Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

ĐẦU NGUỒN NƯỚC



Xe chạy ra ngoại ô. Thành phố HB  bắt đầu lên đèn, những ngọn đèn đường  toả ánh sáng vàng nhập nhoà xuống mặt đường, những dãy nhà dọc phố. Cửa hàng, cửa hiệu đồng loạt lung linh hào nhoáng  với những  ánh đèn ne - on. Lát sau, trời lất phất mưa, những hạt mưa đọng trên cửa kính xe, rồi lăn trên mặt kính.

Xe qua cầu. Anh Thành nói: kia là dòng sông Đà. Nhìn qua ô cửa, thày Nghĩa  thấy dòng sông đà bên dưới.  Trong bóng đêm và trong ánh sáng yếu ớt hắt tới của những ngọn đèn, dòng sông sáng bạc như mặt gương  mờ chứa đầy những câu chuyện cổ tích, những điều kỳ diệu trong lòng nó. Không nghe tiếng dòng sông thở như những tưởng tượng ban đầu của thày trước khi lên HB. Một hình ảnh hoàn toàn khác biệt.

Mưa mỗi lúc  một mau hơn. Nước mưa chảy nhoà trên cửa kính. Đến lúc này, anh  Thành mới bật công tắc khởi động gạt nước. Nó cọt  kẹt chạy sang bên trái, rồi sang phải làm sạch lớp nước mưa mỏng bám trên kính.

Xe dừng lại. Trong xe nhìn ra, thày Nghĩa thấy phía bên trái có hai trụ cổng lớn. Có lẽ đấy là cổng vào của một cơ quan, hoặc khu dân cư nào đó. Thày Nghĩa đoán vậy theo kinh nghiệm của mình.
 Anh  Thành nhìn quanh không  thấy ai, sốt ruột cho xe lùi rồi lại tiến, vừa lái, vừa đảo mắt nhìn hai bên đường. Không biết cô ấy ở đâu? Đã gọi điện, hẹn rồi mà giờ vẫn chưa thấy- Anh nói.

Mưa đã bắt đầu ngớt. Kia rồi! Chợt anh Thành reo lên, đảo tay lái cho xe tạt vào vệ đường. Trong ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn đường , thày Nghĩa thấy hai người phụ nữ cầm ô đứng bên trụ cổng. Có lẽ kia là bạn của cô ấy. Anh Thành nói. Thày Nghĩa mở cửa xe.
-          Vào đi em! Anh Thành giục- trời vẫn còn mưa! Nhanh kẻo ướt hết!
-          Con vào trước đi!
Theo lời mẹ, cô gái nhẹ nhàng lách vào ngồi ở hàng ghế sau,. vừa vào xe vừa cất tiếng trong trẻo chào. Chào các bác!
            Chào cháu! Thày Nghĩa thật  sự không tin vào tai mình khi nghe họ xưng hô mẹ con với nhau. Trong ánh sáng mờ yếu của ngọn đèn trong xe, thày thấy người mẹ còn rất trẻ, với khuôn mặt trái xoan, nước da trắng
Đã có con lớn như vậy ư?  Thày Nghĩa buột miệng hỏi.
Thưa thày cháu tên là Quỳnh. Năm nay cháu đang học lớp 9.
Vậy mà tôi cứ tưởng bạn em. Trông thật như hai chị em- Thày Nghĩa nói

Anh Thành nói: Đây là Hoa, lớp trưởng của lớp. Chiều nay Hoa có sang bên trung tâm hỏi thăm  thày đã lên chưa. Tôi bảo Hoa cứ về đi. Khi nào thày giáo lên, tôi điện rồi đón Hoa đi ăn cơm luôn.
Xe đi qua khu trung tâm. Thày Nghĩa ngắm nhìn những hàng đèn đường đứng trong mưa bụi cuối xuân. Những hạt mưa loang loáng rơi rơi, xiên xiên trong ánh sáng nhạt nhòa. Những con thiêu thân bay, vây quanh đèn, rồi lấp tấp rơi trong mưa bụi. Đường phố với những cửa hiệu đèn điện sáng trưng, lộng lẫy với những gian hàng quần áo, tạp hóa, với những thế giới xe máy, Salon ôtô và trụ sở của các ngân hàng. Buổi  tối thành phố HB vẫn náo nhiệt, có thể nhận thấy vẻ sung túc của nó qua sự đày ắp của hàng hóa trong các cửa hiệu.
            Vượt qua trung tâm, xe đi vào con đường dẫn ra ngoại ô thành phố. Phố xá thưa dần những ngôi nhà, người qua lại. Phía bên phải, thày Nghĩa nhận thấy những vạt rừng thưa với những  bụi cây dương xỉ mọc cheo leo trên vạt dốc.
Xe dừng lại ở một nhà hàng. Anh Thành nói: Sở dĩ muốn đưa thày ra ngoài này vì muốn đưa thày dạo một vòng quanh thành phố.
Ban nãy khi mới lên tới đây,  cứ ngỡ thành phố HB chỉ to bằng một cái làng, hoặc một thị trấn ở miền xuôi – Thày Nghĩa vui vẻ nói - Cùng anh đi một vòng thành phố, tôi chợt nhận ra thành phố trẻ với những khu phố mới xây, những con đường mới mở, những khu công viên cây xanh,  những khách sạn tiện nghi và đặc biệt là tiếng âm vang của sông Đà.
Mới có hơn chục năm nay thôi thày ạ! Những cây xanh trong công viên mới độ hơn chục năm tuổi. Bên kia là khu phố mới và khu chuyên gia cũng mới thành hình. Thành phố HB đang phát triển thành thành phố du lịch. Từ đây theo tua lên các tỉnh miền tây bắc  thật thuận tiện. Nếu rảnh, lúc nào mình sẽ lên Mai châu_ Anh Thành nói.
Ngày mai em sẽ đưa thày  đi thăm sông Đà và thủy điện HB,  lên thăm tượng Bác -Hoa nói.

Ngồi bên bàn,giờ đây thày Nghĩa mới có dịp quan sát Hoa. Hoa mặc chiếc áo trắng vải nõn, quần ka ki màu tro. Khuôn mặt trái xoan thanh tú với làn nước da trắng hồng ấy có hai nét mặt, một nét mặt rất trẻ, rất tinh ngịch, và một nét mặt buồn. Nỗi buồn đã cố giấu nhưng vẫn phảng phất trên mặt. Hai sắc thái trên cùng một khuôn mặt, điều thật hiếm thấy ở cùng một con người. Chắc hẳn Hoa phải chịu nỗi đau, nỗi mất mát nào đó thật lớn. Kinh nghiệm cho thày Nghĩa những phán đoán như vậy.
Mai thày lên lớp vào lúc 7h 30. Học viên  của lớp có người ở xa cách 60, 70mươi km. Một số trường hợp vừa đi làm, vừa đi học có thể có buổi nghỉ do không thu xếp được công việc ở cơ quan. Thày thông cảm và tạo điều kiện cho những  trường hợp đó – Anh Thành nói- Tôi thay mặt cơ quan làm chủ nhiệm lớp. Có điều gì xin thày trao đổi với tôi.

Ө

Phòng học nằm ở tầng 2, với những ô cửa sổ màu xanh nhìn ra đường phố. Những cây bàng ven đường độ này trổ lá non xanh mỡ màng, vươn tới tận cửa sổ lớp học. Hoa bàng lấm tấm rắc bụi trắng vào không gian của thành phố, xuống hè đường.
Từ ô cửa sổ, qua tán lá bàng có thể nhìn thấy những dãy phố đối diện với những ngôi nhà đủ kiểu kiến trúc và khoảng trời vào độ cuối  xuân lắc rắc mưa bụi vào mỗi sáng.
Cũng như mọi lần, mỗi khi đứng trước lớp, quan sát những gương mặt của các học viên lòng thày lại ngập tràn niềm vui phấn khích. Cho tới nay đã hơn hai mươi năm trong nghề, mặc dù tự tin hơn, chủ động hơn trong những tình huống dạy học nhưng những cảm xúc ấy vẫn còn nguyên vẹn, tinh khôi như những buổi lên lớp đầu tiên.
Lớp học có hơn bốn chục người. Có thể nhận thấy họ thuộc những lứa tuổi và  dân tộc khác nhau. Phía bên phải, ngay dãy đầu tiên là các giáo viên thuộc một trường nghề tại HB, ăn mặc gọn gàng, trông có vẻ mô phạm.  Hàng tiếp theo là mấy nam giới chừng 40 tuổi là giáo  viên dạy lái xe, cách ăn mặc, đầu tóc và thái độ cũng có vẻ phóng túng. Phía bên trái ngồi ở những hàng cuối là lớp sinh viên mới tốt nghiệp các trường ĐH - CĐ trong những trang phục nhiều màu sắc, quần đen với  áo dài bằng vải voan mỏng chiết lưng, hoặc quần trắng với áo màu đỏ; nam giới có người mặc đồ thổ cẩm tới lớp.
Thày Nghĩa thấy có học viên đã ngoài năm mươi tuổi, da mặt đen sạm, nhăn nheo khắc khổ ngồi ở góc bên phải của lớp.
 Thưa thày lớp có nhiều học viên  dân tộc ít người. Dân tộc thái có bạn Chanh, bạn Hằng; dân tộc tày có bạn Hoa; dân tộc H- Mông có bạn Thắng, dân tộc mường có…..và một vài bạn thuộc các dân tộc khác.- Cả lớp cười rộ lên theo lời giới thiệu của Hoa.
Thày Nghĩa mỉm  cười nghĩ: Giao lưu xã hội đã kéo các miền quê, các dân tộc gần lại với nhau. Nhưng nếu quan sát tinh tế vẫn nhận ra những khác biệt trên những gương mặt, và trong các kiểu trang phục của học viên.
Trước mấy chục cặp mắt của các học viên đang háo hức nhìn lên bảng, dõi theo những thao tác của thày, chờ lĩnh hội tri thức. Thày biết rõ nhiệm vụ phải làm, truyền đạt những tri thức mới  cho học viên, trang bị cho họ những kỹ năng để làm việc, để sống, thổi vào họ những giá trị xã hội, những giá trị tinh thần, chợt hiểu câu nói vủa một nhà văn nào đó: “con người là cả một thế giới”,  phong phú với những khát vọng vươn tới những giá trị tri thức, vươn tới chân thiện mĩ. Thày chợt thấu hiểu sự cao quý của nghề dạy học.
Hoa ngồi ở bàn thứ 2, phía trái của lớp. Hôm nay Hoa ăn mặc khác hơn, với cái áo bằng vải lụa mỏng màu đỏ, cổ thun, chiết lưng, và chiếc quần ka ki màu trắng, trông gọn gàng hơn, trẻ đi đến chục tuổi. Hoa đang rất chú ý tới nội dung trình bày của thày, thoảng mới thấy cúi xuống ghi chép. Hoa dành nhiều thời gian cho việc nghe giảng, chỉ ghi chép những ví dụ, những bổ sung vào trong tài liệu phát tay.
Quan sát lớp, thày Nghĩa hiểu học viên đang lắng nghe thày nói với sự tập trung chú ý cao. Rõ ràng họ đang quan tâm đến những gì thày nói. Bằng giọng nói trầm ấm, truyền cảm và câu văn ngắn gọn súc tích, thày trình bày những quan điểm về dạy học. Đây có thể coi là ý thức triết học trong dạy học. Nó chi phối các mô hình của hoạt động dạy học của giáo viên và của học sinh……... Thày nhắc lại  câu nói của một nhà giáo dục: tri thức thật sự không dựa trên lối tư duy tái hiện mà bằng hoạt động nhận thức mang tính tự  giác, tích cực, tự lực của con người. Học tích cực kết quả của nó là một nhân cách tích cực trong thực tiễn nghề nghiệp và trong cuộc sống…….
 Xúc  động trước tình cảm của học viên đối với nội dung trình bày, giọng thày dường như trong hơn, ấm áp hơn, đậm đà tình cảm và trí tưởng tượng thật bay bổng . Nội dung nhờ thế không khuôn trong những trang sách mà thoát bay lên phong phú với những ví dụ từ thực tiễn và với những ý tưỏng sáng tạo mới mẻ chợt đến.
Tiết học kết thúc. Học viên ùa ra ngoài hành lang. Một học viên có khuôn mặt khắc khổ, gày gò, da mặt sạm  đen, mái tóc hơi xoăn chải ngược sang bên một cách cẩu thả tự giới thiệu: em là  Sùng dân tộc tày. Trước đây em học đại học lâm ngiệp. Em đã công tác trong ngành lâm nghiệp được gần chục năm. Khi nông trường bị giải thể, em bôn ba theo hết nghề này tới nghề khác. Lúc trường phổ  thông có nhu cầu giáo viên dạy các môn công nghệ, họ nhận em và từ đó đến nay em giảng dạy ở trường trung học phổ thông đã được khoảng hơn chục năm rồi.
Vậy là anh đã công tác được hơn hai chục năm. Thày Nghĩa nói và đồng thời quan sát mái tóc pha sương của  anh Sùng, cảm thông và e ngại cho những gì mà anh đã trải qua.
 Năm nào mùa hè chúng em cũng đi học bồi dưỡng, qua rất nhiều lớp vậy mà khi phòng giáo dục hỏi vẫn chưa có chứng chỉ SP, cái cần thiết nhất, tấm giấy thông hành để mình đứng trên bục giảng. Việc giảng dạy, bọn em rút kinh nghiệm dần thưa thày. Vùng cao khó khăn thế đấy. Được biết trung tâm mở lớp này, em kiên quyêt theo học.
Hoa nói: Nhà anh ấy cách đây khoảng bảy chục km thày ạ. Đường xa, đèo dốc, vừa đi dạy vừa đi học, vậy mà hầu như chưa nghỉ buổi nào.
Không đi học em thấy rất  tiếc. Không chỉ là một tấm giấy chứng chỉ mà còn vì muốn được trực tiếp nghe các thày giảng, muốn lĩnh hội được các tri thức mới, và những kinh nghiệm  vận dụng thực tiễn.
Tri thức và kinh nghiệm con người có thể có qua nhiều con đường: học ở các lớp có hệ thống, tự học, nghe đài, đọc báo,…rút kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Nếu thiếu đi việc dạy học thì tri thức khoa học và kinh nghiệm có được sẽ theo con đường mò mẫm và rất lâu. Song nếu được hướng dẫn bởi các hoạt động sư phạm, con người sẽ có được  tri thức và kinh nghiệm một cách có hệ thống, lúc đó một ngày sẽ bằng một năm, một năm sẽ bằng cả cuộc đời của con người. Vì thế những bài giảng của thày, vai trò của người thày không thể thiếu được trong dạy học- Thày Nghĩa nói đồng thời cảm thấy hình như cách nói của  mình có vẻ lý thuyết…
Em đã sống ở nhiều nơi. Vì học ngành lâm nghiệp nên phần lớn ở rừng. Chục năm, vai đeo ba lô, dép cao su, lội suối, leo dốc núi, lặn lội làm bạn với những cánh rừng, có tối nằm  lại trong rừng, mưa rừng, muỗi và vắt cắn…thao thức…đi nhiều mới biết đất nước mình thật đẹp thày ạ! Nếu cơ quan không giải thể có lẽ em còn làm việc trong ngành lâm nghiệp. Những kiến thức và kinh nghiệm trong ngành lâm nghiệp trước giúp em giảng dạy tốt hơn. Nội dung đỡ khô cứng đóng khuôn trong sách vở mà hấp dẫn  bởi những ví dụ thực tế. Học sinh cũng hứng thú khi nghe em giảng.. Cứ lênh đêng mãi, đâm lười, tới tuổi 40 em mới lấy vợ. Vợ em người Thái,  là giáo viên cấp một. Con em còn nhỏ lắm, thằng lớn mới chục tuổi. Năm nay cháu học lớp 5 rồi - Anh Sùng kể với thày Nghĩa bằng giọng vui vẻ.
Thày Nghĩa cảm nhận được sự khó khăn mà anh Sùng đã gặp phải. Năm tháng và những truân chuyên trong cuộc đời con người thể hiện ngay kia trên khuôn mặt héo gày, và mái tóc muối  tiêu; nhưng vẫn còn đó một phong cách hồn nhiên, hướng ngoại,  còn đó ánh mắt trong trẻo, tươi vui, ngay thẳng; có thể thấy  được ngay từ  những phút gặp gỡ đầu tiên.

Sau giờ nghỉ, thày Nghĩa hiểu đây là thời điểm đòi hỏi có sự thay đổi về hoạt động. Thày giao nhiệm vụ cho các nhóm, hướng dẫn nguồn tài liệu rồi quay trở lại bàn giáo viên. Quan sát hoạt động của học sinh, cảm giác thật vui khi thấy sự tranh luận sôi nổi diễn ra trong các nhóm. Chợt hiểu câu nói của một hiền triết: trong cuộc đời con người không có gì vui và hạnh phúc bằng tự mình tìm ra chân lý. Cách học tốt nhất là tranh luận trên cơ sở của những tình huống. Chân lý ấy đôi khi phải có kinh nghiệm và phải là người trong cuộc mới có thể hiểu được.
Những tranh luận chủ yếu diễn ra xoay quanh vấn đề tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh:
Thật khó làm cho người học tích cực học tập, trong khi các em luôn coi môn CN này là môn phụ. Mục tiêu vào cao đẳng đại học, nên các em đầu tư thời gian cho các môn học đó.
Thày giáo dạy các môn CN ở phổ thông bởi vậy cũng yếm thế trong cách nhìn của đồng nghiệp và học sinh trong trường.
Muốn  kích hoạt động cơ học tập của người học cũng cần có phương tiện. Đôi khi thấy rõ mục tiêu của bài học không thể thực hiện vì thiếu cơ sở vật chất cho thực hành.
Một vài học viên thuộc khối dạy nghề có chung suy nghĩ: đầu vào học nghề nói chung là thấp. Nhu cầu học tập của học sinh thấp, do chưa xác định được đầu ra: làm gì, làm ở đâu và đồng lương cùng với nó là những chính sách xã hội đối với người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp chưa đảm bảo..vv..Phương tiện, vật liệu dùng cho thực hành, luyện tập của học sinh thiếu thốn, dẫn đến học chay. Em đứng máy, em khác phải chờ. Rất khó cho công việc tổ chức và điều hành lớp. Người học thiếu đi kỹ năng thực hiện các công việc theo tiêu chuẩn nghề…..
Một ý kiến khác: Những tệ nạn xã hội giờ đã thâm nhập vào các nhà trường. Hiện tượng mua điểm, chạy trường….đã xuất hiện, tuy không nhiều nhưng đủ xói mòn niềm tin của người học đối với giáo viên, ảnh hưởng không tốt tới thái độ động cơ học tập và ý thức xã hội của người học…..
 Nghe học viên trình bày, thày Nghĩa hiểu đó là sự trăn trở của thày giáo, cô giáo xuất phát từ ý thức trách nhiệm với học sinh, với nghề, nay có điều kiện để giãi bày, bùng nổ trong tranh luận.
Qua nhiều năm giảng dạy, từ thực tiễn giảng dạy của giáo viên các trường, của bản thân thày Nghĩa biết. Những quan điểm dạy học, những mô hình phương pháp dù là tiến bộ, nhưng bản thân nó chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến thực sự về hiệu quả và chất lượng giáo dục, còn cần đến các yếu tố khác đó là các biện pháp tổ chức chỉ đạo của quản lý và hệ thống các phương tiện để thực hiện ý đồ về phương pháp và đặc biệt là nhu cầu, động cơ của người học. Để phát động động cơ học tập ấy đâu chỉ có giải pháp phương pháp từ giáo  viên, đó còn là tác động của các yếu tố xã hội, như triển vọng và tương lai nghề nghiệp, mức lương và các chế độ an sinh xã hội đối với người làm công..
Những kết luận bao giờ cũng kinh điển: cần đổi mới quan điểm, mô hình của phương pháp và cách thức tác động, cần sử dụng các hình thức và phương tiện dạy học tương tác. …….Thày dừng lại và đồng thời một ý tưởng mới chợt loé lên: Tất cả những điều đó chỉ có hiệu quả khi phát động được động cơ của người học. Muốn vậy, thày phải dạy học bằng cả sự rung động của trái tim và trí tuệ; Người học học bằng những cảm xúc, bằng sự tích cực của các hoạt động trí tuệ và cơ bắp. Tuy nhiên thực hiện điều đó không đơn giản. Ý thức trách nhiệm, tình yêu người, đảm bảo cho sự thăng hoa trí tuệ, hoạt động sáng tạo của thày khi đứng lớp. …Với người học, để thẩm thấu được tri thức và kỹ năng sống, cần có sự trải nghiệm. Bởi vậy cần học bằng sự trải nghiệm thông qua những tình huống từ  thực tiễn cuộc sống sản xuất và xã hội mà thày tổ chức….Thày nói đồng thời lại cảm thấy hình như có điều gì quá lý thuyết trong cách nghĩ.  

Vào lúc rảnh, anh Sùng đưa thày Nghĩa về trường nơi anh làm việc. Họ đi bằng xe máy. Vòng vèo qua những cánh rừng, trên con đường nhỏ hẹp, lúc xuống dốc, lúc lên dốc,  chiếc xe minsk uể oải bò, tiếng nổ gằn nghe thật chát chúa. Có chỗ đất lở, lấp gần kín mặt đường; có chỗ đường lồi lõm những ổ trâu, ổ voi lầy thụt. Đi mãi, đi mãi mới được chừng cây  số. Anh Sùng nói: đường rừng thế thày ạ! Vả lại thày chưa quen, cảm giác lại càng lâu. Đây là con đường đi tắt về trường em nơi em làm việc.
Vượt qua chừng chục km vẫn chưa thấy bóng người nào, dăm km nữa xe vòng qua triền núi, có thể nhìn thấy lòng thung bên dưới với vài ngôi nhà sàn. Anh Sùng nói: dân cư ở đây thưa thớt lắm, đi hàng ngày đường mới thấy một bản .
Họ đi qua một điểm trường trung học cơ sở. Trường nằm trên một triền đồi, vẻn vẹn vài nóc nhà tranh, vắng bóng người, trông thật xơ xác và đìu hiu. Dù trí tưởng tượng phong phú, thày Nghĩa vẫn khó có thể hình dung đấy là một ngôi trường, nó giống một xóm chài với những mái lá tạm bợ bên sông vừa qua cơn bão.
Thày ơi! Được dạy ở những điểm truờng gần  thành phố   thế này cũng là một điều ước khó thực hiện. Có điểm trường còn ở xa nữa, rất ít học sinh. Có thày  cùng lúc dạy đôi lớp. Thày có tin vào điều ấy? Chúng em phải đi bộ vài chục km vận động con em dân tộc đi học. Nhà nước hỗ trợ cho con em dân tộc ít người, hàng tháng, trăm tư ngàn, nhưng họ vẫn không chịu đi học. Đồng bào dân tộc theo  thói quen sống ở triền núi, dựa vào nương rẫy. Vào mùa, học sinh về đi rẫy có khi không trở lại trường. Thày cô lại trèo  đèo lội suối, đi hàng ngày đường mới tới bản, vận động học sinh quay trở lại trường. Cuộc sống của những giáo viên vùng cao còn khó khăn lắm, cả về đồng lương và điều kiện sống. Có trường cho tới nay vẫn chưa có điện, chợ ở xa, muốn cải thiện cũng phải đi mất ngày đường…

Chiều nay, những đám mây đen vần vũ kéo đến phủ lên bầu trời thành phố. Tiếng sấm dội  rền vang trên từng ngõ phố. Những hạt mưa rào lác đác rơi lộp bộp trên những mái nhà tôn. Thày Nghĩa nhìn những bông hoa giấy, những cành hoa giấy đang run rảy trong mưa….lắng nghe tiếng sấm, chợt nhớ về những năm tháng tuổi thơ đi học và buổi học đầu tiên cùng mẹ tới lớp. Mẹ mua cho anh cái bút, quyển sánh. Anh khóc nức nở vì không muốn tới lớp. Và rồi mẹ dắt anh đến lớp. Mẹ đưa anh vào lớp học. Sau khi thày giáo xếp chỗ ngồi, mẹ nhìn anh bằng ánh mắt thiết tha gửi gắm rồi mẹ  mới về. Mẹ bận lắm, cuộc đời mẹ lam lũ sớm tối để kiếm  miếng ăn cho lũ con. Có thể vì thế mẹ  gửi gắm niềm tin và tình thương yêu của mẹ vào đứa con. Con cái là tương lai của mẹ. Phòng học là cái đình làng được sửa lại dành cho lớp vỡ lòng. Thày giáo Phương người đã dạy anh những chữ cái đầu tiên. Tất cả giờ là  kỷ niệm mến yêu,  hun đúc tình yêu thương trong con người. Trải qua bao năm, nhờ vậy, anh vẫn giữ được những cảm xúc thương yêu về cuộc sống, tình yêu trong anh vẫn còn đó cho dù bão giông . Mặc dù trong xã hội đương đại còn có  những tiêu cực trong  nghề, anh vẫn sống khoẻ giữa cuộc đời bằng sự trung thực  và lối sống vị tha. Giờ anh là thày giáo…hình ảnh người thày đầu tiên cao mảnh khảnh, dáng lưng gù, nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình cảm  tận tuỵ với học sinh vẫn còn đọng lại trong ký ức anh.

Hoa cùng anh Thành đưa thày Nghĩa lên đập thuỷ điện Hoà Bình và lên tượng đài Hồ Chí Minh. Tượng đài toạ trên đỉnh núi. Ngọn núi cao nhất trong các ngọn núi quanh  đó. Tượng đài bằng đá cẩm thạch trắng gợi lên trong con người cảm giác thật to lớn hoành tráng song cũng tao nhã thanh khiết, gần gũi, có thể nhìn thấy dòng chữ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí  cũng làm lên. Từ đây có thể nhìn thấy dòng sông Đà như một dài lụa chảy qua thành phố HB, quấn quanh những dãy núi, giữa màu xanh bất tận của đại ngàn. Hồ HB nước trong xanh, đây đó những con tàu neo đậu bên hồ, dập dềnh bên những trái núi xanh. Thành phố HB, những khu phố, những căn nhà sơn màu vàng, những căn nhà sơn màu xanh…….. màu cô ban và các màu khác xen với những con đường, những hàng cây xanh tạo nên một không gian  đa màu sắc hình khối, nằm hai bên sông đà.
 Trước  chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ là cô giáo. Cớ để em đến với ngành y là cái chết của một người thân trong gia đình. Nhà em là công nhân của công trình xây dựng thuỷ điện sông đà. Anh đã mất cách cách đây hơn chục năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Khi ấy con em mới vài năm tuổi.  Em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người em yêu thương, cho mọi người và vì vậy sau vài năm làm việc ở công trường em ôn thi, thi đậu vào đại học y.. Thày biết lúc ấy cả xã hội rất khó khăn, đồng lương rất eo hẹp. Em gởi con cho chị gái trông nom, sau đó theo học ở trường đại học y TN. Tốt nghiệp, em trở lại HB làm việc ở bệnh viện tỉnh. Sau đó theo học cao học ở trường y quân đội.. Nay vừa giảng dạy ở trường CĐY HB vừa làm việc trong bệnh viện.

Thật ra bằng nhạy cảm, thày Nghĩa có thể hiểu được sự mất mát, khó khăn mà Hoa đã gặp phải. Điều ấy giải thích vì sao trên gương mặt thanh tú kia có hai nét mặt, một vui tươi tắn, và một sắc mặt khác đồng thời hiển hiện đó là nỗi buồn sâu thẳm.
Thày Nghĩa nói: tôi hiểu những vất vả mà em gặp - đồng thời liên tưởng đến những kỷ niệm của mình thời còn là sinh viên. Bảy tám đứa trong một căn phòng rộng chỉ độ bảy tám mét vuông, mùa hè nóng, buổi trưa mệt mỏi trong giấc ngủ, chiếu đẫm mồ hôi. Bữa ăn, sáu đứa một xoong, gạt lớp cơm trắng mỏng phía trên, dưới là ngô hạt. Ngày ấy bọn anh phải ăn ngô, ăn khoai tây hoặc mì sợi thay cơm. Có mì sợi ăn cũng đã là hy hữu lắm.. Vậy mà nồi cơm hết veo cho dù là ngô xay hay khoai tây, khoai lang. Ngày ấy, bạn bè chung nhau cái quần đùi để tắm, quần áo giặt chưa kịp khô đã mặc……vậy mà cuộc đời sinh viên vẫn đầy ắp những kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ, vẫn rộ tiếng cười vui, lạc quan và yêu đời. Cuộc sống đầy khó khăn, thế hệ bọn anh vẫn thấm đẫm chất lý tưởng và mơ mộng.
Mọi người ngồi bên bờ sông đà.. Phía bắc là đập thuỷ điện HB, ngay phía dưới là dòng sông đà một dải màu sáng bạc, nước lặng lẽ chảy xuôi. Thoảng lắm nghe tiếng đổ của sỏi cát loảng xoảng từ chiếc gàu múc vào lòng xà lan. Sau đó tất cả lại yên tĩnh, không gian chỉ còn có tiếng gió nhẹ. Gió mơn man trên những tán lá cây. HB đã trở thành thành phố du lịch với những đoàn khách từ mọi miền đến đây, họ thăm quan nhà máy thuỷ điện, hồ HB và rồi theo tua đi lên vùng tây bắc.
Ngoài thời gian giảng dạy  ở trường, em có giờ trực ở bệnh viện. Thậm chí theo ca. Có những đêm thức trắng trong bệnh viện, trực tiếp mổ rồi theo dõi bệnh nhân. Tiếp xúc với bệnh nhân, chia sẻ nỗi đau đớn vì bệnh tật dạy vò của họ; càng cảm thấy trách nhiệm to lớn của mình với người với nghề.
Nghe em kể tôi biết hoạt động sư phạm rất hợp với em. Thày Nghĩa nói- Có lẽ  hoạt động sư phạm  thích hợp với tố chất trong con người em. Đó là tình yêu thương con người, ý thức trách nhiệm với người với nghề.
- Thày lại khen em rồi.
 - Tôi nói thật đó
Anh Thành nói: Hoa là giáo viên dạy giỏi trong khối trường chuyên nghiệp của tỉnh HB đó.
-          Hoa cười- nụ cười tươi xóa đi những nét u phiền trên khuôn ,mặt.
-          Cười nhiều lên em cho thật hết những những ưu phiền, bởi sự tươi tắn, hồn nhiên và lòng vị tha vốn là của em- Thày Nghĩa  nói.
Anh Thành nói: Thày không thể  tưởng tượng được đâu. Con nhỏ thế mà dám để lại cho chị gái nuôi. Một mình theo học đại học Y ở TN và rồi theo học cao học ở trường y quân đội. Tám chín năm trời, xa con, sống trong sự thiếu thốn triền miên.  Nếu không có  ý chí và nghị lực phi thường con người đâu có thể thực hiện được việc đó.

Hoa nói: Anh Thành nói vậy thôi. Có thể điều ấy làm em quyên đi nỗi mất mát. Thày biết không? Em rất yêu anh ấy. Cho đến giờ em vẫn nghĩ khó có thể  yêu ai được ngoài anh ấy, mặc dù hơn chục năm đã trôi qua… Thời gian còn đi học, lắm lúc nhớ con, lấy ảnh của con ra ngắm, chỉ muốn bổ về thăm nó, nghe nó gọi những từ thật tha thiết: mẹ ơi!  Tưởng tượng con chạy ra ôm lấy mình mà không thể cầm lòng. Mẹ con em đã xa nhau quá lâu . Bây giờ mẹ con em đã được ở gần bên nhau. Em sẽ bù lại những mất mát của con lúc nó còn bé. Cứ nghĩ thế, chứ quả thật cái nghề của em, vừa là cô giáo trường y, vừa làm việc trong bệnh viện, hai mẹ con chỉ gặp nhau mỗi ngày vài giờ vào buổi  tối hoặc cuối tuần nếu như không phải trực tại  bệnh viện.
Câu chuyện của Hoa thực sự làm thày Nghĩa xúc động. Thày lặng im, nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới ra trường, về giảng dạy ở một trường chuyên nghiệp thuộc một tỉnh trung du, dăm sáu người ở một gian phòng tường trình bằng đất trộn rơm, bữa ăn phần nhiều là khoai lang, ngô, hoặc sắn, vậy mà vẫn háo hức, tràn đầy niềm vui, vẫn cảm thấy gắn bó với nghề, với học sinh………  Bất giác thày Nghĩa liên tưởng đến những cuộc đời với những số phận khác nhau của những học viên mà thày đã tham gia giảng dạy. Hình như họ đều có điểm chung đó là ở đôi mắt. Những đôi mắt  nhìn lên bảng như khao khát ánh sáng của sự hiểu biết, tri thức. Thày như nghe thấy bao giọng  học trò: chào thày ạ! Chào cô ạ! Tiếng chào ấy mới thiêng liêng làm sao.
Những đôi mắt và tiếng chào thày, cô trân trọng ấy tự bao nay rồi như những ngọn lửa nhỏ đã gìn giữ và tiếp  sức cho tình yêu người, ý thức trách nhiệm đối với nghề dạy học của bao thày cô.

Mọi người nhâm nhi giọt cà fê, lắng đọng bao suy nghĩ về nghề, về người, và nghề dạy học, cảm nhận sứ mạng thiêng liêng và yêu cầu khắt khe của nghề dạy học đối với những người đang đứng trên bục giảng.
Dưới  kia con sông Đà đang cuộn chảy. Dòng nước tắm mát cho đôi bờ xanh từ thượng nguồn tới vùng hạ lưu, như tình yêu làm sáng trong bao số phận đời người.





                                                                                                                  Hồ Ngọc Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét