Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

CẦU TỰ


                                                                         Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
-         Trông thì mỡ đấy! Thế mà chẳng khác nào con vịt tịt. Đàn bà không sinh con
nối dõi tông đường cho chồng là loại đàn bà gì- Bà Thảo trề môi nói khẽ dường như chỉ đủ cho một mình nghe mỗi khi nhìn thấy con dâu. Bà Thảo nghĩ: trông nó có đến nỗi nào. Mình thon, mông nở, lồi căng như mông ngựa. Đàn bà như thế theo kinh nghiệm ắt hẳn dễ dàng sinh nở, vậy mà Lành chục năm nay rồi kể từ ngày cưới vẫn chưa có con. Hoàng con trai bà đã đi khám, kết quả tốt. Lành cũng đã đi khám, kết quả cũng tốt. Vậy thì lỗi ở đâu. Thật ra thì vài năm sau ngày chúng nên vợ nên chồng, Lành cũng đã có tin. Bà thịt gà, thắp hương  tổ tiên cầu an, thế rồi mà cái thai lại hỏng khiến mọi người không khỏi lo lắng bực bội..
Có lần nhìn hút theo cái bóng của Lành, bà Thảo buột miệng nói với Hoàng: vợ mày chỉ biết ăn với đái thôi. Hay là trước kia nó chơi bời trác táng nên mới sinh ra như thế.
Hoàng nhìn mẹ, trán cau, mắt nheo vẻ không bằng lòng nói:
            -Mẹ! Sao mẹ nỡ nói con dâu mẹ như thế! Chục năm nay, Lành ăn ở thế nào , mẹ rõ rồi còn gì. Chúng con cũng muốn có con lắm chứ.. Con cái là cái lộc trời cho. Phải cái vía vất vả như thế đành chịu chứ còn biết làm sao.
            -Ừ! Thì có ai bảo nó hư hỏng đâu. Nó chăm làm, ngoan ngoãn. Nhưng người đàn bà không có con có khác gì cây cau điếc. Có đứa con vợ chồng anh chị mới có tương lai. Tôi già rồi. Gần bảy chục tuổi đầu, như người ta thì đã có cháu nội cháu ngoại, thậm chí có chắt. Đây tôi mong mãi đứa cháu mà không được.
            Nhiều năm nay , Lành không thể dứt khỏi suy nghĩ luôn thường trực trong tâm. Lành muốn có con! Muốn lắm! Tháng nào cũng nín thở theo dõi có tin mừng không. Lòng buồn bã mỗi khi hụt hẫng. Lành đã chủ động,  thuốc men cho chồng, cho anh ăn nhiều rau củ quả giàu sinh tố như rá đỗ, hồ tiêu, trứng gà, rượu Ba kích tím có lợi cho sức khỏe nam giới. Hai người chọn ngày để quan hệ. Hoàng cũng khỏe và dai sức. Vậy mà cũng chẳng ăn thua.
            Năm vừa rồi, vào tiết xuân, Lành theo mấy chị em cùng thôn đi lễ chùa Hương. Lành đứng thẫn người trước bức tượng của đứa bé trai được đẽo bằng loại đá thạch anh trắng. Lành chợt thấy khát vọng mãnh liệt có con. Phải chi sớm có con, có  thể con Lành  cũng được  tám chín tuổi rồi. Là con trai, chắc nó ngịch ngợm lắm. Nó đã đi học. Lành mua cho con cái cặp, mấy quyển sách, vui mừng nhìn theo mỗi bước chân con đến trường. Có đứa con, Lành lên đời, sẽ có cái đề duy trì hạnh phúc lâu dài, tự hào với chồng, với gia tộc. Mẹ chồng bớt đi ánh mắt soi mói khó chịu, bớt đi sự trì chiết. Theo kinh nghiệm mọi người kể lại, Lành chạm nhẹ tay vào người thằng bé, đúng vào chỗ con chim của nó, nhắm mắt giây lát, miệng thầm khẽ: Na Mô A Di Đà Phật. Na Mô A Di Đà Phật…Cầu xin Phật phù hộ độ trì cho con sinh đứa con trai…..
            Thật ra Lành đã tới nhiều chùa khác để cầu tự, xong không có kết quả. Chục năm trời sống trong nỗi lo lắng thường trực, sợ chồng ngoại tình, sợ sứt mẻ tình cảm vợ chồng, sợ không có tương lai, sợ ánh mắt bực bội lãnh lẽo của mẹ chồng nên nét mặt Lành nay đầy vẻ ưu tư. Mỗi ngày, nỗi lo ấy một lớn thêm khi hy vọng có đứa con xa dần, tuổi mỗi lúc một cao.
            Bà Thảo nói với Hoàng: Con xem, vợ mày ngày càng đuỗn ra. Nuôi  con gà mái nó đẻ cho trứng. Đàn bà không đẻ được thì có khác nào con vịt tịt. Con vịt tịt là câu nói bà dùng mỗi khi đay nghiến con dâu. Tốt nhất là hai đứa ly dị. Tìm vợ khác kiếm lấy đứa con. Đàn bà khi bản thân không sinh nở được phải có ý thức, đừng có ích kỷ hẹp hòi, hãy tạo  điều kiện cho chồng kiếm đứa con.
            Hoàng nói:  Sao làm thế được hở mẹ. Chúng con làm bạn với nhau hàng chục năm nay, chung lưng đấu cật xây dựng gia đình. Lẽ nào con bỏ cô ấy. Con người chứ có phải mớ rau, mớ cỏ. Nói bỏ là bỏ ngay được.
            Bà Thảo: Anh chỉ được cái giỏi lý luận, song quả thật anh dốt lắm. Anh phải động viên nó, khéo léo với nó. Khối người đàn bà chủ động đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Vợ ấy mới là vợ.
            Hoàng: Thật ra nhà con cũng vài lần có tin, nhưng không giữ được. Phôi thai yếu  quá. Con đã một lần hôn nhân không thành công. Nay lại lần nữa con không chịu nổi.
            Bà Thảo tần ngần nói: Thôi! Chuyện xưa nhắc lại làm gì! Bỗng nhiên bà nhớ lại hình ảnh của Dung, người vợ đã ly dị của Hoàng . Dung và Hoàng ly dị nhau sau hơn năm chung sống. Con bé xinh hơn con Lành nhiều, hồn nhiên. Lúc ly hôn nó đã có thai. Hoàng bỏ vợ theo ý của bà. Nghe tin chỉ sau đó vài tháng, nó lấy chồng . Hai vợ chồng Dung lên Thái làm ăn phát đạt, giàu có. Dung có ba đứa con hai trai, một gái.
*
            Vợ trước của Hoảng tên Dung, người làng  Phú Thịnh, có khuôn mặt tròn, cặp mắt có hàng mi cong, lông mày mảnh, đôi môi đỏ, răng trắng nhỏ đều như hạt lựu. Dung có tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn, hồn nhiên. Vẻ hồn nhiên tao nên cái duyên thầm  hấp dẫn.
            Đám cưới của họ được tổ chức vào một ngày đầu tháng hai. Mưa xuân nhẹ lây rây không đủ ướt mặt sân, vương trên áo người. Dung mặc áo cưới. Áo cưới vừa khéo  khít khao ôm lấy tấm thân thiếu nữ trinh trắng.
            Bạn bè đỡ Dung bước lên xe. Dung vén vạt áo cưới, ngồi bên cạnh chồng, cảm xúc hạnh phúc ngập tràn.
            Ở nhà được một tuần, Hoàng chia tay vợ mới vào Thanh cùng với đội lắp máy . Đơn vị anh đang lắp máy cho một nhà máy lớn ở Thanh. Dự kiến cuối năm nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
            Bà Thảo vốn góa chồng từ hơn hai chục năm trước, ở vậy nuôi con. Cảnh góa bụa, vất vả đã khiến tâm tính bà thay đổi. Từ một người cởi  mở đến thói nghi kỵ. Nếp sống thân thiện, khoan dung mất đi, thay vào đó là sự thù ghét cáu bẳn. Khuôn mặt bà lúc nào cũng cau có, đăm đắm buồn riêng. Cưới Dung về cho con trai, nhìn nhan sắc của Dung, bà dã chột dạ. Vợ xinh rồi ra là vợ người. Nay có người trêu, mai có người trêu. Chồng đi xa, đố mà giữ cho được. Dung lại bắng nhắng thế, hơi một chút là cười. Nụ cười duyên xiêu lều, đổ quán. Bọn đàn ông quanh quẩn xung quanh.
            Từ ngày Hoàng lấy vợ, bà Thảo cảm thấy cô đơn, tủi thân. Bà suy nghĩ , ưu tư : “Con trai quan tâm đến vợ, chẳng để ý gì đến mẹ. Nay chỉ vợ nó là nhất.” Bởi thế bà tức, thậm chí còn ngăn cản cả chuyện phòng the của các con.
            Khi chỉ còn mẹ chồng, nàng dâu trong một căn nhà, hàng ngày, hàng giờ bà Thảo dõi theo từng bước đi của Dung. Bà ghen hộ con trai, cư xử với nàng dâu bằng tất cả sự đố kỵ, ghen ghét tích tụ từ xưa tới nay bởi những buồn đau bà gánh chịu. Bà chửi, bà dè bỉu, thậm chí cầm gậy đánh con dâu.
            Mẹ Dung tên Loan, không thể tin nổi chuyện này. Ngày nay , tân tiến sao có thể có chuyện đó được. Dung kể với mẹ mà mắt nhòa lệ. Dung dùng vạt áo chấm chấm lên khóe mắt. Bà Loan vạch áo con gái, sững sờ khi thấy vết đòn còn bầm tím trên bả vai, trên lưng con. Bà Loan thốt lên : “ Trời ơi! Sao đến nỗi thế này con”. Chợt im lặng, lát sau bà hỏi con  bằng khuôn mặt nghiêm nghị, và ánh mắt có vẻ trách móc :  Hay con đã làm gì….
Dung mếu máo nói: Sao mẹ có thể hỏi con câu hỏi ấy. Mẹ nuôi con ngần ấy năm. Chẳng lẽ mẹ không hiểu con gái mẹ.
Nhìn con gái, Loan ngẫm nghĩ: phải! Từ bé tới giờ, con bé nết na, lam làm, được tiếng là
đoan chính trong cái vùng này. Sao  con bà có thể lăng nhăng được chứ? Loan nói: Nếu vậy. Nếu con không thể ở với gia đình ấy. Mẹ cho con cái quyền………..
Dung nói: Mẹ ơi! Con như ván đã đóng thuyền. Dẫu mẹ chồng như thế. Nhưng còn
chồng con. Chúng con yêu thương nhau. Cuối cùng thì con ở với chồng con là chủ yếu. Anh ấy yêu con, chăm sóc cho gia đình là được. Vả lại con đã có tin rồi mẹ ạ!
            Bà Loan thốt lên hỏi: Thế hả con? Được mấy tháng rồi?
-         Vâng! Được hơn tháng rồi mẹ ạ!
Ngay chiều đó, Dung trở về nhà chồng. Hoàng được nghỉ phép vài ngày về từ Lúc
bốn giờ chiều. Lâu nay nghe mẹ kể, lòng Hoàng bán tín, bán nghi. Thấy Dung về, anh im lặng, nhìn vợ với ánh mắt trách móc thậm chí đôi chút khinh bỉ. Hai người lời qua tiếng lại. Hoàng chỉ vào bụng Dung nói: cô nói thật đi. Cái thai này của ai? Dung sững người không thể tin vào những lời vừa thốt ra từ miệng Hoàng. Dung  cứ nghĩ Hoàng hiều Dung, yêu Dung, tin tưởng Dung. Dung chạy vào buồng trong vùi đầu vào gối cay đắng tức tưởi khóc Bắt đầu từ hôm đó, họ sống ly thân. Niềm hy vọng của Dung về tình yêu, sự hiểu biết của chồng bỗng chốc vụt tắt. Hoàng phủ nhận cái thai đang ngén là của anh. Ghen, nghi kỵ và khinh miệt khiến anh không thể tự chủ mỗi lần về nhà. Có lần Hoàng tóm lấy mớ tóc của Dung, quấn lại, trút giận bằng những cái tát túi bụi vào mặt Dung. ..Nhiều lần như vậy. Cuối cùng, hai người ly hôn.

*
            Bà Thảo chợt nhớ đến Dung. Khi hai đứa ly hôn, Dung đã có thai. Lân la hỏi chuyện được biết về nhà mẹ đẻ sau vài tháng Dung được người đàn ông quê Hà Nam đến hỏi rồi cưới. Hai người hiện ở Thái Nguyên, có cuộc sống hạnh phúc. Bà Thảo thừ người nghĩ:  Cái thai ấy nhất định là của con trai bà. Nhất định thế! Thằng bé là cháu đích tôn của bà. Thật ra bà chưa bắt gặp con bé ngoại tình bao giờ. Ừ! Đúng thế! Nó hồn nhiên, vô tư. Vì không ưa, vì muốn ép con dâu sống với phong cách như bà muốn nên lúc nào bà cũng tưởng tượng ra cảnh nó bị người khác chòng ghẹo. Ừ! Chỉ có vậy thôi.
            Vào một ngày đầu hè, qua  thanh minh, nắng chưa gắt lắm, rạng rỡ phủ xuống không gian, xua đi vẻ xám xịt của những ngày mưa phùn cuối xuân. Ve ra rả kêu trên những lùm xanh. Theo những ngõ nhỏ ngoằn nghoèo, bà Thảo tới nhà bà Loan. Nhìn những đứa trẻ tươi tắn chơi trên đường, dùng những khuôn hình nhỏ xếp hình, có đứa đẩy chiếc ô tô bằng nhựa lăn trên mặt đường bê tông, lòng bà dạy lên ao ước có đứa cháu để bồng bế, để vui tuổi già, để tự tin vào tương lai. Bà sợ nhất là mất giống. Mất giống thì quả thực là tai họa cho gia đình bà. Khao khát đơn giản, với bao gia đình chuyện ấy nhỏ như cái móng tay, nhưng với gia đình bà sao khó khăn . Ông trời thật không công bằng chút nào.
            Sau khi nhấp ngụm nước, bà Thảo bằng giọng trầm chắc, khẩn khoản nói: “Hôm nay, sang đây muốn thưa chuyện với ông bà cho tôi đón cháu về.”
 Không như mọi lần, mỗi khi tiếp xúc với thông gia là mặt bà cau lại, trịch thượng lời nói đanh thép. Lần này bà Thảo ở trong tư thế của kẻ cầu xin. Bà phải xuống thang.
            Bà Loan: Cháu nào của bà ở đây!
-         Thì thằng lớn con nhà Dung đấy. Nó đích thị là cháu tôi, mang dòng máu nhà tôi- Bà
Thảo nói.
Bà Loan: Bà không nói, tôi đỡ đau lòng. Hàng chục năm nay, từ khi hai đứa ly hôn
có bao giờ bà hỏi đến con Dung, đến con nó. Bà một hai đổ cho nó cái tội ngoại tình, không nhận đứa trẻ, đến nỗi vợ chồng chúng phải ly dị. Tưởng mọi việc đâu vào đấy rồi. Nay bỗng nhiên bà sang đòi cháu.
            Mẹ Loan nhớ lại, sau khi ly dị, Dung  hàng tháng không ra khỏi nhà bởi xấu hổ. Nó buồn rầu, khuôn mặt lúc nào cũng ưu tư, suy nghĩ. Mẹ Loan nói: Con cứ an tâm. Cha mẹ thương con. Mọi người rồi rõ thôi. Cây ngay không sợ chết đứng. Nuôi con bà biết tính con  hồn nhiên, vô tư, nghiêm túc trong tình cảm. Cũng như bà, yêu gắn liền với trách nhiệm và lòng tự tôn.
            Khi Dung có người thương, mẹ Loan nói: con phải nói hết với người ta. Người ta có thông cảm, thương yêu thật sự hãy bầu bạn.
            Đến tìm hiểu Dung là người đàn ông gần ba mươi tuổi,” tên Vượng”, vốn là người quen của gia đình, có thời gian theo bố Dung đi làm ăn ở Bắc Ninh.  Anh có khuôn mặt vuông , mắt có hàng lông mày rậm. Thoạt trông đã thấy  vẻ chất phác, phúc hậu. Nghe Dung kể, anh xúc động. Đôi mắt anh  nhìn Dung thiết tha, đồng cảm.
Vượng nói: Anh  biết! Anh hiểu những gì mà em phải chịu đựng. Đã  từ lâu anh quý
Em. Ngày em đi lấy chồng anh tưởng không thể sống nổi. Anh sẽ coi đứa bé như con anh, thương yêu, chăm sóc cho nó.
            Dung khóc. Nước mắt rớm trên mi. Niềm tin, niềm hạnh phúc bình dị chợt đến dúng vào lúc trái tím  bị tổn thương, khao khát được cảm thông, chia sẻ. Lẽ nào Dung không vui.
            Vậy là sau khi cưới, vợ chồng Vượng chuyển lên Thái làm ăn. Họ có với nhau thêm hai đứa con một trai, một gái. Thi thoảng năm hết, tết đến hay vào những ngày lễ, vợ chồng cho các con về thăm ngoại. Ông bà Loan vui vẻ nhìn lũ cháu tung tăng chơi ngoài sân, ra vườn hái ổi. Ông bà an tâm vì hạnh phúc của con gái.
            Bà Thảo: ngày trước, cũng đôi lúc tôi không phải với cháu. Là con, bố mẹ đánh cửa trước con vào cửa sau, nhẫn nhịn thì ai lỡ đụng đến…. Dung nó không được như thế.
            Bà Loan hơi bực mình, khi nghe bà Thảo phân trần. Hình dung lại những vết đòn chẳng khác đòn thù trên lưng, trên vai Dung khi nó bụng mang dạ chửa, bà Loan hết sức bực tức, nói, giọng pha chút chua chát: bà không nên đến đây tìm cháu. Cả cậu nữa. Không có đứa con nào của cậu ở đây cả. Cậu và mẹ cậu đã làm nó đau đớn, khổ sở đến cùng cực. Chỉ thiếu nỗi hóa điên vì mẹ con cậu. Thằng bé ở với bố mẹ nó trên Thái. Nó không phải là con cậu.
            Rời nhà bà Loan ra về, trong lòng bà Thảo vẫn không hết dấm dứt. Thằng bé không phải là cháu bà điều này đúng sai chưa rõ. Nhưng chẳng hiểu sao, bà luôn có niềm tin, có đích thực là cháu bà, con của Hoàng. Linh tính nói cho bà điều đó. Vả lại, nghe mọi người kể. Thằng bé lớn lên, càng ngày càng giống Hoàng. Bằng mọi giá bà phải đưa thằng bé về sống với bố nó. Điều này càng khẩn thiết hơn khi mà Lành chục năm trôi qua vẫn không cho bà đứa cháu. Dòng họ nhà bà đến đây không thể tuyệt tự.

            Vào một buổi sáng không lâu sau đó, trong căn nhà của vợ chồng Dung, bà Thảo cùng Hoàng ngại ngùng không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào. Bà Thảo nhìn quanh căn nhà như muốn tìm cái gì đó. Hoàng nhìn ra đồi chè bên ngoài. Những luống chè xanh, xanh ngắt bao phủ cả vạt đồi. Rất xa về phia cuối đồi vài khóm mai xanh mỡ màng. Dưới khóm mai là những nếp nhà xinh xắn, mái thái, ngói đỏ tươi. Hoàng nghĩ: chẳng biết vợ chồng Dung lên đây từ khi nào. Từ lúc ly hôn, họ không có tin tức gì về nhau.
            Bà Thảo: hôm nay tôi đến đây , mong anh chị thông cảm, cho chúng tôi đón cháu về.
            Dung: Cháu nào ạ?
Bà Thảo: Thì cháu tôi chứ ai? Chị biết còn hỏi.
-Sao  bà nói vậy? Dung  chột dạ . Chị liếc nhìn Hoàng. Bao năm nay mới gặp lại. Giờ
Hoàng già đi nhiều so với độ tuổi. Khuôn mặt đen nhám, hốc hác, đôi mắt biểu lộ nỗi buồn riêng. Bất giác Dung cảm thấy thương hại người đàn ông này. Dẫu sao giữa họ cũng có những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi. Nhưng rồi, trong lòng lại dậy lên những cảm xúc đau đớn, tủi hổ trước đây Dung đã từng chịu đựng. Tình yêu, tình thương trong chị với Hoàng tắt ngấm còn lại đó là sự thương hại xen lẫn với cảm giác tức giận.
-         Thằng Cò là máu mủ của con trai tôi. Anh chị nên cho cháu về ở với bố cháu. Đấy là
việc làm có đức.
            Dung đau đớn nhớ lại lúc còn là dâu con của bà Thảo. Bà cầm cái đòn bằng gỗ vuông, dài nửa mét, nhốt chị vào buồng, quật chị tới tấp, không nương tay như để trút giận. Dung hai tay ôm đầu, ngồi thụp tránh những đòn đánh vào đầu, vào bụng ảnh hưởng đến thai. Bà Thảo: Mày ăn nằm với thằng nào? Mày đừng hòng làm nũng với con trai bà. Nó về nó cho mày một trận. Cút….cút khỏi nhà này…
Nghĩ vậy Dung nói bằng giọng uất ức: “ Không! Cháu không mang dòng máu của nhà bà. Chị nói mặc dù biết mình đang dối.
-         Không! Nó là cháu tôi.!- Bà Thảo chợt sững người khi thấy đứa trẻ trai độ chục tuổi
vào nhà. Không chú ý thới khách, thằng bé ào tới mẹ.
-         Con chào bà, chào bác đi!
-         Cháu chào bà, chào bác!
-         Trời ơi! Nó giống cha nó lúc nhỏ. Mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa, miệng rộng.
Đúng nó là cháu bà rồi. Không thể nhầm  lẫn!  Bà khẳng định, đồng thời ký ức kéo bà về với những ngày tháng xưa. Bà đã từng  rủa xả: “ Thai ấy không phải của thằng Hoàng! Không phải của thằng Hoàng. Đàn bà không biết tự trọng, không còn biết xấu hổ.
Trong khi Hoàng bối rối không biết nói gì. Bà Thảo nảy suy nghĩ; “ Nếu Dung cố tình không thừa nhận. Bà cùng Hoàng cũng tìm cách đưa thằng bé về. Nó phải được chăm sóc bởi bố nó, bởi bà nội. Bà Thảo đứng dạy, đi tới chỗ thằng bé, suýt nữa ôm chầm lấy cháu. Bà cầm tay thằng bé trong khi đứa trẻ vùng vằng. Bà nói: “ bà là bà nội của cháu. Đây là bố của cháu. Bà đến đón cháu về. Ra đây bà cho quà.”
      Thằng Cò giằng tay ra đứng nấp sau lưng mẹ. Nó không hiểu việc gì đang xảy ra. Nó
ngạc nhiên, thậm chí sợ hãi nhìn người xưng là bà nội của nó, và kia là bố đẻ của nó. Thằng Cò nói: Không! Bà không phải là bà nội cháu. Bố cháu là bố Vượng.
            Hoàng nhìn thằng Cò. Anh nhận ra vẻ thân thuộc trên khuôn mặt, và hình dáng của nó. Sao không thể nhận ra con mình kia chứ. Anh xấu hổ khi nhớ lại lúc bực tức ruồng rẫy Dung. Anh đã phủ nhận thai là của mình. Anh đã làm Dung đau khổ, xấu hổ trước  hàng xóm. Lúc ấy, anh chỉ nghĩ được một điều, càng làm cho Dung xấu hổ, bẽ bàng trước mọi người càng tốt.
-         Đấy bà xem! Cháu nó nói không phải là cháu bà- Dung nói- Chị chợt cảm thấy xót
Thương, thông cảm cho bà Thảo và Hoàng. Nhưng lại nghĩ: chục năm qua Hoàng và bà Minh không một lời thăm hỏi. Động cơ nào họ nên đây nhận con, nhận cháu. Rõ là không phải vì tình cảm yêu thuơng, ý thức trách nhiệm. Đó chỉ do động cơ ích kỷ của con người. Cò cần tình thương của mẹ, của bố Vượng. Anh ấy thương yêu nó, chẳng hề phân biệt nó với những đứa khác. Chị đã có riêng cho mình một người đàn ông biết khoan dung, giàu tình cảm, có một gia đình yên ấm, hòa thuận. Dung nói: “ Cò không phải là cháu bà. Nó mang họ Vũ chứ không phải họ Đinh.”
            Bà Thảo bực dọc không dứt kể từ lúc từ Thái Nguyên trở về. Con Dung cũng đáo để thật. Nó ác tâm không cho bố con , bà cháu được nhận nhau. Bất chợt bà chạnh lòng nhớ lại hình ảnh của Dung,  căn nhà này một thời ngập  tràn bóng dáng thon thả của nó, nét hồn nhiên của nó.
            Chợt nhìn thấy Lành đi vào, bà Thảo bực dọc nguýt theo, nói: cái đồ sõng lưng. Đàn bà không sinh con  thì là cái thá gì. Không đẻ được thì về nhà mẹ đẻ. Cho Hoàng lấy vợ khác. Khối người phụ nữ biết hy sinh cho chồng đấy.
*
            Mấy tháng sau Lành lầm lũi về nhà mẹ đẻ. Lòng chua xót, đau đớn tràn đầy vì hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay. Đi đâu chị cũng che mặt bằng cái nón sùm sụp.
            Song cũng chỉ vài tháng sau, Lành tái hôn với một người đàn ông ở làng bên. Hai người rất nhanh chóng sinh con. Rổ rá cạp lại những vẫn tròn vạnh như trăng rằm tháng tám.
            Hoàng lấy vợ khác, người xã bên tên Thủy. Thủy chăm chỉ nhưng tính nết cương cường, nói năng bỗ bã, chẳng biết nhường nể một ai. Bà Thảo mỗi lần bị Thủy đối đáp chua chát, lại nhớ tới hình ảnh của hai con dâu trước, tiếc nuối, nhưng đành bấm bụng, chẳng thể san sẻ được  với ai. Hoàng mỗi ngày thêm cục cằn, nhưng trước thái độ cương cường của Thủy, cũng đành chịu. Nói quá, lỡ tay vũ phu đánh Thủy là teo liền. Thủy chẳng bao giờ chịu nhịn chồng. Hắn mà đánh Thủy, liệu chừng thọt cà tới cổ.
            Bà Thảo đi lễ chùa. Mỗi lần vào chùa là mỗi lần  đem theo sính lễ cầu tự, mong con dâu sớm có thai. Bà chắp tay khấn khứa: Na Mô A Di Đà Phật. Con lạy trời ! Lạy Phật! Lạy thánh mớ bái  cho thằng Hoàng, con Thủy sớm có con. Vợ chồng chúng cho tôi đứa cháu để vui tuổi già.
                                                                                                            Hưng Yên tháng  năm 2017
-          


            

0 nhận xét:

Đăng nhận xét