Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

MẸ SINH NĂM DẬU


                                                                                                     Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh

Mẹ tôi sinh năm Dậu, tức tuổi gà. Mẹ thường nói với chúng tôi: Mẹ tuổi Dậu nên vất vả lắm. Tôi nói: tuổi gà có phải ai cũng vất vả đâu mẹ.
Mẹ nói: nhưng thường là như vậy. Quan sát đàn gà mẹ con suy ngẫm sẽ biết.
Nhiều lần tôi quan sát đời sống của mẹ con nhà gà. Tôi đi tới kết luận rằng: chăn con rút cuộc lại chỉ có gà mẹ mà thôi.  Có gà mẹ dắt  chừng mười sáu , mười bảy gà con lận đận trong vườn, hết chỗ này tới chỗ khác, bưới tung, bới tóe tìm giun…tìm sâu bọ, kiếm mồi nuôi con.. Mỗi khi được mồi, gà mẹ nhả nhả mồi xuống đất cất tiếng gọi lũ con thật là âu yếm: cục….cục.. Những con gà nhiếp lông vàng mải chơi nghe tiếng mẹ gọi, lao đến giành ăn. Gà mẹ vội vàng phân xử. Kiếm được bao nhiêu mồi, gà mẹ dành cho lũ con cả. Bởi vậy móng chân gà mẹ mỗi ngày một cùn, chõe toác ra và vảy sừng mỗi ngày một già cứng trắng ra trên đôi chân.

Những người sinh năm gà thường vất vả. Nhân gian từ xưa luôn có cách nghĩ như thế, phải chăng từ quan sát và trải nghiệm xuất phát từ hình tượng gà mẹ nuôi con..vv. Đàn ông đã vậy, phụ nữ có thể vất vả hơn gấp bội. Tôi không tin lắm về tướng số, nhưng hình tượng gà mẹ nuôi con luôn thường trực trong ký ức mỗi khi nghĩ về mẹ tôi.

Mẹ tôi vẫn nói vậy mỗi khi  gia đình quây quần bên nhau. Với một chút bùi ngùi. Mẹ  kể:
Không thể chịu nổi nghiệt ngã của mẹ chồng, sau vài tháng làm dâu, bố mẹ thuê một gian chái của một gia đình trong làng ở trọ. Gian chái hẹp, chỉ đủ kê cái chõng tre.  Mấy năm trời bố mẹ ăn ở với nhau trong chái nhà ấy, làm thuê , làm mướn tự nuôi thân. Cái thời phong kiến người ta đói dài ra. Quanh năm tất tưởi cũng chẳng đủ ăn. Bữa cháo, bữa rau, bữa củ đót thay cơm. Mấy anh chị đầu của các con  bệnh tật mất khi chưa đầy năm. Ngày đó dịch vụ y tế chưa phát triển, đói kém, trẻ con gặp bệnh sởi, bệnh thương hàn là nguy hiểm đến tính mạng.
Bố các con sau đó vào du kích, rồi gia nhập bộ đội địa phương, thi thoảng được phép của đơn vị mới về nhà, thường là vào những đêm khuya. ….

Kể chuyện về mẹ sẽ thật không hoàn chỉnh nếu như không nhắc đến bố tôi là người ăn đời ở kiếp, sống gửi thịt chết gửi xương cùng mẹ. Hoàn bình lập lại ở miền bắc, bố tôi xuất ngũ trở về địa phương, dạy bình dân học vụ, rồi làm công tác y tế. Tôi nhớ thời bố làm công tác y tế , bệnh nhân trong xã, thậm chí người bệnh ở xã khác cũng đến tìm để thăm khám. Ban ngày, thậm chí ban đêm, khuya cũng có người đến tận ngõ để thỉnh. Bố tôi có cái ba lô dạng hộp, bên ngoài có dấu chữ thập, trong đó để lỉnh kỉnh ống nghe, bơm và kim tiêm, các loại thuốc. Người bệnh cần, đến gọi, không thể không đi, cho dù đêm hôm khuya khoắt, mưa gió hoặc giá rét.
Thời đó phụ cấp chỉ được dăm ngàn. Bố tôi bận với việc trị bệnh cứu người, thương bệnh nhân nên chẳng bao giờ nghĩ tới việc kiếm tiền từ các con bệnh. Bố có nghiên cứu thuốc nam, dùng thuốc nam chữa khỏi bệnh cho nhiều người, mách mọi người những bài thuốc dân gian chữa trị khá hiệu quả. Có người sau khỏi bệnh tỏ lòng biết ơn nhưng bố đều cự tuyệt. Bố nói muốn tích đức cho các con , thành thử, nguồn sống của cả gia đình vẫn trông vào ngày công nông nghiệp.

Mẹ tôi vừa làm ruộng vừa đi chợ buôn thúng, bán bưng. Từ nhà tới chợ khoảng dăm ki lô mét. Sáng sớm toong teng quang gánh xuống chợ, chiều quẩy quang gánh về nhà. Mỗi ngày hơn chục ki lô mét. Mỗi năm  365 ngày, trừ vài ngày tết, hơn năm chục năm trời miệt mài với chiếc đòn gánh đi chợ kiếm tiền nuôi con, tính sơ mẹ đã đi khoảng 1.750. 000 km. Đôi chân của mẹ tôi, gan bàn chân dày, chai cứng. Đôi vai mẹ u dày như bắp vai bò thâm tím và hóa sừng..
Những năm tháng khó khăn, cả nhà chia nhau từng miếng bánh, củ khoai hà, có đợt dùng cháo xu hào thay cơm nhiều tháng liền. Mùa đông, mẹ trải rơm làm đệm. Mấy anh em dùng bao tải làm chăn, ôm nhau ngủ qua đêm. Chân đứa này gác lên chân đứa kia ủ ấm cho nhau. Có những mùa đông, lạnh thấu xương, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 3 độ c, bố mẹ dùng củi gộc nhóm lửa sưởi.
Cứ như thế, mẹ cùng bố chắt chiu hạt gạo, cọng rau nuôi lũ con lớn lên rồi trưởng thành.
Con người sinh ra để mà lo lắng, để trả nợ đời. Mẹ vẫn nói với chúng tôi như thế, vì rằng xuất phát từ những trải nghiệm của mẹ. Niềm vui thì ít, lo lắng vất vả thì nhiều. Sau này tôi suy ngẫm lại và cùng với những trải nghiệm  của bản thân mới ngộ ra chân lý đó. Làm bố , làm mẹ như dây bầu đeo nuôi những quả bầu, như dây khoai nuôi cả lũ củ, lo dạy con lúc con bé, lo cho chúng cả khi chúng trưởng thành đã có gia đình. Một mẹ già bằng ba con ở. Con này sinh con, con kia sinh con mẹ lại khăn gói lên đường trông cháu. Câu ca dao ngày trước mẹ thường ru chúng tôi vào giấc ngủ: “cái cò cái vạc cái nông, ba con cùng béo vặt lông con nào…Con cò đi mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ  xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.” Nay mẹ lại ru cháu. Những lời ru ấy, thế hệ chúng tôi ai chẳng nhớ, ai chẳng hoài tưởng về một thời cả không gian và thời gian đều thơ mộng diệu huyền đầy ắp những chuyện cổ tích.

Khó khăn, vất vả đã giúp cơ thể mẹ dẻo dai và chịu đựng. Mẹ đã sống vắt từ đầu thế kỷ này tới đầu thế kỷ sau. Giờ mẹ đã gần trăm tuổi.
Cách đây hơn chục năm, anh em chúng tôi bàn nhau xây dựng lại căn nhà cho khang trang để mẹ ở. Nơi ấy cũng là nơi tụ họp của con, của cháu, chắt sau này..Vào buổi liên hoan về nhà mới, mẹ tôi nói với con cháu:
- Cây phải có gốc mới xum xuê. Sông suối, phải có nguồn cội, suối sông mới ắp nước.  Con người cũng vậy, sống cần biết thảo hiền, biết nương cái nơi mình sinh ra và lớn lên.
.
Vào những ngày lễ, con cháu ở xa túc mục về  thăm mẹ. Những lúc gia đình sum họp, mẹ tôi thường ngồi, ngắm con, ngắm cháu. Lòng mẹ sung sướng. Niềm vui tỏa rạng ngời trên khuôn mặt dăn deo, teo tóp bởi tuổi già.
Chị tôi mỗi lần về thăm mẹ, thường ngồi cạnh, đôi lúc ôm lấy đôi vai gầy nhỏ thó thó của mẹ nói: mẹ vất vả cho chúng con nhiều lắm phải không mẹ!
Chúng tôi đồng cảm, chia sẻ với chị những suy nghĩ như thế. Mẹ cười mủm mỉm. Trong hồi ức của mẹ, dẫu dù trải nghiệm bao vất vả, nhưng quả thật, chưa khi nào mẹ thấy đó là nỗi khổ cực  của  đời người. Chính trong thời điểm đó, lòng mẹ vẫn chứa chan niềm hạnh phúc khôn cùng bởi có được đàn con,  thương yêu chúng, che chắn cho chúng như gà mẹ dang đôi cánh ủ ấm cho lũ con, bởi được hy sinh cho tình yêu  của mẹ.

Tết này là tết năm Dậu. Năm tuổi của mẹ. Tôi nói với vợ: Năm nay, đưa các con về quê ăn tết. Mọi người đã thống nhất tụ họp vào ngày mồng hai, làm cơm lễ, chúc thọ mẹ sau đó có thể ra đền xem hội làng.
Vợ tôi nói: Thế trước tết anh không về ư?
 Tôi đáp có chứ. Trước tết, chỉ mình anh về thôi. Sáng mồng hai cả nhà sẽ về quê.
Vợ tôi nói:Không biết mua cái gì để tặng mẹ? Em định mua cái áo len. Mẹ có thể mặc bên trong, ngoài choàng áo dài  mỗi lần đi lễ chùa, đi hội .
Tôi bỗng nhớ vào những dịp ngày tết trước đây, ngoài bánh chưng, mẹ thường gói bánh mật. Mẹ xay gạo nếp, loại nếp ngon, nhào với lạc, trộn với mật mía ủ vài ngày, dùng đỗ tắt, hành củ, thịt băm làm nhân, sau dùng lá chuối khô để gói, đặt bánh vào nồi rồi đồ chín. Khi chúng tôi rời quê, mẹ gói cho mỗi nhà đôi chục bánh chưng, bánh mật. Mâm cơm ngày tết nay không như cái thời khó khăn, thật phồn thực, nhưng mẹ cũng chỉ đụng đũa. Với mẹ nhìn thấy con, thấy cháu như những cây sung sai trĩu trịt quả, phương trưởng là điều mẹ vui và yên lòng nhất.
 Tôi nói với vợ: phải đấy! Em chọn mua cái áo len màu gụ ấy. Màu ấy nhã nhặn. Mẹ mặc rất hợp.
Còn vài ngày nữa, tết năm Dậu tới. Hơi thở của mùa xuân nồng nàn chảy trong không gian ấm áp xua đi những ngày rét đậm , rét hại cuối đông. Buổi sáng, mưa  phùn lắc rắc không đủ ướt mặt sân, màn sương mỏng mảnh la đà trong các ngõ phố. Dịu êm, dịu êm tiếng của mùa xuân nảy lộc, đâm chồi.
Sáng nay cùng vợ đi chợ, tôi chọn mua một cây quất, dự tính mai về quê, mang theo như một món quà tặng mẹ, sắm sửa gian nhà cho khang trang. Tết này, các con, các cháu lại quây tụ bên mẹ. Còn cha, còn mẹ, như cành cây còn gốc rễ, dẫu dù nhành lá tỏa khắp bốn phương trời, căn nhà còn nóc, còn hơi ấm của tình thương.
Năm nay năm tuổi của mẹ. Dẫu  thời gian, khó khăn bộn bề trĩu nặng trên vai mẹ, trên khuôn mặt mẹ; Nhưng cây cành đã đâm chồi , nảy lộc sum xuê. Mẹ có  thể yên tâm, dung dưỡng tuổi già.
Mẹ tôi vẫn nói: các con đừng lo cho mẹ. Tuổi Dậu thật đấy, nhưng niềm vui, hạnh phúc tự tâm ở mỗi con người. Sống biết thương yêu nhau, chia sẻ, hy sinh cho gia đình , con cháu, biết đến cộng đồng, biết tự tại thì có sinh năm Dậu lòng người vẫn đầy ắp niềm vui, hạnh phúc.

                                                                                                Hưng Yên năm 2017

Hồ Ngọc Vinh

                                                                                                                       





0 nhận xét:

Đăng nhận xét