Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

SÔNG QUÊ

Tản văn của Nguyễn Văn Thích
Sông quê !
Người làng tôi gọi thế mặc dù sông cũng có tên. Cha ông đã dặt cho sông cái tên rất đẹp “Nguyệt Đức”. Theo người già giải thích thì “Nguyệt “ là trăng,”Đức” là phẩm hạnh con người. Đặt tên ấy hẳn tổ tiên đã lấy đức làm đầu
Xa xưa sông đẹp lắm, nước chảy men theo làng từ đình Rãy đến đình Vách, uốn lượn như một dải lụa. Đoạn giữa có chiếc cầu đá bắc ngang, người làng gọi “cầu Chùa” vì bên kia cầu chênh chếch về phía tây là chùa Hòa Lạc, một di tích đã được nhà nước cấp bằng “Văn hóa-Lịch sử”. Cây gạo lẻ loi, tuy không xum xuê, nhưng mùa hè nào cũng nở đầy hoa. Thuở nhỏ chúng tôi thường đứng trên cầu nhảy xuống sông để tắm. Bên này cầu có ao Giáp, ao làng Hoàn, gò Ông Voi vừa làm tăng cảnh quan, vừa là chứng tích truyền thuyết lịch sử của làng
Tương truyền, cách đây hàng nghìn năm, hai vị Cường Bạo Đại Vương, Thạch Linh Đại Vương khi dẹp giặc xong, trên đường về quê, qua địa phận Hành Lạc, thấy nơi đây cây trái tốt tươi, người người hòa thuận, bèn dừng chân nghỉ lại. Bỗng nhiên đêm ấy trời nổi giông gió, sấm chớp đùng đùng, Rồi mưa, mưa tràn mặt đất, nước réo ầm ầm phía dòng sông. Sáng ra khi mọi thứ yên tĩnh, các bô lão trong làng tìm mãi chẳng thấy hai vị đâu, Nơi hai vị nghỉ chân, mối đùn thành một cái gò rất cao. Thấy lạ, mọi người truyền nhau đây là nơi hai vị “hóa” để về trời. Tử đấy gò đất được gọi gò “Ông Voi”
Đứng giữa cầu Chùa thả mắt về hai phía, dòng sông như chiếc kính thu thiên. Bầu trời in dưới đáy làm nền cho bức tranh thiên nhiên kỳ ảo, hai hàng cây bên bờ soi bóng đung đưa theo nhịp nước trôi
Thuở trên đầu còn để trái đào, bố tôi đã được ông nội tôi kể cho nghe
Vào thế kỷ XVII làng Lê – Xá có dòng họ Trương, bà Trương Thị Ngọc Chữ lấy Trịnh Bính, đẻ ra Trịnh Cương. Mười bốn tuổi lên ngôi, chúa Trịnh Cương hay về thăm quê mẹ. Một hôm du thuyền ngược dòng Nguyệt Đức, đến địa phận làng tôi (Hành Lạc) thấy có khoảng đất trống, ba mặt là làng, một mặt có bến sông, bãi chợ, chúa bèn cho dừng thuyền lên bờ thưởng ngoạn..Xa xa, những vườn nhót vàng sẫm, tiếng chim tí tách truyền cành, ngài say mê chẳng muốn quay về.Thế rồi thành thói quen, cứ mỗi lần về quê ngoại, chúa lại đến nơi đây ngắm cảnh, nhiều lần ngủ lại qua đêm. Dân làng tôi thấy chúa mến cảnh, quí người làng, bèn xin chúa cho lập một vườn Ngự , từ đấy cái tên xóm Vườn Quan , Lưu Xá được hình thành
Từ Lê Xá ngược dòng sông qua Ngô Xuyên mới tới Hành Lạc, đặt Vườn Ngự ở đây hẳn chúa Trịnh Cương phải tinh tường lắm
Chẳng biết chuyện ông nội tôi để lại có phải là chứng tích hay không, nhưng được nghe qua lời kể lại của bố tôi, tôi không chỉ tự hào về đất làng mà còn thấy làng quê, dòng sông và con người gắn bó thật khăng khít. Bà nội mất, tôi theo mẹ đến dòng sông. Mẹ ném một hào xuống sông rồi múc một ca nước về rửa mặt. rửa tay chân cho bà. Mẹ tôi mất. chị tôi cũng làm như vậy
Tôi tắm nước dòng sông từ nhỏ, nước dòng sông lại rửa sạch cho bà và mẹ tôi trước khi từ giã cõi trần. Cũng là nước của dòng sông thôi, sao có lúc thân thiện thế, có lúc linh thiêng huyền bí thế ?
Làng tôi nghèo, người làng đa phần làm nông nghiệp, con trâu cái cày là bạn không thể thiếu với nhà nông. Những chiều tháng sáu âm lịch, mang trâu ra sông tắm, nhìn đàn cá bơi quanh, bao mệt nhọc của một ngày đi cày, nước sông quê dường như cũng cuốn trôi đi hết
Đêm trăng ngồi dưới bóng tre, vuốt tóc người yêu, nhìn dòng nước bạc, thả con thuyền giấy trôi, lòng bồng bềnh như mình không còn là con người thực nữa. Chao ôi ! sông quê hiện thực thế, sông quê lãng mạn thế. Một anh bạn làm thơ thốt lên” Gió triền sông thổi dài câu hát” thật chẳng ngoa chút nào
Tôi may mắn hơn các bạn cùng tuổi, từ nhỏ đến giờ chỉ quanh quẩn bên khúc sông quê, được ăn những bữa cháo trai béo ngậy mà dòng sông cung cấp, được bơi qua sông đánh nhau với lũ trẻ thôn bên, được chứng kiến những buồn vui mà dòng sông chẳng thể thốt lên lời.
Sông giận giữ khi trời nổi giông gió, sông đau dớn, quằn quại khi phải nhấn chìm những di sản quí giá một thời!
Giờ đây làng đã lan tới tận bờ sông. Lòng sông đầy lên bị bị ứ đọng những rác thải lâu ngày. Thương tình anh bạn làm thơ. Câu hát không được gió triền sông thổi dài mà phải dừng lại bởi bức tường những nhà cao. Nhịp sống ồn ã kiểu thị thành đã tới, Người ta quên đi cả những tên xóm đầy ý nghĩa, mà gán cho nó bằng những con số vô hồn, xóm 11, xóm 12, ! Ngay cả các phương tiện truyền thông của thôn, của xã cũng thản nhiên gọi vậy !
Tuy vậy sông quê vẫn lặng lẽ, cần mẫn chở nước trôi xuôi. Ao Giáp, ao làng Hoàn, gò Ông Voi đã bị san lấp thành nhà và vườn cây cá nhân. Ngày hội làng, đứng giữa lòng ao Giáp ngày xưa nhớ lại trò bắt vịt, lòng cứ ngao ngán. Thắp nén hương cầm trên tay, nhìn về phía gò Ông Voi thấy như mình có tội với tổ tiên, với Thành Hoàng làng
Câu nói người xưa”sông có khúc…” cứ ám ảnh tôi. Cả một dòng sông nhưng mỗi khúc sông mang một tên khác nhau,qua địa phận làng nào thì khúc sông mang tên làng ấy,có khúc sông mang hai cái tên khi mà hai bên bờ sông là hai làng khác biệt. Chẳng biết sông buồn hay vui khi mang hàng trăm cái tên còn tên thật thì bị lu mờ,
Thực tình mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX , một số đình chùa được cấp bằng”Lịch sử-Văn hóa” người làng tôi mới biết đến hai tiếng “Nguyệt Đức”, tuy vậy cách gọi sông quê, thói quen đã ngấm thành máu thịt không dễ gì từ bỏ
Dù khác xưa nhiều nhưng với làng sông vẫn gắn bó thân thiết trong hai tiếng SÔNG QUÊ
LikeShow more reactions
Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét