Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Hành quân về phía mặt trời




Nguồn: Ngominh/blog( BÁO VĂN HÓA SỐ XUÂN ĐINH DẬU)

Lính trẻ lần đầu ra đảo
VH- Những cái tên Tiên Nữ, An Bang, Song Tử… như một niềm thao thức khôn nguôi đối với mỗi người lính Hải quân. Những ngày cuối năm, mùa chim én bay, lại một mùa chuyển quân, ngày hội lên đường…
Vượt lên trên mưa lũ
Những ngày cuối tháng mười hai, UBND huyện Trường Sa lại tất bật với những công việc chuẩn bị cho chuyến công tác thay quân, tiễn tàu, tặng quà Tết cho quân và dân các đảo. Tôi lại có dịp về với đồng đội, người thân đã nhiều năm gắn bó với vùng gió cát.
Hơn một tháng trời, miền Trung đang trải qua cơn biến động thời tiết khốc liệt, mưa trắng trời trắng đất, lũ chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Đường bộ, đường sắt, đường hàng không liên tục bị gián đoạn. Cả nước thao thức, lòng người thấp thỏm âu lo. Những người làm công tác chuẩn bị cho hàng ra đảo luôn bận rộn với những phương án dự phòng trong mọi tình huống. Vượt lên trên tất cả, những chuyến hàng từ mọi miền đất nước vẫn kịp đến với Trường Sa. Con đường vào bán đảo Cam Ranh tấp nập hơn ngày thường, 2.000 chú vịt biển bốn ngày tuổi của Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT được vận chuyển vào bán đảo bằng đường hàng không. Vượt chặng đường hơn 600 km, chuyến xe chở cây và hoa của quân và dân tỉnh Đồng Tháp đến với bộ đội vào những ngày mưa lũ lên đến đỉnh điểm.
Trước giờ xuất quân
Tạm biệt lên đường
Hàng Tết lần này ngoài các tiêu chuẩn theo quy định “hàng quân nhu của Bộ Quốc phòng”, quân và dân Trường Sa còn đón nhận nhiều quà xuân của các doanh nghiệp, cơ quan, tỉnh, thành trong cả nước gửi tặng. Tỉnh Khánh Hòa tặng 40 phần quà, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương với chương trình “Tết đảo xa – quà đất liền” trao tặng 2017 suất quà cùng với 2017 lá thư, tấm thiệp chúc Tết gửi đến các chiến sĩ đảo xa. Ngoài ra còn có ba tấn gạo nếp, hai tấn cam Cao Phong, 23 cây quất, bánh mứt kẹo… gửi đến tất cả các điểm đảo.
Trong buổi lễ tiếp nhận, đại tá Phan Ngọc Quang, Phó chính ủy, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc huyện Trường Sa xúc động nói: “Quân và dân huyện Trường Sa cảm ơn tấm lòng của đồng bào cả nước. Quà Tết, những giống cây, vật nuôi lần này rất thiết thực với cuộc sống của quân và dân trên các đảo; ngoài việc cải thiện bữa ăn, nâng cao đời sống tinh thần, giữ vững bản lĩnh, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của bộ đội”. Công tác chuẩn bị khẩn trương trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mọi người đội mưa chuyển hàng xuống tàu với quyết tâm rất cao. 500 tấn hàng hóa đã được vận chuyển, đưa xuống tàu trước khi xuất phát một ngày.
Bước xuống tàu, nhìn những hàng hóa được xếp gọn gàng trong các khoang chứa, lòng không khỏi bâng khuâng về dư vị Tết đang đến rất gần. Gạo, nếp và hàng khô được bao gói vào một góc cùng với bánh mứt kẹo xếp gọn trên các thùng hàng; lợn, gà tươi sống chứa ở một khoang; lá dong, quất cảnh, cây, hoa được cột chặt trên boong, hai bên mạn tàu, phủ ni lông để tránh nước mặn và gió biển. Mặc dù hàng hóa được chuyển ra Trường Sa khá thường xuyên, song bao giờ cũng vậy, chuyến hàng Tết bao giờ cũng đặc biệt, đặc biệt đối với những người đang sống ở Trường Sa cũng như đối với đồng bào cả nước, bởi đó là những chuyến hàng mang nặng tình cảm từ đất liền. Ngày mai tàu rời bến, hàng Tết cùng cây và hoa sẽ theo bước chân của những người lính hành trình vượt biển đến với các đảo trước khi năm mới bắt đầu, một món quà xuân đầy ý nghĩa. Và, cũng như lời hứa để Trường Sa gần với đất liền hơn…
Quất mang ra đảo
Những cuộc gặp gỡ đầy xúc động trên cầu tàu
Chiều 20.12, trời tiếp tục đổ mưa, chúng tôi đã có mặt rất sớm tại Lữ đoàn 146 Hải quân – trái tim của huyện Trường Sa để cùng với những người lính hành quân về phía cầu tàu. Nổi bật trong hàng quân là những sĩ quan Hải quân vạm vỡ, dạn dày nắng gió biển khơi bên cạnh những chiến sĩ trẻ, tuổi mười tám đôi mươi, gương mặt ngời sáng. Dưới trời mưa, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, phóng viên và người thân đến đưa tiễn đã có mặt. Trong không khí của một ngày hội tòng quân lên đường, quân cảng rợp màu áo lính, những ca khúc lên đường như giục giã bước chân. Ngoài khơi xa biển vẫn cồn cào, thao thiết, chen lẫn với tiếng nhạc Trường Sa ơi mai tàu rời bến…
Mọi người tranh thủ bên người thân, đồng đội, trò chuyện thăm hỏi, động viên, tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm với phóng viên . N hiều gương mặt lướt nhanh qua tôi, những cái ôm, bắt tay thật chặt, những ánh nhìn tìm nhau, ồn ào ăn sóng nói gió rất riêng của lính biển. Đi bên tôi, trung tá Vũ Tất Trường, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết, gia đình anh ở Vụ Bản – Nam Định, nhà neo người, mẹ già trên 80 tuổi, vợ và hai đứa con.
Chị năm nay 37 tuổi, sức khỏe yếu, cách đây tám năm bị bệnh cặn máu. Mắt anh ánh lên khi nhắc đến hai đứa con hiền ngoan, học giỏi. Anh ra Trường Sa lần này là lần thứ 5, đã có bảy Tết ở ngoài đảo: ba lần đón Tết ở Sơn Ca, một năm ở Đá Tây, một năm ở Đá Nam, một năm ở An Bang, năm nay sẽ đón Tết ở Song Tử Tây.
Ghi nhanh số điện thoại, anh chào bắt tay tôi rồi vội vã quay lại đội hình lên tàu. Tôi quay lại, bốn chiến sĩ vừa trên tàu bước xuống, tiếng cười sảng khoái át cả tiếng gió, tiếng mưa. Ba chàng binh nhất vạm vỡ, cao lớn: Trịnh Xuân Đông, Trần Đình Chiến, Phạm Văn Hoàng cùng ở Tiểu đoàn 862.
Tạm biệt chim én
Tất cả đều lần đầu tiên ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa. Đông ra đảo Sinh Tồn Lớn. Chiến ra đảo Sơn Ca. Hoàng nhận nhiệm vụ ở Phan Vinh. Trung sĩ Lê Quang Ánh, 19 tuổi, trắng trẻo, gương mặt học trò, lúc nào cũng cười bẽn lẽn. Ánh cho biết, lần đầu được phân công làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn. Rất vinh dự tự hào cho bản thân, gia đình và dòng họ có một người con được đi bảo vệ biển đảo của quê hương. Lần đầu đi xa, ai cũng hồi hộp, nhớ nhà, nhớ về tết quê. Chúng tôi chụp chung với nhau tấm hình và tôi hứa sẽ gửi email cho mọi người làm kỷ niệm. Có tiếng gọi to tên tôi từ mạn tàu, anh chàng sĩ quan đẹp trai, đại úy Trần Minh Phụng, Chính trị viên cụm chiến đấu của đảo Sơn Ca. Chúng tôi chỉ kịp chào nhau qua ánh mắt vì tôi còn phải nhanh chân đến chào hai nhà sư và một thầy giáo đang đứng đợi từ rất lâu. Sư thầy Thích Tuệ Nhân và Thích Tâm Tánh cùng với thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết đứng ở xa vẫy tôi. Xuân Quyết viết đơn tình nguyện ra đảo từ năm 2012, lần này về phép và trở lại đảo Song Tử Tây. Sư thầy Tâm Tánh đã có hai năm ở đảo Phan Vinh, lần này sư thầy ra trụ trì ở đảo Trường Sa Lớn. Thầy cứ nhìn tôi mỉm cười, gương mặt thầy toát lên vẻ thông tuệ bao dung. Sư thầy Tuệ Nhân trầm mặc, ít nói. Khi tôi hỏi, ở tuổi 54 thầy ra đảo lần này liệu sức khỏe có đáng lo, thầy nói, ra ngoài đó làm phận sự mọi việc rồi cũng quen, đã đi tu thì mọi thứ đã buông bỏ, tất cả như vật ngoài thân. Chuyến đi này tâm thầy an tịnh, sự chuẩn bị cũng đơn giản giống như khi thầy còn là bộ đội đóng chốt ở biên giới phía Bắc. Hóa ra thầy cũng một thời áo lính? Thầy cười: Tôi đi bộ đội từ năm 1982, đóng quân trên chốt biên giới Bình Liêu, 5 năm là lính trinh sát của Trung đoàn 8, F395 Đặc khu Quảng Ninh. Tôi lặng người, đất nước mình đã bao phen chồn ngựa đá! Và, những buổi tiễn đưa đã trở thành ngày hội lên đường của biết bao thế hệ.
Bán đảo Cam Ranh, tháng 12.2016
Nguyễn Văn Tình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét