giai cấp do Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành trong suốt những năm 1960. Những người sống sót trong tất cả các phong trào chính trị trước đó bị mê hoặc bởi sự sùng bái cá nhân của Mao, đã được xóa bỏ mọi hạn chế, có thể giết người và tìm cách trả thù mà không bị trừng phạt. Như Mao đã tóm tắt trạng thái tâm lý này: “Bây giờ là giai đoạn biến động, và tôi vui mừng về những hỗn loạn này”. Trong hướng dẫn của ông có tên “Về các vụ cắn”, Mao khẳng định: “Có gì ghê gớm đâu? Người tốt hiểu nhau bằng cách cắn nhau và người xấu xứng đáng bị như vậy khi họ bị những người tốt cắn…”
Những người bạn cùng thế hệ của tôi luôn bình luận như thế này khi tôi kể tôi sinh ngày 18 tháng 8: “Này, đó là ngày kỷ niệm Chủ tịch Mao gặp mặt các Hồng vệ binh lần đầu tiên”. Tuy nhiên, các tháng năm sau đó đã bị lãng quên một cách có chủ ý, đặc biệt là bởi chính các Hồng vệ binh. Đây là những người, giống như Liên đoàn thanh niên Hitler (Hitler Youth), đã lật trang sử đẫm máu của họ và không bao giờ (muốn) nhìn lại.
Theo Wang Youqin, tác giả của cuốn sách Victims of the Cultural Revolution (Những nạn nhân của Cách mạng Văn hóa), sau khi Mao tiếp đón các Hồng vệ binh và hướng dẫn họ thực hiện “đấu tranh vũ trang”, hơn 1.700 người đã bị đánh đập, bị dìm nước hoặc làm bỏng đến chết. 100.000 người khác đã bị đuổi ra khỏi nhà.
Chỉ trong mấy tháng, một phong trào toàn diện, dưới khẩu hiệu “cách mạng hóa văn hóa Trung Quốc” nhằm “phá bỏ nền văn hóa cũ, các truyền thống cũ, tư duy cũ và các phong tục cũ” đã diễn ra ác liệt trên khắp đất nước này. Những người có nguồn gốc “địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, cánh hữu” nằm trong số những người đầu tiên bị trừng phạt. Trong cơn tuyệt vọng để cứu mạng sống cho chính mình, các gia đình đã tự nguyện đập phá tài sản và nghiền nát các bức tranh hoặc thư pháp cổ của họ.
Các vụ “đốt sách, chôn nho” đã từng diễn ra trong lịch sử, nhưng không trường hợp nào quyết liệt bằng thứ lực lượng tàn phá do Mao phát động. Chẳng bao lâu sau, các di tích cổ cũng bị phá hủy. Thi hài của những nhân vật lịch sử, như Trương Chi Động (Zhang Zhidong), một vị quan lớn triều Thanh, đã bị khai quật, với những thi thể bị phân hủy được treo trên cây.
Cuối cùng, bất kỳ ai, từ Chủ tịch nước tới công dân bình thường, đều có thể bị chỉ trích, bị quy kết là đồ “ngưu quỷ xà thần”, bị bức hại và liệt vào danh sách phải chết. Người ta giết người để bảo vệ Mao, và những người bị xử tử hét to: “Mao Chủ tịch muôn năm!” trên đường ra nơi bị xử tử.
Tại tỉnh Quảng Tây, nơi một vài vụ bạo lực tồi tệ nhất xảy ra, gần 100.000 người đã bị giết hại trong tháng Bảy và tháng Tám năm 1968. Trong văn bản chính thức “Đại sự ký Cách mạng Văn hóa ở Quảng Tây”, nhiều trẻ sơ sinh xuất hiện trong danh sách những người thiệt mạng. Tác giả Zheng Yi đã tường thuật riêng ở huyện Vũ Tuyên, hơn 100 người đã bị ăn thịt, bởi việc ăn tươi nuốt sống kẻ thù là cách duy nhất để chứng minh lòng yêu mến đối với Mao. Gan, mắt và não được móc ra trong khi các nạn nhân vẫn còn sống.
Mao còn khuấy động một làn sóng các vụ bức hại khác năm 1968. Trong vô số các “vụ tự tử”, nhiều người đơn giản là đã bị cắn tới chết hoặc tự kết liễu mạng sống của chính họ khi nỗi đau vượt quá sức chịu đựng. Ở Bắc Kinh, những cái chết đã diễn ra phần lớn ở những khu vực có cây cối và các hồ nước. Wang Youqin tường thuật vào ngày 4 tháng 11 rằng bốn thi thể được tìm thấy nổi trên mặt hồ của Di Hòa Viên. Tổng cộng 63 người đã bị giết hại tại trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng.
Mao qua đời trong khi vẫn đang mong muốn kết liễu nền văn hóa Trung Quốc. Riêng cuộc Cách mạng Văn hóa của ông đã giết hại tới khoảng hai triệu người, phá vỡ các truyền thống, nhổ tận gốc các giá trị tinh thần và đạo đức, và xé nát các quan hệ gia đình và sự gắn bó xã hội. Những người đã trải qua cuộc cách mạng này đã cố gắng lãng quên, bởi nỗi đau, vốn còn lớn hơn khi tim bị trúng đạn, đã đè nặng tâm hồn họ.
Tồi tệ hơn tất cả, những tội ác của Mao chống lại nền văn minh, không giống những tội ác của Hitler chẳng hạn, vẫn đang tiếp diễn. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đang sử dụng các phương pháp “tẩy não” của Mao, đồng  thời di sản của ông vẫn tiếp tục được chính thức tôn thờ. Chân dung và thi thể của ông vẫn được trưng bày tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, và khuôn mặt của ông xuất hiện trên những tờ tiền giấy trong ví của mọi người dân Trung Quốc, nhiều người trong số họ có cha mẹ, con và những người thân yêu khác chết dưới lưỡi dao của Mao.
Không có gì ngạc nhiên khi người dân Trung Quốc nhìn vào chính trị với một sự cẩn trọng xen lẫn sợ hãi. Những nhân vật của công chúng luôn nỗ lực tránh xúc phạm Đảng, công khai tán thành thái độ thờ ơ như là công cụ quan trọng nhất để đảm bảo sự sống còn. Tháng trước, tôi có xem một chương trình truyền hình có sự tham gia của Hàn Mỹ Lâm (Han Meilin), một họa sĩ nổi tiếng. Trong phát biểu bế mạc của ông, ông đã phát biểu những câu đầy khôn ngoan trước khán giả: “Những người bàng quan muôn năm!”.
Han Meilin đã bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa. Tuyên bố của ông đã được đáp lại bởi một tràng pháo tay giòn giã từ khán giả trường quay.
Ma Jian (Mã Kiến) là nhà văn, tác giả của cuốn Beijing Coma, và gần đây nhất là cuốn The Dark Road.
Copyright: Project Syndicate 2006 – The Revolution will not be memorialized
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/16/cach-mang-van-hoa-lang-quen/#more-16079

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Cuộc đời “cha đẻ Học thuyết Ngăn chặn” G. F. Kennan

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 17 tháng 3 năm 2005, ông già George Frost Kennan 101 tuổi trút hơi thở cuối cùng trong nhà riêng tại Princeton bang New Jersey.
Thời báo New York gọi Kennan là “Nhà ngoại giao Mỹ đã thực hiện sứ mạng lớn hơn bất cứ nhà ngoại giao nào cùng thế hệ ông trong việc tạo dựng chính sách của nước Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Tạp chí Foreign Policy mô tả Kennan là “nhà ngoại giao có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX”. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell gọi Kennan là “người thầy tốt nhất của chúng ta”.
Kennan còn được gọi là Cha đẻ của Học thuyết ngăn chặn (containment) nổi tiếng, tuy rằng ông từng tuyên bố học thuyết này là sai lầm lớn nhất trong đời mình.
George Frost Kennan sinh trưởng trong một gia đình luật sư. Lớn lên ông vào học trường ĐH Quân sự John, năm 1921 học ĐH Princeton. Sau khi tốt nghiệp, Kennan học thêm môn ngoại giao ở trường Quan hệ đối ngoại tại Washington, rồi làm việc trong ngành ngoại giao.
Chức vụ đầu tiên Kennan được nhận là Phó Lãnh sự tại Geneva, Thuỵ Sĩ, về sau chuyển đến công tác tại Hamburg, Đức. Năm 1929, ông bắt đầu chương trình trau dồi kiến thức lịch sử, chính trị, văn hoá và tiếng Nga tại Học viện Phương Đông thuộc ĐH Tổng hợp Berlin. Nhờ quá trình học tập bền bỉ, Kennan thông thạo tiếng Đức, Pháp, Nga, Tiệp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Na Uy.
Năm 1931, Kennan làm Bí thứ thứ ba Lãnh sự quán Mỹ tại Riga (Latvia) và nghiên cứu về kinh tế Liên Xô. Từ đó ông bắt đầu đặc biệt quan tâm tới các vấn đề của Liên Xô. Năm 1933, sau khi Franklin D. Roosevelt đắc cử Tổng thống, Mỹ lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Kennan theo đại sứ William C. Bullitt tới Moskva làm việc trong Sứ quán Mỹ tại đây. Ông nhanh chóng trở thành một trong các chuyên gia hàng đầu về vấn đề Liên Xô, có ảnh hưởng đáng kể tới việc hoạch định chính sách của Mỹ đối với Liên Xô.
Tháng 9/1938, Kennan được cử làm lãnh sự Mỹ tại Praha, Tiệp Khắc. Khi Thế chiến II nổ ra, Tiệp Khắc bị Đức chiếm, Kennan được cử tới Berlin. Sau khi Mỹ tham chiến chống Đức (12/1941), ông bị người Đức giam giữ 6 tháng. Tháng 9/1942 Kennan được cử làm Lãnh sự tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Tháng 1/1944 ông được cử tới London làm thành viên trong phái đoàn Mỹ tại Uỷ ban Cố vấn châu Âu, cơ quan hoạch định chính sách đồng minh chống phát xít.
Vài tháng sau, Kennan được Đại sứ Mỹ tại Liên Xô W. Averell Harriman đề nghị cử làm phó cho mình. Nhưng trong thời gian ở Moskva, Kennan luôn cảm thấy các ý kiến của ông không được Harriman và Bộ Ngoại giao Mỹ chú ý. Kennan cố thuyết phục Chính phủ Mỹ từ bỏ đường lối hợp tác với Liên Xô, mà chủ trương nên tìm kiếm một liên minh ở châu Âu nhằm chống lại ảnh hưởng và sức mạnh của Liên Xô ở khu vực này.
Nổi tiếng nhờ một bức điện
Khi Kennan sắp kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Liên Xô thì Sứ quán Mỹ ở Moskva nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ đề nghị giải thích vì sao Liên Xô lại không ủng hộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF và WB). Thời gian đó Đại sứ Harriman về nước nghỉ phép, Kennan trở thành Đại biện Mỹ tại Liên Xô và có trách nhiệm trả lời câu hỏi nói trên. Không ngờ đây là dịp may hiếm có để Kennan thể hiện tài năng của mình.
Ngày 22 tháng 2 năm 1946, Kennan đọc miệng cho viên thư ký đánh máy bức điện báo gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington trả lời vấn đề trên. Bức điện lịch sử này dài tới 5542 từ tiếng Anh, trình bày sự phân tích của ông về chính sách ngoại giao của chính phủ Liên Xô và đề xuất chiến lược lâu dài của Mỹ đối với Liên Xô.
Nội dung bức điện dài (Long telegram) ấy về sau được Chính phủ Mỹ tán thành, chấp nhận dùng làm chính sách kiềm chế ngăn chặn Liên Xô.
Giới báo chí nói đây là bức điện có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử ngoại giao Mỹ. Từ đó trở đi người ta gọi Kennan là “Cha đẻ của chính sách ngăn chặn” mà nước Mỹ thi hành cho tới ngày Liên Xô sụp đổ.
Bài báo ký tên “X.”
Tháng 3 năm 1947, Tổng thống Truman trình bày trước Quốc hội Mỹ Học thuyết Truman  (Truman Doctrine); trong đó ông sử dụng những lời cảnh báo của Kennan viết trong Bức điện dài làm cơ sở cho học thuyết của mình.
Bức điện dài ấy cũng nhận được sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Hải quân James Forrestal, một nhân vật hàng đầu thân cận với Tổng thống Truman, người chủ trương áp dụng chính sách cứng rắn với Liên Xô. Forrestal kéo Kennan về Washington và tác động lớn đến Kennan khi ông quyết định viết bài báo công bố học thuyết ngăn chặn, ký tên tác giả là “X”.
Tạp chí Quan hệ đối ngoại (Foreign Affairs, của Mỹ) số tháng 7 năm 1947 có đăng bài báo dưới đầu đề “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” (The Sources of Soviet Conduct), ký tên X., chính là Kennan, lúc này đang làm Giám đốc Cơ quan hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ.
Bài báo đã phân tích tình hình và nêu ra chủ trương Mỹ nên sử dụng sức mạnh chính trị ngăn chặn sự phát triển của Liên Xô, một chủ trương được coi là cơ sở tư tưởng chiến lược của Mỹ đối với Liên Xô. Bài báo ngắn này đã gây phản ứng lớn trong dư luận quốc tế.
Bài báo viết: “Một khi đảng Cộng sản Liên Xô bị chia rẽ và tê liệt thì các rối loạn và nhược điểm của xã hội Nga sẽ bộc lộ ra với hình thức khó tả”, vì thế, nếu xảy ra những sự việc như sự đoàn kết và hiệu lực của công cụ chính trị là Đảng (Cộng sản Liên Xô) bị phá hoại thì có thể chỉ trong một đêm, Liên Xô sẽ từ một nước mạnh nhất biến thành một trong những nước yếu nhất và đáng thương nhất.” Tại sao lại thế? Đó là do an ninh và sự lớn mạnh của Liên Xô “được thực hiện dưới điều kiện cuộc sống và niềm tin cũng như sức lực của người dân nước này phải trả một cái giá quá kinh khủng… nó làm cho các mặt khác của đời sống kinh tế Liên Xô bị coi nhẹ và xảy ra nhiều tệ nạn, nhất là về sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng, nhà ở và giao thông vận tải.”
Kennan đề nghị: chỉ cần nước Mỹ thường xuyên duy trì sức ép đối với Liên Xô và luôn tỏ ra nước Mỹ có sức sống mạnh mẽ, chỉ cần ngăn chặn được sự bành trướng của Liên Xô thì điều đó cuối cùng sẽ làm cho Liên Xô tan rã hoặc từ bỏ thái độ cứng rắn với Mỹ.
Kennan kiến nghị gửi gắm hy vọng vào thế hệ trẻ ở Liên Xô, vì họ sẽ từ cuộc sống trẻ thơ không ổn định và từ sự phồn vinh của xã hội phương Tây mà hiểu rằng Liên Xô cần tự thay đổi. Thật kỳ lạ là mọi biến đổi xảy ra ở Liên Xô 40 năm sau đấy hoàn toàn giống như dự kiến nói trên của Kennan. Đọc tự truyện của Gorbachev, Yeltsin, thậm chí của Chernomyrdin, người ta thấy rõ nguyên nhân xảy ra điều đó. Mấy vị lãnh đạo này thuộc thế hệ trẻ ra đời vào thập niên 1930 đầy biến động ở nước Nga. Thủ tướng CHLB Nga Chernomyrdin từng kể cho các nhà báo nghe câu chuyện khó ai tin: “Khi tốt nghiệp lớp 10, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn một quả trứng rán do mẹ tôi làm cho.” … “Không phải vì nhà tôi không nuôi gà, mà vì toàn bộ gà và trứng đều phải giao cho nhà nước.”
Mất dần ảnh hưởng
Trong thời kỳ George Marshal làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (4/1947-12/1948), Kennan được ông này trọng dụng, nhờ thế Kennan đã phát huy ảnh hưởng lớn nhất đối với việc hoạch định chính sách ngoại giao. Marshal cử Kennan làm Giám đốc đầu tiên của Cơ quan Hoạch định Chính sách (Policy Planning), một think-tank nội bộ của Chính phủ Mỹ. Kennan trở thành kiến trúc sư của Kế hoạch Marshal nổi tiếng, giúp Tây Âu vực dậy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.
Nhưng từ khi Dean Acheson thay chân G. Marshal ở Bộ Ngoại giao thì ảnh hưởng của Kennan bị giảm đáng kể. Bộ trưởng Acheson không coi trọng các quan điểm của Kennan, thậm chí hai người còn mâu thuẫn nhau về chính sách ngoại giao.
Tháng 12 năm 1951, Tổng thống Truman cử Kennan làm Đại sứ tại Liên Xô. Đề cử này được Thượng viện ủng hộ mạnh mẽ. Khi trở lại Moskva, Kennan cảm thấy bầu không khí bây giờ khác trước rất nhiều. Ông đi đâu cũng có cảnh sát Liên Xô đi kèm, các cuộc tiếp xúc với người Nga bị ngăn cản, hạn chế. Trong một lần trả lời nhà báo nước ngoài, Kennan đã phạm sai lầm “lỡ miệng” khi so sánh cuộc sống của mình ở Moskva với mấy tháng bị người Đức giam giữ ở Berlin hồi cuối năm 1941, sau khi nước Mỹ tuyên bố tham chiến chống Đức. Vì vậy Bộ Ngoại giao Liên Xô tuyên bố Kennan là persona non grata (nhân vật không được hoan nghênh) và từ chối cấp visa cho ông nhập cảnh Liên Xô. Và thế là chỉ 5 tháng sau khi được cử làm Đại sứ tại Liên Xô, Kennan buộc phải rời khỏi chức vụ khó khăn này.
Do cảm thấy khó hợp tác với bộ trưởng Dean Acheson, năm 1953 Kennan từ chức Giám đốc Policy Planning và nhận lời đề cử của Robert Oppenheimer làm Giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Institute for Advanced Study at Princeton).
Hiểu nước Nga hơn hiểu nước Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Harriman nói Kennan là người hiểu Liên Xô nhưng chưa hiểu nước Mỹ. Quả thật do suốt đời tập trung tìm hiểu Liên Xô và giỏi tiếng Nga nên ông am hiểu đất nước này.
Kennan viết về Liên bang Xô Viết như sau: “Đó là một đất nước không có mạng lưới đường cao tốc nhưng có thể chỉ dùng mạng lưới đường sắt nguyên thuỷ thô sơ mà nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hoá.”
Kennan có thái độ rất thận trọng đối với Liên Xô. Năm 1997 khi đa số chính khách Mỹ cho rằng nên mở rộng NATO về phía Đông, thì Kennan vẫn giữ quan điểm cho đó “là sai lầm lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh”, bởi lẽ làm như vậy “rất có thể sẽ tái thổi bùng tình cảm dân tộc của người Nga, khiến nước Nga lùi bước trên con đường dân chủ hoá.” Giờ đây dự kiến này của ông vẫn khiến người ta vô cùng kinh ngạc, nó chứng tỏ ông am hiểu sâu sắc về Liên Xô và nước Nga, dân tộc Nga.
Hồi thập niên 60 thế kỷ trước, ông chủ trương hoà dịu quan hệ Mỹ với Liên Xô và hạn chế cuộc chạy đua vũ trang tốn kém giữa hai nước.
Năm 1975, trong một lần trả lời chất vấn tại Thượng viện Mỹ, Kennan nói việc ông đề nghị nước Mỹ tiến hành cuộc “chiến tranh chính trị” chống Liên Xô là sai lầm lớn nhất trong đời ông. Hồi thập niên 1980, Kennan thường xuyên phê phán chính sách cứng rắn của Tổng thống Reagan đối với Liên Xô.
Về sau, được sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ, Kennan sáng lập Viện Nghiên cứu Nga cấp cao mang tên Kennan. Có thể coi đây là món quà quan trọng nhất ông để lại cho nước Mỹ.
Luôn cho mình là người ngoài cuộc với chính phủ Mỹ
Thời báo New York gọi Kennan là nhà “quý tộc” ngoại giao cuối cùng của thế giới cũ, “người có cống hiến lớn nhất cho việc giữ địa vị của nước Mỹ thời gian sau chiến tranh.” Ông luôn khuyên  người Mỹ cần khiêm tốn học hỏi các nước khác, chớ có đi khắp nơi xuất khẩu dân chủ, chớ có làm sen đầm quốc tế. Quan điểm này đã làm ông không thể hoà hợp với chính quyền Mỹ.
Năm 1953, tức một năm sau khi giã từ Liên Xô, Kennan cũng giã từ chính phủ Mỹ, lui về Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton làm công việc nghiên cứu ông vốn ưa thích. Thực ra thời gian 1950-1952 ông đã là thành viên của Viện này và năm 1956 ông thường xuyên tham gia công việc ở Trường Nghiên cứu lịch sử (thuộc Viện đó).
Tuy vậy năm 1960 Kennan lại nhận lời đề cử của Tổng thống Kennedy làm đại sứ Mỹ tại Nam Tư, song sứ mạng của ông tại Belgrad cũng không suôn sẻ vì chính phủ Kennedy thi hành chính sách chống Nam Tư. Bởi vậy 3 năm sau, Kennan từ chức đại sứ và lần này ông về hẳn Princeton làm công tác học thuật cho đến cuối đời.
Tuy là người có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của chính phủ, nhưng Kennan chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi làm việc trong chính phủ Mỹ. Ông suốt đời cho rằng mình là kẻ ngoài cuộc (outsider) và ít kiên nhẫn đối với những lời phê bình mình.
Kennan thì cho rằng chính phủ Mỹ luôn hiểu sai các quan điểm của ông. Thí dụ ông chỉ chủ trương ngăn chặn Liên Xô về chính trị, nhưng chính phủ lại mở rộng ra ngăn chặn cả về quân sự, gây ra cuộc chạy đua vũ trang tốn kém giữa hai nước và mấy lần suýt xảy ra xung đột quân sự.
Giữa thập niên 1960, chính phủ Mỹ sử dụng chính sách ngăn chặn do Kennan phát minh để giải thích lý do Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Thấy vậy Kennan liền lên tiếng phản đối, nói là kiến nghị ban đầu của ông đã bị hiểu lầm. Ông nói ngăn chặn không có nghĩa là nước Mỹ phải biến thành sen đầm quốc tế. Kennan tán thành chiến tranh Triều Tiên nhưng phản đối chiến tranh Việt Nam vì ông cho rằng nó không liên quan tới lợi ích của nước Mỹ.
Cây bút nổi tiếng nước Mỹ
Kennan viết nhiều tác phẩm và giành nhiều giải thưởng về sách. Trong đời mình ông đã xuất bản khoảng hai chục đầu sách chủ yếu về đề tài quan hệ quốc tế, tất cả đều nổi tiếng. Ông đã được tặng giải thưởng Pulitzer, giải thưởng Sách Quốc gia (National Book), giải Bancroft và giải Francis Parkman cho cuốn Russia Leaves the War (Nước Nga từ giã chiến tranh, xuất bản 1956). Năm 1968 ông lại được tặng giải Pulitzer và giải Sách Quốc gia cho cuốn Memoirs, 1925-1950 (Hồi ký, xuất bản 1967). Ngoài ra ông còn được tặng giải thưởng Ambassador Book. Nhiều tác phẩm của ông được bạn đọc ưa thích, như cuốn American Diplomacy, 1900-1950 (Ngoại giao Mỹ, xuất bản 1951), Sketches from a Life (Vài nét cuộc đời, xuất bản 1989).
Kennan còn nhận được rất nhiều vinh dự khác như giải thưởng hoà bình Albert Eistein (1981), huy chương vàng của Viện Nghệ thuật và Văn học Mỹ (1984), huy chương Tự do của Tổng thống (1989) … cùng 29 học vị, bằng cấp danh dự các loại./.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/05/13/cuoc-doi-cha-de-hoc-thuyet-ngan-chan-g-f-kennan/#sthash.satKwP6T.dpuf

Tại sao các linh mục Công giáo sống độc thân?

Nguồn: “Why Catholic priests practise celibacy”, The Economist, 23/3/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các quy tắc bắt đầu từ thời Trung Cổ.
Trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí Đức vào đầu tháng 3/2017, Đức Giáo hoàng Francis đã gợi ý rằng ngài sẵn sàng chấp nhận ý tưởng cho phép những người đã kết hôn trở thành linh mục. Một sự thay đổi như vậy, dù rất trọng yếu, sẽ là một sự quay trở lại, chứ không phải là một sự tách rời, truyền thống Cơ Đốc trước đó: kinh Tân Ước rõ ràng không có đoạn nào yêu cầu các linh mục phải độc thân. Trong hàng ngàn năm đầu của Công giáo, không phải là chuyện bất thường khi các linh mục có gia đình. Vị Giáo hoàng đầu tiên, Thánh Peter, là một người đàn ông đã lập gia đình; nhiều vị Giáo hoàng thời đầu cũng có con. Vậy làm thế nào mà độc thân lại trở thành một phần của truyền thống Công giáo?
Độc thân là một trong những hành động lớn nhất của sự tự hy sinh mà một linh mục Công giáo được yêu cầu thực hiện, bằng cách từ bỏ vợ, con cái và tình dục vì mối quan hệ của mình với các giáo dân và Thiên Chúa. Theo Bộ Giáo luật của Giáo hội Công giáo, độc thân là một “món quà đặc biệt của Thiên Chúa” cho phép các linh mục theo sát hơn nữa tấm gương của Chúa Kitô, người đã giữ mình trong sạch.
Một lý do khác là khi một linh mục bước vào con đường phục vụ Thiên Chúa, nhà thờ trở thành lời kêu gọi cao cả nhất. Nếu anh ta có một gia đình, sẽ có khả năng xảy ra mâu thuẫn giữa các nghĩa vụ tâm linh và nghĩa vụ gia đình của anh ta. Vatican cho rằng những người đàn ông không có ràng buộc sẽ dễ dàng cam kết với nhà thờ hơn, vì họ có nhiều thời gian hơn để cống hiến và có ít phiền nhiễu hơn.
Văn bản đầu tiên về luật độc thân có nguồn gốc từ năm 305 SCN tại Hội đồng Elvira Tây Ban Nha, một hội đồng các tu sĩ địa phương gặp gỡ nhau để thảo luận các vấn đề liên quan đến nhà thờ. Giáo luật 33 cấm các giáo sĩ trong các nhà thờ – các giám mục, linh mục và phó tế – có quan hệ tình dục với vợ và có con, mặc dù không cấm họ kết hôn.
Mãi cho tới các cuộc họp toàn thể Giáo hội Công giáo tại các Công đồng Laterano thứ nhất và thứ hai vào năm 1123 và năm 1139 thì các linh mục mới bị cấm tuyệt đối kết hôn. Loại bỏ viễn cảnh hôn nhân có thêm lợi ích là giúp đảm bảo rằng con cái hay vợ của các linh mục sẽ không thể yêu sách về tài sản có được trong cuộc đời linh mục, do đó các tài sản này có thể được giữ lại bởi nhà thờ. Phải mất hàng thế kỷ để luật độc thân trở nên phổ biến, nhưng cuối cùng nó đã trở thành tiêu chuẩn trong nhà thờ Công giáo phương Tây.
Mặc dù các sắc lệnh ra đời từ thời trung cổ, luật độc thân vẫn chỉ là một “kỷ luật” (discipline) của nhà thờ, tức một điều có thể thay đổi, chứ không phải là một “tín điều” (dogma), tức một sự thật được mạc khải bởi Thiên Chúa và không thể thay đổi. Khi thế giới thay đổi, Giáo hội đã có một khoảng thời gian khó khăn để tìm kiếm các linh mục. Số lượng linh mục đã giảm: từ năm 1970 tới năm 2014, số lượng giáo dân trên thế giới tăng từ 654 triệu lên 1,23 tỷ người, trong khi số linh mục giảm từ 420.000 xuống còn 414.000. Một số linh mục tiềm năng không muốn lựa chọn giữa việc có một cuộc sống với Thiên Chúa và có một gia đình. Không phải là điều không tưởng khi một ngày nào đó các linh mục có thể có cả hai.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/14/linh-muc-cong-giao-song-doc-than/#sthash.7dnToJIO.dpuf