Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

MẸ


                                                                        Tản Văn của Hồ Ngọc Vinh
            Hãy đừng làm mẹ buồn bởi lối sống cẩu thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
            Tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng những dòng như thế, bởi khi làm cha , làm mẹ mới thấu hiểu nỗi lo lắng không cùng của mẹ mỗi khi con trái nắng trở trời, hắt hơi sổ mũi, nhìn theo mỗi bước chân chuệch choạch của con mỗi bước tập đi, dõi theo con  chập chững trong cuộc đời bão dông. Dành cho con dòng sữa ngọt ngon, nâng con như nâng trứng, hứng con như hứng hoa, cặm cụi làm lụng, chắt chiu từng miếng khoai, củ sắn nuôi con, đó chỉ có thể là mẹ mà thôi.
            Mẹ tôi năm nay ngoài chín mươi đã qua cả cái tuổi thất thập  cổ lai hy rồi, người nhỏ dúm, da mặt dăn deo héo gày, da chân , da  tay đã đổ đồi mồi, tóc trắng như cước, mắt mờ, chân chậm, đi không còn vững.
            Mẹ tôi sinh hạ được những mười hai con. Mấy anh chị đầu bệnh tật mất khi chưa đầy năm. Ngày đó dịch vụ y tế chưa phát triển, đói kém, trẻ con gặp bệnh sởi, bệnh thương hàn là nguy hiểm đến tính mạng.
            Bố tôi dạy bình dân học vụ, rồi làm công tác y tế, thời đó phụ cấp chỉ được dăm ngàn, thành thử, nguồn sống của cả gia đình vẫn trông vào ngày công nông nghiệp. Mẹ tôi vừa làm ruộng vừa đi chợ buôn thúng, bán bưng. Từ nhà tới chợ khoảng dăm ki lô mét. Sáng sớm tòn teng quang gánh xuống chợ, chiều quẩy quang gánh về nhà. Mỗi ngày hơn chục ki lô mét, một năm trừ vài ngày tết, hơn năm chục năm trời miệt mài với chiếc đòn gánh đi chợ kiếm tiền nuôi con, tính sơ mẹ đã đi  khoảng 1.750. 000 km. Đôi chân của mẹ tôi, gan bàn chân dày, chai cứng. Đôi vai mẹ  u dày như bắp vai bò thâm tím và chai cứng..
            Những năm tháng khó khăn, cả nhà chia nhau từng miếng bánh, củ khoai hà, có đợt dùng cháo xu hào thay cơm nhiều tháng liền. Mùa đông, mẹ trải rơm làm đệm. Mấy anh em ôm nhau ngủ qua đêm, sưởi cho nhau bằng hơi ấm của cơ  thể mình. Có những mùa đông, lạnh thấu xương, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 3 độ c,  bố mẹ dùng củi gộc nhóm lửa sưởi.
            Khi chúng tôi xây dựng gia đình, mẹ lại khăn gói lên đường trông con, trông cháu, ru cháu bằng lời ru ngày xưa ru con: Cái cò, cái vạc, …. Một mẹ già bằng ba người ở vì thế.
            Chúng tôi lớn lên bằng khó khăn vất vả cơ cực của mẹ. Có lẽ cũng bởi vậy thấm thía tình cảm của mẹ như câu ca dao: “ Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Chính từ sự khó khăn ấy, con người nhận ra lẽ sống, sống tích cực, có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
            Mẹ bây giờ đã ngoài chín mươi. Lá vàng rồi sẽ rụng về cội. Mẹ rồi sẽ trở về với cát bụi. Tôi ngẫm tới quy luật không không sắc sắc, sắc sắc không không của đời người. Cảm nhận được những vất vả trần ai của mẹ.Sống thêm một ngày là lãi được một ngày. Thêm được niềm vui và tiếng cười sảng khoái là vợi đi nỗi đau. Biết là thế, để làm mẹ vui. Song dường như là quy luật của đời người, một mẹ nuôi  cả bầy con, bầy con không nuôi nổi mình mẹ.
            Đã làm được điều gì nhiều đâu cho mẹ!

                                                                                                Hưng Yên tháng 12 năm 2015        

0 nhận xét:

Đăng nhận xét