Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

GIẾNG LÀNG


Tản văn của Hồ Ngọc Vinh
Từ rất xa xưa,  Giếng làng là nơi cung cấp nước ăn, nước uống cho cộng đồng cư dân làng, xã. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, mọi người với đôi thùng tôn kĩu kịt đến giếng lấy nước về đổ vào chum, vại dự trữ nước sinh hoạt. Có gia đình đóng nước vào thùng chất lên xe bò chở nước về nhà. Một số nơi người ta lấy nước giếng làng để tế lễ. Những hoạt động ấy đặc trưng  cho đời sống của  cư dân địa phương.
Giếng làng thường được xây dựng cạnh đình làng, bên sân đình. Có giếng hình vuông, có giếng hình bán nguyệt nhưng chủ yếu hình tròn…Người ta xây quây xung quanh giếng, bậc giếng bằng gạch chỉ. Giếng làng cùng với cây đa, sân và đình làng là quần thể kiến trúc  đặc trưng cho văn hóa làng xã.
Biết bao đôi trai gái hẹn hò tình tự nên duyên đôi lứa bên cạnh giếng làng. Thời kháng chiến chống Mĩ, trên sân đình, bên cạnh giếng làng, vào những đợt tuyển quân, nam nữ thanh niên tập trung với khí thế hừng hực lên đường tòng quân chiến đấu.
Trong ký ức của mỗi người, hình ảnh giếng làng với những kỷ niệm tuổi thơ cắp sách tới trường như những dấu ấn mạnh mẽ hun đúc tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước.
Tôi còn nhớ ngày thơ bé, giếng làng bốn mùa nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy nước những đám mây trắng lững lờ trôi, những con cá rô bơi lội lượn lờ bên thân  cây cỏ.  Những bông hoa súng lấp ló trên mặt nước trong, có bông nở đỏ. Màu hoa súng đỏ tươi, những cánh hoa súng xòe ra thắm rực rỡ trong nắng.
Giếng làng được mọi người gìn giữ, để có nguồn nước sạch, tình cảm đẹp giữa con người với con người. Thậm chí có nơi, giếng làng gắn liền với những truyền thuyết về thành Hoàng làng mang tính tâm linh. Bởi vậy con người không chỉ trân quý nguồn nước sạch để duy trì sự sống mà còn là ý thức trân trọng mạch nguồn của đời sống tâm linh, hồn người, hồn quê.
Trải qua bao đời nay vì  thế giếng làng vẫn còn đó sống cùng với đời sống tình cảm văn hóa của cư dân làng xã. Giếng làng được coi là di sản văn hóa vật thể , văn hóa tinh thần  của dân tộc.
Tất nhiên cùng với sự phát triển kinh tế và văn hóa, khi con người  có giếng thơi “ loại giếng được đào, cuốn bằng gạch đỏ”  ở mỗi gia đình, có bể nước mưa, có nhà máy nước cung cấp nguồn nước sạch,  thì giếng làng mất đi vai trò cơ bản của nó là cung cấp nước sạch.  Nhưng một số địa phương vẫn tôn tạo giếng đảm bảo cảnh quan nên thơ của văn hóa làng “đình làng, sân  đình và giếng làng.”
Song  thật đáng tiếc khi con người không biết gìn giữ cảnh quan môi trường văn hóa. Ao làng, giếng làng không chỉ bị lấp đi, có nơi bị ô  nhiễm nặng nề bởi rác thải. Người ta vô tư xả chất cặn bã chăn nuôi ra rãnh, vứt rác thải ra rãnh. Rãnh nước sền sệt đen ngòm, bốc mùi hôi thối.  Giếng làng bị những gia đình sống gần đó xâm lấn, diện tích còn lại chừng chục mét vuông đầy những cỏ dại, lẫn túi nhựa đựng đầy rác.
Nước giếng không còn trong vắt nên thơ như ngày xưa thay vào đó là màu đen đục, đến cua cá cũng không thể sống nổi.
Làm gì để gìn giữ môi trường xanh, sạch đẹp? Nhiệm vụ trước tiên là của các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương trong việc tổ chức xây dựng nề nếp văn hóa làng xã, xây dựng hương ước. Bảo vệ môi trường phải được coi là một nguyên tắc sống của con người, đặc biệt trong thời kỳ công  nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước.
Ý thức về bảo vệ môi trường, môi sinh , nếp sống văn hóa một phần được định hình  bởi các nguyên tắc quy định trong hương ước, những chế tài đối với hành vi xâm hại môi trường, còn thông qua các biện pháp giáo dục của các đoàn thể, của gia đình đối với mỗi con người.
Có nhà văn hóa nói mất bản sắc văn hóa là mất dân tộc. Ý thức bảo vệ môi trường văn hóa phải được chuyển hóa thành hành vi sống thân thiện với môi trường gìn giữ và phát triển văn hóa vật thể, văn hóa tinh thần của dân tộc. Không thể có phát triển nếu không có nguồn cội.
Môi trường, văn hóa làng xã với giếng làng, cây đa, sân đình đã trở thành tài sản chung của mọi người. Hãy gìn giữ nó để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của cộng đồng.

                                                                             Hưng Yên tháng…năm 2016


                                                                                      Hồ Ngọc Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét