Bằng giọng nhỏ
như bị hụt hơi, bà Tần lo lắng nói với chồng: nghe kể công ty phương đông của
vợ chồng Lệ lâm vào nợ nần không trả nổi.
Ông Tần chột dạ
nhưng vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh nói: bà cứ hay nghe thiên hạ đồn đoán! Làm gì
có chuyện đó cơ chứ! Công ty của vợ chồng Lệ có vốn tới hàng trăm tỷ đồng, làm
ăn ra trò đấy. Sản xuất Công nghiệp càng phát triển thì ngành vận tải của cháu
càng phát đạt. Bà sợ gì chứ!
Bà Tần: mọi
người nói, riêng ở quê, vợ chồng Lệ vay của họ hàng thân hữu tới vài chục tỷ
đồng. Có người ra tận công ty đòi lại không được.
Ông Tần: cái đó
tôi biết. Nhà ông Thịnh nghèo rớt mồng tơi, tài sản gia đình nhìn loáng một cái
đã hết, chẳng có cái gì đáng giá, vậy mà cũng gom đâu được hơn hai tỷ đồng cho
vợ chồng Lệ vay. Kể cũng liều lĩnh! Mình với nó còn có tình cảm họ mạc, ai nỡ
lòng nào. Chẳng có ai lừa nổi tôi đâu!
Giả sử có thế chăng nữa khối thằng chết
trước mình. Bà yên tâm! .
Sáng nay, ông Tần
mặc cái quần sooc bằng vải ka ki màu ghi nhàu bẩn, áo phông màu xanh, ngồi chồm
hổm trên chiếc ghế sa lông bằng gỗ gụ kiểu Minh. Trời vẫn còn se lạnh nhưng ông
quen với lối ăn mặc này. Cạnh ghế ông ngồi là cái thùng tôn đã hoen ghỉ dùng để
đựng điếu cày và đổ bã thuốc. Ông vê mồi thuốc lào đặt vào lõ điếu rồi châm lửa
rít một hơi dài. Tiếng kêu loc…ọc…lọc..cọc của chiếc điếu cày làm ông thêm
khoan khoái. Ông thổi bã thuốc, đặt điếu vào thùng, cảm giác lâng lâng lan tỏa
trong người. Bên ngoài, vợ ông “Bà Tần”
mặc cái áo khoác bằng vải nilon mỏng màu xanh, quần âu màu đen lấm đầy
bụi. Tuổi tứ tuần, nên cơ thể bà đã bắt đầu phát phì, mông như hai cái thúng cái, khuôn mặt, hai má
chảy xệ vì béo, một vài sợi tóc xoăn lõa xóa trên trán bết mồ hôi. Bà Tần đang xăng
xái với việc lấy hàng và đếm tiền. Khách hàng vây quanh gian hàng của bà, người
mua thịt, người mua rau, người mua chai mắm…Vốn
quen công việc nên bà Tần cắt từng miếng thịt chính xác đến từng hoa
theo yêu cầu của khách mua.
Sau chén trà đậm
đặc, ông Tần kể với tôi bằng giọng trầm, kiêu ngạo: Từ ngày tôi mua được miếng
đất ở ngã ba nằm giữa khu chợ làng, công việc kinh doanh rất phát đạt. Vả lại
làm gì, tôi đều đi trước thời đại. Đúng là thiên thời địa lợi ông ạ! Đêm qua, tôi nằm mơ bắt được rất nhiều vàng.
Nghe ông Tần nói, tôi lặng yên theo đuổi những
suy nghĩ riêng tư, chẳng tiện nói ra. Xưa nay các cụ nói: “giàu thì phải đổ bớt
đi, nghèo phải sống cho sang. Trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái
rủi.” Triết lý ấy giúp con người cư xử
có văn hóa phù hợp với hoàn cảnh, được thời
mà không kiêu căng, có của mà không tự phụ, hơn nữa còn biết chia sẻ với những hoàn
cảnh khó khăn.
Ông Tần kể tiếp: Mới đây tôi mở thêm dịch vụ cầm
đồ, giao cho thằng Ninh quản lý. Công việc này lợi nhuận cao lắm. Người ta đến
gửi đồ, mình định giá bằng non nửa giá trị mua bán của nó trên thị trường, đúng
hẹn có tiền mang trả thì lấy đồ về, chỉ phải trả lãi, nếu không coi như bán hàng
với giá rẻ. Hàng được bán qua tay người khác. Khối người làm chuyện này, nhưng
ở đây, tôi là người đi tiên phong đấy. Vui chuyện Ông Tần kể tiếp: bà nhà tôi
chẳng biết học ở đâu cho vay tiền với lãi suất 10/% ngày. Một trăm ngàn cho
người ta vay, cuối ngày thu được một trăm mười ngàn. Ông tính buôn bán nào lời
lãi được như thế. Chỉ vài năm thôi, tôi đã xây được căn nhà tầng giữa làng,
giữa chợ có giá trị hàng tỉ đồng.
Tôi bất giác nhớ
lại, thời cách đây chỉ chục năm thôi, khi mà với mọi người việc uống bia vẫn là
điều mơ tưởng, trong lúc cao hứng và tự mãn, đứng giữa nga ba làng ông Tần cầm
chai bia , ngửa cổ tu hơi dài vẻ đắc ý. Mọi người nói thầm với nhau: khiếp. làm
gì mà tự phụ thế, chẳng nghĩ đến lúc có thể gặp khó khăn.
Nghĩ vậy song tôi
vẫn gật gù nói: bác giảo hoạt thật đấy, xoay sở đủ kiểu.
Ông Tần chẳng tự
ái với câu nói của tôi, trái lại tỏ vẻ tự hào, nói: khối người muốn làm nhưng
có thực hiện nổi đâu. Buôn bán làm ăn mà không rắn mặt đừng có mà mơ.…..
Đúng thế ! Tôi
đồng tình. Có phải ai cũng làm được những việc đó đâu. Cứ như tôi cả nể, người
ta có vay mượn cũng chẳng dám đòi thì làm sao nổi. Có những công việc cần phải
rắn mặt, phải thật anh chị mới dám làm. Nói đến đó tôi bỗng nhớ có lần gặp
thằng Ninh và thằng Chiến con ông Tần
đầu trọc lốc, khuôn mặt đỏ ửng đầy sát khí đứng trước cổng nhà các con nợ, huơ
con dao dài loang loáng, quát nạt đòi tiền.
Có lần chỗ hàng
xóm láng giềng tôi phải nhắc: này ông Tần! Phải nhắc nhở các cháu. Làm gì cũng
một vừa hai phải thôi. Sông có khúc, người có lúc, cạn tàu ráo máng quá không
ngại à!
Ông Tần: Ông chỉ
hay văn vở thôi! Làm ăn như tôi mà không quyết liệt, người khác thắt cổ mình ngay.
Tôi nói: Làm ăn mà không giữ chữ tín thì
chỉ là làm ăn kiểu chộp giật, sớm muộn cũng đóng cửa tiệm. Ông Tần bực nói: ông
đừng có dạy khôn tôi. Nói chuyện với ông tức anh ách. Chẳng có ai buôn bán
không gian lận mà giàu đượccả!
Không lâu sau đó,
dọc con đường liên xã, cửa hàng cửa hiệu đua nhau mọc lên, cùng kinh doanh một
mặt hàng. Cờ bạc đãi tay mới, khách hàng cứ đi qua cửa hàng của ông Tần đến mua
hàng ở nhà khác. Bà Tần ngồi trông hàng, mặt dài thượt, lòng bộn lên nỗi ghen
tức. Lắm lúc bà mượn con chó, con gà
chửi đổng cả khách hàng lẫn chủ hàng bên cạnh.
Ông Tần tâm sự
với tôi: Đấy! Ông xem mỗi ngày làm ăn một khó khăn hơn. Trước đây một người bán
trăm ngàn người mua, nay chục bước chân đã có dăm quán bán thịt, bán tạp phẩm.
Đúng là thời buổi người khôn của khó. Trước đây, mỗi ngày mổ hai con lợn, bán
hết veo, trâu toi, bò ngã mổ ra cũng bán được với giá cao như thịt gia súc
thường. Nay, hàng hóa ế ẩm quá, nghĩ nát óc chưa tìm ra được việc gì mới để
kiếm tiền.
Nghe đồn đoán
mãi về công ty Phương Đông sinh lo lắng, sáng nay, ông Tần đáp chuyến xe sớm ra
Hải Phòng. Lòng bộn bề những âu lo, ông Tần
gặp giám đốc Minh trong gian phòng hẹp. Giám đốc Minh ngồi chăm chú trước máy
tính, thấy ông Tần vào liền đứng dậy niềm nở chào, mời ngồi, rót nước mời: Giám
đốc Minh nói: chú vất vả quá, ra tận đây thăm chúng cháu.
Ông Tần nói
ngay: chú ra đây thăm các cháu vả lại cũng có việc. Việc gì ạ? Giám đốc Minh
hỏi.
Ông Tần: chú
muốn lấy lại số tiền và vàng đã cho các cháu vay năm ngoái.
Giám đốc Minh
ngạc nhiên: Tiền vàng nào ạ? Công ty nào có vay tiền của chú thím?
Ông Tần ngạc
nhiên nói: sao cháu có thể nói như thế. Ba mặt một lời. Chú thím đã đưa cho Lệ cả thảy mấy tỉ đồng và mấy chục cây vàng…..
Giám đốc Minh
vẫn thản nhiên: Chú ơi! Thực tình cháu đâu biết khoản vay đó. Sao Lệ không nói
gì với cháu?
Ông Tần sững
người vì lo lắng nói: Lệ bảo tôi hùn vốn vào công ty mà.
Giám đốc Minh
cũng tỏ vẻ ngạc nhiên không kém, cúi người lục lọi trong đám hồ sơ rồi nói:
cháu chưa từng biết chú góp cổ phần vào công ty. Không có giấy tờ nào xác nhận
chú thím có cổ phần trong công ty. Ông Tần bủn rủn nhìn giám đốc Minh, khuôn
mặt thất sắc xây sẩm. Khi nhìn ra bên ngoài thấy khoảng chục người nữa ý chừng
cũng trong hoàn cảnh như ông, chợt hiểu ra, ông toát mồ hôi, người bủn rủn.
Giám đốc Minh nói:
chú ạ! Luật đời vay thì có trả, chứ không thể bịa chuyện vu khống tống tiền
được. Hiện giờ Lệ ở đâu cháu không hay. Cháu và Lệ sắp ra tòa ly hôn đến nơi rồi.
Ngồi trên chuyến
xe chiều về quê, ruột gan ông Tần như
nẫu ra vì nỗi lo lắng đến khôn cùng. Ông nhớ lại hôm ấy vào xế trưa. Sau những
đợt rét yếu ớt cuối xuân, trời bắt đầu hửng nắng, ấm dần lên. Chiếc xe Vios 4
chỗ màu đen cáu cạnh đỗ ngay trước cửa nhà. Bước xuống xe là một phụ nữ chừng
36/ 37 tuổi, mặc chiếc váy màu đen ngắn tới đầu gối, chân đi tất đen, giày đen,
áo khoác màu đen bó khít tấm lưng thon thả, khuôn mặt tròn, nước da trắng hồng,
tóc cắt ngắn ốp phồng hai bên thái dương. Đôi mắt và vẻ mặt người đàn bà toát
lên vẻ lanh lợi giảo hoạt. Theo sau là người đàn ông trạc tứ tuần, bận quần ka
ki màu sữa, khoác chiếc áo Bludong màu vàng, tóc cắt cua, bận giày thể thao màu
trắng. Mọi người trong chợ ngừng việc mua bán, mặc cả, nhìn như hút theo chiếc
xe và hai người khách lạ.
Ông Tần dụi mắt,
dường như không tin vào thị lực của mình, rồi định thần: đúng là Lệ rồi. Sao
con bé lại đến thăm nhà mình. Ông Tần vội chạy ra đón khách.
Lệ nói: chú còn
nhớ cháu không nào?
Ông Tần: nhớ
chứ! Cháu là Lệ.
Đúng vậy! Chú
vẫn còn nhớ cháu. Thưa chú đây là chồng cháu. Anh tên Minh- Lệ giới thiệu.
Ông Tần đon đả:
thôi các cháu vào nhà đi! Vào nhà đi! Ông lớn tiếng gọi vợ: Bà nó đâu, pha tôi
ấm chè. Quay sang cháu rể ông nói: thế nào, uống với tôi cốc bia nhé. Không chờ
Minh trả lời ông gọi vợ: bà mang cho tôi thùng bia. Bia Hà Nội loại chai nhỏ
ấy. Chẳng mấy khi gặp nhau, chú cháu tôi uống vài vại bia.
Bà Tần dường như
không mấy hài lòng, bụng nghĩ: cái nhà ông này buồn cười, cứ rộn lên như bắt được vàng. Cháu mới chắt, họ hàng bắn đại
bác không tới, cả đời nó chẳng biết mình là ai thế mà cứ cuống cà kê lên. Lại đem
bia ra đãi nữa chứ. Mất toi vài chai bia của mình. Nghĩ vậy nhưng bà Tần vẫn
nén lòng cố tươi cười khi pha ấm trà và không quên đem thùng bia Hà Nội vào để
bên chiếc ghế nơi ông Tần ngồi. Trò chuyện một lúc, Minh ra ngoài cùng với lái
xe đem vào hai thùng bia Heineken và hộp sâm. Lệ nói giọng vui vẻ: chẳng mấy
khi chúng cháu về thăm quê, chúng cháu biếu chú thím món quà mọn.
Ông Tần: đến
thăm là được rồi, lại còn quà cáp làm gì!
Bà Tần nói: khổ
quá! Cứ vẽ chuyện. Chú thím không dám nhận đâu! – Bà nói đồng thời nhìn hộp sâm
cao ly trên bàn, thùng bia ngoại đắt tiền, thầm nghĩ: đúng là“ phú quí sinh lễ
nghĩa”. Chắc là họ giàu có lắm. Sự đời đầy bát mới dát xuống mâm. Có hàng tỉ
đồng, mới có thể bỏ ra một ngàn không thấy tiếc.
Lệ khẩn khoản:
chú thím đừng ngại, có gì đâu, món quà
mọn ấy mà!
Khi chiếc xe của vợ chồng Lệ chạy khuất về
phía làng trên, ông Tần dường như vẫn còn xúc động, băn khoăn nói với bà Tần:
có khách đến nhà mà bà cứ mặt nặng, mày nhẹ. Đấy bà xem! Người ta biếu mình quà
giá vài triệu có tính toán gì đâu. Bà lúc nào cũng sợ thiệt, suốt ngày ru rú ở
xó nhà, tính toán vụn vặt tủn mủn, cũng chỉ đến vặt mũi bỏ miệng thôi.
Bà Tần cảm thấy
tự ái, vừa ngượng nói: thì tôi vẫn vui vẻ đấy chứ. Ông chỉ được cái hay xét
nét. Lúc nào cũng vậy, cứ mở miệng ra là chê bai vợ con. Ông thử nghĩ nếu không
có tôi chi chút cất giữ cho ông thì liệu còn có cái gì ở nhà này. Ông cũng tệ
lắm, chỉ được cái hào phóng ở đâu chứ đối với vợ con thì đo lọ nước mắm, đếm củ
dưa hành.
Ông Tần bực
mình: đấy! Mới nói vậy đã to tiếng, ăn miếng trả miếng. Mụ này cứ bảo sao?
Mấy tuần sau Lệ
lại về quê trên chiếc xe mới cáu cạnh, lần này là một chiếc xe khác màu sữa.
Ông bà Tần niềm nở đón cháu. Lần này Lệ
biếu ông Tần bộ comple, bà Tần được cái áo khoác màu đen và một chiếc khăn len.
Lệ nói: cháu biết chú thím là người mộc mạc, chẳng ưa diện, nhưng nghĩ cũng có
lúc chú thím phải ăn mặc cho thật chỉnh
tề nên biếu chú thím mấy bộ đồ này.
Ông Tần nói: chú
suốt ngày công việc cần chi mặc comple. Cháu thật là! Ông nói vậy nhưng đôi mắt
nhìn mãi vào bộ comple mới để trong chiếc túi nilon. Lệ nói: chú thím cứ nhận
lấy, có đáng là bao đâu, rồi tiếp lời: lần này chồng cháu không về cùng. Công
ty cháu nhiều việc quá, chẳng có thời gian để mà thở nữa. Anh nhà cháu phải ở
nhà thu xếp công việc.
Ông Tần buông
lời khen: Các cháu còn trẻ mà đã có công ty. Giỏi thật đấy!
Lệ cười lấy làm
đắc ý song vẫn tỏ ra khiếm tốn nói: Chú cứ khen chúng cháu. Giỏi gì đâu! Khổ
lắm chú ạ! Ngày đêm phải lo toan công việc.!
Ông Tần nói: thì chú thím cũng thế, tất bật
mới có đồng tiền.
Lệ nói: lần này
về quê thăm chú thím, cháu muốn thưa chuyên với chú thím.
Ông Tần vui vẻ: có chuyện gì?
Lệ nói: Chú thím
biết vợ chồng chúng cháu có doanh nghiệp. Chồng cháu là giám đốc, cháu là phó
giám đốc.
Ông Tần: ừ chú
có nghe nói. Lệ nói tiếp: chúng cháu có hơn chục đầu xe vận tải và chở khách du
lịch. Bà Tần xen vào: thế cơ à! Ông Tần
nhìn vợ cau mày vẻ khó chịu.
Lệ nói: công
việc làm ăn của chúng cháu cần được mở rộng. Cháu tính mua mấy đầu xe nữa. Nếu
có vốn, cháu sẽ đầu tư vào bất động sản.
Bà Tần: sao cháu
không vay vốn ngân hàng? Ông Tần lừ mắt
nói: bà lại phải dạy khôn cho cháu. Quanh năm suốt tháng quẩn quanh với mẹt hàng
lại cứ cầm đèn chạy trước ôtô.
Bà Tần mặt đỏ bừng ngượng nghịu nghĩ: cái lão
này chẳng còn biết tế nhị là gì.
Lệ nói: cháu
cũng đã vay vốn ngân hàng, lãi suất cao. Hàng tháng công ty trả đến trăm triệu
tiền lãi.
Bà Tần tròn mắt
ngạc nhiên ngẫm nghĩ: doanh nghiệp vừa phải trả lãi ngân hàng, trả lương công
nhân vậy mà làm ăn vẫn phát đạt. Thật chẳng bù cho vợ chồng bà cóp nhặt từng
xu, từng hào.
Lệ nói: chú thím
có tiền đầu tư vào công ty cháu, hoặc cho cháu vay với lãi suất trả trước là 30/% năm thì tốt quá. Cháu nghĩ rồi, đằng
nào cũng phải vay và trả lãi, chi bằng trả lãi cho người nhà vẫn hơn.
Ông Tần nhẩm
tính: lãi suất ba mươi phần trăm năm trả trước, quá hấp dẫn. Nếu bỏ ra một tỉ
đồng, một năm có ba trăm triệu. Trời ơi! Làm gì để được ngần ấy tiền? Thật chỉ
có trong mơ!
Bà Tần cũng nhẩm
tính nhanh chóng, sửng sốt nghĩ: nếu vậy cần gì phải lo lắng làm ăn cho mệt.
Thật đúng là trời mang của đến nhà!
Hôm đó vợ chồng
ông Tần mang toàn bộ mấy chục cây vàng tích lũy được trong vài chục năm trời và
hơn tỉ đồng tiền mặt nữa đưa cho cháu Lệ . Đúng như lời nói Lệ đưa lại cho vợ
chồng ông Tần chừng ba trăm triệu gọi là tạm ứng trước tiền lãi của năm.
Ông Tần
nói: công ty cần vốn. Cháu cứ cầm lấy lo
việc làm ăn cho tốt. Chỗ chú cháu lọt sàng xuống nia sợ gì.
Khi Lệ ra về, bà
Tần băn khoăn nói: sao ông lại có thể đưa hết vốn liếng cho cháu nó vay thế.
Ngộ nhỡ….?
Ông Tần nhìn vợ
mỉm cười nói: bà sợ à? Nó là con là cháu mà không tin còn tin ai? Sao cháu có
thể lừa gạt chú thím được chứ? Có chí làm quan, có gan làm giàu. Kinh doanh là
phải mạo hiểm.
Bà Tần: Tôi vẫn
băn khoăn lắm! Sao lại có thể vay, trả lãi với lãi suất cao như thế? Điều này
không bất thường ư?
Ông Tần: Bà chỉ
được cái đa nghi Tào Tháo. Đằng nào nó chả phải đi vay. Cháu Lệ nói vay của
người trong gia đình vẫn hơn.
Bà Tần: tôi vẫn
lo lắng lắm.
*
Ngồi trong xe về
nhà, ông Tần bải hoải như không còn sức sống. Khuôn mặt ông, đôi mắt ông lộ rõ
vẻ buồn rầu và lo lắng. Ông nghĩ: Chẳng
lẽ Lệ lại lừa ông.?.làm gì có chuyện như thế? Chú cháu tay đứt ruột xót. Chẳng
lẽ lại cạn tàu ráo máng đến thế. Chuyện
này ông không thể tin.!Có thể còn điều
gì uẩn khúc mà ông chưa biết chăng? Con người phải có chút lương tâm chứ. Nghĩ
vậy nhưng lòng ông không bớt lo lắng bồn chồn, chỉ muốn hiểu cho rõ ngọn ngành
sự việc.
Phước bất trùng
lai họa vô đơn chí, đang lo lắng vì chuyện tiền nong, về đến nhà chưa kịp nghỉ
ngơi thì bà Tần với khuôn mặt rầu rĩ vồ
lấy ông nói: Ông ơi ! Thằng Ninh ôm đề,
không có khả năng trả, nợ người tới dăm trăm triệu. Ông Tần như bị bồi thêm một
cú đòn trời giáng vào mặt, tối mắt, tối mũi.
Bà Tần tiếp:
Nghe phong thanh nói nhà mình vỡ nợ, sáng nay có mấy người đến đòi tiền. Tôi
bảo làm gì có chuyện đó, phải khéo nói họ mới về.
Mấy ngày sau, gặp
tôi Ông Tần nói giọng nhỏ và buồn: thằng lớn ôm đề nay có cơ ra đê ở. Vợ chồng không
còn đồng nào, phải trốn về quê. Bọn chủ về tận đây siết nợ. Thật đau quá ông ạ!
Con với cái, thế có giết cha, giết mẹ không chứ!
Tôi nói: thằng
cả nhà ông mà phải chịu lép ư?
Ông Tần hậm hực nói: ngu! Cả lũ ngu! Con dại,
cái mang. Chỉ khổ mình! Thà chẳng con cái cho rảnh nợ. Thật đúng vợ là tội con
là nợ.
Tôi nói: Ông bực
lên nói vậy thôi. Khối người mong có con mà chẳng được, nay ông có vài thằng chống
gậy sướng quá còn gì.
Ông Tần: con
phải ra con. Đằng nay hai thằng nhà tôi ép nó học, theo đuổi chữ nghĩa chẳng
được. Học đến lớp 6 mà chẳng đọc thông viết thạo, suốt ngày lêu lổng, mải chơi
điện tử, cá độ . Ông bảo thế sao học được? Ở nhà kiếm tiền nuôi thân cũng chẳng
xong. Chúng làm tôi lo lắng. Lấy gì trả nợ cho nó bây giờ. Lại nói đến thằng
thứ hai nhà ông Tần bỏ học đi làm ăn ở nam, mới đây đưa người yêu về đòi cưới.
Con bé người còm nhom bụng mang dạ chửa trông thật xứng đôi vừa lứa với thằng
chồng vừa ngắn vừa béo.
Độ tháng sau, có
tin Lệ về nhà, và công ty của vợ chồng Lệ vẫn tiếp tục hoạt động, vợ chồng ông Tần
lóe lên tia hy vọng mới. Ông Tần nói với vợ: Tuy họ xa nhưng một giọt máu đào
hơn ao nước lã. Con bé hà cớ gì lại lừa chú thím. Bộ nó không muốn về làng sao?
Bà Tần nói: tôi
cũng chỉ mong có thế, lường gạt ai chứ không thể gạt người trong dòng tộc, còn
phải để lối quay đầu về nữa chứ.
Hôm sau ông Tần
lại đáp chuyến ô tô sớm ra Hải Phòng. Quả thật sau vài tháng vắng nhà, giờ đây
Lệ đã có mặt ở công ty. Tiếp chú Tần trong gian phòng hẹp. Thừa biết mục đích
của chuyến thăm này nhưng Lệ vẫn nói: Chú ra đây có việc gì ạ? Cử chỉ của Lệ
làm ông Tần bực mình nghĩ: hành vi của nó với ông lúc này khác hẳn với những
lần về quê thăm ông, không có cái vẻ thân mật khiêm tốn và lễ độ, thay vào đó
là gương mặt lạnh tàn nhẫn, cặp mắt sắc lạnh và tinh quái.
Lệ nói: chúng
cháu làm ăn bây giờ rất khó khăn. Kinh tế đang giảm phát, một số công ty phải
đóng cửa, bởi vậy số đơn hàng vận chuyển kém hẳn, lại thêm bao chuyện phiền
toái nữa do phải quan hệ với ông nọ bà kia, nên có gì chú nói ngay. Cháu còn
nhiều việc phải giải quyết.
Nhìn khuôn mặt
trơ lì của đứa cháu gái, ông Tần nghĩ: thì ra nó đóng kịch với ông, lửa giận
bốc lên ngùn ngụt trong người, ông muốn
chứi, mắng té tát vào cái mặt thất đức kia,
tát cho nó vài cái, song vẫn đành nén lại.
Lệ nói: công
việc của chúng cháu luôn phải giữ chữ tín đối với khách hàng. Làm ăn mà không giữ
chữ tín sao lâu dài được. Một số người nhân công ty gặp khó khăn, dậu đổ bìm
leo dở trò vu khống đến kiếm tiền của công ty. Thế có bậy không! Vay mượn hàng
tỷ đồng mà không có giấy tờ gì. Chú bảo
thời buổi này ai có thể dễ dãi như thế. Vợ chồng cháu cãi nhau, ly dị nhau cũng
vì chuyện đó. Cũng may anh nhà cháu hiểu người, hiểu việc, nếu không các cháu
ông chia lìa mỗi người một phương rồi. Những khoản công ty vay, những khoản do
cổ đông đóng góp nếu muốn họ có thể lấy
xe bù lại. Công ty còn nhiều xe không sử dụng mà - Lệ nói rồi chỉ cho ông Tần xem
những chiếc xe cũ nát nằm ở một góc bãi. Đấy! Ra kia mà lấy xe trừ nợ! Mỗi con
xe giá trị 3 tỉ đồng đấy- Lệ nói.
Ông Tần nhìn
những chiếc xe cũ nát chờ chở đi làm sắt vụn, cổ họng nghẹn đắng. Ông hiểu giờ đây chỉ mong
vào chút lương tâm còn sót lại trong lòng nó. Nhưng một chút gọi là lương tâm
trong nó cũng không có nốt. Trong tay ông không có một bằng chứng nào về các
khoản ông đã cho Lệ vay. Giờ đây ông chỉ có thể tự trách mình: trời ơi! Lăn lộn
trên thương trường vài chục năm, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, biết đủ mọi
mánh khóe làm ăn, ai cũng phải kiềng nể vậy mà trong phút chốc ông đã trở lên khánh kiệt, bực nỗi không chia
sẻ được với ai, không kêu được với ai. Cú lừa thật ngoạn mục! Ông tự trách mình
đã quá tham. Chính lòng tham đã làm ông mù quáng, khiến ông mắc bẫy một cách
giản đơn.
Những ngày sau đó, vợ chồng ông Tần đóng cửa
hàng chẳng thiết đến buôn bán. Miên man suy nghĩ cách lấy được tiền về. Bà tần
nói: hay là đi báo công an, kiện Lệ ra tòa.
Ông Tần: tôi
nghĩ cả rồi. Trong tay mình không có chứng cứ nào. Chỗ người nhà tin tưởng đưa
cho cháu vay thế thôi. Ai hay nó như thế.
Bà Tần ngồi lì ở góc giường, ruột
tiếc và xót như có ai chà muối. Ông Tần người rũ ra như tàu chuối héo, thoảng
lại làm điếu thuốc lào. Mấy đứa con ông trai gái, dâu rể khuôn mặt ủ rũ buồn
bã. Chúng nhìn cha mẹ vừa giận, vừa tỏ ý trách móc.
Có lúc vào buổi
tối, ông Tần lên tầng trên, đứng ở ban công chìm đắm trong nỗi thất vọng và đau
xót đến cùng cực. Bầu trời đêm tối thẫm mông lung thưa thớt sao, gió thổi nhẹ
làm ông cảm thấy se lạnh. Bao năm lăn lộn toan tính, mưu mẹo để làm giàu, tiền của
như nước chảy vào nhà, ông đã đắc ý,
kiêu căng trước bao người, vậy mà thoắt một cái đã trắng tay. Cuộc đời
như một giấc chiêm bao vậy. Ông nhìn xuống
mặt đất rùng mình nghĩ: chỉ chút liều lĩnh là ông được giải thoát. Nhưng
liệu có giải thoát được thật không? Ông sực ngộ ra một điều: Luật đời khắc
nghiệt lắm, gieo gió gặt bão. Vay phải
trả. Đời cha không trả hêt, đời con trả. Không trả bằng cách này thì bằng cách
khác sòng phẳng. Ông đã làm bao người lâm vào cảnh nợ nần. Họ cũng như ông mong
phút chốc có được món tiền lãi lớn, giàu lên nhanh chóng, thay đổi cuộc đời lam
lũ, đi vay tiền đưa ông cho vay lại với lãi suất cao. Ông chết đi ư, món nợ ấy
ai trả. Ông hiểu lòng mình tiếc xót bao nhiêu thì người khác cũng vậy. Ông nghĩ
thế rồi cắn chặt môi. Trên khóe mắt ông những giọt lệ của lương tri bỗng chốc
rớm ra lăn dài trên gò má, chảy xuống mặn mòi trên môi.
Không lâu sau đó, ông Tần bán nhà, dùng số
tiền đó để trang trải hết nợ nần, còn lại chút ít ông bà Tần mua căn nhà nhỏ nằm
sâu trong ngõ. Ông bà Tần đóng một tủ
hàng, gầm có lắp bánh xe rất thuận tiện cho việc di chuyển, không chỉ bán hàng
tạp hóa ở chợ, còn đi đến từng ngõ xóm mang hàng hóa đến phục vụ cho từng gia
đình, với những lời chào và giới thiệu
vồn vã và lương thiện. Mọi người giờ đây hay chọn hàng của ông vì nó đảm
bảo chất lượng, giá cả phải chăng, rõ xuất xứ. Họ nói: vợ chồng ông ấy vậy mà
giữ chữ tín, biết thương người.
Gặp tôi ông Tần
nói: gần nửa đời người giờ tôi mới hiểu niềm vui trong sự thanh thản. Mất của
thật đấy nhưng vẫn còn có sự an ủi. Mấy đứa con tôi nhờ cú sốc ấy mà như sực
tỉnh, thôi không đánh bạc. Chúng như những con người khác vậy, thằng lớn học
được cái nghề sửa chữa điện thoại di động, thằng thứ hai đi làm cho một gara ô
tô, chúng chịu khó, chịu khổ và tằn tiện. Tôi bảo các cháu: các con nhớ là phải
làm ăn lương thiện, giữ chữ tín trong kinh doanh, chịu khó mà học hỏi. Làm ăn
mà thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết thì chỉ có chết.
Tôi cười vui nói
với ông Tần: ông mất của nhưng được
người nhé. Giàu chưa chắc đã sung sướng. Niềm vui của con người ở chỗ biết thế
nào là đúng và đủ. Ông Tần cũng mỉm cười nói: Ông chỉ được cái hay xa xôi.
Hưng
yên tháng 2 năm 2013
Hồ
Ngọc Vinh