Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Trai
lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng là lẽ thường tình. Thế mà nghe tin Chị
Lê lấy chồng, thiên hạ xôn xao bàn tán.
Chị
Bé nói: năm mươi tuổi rồi, còn lấy chồng. Rõ là đồ dở hơi! Hầu hạ
B…D người ta cho xong.
Chị
Thanh: thà cứ ở vậy cho xong.Chả hiểu con Lê nó nghĩ thế nào. Ngoài
năm mươi rồi, hết kinh, ham hố nỗi gì.
Ngay
cả cánh đàn ông cũng bàn luận.
Mấy người hỏi không lấy. Nay tự dưng đồng ý lấy ông Hoa. Lạ thật!
*
Chị
Lê người thôn trong. Năm nay cũng đã ngoài năm mươi. Chị có vóc người
thấp, khuôn mặt tròn trông có vẻ phúc hậu, nước da trắng. Bố mẹ mất
sớm. Chị Lê ở vậy làm lụng nuôi ba em. Chị vừa làm cô nuôi dạy trẻ của thôn, vừa tranh thủ cấy
mấy sào lúa. Việc nuôi dạy , xây dựng cho mấy đứa em làm chị Lê quên
đi duyên phận của mình. Hồi chị hai
mươi tuổi, vài gia đình trong thôn thấy chị lam làm, hiền thục, đánh
tiếng hỏi chị cho con trai họ. Nhìn
mấy đứa em độ tuổi ăn học, nghĩ
nếu chị lấy chồng, chúng không còn nơi dựa dẫm, nuôi nấng nên đều từ
chối.
Khi
hai đứa em trai, học xong đại học, lo vợ cho các em trai, gả chồng cho
em gái xong là lúc chị ngoài ba mươi tuổi. Các em chị giục chị lấy
chồng.
Chị
nói: trai ba mươi tuổi còn xuân, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Ở độ tuổi này, lấy được
người chồng như ý quá khó. Làm lẽ, hoặc làm bạn với ai đó ở hoàn
cảnh gãy gánh giữa đường chị không muốn.
Chị
ấp ủ hy vọng có ai đó tuổi gần bốn chục chưa vợ vì một lý do nào
đó là hoàng tử bạch mã của chị. Chị vẫn ao ước có sự hoàn hảo
trong hôn nhân, bởi thế đôi ba người trong cái cảnh vợ mất sớm đến
hỏi, chị đều không đồng ý. Thời gian trôi đi, cái duyên của chị cũng
vuột theo năm tháng.
Nay
ở vào tuổi năm mươi, bỗng nhiên có người đến hỏi chị làm vợ. Đó là
người đàn ông ăm nay ngoài 60 tuổi tên là Hoa, trước đây làm ở gang
thép Thái Nguyên, nay là cán bộ hưu trí. Ông béo lùn, khuôn mặt tròn,
má xệ, trông lộ vẻ phúc hậu. Vợ ông Hoa mất từ khoảng gần hai chục
năm nay. Ngần ấy năm, ông chưa đi bước nữa. Ông muốn dìu dắt lũ con đến độ trưởng
thành. Đến nay, thằng lớn công việc ổn định. Hai đứa con gái cũng đã
lấy chồng có con. Ông Hoa đã trở thành ông nội, ông ngoại. Hiện ông ở
với con trai.
Ông
Hoa tâm sự với tôi: Lũ con mình
thành gia thất cả rồi. Mình đã thực hiện đầy đủ ý nguyện của mẹ
chúng trước lúc lâm chung. Giờ sống với thằng cả. Các con cũng ý tứ
không để bố phải phật lòng. Nhưng sống với con cái mình vẫn thấy
không được tự nhiên. Đã vài lần nấu riêng, nhưng thế cũng bất tiện
lắm. Một nhà vài niêu cơm. Các con có cái ăn, không lỡ nhìn bố
ăn cơm nguội với bát canh cà. Ngược
lại mình cũng thế. Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân. Nấu
một bữa ăn hai, ba bữa cũng lích kích lắm. Các con có cuộc sống của
chúng. Mình không muốn phiền hà. Lấy vợ là giải pháp tốt nhất.
Tôi
nói: Cũng được. Nhưng liệu người ta có chịu về đây chung sống với ông
và các cháu. Sẽ nảy sinh rất nhiều chuyện không thể lường trước
được.
Ông
Hoa: chủ yếu là vợ chồng trông nom nhau thôi. Con chăm cha không bằng bà
chăm ông. Lấy nhau để có chỗ nương tựa lúc trái nắng trở trời. Còn
chỗ ở, thiếu gì cách giải quyết. Có thể về đây ở với tôi. Có thể
tôi ở với bà ấy.
Thoạt
tiên nghe bố đề cập tới chuyện lấy vợ , các con ông Hoa, không đứa
nào đồng ý. Thằng trưởng kêu trời nói: ông ơi! Tuổi nào rồi mà ông
còn định lấy vợ. Ở với con, với cháu ông chán lắm sao. Thêm bà mẹ
kế trong nhà, mọi việc vô cùng
phiền phức. Hai con gái cũng phản đối bố kịch liệt. Chúng nói: đúng
là cụ già lẩn thẩn. Một mình sống với lương hưu, cơm con cháu hầu,
không sướng cho, già rồi chứ có phải trẻ mẽ gì mà đòi lấy vợ.
Thiên hạ họ chê cười cho.
Ông
Hoa buồn lắm, nhiều đêm suy nghĩ trăn trở. Sở dĩ chúng nói thế là
vì chúng chỉ yêu bản thân chúng, không biết rằng nếu có người chăm
sóc bố, chúng nhẹ gánh đi bao nhiêu. Giá như bà nhà còn sống, vợ chồng như đũa có đôi,
cùng nhau đi hết cuộc đời này có sung sướng không. Nhưng cái số của ông
không được thế. Nay ông muốn lấy vợ để tìm kiếm chỗ nương tựa, sống
với nhau, chăm nhau theo nghĩa nhân.
Vậy thôi. Thế mà các con ông là rầm rĩ cả nên, khiến không khí trong
nhà nhiều lúc ngột ngạt, khó thở. Có đêm ông thức trắng, nghe gió
thổi xào xạc trên tàu chuối, nghe những âm thanh nỉ non của lũ côn
trùng ri…ri..ri.. Ông bất giác nghĩ tới số phận đời người. Đã nói,
con người sinh ra để khổ, bởi thế lúc lọt lòng cũng là lúc đứa trẻ bật khóc. Con người lớn lên
phải mưu sinh, chắt chiu từng đồng, từng
bát gạo để xây dựng nhà cửa, nuôi dạy con cái, chịu đựng mọi
khổ ải để khi chết mỉm cười và rồi đôi tay buông xuôi. Nay ông muốn
được sống những năm tháng cuối đời thật thảnh thơi, tự do, tự tại.
Thế mà lũ con chúng không hiểu cho ông.
Lần
đầu tiên họ gặp nhau vào một buổi sáng chủ nhật đầu thu. Những ngày
nắng nóng kinh người của mùa hè đã qua đi, thay vào đó, nắng thu
vàng thật dễ chịu , tạo cho con người cảm giác khoan khoái. Chị Lê
bất ngờ bởi cuộc viếng thăm này.
Tuy là người cùng xã, nhưng “ông” ấy sớm thoát ly nên chị cũng không
biết nhiều. Chị Lê thấy ông là người hiền lành.. Khuôn mặt ông bộc
lộ vẻ tử tế. Ông ăn nói lịch thiệp và dịu dàng.
Dần
dà Chị Lê cảm thấy vui vui mỗi khi ông Hoa đến, ít ra làm chị đỡ cảm thấy trống trải, những giây phút
đơn côi dài dằng dặc trong ngày đi nhanh hơn, thời gian dường như đi
nhanh hơn. Ngày mỗi, ngày Chị Lê
cảm thấy thú vị hơn, những cảm giác chán chường, đơn điệu không cón
nữa. Nhưng Chị Lê vẫn bất ngờ khi ông Hoa ngỏ ý muốn bầu bạn với chị.
Chị
Lê nói: ông ơi! Em năm nay ngoài năm mươi, còn chồng con chi nữa. Ông có
thể kiếm tìm người phụ nữ khác ít tuổi hơn em….Em già rồi. Khuôn
mặt Chị Lê bỗng chốc bừng đỏ.
Ông
Hoa: Ừ! Chúng mình đều tuổi cao rồi. Lên ông, lên bà rồi. Nhưng chúng
mình cần bầu bạn với nhau để đi hết quãng đời còn lại trong nghĩa
tình giản dị, muốn có người để nói chuyện, có người để đưa nhau
một tách trà, có người để vượt qua những khắc khoải đêm khuya, để
chăm nhau mỗi lúc yếu đau. Anh không muốn lệ thuộc vào con cháu.
Chị
Lê nói: thật ra em cũng rất thương quý ông! Bao nhiêu năm nay, mới có
người đàn ông nói với em những điều thân mật như thế. Em đã nghĩ
mình như cành khô, củi mục, già nua
lắm rồi. Từ lúc gặp ông, em như được hồi sinh. Nhưng em còn phải nghĩ
đã. Liệu các em, các cháu có đồng ý với em không? Dư luận xã hội
có đàm tiếu không?
Ông
Hoa: em là người tự do. Anh trong
hoàn cảnh góa bụa. Sao dư luận lại phê phán chứ. Còn về phía các em
của em, nếu chúng thực lòng thương chị, chúng sẽ vui vẻ bởi chị
chúng có người đàn ông chăm sóc.
Không
đơn giản như vậy đâu. Miệng người
như lưỡi rắn. Tốt cũng từ miệng người mà xấu cũng từ miệng
người.Buôn có bạn, bán có phường mình đâu có thể không để tâm đến dư
luận- Chị Lê nói.
Hôm
ấy, họ chia tay nhau trong tâm trạng bùi ngùi. Chị Lê lấy cái chiếu trải lên hè, ngồi tư lự.
Trăng lên. Đã lâu lắm cô mới để ý tới vầng trăng sáng vàng dịu hư
ảo, mông lung. Bóng chị đổ xuống bên hè mớ tóc dài buông xõa, đơn
côi. Chị Lê nghĩ:
“Ôi!
Thật ra, khát khao của người phụ nữ là cuộc sống hạnh phúc bên
người chồng và những đứa con. Cái lãi của hôn nhân đối với người
đàn bà là con cái. Chị khát khao
điều đó lắm chứ. Những khát khao ấy chị giấu vùi trong lòng mình
để thay cha mẹ chăm nom những đứa em. Chị không thể đi lấy chồng, bỏ
mặc lũ em đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học hành. Và thế là vừa làm
chị vừa nuôi dạy trẻ, vừa sấp ngửa với dăm sào ruộng. Các em Chị đều được ăn, được học, thoát ly hiện gia
đình đều ở thành phố. Những khao khát hạnh phúc đôi lúc bùng lên
trong cô như ngọn lửa cháy rực rồi dần lịm đi. Nay bỗng nhiên chị
cũng cần người để bầu bạn. Một người đàn ông của riêng mình để chăm
sóc và nương tựa.”
Chị
Lê ngồi lâu lắm như thế ở ngoài hè, cho tới lúc vầng trăng khuất
xuống phia tây, gió lạnh chị mới thu chiếu trở vào trong nhà.
Được
tin chị Lê có người đàn ông đến hỏi
, cả mấy người em Chị Lê đều sửng sốt bán tin , bán nghi. Vào một
sáng chủ nhật, hai em trai, em gái chị Lê cùng mấy đứa cháu đánh hai
xe con loại bảy chỗ về chơi. Cậu Hai đang độ phát tướng, béo núc, khuôn
mặt to phè, má chảy xệ, mặc xivin, đi giày đen bảnh chọe. Cậu Hà mảnh
dẻ hơn, hào nhoáng trong bộ đồ đắt tiền bằng vải ngoại với đôi giày
ngoại màu nâu. Dì Trang mặc chiếc váy đen, cái áo thun màu đỏ, đi đôi
dép cao gót đắt tiền. Mấy đứa
cháu không mấy khi được về thôn quê, chạy lăng xăng đầu ngõ cuối vườn.
Dì
Trang: chị ơi! Gần này tuổi đầu còn ham hố nỗi gì. Chúng em nghe tin
chị chuẩn bị lấy chồng lập tức phải về ngay.
Cậu
Hai: Chị vẫn được tiếng là người hy sinh nuôi các em ăn học, dạy dỗ
các em thành người. Nói đến chị ai cũng nức nở khen. Ấy vậy mà
đùng một cái, có cái ông Hoa thường xuyên đến nhà. Cảnh đó có chướng
tai, gai mắt lắm không?
Dì
Trang: nghe nói ông Hoa cũng già, ngoài sáu chục rồi, bước đi chả
xong, còn gì nữa mà vợ với con. Gớm!
Cái cánh đàn ông sao cứ hoắng lên như con ngựa ấy. Vợ mới mất
đã nhảy dựng lên.
Cậu
Hà: Vợ bác ấy mất hơn gần hai chục năm nay rồi. Bác ở vậy nuôi con.
Nay các con khôn lớn. Bác đã về hưu mới tính chuyện tìm người bầu
bạn. Đấy là nghe nói thế.
Dì
Trang: Ở vậy cho xong. Đã tròn thì tròn hẳn đi. Còn tính chuyện lấy vợ
. Dở ơi là dở.
Cậu
Hai: Cứ nghĩ ở quê, có người đàn ông thường xuyên đến nhà bắng nhắng
với chị, tôi vừa buồn, vừa tức đến tím ruột. Chị ơi! Nếu chị buồn,
chị lên ở với các em , các cháu trên thành phố. Chỗ đất này bán
nốt đi chị ạ. Mình già rồi đừng để điều nọ tiếng kia.
Cậu
Hà: cái con dê ấy già dơ nhỉ. Cần thiết để tôi nói chuyện với ông
ấy. Làm người nó phải đàng hoàng. Thấy phụ nữ một thân một mình
cứ mò đến gây chuyện thị phi.
Chị
Lê mới đầu khuôn mặt đỏ như quả cà chua chín, sau mỗi lúc một tái dần. Chị Lê nói: Dì
và các cậu đừng nghĩ chúng tôi quan hệ linh tinh. Ông ấy là người tử
tế, không phải đến đây để sàm sỡ. Ông ấy muốn bầu bạn với tôi, định
đăng ký kết hôn với tôi. Người ta cũng là người biết điều.
Cậu
Hai, cậu Hà và dì Trang sững người khi nghe chị gái bộch bạch. Mọi
người bỗng nhiên yên lặng.
Chị Lê chợt nhớ tới ngày nào cha mẹ
mất, mấy chị em đứa lớn mới mười tư, mười năm, đứa út mới chín
tuổi lơ ngơ lác ngác như chim non mất tổ. Lê đã phải gồng mình làm
lụng thay cha mẹ chăm sóc các em. Những mùa lúa ngập, chị em dùng
liềm kều những dẻ lúa loi ngoi trên mặt ruộng. Những đêm đông, không
đủ chăn ấm, Lê dùng rơm trải xuống làm đệm. Mấy chị em ôm nhau ngủ
trên cái nệm rơm hăng hăng mùi lúa. Cách đây độ dăm năm, Lê đã phải
bán đi mấy miếng đất lấy tiền cho cậu Hà trả nợ. Lê không muốn ở
với ai cả, không muốn bán đi ngôi nhà và mảnh vườn, bởi nó có hình
hài của cha của mẹ, cái nôi mấy
chị em quấn túm lấy nhau vượt qua bão dông. Còn mảnh đất ấy là các
cậu, các dì còn quê, mất đi là mất chỗ lui về. Dù thế nào Lê cũng
phải giữ lấy, phần cho mình, phần cho chính các cậu , các dì.
Cậu
Hai: chị nghe chúng em, đừng lấy chồng. Chị lấy chồng là chị mất
chúng em luôn đó.- Cậu nói, rồi
nhìn Lê cứ như vị chánh án nghiêm khắc nhìn tội nhân lúc luận
tội.
Dì
Trang: chị ơi! Chị đừng dại mà thòng cổ vào tròng. Tuổi ngoài năm
mươi rồi. Ông Hoa cũng đã ngoài sáu chục. Còn đẻ đái
gì được nữa. Không khéo lại thành người hầu, thành Ôn Sin . Chị có
đồng ý chúng em cũng phá.
Cậu
Hà: chị lên thành phố ở với các em, các cháu cho vui. Thời nay có ai
nhặt từng giẻ thóc, mót từng củ
khoai, nhặt nhạnh từng hào như ngày xưa đâu.
Chị
Lê thất vọng, người như đổ sụp xuống. Chị nhìn cậu Hai, cậu Hà,
khuôn mặt họ nghiêm khắc lắm cứ như lên án chị, khuôn mặt dì Trang
cũng vậy vừa như có vẻ thương hại, vừa nghiêm nghị như quan tòa.
Nhiều
tháng sau, không thấy ông Hoa đến chơi nhà. Thu đã qua, mùa đông đã bắt
đầu bằng nhưng đợt gió mùa đông bắc buốt lạnh. Năm nay rét giá kèm
theo mưa phùn đến sớm thế không biết. Chị Lê ngồi một mình trong căn
nhà nhỏ, ngó mông ra ngoài trời xám xịt, buồn bã. Đôi mắt chị trắng
ra thẫn thờ.. Mới có vài tháng mà
trông chị già đi hơn chục tuổi. Mái tóc đổ bạc . Chị buông mái tóc,
lẩn thẩn gỡ mấy nhành tóc rối, rồi ngó ra ngoài cửa.
Bên
ngoài, chiếc cổng tre mối mọt xộc xệch
lâu lắm chẳng ai nhắc nó . Ngõ nhỏ rêu đã mọc xanh trơn truội
cả lối đi.
Hưng Yên năm 2015