Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Thân phận một trí thức canh tân


Nguồn: Ngominhblog
 MINH PHƯƠNG 
Gia đình ông Ngô Đình Khải. Ảnh: TL
Phòng Khánh tiết trường Quốc Học Huế những năm 1956-1958 từng treo hai tấm biển gỗ sơn son, khắc bản dịch tiếng Việt chỉ dụ vua Thành Thái, Nghị định Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập trường. Sau đó vì nhiều lý do, nó trôi nổi trên thị trường cổ vật.
Nhân kỷ niệm 120 năm Quốc Học (1896-2016), đã có những lời đề nghị được gửi tới người có trách nhiệm, những mong nó được trở về chốn cũ, nhưng đáng tiếc không được đáp từ. Khoảng lặng đó giúp chúng tôi lần giở những dòng tư liệu cũ, chợt giật mình trước thân phận một trí thức canh tân yêu nước đầu thế kỷ XX.Trong cuộc tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây ở Huế từ nửa sau thế kỷ XIX, sau nhiều căng thẳng binh biến, vấn đề canh tân đất nước đã được cả triều đình Đại Nam lẫn phía Pháp rất quan tâm. Để giảm sốc sau những động thái vũ lực tang thương, hai bên đã có nhiều giải pháp thăng bằng, hướng tới canh tân xứ sở, nhất là từ văn hóa và giáo dục. Tinh hoa Hán học truyền thống kết hợp Tây học đã đem lại cho văn hóa Việt Nam sức sống mới, góp phần đưa đất nước hội nhập với thế giới hiện đại.
Vấn đề then chốt chính là ở tư tưởng và tinh thần yêu nước của vua Thành Thái khi biết chọn chỗ dựa phù hợp cho sứ mệnh canh tân nước nhà, đặc biệt là đội ngũ quan lại trí thức Tây học thuở ban sơ như Nguyễn Hữu Độ, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài… Nhờ đó mới xúc tiến mở trường Quốc Học (nam sinh) và Đồng Khánh (nữ sinh) – giáo dục phổ thông; rồi Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Canh Nông – đào tạo ngành nghề chuyên nghiệp…
Ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23.10.1896), nhà vua ban dụ mở trường Quốc Học, nhấn mạnh tinh thần giáo dục quốc gia trong bối cảnh xã hội mới cần chú trọng sự liên tục, hài hòa giữa Cựu học và Tân học với nhiều bộ môn khác nhau, của nhiều nước để mở rộng quan hệ bang giao quốc tế. Sự học do vậy hướng đến việc nắm bắt kiến thức và hoàn thiện kỹ năng xử lý hiệu quả công việc hành chính, điều hành đất nước. (Công báo Đông Dương, số 11, phần 2, tr. 1453-1458). Ngoài việc duy trì nền tảng sâu rộng, uyên thâm của Cựu học, môi trường giáo dục cần cập nhật, tiếp thu văn minh phương Tây để bổ sung sự mất cân đối đó.
Trường Trung học Quốc gia – Quốc Học được thành lập tại Huế, giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp, chữ Hán. Hiệu trưởng do Hội đồng Cơ mật chuẩn thuận, Khâm sứ đề nghị và Toàn quyền bổ nhiệm, được trực tiếp liên hệ với Khâm sứ, Hội đồng Cơ mật và các Bộ. Triều đình Huế chịu chi phí nhân sự và xây dựng: tòa nhà chính, các lớp học, nhà ở, lương bổng, bồi dưỡng nhân sự, trợ cấp học sinh.
Điểm đặc biệt ở đây là vai trò tiên phong quan trọng của nhân vật lịch sử Ngô Đình Khả, vị Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Học và là người Việt duy nhất đảm đương trọng trách này trong giai đoạn 1896-1945. Văn bản số 908 ngày 6.11.1896 của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương cho biết sau khi có ý kiến chuẩn thuận của Hội đồng Phụ chính về chức danh Hiệu trưởng Quốc Học, quan Khâm sứ vinh dự giới thiệu ông Ngô Đình Khả, 40 tuổi, thông ngôn chính, một người có uy tín xứng đáng, với tư cách mẫu mực và kiến thức sâu rộng, tư duy vững chãi. Ông từng là thông ngôn cho Tổng trú sứ và được ông P.Rheinart đánh giá cao, luôn được Khâm sứ Trung kỳ tin tưởng. Bước vào hoạn lộ, ông được triều đình Huế phong Thái Thường Tự Khanh, hàm chánh tam phẩm… nên hội đủ tư cách, trí tuệ để đảm đương trọng trách điều hành một ngôi trường tân tiến đương thời, và “không thể có sự lựa chọn nào tốt đẹp hơn”.
Công trình được xây dựng và chính ông Khả được giao trọng trách tổ chức việc giảng dạy, trở thành Hiệu Trưởng đầu tiên (BAVH, 1942, tập III, Nxb Thuận Hóa, 2015, tr. 493-510). Không chỉ có vậy, khi làm quan Nam triều, duy nhất ông dám chống lại người Pháp khi vua Thành Thái bị bức hại và dân gian Huế đến nay vẫn lưu truyền câu ca: “đày vua không Khả…”.
Trong bối cảnh vỡ ra của xã hội truyền thống Việt Nam, cuộc đụng độ rồi giao lưu, tiếp xúc văn hóa, văn minh Đông – Tây diễn ra tất yếu trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh đời sống xã hội. Ở đó, giáo dục đào tạo được coi là một vấn đề đặc biệt quan trọng gắn liền khát vọng, xu hướng canh tân từ triều đình Huế và nhu cầu xây dựng, phát triển xứ Đông Dương của người Pháp, mà Quốc Học, có thể coi là trường hợp điển hình. Phát huy tối đa sở trường, giảm thiểu sở đoản từ trong di sản truyền thống, kế thừa tinh hoa văn minh phương Tây phù hợp, để canh tân đất nước từ giáo dục đào tạo, là sứ mệnh, đặc điểm then chốt, bài học lịch sử cốt yếu từ Quốc Học.
Điểm đáng tiếc trong chu kỳ trăm năm, từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, quá trình tiếp xúc văn minh phương Tây diễn ra mạnh mẽ nhưng đội ngũ quan lại trí thức chưa đủ mạnh, trở thành đa số để chuyển hóa trọn vẹn cuộc canh tân. Đầu thế kỷ XX, dư chấn của cuộc cách mạng phản đế phản phong đã gạt bỏ nhiều truyền thống dân tộc. Tính chính thống, ở nhiều trường hợp, càng làm nổi bật điều đó. Đài Chiến sỹ trận vong ở Huế là sản phẩm của một thời “thực dân”, lại chưa được công nhận là di tích nên bị bỏ qua, xem nhẹ. Nhân vật trí thức Tây học, vị hiệu trưởng Quốc Học đầu tiên, người Việt duy nhất từ năm 1896-1945, vị quan yêu nước Ngô Đình Khả và lăng mộ của ông vẫn ít được biết đến, nằm lặng lẽ, lạnh lẽo ở đồi Phủ Cam.
Lịch sử Việt Nam nổi bật tính bao dung, hòa hợp, giúp xóa bỏ trở lực, hòa giải mọi ngăn cách cho khát vọng thái hòa từ sức mạnh cố kết lòng người, bồi bổ phong khí quốc gia. Nhìn nhận phiến diện, bỏ qua nhiều trang sử quan trọng với công – tội phân minh, rõ ràng là hiện nay, chúng ta đang rất cần một thái độ ứng xử khoa học, nhân văn phù hợp, mới có thể phát triển.
( Nguồn: Lao Động)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét