Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

VỢ CHỒNG THỜI SMART FON



                                                                                    Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Thủy vừa cảm thấy lo lắng, vừa bực bội, khi nhìn thầy SMART FON lúc nào cũng kè kè trên tay chồng, chỉ muốn giằng nó khỏi tay anh vứt  đi. Ngày xưa mới lấy nhau, “chuyện thầm kín chẳng dám nói với ai”, vợ chồng đêm bảy, ngày ba, ngoài ra không kể. Anh nhà chị vô cùng sung mãn, cử chỉ, hành động vô cùng âu yếm, chiều chị từng tí. Vậy mà từ ngày có cái điện thoại thông minh Hùng quí nó hơn quí vợ, cặp kè với nó, tâm sự với nó cứ như với người tình tuyệt vời. Mà vợ chồng đã già đâu chứ, mới gần bốn chục, tuổi của sự hoàn chỉnh của giới. Lẽ  ra phải ghê gớm lắm mới phải.Không những thế còn xuất hiện cái tính cáu bẳn. Hễ nói là to tiếng, nặng lời với vợ và các con. Người đâu không biết tâm lý là gì. Hay cái giống đàn ông nó thế, chưa lấy được người ta thì săn đón, được rồi thì sinh rẻ rúng.
Từ hồi chuyển từ điện thoại cục gạch sang điện thoại thông minh, Hùng cặp nhật cho mình nhiều kỹ năng lắm. Anh cài Jalo, cài Messinge, cài Twitte…rảnh việc là lướt WEB, vào FACE dốc bầu tâm sự với cả những người anh chưa gặp mặt bao giò. Đời anh không thể thiếu nó. Thiếu gì thì thiếu chứ thiếu SMART FON không hiểu đời anh sẽ ra sao. Nên mỗi lần bị vợ gầm ghè khó chịu vì sử dụng điện thoại, nói thật nhé, thây kệ Thủy. Cô ấy làm sao mà hiểu được. Đàn bà nên chăm chú vào chồng con, đừng nên quan tâm cái khác làm gì. Từ xưa đã thế rồi.

Sáng nay, mọi người trong phòng của Thủy sôi nổi bàn tán. Không chỉ phụ nữ mà cả cánh đàn ông nữa. Chủ đề không ngoài chuyện tình yêu. Mọi người cao giọng: “Chuyện ngoại tình ngày nay không hiếm gặp nữa. Tình công sở. Tình một đêm. Tình qua Email. Tình qua Face. Làm sao kiểm soát được đây. Đặc biệt là cánh đàn ông. Tốt nhất là thu đủ lương tháng. Không có tiền, mọc cánh ra mà đi. Thi thoảng tớ xem cái điện thoại nhà tớ. Biết hết các bạn của lão. Có bạn gái nào cũng biết. Bạn mới, khả nghi là tớ làm rõ liền. Làm thế không sợ ông xã giận ư. Thì nhè lúc lão mải việc, đi tắm chẳng hạn mà xem.”
Cánh nam giới: “không kiểm soát được đâu các bà ơi. Bước ra khỏi nhà, đàn ông là của xã hội rồi. Có cái tính ấy, họ tìm được muôn vàn cơ hội. Đi theo từng bước cũng chẳng quản lý được. Chỉ hy vọng vào sự tự giác của họ thôi.”
Nghe đồng nghiệp bàn tán Thủy đâm lo. Vài tháng nay rồi, Hùng dường như không biết có vợ trong nhà. Đàn ông ở tuổi tứ tuần phải sung mãn mới đúng. Đằng này có lẽ hú hí với con nào nên chẳng thèm để ý tới vợ. Kiểu này đến phải đập cái máy điện thoại của lão để lão không thể liên hệ với ai được nữa mới yên.
Nỗi lo lắng ấy từ lâu nay rồi thường trực trong Thủy làm chị ăn không ngon, ngủ không yên, liên tục phải kín đáo để ý tới thái độ, cung cách cư xử của chồng. Mà sao dịp này trông Hắn gian thế, cứ như vừa phạm lỗi gì đó….
Vợ chồng Thủy đều là công chức. Mỗi người một cơ quan. Hàng ngày, bọn trẻ đi học. Buổi sáng, Thủy, Hùng mỗi người một xe tới cơ quan. Trưa ăn cơm công sở. Tối cả nhà mới sum họp.
Chiều mỗi khi về nhà, là Thủy tranh thủ vào chợ mua bán, gấp gáp về nhà lo bữa cơm tối cho cả gia đình. Gặp chồng, gặp con là niềm vui của Thủy. Thấy chồng con ăn ngon miệng, được câu khen cũng là niềm vui của chị. Chị yêu anh ấy, yêu lũ con, coi đó là sở hữu riêng không thể xâm phạm. Bởi vậy mỗi khi đồng nghiệp râm ran về chuyện ấy, Thủy thường nói với thái độ không khoan nhượng:” Tớ chúa ghét chuyện lăng nhăng. Tớ mà phát hiện lão nhà tớ ngoại tình, là lành làm gáo, vỡ làm muôi ngay. …”.
Tối nay, sau bữa cơm tối, Hùng ra nằm giường, bật quạt, tay cầm cái SMART FON, theo thói quen lướt Web.
Nhìn chồng mải mê với cái máy điện thoại, nhớ lại chuyện giữa đồng nghiệp ở cơ quan, Thủy chợt lo. Thủy nhắc:- Anh  có cất ngay cái điện thoại đi không-  Người đâu  về đến nhà vẫn không thôi với cái máy-  Đồng thời ném cái nhìn tỏ rõ bực tức về phía chồng.
Chồng chị “ anh  Hùng “ đang nằm ngiêng trên giường, chân co, chân duỗi, dán mắt vào cái máy điện thoại, dường như không nghe thấy lời nhắc nhở của vợ, tiếp tục theo dõi một sự kiện nào đó trên màn hình điện thoại qua FACE BOOK, thi thoảng lại cười ra vẻ vô cùng đắc ý.
-Anh cất ngay cái máy điện thoại đi! Xem mãi không chán ư! Trông anh cười, nói với cái máy, người ta nói anh bị thần kinh đấy. Đàn ông đàn ang gì, đi làm cả ngày, suốt ngày ở công sở với cái máy tính, máy điện thoại, về nhà vẫn không rời ra được-  Thủy chì triết- Ngôn ngữ của chị vừa tỏ vẻ bực tức vừa mát mẻ cũng không khiến  Hùng bận tâm, rời khỏi cái điện thoại cầm tay. Anh tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại, bỗng nhiên cười  thầm, miệng lẩm bẩm cái gì không rõ.
 Thủy càng thêm  bực tức nghĩ thầm: chẳng lẽ lại xông ra giường giằng lấy cái máy điện thoại ném đi cho  hả giận.
Từ lâu nay rồi vào mỗi tối, sau khi ăn cơm, anh một góc giường, hai đứa con mỗi đứa một góc ghế bận bịu với máy điện thoại. Hai đứa con chị, thằng Hạnh, con Hằng mỗi đứa một chiếc máy điện thoại thông minh. Chị bảo mua cho chúng cái máy rẻ tiền thôi, dùng Sim sinh viên, chúng không chịu, nhất thiết đòi bằng được máy APPLE hoặc dòng Sam Sung đời mới.. Tiền lương  chẳng dư dật lắm, nhưng chiều con cuối cùng anh chị phải chiều chúng. Thằng Hạnh có chiếc điện thoại thông minh, tìm cách cài được GAME,  JALO, FACE, mua sim 3G, 4G thế là cả ngày vui với thế giới ảo. Con Hằng cũng vậy suốt ngày buôn dưa lê với bè bạn, cung cách cứ như người ở trên thiên đàng rơi xuống, điệu bộ của nó, mái tóc nó để, cách nó ăn nói trông giống các nhân vật trong phim hoạt hình Hàn Quốc lại phần giống cách ăn nói, điệu bộ của người hành tinh khác.
 Thủy tiếp tục với vẻ giận dỗi không giấu diếm:Cũng như anh, em bận tối mặt cả ngày ở công sở, về đến nhà lại rối lên với cơm nước, giặt giũ cho bố con anh. Đã vậy, suốt ngày anh bận rộn với cái máy, không rời nó ra nửa bước, Việc nhà anh không giúp đỡ em. Anh không dạy dỗ chúng. Anh làm hỏng chúng. Dường như em và con, gia đình này không phải là của anh.
 Hùng dừng tay, ném cái điện thoại xuống đầu giường, nói: mất cả vui. Càng ngày càng khó tính, cấm cẳn như ma ấy.- Thì thôi vậy!
Thủy: Anh nhìn hai đứa nhỏ kia. Bố thế thì sao dạy bảo được con.
Hùng nhìn hai đứa con đang dán mắt vào điện thoại, bực mình nói: hai đứa có thôi đi không. Vào bàn học ngay kẻo lại ầm ĩ lên bây giờ. Có thôi đi không! Không thôi, bố thu lại máy đấy. Thằng Hạnh, con Hằng phụng phịu, bất đắc dĩ về bàn học. Chúng để máy điện thoại ngay trước mặt. Thoảng lại ngó vào màn hình.
Thủy nói: nước này em sẽ không thuê bao mạng Internet, không thuê bao các gói TV mạng nữa. Cứ cái đà này, các con hỏng mất, trong nhà ngày nào cũng có cãi vã chỉ vì điện thoại di động và cái tivi.
Thật ra mấy tháng trước  Thủy đã báo cắt thuê bao mạng. Thế nhưng chồng và các con chị dùng 3G rồi 4G kết quả trả cước cao quá, xót ruột, lại đành báo lại  thuê bao mạng. Từ hồi có cái máy điện thoại di động thông minh tới giờ anh sáng dậy ăn sáng, đi làm, tối về tắm giặt, ăn cơm tối , làm bạn với màn hình điện thoại tới mười một mười hai giờ đêm rồi lăn ra ngủ. Chẳng tâm lý gì cả.
Nói đến đấy, Thủy chợt nghĩ: Ngày xưa mới lấy nhau cứ quấn lấy mình, chết mệt, vậy mà giờ đây, có lần mình phải chủ động mà hắn chẳng thèm đụng cựa. Tất cả là tại cái mạng. Chị hồ nghi: có thể hắn có bồ giấu ở đâu đó . Có thể lắm…Đàn ông ai mà tin được họ.

Chiều nay, sau khi gấp máy tình trong chế độ ngủ đông, Thủy nhoài người với lấy cái túi xách để phía trái bàn. Với cảm xúc  vui vẻ vì cuối cùng công việc đã xong. Lúc nãy, chị nộp lên phòng bản kế hoạch dự án được giao làm hơn tháng nay. Để hoàn thành nó, chị phải tranh thủ làm cả trưa ở cơ quan. Chị vội chào đồng nghiệp, bước nhanh xuống lán, lấy xe. Giờ chị qua qua trường tiểu học đón con Hằng, sau đó rẽ qua chợ. Mọi khi Hằng vẫn được bố đón, nhưng hồi nãy Hùng điện chọ chị, báo tin sẽ về muộn đôi chút.
 Hằng đã đợi mẹ ở cổng trường. Hằng cười rất tươi, vui khi thấy mẹ tới đón. Chị dừng xe, để con ngồi ổn định trên xe, mới tăng ga. Mẹ con chị rẽ vào chợ. Chị tranh thủ mua rau , đậu vài thứ lặt vặt rồi vẽ vào con đường bê tông qua khu phố nhỏ về nhà.
Hùng vẫn chưa về. Giờ đã gần sáu giờ tối. Chị ngước nhìn đồng hồ, thoáng lo lắng, rồi tất tả vào bếp nấu cơm. Chị có niềm vui thích đặc biệt mỗi khi vào bếp. Gian bếp tuy nhỏ, nhưng ngăn nắp. Tủ chạn treo, tủ bếp, bồn rửa, tủ lạnh dường như chúng tìm đúng vị trí, ngay ngắn tạo cho căn phòng vẻ thông thoáng trang nhã. Mỗi món ăn, dù là rau Thủy cũng luôn  thay đổi cách chế biến cho chồng con được ngon miệng.
Gần nửa tiếng sau, Hùng  mới về. Cả nhà vui vẻ bên mâm cơm. Hằng ríu rít kể chuyện vừa xảy ra ở lớp.
Sau khi ăn, Hùng ra gường nằm với tâm trạng thỏa mái, phởn phơ. Anh với chiếc SMART FON, bắt đầu lướt WEB. Thằng Hạnh, con Hằng mỗi đữa một góc cũng bắt đầu bận bịu với cái máy điện thoại. Sau khi rửa bát, quay lại thấy cảnh ấy, Thủy cảm thấy không hài lòng :
            - Này anh! Có thôi đi không!
-         Đấy! Lại điệp khúc rồi!
-         Sao nói là điệp khúc!  Anh phải để các con nó học chứ. Chúng mỗi đứa lăn ra một
góc kia- Chị bực bội nói- Không chịu thay đổi gì cả. Nếu muốn thì anh ra chỗ khác mà xem.
-         Anh còn ra chỗ nào nữa. Ngay cả trong nhà anh không còn tự do nữa rồi. Em  theo
dõi, cấm anh không được xem mạng. Thế thì còn gì là niềm vui sống nữa. Cả ngày vất vả, tối về xả hơi chút cũng không được.
-         Sống với anh em anh không vui sao? Vậy thì anh tìm cô khác mà sống. Mẹ con
em sống với nhau- Chị dằn dỗi nói.
-         Đấy ! lại đai ra rồi. Người đâu mà dai như đỉa ấy. Đàn ông sợ nhất các bà vợ nói
nhiều.
            Nghe Hùng nói, mỗi lúc Thủy thêm bực mình: Thì anh đi với người phụ nữ khác. Còn lạ gì anh nữa. Các anh ngồi cạnh vợ mà vẫn còn anh anh em em tán tỉnh với những cô gái trên mạng, gửi ảnh cho nhau. Khối ông còn hẹn nọ hẹn kia,  anh yêu em, em yêu anh. Yêu đương gì kiểu ấy. Chả gặp mặt nhau bao giờ cũng yêu. Yêu cái con chó. Em nói để anh biết. Anh làm gì, ỏ đâu, tiêu bao nhiêu tiền, em biết hết. Không giấu em được đâu. Đàn ông các anh, ai tin được. Gớm! Trời đất, không biết thời này là cái thời gì nữa….
            Hùng vừa cáu giận , vừa ngạc nhiên trước lời lẽ của vợ. Trước đây đâu có thế; Cô ấy dịu dàng, hiền thục. Vậy mà giờ này trông kìa, tru tréo, cay nghiệt, mặt méo đi tái nhợt. Giờ mới thấy con hổ Hà Đông nó thế nào.Tại sao giờ đây vợ chồng hay va chạm, lời qua tiếng lại, lúc vì cái SMARTFON, lúc vì mấy đứa nhỏ, lúc vì anh về muộn. Anh đã ghìm nén lắm rồi. Bảo anh phải từ bỏ thói quen sử dụng điện thoại di động thông minh ư ? Khó quá! Với anh nó như người tình rồi. Nó sở hữu anh, hay anh sở hữu nó. Cũng như vậy, vợ sở hữu anh, hay anh sở hữu cô ấy. Rút cuộc lại, anh không còn là của anh nữa. Anh là của vợ, của cái điện thoại kia. Anh đã nhịn lắm rồi, ức lắm rồi. Vậy mà vợ anh nói: anh đi chỗ khác mà sống, sống với người đàn bà khác. Mà anh có làm gì cơ chứ. Thà cứ như thằng Đỏ, khi vợ tru tréo vì bắt gặp hắn cùng với người đàn bà khác, hắn tỉnh khô nói “  vừa đẻ xong, cô phải chịu thiệt”. Vợ Đỏ có  làm được gì hắn đâu, đành phải nuốt cục ngẹn vào lòng. Còn anh, đứng đắn quá đi  chứ, chưa cờ bạc, gái gú mà hàm oan. Thật tức quá. Tức không chịu được. Anh nói: Ừ thì anh đi chỗ khác sống. Nếu em không còn thích sống với anh. Anh nói rồi đứng phắt dậy, lấy vài bộ quần áo, cho vào cái va ly.
Thủy lúc này bỗng chột dạ, tự hỏi mình đã quá lời rồi chăng. Nhưng phụ nữ vốn kiêu ngạo. Chị nghĩ: thách kẹo anh ấy ra khỏi nhà. Làm sao anh  có thể sống thiếu chị, xa những đứa con. Chị nói: ông thích đi à? Đấy rảnh chân  rồi, đi đâu thì đi. Ngoài kia có con ….đ..nó trông nom ông.
Mấy đứa trẻ, thấy bố mẹ cãi nhau sợ hãi, lấm lét nhìn bố mẹ. Chúng không dám can ngăn. Chúng không hiều để can ngan. Chúng lo sợ trước vẻ mặt hằm hằm giận dữ và đau khổ của bố, khuôn mặt tái đi vì ẩn ức của mẹ.
Hùng đã kéo khóa va ly, bước ra cửa vặn quả đấm cánh cửa…Ngoài kia có  thể là bầu trời tự do, thoáng đãng, cũng có thể….anh không lường được. Hành vi này anh không dự tính, chỉ là do quá nóng giận mà thôi.
Anh bước một chân ra khỏi cửa, vội quay lại. Vợ anh òa khóc. Khóc nức nở. Khóc trong sự hờn dỗi yêu đương. Làm sao anh có thể xa cô ấy, và xa những đứa con yêu cơ chứ. Anh sững sờ, quay lại.
Thằng Hạnh, con Hằng thấy bố quay lại đã bớt sợ hãi. Chúng cầm điện thoại đưa cho bố, nói: bố cầm hộ chúng con máy điện thoại, khi nào chúng con cần, chúng con xin bố.
Anh cầm chiếc điện thoại trên  tay, ngẫm nghĩ:Tất cả là tại mày, SMARTFON ạ! Ngẫm nghĩ giây lát anh lại tự nhủ: không! Không phải tại cái điện thoại. Là tại mình. Vô hình dung mình đã bị bệnh nghiền công nghệ. Ừ thôi! Từ nay phải  tỉnh táo khi sử dụng SMARTFON.

                                                                                    Hưng Yên tháng 4 năm 2017


0 nhận xét:

Đăng nhận xét