Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

CHA VÀ CON

                                                                                
Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Anh Toàn khuôn mặt méo  đi vì bực bội gằn giọng:
            Lâu nay anh không hề nghe tôi! Mọi việc  cứ thế anh làm không trao đổi với tôi, với mẹ anh một tiếng. Anh đang là công chức, là người nhà nước vậy mà bỏ. Tưởng có việc gì hay hơn, hóa ra anh về theo quản lý công trình cho cái thằng anh họ. Uổng công tôi cho anh ăn học, nhờ cậy bạn bè lo cho anh công việc. Dù chỉ là đội trưởng của đội sản xuất nhưng công việc ấy  khối người chạy chọt không được.
            Chị Toàn lắng nghe chuyện giữa hai bố con với tâm trạng lo lắng, giờ mới lên tiếng: Thời buổi này, công việc khó khăn, người khôn của khó. Nhiều thanh niên học đại học, trường này, trường nọ vẫn ở nhà chờ việc kia. Đi hết của này, cửa khác, không quen thân, không có tiền, chẳng nơi nào nhận. Vậy mà là người nhà nước rồi, còn rũ ra. Bây giờ thì làm sao?
            Tiệp nói: con  nghĩ nhiều rồi. Được danh là người nhà nước, hàng tháng đến kỳ lĩnh lương, chẳng phải lo nghĩ gì. Lại không phải làm việc trực tiếp, quần áo lúc nào cũng bảnh chọe. Mơ ước của nhiều người. Lương tuy thấp nhưng cứ đến kỳ nâng lương đều đặn, cuộc sống chẳng hề vất vả. Đấy là suy nghĩ của bố mẹ. Thanh niên bọn con bây giờ  khác. Bố mẹ cứ để vợ chồng chúng con vùng vẫy một thời gian xem sao.
Anh Toàn mặt buồn rượi, thất vọng buông lời. Chúng tôi nói anh chị đâu có nghe. Nhưng sau  này đừng trách chúng tôi không khuyên bảo.
*
Thằng Tiệp chưa bao giờ nghe lời tôi- Ông Toàn tâm sự với vợ.
Bà Toàn nói: hai bố con hễ  cứ nói chuyện với  nhau là to tiếng. Ông không thể bình tĩnh được ư. Nó đã lớn, có vợ  có con. Chuyện gì cũng phải từ từ.
ÔngToàn: Ngay từ lúc nó mười bốn, mười năm tuổi, tôi đã dần hiểu con trai càng ngày càng khác xa tôi về suy nghĩ, nếp sống. Nó sống thiên về cảm xúc, thích gì làm nấy, a dua với bạn bè, thiếu lý trí. Lối sống ấy là lối sống được chăng hay chớ, sốc nổi, hay bị lôi kéo, rất dễ đổ vỡ.
Ông nghĩ quá nhiều rồi. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già. Ít nhiều nó là con ông mang trong mình dòng máu  của ông. Làm sao nó có thể hư hỏng như ông nghĩ.
Vợ chồng Ông Toàn tâm sự với nhau hồi lâu, sau khi vợ chồng Tiệp xin phép về gia đình bên vợ rồi từ đó về nhà trọ gần cơ quan của Vợ Tiệp ( Loan con dâu ông). Chiều dần buông. Nắng nhạt dần. Đã bắt đầu có gió. Những cơn gió nồm nam mang hơi nước  xua đi không khí oi nực của những ngày cuối hè. Bà Toàn đã ra chợ làng, như thường lệ.
Còn lại một mình trong căn nhà vắng vẻ, bỗng chốc kỷ  niệm  những năm tháng ông bà còn dạy học ở Sơn La  ùa tới làm  ông  như rơi vào khoảng không lãng đãng xao xuyến, bồi  hồi. Mới đây thôi mà hơn gần hai chục năm đã trôi qua.
Tốt nghiệp sư phạm, Toàn được điều động công tác ở một trường THHCS thuộc huyện miền núi giáp biên giới. Giáo viên của trường chừng chục người hầu hết là người miền xuôi. Có người đã chục năm công tác ở  vùng hẻo lánh này. Khu tập thể của giáo viên được dựng tạm bằng các loại cây rừng. Hóp chẻ dùng đan liếp. Xoan dùng  làm cột. Mái lán được lợp bằng cỏ tranh. Khu tập thể nằm cheo leo trên lưng núi. Gần ngay khu tập thể của trường là mấy dãy lán được dùng làm phòng học, nằm trên một khu đất phẳng hiếm hoi giữa lòng thung. Gió ngàn mùa đông cũng như mùa hè thổi ào ạt vào phòng.
 Từ trường đi các bản rất xa, về thị trấn huyện càng xa. Học sinh mỗi lớp hơn chục em. Đôi khi các em được ghép lớp để học. Thầy, cô cùng lúc dạy các nhóm lớp khác nhau trong cùng phòng. Lớp học cứ thua thớt dần. Cha mẹ các em không muốn cho con đến lớp. Các em ở nhà chăn trâu bò, đi rừng. Học cái chữ đã khó nhưng cũng chẳng làm gì. Toàn cùng mấy giáo viên  lội suối, băng rừng có lúc đi gần hai chục km đến từng nhà vận động bàn con dân bản cho con em đến trường. Vào dịp cuối tuần, họ rủ nhau đi chợ huyện. Đường từ trường đến chợ hơn ba chục km ngoằn nghèo như những lối mòn cheo leo vắt vẻo trên lưng chừng núi. Mỗi lần đi chợ huyện họ mua mắm , muối, cá khô tép khô để dành cho hàng chục ngày sau. Toàn quen Loan trong những ngày ấy. Vốn cùng quê, cùng cảnh ngộ nên họ nhanh chóng yêu nhau.
Toàn nhớ lại những mùa đông rét buốt. Sương đóng băng trên lá cây. Hơi thở cũng đóng băng. Vào đêm, trời càng lạnh, gió thổi rít ào ào, gió hú qua  sườn núi. Bếp lửa tàn. Với cái chăn bông mỏng cũ kỹ, mấy đứa nằm bên nhau chờ trời sáng. Với Toàn dẫu gian khổ những đó là những ngày tháng anh có được nhiều niềm vui bởi được sống cho lý tưởng trồng người. Sau mỗi khó khăn là sự lạc quan, là  tiếng hát. Đặc biệt hơn những lúc lội suối, băng qua hàng vài chục km đường rừng để đến với Loan, những chiều thứ bảy, hoặc sáng chủ nhật. Họ ở bên nhau, yên lặng lắng nghe tiếng chim hót, tiêng con suối chảy róc rách, róc rách dưới khe núi. Anh  bóc măng tươi cho Loan luộc thay rau…..
Sau khi kết hôn, Loan chuyển về công tác cùng trường.. Tiệp được sinh ở miền núi nơi vợ chồng Toàn công tác. Đó là vào một buổi sáng cuối xuân, mưa rừng rả rích. Bầu trời xám xịt nặng như chì. Loan nói: anh Toàn. Bụng em đau quá! Có lẽ em sắp ở cữ. Toàn cuống quít gọi đồng nghiệp. Họ dùng võng đưa Loan vượt hơn chục km đường rừng quanh co mới tới được trạm xa. Gần tiếng đồng hồ sau thì thằng Tiệp chào đời…
Toàn đặt nhiều kỳ vọng vào con, mong con thành tài làm rạng danh gia đinh, nên ngay từ lúc Tiệp còn nhỏ, nuôi dạy nó bằng sự khắt khe, khuôn mẫu. Toàn bắt tay con tô từng nét chữ, sớm dạy con làm toán, dõi theo từng bước đi, hành vi, từng câu nói của con để uốn nắn, hài lòng nhận thấy con rất thông minh, trí nhớ tốt, tiếp thu nhanh. Vợ chồng dạy học ở miền núi quãng hai chục năm.. sau chuyển về quê. Nhiều năm liền Toàn làm hiệu trưởng trường THCS xã Toàn Thắng, xây dựng trường thành trường chuẩn quốc gia.
Dù vừa dạy học vừa  làm công tác quản lý rất bận, nhưng chưa lúc  nào Toàn sao nhãng việc dạy con. Có điều từ  lúc Tiệp mười bốn, mười năm tuổi Toàn nhận thấy, con trai càng ngày càng xa mình. Có những biểu hiện xung đột cha  và con. Thằng bé dường như bỏ ngoài tai, những gì Toàn răn dạy. Nói gì nó cũng vâng, nhưng không bao giờ làm theo ý bố. Chưa bao giờ nó có ý thức làm vui lòng cha, thậm chí biểu lộ thái độ phản kháng. Toàn lo lắng lắm. Những lúc chỉ có hai vợ chồng, Toàn tâm sự với vợ: Giờ nó không nghe tôi  nữa. Mẹ nó tìm cách tiếp cận con. Mẹ con chuyện trò, để bảo ban nó. Chị Toàn: Anh học tâm lý rồi, phải biết chứ. Tuổi nó là tuổi. bùng nổ, xung đột, muốn tỏ ra người lớn. Cha với con làm sao có mâu thuẫn. Vài năm nữa, sẽ khác. Anh yên tâm. Em sẽ lựa lời nói với con.
Ngần ấy năm công tác, Toàn không phải hổ thẹn với lòng mình. Anh giữ mình liêm khiết, quan tâm tới đồng nghiệp, giữ hòa khí để đoàn kết với mọi người. Với anh tiếng “ Thầy” mới trọng thị, cao quí làm sao, bởi nhà giáo thổi vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu cuộc sống, đem tới cho trẻ tri thức và năng lực chẳng khác nào bà  mụ thổi linh hồn vào bức tượng bằng đất sét để có được con người, mặt khác khi tri thức được lĩnh hội thì đó là khai sáng, sự thức tỉnh. Tiếng thầy mới cao quí làm sao.
Ngày Tiệp học hết cấp ba. Anh Toàn nói với con: con có thể thi vào trường sư phạm. Con có năng khiếu về văn, học sư phạm văn cũng tốt con ạ.
Tiệp nói:
-         Theo nghề của bố ư? Không bao giờ.! Học văn ư? Càng không! Giờ có ai học
văn nữa đâu. Học văn để thi tốt nghiệp thôi. Nếu không chẳng đứa nào thích.
-         Bố chẳng biết con nghĩ thế nào. Nghề trồng người mà con có vẻ như dè bỉu.
Con biết đấy là nghề mà xã hội trân trọng không?. Người ta có thể gọi đứa ăn cắp, ăn trộm là thằng một cách dè bỉu, khinh miệt nhưng với thầy cô thì không! Văn học giúp con người nhận thức bản ngã, nhận thức xã hội, hướng con người tới cái đẹp , thiện căn.
            Tiệp trả lời rắn rỏi:
-         Con không coi thường nghề sư phạm! Nhưng con không chọn cho mình  con
đường đó. Bố cả đời theo nghề, giữ gìn tiết tháo, thanh bạch rốt cuộc lại nhà mình có cái gì chứ. Trong khi mọi người nhà lầu, xe hơi thì nhà ta vẫn nếp nhà cấp bốn, tường vôi ghẻ lở. Chúng con có gì ngoài tấm bằng đại học để hướng tương lai đây? Nếp nghĩ ấy cổ quá rồi bố ạ! Con có cảm giác mọi người đã bỏ lại chúng ta phía sau.
Vậy là Tiệp thi vào đại học xây dựng, sau năm năm học  tốt nghiệp với tấm bằng khá. Anh Toàn nhờ vả chỗ thân quen xin cho Tiệp một  công việc ở vùng mỏ. Tưởng nó yên vị ở đấy công tác vậy mà nó đánh thừng, đánh chão bỏ việc bằng được. Điều đó làm Anh chị Toàn không thể yên lòng.
            Chuyện vợ con của Tiệp cũng vậy. Lúc Tiệp mới nhận công việc ở Quảng Ninh, Thuận giám đốc công ty than CP vốn là bạn học cũ có đứa con gái cũng mới tốt nghiệp đại học gợi ý muốn làm thông gia với gia đình anh. Thuận nói: chỗ bạn bè, đồng niên, đồng tuế, cùng quê với nhau, hiểu nhau quá rõ rồi. Thằng Tiệp mà làm con rể tôi, tôi kéo cháu xuống công ty, giúp việc cho tôi. Nhà tôi có hai đứa con gái, nên cũng muốn chọn  rể hiền. Rể hiền nên con. Tôi sẽ xây dựng cho chúng.
            Anh Toàn mừng lắm, nói với vợ:  Được thông gia với gia đình giám đốc công ty thì quả là quá môn đăng hộ đối rồi. Tiệp được về làm ở công ty của bố vợ. Vợ chồng nhà cửa không phải lo, lương mỗi tháng vài ba chục triệu, tương lai rộng mở.
            Chị Toàn e ngại: đừng mừng vội anh. Tôi biết tính thằng Tiệp. Không yêu, rất  khoát nó không lấy đâu. Nó muốn tự lo, không muốn cha mẹ sắp xếp mọi công việc cho nó. Vả lại, nhờ vả nhà vợ, yên lành thì không sao, nhưng xảy sự là phức tạp lắm. Có đôi bỏ nhau cũng vì chuyện ấy.
            Đôi bên gia đình khéo léo cho hai trẻ gặp nhau. Anh Toàn ra Hòn Gai thăm con. Buổi chiều anh bảo Tiệp cùng anh xuống Cẩm Phả thăm bạn. Tối đó hai bố con cùng gia đình  Thuận ăn cơm ở một nhà hàng nằm giáp biển. Bình  “con gái ông Thuận” mặc váy màu đen, áo trắng,  khuôn mặt tròn, lông mày mảnh, mi cong, tươi tắn, xinh xắn, sử xự rất lễ phép. Sống ở môi trường thành phố, trong hoàn cảnh gia đình nhiều mối quan hệ, lại dăm năm đại học, tiếp xúc với nhiều người, trong môi trường khác nhau nên Bình tở ra rất tự tin trong giao tiếp. Sự có mặt của  Bình  khiến không gian trong gian phòng sinh động và trang nhã hẳn lên.
Anh Toàn kín đáo quan sát Bình, thầm mong có đứa con dâu xinh xắn, ngoan ngoãn và hiện đại như thế. Quan sát con trai. Con trai anh khá đẹp trai, dáng người cao lớn, phong độ và cũng rất đẳng cấp. Chúng nó mà phải lòng nhau, bén duyên thì quả là điều đáng mừng. Lũ trẻ không mấy chốc như đã thân quen, chúng cho nhau số điện thoại, hẹn gặp lại. Những tưởng mọi việc xuôi chèo mát mái theo ý  nguyện của đôi bên cha mẹ. Nhưng sự thực không diễn ra đúng như mong đợi.
Tiệp nói: con đã có người yêu. Bố mẹ đừng lo lắng, sắp đặt cho con.
Anh Toàn: con nên thực tế một chút. Không sao đâu. Không phải hối hận đâu. Con mà làm rể nhà ấy, có khác nào được đặt lên bệ phóng, con đường công danh rộng mở, kinh tế không phải lo lắng. Hai bác ấy chỉ có hai đứa con gái, không cho nó thì cho ai. Có lẽ đây là  lần đầu tiên trong đời anh Toàn biểu lộ suy nghĩ thực dụng trong tình cảm. Tất cả  vì con thôi. Cha mẹ nào chẳng vậy. Vả lại trải nghiệm cuộc sống đã giúp anh có cách suy nghĩ và ứng xử  thực tế hơn.
Tiệp: Nếu không lấy Loan, con sẽ không lấy ai nữa. Bố mẹ lúc nào cũng môn đăng hộ đối. Chỉ quan tâm đến địa vị, tiền bạc. Bố mẹ hãy mở lòng ra chấp nhận Loan.
Nghe con nói, Toàn sững người. Con trai dùng từ ngữ không một chút e ngại. Nó dường như không hiêu cha. Và  anh không thể hiểu con . Toàn  đâm nghĩ ngợi, buồn bã. Con anh bỏ đi cơ hội vàng, để yêu một con bé quê tận Yên bái, nghề nghiệp chưa đâu vào đâu. Anh càng khuyên con thì Tiệp càng khùng, có bữa vùng vằng bỏ nhà đi mấy tuần sau mới về thăm cha mẹ. Tiệp không muốn nói chuyện  với bố. Điều đó càng khiến Toàn lo lắng, có đêm không ngủ, ngồi yên lặng trong bóng tối, hút thuốc lá vặt. Đấy là điều, chị Toàn chưa từng chứng kiến ở chồng. 
Chị Toàn: Hay là cứ dựng vợ gả chồng cho nó.Cuộc sống của nó, nó lo. Mình có thể theo chúng suốt đời được đâu. Càng ép nó càng khùng. Cha con càng bất hòa.
Vậy là Tiệp xây dựng gia đình với Loan. Sau một thời gian ngắn ở với bố mẹ, chúng tha nhau đi thuê một gian phòng gần khu công nghiệp Phố Nối. Tiệp mỗi tuần về thăm vợ đôi lần. Giờ ở nhà chỉ còn lại anh chị Toàn. Tuổi gần sáu chục côi cút trong cảnh  bóng xế chiều hôm.
Vợ chồng anh Toàn chỉ còn biết nhìn theo con lo lắng. Anh Toàn nói với vợ: bọn trẻ giờ thích tự do. Chúng không muốn ở chung với bố mẹ đâu. Thằng Tiệp nghe vợ.
Chị Toàn tất cả đều do con Loan cả, nó nhỏ to, rủ rê chồng, làm thằng bé mất cả phương hướng. Em đã nói thẳng thắn  với con bé : các con mới xây dựng gia  đình, trăm bề khó khăn. Làm vợ phải biết vì tương lai của chồng, kiên nhẫn, động viên chồng. Nó đang làm việc ngoài ấy, lương tuy không cao nhưng là người nhà nước. Nước lên thuyền lên, lo gì. Vài năm lên lương một lần. Công  việc ổn định, không phải tất bật ngược xuôi.
Đáp lại lời em, Loan nói: công việc của nhà con, con không biết mẹ ạ! Tùy anh ấy thôi.
Anh Toàn nói với vợ: thằng Tiệp cứ quấn lấy  vợ. Nó không  thể xa vợ nó. Tất cả là do con Loan.
Chủ nhật vừa rồi, vợ chồng Tiệp về thăm cha mẹ. Trong lúc Loan cùng mẹ chồng bận bịu chuyện cơm nước,  Toàn tranh thủ nói với Tiệp: theo bố, con nên ở lại Hòn Gai làm việc. Dù gì cũng là công chức nhà nước. Nghèo đói chút ít cũng vẫn là người nhà nước. Nhà nước lo. Người ta chạy vào làm công chức, viên chức nhà nước không xong, nay con có ý định bỏ. Bố không hiểu con nghĩ thế nào.
Tiệp: quan niệm người nhà nước nay  xưa rồi. Con mỗi tháng lĩnh lương được sáu đến bảy triệu, mỗi tuần vài lần tiền xe đi về, tiền ăn ở ngoài đó, rồi bạn bè. Chẳng lẽ họ mời mình mà mình không mời lại họ. Vậy là chẳng tiết kiệm được xu nào. Muốn lương cao phải làm sếp. Muốn làm sếp phải uống được rượu và biết quan hệ. Con không muốn thế. Thôi bố để chúng con tự  lo  liệu lấy cuộc sống.
 Toàn: tôi và  mẹ anh nuôi anh ăn học vậy là công toi. Các anh cậy  khôn, cậy giỏi làm việc  gì cũng theo ý mình. Sống bằng cảm xúc a dua chứ không bằng lý trí.
Toàn: con định đi phụ với anh Duy quản lý công trình một thời gian, sau đó sẽ mở công ty tư vấn xây  dựng.
 Toàn: anh phải suy nghĩ cho chín chắn. Không phải ai mở công ty cũng được. Có khối người chết sặc tiết vì công ty kia. Không có mối quan hệ, không có người thân làm quan chức chính quyền, lấy đâu ra dự án, công việc mà nuôi công ty cơ chứ. Anh nói tôi càng thêm lo.
Tiệp: bố yên tâm! Thời nay, đa số người dân xây dựng theo kinh nghiệm, bởi thế vài năm sau lún nứt tường, trần nhà, đập bỏ không xong, ở thì tính mạng bị rình rập. Con thấy đa số những công trình dân làm đều bắt chước theo một mô típ, không có hồn. Thị trường của công ty con là ở đấy. Vả lại, công việc kinh doanh không cần có vốn lớn, chủ yếu là trí  tuệ.
Nghe Tiệp nói Toàn chỉ còn biết thở dài. Ngẫm nghĩ giây lát,  Toàn buông lời: Thực lòng bố chỉ muốn con làm việc ở Hòn Gai, là người nhà nước. Khuôn mặt anh lộ vẻ đăm chiêu. Anh buồn rầu nghĩ: vậy là niềm vui của anh về  đứa  con xênh xang mũ áo, là người nhà nước mỗi khi về làng không còn nữa.
Chị Toàn nói với chồng: anh không thể theo nó, tính toán nước bước cho chúng. Thôi thì cứ để chúng chủ động tự  lo liệu lấy  cuộc sống. Có thế chúng mới  dày dạn  chững chạc. Mình nuôi dạy, cho ăn cho học , dựng vợ, gả chồng, chúng đủ lông, đủ cánh rồi. Cứ ôm ấp chúng mãi, chúng càng mất tính tự chủ, ỷ lại,  thậm chí ích kỷ, dông dài. Giờ đến lúc mình buông nó ra anh ạ!
Vậy là Tiệp bỏ việc ở Hòn Gai,  về trông coi  xây dựng cho Duy. Công việc vô cùng bận rộn, có đêm phải ở lại công trường, thường tối mới về đến nhà, quần áo dính đầy bụi cát, bụi xi măng, người mệt lử mệt lả, hễ nằm là ngủ ngay, ngáy khò khò vô tư, quên cả vợ đến nỗi Loan đôi khi phải day day đánh thức chồng. Có hôm bực dọc, Loan điện cho mẹ chồng mách: mẹ à! Nhà con dạo này thường xuyên vắng nhà. Anh ấy chúi mũi vào công việc, về nhà đôi khi không thèm tắm, phắt lên giường ngủ ngay, người ngợm hôi rình. Con chẳng biết anh ấy kiếm được mỗi tháng bao nhiêu. Đôi tháng nay chưa đưa con được đồng nào. Anh em bạn bè thật đấy, nhung con sợ tin bạn mất bò. Biết thế này, anh ấy cứ làm ở Hòn Gai cho xong.
Chị Toàn cáu nhưng vẫn giữ cho giọng nói bớt gay gắt: các con thừng chão bỏ việc bằng được. Giờ thì vất vả chưa! Cha mẹ nói không nghe. Cá không ăn muối , cá ươn. Không nghe cha mẹ trăm đường con hư. Đừng nói gì với bố con. Nếu không, bố con lại điên lên đấy.
Vài tháng sau, Tiệp mở doanh nghiệp thật. Tiệp thuê một gian nhà mặt đường làm văn phòng, sửa sang, mua bàn ghế, máy tính . Bữa khai trương khá hoành tráng có đại diện của một vài công ty xây dựng,  bạn bè, đại diện chính quyền của khu phố. Anh Toàn cũng có mặt. Thôi thì còn làm được việc gì, làm cho nó, đỡ đần cho nó, nâng cánh cho ước mơ của con.
Tuy vậy anh Toàn vẫn không hết phân  vân. Anh nói với vợ: Thanh niên giờ chúng khác mình quá. Đời mình có ai toan tính làm ăn mở công ty nọ kia, toàn những đi lo làm sao không bị tỳ vết, sống trong đói nghèo. Còn thanh niên thời nay, mở mắt ra là bàn chuyện kinh doanh. Thật mỗi thời một khác.

                                                                                    Hưng Yên tháng 9 năm 2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét