Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Nhớ tiếng chuông chùa


Tản văn của Nguyễn Văn Thích

Cũng như bờ tre, cánh cò, cây đa, bến nước, từ lâu tiếng chuông chùa đã đi vào lòng người quê như ấn tượng một nét làng. Buổi sáng khi mặt trời mới ló vài tia hồng nhạt, buổi chiều khi mặt trời sắp tắt, tiếng chuông chùa lại ngân lên khoan thai, đĩnh đạc. Thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, người ta quen gọi bình minh, hoàng hôn đã tốn bao giấy mực của những người làm thơ, viết văn. Bình minh vẫn trong lành, hồng nhạt, hoàng hôn vẫn tím sẫm, trắng đục lặng lẽ tiễn đưa mảnh nắng cuối cùng của ngày
Sinh ra từ bờ tre, gốc lúa, ai không mang nét làng trong mình thì chẳng thể thành người. Vừa ra khỏi vành nôi, lời ru của mẹ quện với tiếng chuông chùa đã ngấm vào lòng để lớn lên dù có đi xa, mỗi người vẫn mang trong mình âm hưởng làng quê
Ở đọ tuổi tôi dường như ai cũng có một quãng đời làm lính. Từng quen với những tiếng kẻng báo thức, báo ăn, báo họp ,báo nghỉ và cả báo động nữa, vậy mà vắng tiếng chuông chùa ai cũng thấy nhớ nhung
Chuyện kể rằng:
-Chùa làng tôi, tên chữ” Hòa Lạc Tự”, người các làng lân cận gọi chùa Bến, người làng tôi vẫn gọi chùa làng, khởi thủy ở phía Tây Nam gianh giới giữa làng tôi {Hành Lạc} và làng Cố, lúc ấy gọi chùa Trên. Xa xưa làng bên sông có người đỗ Trạng nhà vua cho về quê cắm đất phân phong hưởng thực lợi. Các bô lão làng sợ mất cánh đồng bên sông mới cho chuyển chùa về vị trí hiện nay {lẻ loi bên bờ Bắc sông quê}. Người làng đến chùa phải đi qua chiếc cầu đá bắc ngang
Nằm trên mảnh đất chừng ba mẫu Bắc Bộ, lũy tre dày đến ba mét bao bọc, nhiều cây to rậm rạp, từ xa trông chùa như một khu rừng. Cổng chùa ở phía Nam nhưng chùa lại trông về hướng Bắc, phía làng có ông Trạng . Người làng kháo nhau chùa thiêng lắm, ai đến chùa cũng phải thành tâm. Vì thế dải đất nằm trong tầm ngắm của ông Trạng thôn bên vẫn còn nguyên
.Mặc dù chỉ là truyền miệng, không rõ thực hư nhưng chuyện đã phần nào lý giải về hướng chùa ít thấy ở các miền quê thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời đề cao ý thức giữ đất của người làng khi bị bất lực bởi quyền thế
Chuông chùa được đúc từ thời Minh Mệnh, qua bao thế hệ con người, tiếng chuông vẫn ngân nga, thả vào không gian những âm thanh ngọt ngào, dịu nhẹ. Có những đôi trai gái đã hẹn nhau bằng tiếng chuông chùa
Ngày xưa mỗi lần đến chùa, mẹ tôi đều phải sạch sẽ, bây giờ vợ tôi cũng vậy. Người ta đến chùa không chỉ để cầu lộc, cầu tài mà còn thực tâm sám hối cả những điều xem như tội lỗi. Niềm tin gần như tuyệt đối vào sự linh thiêng của chùa đã khơi dậy tính “thiện” tưởng như đơn giản mà khó thực hiện ở mỗi con người
Hồi nhỏ, ngày nào tôi cũng hai lần được nghe tiếng chuông chùa, ấy là vào lúc bình minh và hoàng hôn. Mẹ tôi bảo, những oan hồn bị giam trong ngục tối chỉ được ra ngoài khi có tiếng chuông chùa, bao giờ tiếng chuông cuối cùng ngừng ngân, những oan hồn ấy lại phải trở vào ngục tối. Người ta có thể nói gõ trống, đánh kẻng nhưng lại bảo thỉnh chuông, thì ra tiếng chuông chùa là lời mời thiêng liêng nhất
Khác với mọi thứ âm thanh, tiếng chuông chùa không dồn dập như kẻng báo động, không thôi thúc như trống đốc sưu, không vội vàng như còi tập hợp, âm hưởng của nó vang xa mà nhẹ nhàng, lúc như bản nhạc, lúc như tiếng vọng để rồi trước khi ngưng hẳn còn như nhắc nhở điều gì
Tương truyền từ xưa, xưa lắm có một tên đồ tể, buổi sớm hễ cứ nghe tiếng chuông chùa là cầm dao ra đi. Một đêm nhà sư ở một chùa nọ nàm mơ có tiếng kêu hãy cứu mẹ con chúng tôi. Đêm ấy trằn trọc mãi, gần sáng nhà sư mới chợp mắt. Tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao, nhà sư vội vã thắp hương rồi thỉnh chuông. Công việc vừa xong thì tên đồ tể phăm phăm cầm dao bầu đến. Nhà sư sợ hãi chẳng hiểu sự tình. Thì ra một con lợn xề nằm trong diện khai tử của tên đồ tể vừa đẻ mười con. Tên đồ tể hỏi nhà sư vì sao thỉnh chuông muộn rồi cắm phập chiếc dao bầu xuống khoảnh đất trước cửa tòa Tam Bảo từ giã nghề mổ lợn
Vậy mà đã trên dưới bốn chục năm chùa làng không thỉnh chuông. Người làng quen dần với âm thanh của loa phóng thanh, ti vi, cát sét…chẳng mấy ai nhắc đến tiếng chuông chùa
Từ ngày được cấp bằng chùa làng thay đổi đến chóng mặt. Miếu Cô, miếu Cậu, tượng Quan Âm Bồ Tát mọc lên án ngữ cả lối vào chùa. Nhà mẫu vốn đã chật chội, giờ đắp cả một sơn trang. Những viên đá gắn xi măng tạo nhiều hình thù kỳ dị vừa lạ mắt, vừa khó hiểu. Mỗi công trình đều được gắn một biển công đức. Lũy tre xanh quanh năm đầy tiếng chim hót đã được thay thế bằng bốn bức tường bao. Nhiều cây to bị chặt hạ, Phía tây nam chùa một ngôi nhà gác mọc lên
Tôi đến chùa làng vào một chiều mùa đông hanh khô, lạnh lẽo, trong chùa tiếng mõ “cốc cốc” cũng khô khốc như thời tiết, môi và làn da nứt nẻ. Cảnh chùa giờ quang đãng, sáng sủa, những làn khói mảnh mai vật vờ trước các biển công đức. Quả chuông vẫn đó, vẫn im lìm ngủ dài trên gác chuông ngôi nhà tiền tế. Trên cửa sổ tầng hai ngôi nhà gác, có nhà sư thò đầu ra nói với ai đó dưới sân
Thấy tôi, một thiếu phụ hỏi
- Ông thấy chùa làng giờ có đẹp không ?
Tôi nghĩ mãi mà không tìm ra câu trả lời
Cứ đà này, chắc không còn lâu nữa, mái cong của chùa cũng được “bằng hóa”, nền chùa được lát gạch hoa, những pho tượng A Di Đà, Kim Đồng Ngọc Nữ, Phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay, Phạm Thiên, Đế Thích cũng được thay bằng vật liệu hóa học cho xứng với sự đổi mới thời hiện đại ! và như thế di tích đâu còn là những gì tổ tiên để lại
Vừa nghĩ ngợi, tôi vừa đi quanh vườn chùa. Có con chim lẻ loi từ trong nhà Tháp giật mình sợ hãi bay đi.
Bỗng nhiên tôi nhớ tiếng chuông chùa. Gía như lúc này tiếng chuông chùa vang lên, người làng tôi chắc sẽ lạ lắm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét