Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

CHÀO HỎI- HÀNH VI GIAO TIẾP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT


                                                     Hồ Ngọc Vinh

Người xưa nói: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Có việc mời khách, không vui vẻ niềm nở, tế nhị, thiếu cung kính chưa chắc có khách đến. Chào hỏi đã trở thành một phần không thể thiếu trong nghi lễ giao tiếp của người Việt, một truyền thống Văn hoá của tộc Việt với bản sắc riêng và sự đa dạng của nó.
Chào hỏi không chỉ được  con nguời thực hiện ở ngoài đường khi gặp nhau còn diễn  ra ở công sở và tại gia đình…
Ở nước ngoài lời chào xem ra thật giản đơn. Người ta có thể nói ngắn gọn: chào buổi sáng, chào buổi chiều, hoặc chào buổi tối.
Điều đặc biệt là ở Việt Nam đôi khi hỏi để mà chào Ví dụ: Bác đi đâu đấy? Cô đang làm gì đấy? Nên thuật ngữ chào hỏi có thể hiểu là chào và hỏi để mà chào.
Để chào nhau người ta không chỉ dùng lời mà còn thực hiện bằng hành vi phi ngôn ngữ: một cử chỉ, một hành động chẳng hạn. Ví dụ: một cái vung tay, hay cúi đầu trước người khác; trong nhiều trường hợp được thể hiện bằng sự kết hợp giữa ngôn ngữ cử chỉ điệu bộ và ngôn ngữ nói.
Trong lời chào hỏi có thể xác định vị trí ứng xử của con người, tôn ti trật tự có trên có dưới, có già có trẻ trong giao tiếp. Thực hiện hành vi chào như thế nào? Hiệu quả hay không qua đó có thể  xác định trình độ văn hoá ứng xử của người giao tiếp.

Cũng có khi chào khiến nguời khác bực bội, trong một số các trường hợp sau đây: Chào nhưng không nhìn vào người mình chào,  chào giọng nói có vẻ bỡn cợt châm chọc, hoặc chào không bộc lộ tình cảm…Như vậy khi chào phải nhìn vào người  giao tiếp, niềm nở, cung kính mới gây được cảm xúc và thái độ thân thiện.

Thường có quan niệm  trẻ chào người lớn trước, cấp dưói chào cấp trên trước. Ví dụ: nó ít tuổi không chào  tao trước thì việc gì tao phải chào nó; hoặc nó cấp dưới chẳng chào mình thì thôi. Hãy đừng coi: già chào trẻ, cấp trên chào cấp dưới trước như một sự hạ cố. Rất nhiều trưòng hợp có được sự nể phục, kính trọng của người khác với mình khi người lớn tuổi chủ động chào, hoặc cấp trên chủ động chào cấp dưới.

Chào hỏi có tác dụng gì? Không thể phủ nhận, thái độ vui vẻ, trọng thị khi chào hỏi gây cảm xúc thân thiện giữa những người tham gia giao tiếp, xác nhận mối quan hệ thân hữu, khích lệ phát triển tình cảm cộng đồng, thậm chí thúc đẩy ý thức trách nhiệm và hành động chung.…..
Chào có thể là dấu chấm hết cho sự hằn thù giữa con ngưòi, một biểu hiện của lòng khoan dung độ lượng.
Con nguời biết lễ nghi, khuôn phép, trên dưới, biết cương vị của mình khi thực hiện hành vi văn hoá này cũng thường là những con người hiếu nghĩa, biết sống tích cực cho bản thân và cho cộng đồng.
Như vậy chào hỏi không chỉ là một phần lễ nghi của giao tiếp, tác dụng của nó thật lớn vượt  ra ngoài khung cảnh giao tiếp hiện thời, góp phần xây dựng tình cảm, nếp sống văn hoá, tôn ti trật tự của cộng đồng. Do đó không thể thiếu trong giao tiếp xã hội.

Ngày xưa vào dịp tết, mấy anh em tôi cùng mẹ ra chùa, khi gặp người lớn chào ran: Chào ông ạ! Chúng cháu chào bác ạ!
Ừ! Ông chào các cháu! Thế mẹ nó dẫn các con thăm chùa hả?..Ông lão đáp. Lời chào và lời đáp tạo cho lòng người thêm phấn chấn, góp không khí tươi vui của ngày lễ. Ngày ấy người ta đối với nhau thân thiện hơn, tình cảm cộng  đồng đằm thắm hơn. Trong cái nghèo nhưng lễ nghi truyền thống được gìn giữ, thể hiện trong cộng đồng như một như một nét sống văn hoá làm con người dễ chấp nhận nhau, gắn bó với nhau, thương yêu đùm bọc nhau…

Ngày nay không ít người than phiền: bọn trẻ ra đường nhìn thấy người lớn không chào hỏi, mặt chúng cứ vênh váo. Không riêng bọn trẻ, ngưòi lớn được coi là lớp nguời giàu kinh nghiệm sống, có trách nhiệm giáo dục con cái, thế hệ sau thực hiện hành vi giao tiếp văn hoá này cũng trố mắt nhìn người khác khi gặp nhau, tức không chào hỏi.
Một cô giáo tâm sự: vừa rồi qua làng T-H gặp mấy học sinh cũ, nói là cũ nhưng  vừa tốt nghiệp THCS năm vừa rồi. Không những không chào cô, chúng nói: Con này ngày trước dạy tao đấy. Tao chửi cho luôn. Vừa kể, nước mắt cô vừa rớm trên mi, giọng cô như lạc  đi vì tủi thân.
Chưa nói đến các trưòng hợp gọi là nhìn đểu nhau cũng dẫn đến loạn đả giữa các thanh thiếu niên. Thay vì lời chào làm quen, làm thân, họ nói chuyện với nhau bằng mã tấu, gậy gộc.

Chào hỏi như vậy là một hành vi văn hoá trong giao tiếp cần được giáo dục rèn  luyện cho con người, trở thành thói  quen ứng xử văn hoá ở mỗi người. Trách nhiệm này  đặt lên vai các bậc cha mẹ, lớp người đi trước. Muốn thế người lớn cần kiên trì yêu cầu con cái, trẻ em  thực hiện hành vi giao tiếp này:  chào nhau; đồng thời trong cuộc sống cần phải làm gương cho con em mình  chào nhau trong niềm nở và thân thiện.

Có thể tình cảm cộng đồng mới được nhân lên, mới có sự gắn kết giữa các cá nhân, làm nảy sinh những suy nghĩ tích cực về nhau, cái thiện trong mỗi con người, xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng.
                                                                                    Hưng Yên, ngày 17 tháng 4 năm 2010


                                                                                                Hồ Ngọc Vinh


NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI
Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Bà Lợi mái tóc bạc trắng, khuôn mặt dăn deo, hai má hóp gày guộc. Gương mặt bà lộ vẻ buồn bã thiểu não. Đôi mắt bà dường như không còn tinh lực nữa, cụp xuống như mắt chó ốm. Bà mặc chiếc áo béo màu nâu đã cũ, mép vải  sờn rách, cái quần láng đen, mặt vải xù lông sần bợt. Bà ngồi trên chiếc phản gỗ, nhỏ thó xiêu xọ như không còn sức sống. Khi niềm vui sống đã mất, bà như chiếc đĩa dầu đã gần cạn.
Chị Lệ con gái cả của bà lúi húi dọn gian phòng. Chị cầm cái chổi chít, quét đi, quét lại lớp bụi trên tường, dưới nền nhà. Khuôn mặt chị lộ vẻ khó chịu. Chị làu bàu: Rác đâu mà nhiều thế! Bụi đâu mà khiếp thế! Thi thoảng chị ngoái nhìn người mà chị gọi là mẹ, cảm xúc lẫn lộn. Xen với nỗi thương xót thi thoảng là sự bực dọc. Mấy tháng nay rồi bà ở với gia đình chị. Vợ chồng anh chị từ  đó cãi nhau luôn. Nhà chẳng mấy khi có được sự vui vẻ. Ai nấy mặt mày ủ dột, trán nhăn, mày chau. Chị lẩm bẩm: Vợ chồng thằng Hải, vợ chồng con Qúi ở HD mang tiếng giàu có vậy mà vẫn đổ thừa trách nhiệm cho chị. Chúng quá tệ!Phận làm con, dẫu cha mẹ có thế nào cũng phải giữ đạo lý. Ăn  ở với cha mẹ giờ thế nào, sau này con cái sẽ trả đúng như thế.
Cũng bởi thế chồng chị có ý không hài lòng. Anh nói: Vợ chồng mấy đứa em thật tệ, chúng hắt mẹ đi cứ như vứt cái áo, cái tã rách. Mẹ mà còn tiền, chúng chả tranh lấy cái suất nuôi mẹ.
Gọi là căn phòng cho sang thôi, chứ thực ra đó chỉ là cái chái của một gian nhà gần ngã ba, chủ nhà vẫn dùng nó để đựng củi và để cái xe bò. Nay, chị Lệ  thuê lại.
Bà Lợi ngồi buồn thiu, chẳng thiết nhìn đứa con gái đang bận rộn với việc dọn dẹp  phòng, vừa dọn vừa lầu bầu khó chịu. Nói thật! Bà không thích sống nữa. Sống mà con cháu đầy đàn, hiếu thảo với cha mẹ ông bà thì ai chẳng thích sống. Bà chỉ ước ao có thế. Nhưng cái số của bà không được như vậy. Bà vốn có nhà cửa, ruộng vườn thế mà giờ trở thành người vô gia cư. Quạ chết còn quay đầu về núi. Nay bà gần tám mươi tuổi rồi. Thọ lắm rồi! Chết cũng không có gì đáng sợ nữa. Thọ lắm thêm khổ. Đa thọ, đa nhục. Nhân gian nói thế đúng với hoàn cảnh của bà.
Bà Lợi có bốn đứa con. Con trai đầu của bà tên Phương là Luật sư, không may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm. Vợ anh Phương tái giá, tuy vậy thoảng vẫn về thăm bà. Chị Phương vẫn coi mình là dâu con trong nhà, phần tình cảm, phần ý thức được trách nhiệm đối với mẹ; Hơn nữa chị muốn con trai của chị với anh Phương có gốc có  rễ . Hai cô con gái. Đứa đầu tên là Lệ. Đường tình duyên của chị Lệ không được tốt cho lắm. Chồng chị mất sớm. Chị tái hôn với một người đàn ông có hai con. Vợ chồng chị Lệ có với nhau một đứa con trai. Cảnh con anh, con em, con chúng ta nên gia đình không được thuận hòa cho lắm. Chị Lệ có cái miệng dẩu ra như miệng chuột. Khuôn mặt linh lợi giảo hoạt. Chị khéo nói lắm. Đến nỗi bà Lợi tin chị bán cả nhà, vườn, được đôi tỉ đồng đưa cho Lệ. Chị Lệ dung tiền ấy mua được căn nhà mặt phố ở Hà Nội, dùng buôn bán.
Vợ anh Hải nói với mẹ chồng: chị. ấy là con, chúng con cũng là con, có phận có phần. Nay mẹ bán nhà cửa , đưa hết tiền cho anh chị. Anh chị ấy dùng tiền của mẹ mua nhà, mua đất ở Hà Nội, mua cả xe. Như thế liệu có hoàn cảnh không? Mẹ xử thế liệu có phải chăng?
Bà Lợi nói: vợ chồng nó khó khăn. Nó chồng nọ con kia. Của tôi , tôi cho chúng. Hà tất anh chị phải nói. Anh chị có nghèo đâu. Nhà cao, cửa rộng tham lam gì nữa?
 Con gái thứ hai của bà tên Quí sống ở Hải Dương, gia cảnh cũng khấm khá nhờ vào việc bán vé số và buôn bán đồ cũ. Thấy mẹ còn vài chục mét vuông đất, cái quán giá được vài chục  triệu, cũng tìm cách giành phần của mình. Chị Quý nghĩ: chị Lệ có trăm thì mình cũng phải có một. Không lấy cũng dại. Chị Quí nói ngon, nói ngọt: mẹ già rồi!  Bán hàng làm gì? Ngày ba cọc ba đồng. Người ta chịu hết. Buôn bán toàn bằng tiền âm phủ. Mẹ già phải theo con. Mỗi  đứa chúng con mỗi tháng biếu mẹ vài trăm, đón bà lên ở vài tháng để phụng dưỡng. Thế có sướng hơn không! Chị Quí dọa: Mẹ ở nhà một mình, trái nắng trở trời, ốm đau ai biết. Thôi mẹ bán nốt đi. Vậy là không cần mẹ đồng ý, chị Quí gọi người bán ngay chỗ đất còn lại, cầm tiền mang theo.Vợ chồng Hải  chẳng được gì bởi thế trong lòng không phục.
Lúc bán nhà đất, đã có người khuyên bà: bà không nên bán tất cả nhà cửa vườn tược. Phải để cái chỗ mà lui về. Nhưng bà không nghe. Bà Lợi nói: chết hai tay buông xuôi, có mang theo được cái gì đâu. Vợ chồng con Lệ ở ngay cạnh tôi, đau ốm có nó, việc gì cũng đến lượt nó. Con nó khó khăn. Để cái nhà đất ấy mà làm gì. Vả lại vợ chồng con Quí, vợ chồng thằng Hải nhà cao cửa rộng rồi. Tôi không thương con Lệ thì thương ại ? Vậy là bà bán. Bán xong tự dưng mới thấy dại. Bà trắng tay không có chỗ lui về từ đó.
*
Chị em con bà Lợi đã họp bàn về việc nuôi mẹ. Chị Lệ nói: Cậu Phương mất rồi.Giờ mấy chị em mình chỉ có cậu Hải là con trai. Chị em tôi ( ý nói cả cô Quí) phận đàn bà, nữ nhi ngoại tộc, lấy chồng ăn lộc nhà chồng, lo việc nhà chồng. Dâu lo việc nhà chồng. Rể lo việc nhà vợ. Các cụ đã có câu nói đó. Cậu mợ Hải là người có trách nhiệm trông nom bà.
Anh Hải chăm chú nghe chị Lệ nói, trong bụng không phục nghĩ: xui mẹ bán nhà, bán đất, cầm hết tiền, chẳng nói sẻ chia cùng ai. Nay cái miệng cứ xơi xơi rao giảng. Lâu nay mẹ bù chi , bù chít cho con gái. Mình mang tiếng là con trai mà chẳng được hưởng chút gì. Nhớ tới lúc khó khăn, sống trong gian phòng chật hẹp ở ngoại ô  thành phố HD, làm đủ mọi việc từ chữa xe, đóng gạch cay để có thêm thu nhập, lo cho lũ con thơ dại, anh lại thấy tủi thân. Cái khó của anh chị Lệ chắc gì đã hơn những ngày tháng lao đao vất vả kiếm sống ở quê người như mình. Nhưng nói ra cậu Hải ngại mang tiếng là kẻ xấu bụng, tâm địa nhỏ nhen, bất hiếu với cha mẹ. Nhưng mà không thể không ức. Lòng người chứ có phải thánh đâu.
Vợ cậu Hải đốp chát: Này nhé! Xưa nay mẹ thương ai nào? Ai là người được hưởng gia tài vài tỉ đồng của mẹ nào? Mẹ một mực che chắn thu vén cho ai nào? Cả nhà ai cũng biết cả!. Đừng để tôi phải nói . Giờ mẹ già, đau ốm lại định đổ ..vào nhà tôi. Đâu có thế được!
Thật ra bà Lợi muốn ở với vợ chồng anh Hải. Dẫu sao anh Hải vẫn là con trai bà. Bà nghĩ: thôi thì vợ nó đanh đá, đáo để. Nhưng ở với con trai tự do hơn. Con trai chủ động được hoàn cảnh, nói được vợ. Ở với con trai, con dâu khác nào ở nhà mình.
Cô Quí chẳng thích gì chị dâu, cũng chẳng nể chị Lệ người theo cô quá khéo, xảo, ích kỷ và tham lam, nhưng cũng chẳng muốn rước nợ vào thân. Vốn bán nước, bán vé số, giao lưu với đủ hạng  người nên cô có kinh nghiệm. Cô thủng thẳng: chị Hải nói thế là không được nhé. Con dâu mà vô trách nhiệm! Dù mẹ không cho đồng nào, nhưng công sinh, công dưỡng ,,vẫn phải phụng dưỡng mẹ. Xưa nay các cụ về già đều ở với con trai con dâu. Có ai chọn ở với con gái con rể? Còn chị Lệ. Chị hơi quá rồi đấy. Ngày trước mẹ còn nhà còn vườn, nay thì thọt, mai thì thọt để mẹ bán đi rồi cầm lấy tiền. Chị Quí dài giọng châm biếm: Chỉ có mỗi nhà chị là nghèo là khó thôi! Còn chúng tôi…..
Chị em nhà Lệ tranh luận với nhau một lúc rồi quyết định. Mỗi người đón mẹ về trông nom vài tháng. Cứ luân phiên như thế Bắt đầu từ vợ chồng anh Hải.
*
Bà Lợi ở với vợ chồng anh Hải chẳng được bao lâu, nhất mực đòi về quê. Bà Lợi nói: Ở với vợ chồng anh chị tôi cũng muốn, nhưng tôi không quen nếp sống thành phố. Chẳng phải vì tôi hay không mà anh chị cứ cãi nhau luôn. Anh chị mắng các cháu làm tôi khổ lây. Chị ấy trì chiết anh làm tôi đau lòng. Bà định nói tiếp nhưng rồi lại thôi. Trong thâm tâm nghĩ: Nghe vợ chồng chúng tranh luận,  tình cảm của chúng sứt mẻ bà chẳng  vui gì. Thôi thì còn nấu được nồi cơm, nồi cháo. Nhà nước hỗ trợ người cao tuổi mỗi tháng dăm trăm đủ đong mỗi tháng hơn chục cân gạo. Mỗi bữa bà ăn lưng cơm, tí rau cũng chẳng tốn kém gì. Tuổi này rồi, bà nên về quê, mặc cho thân bèo trôi dạt.  Bà nghĩ thế, lòng buồn man mác. Ước mơ của bà tuổi già được sống với con ,với cháu, trong sự trân trọng chăm sóc của con cháu thế là không thành hiện thực.
Anh Hải chau mày, để mẹ về quê thì rảnh, nhưng lo mang tiếng với hàng xóm nên rất đắn đo. Anh Hải nói: Mẹ về quê ở với ai? Làm gì còn nhà cửa nữa mà về?
Bà Lợi:Anh chị cứ để tôi về. Ở quê còn có họ hàng, làng xóm láng giềng. Tôi tá túc ở đâu chẳng được. Vậy là không đợi vợ chồng anh Hải đồng ý, ngay hôm sau bà thu vén quần áo đi xe Buýt về quê.
Nghe tin bà Lợi về quê, chị Lệ lớn tiếng trách mắng cậu mợ Hải: con đâu có con bất hiếu thế. Chúng nó đuổi mẹ về quê. Chị em đã thỏa thuận với nhau  mà nay còn xử sự thế. Trách nào! Từ nay chúng đừng nhìn mặt chị nữa. Chị Lệ về quê đón bà Lợi lên chăm nom. Song chỉ được vài ngày.  Bà Lợi cũng không chịu nổi cảnh vợ chồng nhà Lệ  khấu bó nhau vì mẹ già . Những đứa cháu chẳng yêu thích gì bà ngoại. Cả nhà Lệ, từ sáng đến tối vắng nhà, vợ chồng Lệ đi làm, lũ con đi học. Một mình bà Lợi ở nhà với căn nhà cảm giác thật cô quạnh.
Miệng hơi dẩu ra, giọng dài hơn thường lệ, chị Lệ tâm sự với chị Hòa vốn là hàng xóm:  đúng là người già, lắm bệnh nhiều tật! Không thể chiều được các cụ. Nay mai cho bà về quê. Bà ở một mình tha hồ tự do. Chị Liên nói: cậu không sợ dư luận xã hội chê bai ư?
 Chị Lệ: miệng lưỡi thế gian. Ai cấm được. Tôi chả lo. Đứa nào nói tôi vả cho vỡ mồm. Vậy là chị Lệ về quê ,tìm một gian phòng nhỏ thuê cho bà Lợi. Chị Lệ điện cho các em: bà thích về quê. Tôi  đã tìm thuê cho bà gian phòng. Mai tôi đưa bà về. Tiền thuê nhà mỗi đứa đều phải đóng góp. Nếu không lấy tiền hỗ trợ của nhà nước cho người cao tuổi để trả cũng hòm hòm đủ.
Ngay sáng sau đó, chị Lệ đưa mẹ về quê. Chiếc xe khách cũ, ọp ẹp nảy lên khi qua các đoạn đường đầy ổ gà ổ trâu. Có lúc nó rung lên bần bật. Bà Lợi ngồi người lúc lắc bên này, lúc lắc bên kia. Đôi mắt bà ngắm nghiền vẻ mệt mỏi. Bà nghĩ: Từ nay bà  dứt khoát không theo ở với bất cứ đứa con nào. Bà về quê sống nốt những tháng năm cuối của đời người. Bà nghĩ: một mẹ nuôi được cả đàn con. Nhưng cả đàn con đâu nuôi nổi mẹ. Dân gian có câu đó cấm có sai. Nhìn sang gia cảnh nhà khác, trong hoàn cảnh nghèo khó ,nhưng vẫn tam đại, tứ đại đồng đường. Các cụ vẫn vui vẻ hạnh phúc bên con cháu. Thôi thì bát đũa cũng có khi xô, nhưng sau lúc đó, họ vẫn có cảm giác được trân trọng, chăm sóc của con của cháu. Tuổi già như vậy thật sung sướng biết bao.
Khi đã dọn dẹp xong, chị Lệ đứng ngay ngoài cửa nói chuyện bô bô với mấy người hàng xóm: các cụ tuổi già trở chứng, trở nết. Không thể  chiều được các cụ. Các cụ làm cho con, cho cháu ghét. Có thế các cụ mới đi được.
Từ đó bà Lợi sống một mình trong gian phòng hẹp. Bà bần thần nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp. Tuổi thiếu nữ cô Lợi như một bông hoa khiến nhiều người say đắm. Bà nhớ tới ông Lợi chồng bà vốn là nhân viên của sở lương thực, thực phẩm. Ông ấy đi công tác vài tuần mới về nhà một lần, tặng cho “CHỊ” những  đứa con. Bao năm “chị” Lợi bên gềnh, cuối bãi, nhặt nhạnh từng hạt thóc rơi, từng con ốc đá về nuôi con. Những lúc chúng bị gió, bị máy, lòng mẹ lo cuống lên, cả đêm chong chong vì đàn con thơ.  Dẫu có gian khổ nhưng lúc nào “chị” cũng cảm thấy vui vẻ  khi nhìn thấy lũ con ríu rít. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của đời bà.
Mấy người bạn già trong xóm thi thoảng sang chơi, câu chuyện làng quê cho đỡ buồn. Bà Phán nói: chẳng ai như bà. Có nhà có cửa, có ruộng, có vườn, bán đi tất cả lấy tiền cho các con. Cứ như tôi giữ lấy một ít, giắt lưng, tha hồ mà chi tiêu. Thật đúng là mình làm cho mình khổ.
Bà Lợi chỉ cười, đôi mắt và khuôn mặt đăm chiêu buồn. Bà nói: Mình chết mang theo được  gì đâu. Tất cả  của con của cháu thôi. Giữ làm gì. Chúng nó đang khó.
*
Dịp này bà Lợi trông ốm lắm, đi đâu bước từng bước như lê đi trên con đường làng. Bà ít ra ngoài, thảng lắm mới cất từng bước  tới chợ làng gần đó mua vài thứ lặt vặt. Bà ngồi thu lu trên chiếc phản gỗ, mùa thu hay mùa đông đều khoác trên người chiếc áo khoác nâu, lúc nào cũng cảm thấy lạnh.
Có lúc bà nằm trên chiếc phản gỗ làm bằng gỗ nhãn, co quắp. Mái tóc bạc xõa ra trên gương mặt héo. Khi bóng chiều đổ xuống,  tiếng những con chim kêu thất thanh tìm đàn, bà lụi hụi xúc lưng cơm nguội, uể oải nhai nuốt từng miếng một cách khó nhọc, rồi đăm chiêu nhìn ngọn đèn mờ, đếm từng canh gà, mong đêm chóng qua.

                                                                                    Hưng Yên tháng 12 năm 2014

GIẤC MƠ VÀNG



Bằng giọng nhỏ như bị hụt hơi, bà Tần lo lắng nói với chồng: nghe kể công ty phương đông của vợ chồng Lệ lâm vào nợ nần không trả nổi.
Ông Tần chột dạ nhưng vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh nói: bà cứ hay nghe thiên hạ đồn đoán! Làm gì có chuyện đó cơ chứ! Công ty của vợ chồng Lệ có vốn tới hàng trăm tỷ đồng, làm ăn ra trò đấy. Sản xuất Công nghiệp càng phát triển thì ngành vận tải của cháu càng phát đạt. Bà sợ gì chứ!
Bà Tần: mọi người nói, riêng ở quê, vợ chồng Lệ vay của họ hàng thân hữu tới vài chục tỷ đồng. Có người ra tận công ty đòi lại không được.
Ông Tần: cái đó tôi biết. Nhà ông Thịnh nghèo rớt mồng tơi, tài sản gia đình nhìn loáng một cái đã hết, chẳng có cái gì đáng giá, vậy mà cũng gom đâu được hơn hai tỷ đồng cho vợ chồng Lệ vay. Kể cũng liều lĩnh! Mình với nó còn có tình cảm họ mạc, ai nỡ lòng nào. Chẳng có ai lừa nổi  tôi đâu! Giả sử  có thế chăng nữa khối thằng chết trước mình. Bà yên tâm! .

Sáng nay, ông Tần mặc cái quần sooc bằng vải ka ki màu ghi nhàu bẩn, áo phông màu xanh, ngồi chồm hổm trên chiếc ghế sa lông bằng gỗ gụ kiểu Minh. Trời vẫn còn se lạnh nhưng ông quen với lối ăn mặc này. Cạnh ghế ông ngồi là cái thùng tôn đã hoen ghỉ dùng để đựng điếu cày và đổ bã thuốc. Ông vê mồi thuốc lào đặt vào lõ điếu rồi châm lửa rít một hơi dài. Tiếng kêu loc…ọc…lọc..cọc của chiếc điếu cày làm ông thêm khoan khoái. Ông thổi bã thuốc, đặt điếu vào thùng, cảm giác lâng lâng lan tỏa trong người. Bên ngoài, vợ ông “Bà Tần”  mặc cái áo khoác bằng vải nilon mỏng màu xanh, quần âu màu đen lấm đầy bụi. Tuổi tứ tuần, nên cơ thể bà đã bắt đầu phát phì,  mông như hai cái thúng cái, khuôn mặt, hai má chảy xệ vì béo, một vài sợi tóc xoăn lõa xóa trên trán bết mồ hôi. Bà Tần đang xăng xái với việc lấy hàng và đếm tiền. Khách hàng vây quanh gian hàng của bà, người mua thịt, người mua rau, người mua chai mắm…Vốn  quen công việc nên bà Tần cắt từng miếng thịt chính xác đến từng hoa theo yêu cầu của khách mua.
Sau chén trà đậm đặc, ông Tần kể với tôi bằng giọng trầm, kiêu ngạo: Từ ngày tôi mua được miếng đất ở ngã ba nằm giữa khu chợ làng, công việc kinh doanh rất phát đạt. Vả lại làm gì, tôi đều đi trước thời đại. Đúng là thiên thời địa lợi ông ạ! Đêm qua,  tôi nằm mơ  bắt được rất nhiều vàng.
 Nghe ông Tần nói, tôi lặng yên theo đuổi những suy nghĩ riêng tư, chẳng tiện nói ra. Xưa nay các cụ nói: “giàu thì phải đổ bớt đi, nghèo phải sống cho sang. Trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi.” Triết lý ấy  giúp con người cư xử có văn hóa  phù hợp với hoàn cảnh, được thời mà không kiêu căng, có của mà không tự phụ, hơn nữa còn biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Ông  Tần kể tiếp: Mới đây tôi mở thêm dịch vụ cầm đồ, giao cho thằng Ninh quản lý. Công việc này lợi nhuận cao lắm. Người ta đến gửi đồ, mình định giá bằng non nửa giá trị mua bán của nó trên thị trường, đúng hẹn có tiền mang trả thì lấy đồ về, chỉ phải trả lãi, nếu không coi như bán hàng với giá rẻ. Hàng được bán qua tay người khác. Khối người làm chuyện này, nhưng ở đây, tôi là người đi tiên phong đấy. Vui chuyện Ông Tần kể tiếp: bà nhà tôi chẳng biết học ở đâu cho vay tiền với lãi suất 10/% ngày. Một trăm ngàn cho người ta vay, cuối ngày thu được một trăm mười ngàn. Ông tính buôn bán nào lời lãi được như thế. Chỉ vài năm thôi, tôi đã xây được căn nhà tầng giữa làng, giữa chợ có giá trị hàng tỉ đồng.
Tôi bất giác nhớ lại, thời cách đây chỉ chục năm thôi, khi mà với mọi người việc uống bia vẫn là điều mơ tưởng, trong lúc cao hứng và tự mãn, đứng giữa nga ba làng ông Tần cầm chai bia , ngửa cổ tu hơi dài vẻ đắc ý. Mọi người nói thầm với nhau: khiếp. làm gì mà tự phụ thế, chẳng nghĩ đến lúc có thể gặp khó khăn.
Nghĩ vậy song tôi vẫn gật gù nói: bác giảo hoạt thật đấy, xoay sở đủ kiểu.
Ông Tần chẳng tự ái với câu nói của tôi, trái lại tỏ vẻ tự hào, nói: khối người muốn làm nhưng có thực hiện nổi đâu. Buôn bán làm ăn mà không rắn mặt đừng có mà mơ.…..

Đúng thế ! Tôi đồng tình. Có phải ai cũng làm được những việc đó đâu. Cứ như tôi cả nể, người ta có vay mượn cũng chẳng dám đòi thì làm sao nổi. Có những công việc cần phải rắn mặt, phải thật anh chị mới dám làm. Nói đến đó tôi bỗng nhớ có lần gặp thằng Ninh và  thằng Chiến con ông Tần đầu trọc lốc, khuôn mặt đỏ ửng đầy sát khí đứng trước cổng nhà các con nợ, huơ con dao dài loang loáng, quát nạt đòi tiền.
Có lần chỗ hàng xóm láng giềng tôi phải nhắc: này ông Tần! Phải nhắc nhở các cháu. Làm gì cũng một vừa hai phải thôi. Sông có khúc, người có lúc, cạn tàu ráo máng quá không ngại à!
Ông Tần: Ông chỉ hay văn vở thôi! Làm ăn như tôi mà không quyết liệt, người khác thắt cổ mình ngay. Tôi nói:  Làm ăn mà không giữ chữ tín thì chỉ là làm ăn kiểu chộp giật, sớm muộn cũng đóng cửa tiệm. Ông Tần bực nói: ông đừng có dạy khôn tôi. Nói chuyện với ông tức anh ách. Chẳng có ai buôn bán không gian lận mà giàu đượccả!
Không lâu sau đó, dọc con đường liên xã, cửa hàng cửa hiệu đua nhau mọc lên, cùng kinh doanh một mặt hàng. Cờ bạc đãi tay mới, khách hàng cứ đi qua cửa hàng của ông Tần đến mua hàng ở nhà khác. Bà Tần ngồi trông hàng, mặt dài thượt, lòng bộn lên nỗi ghen tức. Lắm lúc bà mượn con chó, con gà  chửi đổng cả khách hàng lẫn chủ hàng bên cạnh.
Ông Tần tâm sự với tôi: Đấy! Ông xem mỗi ngày làm ăn một khó khăn hơn. Trước đây một người bán trăm ngàn người mua, nay chục bước chân đã có dăm quán bán thịt, bán tạp phẩm. Đúng là thời buổi người khôn của khó. Trước đây, mỗi ngày mổ hai con lợn, bán hết veo, trâu toi, bò ngã mổ ra cũng bán được với giá cao như thịt gia súc thường. Nay, hàng hóa ế ẩm quá, nghĩ nát óc chưa tìm ra được việc gì mới để kiếm tiền.
Nghe đồn đoán mãi về công ty Phương Đông sinh lo lắng, sáng nay, ông Tần đáp chuyến xe sớm ra Hải Phòng. Lòng bộn bề những âu lo,  ông Tần gặp giám đốc Minh trong gian phòng hẹp. Giám đốc Minh ngồi chăm chú trước máy tính, thấy ông Tần vào liền đứng dậy niềm nở chào, mời ngồi, rót nước mời: Giám đốc Minh nói: chú vất vả quá, ra tận đây thăm chúng cháu.
Ông Tần nói ngay: chú ra đây thăm các cháu vả lại cũng có việc. Việc gì ạ? Giám đốc Minh hỏi.
Ông Tần: chú muốn lấy lại số tiền và vàng đã cho các cháu vay năm ngoái.
Giám đốc Minh ngạc nhiên: Tiền vàng nào ạ? Công ty nào có vay tiền của chú thím?
Ông Tần ngạc nhiên nói: sao cháu có thể nói như thế. Ba mặt một lời. Chú thím đã đưa cho Lệ  cả thảy mấy tỉ đồng và mấy chục cây vàng…..
Giám đốc Minh vẫn thản nhiên: Chú ơi! Thực tình cháu đâu biết khoản vay đó. Sao Lệ không nói gì với cháu?
Ông Tần sững người vì lo lắng nói: Lệ bảo tôi hùn vốn vào công ty mà.
Giám đốc Minh cũng tỏ vẻ ngạc nhiên không kém, cúi người lục lọi trong đám hồ sơ rồi nói: cháu chưa từng biết chú góp cổ phần vào công ty. Không có giấy tờ nào xác nhận chú thím có cổ phần trong công ty. Ông Tần bủn rủn nhìn giám đốc Minh, khuôn mặt thất sắc xây sẩm. Khi nhìn ra bên ngoài thấy khoảng chục người nữa ý chừng cũng trong hoàn cảnh như ông, chợt hiểu ra, ông toát mồ hôi, người bủn rủn.
Giám đốc Minh nói: chú ạ! Luật đời vay thì có trả, chứ không thể bịa chuyện vu khống tống tiền được. Hiện giờ Lệ ở đâu cháu không hay. Cháu và Lệ sắp ra tòa ly hôn đến nơi rồi.
Ngồi trên chuyến xe chiều về quê, ruột gan ông Tần  như nẫu ra vì nỗi lo lắng đến khôn cùng. Ông nhớ lại hôm ấy vào xế trưa. Sau những đợt rét yếu ớt cuối xuân, trời bắt đầu hửng nắng, ấm dần lên. Chiếc xe Vios 4 chỗ màu đen cáu cạnh đỗ ngay trước cửa nhà. Bước xuống xe là một phụ nữ chừng 36/ 37 tuổi, mặc chiếc váy màu đen ngắn tới đầu gối, chân đi tất đen, giày đen, áo khoác màu đen bó khít tấm lưng thon thả, khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng, tóc cắt ngắn ốp phồng hai bên thái dương. Đôi mắt và vẻ mặt người đàn bà toát lên vẻ lanh lợi giảo hoạt. Theo sau là người đàn ông trạc tứ tuần, bận quần ka ki màu sữa, khoác chiếc áo Bludong màu vàng, tóc cắt cua, bận giày thể thao màu trắng. Mọi người trong chợ ngừng việc mua bán, mặc cả, nhìn như hút theo chiếc xe và hai người khách lạ.
Ông Tần dụi mắt, dường như không tin vào thị lực của mình, rồi định thần: đúng là Lệ rồi. Sao con bé lại đến thăm nhà mình. Ông Tần vội chạy ra đón khách.
Lệ nói: chú còn nhớ cháu không nào?
Ông Tần: nhớ chứ! Cháu là Lệ.
Đúng vậy! Chú vẫn còn nhớ cháu. Thưa chú đây là chồng cháu. Anh tên Minh- Lệ giới thiệu.
Ông Tần đon đả: thôi các cháu vào nhà đi! Vào nhà đi! Ông lớn tiếng gọi vợ: Bà nó đâu, pha tôi ấm chè. Quay sang cháu rể ông nói: thế nào, uống với tôi cốc bia nhé. Không chờ Minh trả lời ông gọi vợ: bà mang cho tôi thùng bia. Bia Hà Nội loại chai nhỏ ấy. Chẳng mấy khi gặp nhau, chú cháu tôi uống vài vại bia.
Bà Tần dường như không mấy hài lòng, bụng nghĩ: cái nhà ông này buồn cười, cứ rộn lên như  bắt được vàng. Cháu mới chắt, họ hàng bắn đại bác không tới, cả đời nó chẳng biết mình là ai thế mà cứ cuống cà kê lên. Lại đem bia ra đãi nữa chứ. Mất toi vài chai bia của mình. Nghĩ vậy nhưng bà Tần vẫn nén lòng cố tươi cười khi pha ấm trà và không quên đem thùng bia Hà Nội vào để bên chiếc ghế nơi ông Tần ngồi. Trò chuyện một lúc, Minh ra ngoài cùng với lái xe đem vào hai thùng bia Heineken và hộp sâm. Lệ nói giọng vui vẻ: chẳng mấy khi chúng cháu về thăm quê, chúng cháu biếu chú thím món quà mọn.
Ông Tần: đến thăm là được rồi, lại còn quà cáp làm gì!
Bà Tần nói: khổ quá! Cứ vẽ chuyện. Chú thím không dám nhận đâu! – Bà nói đồng thời nhìn hộp sâm cao ly trên bàn, thùng bia ngoại đắt tiền, thầm nghĩ: đúng là“ phú quí sinh lễ nghĩa”. Chắc là họ giàu có lắm. Sự đời đầy bát mới dát xuống mâm. Có hàng tỉ đồng, mới có thể bỏ ra một ngàn không thấy tiếc.
Lệ khẩn khoản: chú  thím đừng ngại, có gì đâu, món quà mọn ấy mà!
 Khi chiếc xe của vợ chồng Lệ chạy khuất về phía làng trên, ông Tần dường như vẫn còn xúc động, băn khoăn nói với bà Tần: có khách đến nhà mà bà cứ mặt nặng, mày nhẹ. Đấy bà xem! Người ta biếu mình quà giá vài triệu có tính toán gì đâu. Bà lúc nào cũng sợ thiệt, suốt ngày ru rú ở xó nhà, tính toán vụn vặt tủn mủn, cũng chỉ đến vặt mũi bỏ miệng thôi.
Bà Tần cảm thấy tự ái, vừa ngượng nói: thì tôi vẫn vui vẻ đấy chứ. Ông chỉ được cái hay xét nét. Lúc nào cũng vậy, cứ mở miệng ra là chê bai vợ con. Ông thử nghĩ nếu không có tôi chi chút cất giữ cho ông thì liệu còn có cái gì ở nhà này. Ông cũng tệ lắm, chỉ được cái hào phóng ở đâu chứ đối với vợ con thì đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành.
Ông Tần bực mình: đấy! Mới nói vậy đã to tiếng, ăn miếng trả miếng. Mụ này cứ bảo sao?
Mấy tuần sau Lệ lại về quê trên chiếc xe mới cáu cạnh, lần này là một chiếc xe khác màu sữa. Ông bà Tần niềm nở  đón cháu. Lần này Lệ biếu ông Tần bộ comple, bà Tần được cái áo khoác màu đen và một chiếc khăn len. Lệ nói: cháu biết chú thím là người mộc mạc, chẳng ưa diện, nhưng nghĩ cũng có lúc chú thím  phải ăn mặc cho thật chỉnh tề nên biếu chú  thím mấy bộ đồ này.
Ông Tần nói: chú suốt ngày công việc cần chi mặc comple. Cháu thật là! Ông nói vậy nhưng đôi mắt nhìn mãi vào bộ comple mới để trong chiếc túi nilon. Lệ nói: chú thím cứ nhận lấy, có đáng là bao đâu, rồi tiếp lời: lần này chồng cháu không về cùng. Công ty cháu nhiều việc quá, chẳng có thời gian để mà thở nữa. Anh nhà cháu phải ở nhà thu xếp công việc.
Ông Tần buông lời khen: Các cháu còn trẻ mà đã có công ty. Giỏi thật đấy!
Lệ cười lấy làm đắc ý song vẫn tỏ ra khiếm tốn nói: Chú cứ khen chúng cháu. Giỏi gì đâu! Khổ lắm chú ạ! Ngày đêm phải lo toan công việc.!
 Ông Tần nói: thì chú thím cũng thế, tất bật mới có đồng tiền.
Lệ nói: lần này về quê thăm chú thím, cháu muốn thưa chuyên với chú thím.
 Ông Tần vui vẻ: có chuyện gì?
Lệ nói: Chú thím biết vợ chồng chúng cháu có doanh nghiệp. Chồng cháu là giám đốc, cháu là phó giám đốc.
Ông Tần: ừ chú có nghe nói. Lệ nói tiếp: chúng cháu có hơn chục đầu xe vận tải và chở khách du lịch. Bà Tần xen vào: thế cơ à!  Ông Tần nhìn vợ cau mày vẻ khó chịu.
Lệ nói: công việc làm ăn của chúng cháu cần được mở rộng. Cháu tính mua mấy đầu xe nữa. Nếu có vốn, cháu sẽ đầu tư vào bất động sản.
Bà Tần: sao cháu không vay vốn ngân hàng?  Ông Tần lừ mắt nói: bà lại phải dạy khôn cho cháu. Quanh năm suốt tháng quẩn quanh với mẹt hàng lại cứ cầm đèn chạy trước ôtô.
 Bà Tần mặt đỏ bừng ngượng nghịu nghĩ: cái lão này chẳng còn biết tế  nhị là gì.
Lệ nói: cháu cũng đã vay vốn ngân hàng, lãi suất cao. Hàng tháng công ty trả đến trăm triệu tiền lãi.
Bà Tần tròn mắt ngạc nhiên ngẫm nghĩ: doanh nghiệp vừa phải trả lãi ngân hàng, trả lương công nhân vậy mà làm ăn vẫn phát đạt. Thật chẳng bù cho vợ chồng bà cóp nhặt từng xu, từng hào.
Lệ nói: chú thím có tiền đầu tư vào công ty cháu, hoặc cho cháu vay với lãi suất trả trước  là 30/% năm thì tốt quá. Cháu nghĩ rồi, đằng nào cũng phải vay và trả lãi, chi bằng trả lãi cho người nhà vẫn hơn.
Ông Tần nhẩm tính: lãi suất ba mươi phần trăm năm trả trước, quá hấp dẫn. Nếu bỏ ra một tỉ đồng, một năm có ba trăm triệu. Trời ơi! Làm gì để được ngần ấy tiền? Thật chỉ có trong mơ!
Bà Tần cũng nhẩm tính nhanh chóng, sửng sốt nghĩ: nếu vậy cần gì phải lo lắng làm ăn cho mệt. Thật đúng là trời mang của đến nhà!
Hôm đó vợ chồng ông Tần mang toàn bộ mấy chục cây vàng tích lũy được trong vài chục năm trời và hơn tỉ đồng tiền mặt nữa đưa cho cháu Lệ . Đúng như lời nói Lệ đưa lại cho vợ chồng ông Tần chừng ba trăm triệu gọi là tạm ứng trước tiền lãi của năm.
Ông Tần nói:  công ty cần vốn. Cháu cứ cầm lấy lo việc làm ăn cho tốt. Chỗ chú cháu lọt sàng xuống nia sợ gì.
Khi Lệ ra về, bà Tần băn khoăn nói: sao ông lại có thể đưa hết vốn liếng cho cháu nó vay thế. Ngộ nhỡ….?
Ông Tần nhìn vợ mỉm cười nói: bà sợ à? Nó là con là cháu mà không tin còn tin ai? Sao cháu có thể lừa gạt chú thím được chứ? Có chí làm quan, có gan làm giàu. Kinh doanh là phải mạo hiểm.
Bà Tần: Tôi vẫn băn khoăn lắm! Sao lại có thể vay, trả lãi với lãi suất cao như thế? Điều này không bất thường ư?
Ông Tần: Bà chỉ được cái đa nghi Tào Tháo. Đằng nào nó chả phải đi vay. Cháu Lệ nói vay của người trong gia đình vẫn hơn.
Bà Tần: tôi vẫn lo lắng lắm.
*

Ngồi trong xe về nhà, ông Tần bải hoải như không còn sức sống. Khuôn mặt ông, đôi mắt ông lộ rõ vẻ buồn rầu và lo lắng. Ông nghĩ:  Chẳng lẽ Lệ lại lừa ông.?.làm gì có chuyện như thế? Chú cháu tay đứt ruột xót. Chẳng lẽ lại cạn  tàu ráo máng đến thế. Chuyện này ông không thể tin.!Có thể còn  điều gì uẩn khúc mà ông chưa biết chăng? Con người phải có chút lương tâm chứ. Nghĩ vậy nhưng lòng ông không bớt lo lắng bồn chồn, chỉ muốn hiểu cho rõ ngọn ngành sự việc.  
Phước bất trùng lai họa vô đơn chí, đang lo lắng vì chuyện tiền nong, về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi thì bà Tần  với khuôn mặt rầu rĩ vồ lấy ông nói:  Ông ơi ! Thằng Ninh ôm đề, không có khả năng trả, nợ người tới dăm trăm triệu. Ông Tần như bị bồi thêm một cú đòn trời giáng vào mặt, tối mắt, tối mũi.
Bà Tần tiếp: Nghe phong thanh nói nhà mình vỡ nợ, sáng nay có mấy người đến đòi tiền. Tôi bảo làm gì có chuyện đó, phải khéo nói họ mới về.
Mấy ngày sau, gặp tôi Ông Tần nói giọng nhỏ và buồn: thằng lớn ôm đề nay có cơ ra đê ở. Vợ chồng không còn đồng nào, phải trốn về quê. Bọn chủ về tận đây siết nợ. Thật đau quá ông ạ! Con với cái, thế có giết cha, giết mẹ không chứ!
Tôi nói: thằng cả nhà ông mà phải chịu lép ư?
 Ông Tần hậm hực nói: ngu! Cả lũ ngu! Con dại, cái mang. Chỉ khổ mình! Thà chẳng con cái cho rảnh nợ. Thật đúng vợ là tội con là nợ.
Tôi nói: Ông bực lên nói vậy thôi. Khối người mong có con mà chẳng được, nay ông có vài thằng chống gậy sướng quá còn gì.
Ông Tần: con phải ra con. Đằng nay hai thằng nhà tôi ép nó học, theo đuổi chữ nghĩa chẳng được. Học đến lớp 6 mà chẳng đọc thông viết thạo, suốt ngày lêu lổng, mải chơi điện tử, cá độ . Ông bảo thế sao học được? Ở nhà kiếm tiền nuôi thân cũng chẳng xong. Chúng làm tôi lo lắng. Lấy gì trả nợ cho nó bây giờ. Lại nói đến thằng thứ hai nhà ông Tần bỏ học đi làm ăn ở nam, mới đây đưa người yêu về đòi cưới. Con bé người còm nhom bụng mang dạ chửa trông thật xứng đôi vừa lứa với thằng chồng vừa ngắn vừa béo.
Độ tháng sau, có tin Lệ về nhà, và công ty của vợ chồng Lệ vẫn tiếp tục hoạt động, vợ chồng ông Tần lóe lên tia hy vọng mới. Ông Tần nói với vợ: Tuy họ xa nhưng một giọt máu đào hơn ao nước lã. Con bé hà cớ gì lại lừa chú thím. Bộ nó không muốn về làng sao?
Bà Tần nói: tôi cũng chỉ mong có thế, lường gạt ai chứ không thể gạt người trong dòng tộc, còn phải để lối quay đầu về nữa chứ.
Hôm sau ông Tần lại đáp chuyến ô tô sớm ra Hải Phòng. Quả thật sau vài tháng vắng nhà, giờ đây Lệ đã có mặt ở công ty. Tiếp chú Tần trong gian phòng hẹp. Thừa biết mục đích của chuyến thăm này nhưng Lệ vẫn nói: Chú ra đây có việc gì ạ? Cử chỉ của Lệ làm ông Tần bực mình nghĩ: hành vi của nó với ông lúc này khác hẳn với những lần về quê thăm ông, không có cái vẻ thân mật khiêm tốn và lễ độ, thay vào đó là gương mặt lạnh tàn nhẫn, cặp mắt sắc lạnh và tinh quái.
Lệ nói: chúng cháu làm ăn bây giờ rất khó khăn. Kinh tế đang giảm phát, một số công ty phải đóng cửa, bởi vậy số đơn hàng vận chuyển kém hẳn, lại thêm bao chuyện phiền toái nữa do phải quan hệ với ông nọ bà kia, nên có gì chú nói ngay. Cháu còn nhiều việc phải giải quyết.
Nhìn khuôn mặt trơ lì của đứa cháu gái, ông Tần nghĩ: thì ra nó đóng kịch với ông, lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong người, ông  muốn chứi, mắng té tát vào cái mặt thất đức kia,  tát cho nó vài cái, song vẫn đành nén lại.
Lệ nói: công việc của chúng cháu luôn phải giữ chữ tín đối với khách hàng. Làm ăn mà không giữ chữ tín sao lâu dài được. Một số người nhân công ty gặp khó khăn, dậu đổ bìm leo dở trò vu khống đến kiếm tiền của công ty. Thế có bậy không! Vay mượn hàng tỷ đồng  mà không có giấy tờ gì. Chú bảo thời buổi này ai có thể dễ dãi như thế. Vợ chồng cháu cãi nhau, ly dị nhau cũng vì chuyện đó. Cũng may anh nhà cháu hiểu người, hiểu việc, nếu không các cháu ông chia lìa mỗi người một phương rồi. Những khoản công ty vay, những khoản do cổ đông  đóng góp nếu muốn họ có thể lấy xe bù lại. Công ty còn nhiều xe không sử dụng mà - Lệ nói rồi chỉ cho ông Tần xem những chiếc xe cũ nát nằm ở một góc bãi. Đấy! Ra kia mà lấy xe trừ nợ! Mỗi con xe giá trị 3 tỉ đồng đấy- Lệ nói.
Ông Tần nhìn những chiếc xe cũ nát chờ chở đi làm sắt vụn,  cổ họng nghẹn đắng. Ông hiểu giờ đây chỉ mong vào chút lương tâm còn sót lại trong lòng nó. Nhưng một chút gọi là lương tâm trong nó cũng không có nốt. Trong tay ông không có một bằng chứng nào về các khoản ông đã cho Lệ vay. Giờ đây ông chỉ có thể tự trách mình: trời ơi! Lăn lộn trên thương trường vài chục năm, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, biết đủ mọi mánh khóe làm ăn, ai cũng phải kiềng nể vậy mà trong phút chốc  ông đã trở lên khánh kiệt, bực nỗi không chia sẻ được với ai, không kêu được với ai. Cú lừa thật ngoạn mục! Ông tự trách mình đã quá tham. Chính lòng tham đã làm ông mù quáng, khiến ông mắc bẫy một cách giản đơn.
 Những ngày sau đó, vợ chồng ông Tần đóng cửa hàng chẳng thiết đến buôn bán. Miên man suy nghĩ cách lấy được tiền về. Bà tần nói: hay là đi báo công an, kiện Lệ ra tòa.
Ông Tần: tôi nghĩ cả rồi. Trong tay mình không có chứng cứ nào. Chỗ người nhà tin tưởng đưa cho cháu vay thế thôi. Ai hay nó như thế.  Bà Tần ngồi lì ở  góc giường, ruột tiếc và xót như có ai chà muối. Ông Tần người rũ ra như tàu chuối héo, thoảng lại làm điếu thuốc lào. Mấy đứa con ông trai gái, dâu rể khuôn mặt ủ rũ buồn bã. Chúng nhìn cha mẹ vừa giận, vừa tỏ ý trách móc.
Có lúc vào buổi tối, ông Tần lên tầng trên, đứng ở ban công chìm đắm trong nỗi thất vọng và đau xót đến cùng cực. Bầu trời đêm tối thẫm mông lung thưa thớt sao, gió thổi nhẹ làm ông cảm thấy se lạnh. Bao năm lăn lộn toan tính, mưu mẹo để làm giàu, tiền của như nước chảy vào nhà, ông đã đắc ý,  kiêu căng trước bao người, vậy mà thoắt một cái đã trắng tay. Cuộc đời như một giấc chiêm bao vậy. Ông nhìn xuống  mặt đất rùng mình nghĩ: chỉ chút liều lĩnh là ông được giải thoát. Nhưng liệu có giải thoát được thật không? Ông sực ngộ ra một điều: Luật đời khắc nghiệt lắm,  gieo gió gặt bão. Vay phải trả. Đời cha không trả hêt, đời con trả. Không trả bằng cách này thì bằng cách khác sòng phẳng. Ông đã làm bao người lâm vào cảnh nợ nần. Họ cũng như ông mong phút chốc có được món tiền lãi lớn, giàu lên nhanh chóng, thay đổi cuộc đời lam lũ, đi vay tiền đưa ông cho vay lại với lãi suất cao. Ông chết đi ư, món nợ ấy ai trả. Ông hiểu lòng mình tiếc xót bao nhiêu thì người khác cũng vậy. Ông nghĩ thế rồi cắn chặt môi. Trên khóe mắt ông những giọt lệ của lương tri bỗng chốc rớm ra lăn dài trên gò má, chảy xuống mặn mòi trên môi.
 Không lâu sau đó, ông Tần bán nhà, dùng số tiền đó để trang trải hết nợ nần, còn lại chút ít ông bà Tần mua căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ.  Ông bà Tần đóng một tủ hàng, gầm có lắp bánh xe rất thuận tiện cho việc di chuyển, không chỉ bán hàng tạp hóa ở chợ, còn đi đến từng ngõ xóm mang hàng hóa đến phục vụ cho từng gia đình, với những lời chào và giới thiệu  vồn vã và lương thiện. Mọi người giờ đây hay chọn hàng của ông vì nó đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, rõ xuất xứ. Họ nói: vợ chồng ông ấy vậy mà giữ chữ tín, biết thương người.
Gặp tôi ông Tần nói: gần nửa đời người giờ tôi mới hiểu niềm vui trong sự thanh thản. Mất của thật đấy nhưng vẫn còn có sự an ủi. Mấy đứa con tôi nhờ cú sốc ấy mà như sực tỉnh, thôi không đánh bạc. Chúng như những con người khác vậy, thằng lớn học được cái nghề sửa chữa điện thoại di động, thằng thứ hai đi làm cho một gara ô tô, chúng chịu khó, chịu khổ và tằn tiện. Tôi bảo các cháu: các con nhớ là phải làm ăn lương thiện, giữ chữ tín trong kinh doanh, chịu khó mà học hỏi. Làm ăn mà thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết thì chỉ có chết.
Tôi cười vui nói với ông Tần:  ông mất của nhưng được người nhé. Giàu chưa chắc đã sung sướng. Niềm vui của con người ở chỗ biết thế nào là đúng và đủ. Ông Tần cũng mỉm cười nói: Ông chỉ được cái hay xa xôi.

                                                                                                Hưng yên tháng 2 năm 2013


                                                                                                            Hồ Ngọc Vinh      

CẢM KHÁI NGÀY MƯA

.

Mưa cứ rơi dầm dề
Để lòng anh tê tái .
Kỷ niệm xưa xa ngái
Giờ trôi về nơi đâu?

Mưa rơi,  rơi trên mái.
Điểm thời gian lạnh lùng.
Một mình trong cõi vắng
Nỗi cô đơn không cùng.

Tán vừa mới lên xanh
Đầu đã vương tóc bạc.
Niềm vui chưa kịp lắng
Đã dâng tràn nỗi đau.
Đời người là bể dâu
Để về nơi đất phật.

Ai cười , rồi ai khóc?
Ai thương ai, nhớ ai?
Bể trần gian lầm lạc
Ai người nhói thương đau?

Đâu tình đầu xưa cũ
Những ngày thơ dại khờ;
Đêm hè trời nóng nực,
Ta nằm dài đếm sao.
 Những ước mơ tuổi xanh
Thoắt trôi về quá khứ.

Tình đời như bão táp
Tất cả hóa hoang vu.
Đời như người lữ thứ
Yêu nên lòng quặn đau.


                   Hưng Yên năm 2015