Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Trống trận” lại nổi trên biển Đông

Nguồn : Ngominhblog

 Hàn Gia Bảo

Về việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 năm nay, nhà báo Trần Đăng Khoa vừa kể lại mẩu chuyện sau đây trên “phây”[1]: Một vị lãnh đạo truyền thông Trung Quốc bảo nhà thơ, “Chúng ta là nhà báo thì phải vì đại cục, viết cái gì cũng vì tình hữu nghị đằm thắm giữa hai nước, đừng kích động nhân dân, đừng để dân hiểu lầm”. Trần Đăng Khoa trả lời: “Chúng tôi cũng chỉ mong vậy và luôn giữ đúng cam kết, thậm chí là nín nhịn. Nhưng chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền của chúng tôi trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Có điều tại sao các anh lại đi kích động nhân dân. Một loạt bài của báo Hoàn Cầu nói sẽ tấn công Việt Nam, với vũ khí đặt ở Hoàng Sa, Trường Sa có thể san phẳng thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Nếu là báo lá cải, chẳng chấp, nhưng đó lại là phụ trương báo của báo Đảng thì không thể chấp nhận được”. Nhà báo Trung Quốc: “À, đấy chỉ là báo thị trường”. Trần Đăng Khoa đáp lại: “Báo Nhân Dân chúng tôi cũng có nhiều phụ trương, như Ngày NayNhân Dân cuối tháng đều là báo thị trường cả, nhưng chúng tôi có bao giờ nói Trung Quốc như vậy đâu”.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Hoa Kỳ tham gia tuần tra Biển Đông hôm 1922017.  Ảnh AFP

Tiếng gươm khua…
Một cách tương tự, Việt Nam và các nước ASEAN khác đều có thể chất vấn Ngoại trưởng Vương Nghị khi ông này vừa tuyên bố những lời có cánh: Tình hình Biển Đông đang dịu đi, thậm chí căng thẳng giảm và giảm một cách đáng kể (?!) Làm thế nào mà tình hình có thể dịu đi khi mà bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài La Hay (PCA), phớt lờ sự phản đối của nhiều nước, Trung Quốc vẫn cố sống cố chết quân sự hóa những hòn đảo đã cướp được ở Biển Đông; Trung Quốc vẫn tìm mọi cách biến những hòn đảo thuộc chủ quyền của nước khác thành những kho thuốc súng của mình, thành những trận địa hạt nhân, châm ngòi cho các đụng độ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Làm thế nào mà căng thẳng trên Biển Đông có thể thuyên giảm khi mà đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa kêu gọi Quốc hội Trung Quốc cho tăng thêm quân tiếp viện, tăng thêm sự hiện diện ở các vùng biển mà Bắc Kinh từng đơn phương tuyên bố chủ quyền (một cách phi pháp). Cũng bên lề Quốc hội, bà Chủ nhiệm Ban đối ngoại Phó Oánh thừa nhận, tương lai vùng biển này có liên quan đến lập trường của Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung, nhưng rồi chính Ngoại trưởng Vương Nghị lại gạt Mỹ và các nước khác ra khỏi vấn đề Biển Đông và nghênh ngang đòi để một mình Trung Quốc “bảo kê” toàn bộ Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Quốc hội hàng năm, Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Tại thời điểm này, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối, họ sẽ không được ủng hộ, trái lại họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của cả khu vực. Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi ý tưởng của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác… Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này bị phá hoại hoặc cản trở”. Nhưng ai khuấy động Biển Đông khi chính Trung Quốc vừa tiếp tục ban hành bất hợp pháp lệnh cấm đánh bắt cá trong một phạm vi biển bao trùm lên toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng vừa nới rộng “thẩm quyền xét xử” ra cả vùng Biển Đông đang tranh chấp, theo bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc. Mới đây nhất, Trung Quốc công khai tuyên bố, nước này vừa đóng xong giàn khoan lớn hơn giàn khoan HD-981 nhiều và có thể sẽ kéo xuống Biển Đông. Chưa kể những thông tin về việc xây nhà máy điện sử dụng năng lượng hạt nhân hay lắp đặt các thiết bị quan trắc dưới lòng biển xuất hiện dày đặc trong thời gian gần đây[2]
Từ này 27/2, Trung Quốc và ASEAN vừa nhóm họp để đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Dự kiến các bên sẽ tiến hành một hội nghị nữa tại Philippines trong tháng 6 tới. Mục tiêu là vào cuối năm nay có thể chính thức hóa một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để kiểm soát những tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, tại cuộc họp vừa qua vẫn tiếp tục nảy sinh nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Trên thực tế, các bên liên quan chưa bao giờ nhất trí được việc xác định những thực thể nào tại Biển Đông là có tranh chấp, chủ yếu là do Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển. Ngoài ra, ASEAN cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đề ra một chiến lược đoàn kết để phản bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang dùng quân bài kinh tế để chia rẽ nội bộ ASEAN. Và trên hết, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu theo đuổi tham vọng nắm quyền kiểm soát rộng hơn đối với toàn bộ Biển Đông. Theo Giáo sư Luật Hàng hải Jay Batongbacal, từ Đại học Philippines, nếu COC chỉ mới đạt được cái khung bộ quy tắc thì hoàn toàn chưa đủ. Đó chỉ là phần “mục lục của một cuốn sách”. Không phải ngẫu nhiên, chưa thấy có nước nào trong ASEAN cho đến nay, ra tuyên bố về kết quả của cuộc đàm phán nói trên.

Dấu hiệu tăng nồng độ
Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh đang có dấu hiệu tăng thêm nồng độ. Từ đầu tháng Ba, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Tổng thống mới của Hoa Kỳ Donald Trump tuy đang gặp một số khó khăn về nội bộ nhưng cũng đã có tuyên bố khá rõ ràng về các chính sách đối nội và đối ngoại, nêu bật chủ trương cứng rắn với Trung Quốc về kinh tế, tài chính, quốc phòng. Về Biển Đông, các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của chính quyền Trump còn tỏ ra mạnh mẽ hơn cả Tổng thống trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhiều lần khẳng định giữ nguyên và củng cố liên minh quân sự với các nước châu Âu và châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia… kiên quyết bảo vệ tự do thông thương hàng hải và hàng không quốc tế trong vùng, kiên quyết chống lại việc độc chiếm và biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson từng mạnh mẽ tuyên bố không cho ai được cưỡng chiếm các đảo nhân tạo trong vùng biển quốc tế, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.
Truyền thông từ đầu tháng qua cũng đã nhất loạt đưa tin về chuyến thăm thị sát siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Tổng thống Mỹ hôm 3/3 tại Virginia[3]. Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ xốc lại sức mạnh quân sự Mỹ. Trong bài diễn văn phát biểu trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford, vị Tổng thống doanh nhân này cảnh báo đối thủ tiềm tàng của Hoa Kỳ: “Chớ có dại đối đầu với nước Mỹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!”. Tuy ông không nêu đích danh đối thủ này là nước nào, nhưng theo tờ Đa Chiều, không có gì nghi ngờ việc Trung Quốc là một trong những đối thủ tiềm tàng lớn nhất của Mỹ. Trong chuyến thị sát vừa qua, ông Donald Trump đã công bố với thế giới rằng, sức mạnh quân sự Hoa Kỳ là không nước nào sánh nổi và nó sẽ còn lớn mạnh hơn nữa, vì ông sẽ đề nghị Quốc hội tăng thêm 10% ngân sách quốc phòng để đóng mới vũ khí trang bị. Ông Trump không dấu diếm: “Hàng không mẫu hạm này và những tàu sân bay lớp Gerald R. Ford trong tương lai sẽ thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ trên các đại dương. Chúng sẽ thực hiện các sứ mệnh quan trọng. Hy vọng chúng ta không phải sử dụng đến sức mạnh quân sự, nhưng một khi chúng ta phải dùng đến quân đội, phiền phức cho đối thủ sẽ rất lớn!”
Tổng thống Trump cùng các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, các tướng lĩnh Ngũ Giác Đài, Tư lệnh Hạm đội 7 đều cùng chung một luận điểm “hòa bình thông qua sức mạnh”. Chính quyền mới khẳng định mạnh mẽ: Hoa Kỳ và các nước đồng minh có quyền thực hiện tự do hàng hải và hàng không phù hợp với pháp luật quốc tế ở mọi vùng biển quốc tế, mà Biển Đông là một trong số những địa bàn quan trọng nhất do sự tấp nập dày đặc của hàng hải thế giới. Ngày 28/2/2017, tàu sân bay USS Carl Vinson vừa kết thúc một lịch trình hải hành như các cuộc diễn tập từng xẩy ra trước đây. Đô đốc James Kilby chỉ huy Cụm tàu này nói đây là một hoạt động FONOP thông thường. Tuy nhiên, các nhà quan sát quân sự đều cho rằng đây là một hành động nhằm thăm dò, nắn gân Bắc Kinh xem phản ứng của Bắc Kinh ra sao khi một Cụm tàu tác chiến hiện đại Hoa Kỳ tiến sát vào các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã củng cố thành căn cứ quân sự suốt mấy năm nay. Trong 12 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng và kéo dài thêm các đường băng, xây dựng thêm hải cảng, đặt nhiều bệ phóng tên lửa tầm ngắn và khi cần có thể thay bằng tên lửa tầm trung, cùng với nhiều căn cứ radar, doanh trại, nhà nghỉ cho khách du lịch.
*
Ngày 13/3/2017, Hãng tin Reuters trích ba nguồn tin khác nhau, cho biết Hải quân Nhật Bản cũng sẵn sàng triển khai vào mùa Xuân này một chiến hạm lớn nhất tại Biển Đông. Đây sẽ là việc thể hiện sức mạnh chưa từng có của Nhật Bản trong khu vực kể từ sau Thế Chiến II. Tàu khu trục sân bay trực thăng Izumo sẽ ra khơi vào tháng 5/2017 và sẽ ghé các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia các cuộc tập trận chung vào tháng Bẩy với Hải quân Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Tàu Izumo dài 249 mét (816.93 ft), lớn bằng những chiếc hàng không mẫu hạm thời Thế chiến thứ Hai của Nhật Bản. Tàu có thể chứa đến chín chiếc trực thăng. Izumo cũng tương tự như những chiếc hàng không mẫu hạm tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, nhưng không có khoang cho tàu và máy bay hạ cánh. Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, đã và đang cố gắng điều chỉnh Hiến pháp của Nhật thời bình và hậu chiến. Nước này quy định tàu Izumo là một khu trục hạm, vì hiến pháp cấm mua vũ khí tấn công. Con tàu sẽ giúp cho Nhật Bản phô diễn sức mạnh quân sự vượt ra khỏi lãnh thổ của mình. Người Nhật không nói nhiều và cũng không đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng gần đây đã chủ động nhận nhiều trọng trách hơn trong viêc làm giảm tiếng “trống trận” trên các vùng biển châu Á./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét