Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

LUẬT ĐỜI


                                                                                                         Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh

Dây bầu phải đeo nuôi quả bầu. Đấy là luật đời- Ông Hùng nói với Ông Mỗi . Ông Hùng tỏ ra tâm đắc với phát hiện ấy. Khuôn mặt đen đúa, nhàu vì thời gian và vất vả của ông nay phảng phất sự ưu tư.  Đôi mắt với hàng lông mày rậm của ông xa xăm giống hệt đôi mắt của những nhà hiền triết.
Ông Mỗi tán thưởng: ông nói đúng đấy. Cha mẹ yêu thương  con cái. Nhưng bọn trẻ không biết điều ấy. Lúc bé vô tư ngịch ngợm, không nghe lời cha mẹ. Lớn lên cũng vậy. Khi xây dựng gia đình, chúng chỉ biết đến vợ con chúng. Đã mấy  đứa báo hiếu được công sinh thành. Luật đời đấy ! Ông Hùng a!.....
Làng xóm, hơn chục nóc nhà quanh đây, mỗi gia đình chỉ còn có hai người và họ đều ở cái tuổi  năm,  sáu chục tuổi. Cũng như những gia đình khác, bọn trẻ học hành, đi làm xa cả , chúng xây dựng gia đình lập nghiệp ở thành phố, khu công nghiệp, thi thoảng ngày lễ, ngày tết mới đưa vợ con về thăm quê, nên vợ chồng ông Hùng quạnh quẽ ở quê.
Ngày xưa lũ con còn bé, vợ chồng ông Hùng nai lưng làm lụng, đầu ghềnh, cuối bãi chắt chiu từng hạt thóc nuôi con. Ngày, ngày mong chúng khôn lớn. Vợ chồng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng cấy đơn thuần nên kinh  tế eo hẹp. Dạo hai đứa, thằng Hoàng và con Hà học đại học, ông bà phai vay vốn chính sách dành cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn lấy tiền cho con đóng học phí.  Ông Hùng nghĩ: Thôi! Vợ chồng ông đã vất vả, không muốn con cái  như sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, tiếp tục với cảnh đầu tắt mặt tối với mảnh ruộng, chỉ mong chúng thoát ly khỏi đồng ruộng, nhàn hạ. Thế là ông bà sướng rồi. Vẫn còn nợ đấy, nhưng  còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Thằng Hoàng cos lương tháng, bảo gửi tiền về cho bố trả. Ông nói: Con còn nhiều việc. Nợ nhà nước ấy mà. Bố mẹ còn sức, còn có thể trả được. Các anh, các chị tự lo được cho cái thân vậy là được rồi.
Thi thoảng ông Hùng sang hàng xóm tâm sự. Hết chuyện con, lại đến chuyện vợ. Bà Hùng mỗi khi ở nhà một mình, thấy ông đi chơi lâu về, lòng lại lo lắng bực bội. Thấy cái mặt ông trước cổng là té tát: Ông không thể ở yên ở nhà ư! Rảnh một chút là đi. Tôi làm chó giữ nhà cho ông chắc. Ông Hùng nhìn vợ, biết mình sai nên không la lối, lẳng lặng vào nhà.
Ông nghĩ: dịp này bà ấy cấm cảu quá. Chẳng như ngày xưa, còn son trẻ, chiều chồng lấy con, ngày nào cũng âu yếm, mua cho ông rá đỗ và rượu ngon. Không chịu lên giường với bà ấy có mà hỏng đời. Nay vào mỗi tối,vợ chồng xem ti vi một lát, sau mỗi người một giường. Bà không thích nằm cạnh ông bởi mùi đàn ông gây gây, bởi ông ngủ ngáy như sấm. Ông cũng quen dần, nay nằm cạnh bà là khó chịu. Chảng bù cho cái ngày mới lấy nhau, chỉ mong cho trời tối. Mỗi đêm không được cái là không yên giấc nồng. Ông Hùng nói với ông Mỗi. Ông Mỗi dứt khoát không chịu tin.
Ông Mỗi nói: Ông cứ hay dối. Việc ấy có gì phải giấu giếm. Đàn ông khi nào đầu gối hết máu mới hết ham hố. Ở tuổi ông, ngày trước tôi vẫn còn mạnh mẽ lắm.
Ông Hùng: Mỗi người một khác. Giờ  chủ yếu giở ra xem  “tranh” thôi! Mà tranh cũng chẳng thiết xem. Hãi hết vía đi được.
            Ông Mỗi: có thật không đấy! Vậy là cái chất đàn ông trong ông hỏng rồi.
Chuyện về  con, cháu được đề cập nhiều nhất  mỗi khi các ông , các bà gặp nhau. Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là ga cuối chỉ còn có hai người. Cũng bởi vậy nên hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau họ bỗng trở nên thân thiết hơn lệ thường.
Năm nay mùa thu hoạch lúa đã qua rồi. Đường làng bộn bề rơm phơi. Đâu đâu cũng thấy ngai ngái mùi rơm rạ. Lũ gà ngày mùa khảnh ăn, nhỏ nhẻ từng hạt thóc rồi buông. Ông bà Hùng với hơn ba sào ruộng, thu hoạch hơn sáu tạ thóc, gần đủ cho cả năm ăn. Thóc đã được phơi kỹ, quạt sạch cho vào thùng tôn  Giờ rảnh rỗi, ông Hùng lại sang nhà ông Mỗi. Ông Mỗi sống một mình. Vợ ông theo con vào trong nam trông cháu. Trông hết  cháu này tới cháu khác, thành thử ông Mỗi sống đơn thân ở quê, thổi cơm một lần cho cả ngày. Có khi chẳng buồn nấu cơm, chỉ bát mì là xong. 
Ông Hùng: Ngày trước anh em mình mong có con, nuôi con để sau này nhờ cậy lúc tuổi già. Giờ ngẫm lại. Chẳng trông mong được gì ở con cái. Chúng nó đi biền biệt, chẳng mấy khi về nhà. Điện thoại cũng hiếm gọi. Vợ chồng tôi trông cả vào mấy sào ruộng. Thôi! Mình còn khỏe, còn làm được mà ăn. Khi nào không nấu được nồi cơm hãy hay. Vợ chồng tôi trồng rau, nuôi gà chỉ mong lũ con về để làm thịt. Thi thoảng bà ấy lại gửi gạo, gửi rau, con gà, con ngan cho chúng. Của nhà làm ra , toàn là đồ sạch. Thật đúng là già rồi vẫn không hết lo cho con, cho cháu.
Ông Mỗi: ông còn sướng hơn tôi. Mấy đứa con tôi lập nghiệp mãi trong nam. Thằng út đang làm việc tận Hàn Quốc. Nói dại. Ngộ nhỡ mình có mệnh hệ gì, chẳng thể nhìn con lúc nhắm mắt.
Ông Hùng: tôi cũng vậy thôi. Mình không mong gì ở các con đâu ông ơi! Chúng nó có vợ, có con chúng quấn lấy nhau, lo cho nhau chứ.
Ông Mỗi: ừ ! Đúng vậy thật! Ngày xưa mình cũng vậy. Ngẫm lại, càng ngày tôi càng thấy ông đúng. Dây bầu phải đeo bầu thôi. Muôn đời người, nước mắt chảy xuôi. Sinh con, nuôi dạy con âu đó  là tránh nhiệm của đời người.
Ông Hùng bất giác nhớ lại hình ảnh lũ con còn nhỏ, gia đình đoàn tụ yên ấm bên mâm cơm. Lòng cha mẹ có giây phút hạnh phúc nào bằng khi được nhìn ngắm lũ con mỗi ngày một lớn khôn, khỏe mạnh , xinh xắn  Những hình ảnh ấy giờ đây lùi sâu vào ký ức, mỗi khi tái hiện, khiến ông bồi hồi, nghẹn ngào khó tả. Ông thần người. rồi tiếp tục  chuyện với ông Mỗi :các  con tôi càng ngày, càng hiếm về. Công việc ở công ty choán hết thời gian của chúng.
Ông Mỗi: chúng phải đi ca. Mỗi ca mười, có khi tới mười hai, mười ba tiếng đồng hồ. Tan ca là mệt rũ, về đến nhà chỉ có ngủ. Bọn trẻ giờ cũng vất vả.
Ông Hùng:  Giờ, cả cái xóm này, nhà nào cũng vậy, chỉ còn lại cha mẹ quạnh quẽ, sớm chiều nương tựa vào nhau lúc về già.


                                                                                                            Hưng Yên tháng .5. năm 2017…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét