Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh ( truyện ngắn này mới được sửa lại)
Không biết tự bao giờ, làng Thượng Cát
truyền lại từ đời này sang đời khác lời nguyền. Tôi tạm gọi đó là
lời nguyền tình yêu. Trai gái làng Thượng cát cấm kị lấy trai gái
làng Hạ. Nếu họ lấy nhau, vợ chồng sẽ như đũa gãy đôi, gia đình ly
tán, con cháu bại hoại.
Ông Bổn vốn là nghệ nhân dân gian Trống quân
kể với tôi rằng. Sở dĩ có lời nguyền đó là vì tranh chấp đất đai
giữa hai làng ở mạn đồng sông xuôi. Thời gian phong kiến trước đây, dân
hai làng với mã tấu, giáo mác gậy gộc nhiều lần xô xát. Tham gia
vào ẩu đả có thanh niên, thiếu niên, dân binh, thậm chí cả các cụ
già. Những trận chiến đất đai như vậy, thậm chí dẫn đến đổ mảu,
chết người, song căn nguyên vẫn không được giải quyết triệt để. Làng
Thượng Cát cho rằng làng Hạ đã lấy mất vài Hec ta ruộng của họ.
Làng Hạ cho rằng yêu sách của Thượng Cát chẳng có cơ sở nào. Vùng
đất tranh chấp ấy, khó có thể canh tác vì có trồng cây cũng bị phá
nát.
Bên cạnh đó, làng Hạ còn có tục giữ gái
làng. Trai làng khác đến tán tỉnh gái làng Hạ không khéo bị đánh
sứt đầu, mẻ trán.
*
Tôi ngồi ở hàng ghế đầu phía trái rạp.
Cạnh tôi là Vượng. Phía trước mặt là sân khấu dựng tạm. Mặt sàn
được ghép bởi những tấm gỗ mỏng, phủ thảm xanh. Trên mặt phông hậu
của rạp nổi bật hàng tít: “ Lễ đón nhận bằng công nhận làng văn
hóa Thượng Cát.”
Lúc này trên sân khấu, gần hai chục phụ nữ
độ tuổi 30- 40 trong trang phục áo mớ ba màu vàng đang xòe những cánh
quạt nhịp nhàng theo nhịp điệu chèo. Lời
của bài hát: hát mừng quê ta nay đổi mới…i…i…a. Là hát mừng
quê ta nay đã đổi mới.. Hỡi chị em ơi! Ta mừng là…
Vượng quay sang nói với tôi: Đây là tiết mục
tự biên, tự diễn của đội văn nghệ
của làng.
Nhìn những đôi chân hôm qua hôm kia còn lấm
bùn, nay chưa hết vụng về trong nhịp trống, trong tiếng nhạc, bất
giác tôi nhớ lại lời bố tôi kể: “ Ngày trước, mẹ con hát chèo hay lắm. Bố yêu mẹ cũng
bởi say mê giọng hát chèo của mẹ”.
Lần theo những câu chuyện của nghệ nhân Bổn và chuyện của
bố, tôi viết truyện ngắn này
*
Dòng dõi ông
Tân vốn làm nghề đi thuyền. Thuyền vận tải chứ không phải thuyền
chài. Nghề đi thuyền nay đây mai đó,
sông nước và con thuyền là nhà. Gia đình mấy thế hệ sống trên thuyền lênh đênh ở khúc sông nọ tới
khúc sông kia, đời này, sang đời khác vẫn vậy. Đến đời ông Tân, theo
chính sách mới của nhà nước, gia đình được chia ruộng, bởi vậy họ
vừa đi thuyền, vừa làm ruộng.
Ông Tân có một con thuyền vận tải bằng gỗ,
trọng tải vài chục tấn. Tài sản tích cóp của cả một đời sông
nước, song cạnh đó, cũng làm nghề nông. Tập được sinh ra trên thuyền.
Ông Tân là người đỡ đẻ. Khi bà Tân trở dạ, biết không thể chờ đợi lâu,
không thể hy vọng có nữ hộ sinh, ông đã sai người hơ con dao vẫn dùng
để mổ cá trên lửa, dùng nó cắt rốn cho con. Mới hơn năm, Tập đã lon
ton trên mặt thuyền, vài tuổi đã
bơi lội như con dái cá trên
sông. Tập say mê sông nước như cha mình. Cậu có thể nghe tiếng con sông
thở, tiếng con sông trở mình mỗi lần đổi trời. Ông Tân đã huấn luyện
Tập đi thuyền ngay từ lúc Tập hơn
chục tuổi. Ý nguyện cho con tiếp quản
thuyền và nghề kinh doanh vận
tải thủy. Các công việc như cầm lái, cột dây buồm, neo và néo buồm.
Khó nhất là việc điều khiển phối hợp các cánh buồm lợi dụng sức
gió và lực của dòng chảy để con thuyền xuôi ngược điệu nghệ trên
mặt sông... Sau khi học xong lớp 7, Tập xuống thuyền, nhanh chóng trở
thành lao động chính. Tập cao lớn, vạm vỡ, da bánh mật, chân đi vòng
kiềng, giọng nói trầm đục, tỏ rõ là một thanh niên có bản lĩnh.
Từ bao năm nay, cứ hai năm một lần, làng
Thượng Cát tổ chức lễ hội. Tập được chọn chèo thuyền cùng với đám
giai tế trong làng. Anh nào anh nấy
to cao, khỏe khoắn, da bánh mật, gọn gẽ oai vệ trong trang phục áo lậu “ áo lính ngày
xưa”.
Buổi sáng, sương mờ bao phủ cả mặt sông.
Dòng sông những ngày đầu xuân mặt nước gợn nhẹ. Đôi bờ cánh bãi, ngô non ngang lưng người
xanh biếc một màu.
Dân làng Thượng cát, dân làng Hạ, dân các
làng lân cận đứng kín bờ sông xem rước nước. Trong đó có Liên. Tiếng
trống dồn, tiếng người cười nói huyên náo, không khí tưng bừng vui
của ngày lễ không làm cho Liên chú ý tới nhiều. Đôi mắt cô tập trung
vào một thanh niên đang dang rộng cánh tay mạnh mẽ khỏa chèo. Con thuyền xé dòng ra giữa sông
trong tiếng rúc của tù và. Lòng cô xốn xang những cảm xúc yêu đương.
Thật ra, Tập biết Liên từ lâu. Mỗi lần đội
văn nghệ làng Hạ diễn chèo Tống Chân Cúc Hoa, Thị Mầu lên chùa…Tập đều có mặt.
Liên với giọng hát chèo trong trẻo, truyền cảm cuốn hút anh. Khuôn
mặt tròn, mái đầu vấn khăn, đôi má phớt hồng của Liên làm say đắm
hồn anh.
Tiếng gọi của tình yêu quyến rũ khiến hai người tìm đến với
nhau tự tình bên ghềnh. Dòng sông lúc êm đềm róc rách chảy, lúc cuộn
sôi réo. Mảnh trăng và sao trời trôi theo làn nước, lấp lóa.
Tập nói: Anh đã để ý đến em từ lần đầu
tiên xem đội văn công làng Hạ diễn chèo. Em vấn khăn. Những làn điệu
chèo em hát thật mềm mại. Tà áo mỏng bay lả lướt theo điệu múa. Từ
bấy giờ cứ ở đâu có diễn chèo là anh lặn lội đi xem cho bằng. Đặc
biệt là các vở diễn trong đó có em thủ vai. Anh rất yêu em!
Liên nói trong tiếng thở hào hển: Em cũng rất yêu anh! Người em yêu phải cao
lớn hơn em một cái đầu, phóng khoáng, mạnh mẽ và giàu lòng tha thứ.
Người yêu em phải là chỗ dựa cho em trong gia đình. Gặp anh em thấy anh
khỏe mạnh, giàu cảm xúc, chân thành thế là em yêu. Có thể đấy là
số phận. Ông trời xe duyên đôi lứa.
*
Nghe
tin Tập yêu Liên, mặc dù chưa
bao giờ gặp cô gái, ông Tân đã không thích rồi. Lòng không an vì con,
lúc nào cũng có cảm giác buồn bực thường trực. Ngồi rót một chén chè đặc , nhấp
giọng, khuôn mặt lộ vẻ bực bội, Ông Tân gằn giọng nói với Tập: làng
này không thiếu con gái. Sao phải tìm phụ nữ làng Hạ?
Bà Tân ngồi cạnh chồng, với lấy cối vôi, dùng tăm vớt ít vôi
bôi lên lá trầu, đưa lên miệng nhai. Khuôn mặt lộ vẻ đau đớn nói, bà
đắn đo nói: mấy ngày nay bố con
không ngủ được! Mẹ cũng vậy. Bố mẹ đã rắp ranh cho con con gái nhà
ông Từ. Nó xinh xắn, nết na, nhu mì lam làm.
Ông Tân: Con không biết tới lời nguyền ư. Từ
bao lâu nay, trai gái làng Thượng Cát mấy khi xây dựng với trai gái
làng Hạ. Đấy trông gương nhà Nụ. Người lớn nói không nghe, về làm dâu
làng Hạ. Chồng chết. Không ở được với gia đình chồng, mang con về nhà
mẹ đẻ. Nay ốm mai đau. Tiền không có mua thuốc. Cả đời sống trong
nghèo khó cơ cực. Gia đình nhà Khương cũng thế đấy.
-
Bố mẹ đã dạy con. Làm người, ăn ở phải
có đức. Con và Liên đã yêu
nhau. Con không muốn nuốt lời. Con không thay đổi đâu!
Ông Tân nói vẻ thất vọng: Thế là anh lú lẫn
mất rồi. Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Bố mẹ nó là cái đồ
phường chèo. Nói anh hay. Dân ca hát nó hay lăng nhăng lắm. Nghe nói con
bé lúng liếng lắm, bắt cá nhiều
tay. Dân gian có câu lấy đĩ về làm vợ, hơn là lấy vợ về làm đĩ. Anh
hiểu không?
Bà Tập: hay là anh ăn bùa, ăn bả của con bé
rồi.
Ông Tập: làm gì có bùa với bả. Chỉ có con mình nó ngu thôi.
Tập: làm gì có lời nguyền cơ chứ. Bố mẹ
cổ hủ lắm. Bố mẹ chỉ muốn con lấy con nhà giàu. Bố mẹ muốn con
lấy người con yêu hay lấy người bố mẹ thích.
Bà Tân: bố mẹ chỉ lo cho con thôi.
Tập: Vậy thì bố mẹ mặc kệ con đi. Nếu không
lấy Liên, con sẽ ở vậy suốt đời.
Thấy không thuyết phục nổi con. Nói nữa
dẫn tới tranh cãi. Tình cảm cha mẹ
với con có thể bị tổn hại. Ông Tân đành nuốt cục giận vào lòng. Bà
Tân khuôn mặt ỉu xìu, ngồi yên lặng, nhìn ra ngoài trời, chẳng thiết
ngó ngàng tới việc gì.
Từ hôm đó, gặp ai ông Tân cũng nói như để xả
bực tức, cáu giận: Ông Tân nói với ông Ban: Thằng con nhà tôi yêu con
bé cái Liên ở làng Hạ. Nói mãi, phân tích cho nó mãi, nhất định nó
nghe. Nó còn bảo mình cổ hủ, mình tham tiền. Lúc nào cũng đòi môn
đăng hộ đối. Giờ con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó. Không như xưa kia
nữa.
Ông Bạn: Chúng nó yêu nhau rồi, khó tách
lắm. Chặn là phải chặn ngay từ lúc ban đầu. Bây giờ chúng say nhau.
Nói nhiều nó hận mình. Thôi thì cứ ưng thuận cho chúng lấy nhau.
Cuộc sống của chúng, chúng lo.
Gia đình ông bà Hường cũng không đồng ý cho
Liên tìm hiểu Tập. Một phần vì lời nguyền. Phần khác không muốn con
gái thành hôn với người có nghề đi thuyền. Bà Hường nói với con
gái: người ta có câu: ai ơi chớ lấy
thuyền chài…. Mẹ còn nhớ ngày bé, cứ thấy thuyền là mẹ cùng
chúng bạn trêu trọc: thuyền
ai đi ngược, đi xuôi. Thằng nào bẻ lái , mút…cho tao. Mẹ không thich
cái nghề đó.
Ông Hường: cái nghề sông nước gian nan lắm,
vất vả lắm. Vậy mà cũng chỉ vặt mũi bỏ miệng. Có ai làm giàu
được bằng cái nghề ấy đâu. Làm vợ người ta, đi thuyền sống với nhau
trên thuyền. Bất tiện lắm.
Bà Hường: mày mà lấy nó, thì không mẹ con
gì cả! Mày đi theo không. Không có cưới xin gì đâu!
Liên thất vọng tràn trề. Sự tươi tắn trên
khuôn mặt mất đi, thay vào đó là gương mặt buồn rầu, đầy âu lo. Không
thấy nụ cười duyên như hoa hồng hé nở. Liên loay hoay không biết làm
gì để thuyết phục được cha mẹ. Mặc dù bị theo dõi gắt gao cô vẫn ra
được chỗ hẹn hò. Mỗi lần như thế, trông thấy anh, cả người cô run
lên, đôi chân khuỵu xuống chực ngã. Tập đỡ Liên. Phải lát sau Liên mới
trấn tĩnh lại được.
Có lần cả hai phải chạy trốn đám thanh niên
làng Hạ. Nghe thấy tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng người huyên
náo, tiếng gậy va đập vào nhau, họ lẩn xuống phía chân tre, nằm nép
vào bờ ruộng. Một vài ánh đèn pin lướt qua. Nhưng rất may không ai
phát hiện ra họ. Đợi cho tiếng chân đã
lùi xa, làng xóm yên tĩnh trở lại. Tiếng những con dế bắt đầu
kêu ri…..rii..ri, họ mới chia tay.
*
Giặc Mỹ đánh phá miền bắc. Máy bay Mỹ bắn phá ác liệt cảng Hải
Phòng, Nam Định, Hà Nội. Chúng thả bom nổ chậm xuống sông, ngăn cản
tàu bè qua lại. Đã có tàu, thuyền của dân bị chìm vì trúng bom.
Chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt ở cả hai miền. Có buổi máy
bay Mỹ từng đàn vài chục chiếc gầm rú trên bầu trời, ném bom tọa
độ xuống nhà máy, các cơ sở kinh tế, dân sinh, gây chết chóc đau thương
cho nhân dân.
Để chi viện cho tiền tuyến, trên trưng dụng
thuyền của dân chở lương thực, thực phẩm vào miền trong. Thuyền của
gia đình ông Tân đã thực hiện nhiều chuyến vận chuyển gạo xuống Nam
Định. Có chuyến thuyền vào tận Thanh Hóa, Nghệ An. Những chuyến đi
như thế rất nguy hiểm. Buổi tối thuyền không được thắp đèn, cũng chẳng
có đèn hiệu nào trên bờ nên rất khó nhận ra luồng lạch, doi
cát hoặc các mỏm đá ngầm. Có lần
thuyền phải nằm bờ, chờ tàu bộ đội phá bom nổ chậm ở lòng sông,
sau mới tiếp tục hành trình.
Tập ngồi trong khoang thuyền, cầm lái. Đoạn
sông này Tập đã quen thuộc đến từng doi cát giữa dòng, từng con
ghềnh, từng mỏm đá ven sông.
Giờ là dịp cuối xuân. Hai bên bờ sông, ngô non
xanh biếc một màu, những cây gạo đã đơm hoa đỏ trên cành . Nước sông chuyển đục lờ
báo hiệu lũ sắp về. Trên mặt sông, suốt một đoạn từ Làng Cót đến Hưng Yên, những chiếc thuyền thúng
bập bềnh , bập bềnh. Người đánh cá đang thả lưới xuống sông, dõi
theo những chiếc phao đang dập dềnh, dập dềnh trôi trên sông nước.
Thuyền xuôi dòng, lại có gió tây nam nên đi
khá nhanh. Tay Tập cầm lái, đôi mắt anh quan sát mặt sông, lái con thuyền tránh những chiếc thuyền
thúng, lựa theo dòng, lựa theo hướng gió, cho thuyền xuôi về cửa
biển.
Ông Tân cùng mấy thuyền viên tay cầm chão ,
mắt nhìn cánh buồm, lúc thả dây, lúc níu kéo, gìm cho cánh buồm no gió. Họ phải phối
hợp với nhau thật khéo léo để điều chỉnh vị trí của hai cánh buồm,
lúc nằm song song với nhau, lúc tạo
thành một góc. Việc điều chỉnh cánh buồm chủ yếu theo kinh nghiệm
căn cứ vào hướng gió, dòng chảy, và sự nhạy cảm tinh tế của người
đi thuyền. Con thuyền lúc rẽ sang bờ trái, lúc chếch sang bờ phải
tạo thành quỹ đạo chữ chi trên sông.
Hành trình ra cửa biển lần này, thuyền chở gạo
và bột mì vào miền trung. Dự kiến hành trình về , họ mang theo mắm, muối, cá khô.
Mỗi chuyến đi như thế kéo dài hàng tháng tính cả thời gian thuyền phải nằm ở bến bốc hàng.
Lần này về quê, lúc đó đã sang tháng năm.
Nước sông Hồng đục ngàu màu đất, cuồn
cuộn đổ về xuôi. Nước sông lên nhanh, mới có vài ngày đã ngập
những mỏm đá, ngập ghềnh, tràn lên bãi.
Không thể ngược dòng bằng buồm. Chỉ còn một
người trên thuyền dùng sảo đẩy, thuyền viên còn lại xuống bờ kéo
thuyền. Tập mặc quần áo nâu bạc
màu. Quần xắn tới gối nhảy từ mạn thuyền xuống nước. Dù đây là
đợt nước lên đầu tiên trong năm, nhưng đã có lớp bùn mỏng mới đóng.
Bàn chân trong lớp bùn nhão cóng lạnh.
Họ dong chiếc chão được làm bằng xơ dừa dài vài chục mét, dùng những đoạn chão khác
níu vào thân chão chính, thắt vòng , khoác chéo lên vai kéo thuyền đi
ngược dòng.
Khó khăn
nhất vẫn là lúc kéo thuyền qua ghềnh. Từ mạn ngược cả dòng nước
cuộn chảy xô vào đầu ghềnh sôi réo, gặp vật cản đổi hướng, vật
cuộn ra giữa dòng chảy về nam xuôi ra biển. Qua những đoạn ghềnh,
người trên thuyền dùng sào chống đẩy thuyền ra xa bờ, người kéo thuyền
gò lưng, chân bấm vào từng thớ đất ven sông ra sức kéo, có khi mất
cả buổi con thuyền mới vượt qua
được ghềnh nước.
Việc kéo thuyền chỉ dừng lại lúc nửa đêm.
Họ neo thuyền ở vật nước, chỗ nước quẩn. Sau khi lặn ngụp dưới dòng nước mát lạnh, Tập nằm
trên mui thuyền, ngắm trăng và sao. Dù mới xuống thuyền, nhưng vốn con
nhà nòi nên việc lái thuyền, điều khiển buồm, níu dây kéo thuyền
Tập nhanh chóng thành thạo, thậm chí hơn cả những người đi thuyền
thâm niên hơn chục năm. Trong huyết mạch anh, dòng máu cuộn chảy là
dòng máu của dân đi thuyền có lõi đã nhiều đời gắn bó với thuyền,
với những dòng sông miên man chảy.
Mùa hè, song về đêm gió mang hơi nước thổi
tới mát lạnh. Chòm sao Bắc đẩu đã ngả về phía tây. Đôi mắt con vịt
nhấp nháy, nhấp nháy thâu đêm ở phía tây nam. Nhiều sao quá. Sao mọc
chi chít, chi chít như những miếng đa kê. Tập nhớ tới Liên. Khuôn mặt
tròn của nàng chẳng cần son phấn cũng phơn phớt hồng tự nhiên. Đặc biệt xinh khi nàng
tỏ ra bẽn lẽn, hai má đỏ lựng như
cà chua vừa chín trông rất đáng
yêu. Tập nhớ lại những đêm chèo do đội văn nghệ làng Hạ biểu diễn.
Liên vấn khăn, mặc áo mớ ba màu vàng, bước chân như bay trên sân khấu
theo nhịp trống chèo. Thân hình nàng trong trang phục áo mớ ba lúc
dướn lên, lúc xoay nghiêng uyển chuyển và gợi cảm. Nàng được đám con
trai làng Hạ để ý. Anh chợt thấy cay cay nơi sống mũi.
Đã hơn tháng nay Liên ngóng tin Tập. Hàng ngày,
khi ra bãi nhổ đỗ, Liên thường ghé ra
bến , trên vai đôi tòn ten đôi quang gánh, mắt quan sát những chiếc sà
lan, những con thuyền buông neo lui về phía dưới ghềnh. Dòng nước sôi
réo đầy xoáy cuồn cuộn đổ về xuôi. Vẫn không thấy thuyền của Tập
về neo đậu ở bến quê. Liên bỗng lo lắng khi chợt nhớ tới tin trên đài
cô vừa nghe. Máy bay Mỹ đánh phá cảng Hải Phòng, ném bom nổ chậm xuống
sông. Tàu thuyền của ta qua lại đã bị trúng bom….
Cho mãi tới ngoài mồng, thuyền của Tập mới
về tới bến quê. Mặc chỉ độc chiếc quần nâu, ngực vồng lên từng múi
cơ vạm vỡ, da bánh mật trông Tập giống như vận động viên thể hình.
Anh nhảy xuống bờ bãi, kéo dây neo một đoạn khá dài vào bờ, chọn
chỗ đất thịt rắn cắm neo. Anh vội về nhà. Từ bến đến nhà khoảng
bảy trăm mét. Xóm chỉ có vài nóc nhà ở lảnh ra một khu riêng vốn
của những người dân làm nghề đi thuyền từ lâu đời nay.
Sau hơn tháng trời xa cách, nỗi nhớ nhung dồn
lại, nay Tập mới gặp Liên. Chỗ này gần ghềnh nước. Trời tối, vẫn
có thể thấy nước sông ngàu màu đỏ, mặt sông rộng ra mênh mang. Tiếng
con nước cuộn vào với nhau sôi réo. Chỗ này khuất vắng , không sợ
bọn con trai làng Hạ rình rập đuổi đánh.
-
Sao lần này anh đi lâu thế?
-
Lúc về , nước lên, kéo thuyền ngược dòng
vất vả quá!
-
Em cứ lo lo là. Nghe tin, máy bay Mỹ thả
bom nổ chậm xuống sông.
Một số tàu thuyền bị chìm do vướng phải bom.
-
Sống chết có số. Anh chẳng chết được đâu.
Em đừng lo.
-
Anh lúc nào cũng đùa. Anh Tập! Chúng mình
cưới nhau đi!
-
Sao vậy? Có chuyện gì à?
-
Có! Mà thật ra chẳng có chuyện gì. Bố
mẹ gả em cho người cùng làng.
Tập sửng sốt: Thật à. Thế bao giờ cưới…
-
Sao anh lại hỏi vậy.
-
Anh không biết!- Tập nói.
Bất giác nhớ lại câu thơ truyền miệng của dân làng:
Ai ơi! Chớ lấy thuyền chài. Lênh đênh sông nước, không nhà,con ngu. Lòng
anh dội lên nỗi đau vì lòng tự tôn bị xúc phạm. Song anh không thể
nghĩ rằng, cuộc sống của anh sẽ thiếu Liên. Càng yêu Liên, nỗi thất
vọng, nỗi đau càng vò xé anh. Bố
mẹ anh tin vào lời nguyền, dứt khoát không đồng ý cho anh lấy Liên.
Còn dọa sẽ chết, sẽ từ con, sẽ cấm anh sau này không được nhắc tên
các cụ trong các nghi lễ cúng giỗ. Bố mẹ Liên không muốn con gái
thành thân với con trai làng Thượng cát, đặc biệt với Tập lại càng
không muốn. Ông Hưởng nói với con gái: Làng thiếu gì đàn ông mà mày
phải đi tìm hiểu nó. Lấy nó, thà lấy thằng đui què mẻ sứt còn hơn.
Nó đi thuyền cả tuần, cả tháng. Bố mẹ nó đi thuyền, mấy đời nay có
khá hơn được đâu. Chẳng nhẽ mày thích xuống thuyền cơm niêu , nước
lọ.
Lắm lúc Tập muốn quên đi cuộc tình này. Lánh đi. Lánh xa tất
cả. Nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai.
Sáng nay, sau những ngày oi nồng, trời bỗng
nhiên dịu lại. Phía đông,đông nam, những vụn mây đen dăng dăng trên nền
trời. Lác đác có mưa, rồi trời tạnh ngay. Ngần ấy thôi cũng đủ xua
tan oi nóng của ngày hè. Thuyền của Tập vẫn nằm ở bến. Mọi người
đang chuyển muối, cá khô lên bờ cho các hợp tác xã mua bán, cho tiểu
thương ở các chợ.
Tập và Liên quỳ lạy ông bà Tân. Tập nói
nhát gừng từng câu, từng chữ. Khuôn mặt nghiêm trang, căng thẳng. Liên
có vẻ ngượng ngập, cô không dám ngước nhìn ông bà Tân.
Ông bà Tân sửng sốt, bất ngờ trước hành
động này của tụi trẻ. Ông Tân nhìn Liên, thầm nghĩ: Con bé trông cũng
kháu khỉnh, nhanh nhẹn. Nhưng nó là con gái làng Hạ. Ông xót con lắm,
làm cha ai không thương con, không xây
dựng cho con cơ chứ. Cả đời ông, làm lụng, dành dụm tất cả vì đảm
bảo cho cuộc sống của con sau này ổn định, phát triển. Đấy là tình
cảm, là trách nhiệm của thế hệ đi trước đối với thế hệ sau. Song
ông vẫn nghiêm nét mặt. Trong lòng ông còn có nỗi sợ hãi lớn hơn. Đó
là lời nguyền. Từ bao đời nay, cũng đã có đôi vượt qua lời nguyền
để đến với nhau, nhưng kết cục đó chỉ là sự tan đàn xẻ nghé; Vợ
góa con côi.
Bà Tân giục: Anh chị đứng dạy đi.
Ông Tân: Anh chị nghĩ kỹ chưa. Lâu nay tôi vẫn trăn trở đau đớn về việc của
anh chị. Xét cho cùng, chúng tôi
cũng chỉ vì tương lai, hạnh phúc của con cái mà thôi. Tôi biết, chúng
tôi không thể sống mãi để lo lắng cho con cái. Rút cuộc cuộc sống
của anh chị sau này thế nào bản thân anh chị phải là người xây dựng.
Cha mẹ chúng tôi có ý kiến như vậy. Quyết định vẫn là ở anh chị.
Sau này có vất vả thế nào cùng đừng trách chúng tôi.
Gia đình ông bà Hường lâu nay sôi sục vì
chuyện của con gái. Bà Hường đứng ngồi không yên, suốt ngày thở dài.
Ông Hường lặng lẽ, khuôn mặt ông buồn rười rượi. Đôi lúc ông buột
miệng: Trai làng thiếu gì, lại đi yêu cái thằng thuyền chài, suốt ngày….b..d ..sũng
nước. Lại còn cãi bố , cãi mẹ cơ chứ. Thuyền chài, hay thuyền vận
tải thì cũng thế thôi.
Bà Hường thấy con gái một mực cả quyết,
thậm chí nhịn ăn lấy làm lo sợ lắm. Không khéo mất con. Bà nói:
Thôi! Đất không chịu trời, thì trời chịu đất. Không may nó làm điều
gì dại dột bêu cha , bêu mẹ. Thôi! Cho chúng cưới nhau quách đi.
Để tránh tháng ngâu, đám cưới được tổ chức
vào một ngày cuối tháng sáu, năm đó. Đã lâu lắm rồi mới lại thấy
con trai làng Thượng Cát lấy con gái làng hạ. Đoàn người đón dâu đi
trên con đê bối nối giữa hai làng. Cô dâu vận quần sa tanh đen, áo
trắng chiết ly, khuôn mặt phớt hồng e ấp rạng ngời hạnh phúc. Chú
rể lực lưỡng trong trang phục quần gụ, áo gụ tươi mới.
Tháng 7 năm ấy mưa nhiều. Mưa rơi rả rích vào
mỗi sáng, mỗi chiều. Mưa rơi qua
đêm. Bầu trời lúc nào cũng sũng nước. Ngoài sông, nước lên to, ngập
hết cánh bãi ven sông vào tới chân đê. Mặt sông nước chảy như thác
cuốn theo củi rều và bèo bọt. Đôi
khi nước cuốn theo cả mái nhà tranh ở giữa dòng.
Vào một đêm trước ngày lễ Vulan, bão số 7
ập đến. Cả đêm gió gầm rít, giận dữ bẻ cây cành ném đi các nơi.
Gió ào ạt trên cây sầu đông. Gió giằng xé những tàu lá chuối. Gió
thốc và nhà giựt những tấm cửa bằng liếp tung hê đi xa. Ở nhà Liên,
mẹ chồng cuống cuồng buộc néo lại những tấm cửa liếp, che ngọn đèn
dầu cho gió khỏi thổi tắt. Sau đó ngồi bó gối trên chiếc tràng kỷ
lòng lo lắng, mong bão đi qua.
Bà Tân: Lạy Thánh mớ bái cho chồng con con vô sự. Con lạy Thánh.
Con lạy Thánh.
Liên : Gió gì mà ghê thế không biết. Lòng cô
đang như có lửa đốt.
Trong lúc ấy, Ông Tân cùng con trai đang tìm
cách neo con thuyền lại ở vật nước. Tập nhảy lên thuyền. Ông Tân
quát: xuống thuyền ngay! Xuống ngay. Song Tập vẫn không chịu xuống bờ. Ông Tân tấp vào bụi tre gần
đó nhìn con thuyền đang chao đảo trước gió và sóng. Con thuyền lúc dềnh
lên cao, lúc trụt xuống, lúc chao nghiêng, lúc vặn mình kêu răng rắc
làm ông Tân hoảng hốt. Trong chốc lát, cột buồm gãy đổ. Con thuyền
nghiêng hẳn về một phía. Gió cuốn những tấm phên mui, những tấm gỗ
lát mặt thuyền vứt xuống lòng sông. Nước tràn vào lòng thuyền. Nghe
đến rắc một cái, con thuyền vỡ ra làm nhiều mảnh. Ông Tân hoảng hốt
gọi: Tập xuống ngay đi con. Tập nhảy ào xuống nước, vật lộn với
dòng xoáy một lát mới lên bờ được.
Hai bố con cay đắng nhìn con thuyền của gia đình phút chốc tan thành
mây khói.
Sau khi bão tan, vợ chồng ông Tân cùng con cái
thu nhặt lại những gì còn sót lại của con thuyền. Dây neo, mỏ neo
cùng cọc neo. Một vài tấm gỗ tạp. Còn lại nước và gió đã cuốn đi
.
Con thuyền là tài sản, là kế sinh nhai
truyền thống của gia đinh không còn nữa. Con thuyền là ước mơ của ông,
tình yêu của ông đối với sông nước
không còn nữa. Ông đã định giao nó
cho Tập. Nó đã thành thạo sông
nước, đã thuộc từng bãi cạn, từng doi cát trên sông. Bằng con thuyền,
vợ chồng nó có thể mưu sinh, đỡ đần ông bà lúc tuổi già. Thế mà
ông trời lấy đi của thằng bé. Ông trời không thương người khó!
Việc con thuyền nhà ông bà Tân bị bão đánh
tan trong đêm khiến dư luận hai làng ồn ào. Chỗ này, chỗ nọ người ta
thêu dệt, đơm đặt: “Đã nói, trai gái hai làng không được lấy nhau. Cứ
cố mà lấy. Không tránh được cơn thịnh nộ của thần. Thời nay duy vật,
duy tâm cái nào thắng cái nào? Mình người trần mắt thịt sao biết
được. Nên cứ tránh đi là hơn.”
Có người thì thầm: con Liên mang họa cho gia
đình nhà ông Tân. Đấy chuyện dựng vợ gả chồng khó thế đây. Có con
dâu tạo phúc cho gia đình nhà chồng. Có dâu về nhà chồng thì sự cố
liểng xiểng.
Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Bà Tân
buồn ốm nặng hàng tuần. Gia đình đưa bà đi viện tuyến trên nằm hàng
tháng trời. Liên chăm sóc mẹ chồng ở viện. Mỗi lần bà Tân nhìn thấy
con dâu, là thở dài. Trong lòng bà những tiếng nói thầm ở đâu đó
mách bảo: nó là mầm họa. Nó là mầm họa. Điều này bà chẳng dám
nói với một ai.
Bà Tân nói với chồng: tôi đã mượn thày
thống phá cho chúng khỏi yêu nhau. Vậy mà đùng một cái ông đồng ý
cho chúng thành vợ thành chồng. Thật trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Ông Tân cau mày, khuôn mặt đanh lại. Ông nói:
bà đừng nghe miệng lưỡi thế gian. Họ đâm bị thóc, chọc bị gậy. Làm
gì có thần thánh cơ chứ. Không làm mà có cái ăn à. Chỉ là may rủi
thôi.
Chuyện cũng đến tai Liên. Liên đâm lo. Nhưng
trái tim mách bảo: Mình không phải là mầm họa. Không ! Không đời nào.
Bởi tâm nguyện của Liên hướng
thiện, biết yêu , biết kính, biết nhường. Liên một lòng yêu, vun
đắp cho tương lai. Vậy sao Liên có thể là mầm họa cơ chứ. Nhưng nhiều
người nửa kín nửa hở làm Liên phân vân, nghĩ: Nhưng biết đâu. Có phải
cứ thiện là gặt hái được điều tốt. Có người tích đức vậy mà gặp
hết vận xui nọ đến vận xui kia. Có đứa gian manh, cờ dong bạc dài
vậy mà cứ ngạo nghễ, cao đạo. Vậy là từ đó Liên tự dằn vặt mình.
Trong gia đình chồng, Liên lấm lét, co dúm khổ sở. Chỉ trong đêm, trên cái phản gỗ, trong vòng tay
mạnh mẽ của chồng, bằng sự an ủi của chồng Liên mới vợi đi được
chút âu phiền.
Năm 1968, Tập nhập ngũ. Anh được chuyển ra
Thủy Nguyên về một đơn vị đặc công nước. Sau hơn năm luyện tập, đơn vị
chuyển về Chí Linh tiếp tục đợt huấn luyện.
Trước khi vào nam, được nghỉ phép vài ngày,
Tập dọi lại cho bố mẹ mái nhà, mái bếp, lấy rơm trộn bùn trát lại
bức vách phía đông gian buồng của vợ chồng anh. Anh luôn tâm niệm làm
điều này trước khi đi xa. Bố mẹ Tập đã ngoài sáu mươi. Ông bà đau
yếu luôn. Hai đứa em liền kề toàn gái cả. Em trai út còn bé, chưa
thể chăm lo việc gia đình.
Anh cùng vợ mang đứa con trai gần hai năm tuổi
sang thăm ngoại. Sau mấy năm quân ngũ, Tập rắn rỏi hẳn lên . Từ phong
cách, suy nghĩ đến lời ăn tiếng nói đều biểu lộ sự chín chắn cương
nghị đậm chất lý tưởng, khiến Liên có cảm xúc hạnh phúc tin tưởng,
tự hào ngập tràn.
Hôm Tập trở về đơn vị, chị cùng con tiễn
chân chồng tới ga Tía. Chị nhìn theo con tàu hỏa, bàn tay anh vẫy
vẫy.. cho đến khi tàu khuất vào chỗ rẽ. Lúc đó nước mắt của thương
nhớ mới lăn dài trên má chị. Chị dụi mặt với nước mắt thương yêu
vào mặt con, rồi bồng con ra về.
*
Hơn năm sau Liên được tin chồng hy sinh ở mặt
trận phía nam. Người cùng đơn vị trở về nói rằng, một quả pháo
nổ giữa đội hình đơn vị khi họ hành
quân ra sông Tiền. Trong ánh chớp loe lên, và tiếng nổ đinh tai nhức óc
của các loạt đạn pháo, tôi nhìn thấy anh ấy bị tung lên bắn ra bờ
sông. Sau trận đánh đơn vị cho người quay lại tìm thi hài đồng đội
nhưng không thấy cậu ấy.
Nghe đến đó Liên không thể chịu đựng nổi.
Chị bàng hoàng, thảng thốt, buông rơi cái lược trong tay. Lòng chị
bỗng nhiên thấy trống vắng tới không cùng. Chị thẫn thờ hàng
giờ, sau đó mới bật lên tiếng khóc đau thương nghẹn
ngào. Có thể nào tin được anh đã hy sinh! Anh không
thể trở về với chị và con. Chị lao vào buồng, ôm chặt con vào
lòng. Thằng bé vẫn đang thiêm thiếp ngủ.
Có buổi, khi chiều về, Liên bế con đứng bên ghềnh. Bên kia sông
hoàng hôn màu tím loang khắp chân trời. Liên dõi theo bóng dáng những con thuyền
xuôi ngược. Dòng nước vật mình gầm gào chảy. Những kỷ niệm của
tình yêu bỗng chốc sống lại trong lòng chị. Tất cả như vừa mới qua
đây thôi. Chị tự nhủ: anh ấy còn sống. Niềm tin vào tình yêu mách
bảo chị : anh Tập còn sống. Dòng sông sẽ chở che, như lòng mẹ cưu mang những đứa con. Nhất
định anh ấy còn sống! Chị dụi mặt vào hai má ấm nóng của đứa trẻ,
cảm thấy như có mùi thịt da của anh.
Hơn năm sau ông Tân mất. Đó
là một ngày hè, nắng dữ dội. Gần
trưa, trong lúc đi cày, bỗng ông Tân
đổ vục xuống. Hàng xóm xúm
lại đưa ông Tân về nhà, đánh cảm, nhưng ông không qua khỏi.
Bà Tân buồn chán, thành thử lâm bệnh nặng,
nằm liệt giường vài năm liền. Liên tự nhủ: mình không thể mềm yếu.
Lúc này, con trai đang cần mình, mẹ Tân đang cần mình. Nén lại nỗi
đau mất mát, Liên gồng mình làm lụng nuôi con, chăm sóc bà Tân nhiều năm trời , tới khi bà theo ông về nơi
đất phật.
*
Bố tôi kể: Khi kết thúc trận đánh tối hôm đó, đơn
vị chuyển quân, qua bìa rừng tới gần bờ sông thì pháo của địch bắn
tới. Có quả nổ trúng đội hình. Bố bị sức ép của đạn pháo văng ra sông. Bố không biết gì hết,
chẳng suy nghĩ được điều gì lúc
đó. Cho đến khi tỉnh dậy, bố thấy mình nằm trong căn hầm. Ngồi cạnh
bố là một cô gái chừng mười bảy, mười tám tuổi, quàng khăn rằn,
khuôn mặt trái xoan, trắng. Cô gái đặt tay lên trán bố, dịu dàng nhìn
bố, nhoẻn cười mừng rỡ nói: anh tỉnh rồi. Sau đó bố lại chìm vào
cơn hôn mê.
Bố tôi kể tiếp: Ngày sau bố mới tỉnh lại.
Trong người cảm thấy ngẹn thở và vô cùng mệt mỏi. Cô gái nói bằng
chất giọng êm dịu trìu mến: em và
mẹ thấy anh nằm ria mép nước, vẫn còn thoi thóp thở. Mẹ bảo em:
người đằng mình đó. Hai mẹ con em
đưa anh về, giấu dưới hầm. Anh cứ ở đây. Mẹ con em chăm sóc vết
thương. Khi nào khỏe anh hay trở về đơn vị.
Bố đã ở đấy gần sáu tháng, sau mới tìm về
được đơn vị.
Sau năm 73, bố tôi ra bắc. Ở trại an dưỡng chưa đầy ngày, ông háo
hức khoác ba lô về làng, lòng chộn rộn với bao suy nghĩ về những
đổi thay của quê hương, của gia đình. Những khát khao đoàn tụ, hạnh
phúc bấy lâu dồn nén, nay có cơ hội giải tỏa làm ông phấn chấn và
kỳ vọng.
Vừa nhìn thấy bố tôi, mừng rỡ và xúc động, mẹ tôi lặng người. Mẹ
lảo đảo, vịn vào thành ghế, ngồi xuống, đôi mắt không rời bố tôi.
Lát sau mẹ nói: Em đã tưởng không bao giờ còn gặp được anh! Mẹ khóc vì
mừng vui, nước mắt chảy dàn dụa trên khuôn mặt hóp gày, nâu rám.
Bố tôi nói: không lúc nào, anh thôi nghĩ về
em, về con, về cha mẹ. Chiến tranh vô cùng ác liệt. Trong một trận
đánh, anh bị sức ép của pháo, văng ra sông. Một mảnh pháo găm vào
ngực anh. khiến anh mê man bất tỉnh nhiều ngày. Những tưởng không bao
giờ còn được gặp em và con…Anh thất lạc đơn vị, mất hoàn toàn liên
lạc với em. Em, con, cha mẹ và quê hương thân thương đã cho anh khát khao
cuộc sống , sống để trở về.
Mẹ tôi thôi khóc, khuôn mặt trở lên vui vẻ,
tươi tình.
Buổi chiều đó, bố tôi đưa mẹ ra ngồi bên
ghềnh đá. Bên bên sông, bố mẹ hồi tưởng lại những kỷ niệm về tình
yêu. Vào mùa thu, dòng nước xanh trong êm đềm chảy. Nước réo rắt như
điệu nhạc qua ghềnh.
Sau thời gian ở trại an dưỡng, bố tôi được
phân công về làm việc ở khu gang thép Thái Nguyên.
Tôi và mẹ theo bố lên Thái Nguyên sinh sống. Mẹ
tôi được nhà máy gang thép bố trí cho làm việc hành chính ở cơ quan.
Mấy năm sau, mẹ Liên mất. Bố tôi
không đi bước nữa. Ông không thể yêu ai ngoài mẹ tôi. Gần hai chục năm
sau, gia đình tôi chuyển về Hà Nội.
Hàng năm vào mùa xuân, khi làng tổ chức lễ
hội, tôi đều về quê để được đắm chìm trong làn điệu chèo, ngắm
những con thuyền thư thả theo từng
nhịp, từng nhịp mái chèo ra giữa
dòng lấy nước tế. Văng vẳng đâu đây giai
điệu chèo mẹ tôi từng hát, khiến lòng tôi xốn xang bao ý nghĩ.
Tôi như nhìn thấy mẹ tôi thon thả trong trang phục áo mớ ba. Mẹ tôi như
bay, thân hình uyển chuyển trong tiếng trống chèo.
Mặt sông mờ tỏ hơi sương.
Hoa gạo đã đơm những cánh hoa
đỏ đắn.
Lời nguyền tình yêu giờ chỉ còn là câu chuyện
truyền thuyết. Theo giấc mơ của một trưởng lão “ Một ông lão người
làng Thượng Cát, vốn đuổi vịt đồng. Để đánh giấu mốc giới ruộng
đất giữa hai làng, ông đào ruộng, bỏ vỏ trứng vịt xuống ranh giới
rồi lấp đất”, dân hai làng đào ruộng , lần theo dấu vết của vỏ
trứng xác định ranh giới. Từ đó
mâu thuẫn giữa hai làng chấm dứt. Trai gái hai làng nhiều cặp nên vợ
nên chồng.
Chẳng biết có phải cơ duyên xui khiến. Tôi cũng là rể của
làng Hạ.
Hưng
Yên năm 2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét