NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI
Truyện ngắn của Hồ Ngọc
Vinh
Bà Lợi mái tóc bạc trắng, khuôn mặt dăn deo, hai má hóp gày
guộc. Gương mặt bà lộ vẻ buồn bã thiểu não. Đôi mắt bà dường như không còn tinh
lực nữa, cụp xuống như mắt chó ốm. Bà mặc chiếc áo béo màu nâu đã cũ, mép vải sờn rách, cái quần láng đen, mặt vải xù lông sần
bợt. Bà ngồi trên chiếc phản gỗ, nhỏ thó xiêu xọ như không còn sức sống. Khi niềm
vui sống đã mất, bà như chiếc đĩa dầu đã gần cạn.
Chị Lệ con gái cả của bà lúi húi dọn gian phòng. Chị cầm cái chổi
chít, quét đi, quét lại lớp bụi trên tường, dưới nền nhà. Khuôn mặt chị lộ vẻ
khó chịu. Chị làu bàu: Rác đâu mà nhiều thế! Bụi đâu mà khiếp thế! Thi thoảng
chị ngoái nhìn người mà chị gọi là mẹ, cảm xúc lẫn lộn. Xen với nỗi thương xót
thi thoảng là sự bực dọc. Mấy tháng nay rồi bà ở với gia đình chị. Vợ chồng anh
chị từ đó cãi nhau luôn. Nhà chẳng mấy
khi có được sự vui vẻ. Ai nấy mặt mày ủ dột, trán nhăn, mày chau. Chị lẩm bẩm: Vợ
chồng thằng Hải, vợ chồng con Qúi ở HD mang tiếng giàu có vậy mà vẫn đổ thừa
trách nhiệm cho chị. Chúng quá tệ!Phận làm con, dẫu cha mẹ có thế nào cũng phải
giữ đạo lý. Ăn ở với cha mẹ giờ thế nào,
sau này con cái sẽ trả đúng như thế.
Cũng bởi thế chồng chị có ý không hài lòng. Anh nói: Vợ chồng
mấy đứa em thật tệ, chúng hắt mẹ đi cứ như vứt cái áo, cái tã rách. Mẹ mà còn
tiền, chúng chả tranh lấy cái suất nuôi mẹ.
Gọi là căn phòng cho sang thôi, chứ thực ra đó chỉ là cái
chái của một gian nhà gần ngã ba, chủ nhà vẫn dùng nó để đựng củi và để cái xe
bò. Nay, chị Lệ thuê lại.
Bà Lợi ngồi buồn thiu, chẳng thiết nhìn đứa con gái đang bận
rộn với việc dọn dẹp phòng, vừa dọn vừa
lầu bầu khó chịu. Nói thật! Bà không thích sống nữa. Sống mà con cháu đầy đàn,
hiếu thảo với cha mẹ ông bà thì ai chẳng thích sống. Bà chỉ ước ao có thế. Nhưng
cái số của bà không được như vậy. Bà vốn có nhà cửa, ruộng vườn thế mà giờ trở
thành người vô gia cư. Quạ chết còn quay đầu về núi. Nay bà gần tám mươi tuổi rồi.
Thọ lắm rồi! Chết cũng không có gì đáng sợ nữa. Thọ lắm thêm khổ. Đa thọ, đa nhục.
Nhân gian nói thế đúng với hoàn cảnh của bà.
Bà Lợi có bốn đứa con. Con trai đầu của bà tên Phương là Luật
sư, không may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm. Vợ anh Phương tái giá, tuy vậy thoảng
vẫn về thăm bà. Chị Phương vẫn coi mình là dâu con trong nhà, phần tình cảm, phần
ý thức được trách nhiệm đối với mẹ; Hơn nữa chị muốn con trai của chị với anh
Phương có gốc có rễ . Hai cô con gái. Đứa
đầu tên là Lệ. Đường tình duyên của chị Lệ không được tốt cho lắm. Chồng chị mất
sớm. Chị tái hôn với một người đàn ông có hai con. Vợ chồng chị Lệ có với nhau
một đứa con trai. Cảnh con anh, con em, con chúng ta nên gia đình không được
thuận hòa cho lắm. Chị Lệ có cái miệng dẩu ra như miệng chuột. Khuôn mặt linh lợi
giảo hoạt. Chị khéo nói lắm. Đến nỗi bà Lợi tin chị bán cả nhà, vườn, được đôi
tỉ đồng đưa cho Lệ. Chị Lệ dung tiền ấy mua được căn nhà mặt phố ở Hà Nội, dùng
buôn bán.
Vợ anh Hải nói với mẹ chồng: chị. ấy là con, chúng con cũng
là con, có phận có phần. Nay mẹ bán nhà cửa , đưa hết tiền cho anh chị. Anh chị
ấy dùng tiền của mẹ mua nhà, mua đất ở Hà Nội, mua cả xe. Như thế liệu có hoàn
cảnh không? Mẹ xử thế liệu có phải chăng?
Bà Lợi nói: vợ chồng nó khó khăn. Nó chồng nọ con kia. Của
tôi , tôi cho chúng. Hà tất anh chị phải nói. Anh chị có nghèo đâu. Nhà cao, cửa
rộng tham lam gì nữa?
Con gái thứ hai của bà
tên Quí sống ở Hải Dương, gia cảnh cũng khấm khá nhờ vào việc bán vé số và buôn
bán đồ cũ. Thấy mẹ còn vài chục mét vuông đất, cái quán giá được vài chục triệu, cũng tìm cách giành phần của mình. Chị
Quý nghĩ: chị Lệ có trăm thì mình cũng phải có một. Không lấy cũng dại. Chị Quí
nói ngon, nói ngọt: mẹ già rồi! Bán hàng
làm gì? Ngày ba cọc ba đồng. Người ta chịu hết. Buôn bán toàn bằng tiền âm phủ.
Mẹ già phải theo con. Mỗi đứa chúng con
mỗi tháng biếu mẹ vài trăm, đón bà lên ở vài tháng để phụng dưỡng. Thế có sướng
hơn không! Chị Quí dọa: Mẹ ở nhà một mình, trái nắng trở trời, ốm đau ai biết.
Thôi mẹ bán nốt đi. Vậy là không cần mẹ đồng ý, chị Quí gọi người bán ngay chỗ
đất còn lại, cầm tiền mang theo.Vợ chồng Hải
chẳng được gì bởi thế trong lòng không phục.
Lúc bán nhà đất, đã có người khuyên bà: bà không nên bán tất
cả nhà cửa vườn tược. Phải để cái chỗ mà lui về. Nhưng bà không nghe. Bà Lợi nói:
chết hai tay buông xuôi, có mang theo được cái gì đâu. Vợ chồng con Lệ ở ngay cạnh
tôi, đau ốm có nó, việc gì cũng đến lượt nó. Con nó khó khăn. Để cái nhà đất ấy
mà làm gì. Vả lại vợ chồng con Quí, vợ chồng thằng Hải nhà cao cửa rộng rồi.
Tôi không thương con Lệ thì thương ại ? Vậy là bà bán. Bán xong tự dưng mới thấy
dại. Bà trắng tay không có chỗ lui về từ đó.
*
Chị em con bà Lợi đã họp bàn về việc nuôi mẹ. Chị Lệ nói: Cậu
Phương mất rồi.Giờ mấy chị em mình chỉ có cậu Hải là con trai. Chị em tôi ( ý
nói cả cô Quí) phận đàn bà, nữ nhi ngoại tộc, lấy chồng ăn lộc nhà chồng, lo việc
nhà chồng. Dâu lo việc nhà chồng. Rể lo việc nhà vợ. Các cụ đã có câu nói đó. Cậu
mợ Hải là người có trách nhiệm trông nom bà.
Anh Hải chăm chú nghe chị Lệ nói, trong bụng không phục nghĩ:
xui mẹ bán nhà, bán đất, cầm hết tiền, chẳng nói sẻ chia cùng ai. Nay cái miệng
cứ xơi xơi rao giảng. Lâu nay mẹ bù chi , bù chít cho con gái. Mình mang tiếng
là con trai mà chẳng được hưởng chút gì. Nhớ tới lúc khó khăn, sống trong gian
phòng chật hẹp ở ngoại ô thành phố HD,
làm đủ mọi việc từ chữa xe, đóng gạch cay để có thêm thu nhập, lo cho lũ con
thơ dại, anh lại thấy tủi thân. Cái khó của anh chị Lệ chắc gì đã hơn những
ngày tháng lao đao vất vả kiếm sống ở quê người như mình. Nhưng nói ra cậu Hải
ngại mang tiếng là kẻ xấu bụng, tâm địa nhỏ nhen, bất hiếu với cha mẹ. Nhưng mà
không thể không ức. Lòng người chứ có phải thánh đâu.
Vợ cậu Hải đốp chát: Này nhé! Xưa nay mẹ thương ai nào? Ai là
người được hưởng gia tài vài tỉ đồng của mẹ nào? Mẹ một mực che chắn thu vén
cho ai nào? Cả nhà ai cũng biết cả!. Đừng để tôi phải nói . Giờ mẹ già, đau ốm
lại định đổ ..vào nhà tôi. Đâu có thế được!
Thật ra bà Lợi muốn ở với vợ chồng anh Hải. Dẫu sao anh Hải vẫn
là con trai bà. Bà nghĩ: thôi thì vợ nó đanh đá, đáo để. Nhưng ở với con trai tự
do hơn. Con trai chủ động được hoàn cảnh, nói được vợ. Ở với con trai, con dâu
khác nào ở nhà mình.
Cô Quí chẳng thích gì chị dâu, cũng chẳng nể chị Lệ người
theo cô quá khéo, xảo, ích kỷ và tham lam, nhưng cũng chẳng muốn rước nợ vào
thân. Vốn bán nước, bán vé số, giao lưu với đủ hạng người nên cô có kinh nghiệm. Cô thủng thẳng:
chị Hải nói thế là không được nhé. Con dâu mà vô trách nhiệm! Dù mẹ không cho đồng
nào, nhưng công sinh, công dưỡng ,,vẫn phải phụng dưỡng mẹ. Xưa nay các cụ về
già đều ở với con trai con dâu. Có ai chọn ở với con gái con rể? Còn chị Lệ. Chị
hơi quá rồi đấy. Ngày trước mẹ còn nhà còn vườn, nay thì thọt, mai thì thọt để
mẹ bán đi rồi cầm lấy tiền. Chị Quí dài giọng châm biếm: Chỉ có mỗi nhà chị là
nghèo là khó thôi! Còn chúng tôi…..
Chị em nhà Lệ tranh luận với nhau một lúc rồi quyết định. Mỗi
người đón mẹ về trông nom vài tháng. Cứ luân phiên như thế Bắt đầu từ vợ chồng
anh Hải.
*
Bà Lợi ở với vợ chồng anh Hải chẳng được bao lâu, nhất mực
đòi về quê. Bà Lợi nói: Ở với vợ chồng anh chị tôi cũng muốn, nhưng tôi không
quen nếp sống thành phố. Chẳng phải vì tôi hay không mà anh chị cứ cãi nhau
luôn. Anh chị mắng các cháu làm tôi khổ lây. Chị ấy trì chiết anh làm tôi đau
lòng. Bà định nói tiếp nhưng rồi lại thôi. Trong thâm tâm nghĩ: Nghe vợ chồng
chúng tranh luận, tình cảm của chúng sứt
mẻ bà chẳng vui gì. Thôi thì còn nấu được
nồi cơm, nồi cháo. Nhà nước hỗ trợ người cao tuổi mỗi tháng dăm trăm đủ đong mỗi
tháng hơn chục cân gạo. Mỗi bữa bà ăn lưng cơm, tí rau cũng chẳng tốn kém gì. Tuổi
này rồi, bà nên về quê, mặc cho thân bèo trôi dạt. Bà nghĩ thế, lòng buồn man mác. Ước mơ của bà
tuổi già được sống với con ,với cháu, trong sự trân trọng chăm sóc của con cháu
thế là không thành hiện thực.
Anh Hải chau mày, để mẹ về quê thì rảnh, nhưng lo mang tiếng
với hàng xóm nên rất đắn đo. Anh Hải nói: Mẹ về quê ở với ai? Làm gì còn nhà cửa
nữa mà về?
Bà Lợi:Anh chị cứ để tôi về. Ở quê còn có họ hàng, làng xóm
láng giềng. Tôi tá túc ở đâu chẳng được. Vậy là không đợi vợ chồng anh Hải đồng
ý, ngay hôm sau bà thu vén quần áo đi xe Buýt về quê.
Nghe tin bà Lợi về quê, chị Lệ lớn tiếng trách mắng cậu mợ Hải:
con đâu có con bất hiếu thế. Chúng nó đuổi mẹ về quê. Chị em đã thỏa thuận với
nhau mà nay còn xử sự thế. Trách nào! Từ
nay chúng đừng nhìn mặt chị nữa. Chị Lệ về quê đón bà Lợi lên chăm nom. Song chỉ
được vài ngày. Bà Lợi cũng không chịu nổi
cảnh vợ chồng nhà Lệ khấu bó nhau vì mẹ
già . Những đứa cháu chẳng yêu thích gì bà ngoại. Cả nhà Lệ, từ sáng đến tối vắng
nhà, vợ chồng Lệ đi làm, lũ con đi học. Một mình bà Lợi ở nhà với căn nhà cảm
giác thật cô quạnh.
Miệng hơi dẩu ra, giọng dài hơn thường lệ, chị Lệ tâm sự với chị
Hòa vốn là hàng xóm: đúng là người già,
lắm bệnh nhiều tật! Không thể chiều được các cụ. Nay mai cho bà về quê. Bà ở một
mình tha hồ tự do. Chị Liên nói: cậu không sợ dư luận xã hội chê bai ư?
Chị Lệ: miệng lưỡi thế
gian. Ai cấm được. Tôi chả lo. Đứa nào nói tôi vả cho vỡ mồm. Vậy là chị Lệ về
quê ,tìm một gian phòng nhỏ thuê cho bà Lợi. Chị Lệ điện cho các em: bà thích về
quê. Tôi đã tìm thuê cho bà gian phòng.
Mai tôi đưa bà về. Tiền thuê nhà mỗi đứa đều phải đóng góp. Nếu không lấy tiền
hỗ trợ của nhà nước cho người cao tuổi để trả cũng hòm hòm đủ.
Ngay sáng sau đó, chị Lệ đưa mẹ về quê. Chiếc xe khách cũ, ọp
ẹp nảy lên khi qua các đoạn đường đầy ổ gà ổ trâu. Có lúc nó rung lên bần bật.
Bà Lợi ngồi người lúc lắc bên này, lúc lắc bên kia. Đôi mắt bà ngắm nghiền vẻ mệt
mỏi. Bà nghĩ: Từ nay bà dứt khoát không
theo ở với bất cứ đứa con nào. Bà về quê sống nốt những tháng năm cuối của đời
người. Bà nghĩ: một mẹ nuôi được cả đàn con. Nhưng cả đàn con đâu nuôi nổi mẹ.
Dân gian có câu đó cấm có sai. Nhìn sang gia cảnh nhà khác, trong hoàn cảnh
nghèo khó ,nhưng vẫn tam đại, tứ đại đồng đường. Các cụ vẫn vui vẻ hạnh phúc
bên con cháu. Thôi thì bát đũa cũng có khi xô, nhưng sau lúc đó, họ vẫn có cảm
giác được trân trọng, chăm sóc của con của cháu. Tuổi già như vậy thật sung sướng
biết bao.
Khi đã dọn dẹp xong, chị Lệ đứng ngay ngoài cửa nói chuyện bô
bô với mấy người hàng xóm: các cụ tuổi già trở chứng, trở nết. Không thể chiều được các cụ. Các cụ làm cho con, cho
cháu ghét. Có thế các cụ mới đi được.
Từ đó bà Lợi sống một
mình trong gian phòng hẹp. Bà bần thần nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp. Tuổi
thiếu nữ cô Lợi như một bông hoa khiến nhiều người say đắm. Bà nhớ tới ông Lợi
chồng bà vốn là nhân viên của sở lương thực, thực phẩm. Ông ấy đi công tác vài
tuần mới về nhà một lần, tặng cho “CHỊ” những đứa con. Bao năm “chị” Lợi bên gềnh, cuối bãi,
nhặt nhạnh từng hạt thóc rơi, từng con ốc đá về nuôi con. Những lúc chúng bị
gió, bị máy, lòng mẹ lo cuống lên, cả đêm chong chong vì đàn con thơ. Dẫu có gian khổ nhưng lúc nào “chị” cũng cảm
thấy vui vẻ khi nhìn thấy lũ con ríu
rít. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của đời bà.
Mấy người bạn già
trong xóm thi thoảng sang chơi, câu chuyện làng quê cho đỡ buồn. Bà Phán nói:
chẳng ai như bà. Có nhà có cửa, có ruộng, có vườn, bán đi tất cả lấy tiền cho
các con. Cứ như tôi giữ lấy một ít, giắt lưng, tha hồ mà chi tiêu. Thật đúng là
mình làm cho mình khổ.
Bà Lợi chỉ cười, đôi mắt
và khuôn mặt đăm chiêu buồn. Bà nói: Mình chết mang theo được gì đâu. Tất cả
của con của cháu thôi. Giữ làm gì. Chúng nó đang khó.
*
Dịp này bà Lợi trông ốm
lắm, đi đâu bước từng bước như lê đi trên con đường làng. Bà ít ra ngoài, thảng
lắm mới cất từng bước tới chợ làng gần
đó mua vài thứ lặt vặt. Bà ngồi thu lu trên chiếc phản gỗ, mùa thu hay mùa đông
đều khoác trên người chiếc áo khoác nâu, lúc nào cũng cảm thấy lạnh.
Có lúc bà nằm trên chiếc
phản gỗ làm bằng gỗ nhãn, co quắp. Mái tóc bạc xõa ra trên gương mặt héo. Khi
bóng chiều đổ xuống, tiếng những con
chim kêu thất thanh tìm đàn, bà lụi hụi xúc lưng cơm nguội, uể oải nhai nuốt từng
miếng một cách khó nhọc, rồi đăm chiêu nhìn ngọn đèn mờ, đếm từng canh gà, mong
đêm chóng qua.
Hưng
Yên tháng 12 năm 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét