Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

VƯỢT QUA GIÔNG BÃO

Hồ Ngọc Vinh
Mẹ  mất ngay từ lúc tôi lọt lòng vì chứng rau thai ngược. Bố tôi cũng đã mất trước khi mẹ tôi lâm bồn vài tháng vì tai nạn lao động. Kể từ đó, dì Quỳnh  nuôi tôi. Mỗi khi kể về sự ra đi của mẹ tôi, dì Quỳnh    không nén được cảm xúc, đôi  mắt dì dân dấn nước mắt. Di Quỳnh: mẹ con dường như không lỡ xa đứa con mới vừa mới chào đời. Mẹ con lấy hết sức lực mở mắt nhìn con. Nước mắt mẹ con rớm trên khóe mắt mệt nhọc rồi khép lại. Con trong tay dì đỏ hỏn, khóc oe oe đòi sữa…..Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của dì, học hết phổ thông, rồi tiếp lên đại học. Dì thương tôi, chăm sóc tôi có phần còn hơn cả con đẻ. Tình yêu thương của dì  phần nào khỏa lấp nỗi mất mát vô cùng lớn lao  của tôi. Không chỉ tôi, các chị con bá khi lên Hà Nội học đại học đều được dì chăm lo chu đáo. Những tưởng cuộc đời dì toàn hoa hồng, nhưng không hoàn toàn phải vậy. Dì một mình nuôi hai em, tôi và cả chị Bình con bá Hằng. Dưới đây là  câu chuyện cuả  Dì, tôi viết dựa theo cuốn tự truyện bay qua cơn lốc.
*
…. Sau gần hai tháng, tôi mới viết xong khóa luận tốt nghiệp. Cả ba thầy trò vừa uống nước, vừa nói chuyện vui vẻ. Thầy Khóa cười nói với Hoàng: “ Cậu thật hạnh phúc khi có người yêu như Quỳnh. Nhưng cậu cũng sẽ hết sức khổ sở khi phải chiều cái tính bướng bỉnh của hắn. Vả lại rồi Quỳnh sẽ là nhà báo. Nhà báo, nhà văn hay phải đi xa, thâm nhập thực tế để viết. Hoàng cười:” Dạ! Em biết điều đó ạ.”
Từ nhà thầy Khóa ra về, tranh thủ lúc anh Thanh đi làm, nói chuyện huyên thuyên một lát, Hoàng xin phép được gối đầu vào lòng tôi ngủ. Trong lòng tôi, Hoàng khép mắt lại, nhưng anh đâu có ngủ. Hơi thở của anh đều đều và trên môi anh luôn nở nụ cười. Nhìn ngắm khuôn mặt đầy yêu thương của anh tôi bất giác nghĩ ra những câu thơ: “ Ngả đầu vào lòng em, êm, êm.. êm êm anh ngủ. Nhìn anh cho bõ những ngày xa nhớ. Sợi tóc em bay vấn vương. Gió vờn qua mặt. Gạt lọn tóc ra. Tóc vẫn thướt tha. Trên khuôn mặt anh vô cùng yêu dấu”.
Sau khi thi môn chính trị, thầy Khóa nhắn tôi đến hướng dẫn viết tóm tắt khóa luận. Thấy tôi đến một mình, thầy Khóa hỏi:” Thế nào, hôm nay bạn trai cô bận à?”.
-          Thưa thầy! Hôm nay anh ấy đang phải thi tốt nghiệp. Anh ấy học
trường dược thầy ạ! Chúng em đang gặp rào cản vô cùng lớn từ phía gia đình.
-          Thế bố mẹ cô không đồng ý ư?
-          Da! Vâng! Bố mẹ em chê anh ấy ốm yếu. Cha mẹ anh ấy bỏ nhau. Bố mẹ sợ em vất vả.
-          Thế cô nghĩ thế nào?
-          Em rất yêu thương anh ấy! Nếu bố mẹ không đồng ý. Em không lấy anh ấy, cũng không
định lấy chồng nữa. Em cũng như thầy không thể thương yêu một ai khác nữa.
-          Không! Chuyện  của tôi khác- Thầy Khóa nói  rồi chìm vào trong  suy tư.
Trong khi chuẩn bị, chờ bảo vệ khóa luận, tôi nhận được bức điện khẩn:” Mẹ ốm nặng! Về
ngay!”. Tôi đọc bức điện, chân tay bủn rủn. Tôi  thầm kêu lên:” Mẹ ơi ! Nếu mẹ có mệnh hệ gì , con sống sao nổi. Nghe tin, bạn bè cùng lớp ai cũng ái ngại. Chỉ còn hai ngày nữa, khoa tổ chức lễ bảo vệ khóa luận. Liệu còn có cơ hội cho tôi. Tôi vơ vội vài bộ quần áo, tất tưởi ra bến xe về quê. Từ trên xe, bước xuống là tôi khóc, bước thấp bước cao lả tả trong nỗi thương xót đến cùng  cực… Nhưng khi về đến sân, tôi chợt sững lại. Mẹ tôi vẫn khỏe mạnh. Mẹ đang băm bèo. Tôi khóc hờn với mẹ, nấc lên nghẹn ngào. Trời ơi! Có việc gì mà mẹ lại cho đánh một bức điện khẩn như thế. Có thể giết chết con đấy.
Mẹ tôi nói: Mẹ xin lỗi con. Nhưng bố mẹ có chuyện muốn nói với con. Thôi vào trong nhà đi.
Lòng tôi đã vợi bớt chút lo lắng. Nghe thấy tiếng tôi, bố tôi từ trong nhà đi ra, giữ vẻ mặt nghiêm nghị, quan trọng. Tôi chột dạ nghĩ:” chắc có chuyện gì đây.”
Bố tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện, khuôn mặt vẫn lộ vẻ nghiêm nghị khó khăn. Bố tôi nói:” Gia đình ông bà Mừng ngỏ ý xin con về làm dâu. Nếu con đồng  ý, gia đinh sẽ làm lễ ăn hỏi. Lễ cưới sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng tám này.
Tôi sửng sốt. Có việc ấy mà bố mẹ đánh điện đòi con về. Chỉ còn vài ngày nữa con sẽ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Vả lại chuyện chồng con con chưa nghĩ đến.
-Chị đừng giấu tôi! Lại vì cái thằng Hoàng ấy phải không. Ai chứ với gia đình ấy. Bố mẹ
không thể đồng ý. Bố mẹ Hoàng bỏ nhau. Bản thân nó ốm yếu là thế. Bệnh tim bẩm sinh. Không thể cùng chung gánh với con suốt cuộc đời. Con sẽ trở thành góa bụa. Bố mẹ ngoài năm chục tuổi đời rồi, muốn cho con vào chỗ an nhàn. Con thấy đấy. Thành con ông bà Mừng đẹp trai, có ăn có học, con nhà giàu. Bố nó là cán bộ huyện. Làm dâu nhà ấy, là phước cho con đấy.
Ai chứ anh Thành thì tôi biết. Anh học trước tôi hai khóa ở trường huyện, hiện là sĩ quan quân đội, ở ngay huyện đội. Tôi không chê anh điểm nào. Anh Thành khá hoàn hảo. Đẹp trai, con nhà giàu, bố làm cán bộ. Nhưng tôi không yêu anh. Hôn nhân phải bắt đầu từ tình yêu. Tôi nghĩ thế. Sao lại có thể gán ghép hai người vốn xa lạ về tâm tư tình cảm vào cảnh chung chăn, chung gối.
Bố tôi vòng vo cuối cùng thốt ra: Vừa rồi mẹ Hoàng có sang thăm.  Bà nói con và Hoàng thương nhau, mong hai bác thương các cháu, cho Hoàng đi lại, tìm hiểu nhau. Sau khi Hoàng tốt nghiệp sẽ tính.
-Bố nói thẳng với bà ấy: Con gái tôi không làm dâu được bên ấy đâu. Nó vốn được cưng chiều, không biết  quán xuyến gia  đình lấy phải người chồng ốm yếu như thế, sau này có mà ăn cám, dở gánh giữa đường chứ chả chơi – Bố định nói toẹt ra. Ông bà ly hôn. Bà điên dại như thế. Sao tôi có thể đẩy con gái vào hoàn cảnh đấy. Nhưng bố kịp ngừng lại, lòng ấm ức lắm.
Tôi chưa kịp kêu trời thì mẹ tôi tiếp: Mẹ nói thật cho mà nghe nhé! Con mà làm dâu bà ấy, có mà khổ suốt đời. Bà ấy bị chồng bỏ , khó tính khó nết, lắm điều, hàng xóm, kẻ trên, xóm dưới cãi nhau tất. Chẳng ai chịu nổi bà ấy.
Con hiểu chuyện  rồi- Tôi nói-  Con biết bố mẹ cũng chỉ muốn điều tốt cho con. Con biết
gia đình ta mọi việc phải tuân theo lễ giáo. Song con cũng thú thật rằng con yêu anh Hoàng. Nếu không lấy anh, con sẽ ở vậy. Bố mẹ đừng bắt con nhận những điều không muốn.
*
Nhà anh Hoàng cùng xã với gia đình tôi. Anh học trước tôi hai khóa ở trường cấp ba huyện. Bố Hoàng là sĩ quan quân đội đóng quân tại Hà Nội. Tôi được biết, bố mẹ Hoàng lấy nhau cũng chỉ vì hai bên gia đình gán ghép. Họ ở với nhau không lâu, có một mặt con. Bố Hoàng nhiều lần làm đơn xin ly hôn, nhưng mẹ Hoàng nhất định không chịu ký. Lý do bố Hoàng đưa ra là họ không hợp nhau, không chịu đựng nổi tính nết đồng bóng, thô kệch, vụng về, lắm nhời của vợ. Mẹ Hoàng đau khổ vật vã, càng ngày tính nết càng trở nên khó chịu hơn. Bà ca cẩm, chê bai, bĩu môi dè bỉu, hơi tý là nổi đóa, tranh cãi với mọi người. Khuôn mặt bà cau có, đôi mắt bà lóe lên những tia cằn độc. Tòa nhiều lần gọi hai người lên hòa giải, nhưng rốt cuộc mẹ Hoàng phải ký vào giấy ly hôn.
Bố Hoàng lấy vợ khác kém ông chừng chục tuổi. Họ nhanh chóng có hai con một gái, một trai. Từ đấy ông ít về quê. Thi thoảng có gửi cho mẹ Hoàng vài chục ngàn tiền bấy giờ để nuôi con.
Từ ngày ly hôn, mẹ Hoàng như điên, như dại,  mỗi sáng, mỗi chiều thường  đi dọc thôn, khuôn mặt thất thần, không hiểu bà nghĩ gì, chỉ thấy một gương mặt vô cảm và một thân hình tiều tụy.
Trong hoàn cảnh trớ trêu ấy, tuy bệnh  tim bẩm sinh ,Thụy Hoàng vừa làm ruộng, vừa chịu khó học để bứt phá. Trong con người gầy gò ẻo lả ấy, là một ý chí, nội lực mạnh mẽ, lý tưởng sống rõ rệt. Tôi hiểu và cảm phục Hoàng, thương yêu Hoàng. Đó là tình yêu ban đầu của tôi, không thể mất nó, cũng bởi trái tim tôi cùng nhịp đập lý tưởng và giàu lòng trắc ẩn với Hoàng.
*
Xong thủ tục ra trường, tôi cầm quyết định về làm phóng  viên , biên tập viên tại đài tiếng nói việt nam.
Chị Lý người miền nam tập kết ra bắc khuôn mặt có nước da trắng hồng, phúc hậu hỏi tôi về gia đình. Lúc sau chị ngần ngại tiếp: “ Em có nhà ở chưa?”.
Tôi cười vui, lúc đó chẳng tiên liệu những khó khăn sau này như thế nào, chỉ vui và hồ hởi khi được làm việc tại đài phát thanh đúng với công việc theo ước mơ tuổi xanh của tôi. Dạ chưa! Em có anh trai ở đại học sư phạm. Em có thể về đấy. Nếu không em có thể ngủ tại phòng làm việc.
Chị Lý khuôn mặt lộ vẻ thông cảm, ái ngại nhìn tôi nói: ngày trước khi chưa được phân công nhà ở tập thể, nhiều tháng năm liền chị cũng từng ngủ trên bàn làm việc. Ngủ trên bàn thì cực cho em quá! Thôi đất nước chưa thống nhất, còn nhiều khó khăn. Em khắc phục khó khăn thông cảm với tổ chức. Tổ chức sẽ lưu ý tạo điều kiện cho em nhưng không xong ngay một lúc.
Ngày ấy, các nhà báo đi công tác làm gì có ô tô cơ quan đưa đi  tận  nơi. Chúng tôi dùng đủ mọi thứ phương tiện công như ô tô khách, tàu hỏa, tàu thủy, không quên mang theo cái xe đạp, có khi phải cuôc bộ hàng chục km xuống địa phương lấy tin tức viết bài. Xếp hàng mua vé, một vai nặng trĩu máy ghi âm, bình ắc quy, một bên là túi tư trang. Say với công việc yêu thích này, mỗi khi  xuống địa phương là tôi như con chim sơn ca  bay từ khuôn phòng hẹp tới cuộc sống thực tế bao la sống động. Ở đâu đó , những con người lao động, những người tốt việc tốt, những số phận éo le đang mong có ai  nói về họ cho cái tốt và lòng vị tha lan tỏa trong cộng đồng, để sẻ chia khó khăn vất vả, cho vợi đi những buồn đau của đời người. Đó cũng chính là mong ước  của tôi khi vào học ở đại học tổng hợp.
Một hôm  cô em họ Thanh  chuyển cho tôi bức thư của Hoàng. Anh báo tin sẽ ra Hà Nội. Anh không thể tiếp tục nghỉ hè trong chuỗi ngày dài trống vắng, với nỗi mong nhớ khôn nguôi tưởng như đến nghẹt thở. Chiều nào anh cũng ra ngõ ngó về phía cuối đường, biết đâu em như cánh chim thiên thần vụt bay đến sưởi ấm cho trái tim yêu khắc khoải trong lo sợ.
Chủ nhật ấy chúng tôi gặp nhau. Anh nói:” anh tưởng em quên anh rồi.” Tôi bật khóc nói: Em không phải là con người như thế..Nhưng em khổ lắm. Chuyện của chúng mình em đang bị đặt bên tình , bên hiếu. Anh đừng giận bố mẹ em.
Không! Anh đâu giận bố mẹ. Bố mẹ muốn những điều tốt cho em. Anh sức khỏe yếu, bố mẹ bỏ nhau, nhà nghèo. Lấy anh, em sẽ rất khổ. Hay là chúng ta nên chia tay. Học xong đại học, anh sẽ đưa mẹ anh đi nơi khác thật xa để sinh sống, để khỏi đau lòng mỗi khi nhìn thấy em. Tôi òa khóc, vục đầu vào vai anh. Không! Đừng anh! Rồi bố mẹ sẽ hiểu ra. Bố mẹ  rất thương yêu và hiểu em.
Vào một ngày chủ nhật, tôi về quê đem theo tháng lương đầu tiên của nghề làm báo. Hôm ấy cả nhà đông đủ  cả. Anh trai tôi ở đại học sư phạm cũng về. Mọi người khen tôi chững chạc hẳn lên. Ăn cơm xong, bố tôi nét mặt có vẻ tươi vui, gọi tôi ngồi bên bàn cùng mẹ, các chị và anh tôi.
Bố nói: công việc của con như thế coi như đã ổn định rồi. Bây giờ con tính chuyện xây dựng gia đình đi chứ.
-Bố bảo con lấy ai cơ- Tôi đắn đo hỏi.
Thì thằng Hoàng đấy. Bố mẹ nghĩ mãi rồi. Con cái là lộc trời cho. Bố mẹ cũng đã khuyên con. Con không nghe. Thôi thì việc hôn nhân là việc của con. Con đặt cha mẹ đâu, cha mẹ ngồi đấy vậy. Thời nay nó như thế. Sau này gian khổ thế nào , đừng trách cha mẹ không nói trước.
Mẹ tôi nói: Mẹ và bố  con nghĩ mãi rồi, hiểu tính ương ngạnh của con rồi. Con thương nó mà mẹ , bố ngăn cản, sau này con không lấy ai nữa, lỡ dở thì chúng tôi phiền lòng lắm. Chi bằng để con có được tình cảm trọn vẹn thì hơn. Mẹ tôi hỏi anh trai tôi: “ Thế nào? Con đồng ý chứ?
Anh trai tôi nói: Con thấy cô út mà lấy Hoàng thì cực lắm. Nhưng nếu bố mẹ và cả nhà đồng ý thì con cũng thuận theo.
Bất ngờ được cả nhà đồng ý về việc hôn nhân với Hoàng, tôi xúc động phát khóc. Tôi mặt đỏ như gấc chín, nước mắt tuôn dài trên má.
Lên Hà Nội, tôi tranh thủ đến ngay  chỗ Hoàng báo tin cả nhà đã đồng ý cho chúng tôi xây dựng gia đình với nhau.
Mấy tháng nay Hoàng buồn lắm. Anh đang chờ việc làm. Gia đình, mẹ ở quê  đau yếu luôn, ruộng nương bỏ bê cả, bát cơm ăn chưa đủ. Bà hàng ngày ngồi thẫn thờ trước cửa, mắt  nhìn ra ngoài đường dại đi.Hoàng phải đi kéo xe thuê, chở hàng thuê với chị Nhàn để kiếm tiền nuôi bản thân và gửi về phụ giúp mẹ.
Nghe tôi nói, anh vui, khuôn mặt phấn chấn hẳn lên , nhưng rồi chợt tư lự đầy vẻ suy nghĩ. Hoàng nói:Này cho anh hỏi. Em yêu  anh thật không, hay chỉ thương anh thôi. Nếu lấy anh chỉ vì thương hại thì thôi em ạ. Em hãy suy nghĩ cho thật kỹ đi.
Tôi gật đầu nói: em yêu anh và cũng rất thương anh. Được sống với anh mỗi ngày em hạnh phúc mỗi ngày. Anh không hiểu  em yêu anh, đến mức nào đâu. Người em run lên mỗi khi nhìn thấy anh. Em ngộp thở mỗi khi trong vòng tay anh….có điều sau này anh cũng phải thông cảm cho cái nghề làm báo của em. Thường xuyên phải xa nhà. Công việc không kể giờ giấc cả thứ bảy, chủ nhật. Ngày lễ công nhân viên chức được nghỉ, nhưng bọn em có  thể không. Hoàng cười vui.
Chiều thứ bảy sau đó, Hoàng đến cơ quan xin cho tôi nghỉ phép làm đám cưới. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức giản dị theo phong tục ở quê. Bố mẹ tôi không thách cưới, thông cảm cho điều kiện của gia đinh Hoàng. Sau khi cưới, cơ quan phân cho tôi một phòng ở khu tập thể của đài. Căn phòng độ hơn chục mét vuông, tường gỗ tạp  thủng từng miếng phải lấy giấy báo dán lại, mái lợp giấy dầu. Ngày mưa dột , nước chảy long long xuống nền, ngày nóng nực đến nỗi không thể ở trong trong phòng, phải chạy ra ngoài lấy nước đổ lên mái, xuống nền cho mát.
Hoàng nhận công tác ở một bệnh viện tuyến huyện ở ngoại thành. Từ khu tập  thể của đài đến cơ quan anh chừng mười năm , muơi bảy km. Có cái xe đạp thống nhất cà tàng, mọi thứ từ ghi đông, xích líp, gác đờ bu, gác đờ xen đều kêu chỉ cái chuông là không kêu ( mọi người tếu như thế), anh hàng ngày sáng sớm đạp xe xuống cơ bệnh viện, chiều tối nhọ mặt người mới về tới nhà. Thấy anh vất vả, tôi nói: hay anh cứ ở cơ quan, cuối tuần hãy về với em. Em thấy anh dịp này có vẻ yếu, đạp xe đường xa như thế em không yên tâm.
Hoàng: không sao đâu em. Dịp này anh thấy mình rất sung sức. Anh không thể không về để được nhìn ngắm em.  Căn phòng nhỏ này với anh là cả khoảng trời xanh, khát vọng sum vầy vì có em. Người ta nói vợ đâu thủ đô đấy mà em.
Những năm  chiến tranh giải phóng miền nam,  vượt qua muôn ngàn thử thách cam go của chiến tranh phá hoại miền bắc và sự ác liệt của chiến trường miền , chúng tôi  có mặt ở khắp nơi để sống và cống hiến, đưa tin kịp thời về tình hình chiến sự, tình hình sản xuất và phong trào phụ nữ ba đảm đang ở các địa phương.Bằng tất cả tình yêu, chúng tôi vừa tự chiến đấu với hoàn cảnh đầy hiểm nguy, vừa gọi thầm, nhắc nhủ nhau  hãy dấn lên phia trước.. Không có thời gian gặp nhau, thậm chí không có thời gian để gửi thư nữa. Một lần nhân chuyến đi lên Việt Trì viết bài, buổi chiều đứng ven sông bên cầu nhìn dòng nước lững lờ trôi dưới chân cầu, những con thuyền đậu hai bên bờ, những cánh chim én chao liệng quanh thuyền, phu khuân vác đang hối hả chuyển hàng lên , hoặc xuống bờ, cảnh vật vừa có cái động của cuộc sống do con người tạo nên, vừa có cái tĩnh của thiên nhiên sông nước mang lại đột nhiên tôi nhớ thương cha mẹ, nhớ thương các anh  , các chị đặc biệt là nhớ thương Hoàng. Tội nghiệp cho chúng tôi. Từ lúc cưới đến nay, những ngày  bên nhau tính đếm trên đầu ngón tay. Ngay tối đó tôi lúc túi, tìm cuốn sổ viết thư cho Hoàng. Bức thư có đoạn viết :” Hoàng ơi! Em nhớ anh vô cùng, tới mức nhiều đêm phải ôm chiếc khăn len mang hơi ấm của anh vẫn không  sao ngủ được. Không hiểu có  khi nào anh cảm thấy ân hận vì đã lấy cô phóng viên này làm vợ. Nghề phóng viên nay đây mai đó.Rất có thể, trong chuyến công tác nào đó em thầm lặng hy sinh bởi bom đạn của kẻ thù Nhưng cũng  đừng trách cuộc sống làm gì bởi còn biết bao cặp vợ chồng trong năm tháng chiến tranh này phải sống trong xa cách, khắc  khoải nỗi nhó mong……
Sau đợt công tác tại Việt trì, tôi được đài cử xuống Hải phòng. Chuyến đi này dài ngày. Đó cũng là những ngày xuân năm 1975. Tôi nhận được thư của Hoàng. Chữ viết nắn nót. Có đoạn:” Em thương yêu!  Hồi này, lúc nào đài có chương trình phát thanh phụ nữ là anh chăm chú nghe . Nghe xong , để thương em, để nhớ em cồn cào, nỗi nhớ đầy vơi, vơi đầy khiến anh thao thức. Anh luôn dõi theo những bước đi, những bài viết của em. Anh lo lắng và thương em vô cùng. Mong đất nước thống nhất, hòa bình để những đôi lứa không phải cách xa nhau….”.
Trong căn lợp giấy dầu, hai đứa con gái chúng tôi chào đời. Đứa đầu tên Thụy Khuê, đứa thứ hai tên Hải Châu. Đất nước thống nhất, nhưng cánh phóng viên  chúng tôi vẫn đi  về như con thoi tới các cùng quê. Lúc tôi ở Hải Hưng, lúc ở Thanh Hóa, lúc ở tận Hà Giang. ….Khác chăng ở chỗ giờ đây nội dung ưu tiên phản ánh tình hình sản xuất  và phong trào phụ nữ của các địa phương.
Những năm sau đó là những năm kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Đồng lương của hai vợ chồng thậm chí không đủ nuôi hai bé. Hoàng vẫn sáng đi chiều về với bằng chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ. Những ngày tôi đi công tác xa, anh  thay tôi trông nom con. Buổi sáng thổi cơm cho con ăn, đưa con đến nhà trẻ, chiều nhờ đón con về, tăm giặt cơm nước cho chúng. Anh chẳng khác nào một người phụ nữ luôn tất bật với gia đình.
Mẹ chồng tôi, từ khi có cháu nội tỉnh táo hẳn ra, như có luồng sinh khí mới phấn chấn trong người. Tính nết bà thay đổi hẳn, bao dung và hay chuyện. Hoàng đón mẹ lên ở với chúng tôi, phần tiện chăm sóc mẹ, phần để mẹ đỡ đần việc nhà và trông hai đứa nhỏ. Tội một điều là, tối Hoàng đem chiếu trải ngủ ngay trên nền nhà. Biết sao được khi cả nhà năm người chỉ có hơn chục mét vuông.
Nhưng đó là những ngày hạnh phúc nhất của chúng tôi. Mỗi khi nhìn thấy chồng , các con rồi bà nội vui vẻ chơi đùa với nhau, lòng tôi ấm áp và thư thái.
Thi thoảng vào chủ nhật khi tôi không phải xuống cơ sở viết bài, cợ chồng tôi đưa con về quê. Chúng tôi lai con trên những  chiếc xe đạp cà tàng từ Hà Nội theo đường năm, rẽ vào đường 39 xuôi về Khoái Châu. Ngày đó đường 39 xuống cấp đầy ổ trâu, ổ bò. Chiếc xe đạp chao lên, chao xuống, ngật ngưỡng, chúi bên này, chúi bên kia, quãng đường có 15km mà đạp xe mất  khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Nhưng đó là những trải nghiệm gia đình đem lại cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc tột cùng.
Lúc bé Hải Châu được năm tuổi, căn bệnh của Hoàng  mỗi ngày thêm trầm trọng. Anh nhiều lần phải vào nằm bệnh viện để điều trị. Sức khỏe càng ngày, càng yếu đi. Tôi vừa trông con, vừa trông anh trong viện. Những ngày tháng đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn của gia đình tôi. Nếu không vững lúc nào tôi cũng có thể gục ngã. Tôi tự động viên mình. Cố lên! Cố lên. Rồi Hoàng sẽ khỏe lại. Khó khăn rồi sẽ qua. Ngươi không được gục ngã trước khó khăn….
Sáng 28 tháng 12 năm 1981. Mới hơn bốn giờ sáng Hoàng đã tỉnh dậy. Anh kêu khó thở và rất lạnh. Tôi sờ lên trán anh. Mồ hôi trên trán, trên mặt anh đầm đìa. Tôi lo lắng nói: “ Anh thấy trong người thế nào? Em sợ lắm. Hoàng an ủi tôi:” Anh không sao đâu. Đừng lo lắng quá. Tôi chạy nhanh ra ngoài phòng trực  kêu cứu. Mấy phút sau cả kíp trực đã có mặt bên giường bệnh của chồng tôi. Tôi cầu khẩn: “ con lạy cha, con lạy mẹ…Thưa giáo sư! Giáo sư giúp chồng tôi. Giáo sư Trung kéo tôi  đứng dậy nói: cứu người là việc của bác sĩ mà. Cậu ấy lại là người của ngành y. Tôi hoảng loạn nghĩ: . Không có anh ấy , làm sao không thể sống nổi. Tôi hoang mang vô cùng vì mỗi lúc Hoàng một yếu hơn. Anh thở gấp hổn hển cứ như sắp đứt hơi.Nhịp tim yếu dần.Sau  vài lần lấy nhịp tim giáo sư Trung thở dài. Ông buồn rầu lắc đầu.
Chồng tôi mất vào buổi sáng oan nghiệt đó. Mất anh, tôi hoàn toàn suy sụp, những tưởng không thể vượt qua được nỗi mất mát vô cùng lớn lao này. Tôi như điên, như dại, không thể tin rằng anh đã vĩnh viễn xa tôi.
Chị Lý an ủi: Người mất không thể lấy lại, nhưng còn người sống. Còn hai cháu Khuê và Châu. Em phải cứng rắn lên, vượt lên đau thương mất mát, sống cho các con, tiếp tục công việc em yêu thích….
Tôi không đi bước nữa, bởi với tôi Hoàng là tất cả. Tình yêu của tôi đối với Hoàng không đơn giản là tình cảm giữa những người khác giới, đó còn là ước mơ, hoài bão lý tưởng sống của tôi. Bởi vậy những năm tháng sau  này, tôi vẫn luôn cảm thấy anh ở bên.
*
Vậy là từ đấy dì tôi đứng vậy nuôi hai em, Khuê và Châu. Như đầu câu chuyện, khi mẹ tôi mất, dì đón tôi lên trông nom. Tôi lớn lên trong vòng tay chăm sóc của dì. Không chỉ tôi, chị Bình con bác Hăng học đại học cũng được dì trông nom chu đáo. Căn phòng nhỏ của dì đã trở thành nơi gặp gỡ, tụ họp, sum vầy của cả gia đình.
Lúc về hưu, dì chuyển sang căn hộ mới. Khuê và Châu khá thành  đạt. Khuê chọn học đại học báo  chí, theo con đường của dì. Châu tốt nghiệp đại học Y khoa làm việc tại một bệnh viện Ở Hà Nội. Căn nhà của dì tiếp tục là nơi gặp gỡ của anh chị em chúng tôi. Đồng nghiệp cũ của dì cũng lấy đây là điểm gặp gỡ của những người bạn đồng khóa, những người một thời cùng với dì như con thoi tới mọi miền đất nước lấy tin viết bài kịp thời phản ảnh cuộc sống thực tế sinh động trong cuộc kháng chiến thống nhất đát nước, cũng như trong công cuộc kiến thiết đất nước. Căn nhà của dì đầy ắp niềm lạc quan và tiếng cười.
Năm ngoái khi lên thăm dì. Dì rất vui. Dì bảo: Con ạ! Dì sẽ viết tự truyện.
Tôi nói: Con hiểu dì. Dì viết đi dì ạ!
Dì tiếp: Những kỷ niệm của tình yêu, của những năm tháng hạnh phúc được sống với người mình yêu, được góp phần nhỏ bé cống hiến cho đời những bài viết, rồi cả những mất mát đau thương và gian khó nữa giờ đây luôn sống lại trong ký ức của dì vô cùng mạnh mẽ.
Dì đưa tôi tập tự truyện đang viết dở. Tôi đón tập viết trong tay dì . Những dòng chữ như nhòe đi trong mắt tôi:” ..Không phải là viết tiểu thuyết hay truyện ngắn. Không phải là làm văn. Đơn giản nhớ được cái gì viết nấy, có sao nói vậy. Lúc đầu tưởng rất giản đơn nhưng khi chạm lòng vào những đau thương mất mát, hy sinh của mình, của người thân hay tất cả những người tôi đã gặp trong cuộc sống…thì như có quả núi đè lên ngực tôi khiến mình như ngẹn thở. Tôi gục xuống trang viết nức nở…” . Đọc đến đấy, đôi mắt tôi nhòe lệ. Dì vẫn thế, một trái tim đa cảm, nhân hậu, biết cảm thông và sẻ chia khó khăn với mọi người; tưởng như yếu mềm vậy mà như  chim ưng vượt qua muôn vàn khó khăn để sống đẹp, để viết góp phần tô điểm cho cái đẹp trong đời.
Tôi nói:” Viết xong, xuất bản, dì nhớ tặng cháu một quyển nhé.”
Dì nói: đơn giản là dì muốn nói với các cháu, với mọi người về những khó khăn mất mát của dì, thế hệ dì. Các cháu đọc để biết hướng tới cái thiện, biết sống đẹp và quý trọng những gì có được ngày hôm nay. Hạnh phúc đơn giản là được sẻ chia, được cho đi cháu ạ.
Truyện ngắn này tôi viết dựa theo cuốn tự truyện của dì. Được phép của dì, có đoạn tôi giữ nguyên văn bản gốc. Mong rằng có nhiều người đọc nó. Đó là điều ít nhất tôi có thể làm được để tỏ lòng yêu quý dì.
                                                                                                Hưng Yên tháng 1 năm 2016

                            

0 nhận xét:

Đăng nhận xét