Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

BÔNG HỒNG TRẮNG

Quý tặng Thầy Cô và các bạn sinh viên truyện ngắn này nhân mùa Robocon.
Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Lộc ngồi trước bàn máy, lưng thầy hơi còng. Sở dĩ lưng gù, còng xuống bởi lâu năm trong nghề dạy học thầy luôn phải làm việc với sách . Mỗi ngày từ 6 đến 8 giờ có khi tới 14 mười năm giờ đồng hồ kiên nhẫn với chồng tài liệu, với hàng trăm bài kiểm tra của sinh viên, xong công việc là rã rời nhưng bù lại là cảm xúc khoan khoái bởi tìm hiều được vấn đề mới, hoặc cuối cùng thì công việc đã xong. Những lúc ấy thầy bất giác nhớ một danh ngôn nổi tiếng của Xocrast: “ cuộc đời con người không hạnh phúc nào bằng khi mình tự tìm ra chân lý.”
Từ lâu lắm rồi thầy coi trang Facebook này như mái nhà yêu của mình, nơi thầy có thể chia sẻ với bè bạn nhưng suy nghĩ, trăn trở trước những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là giáo dục.
Trái với cảm xúc vui vẻ thường lệ, hôm nay tâm trạng Lộc trĩu nặng, buồn bã. Thầy cẩn trọng nửa muốn viết tiếp, nửa muốn dừng lại không phát triển những suy nghĩ đang manh nha. Trong lòng thầy đau quặn. Sau những giây phút ngập ngừng cuối cùng thì dòng chữ cũng hiện ra : Mình sai lầm rồi. Biết thế chẳng chọn nghề dạy học làm gì. Giáo dục không vạn năng. Khi con người không có nhu cầu được giáo dục, liệu giáo dục có hiệu quả. Viết xong những dòng chữ ấy, tâm trạng thầy vẫn trĩu nặng. Thầy viết tiếp: cuối cùng thì con người chỉ hưởng ứng khi họ thấy được lợi ích thiết thực của hành động sắp diễn ra.
Sở dĩ Lộc trong tâm trạng ấy bởi sáng nay, khi vào lớp, kiểm tra dụng cụ học tập của sinh viên, đa số sinh viên không mang compa, thước kẻ các loại. Những dụng cụ tối cần thiết cho giờ học hình họa.
Lộc hỏi trách một sinh viên: đã dặn các em mang theo thước kẻ… sao em không mang.
- Em không có thước.
- Nếu không có dụng cụ vẽ, em không thể khai triển các hình chiếu…
- Còn em nữa, sao em không mang dụng cụ vẽ?
Đáp lại thầy, là sự im lặng của sinh viên. Em không hề có một biểu hiện nào của sự thành ý, nhận ra được thiếu sót.
Lộc hỏi một sinh viên khác:
- Vở của em đâu?
- Em không có vở?
- Không mang vơ và dụng cụ vẽ thì em học như thế nào?
- Em học thế nào kệ em. Em không cần vẽ?
- Em ra ngoài, về lấy sách vở dụng cụ học tập rồi đến lớp
Sinh viên đứng phắt dậy, bất cần…ra ngoài và sau đó không hề quay lại.
Lâu nay hình ảnh sinh viên đến lớp với một quyển vở, với quyển vở đó ghi nội dung của hàng chục học phần; mỗi học phần khoảng độ 2- 3 trang bằng những dòng chữ nguệch ngoạc đã không còn hiếm gặp. Một môn học, tóm lược của cả một lĩnh vực khoa học với chỉ hai ba trang chữ to như chữ gà mái ghẹ. Thật lòng Lộc muốn nghe từ sinh viên: xin lỗi thầy! Em muốn ở lại trong lớp, giờ sau em mang dụng cụ vẽ đầy đủ đi học. Nhưng không! Chỉ là sự bất cần lộ trên gương mặt đáng thương.,
Những lúc ấy, lòng Lộc xa xót đau. Mấy chục năm trời đứng trên bục giảng có bao giờ thầy gặp hoàn cảnh này. Hình họa và CAD là một trong những môn xương sống của nội dung đào tạo. Công cụ để các kỹ sư thiết kế, triển khai ý tưởng, xây dựng quy trình sản xuất. Từ bao năm nay thầy đảm trách học phần này. Với năng khiếu hội họa, trí tưởng tượng phong phú và kinh nghiệm sáng tạo từ thực tế và tình cảm nghề nghiệp, giờ học của thầy luôn sống động. Sinh viên luôn có cảm hứng trong khi thực hiện các bài tập họa hình. Mặc dù hiện nay, có thể dùng CAD hoặc các phần mềm khác để thiết kế bản vẽ, tuy nhiên những bài tập cơ bản đầu tiên sử dụng các công cụ vẽ như các loại thước, chì, com pa..vẫn không thể thiếu. Hiện tượng sinh viên bất cần trong học tập chỉ là cá biệt, nhưng nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ lan rộng tạo nên phong cách học tập trễ nải của cả lớp.
Nhớ lại tuổi thơ cắp sách. Trường cấp ba xa nhà hàng chục cây số, Lộc hàng ngày vẫn cùng bạn bè đi bộ tới trường với cái bụng đói meo, đói triền miên, đói không nơi ẩn nấp. Vậy mà mỗi ngày học là một ngày vui, đời phơi phới với tương lai hứa hẹn, lòng thanh thản và thánh thiện. Thời thầy học đại học cũng vậy, ăn sắn, ăn khoai, ký túc xá nhà tranh vách trát vậy mà lạc quan và vui sao mỗi giờ trên giảng đường. Cả lớp im phăng phắc lắng nghe từng lời thầy giảng, cảm thấy tình yêu trò , tình yêu cuộc sống thấm đượm trong câu nói, trong ánh mắt người thầy. Có lẽ hình ảnh người thầy nay khác chăng? Đời nay khác chăng? Khác ở điểm nào? Lộc vân vi với những suy nghĩ như thế. Không! Lộc khẳng định. Có thể có Thầy thiếu nghiêm túc, nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt . Thầy cô đứng lớp không ai thoái bỏ trách nhiệm giáo dục, dạy học của mình. Vậy còn lại về phía sinh viên. Lộc nghĩ thế. Nền giáo dục của những cái ống. Đầu này lùa vào bao nhiêu, đầu kia trồi ra bấy nhiêu. Kết quả của giáo dục, đào tạo không gắn với cơ hội việc làm và một khi vẫn còn đó sự bất bình đẳng trong cơ hội thì giáo dục khó có chất lượng. Người xưa nói: tiên học lễ, hậu học văn phần cũng vì lẽ này.
Lộc nhấp chuột, chọn biểu tượng chia sẻ bài viết của mình với những ai đang Onlie, nghĩ: sẽ có hàng ngàn Like chia sẻ với băn khoăn của mình, động viên nhau vợi bớt trăn trở để vui, tiếp tục những ngày trên bục giảng.

Mặc dù xuân đã sang, trời luôn trong trạng thái khô hanh. Sang giêng hai vẫn có những đợt rét đậm. Sáng nay, trong văn phòng của khoa có đông các giảng viên của bộ môn TKCK. Đây là cuộc họp giao ban thường lệ.
Mọi người bị hút vào việc tranh luận về đổi mới dạy và học. Gs. Tiến mái tóc bạc trắng, khuôn mặt vuông hồng hào tỏa sáng, ngồi khoan thai ở dãy bàn phía trái. Hơn ba chục năm trong nghề, đúc kết nhiều kinh nghiệm dạy học quý giá, giờ ông tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm trong quản lý chuyên môn và phương pháp giảng dạy bô môn cho giảng viên trẻ.
Ông chậm rãi trao đổi với đồng nghiệp bằng những câu văn chắt lọc: đối với sinh viên, cần hướng dẫn cho họ cách học, cách nghiên cứu, giải quyết vấn đề, không nên nặng về truyền đạt những tri thức khoa học thuần túy theo kiểu nhồi nhét. Chúng ta hô hào đổi mới chương trình và nội dung đào tạo, nhưng chương trình của chúng ta như nồi lẩu, chỉ thấy bốc vào mà không tinh lọc.Cấu trúc chương trình và cách thức tổ chức đào tạo đã khiến cho giảng viên, sinh viên chỉ chăm chú vào chạy cho xong nội dung theo tiến độ. Giáo dục thiếu đi không gian tự do, tư tưởng khai phóng thì cách dạy, cách học vẫn vậy, chuyên môn khó có thể phát triển.
Thích thú với những bộc bạch của Giáo sư, Lộc tiếp: các mô hình dạy học hiện nay nhấn mạnh vào tính tích cực chủ động của người học và sự tương tác. Thấy rõ rằng, tri thức, kỹ năng mà người học lĩnh hội căn bản trên cơ sở của hoạt động nhận thức tích cực của người học. Dù mô hình thế nào, cốt lõi vẫn là vấn đề khởi động động cơ học tập của người học. Người học cần thấy được ý nghĩa thực tiễn của vấn đề mà họ nghiên cứu. Việc học cần gắn liền với cơ hội việc làm, cơ hội phát triển năng lực, nhân cách. Được như vậy có thể việc học tập của sinh viên sẽ chủ động hơn….
Cuộc họp bắt đầu. Lộc điểm lại những việc đã thực hiện theo kế hoạch của cuộc họp giao ban trước, nhấn mạnh lại một vài điểm trong nhiệm vụ của tuần tới. Nội dung cuối cùng của cuộc họp về tham gia thiết kế Robot chuẩn bị cho cuộc thi Robotcon năm nay.
Ts. Trường nói: các đội Robotcon của khoa hiện các nhóm sinh viên đang chạy thử nghiệm. Kết quả cho thấy, Robot hoạt động ổn định. Những thay đổi về ý tưởng thiết kế, thay đổi về các cơ cấu nạp đĩa, bắn đĩa sẽ có trên cơ sở thử nghiệm và sau cuộc thi đấu vào tuần tới.

Chiều nay, mưa bụi. Những hạt mưa bay bay trong màn sương mờ. Không gian đã trở lại đặc trưng tiết xuân. Màu xanh của lá, của đất trời, hương hoa mùa xuân phảng phất đâu đây. Lộc bước nhanh qua khu vườn cây chăm pa, tới khu nhà bảy tầng. Chiều nay, Lộc tham gia làm giám khảo cuộc thi ROBOTCON do nhà trường tổ chức. Sinh viên đứng rất đông quanh khu nhà thi đấu. Giám khảo cũng đã có mặt đầy đủ. Sinh viên của các đội đang chăm sóc Robot của mình trước khi vào trận. Những con robot có kết cấu đơn giản, phần cơ được tạo bởi những thanh thép vuông lắp cơ cấu nâng đĩa và cơ cấu quay bắn đĩa. Cảm biến màu, cảm biến ánh sáng được đặt ở phía dưới giúp Robot tự xác định đường đi tới vị trí bắn đĩa. Bo mạch điện tử cũng được lắp phía dưới. Đề thi này, khó nhất là xác định khoảng cách, tọa độ của điểm đích, từ đó căn cứ vào trọng lượng của đĩa xác định quỹ đạo và lực bắn cho cơ cấu. Có nhóm sinh viên xây dựng phương trình quỹ đạo, động lực giải bài toán đó bằng lập trình, chọn giải pháp tự động điều khiển hoàn toàn cho Robot. Song hầu hết các đội chọn giải pháp bán tự động. Cuộc thi Robot cuốn hút nhiều sinh viên tham gia, tạo niềm say mê nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn sản xuất. Lộc quan sát gương mặt phấn khích của sinh viên, chăm chú theo dõi từng trận đấu, cho tới khi kết thúc. Lộc thực sự bị cuốn hút bởi sự say mê của sinh viên. Cả sân đấu ào lên tiếng reo cổ vũ cho các đội.
Tối đó, Lộc giở trang FACEBOOK của mình. Những dòng tâm sự của Lộc hôm trước vẫn còn đó nóng hổi, có rất nhiều chia sẻ, nhiều Like. Nhưng tối nay, ngồi trước bàn máy tính, Lộc cảm thấy vui, thanh thản như vừa được giải thoát. Niềm tin và sự hứng khởi đã trở lại trong anh. Anh gõ những dòng chữ trên trang của mình: “Giáo dục khai sáng con người, giúp con người bộc lộ năng lực. Hôm nay đây mình được tham gia vào hoạt động sáng tạo của sinh viên. Lớp trẻ luôn năng động giàu sáng tạo. Điều này giúp mình tin vào tính tích cực của con người. Lại nhớ tới định nghĩa về tính tích cực học tập của một Giáo sư Đặng Thành Hưng: “ Tính tích cực học tập là sự chuyển hóa tính tích cực của cá nhân vào hoạt động học tập”. Lộc viết tiếp:” Hãy bớt đi những nội dung ít thiết thực, bớt đi những giờ học nhàm chán bởi những nội dung cũ kỹ, học trò chỉ nghe và ghi chép. Đem vào giờ giảng những vấn đề thực tiễn nóng bỏng như là những dự án để phát huy tính tích cực tự lực của họ có thể là một giải pháp đúng…”
Lộc dừng lại, quan sát trên góc phải của màn hình. Dường như có bạn bè nào đó đang Onlie, muốn trò chuyện riêng. Lộc rê chuột bấm vào biểu tượng đó. Trên khung thoại là dòng chữ: thầy còn nhớ em không?
Lộc quan sát hình ảnh đại diện, nhất thời không thể nhận ra ai. Lộc gõ: hình ảnh nhỏ quá.
- Thầy không nhận ra em ư?
- Chưa ! Em ạ!
- Một trường hợp rất đặc biệt.
- Một trường hợp rất đặc biệt.
Lộc định tìm hiểu người đang trò chuyện với anh qua trang cá nhân, nhưng không thể bởi những dòng thoại liên tục hiện ra trên khung thoại:” ngày xưa em đã từng có ý định bỏ học. Sự động viên của thầy giúp em khắc phục khó khăn tiếp tục học hết đại học. Hiện nay em chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sỹ. Ngày trước thầy dạy chúng em ba môn. Em luôn đạt điểm tốt. Hôm nào đó em sẽ về trường. Giờ thầy nhận ra em rồi chứ?
Những lời tâm sự của trò cũ làm Lộc xúc động mãnh liệt. Anh hồi tưởng lại những năm tháng qua, nhớ lại những gương mặt sinh viên. Hàng ngàn, hàng vạn gương mặt. Lộc không thể nhớ hết nhưng sinh viên này thì thầy nhớ. Đó là lớp trưởng lớp điện 32s. Một sinh viên tài năng, giàu mơ ước, hoài bão.
Lộc ngồi lại rất lâu bên bàn, mặc dù đã đóng máy. Anh ngắm nhìn những bông hồng trắng. Màu trắng của hồng làm anh liên tưởng tới sự tinh khiết, thanh tao. Nghề dạy học cũng vậy. Nếu tâm huyết với người, với nghề, tất yếu sẽ giành, lưu giữ được tình cảm trân trọng của sinh viên. Tình cảm trong sáng đó như hành trang đi suốt cuộc đời cầm phấn, nuôi dưỡng hứng thú và sáng tạo trong nghề nghiệp dạy học. Gần đây qua trang Facebook nhiều sinh viên cũ tìm lại thầy cô của mình. Họ bộc lộ tình cảm trân trọng đối với thầy cô. Những dòng chữ rắn rỏi, những suy nghĩ đã qua trải nghiệm thật chín chắn: thầy cô đã đem tới cho chúng em ánh sáng tri thức. Lộc gật gù nghĩ: Giáo dục quả thật là sự khai sáng. Phải! Nếu có ai hỏi: Giả sử lúc này Lộc còn trẻ, Lộc có chọn cho mình nghề dạy học? Lộc sẽ trả lời. Tất nhiên rồi! Lộc sẽ lại chọn cho mình nghề sư phạm.
Hưng Yên tháng 3 năm 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét