Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

MÓN QUÀ TẾT


                                           Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi, năm hết tết đến. Ban mai của mùa xuân mới tuyệt diệu làm sao. Sương mỏng như mây, như khói. Làng xóm những vườn  cây xanh, những ngôi nhà với đủ các màu sắc, xanh, vàng….yên bình thấp thoáng trong màn sương. Cây cành đã bắt đầu nảy lộc. Những chồi non mới nhú đỏ đắn, khỏe khoắn uống những hạt sương mai tinh khiết,  để đón những tia nắng đầu tiên của ngày xuân.
Cũng như mọi nhà, vào những ngày giáp tết, gia đình anh Thông rất bận, tập trung dọn nhà, dọn vườn, gói bánh chưng, mua sắm hoa quả, bánh kẹo bày biện ban thờ tổ tiên để lễ tết.
Nhiều năm nay, dù có bận đến đâu vào những ngày này, anh Thông không quên đến thăm thày giáo Lãng. Người thày đã thắp lửa tình yêu, gieo vào  anh lòng vị tha, khơi gợi trong anh những khát khao , những đam mê  văn chương.
Cách đây hơn chục  năm, lúc đó thầy Lãng đã hưu trí, vào dịp giáp tết, Thông  đến thăm thầy. Hơn sáu chục tuổi đầu , tóc thầy bạc trắng như cước, gương mặt vẫn thần thái anh minh. Vẫn phong cách khoan thai, đường hoàng, tự tin như ngày nào. Thầy trò ngồi nhâm nhi chén chè mạn, chuyện về phong tục  văn hóa Tết. Thông bỗng nhớ lại những  bài giảng của thầy. Với giọng trầm ấm, sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh lịch sử, văn học và với những trải nghiệm trong cuộc sống, thầy cho anh biết thế nào là “ văn dĩ tải đạo”. Thầy nói: Văn  chương phải vì con  người, quan tâm tới những số phận đời người, đến được với con người, giúp con người hướng thiện, biết quan tâm đến bản thân và cộng đồng. Hình ảnh  Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên của Nhà thơ mù Nguyễn Đình  Chiểu đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện  lòng vị tha, dũng cảm đấu tranh cho tình yêu, loại trừ thói xấu, thể hiện đạo làm thầy , hình ảnh Chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất và tinh thần lạc quan  cách mạng trong những vần  thơ bay bổng như thần của Tố Hữu giờ đây vẫn sống trong ký ức không  thể nào quên của anh và của bao thế hệ học trò được nghe thầy giảng.
Hôm ấy ngoài cành đào, Thông ý tứ đặt cái phong bì bên trong tấm thiệp chúc Tết. Nhìn cành đào phai nụ lấm tấm đỏ, lác đác đã có bông nở, chồi lộc đã nhú, trên cành còn điểm vài lá xanh non tơ, thầy vui  lắm. Thầy Lãng nói: Như vậy là biết mua đào tết đấy. Cành đào phải nhiều nụ, có bông hàm tiếu, có bông nở biểu thị cho sự sung túc đầy đủ. Mầm lộc, lá xanh biểu thị sự xanh tươi, sự trẻ trung, hòa bình…. Đó là khát vọng của con người. Cầm cái thiệp trong tay, giở ra, khuôn mặt thầy bỗng nhiên đỏ lên, rồi biến sắc. Nhưng cũng rất nhanh chóng, khuôn mặt ấy rạng lên niềm vui và nụ cười ý vị.
Quan sát sự đổi thay trên khuôn mặt thầy, Thông biết mình đã xử sự chưa đúng trong trường hợp này. Có đáng là bao đâu, chỉ là chút ít lòng thành biếu Thầy  vui  Tết. Anh ngần ngại cúi xuống, vẻ mặt xấu hổ.
Thầy Lãng: trò cầm lấy!
Thông: Thưa thầy ! Chỉ là chút ít quà mọn thôi mà. Thầy cầm lấy vui Tết cho em vui.
Thầy cám ơn em! Thầy không thể nhận phong bì . Đến thăm thầy thế này đã là vui lắm rồi.
Vài tháng sau, nhân dịp hè ,Thông đến  thăm Thầy. Như thường lệ, Thầy trò lại cùng nhau chuyện nhà, chuyện đời.
Thầy Lãng: Trải qua những ngày tháng khó khăn, phải ăn cháo ăn rau, thầy rất biết và trân quý giá trị đồng tiền. Nhưng công đến đâu lấy đến đó. Thầy giáo cầm phong bì của trò, lúc đó không còn đạo học nữa. Đạo học đã không còn, rường cột xã hội sẽ ra sao?  Dân tộc mình vốn truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Đạo lý ấy giữ con người sống có trước có sau, lấy nhân nghĩa để xử thế, làm cho các mối quan hệ xã hội được lành mạnh, phát triển. Mỗi lần em đến thăm, chứng kiến sự tiến bộ của trò,Thầy rất vui, cảm thấy đã làm được việc gì đó dù rất nhỏ cho cộng đồng. Nhớ lại những năm tháng đứng trên bục giảng, trước bao nhiêu cặp mắt khao khát tri thức, khao khát ánh sáng Thầy lại bồi hồi.
Thông nói: Những lứa học trò tuổi chúng em, không thể nào quên hình ảnh  phong độ đường hoàng của thầy với những bài giảng toát lên những giá trị nghệ thuật nhân bản, khuyến khích hướng thiện.
Thông ạ! -Thầy Lãng nói-  Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Truyền thống tôn sư trọng đạo cần gìn giữ. Vì có thế học trò mới nên người. Tuy nhiên dạy học cũng là một nghề. Nghề trồng người để ăn lương. Trồng người là trách nhiệm của những người đứng lớp, không phải để ban ơn. Biết ơn phải được thể hiện ở lối sống tích cực có trách nhiệm  với bản thân , gia đình và cộng đồng.
Hôm ấy, Thông yên lặng nghe thầy nói, đôi mắt , khuôn mặt đắm chìm trong suy tư., trong các liên tưởng xưa và nay, liên hệ giữa lý luận và đời sống thường nhật. Anh nói vu vơ: Đôi khi đau đớn con người thường tìm đến Chúa, đức phật. Từ bi của Đức Phật, lòng vị tha của chúa đôi khi không thay đổi được số phận đời người. Hãy cho con người cần câu để họ có thể câu cá.  Thầy làm em bất giác  nghĩ tới những điều thật cao quí trong sự giản dị và hài hòa. Em thấy có  thời gian  vào những ngày  Tết, học trò, phụ huynh nô nức đến nhà thầy cô giáo lễ Tết…Song sự chân thành và hiểu biết thực sự về đạo lý ấy không phải ai cũng  ngộ được. Từ nhận thức đúng dẫn tới hành vi đúng phù hợp hoàn cảnh xa hội là cái đích của giáo dục phải không Thầy.
Thầy Lãng lại rơi vào suy tư. Thầy nói: em nói có điều đúng đấy. Nhưng chưa phải tất cả. Vì cuộc sống của con người về cơ bản là cuộc sống tâm linh.
Sáng nay, anh Thông đi chợ Tết mua cây đào. Chợ huyện mấy ngày nay rực rỡ trong sắc màu hoa. Hoa  dơn đỏ thắm, hoa cúc vàng, hoa cúc trắng… Những cây quất quả trĩu trịt trên cành, xen với những quả chìn vàng là những quả quất non xanh đủ các cỡ, lá cành xum xuê  biếc xanh biểu trưng cho sự phồn thịnh, niềm vui, sự may mắn và  trẻ trung . Đào được bày bán trên các vỉa hè, trong chợ, trong sân vận động của huyện. Những nụ  đào đỏ đắn, những bông hoa đào mới hé nở tươi trong sắc xuân  cùng với các loài hoa khác tạo nên một không gian rực rỡ sắc màu.
Anh Thông dừng lại trước quầy hoa đào, nhìn ngắm những cây đào trong những thế khác nhau. Có cây cành được uốn công phu khum lại hình bông hoa đang nở, có cây  dáng ngiêng, cây có dáng trực, có cây dáng huyền .. Người trồng đào tuổi trung niên có khuôn mặt chữ điền, hồn hậu và chất phác say mê giới  thiệu với Thông về những cây đào...Anh nói: trồng đào công phu lắm, hàng ngày phải chăm  tỉa, uốn từng cành, từng chẽ cho nó vào thế. Chăm bón đúng kỳ hạn. Đặc biệt là kỹ thuật bí truyền trong việc trỉa cành lá, giữ cho đào nở vào đúng độ tết. Anh chỉ vào một cây đào cổ thụ nói: như cây đào này, mất công chăm sóc hơn chục năm mới có được  nó. Gốc cổ thụ, cành non.
Bất giác anh Thông liên tưởng  tới Thầy Lãng. Có những triết lý thật giản dị, đâu phải ai cũng biết. Thế là lại có chủ đề để hầu chuyện cùng thầy. Nghề trồng người của  thầy cũng gian nan lắm, dày công lắm …
Tôi mua cây đào này-  Anh Thông nói- tay chỉ vào cây đào trước mặt. Cây đào không lớn lắm,  gốc cổ thụ, cành non nhiều nụ, lác đác đã có bông nở đỏ thắm, nhụy phớt trắng. Cây có dáng tự nhiên, không cầu kỳ bởi cắt uốn nhưng nền nã và đẹp. Chắc Thầy Lãng sẽ rất hài lòng.


                                                                             Hưng Yên năm 2015 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét