Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

MÙA HOA GẠO


                                                                                    Tản văn của Hồ Ngọc Vinh
Tôi còn nhớ câu ca dao: “Tháng ba cày vỡ ruộng lên. Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Từ rất xa xưa hoa gạo đã đi vào tâm thức của người dân Việt qua những câu ca dao thể hiện kinh nghiệm sản xuất. Hoa gạo cũng vì thế gắn bó với đời sống con người.
            Mùa xuân là mùa Hoa gạo nở. Lác đác từ tháng giêng , tháng hai, trên cành gạo khẳng khiu,  nụ hoa đơm chi chít, thoảng có bông nở, đỏ thắm . Hoa gạo nở rộ vào tháng ba âm lịch, trên khắp cành cây, những bông gạo đỏ như thắp lửa trên bầu trời rực rỡ và xao xuyến.
Khi hoa gạo nở bung cũng là lúc mùa cá mòi đang vào vụ rộ. Trên mặt sông, những chiếc thuyền nan ( thuyền thúng) dập dềnh trên mặt sóng, những chiếc phao lưới bập bềnh trên sóng. Kinh nghiệm cho biết, năm nào nhiều hoa gạo  là được mùa cá mòi.
Người ta thường trồng cây  gạo bên đình, cạnh giếng làng. Cây gạo còn phát tán mọc ở ven sông, ven đê, cạnh đường làng. Dân gian lưu truyền bài thuốc quý, mủ cây gạo  có tác dụng triệt khuẩn, là vị thuốc kháng sinh dùng trị viêm nhiễm, sưng tấy, mưng mủ.
Với nhiều người, tuổi thơ gắn liền với những kỷ niệm học trò, trường học bên giếng làng, bên đình làng, mùa  xuân  hoa gạo nở đỏ trên cành, man mác, gợi trong hồn người những cảm xúc lãng đãng. Hoa gạo rơi vào từng trang sách nhỏ. Hoa gạo gắn với những kỷ niệm ái tình đầu tiên, khi ý thức tình ái gõ cửa trái tim người, run rảy bồi hồi.
Hoa gạo đã đi vào thi phẩm của không ít nhà thơ. Lê Thị Mây  viết:
 Cây hoa gạo đầu làng sao rồi em. Chỗ em tiễn trời xanh trôi tới. Anh sẽ về còn em mãi đợi. Bóng nắng tròn trong tay áo bà ba. Tựa như máu dễ nào phai mất. Đỏ khôn nguôi hoa ríu bàn chân. Mỗi độ đường tháng ba vẫy gọi. Gió.…..
Trong xanh xanh của vườn quê, trong làn sương mỏng hư hư thực thực, màu đỏ  hoa gạo đằm thắm thôi thúc lòng người, gợi nhớ, gợi thương. Dễ hiểu mùa xuân là mùa hoa gạo và hoa gạo là loài hoa của mùa  xuân, bởi  nếu thiếu đi bối cảnh mùa xuân sương mù như những tấm voan mỏng khiến đất trời như thực như hư, hoa gạo sẽ có sắc mà không hồn.
Hơn chục năm gần đây, khuôn mặt của làng quê thay đổi như có phép màu.Những  căn nhà cao tầng mọc lên cái sơn vàng, cái sơn xanh, với đầy đủ tiện nghi. Đường làng được bê tông hóa hoàn toàn. Đã thấy vẻ hiện đại của nông thôn ngày mới.
Nhưng vẫn thấy sự bất cập trong bộ mặt của nông thôn. Không gian kiến trúc thiếu sự hài hòa, thiếu hồn, thiếu bản sắc văn hóa. Người ta mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xây. Nhà cửa Cái thòi ra, cái thụt vào, mỗi cái một kiểu. Có thể nhận biết sự chèn lấn trong kiến trúc xuất phát từ tham lam vị kỉ của con người. Rác thải không được xử lý triệt để, mới thu gom mà chưa được xử lý. Con người chưa biết sống thân thiện với môi trường.
Nay, vào mùa xuân vẫn có thể ngắm hoa gạo để sống với những kỷ niệm xưa cũ. Tuy nhiên không còn nhiều lắm nữa. Càng ngày, cây gạo càng ít đi cùng với bê tông hóa, với những hàng rào được xây bằng gạch xi măng. Bên cạnh đình làng, chùa làng, cây gạo  được thay thế bằng các loại cây khác cho lợi ích về kinh tế nhanh. Nhìn đâu cũng thấy sự tất bật, vội vã và lối sống tận thu, tận diệt của con người.
Tình yêu quê hương đất nước, con người không đến một cách ngẫu nhiên mà là hệ quả tất yếu của cảm xúc tự nhiên của con người với thế giới, hệ quả của giáo dục và lao động của con người. Nuôi dưỡng những nét đẹp trong tự nhiên, khơi gợi những cảm xúc về cái đẹp qua giáo dục là nuôi dưỡng tình cảm đạo đức cho con người, làm cho cái thiện nảy  sinh.
Khi tự nhiên bị biến dạng, yếu tô hài hòa của màu sắc, hình khối,  sự đa dạng của nó bị mất đi, cũng sẽ mất đi đối tượng tạo nên cảm xúc thiết tha, lãng đãng ở con người. Lúc đó sự cằn độc,  vô cảm, tội ác sẽ lên ngôi. Mới hiểu vì sao con người cần sống chung với tự nhiên, phát triển tự nhiên, bảo vệ sự hài hòa của tự nhiên, tức bảo vệ đời sống tình cảm của con người cho cái thiện ngự trị.
Tháng ba, cánh bãi ven sông, lạc xanh ngắt một màu. Những người nông dân đang với cái cuốc trong tay, lúi húi cần mẫn vun trồng từng luống lạc. Bên này sông, bên kia sông, những cây gạo thắp lửa đỏ rực như dấu son tô điểm cho màu xanh của những khu vườn, màu ngói đỏ tươi của những ngôi nhà, xao xuyến bồi hồi.
Có một loài hoa như thế tô điểm cho nét đẹp của quê hương trong lặng lẽ và bình dị.

                                                                                                Hưng Yên năm 2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét