Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

TÌNH YÊU BÊN BÃI LỞ


Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Bắt đầu có mưa rào, có buổi mây đen kịt, từ xa vọng lại tiếng sấm ì…uu…ùng và thoảng thấy có những vòi rồng cuốn, xoáy phía chân trời. Lát sau mây đen kéo đến, vần vũ che kín khoảng trời, gió bắt đầu mạnh dần mang hơi nước xua  đi cái ngột ngạt oi bức tích  tụ  từ bao ngày nay. Mưa lác đác rơi, những hạt mưa to xiên xiên xối ào ạt trên mái nhà, đất trời mù trắng nước mưa. Thoảng lại có tiếng sấm, tiếng sét nổ đanh dội lên…ùng…soẹn…soẹt…. Ùng ..Đùng…Đ…oàng, những tia chớp lóe sáng vạch vào khoảng không những vệt lửa đỏ lằn sắc.
Ông Chính ngồi trên chiếc tràng kỷ ngó ra khoảng trời mưa, tuổi đã gần bảy mươi, tóc bạc trắng song vẫn giữ được thói quen ham công việc và nếp sống nhanh nhẹn. Công việc với ông là niềm vui. Ông bận cái quần ka ki màu rêu, cái áo bằng vải phin màu ghi, nước da nâu đỏ, bắp ngực, bắp tay và bắp chân vẫn săn rắn dấu tích lưu lại của một thời thanh xuân khỏe mạnh và tự cường.
Ông Chính nói bằng giọng chậm rãi: Ngày trước vào những cơn mưa rào đầu mùa, cá rô từ ao đầm rạch lên theo những dòng nước tìm chỗ đẻ trứng. Những con rô xòe to bằng nửa bàn tay, mập ú, béo vàng, khi bị chộp, chúng giương vây lưng, giương hai cái mang cứng và sắc vùng vẫy nếu không khéo nắm chặt rất dễ bị xây sát bởi vây cá.
Tôi nói: Giờ cá rô đã trở thành món ăn đặc sản. Hiếm gặp những con cá rô xòe to và béo như cá rô đầm Kênh ngày xưa. Đi chợ không khéo mua phải cá rô nuôi, loại cá rô này thịt không thơm, ròn béo và ngọt nước như cá rô sống trong điều kiện tự  nhiên.
Ông Chính nói: chẳng riêng gì cá rô, một số loài khác như cá lăng, cá chày, ốc nhồi, ếch và cua dần cũng hiếm trong tự nhiên.
Tôi nói: có thể là do ô nhiễm môi trường đấy.!
Nghe tôi nói bỗng nhiên ông Chính trở lên trầm ngâm, khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt ông như đắm chìm vào không gian của những ký ức xa xôi. Lát sau ông thủng thẳng nói: Nay người ta vơ lên bờ cả những con ốc, con cá vụn. Lúc nào cậu ra bờ đê xem người ta dùng lưới để bắt sẻ, giả là tiếng chim mồi để bắt chim cuốc, chim sáo.
Tôi nói như thể đồng tình: thời buổi làm ăn kinh tế, bất cứ cái gì có thể khai thác để sinh lời con người đều tận dụng, khiến môi trường bị hủy hoại.
Tôi nhìn quanh nhà vẫn thấy những dóng tre dài, những bó lạt bằng sợi mây săn chắc, con dao dựa, con dao bài màu thép sáng, lưỡi sắc trên nếp nong rộng. Tôi hỏi: giờ ông vẫn đan rổ rá? Ông Chính nói: Phải! Tuy giờ đây có các loại rổ rá, chậu, thùng bằng nhựa, nhu cầu với các loại sản phẩm bằng tre nứa ít đi, nhưng vẫn còn bán được. Rổ rá của tôi được làm thuần bằng cật tre hun  khói, cái nào cái ấy nan tre vàng óng dùng được lâu  nên mọi người chuộng. Vả lại tuổi già lấy công việc làm vui, khỏe, tĩnh tại. Cậu thấy vậy có được không?
Nhìn ông Chính khỏe mạnh minh mẫn bên cạnh cái nong đầy những lạt, cật tre, ký ức bỗng kéo tôi trở về với những ngày tháng tuổi thơ.
*
Phải! Lúc ấy tôi con bé tí mải chơi trò ô ăn quan thì người đàn ông này- anh ấy đã nổi tiếng trong và ngoài xã. Đó là một thanh niên vạm vỡ và cường tráng với vóc người cân đối, phong thái nhanh nhẹn. Anh có khuôn mặt vuông vức, hai quai hàm rộng, cằm vuông và đôi mắt sâu hút với hàng ngài rậm . Nhìn khuôn mặt anh có thể cảm nhận ngay được sự tự tin, cởi mở và chân thành trong ánh mắt và vẻ mặt. Ngày ấy tầm tuổi anh Chính, mọi người truyền tay nhau đọc không biết chán những tiểu thuyết: Sông Đông Êm Đềm; Thép Đã Tôi  Thế Đấy; Trước Giờ Nổ Súng…..vv.. và họ say sưa với những hoạt động phong trào thanh niên ở xã.
Dạo ấy, làng trồng đay, đay được trồng bạt ngàn trên cánh bãi ven sông, trong đồng chủ yếu là loại đay gai thân óng đầy gai sắc, nhưng loại đay này ít trà chạnh, bẹ dày, tuốt không bị sát nên có thể tận thu. Mùa thu hoạch đay kéo dài hàng tháng. Nhìn anh Chính tuốt đay ai cũng phải trầm trồ. Anh Chính đứng bên cọc đà, chân trái dịch về phía khoảng nửa bước, người hơi xoay ngiêng, thân hơi đổ về phía trước. Cạnh anh bên trái là bó đay đã được dóc ngọn và đập gốc. Anh dùng tay phải túm bẹ ở đầu mỗi gốc đay giật mạnh, sau đó tay trái tiếp tục nắm lớp bẹ vừa được tước khỏi thân đay kéo mạnh, một tầm. Từng cây đay trắng muốt từ cọc đà lao ra nằm trồng tấp lên nhau tạo thành đống đay trắng nằm phơi dưới nắng. Tiếng bẹ đay xiết vào vào cọc đà xoèn xoẹt, xoèn xoẹt nghe vui tai. Kéo đay cần khỏe và dẻo dai. Người khỏe mỗi ngày kéo được chục gánh bẹ. Anh Chính có thể kéo được mười bốn mười năm gánh bẹ ngày.
Mùa hè là mùa nước lên. Vào mỗi chiều mây trắng dựng thành núi ở chân trời phía tây bắc. Trên đỉnh của những ngọn núi  đủ loại hình thù đó là những dải mây trắng nằm vắt ngang, trông như lưỡi của con trai thò ra khỏi vỏ dân làng gọi đó là lưỡi trai. Kinh nghiệm dân gian, năm nào lưỡi trai thò ra rộng dài là năm ấy mưa nhiều, lũ lớn.
Anh Chính có tài săn bắt cá, vào độ nước lên,  thường đi đánh cụp. Vốn khéo tay, anh tự làm cụp bằng  cật tre cứng đã được hun khói. Thân cụp gồm hai phần đế và lồng được ghép với nhau bằng dây thép hoặc lạt mây dẻo và dai. Lồng cụp trông như cái sảo thưa. Anh Chính thường  lấy ốc vặn đập nhỏ trộn với thính thơm làm từ cám nếp, thêm vài gia vị khác tạo nên mùi thơm để dụ cá, đặt mồi vào trong lòng cụp. Cá ngửi mùi thơm tìm mồi đụng vào nẫy, lồng cụp sẽ sập xuống. Cụp còn được đeo đá hoặc gạch giữ cho  neo tại một vị trí, không bị nước cuốn đi.
Sông Hồng vào hè dòng đỏ ngàu phù sa. Nước chảy xiết cuồn cuộn trôi xuôi cuốn theo bèo tây và củi dều. Nước ngập bờ đá, tràn lên bãi. Vào mỗi chiều anh Chính thường mặc quần đùi, phô phang tấm ngực trần vồng lên từng bắp thịt, cặp đùi to thon, chắc khỏe và bắp tay rắn chắc, màu nước da nâu đỏ như đồng hun đi dọc theo bờ sông tìm chỗ để đặt cụp. Chỗ đặt cụp phải là chỗ nước sâu, đó thường là  chỗ bãi lở hoặc sau ghềnh. Anh lội nước, cẩn trọng đặt cụp, làm dấu, mỗi lần đặt khoảng chục chiếc cụp rồi về nhà.
Cá bị sập trong cụp thường là cá chép, cá lăng, cá ngạnh. Có sáng anh xách dăm con chép, con lăng về làng. Cá lăng thân tròn, sống lưng màu xám, bụng trắng, cá chép có con đến dăm cân, vảy vàng, bụng trắng, miệng đầy râu. Chúng  ngoe ngoe những cái râu khi anh dùng bẹ đay tươi móc xâu mang.
Nhưng đình đám vẫn là chuyện anh Chính lấy vợ. Phụ nữ ai chẳng muốn cho mình một người đàn ông khỏe mạnh xốc vác, có tài làm ăn. Một người chồng như thế với họ ví như một con đực tốt, cái cột to khỏe trong nhà . Gái tham tài, giai tham sắc chuyện ấy các cụ đã nói, có sai đâu.  Một người như anh Chính có sức cuốn hút phụ nữ ghê lắm. Các thôn nữ nhìn anh với ánh mắt sắc lẹm, không giấu giếm thiện cảm, khao khát được yêu, được độc chiếm. Đi làm, hay sinh hoạt đoàn, anh ở nhóm nào là nhóm ấy rộn tiếng cười và luôn dẫn đầu vì thế mọi người hay tranh giành anh.
Các cô ghen lẫn nhau, người này nói xấu người kia: cái con bé ấy không biết ngượng! Con gái gì mà chẳng ý tứ, cứ xán vào người ta thế kia. Con ấy buồn cười thật, khuôn mặt khi cười cứ  như thị nở, xấu người, xấu nết mà cứ õng ẹo! Có cô thường tỏ ra trước mọi người rằng anh ấy đã thuộc về tôi bằng những hành vi mạnh bạo và ngăn không cho cô khác có cơ hội tiếp xúc với anh. Có cô yêu thầm nhớ trộm vùi đầu vào viết thư, thấm hương hoa hồng xấu hổ không dám đề tên khi gửi cho anh.
Trong đám con gái ấy có chị Long, dáng người thon thả, chắc lẳn, khuôn mặt trái xoan, cái mũi dọc dừa cánh mũi nhỏ thanh tú, cái miệng có bờ môi hồng tươi, đặc biệt nước da trắng hồng mịn màng và cặp mắt mơ đằm thắm. Mọi người nói: cái Long toàn thoa phấn. Chị Long: Mình dân quê, có bao giờ biết đến phấn sáp, thỏi son. Họ nói gì thây kệ. Sắc mặt chị Long lúc nào cũng tươi như một đóa hoa hàm tiếu, trên môi thường trực một nụ cười. Chị thường quấn khăn mỏ quạ. Dưới tấm khăn ấy khuôn mặt trái xoan rạng rỡ, e ấp khiến chị thập phần xinh hơn.Mọi người mến chị ở nét tính cách duyên dáng, dịu dàng, vị tha. Trai làng có nhiều người phải lòng chị nhưng…
Anh Chính và chị Long Yêu nhau. Bọn trẻ con chúng tôi biết điều đó, ngày ấy tò mò lắm đôi khi còn rủ nhau mai phục các cặp tình nhân tự tình ở ven đê hoặc ven sông.
Gia đình anh Chính không muốn thông gia với gia đình nhà chị Long. Ông bà Thái gọi anh Chính nói:Anh thích ai thì thích, không được thích cái Long. Anh Chính ngạc nhiên hỏi : sao ạ? Bố anh nói: là tôi không cho phép anh tìm hiểu con Long. Nhưng sao chứ, cô ấy rất nết na mà. Đã đành như thế, nhưng tuổi nó với tuổi anh không hợp. Nó sinh năm Dần, anh sinh năm Hợi. Con Hổ nó vồ con Lợn chết. Bố mẹ lại mê tín rồi- Anh Chính nói.  Không phải là mê tín đâu! Kinh nghiệm các cụ để lại đấy. Anh không nghe, sau này có việc gì chẳng lành xảy ra đừng nói là bố mẹ không răn dạy- Bố anh nói. Mẹ anh nói: Làng thiếu gì con gái, sao cứ phải là con Long cơ chứ. Bố mẹ con Long dâu gia dâu giáo với nhà Thản vốn là con gái của bác tôi. Chúng tôi đang phận là gì là chú nay lại ngang hàng với họ, có công việc gì trong họ ngoài làng giáp mặt nhau khó xử lắm. Anh Chính nói: bố mẹ cổ hủ quá rồi! Lối nào đi lối ấy chứ. Cứ khe kẽ như thế, con thà thôi không lấy vợ. Mẹ anh Chính buột miệng: anh chỉ được cái nói bậy bạ. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Ông Thái nói: con nó nói vậy thôi. Gớm! Vài bữa nữa không giục bố mẹ cưới vợ cho vội. Ông Thái có vẻ không hài lòng vì con trai, nói với mẹ anh Chính: Mẹ con bà liệu mà bảo nhau, nếu không hàng xóm họ cười cho đấy.
Có lần biết tụi trẻ vẫn lén lút gặp nhau, ông Thái mặc cái quần nâu, cái áo cánh gụ phai màu không cài cúc để lộ khuôn ngực gày, nhìn anh Chính như đổ lửa giận vào mặt, khuôn mặt gày guộc xương xẩu của ông tái đi vì giận dữ. Ông chỉ tay nói: Mày! Mày không nghe lời bố! Tao đã nói là không  cho mày tìm hiểu nó rồi mà. Cái đồ dại gái. Mày! Mày vào đây! Ông nói đồng thời tay giơ cái gậy lên như chực đánh anh Chính. Chuyện ấy sở dĩ các cụ biết là vì  con bé cái Hằng em anh Chính bạn tôi. Nó hay mách lẻo lắm. Cái gì cũng kể với bố mẹ, chẳng ý  tứ giữ gìn gì cả. Đúng là phụ nữ cộng với con vịt là thành cái chợ.Tôi bảo nó: đồ Na Mô hớt. Cậu không được kể chuyện anh Chính chị Long với bố mẹ nữa nghe, nếu không sẽ không cho  chơi với bọn tớ! Cái Hằng mặt vênh lên, đuôi tóc ngúng ngoảy bướng bỉnh: cứ kể! Nó thách thức: đã sao nào, đây cũng không thèm chơi với! Cạch nhé! Vào những lúc ấy, biết bố mẹ nóng giận, anh Chính chẳng phản ứng gì cả, càng giải thích các cụ càng điên máu. Anh biết thế nên có lần gặp chị Long trong lúc chị rối bời vì lo lắng, anh nói: em phải vững tin! Anh lấy vợ chứ có phải các cụ lấy vợ đâu. Các cụ còn định kiến, nhưng dần các cụ sẽ hiểu ra. Anh sẽ nhờ mọi người khuyên giải các cụ.
  Gia đình chị Long cũng không tán thành cho đôi trẻ tìm hiểu nhau. Bà Phúc mặc cái quần bằng vải Sa tanh đen, cái áo bằng vải phin màu sữa đã xỉn màu,  giãy nảy người, giậm chân, khoát tay khi hay tin tụi trẻ hò hẹn, lại càng bực bội khi có người nói đến tai bà: ông bà ấy không muốn thông gia với gia đình bà, bởi không môn đăng hộ đối. Bà nói với chồng, giọng đay nghiến, cái miệng dẩu ra: Danh giá gì chứ! Giàu có với ai mà khinh người thế. Đây cũng không thừa con gái mà gả chồng vào nhà ấy nhé. Bà gọi chị Long nói: chị ngồi xuống đấy cho bố mẹ nói chuyện. Chị Long khép nép hãi sợ ngồi xuống cuối giường. Bà Phúc nói: bố mẹ không tán thành việc con gặp gỡ với thằng Chính. Con người phải có cái sĩ diện. Là phụ nữ phải biết giữ gìn- bà nói và nhìn con gái vừa giận, vừa thương- thầm nghĩ- thương con mẹ để trong lòng thôi. Mẹ làm tất cả chỉ vì hạnh phúc của chúng mày. Ông Phúc nói: tao cấm chỉ con gặp gỡ cái thằng ấy. Nếu con không nghe lời, bố mẹ coi như không có người con gái này- Ông Phúc thầm nghĩ: Trai làng thiếu gì cơ chứ. Khối người đánh tiếng ông bà đã duyệt cho đâu. Bà Phúc nói chậm có vẻ chua chát: Không cẩn thận làng người ta dị nghị cho là đồ theo trai đấy, có hiểu không! Tôi nói chị phải nghe. Những lúc ấy lòng chị Long như trăm mối tơ vò, nhiều lần nghĩ: thôi thì quên anh ấy đi! Quên đi! Đau khổ thì cũng như vết thương, rồi lành lại. Trong nhiều ngày trời chị tránh mặt, không gặp anh, để rồi nỗi nhớ làm chị như điên như dại. Chị hiểu nếu mất anh, lòng chị tan nát! Chị cần có anh cho cuộc sống của mình.
Đúng là phải duyên phải số nó vồ lấy nhau. Hai gia đình càng ngăn cấm, anh chị Chính lại càng lao vào nhau, tình yêu bị ép nén lại càng bùng lên thành ngọn lửa lòng dữ dội.  Chị Long vẫn vượt được hàng rào dâm bụt cho dù trồng ken dày đến đâu. Anh Chính bị bố mẹ quản lý trong gian buồng mỗi khi tối về vẫn có thể ra ngoài tới nơi mà họ vẫn cùng nhau tình tự. Vào những đêm trăng thu, mặt sông Hồng phẳng lặng như gương, không biết bao nhiêu là sao là trăng lặn ngụp nơi đáy nước, thoảng nghe tiếng cá quẫy và tiếng con nước trườn nhẹ nhàng ve  vuốt bờ bãi và tiếng gió nhẹ xao xác hàng tre nơi chân đê- chị Long hỏi: cá gì to thế không biết? Anh Chính: có thể cá chép đấy, nó đang vật đẻ. Chị Long giật nảy người lên cãi: Giờ làm gì còn cá vật đẻ. Anh Chính: ừ nhỉ! Thì anh nhầm! Dường như say chuyện, anh Chính kể: em có biết không, loài cá thật kỳ lạ, đến mùa sinh sản, chúng tìm chỗ nước chảy. Con cái vật vã ép bụng đẻ trứng, con đực theo sau tưới tinh trùng lên trứng, thế mà cũng thụ  tinh được. Cá trứng theo dòng chảy phân tán đi khắp nơi.... Họ ngồi bên nhau e ấp, cách nhau một khoảng đủ để an toàn. Cứ ngồi thế nhỏ nhẹ với nhau bằng thứ ngôn ngữ dịu ngọt, trìu mến tràn đầy cảm xúc tình yêu. Cũng có lúc họ ngồi cạnh nhau trên triền đê. Trời đất bao la đầy gió, đầy mùi hương của hoa dứa dại. Chị Long lo lắng nói: em chỉ sợ bố mẹ vì chúng mình mà…..bố mẹ em nói sẽ từ em nếu còn gặp gỡ anh. Đôi lúc em nghĩ hay là chúng mình thôi đi!  Anh Chính: sao em lại nói thế!Bố mẹ cũng vì hạnh phúc của con cái mà  thôi. Bố mẹ xử sự như thế là vì các cụ chưa hiểu, các cụ định kiến, các cụ vô hình dung vì chính các cụ mà thôi. Mình phải khéo giải thích em ạ. Khi thấy chúng mình hạnh phúc là các cụ nguôi ngay. Rồi em xem…. Và rồi tình yêu một ma lực quyến rũ không cùng, vượt qua nỗi e thẹn, ý tứ, sợ hãi lúc ban đầu, vượt qua bao rào cản của gia đình, họ quấn quýt, vội vã..nụ hôn đầu tiên trong đời, mặn mòi mồ hôi, có mùi thơm của sả, của đồng nội, lúc ấy họ  trong cảm xúc ngây ngất tan hòa vào trong sự không cùng  của đất trời.
Đám cưới của anh chị Chính được chi đoàn tổ chức tại sân kho hợp tác. Bố mẹ anh Chính cho gọi chú Lự nói: chú không được đến đám cưới, không được nối giáo cho giặc Chú Lự thương cháu, mặc dù bị ông anh bà chị ngăn cản vẫn đến đại điện cho họ nhà trai.  Bên phía gia đình chị Long có chú Ngạn đại diện. Hôm ấy còn có đại diện của chính quyền, đoàn thanh niên.
Đôi trẻ chung sống  với nhau trong căn nhà mái rạ thuê của một gia đình rời làng đi làm ăn xa, tường trình bằng đất, lụp xụp, trước nhà là cái sân tam hợp, cây cau đứng bên cạnh cái chóe đựng nước. Đêm tân hôn, mặc dù đã mệt nhoài, sực nhớ đến lời phát biểu của vị đại diện cho ủy ban xã anh Chính trong Chính trạng thoải trống bỗng trồ dạy nói: này em! Ông Bình phát biểu thế nào nhỉ: được phép của chính quyền địa phương và đôi bên gia đình sau thời gian tìm hiểu nhau, nay….. Anh Chính nói rồi cười khich khích. Chị Long cũng trong trạng thái mệt mỏi hạnh phúc lấy tay bấu bấu vào người chồng nói: anh chỉ được cái hay đùa. Người ta nói văn miệng thế thôi…Anh cứ..!
Vào mùa xuân, khi hoa gạo lác đác thắp những ngọn lửa đỏ trên cành cũng là mùa cá mòi. Hàng năm vào độ này, khi qua tết âm lịch, giá rét đã bớt đi, mưa xuân sáng, chiều lắc rắc vào không gian những hạt lây rây nhỏ xíu và sương mù bay lơ lửng trong vườn là cá mòi ngược  từ biển vào, chúng ngược theo  dòng sông để vật đẻ. Anh Chính sắm được chiếc thuyền nan, mua nhựa đường cho vào cái chảo hỏng đun cho chảy, đoạn lấy  chổi lông nhúng quét lên mặt ngoài, mặt trong của thuyền, cũng mua được tấm lưới tướng, loại lưới làm bằng sợi gai bền chắc có sâu độ tới vài mét. Sông Hồng vào dịp này mặt nước đục lờ. Trên mặt sông những chiếc thuyền nan bé tí xíu dập dềnh, dập dềnh trên mặt sóng. Dân làng không chỉ đánh cá vào sáng sớm còn vào cuối chiều và buổi khuya. Vào đêm những tấm lưới được mắc thêm vài ngọn đèn hoa kỳ đặt trong những chiếc chai úp ngược. Những chiếc đèn cũng bập bềnh, bập bềnh theo lưới trên những con sóng.
Anh Chính dạy lúc khoảng 3 giờ sáng, nhiều gia đình cũng đã đỏ đèn, tiếng người gọi nhau í ới, cũng như anh họ dạy sớm để chuẩn bị cho một ngày ra khơi. Anh Chính vác lưới nhanh nhẹn theo ngõ nhỏ ngoằn nghèo  giữa các khóm tre, chuối xuống bến cá. Bến cá đã có người, mọi người gỡ lưới nhặt cá trong ánh sáng của những chiếc đèn măng sông và mặt sông lúc này lác đác đã có những đốm lửa đèn dập dềnh. Anh đưa thuyền xuống nước, đặt lưới lên dóng ngang, bước xuống lòng thuyền, ngồi trên chiếc ghế con đặt trong lòng thuyền, dùng mái chèo chống vào bờ đất, đẩy mạnh cho thuyền tách khỏi bờ rồi với hai mái chèo to bản vung tay từng nhịp, từng nhịp mạnh mẽ khỏa nước. Con thuyền dường như cũng phấn chấn với chủ của nó, đè sóng chếch về mạn ngược ra giữa dòng. Anh Chính miệng cắn đốc lưới, tay trái khỏa mái chèo giữ cho con thuyền trôi đúng hướng, tay phải gỡ từng xấp lưới thả xuống mặt nước. Thả lưới xong anh cho con thuyền trôi theo dòng, đắm mình trong không gian của đêm về sáng. Gió và sương lạnh, tiếng nước vỗ lọp bọp vào mạn thuyền làm anh cảm thấy mát mẻ, thư thái  vô cùng. Lát nữa thôi là thuyền đầy cá, Long đang đợi anh ở bến. Anh thầm cảm ơn đất trời với sự hào phóng của nó đã cho anh những giây phút hạnh phúc không bờ bến khi con người biết trân trọng, nâng niu và cảm nhận.
Giờ đã đến lúc thu lưới, phía đông, trời đã hừng sáng, chân trời nhuộm một màu hồng, ban mai đang bừng lên trên mặt sông đầy sương khói. Anh tay trái khỏa nước, tay phải nhấc từng giường lưới cho vào lòng thuyền. Những con cá mòi trắng to và mẩy vướng trong những mắt lưới, có cả những con thờn bơn, thi thoảng có con cá cháy dính lưới, thu lưới xong anh quay thuyền, từng nhịp, từng nhịp chèo cho con thuyền về bến cá.
Sáng nào cũng vậy, tầm 6 giờ là chị Long ra bến cá, cắp theo cái mẹt thưa, cái rổ sảo để đựng cá, không quên mang theo hăng gô quân dụng cơm cho chồng. Chị sung sướng nhìn chồng và con thuyền đang cặp bờ.
Anh Chính cho thuyền vào bờ, kéo thuyền lên bãi. Chị Long khuôn mặt tươi rói gỡ từng con cá khỏi mắt lưới cho vào rổ. Anh Chính ngồi cạnh đó trên khoảng đất cao, giở hăng gô cơm ăn. Mùi cơm thơm quyện với mùi cá kho thơm sực nức. Anh ăn ngấu nghiến, lòng ấm lại sau đêm thức cùng con thuyền ra khơi. Anh nhìn chị Long, thấy cái bụng vợ thây nẩy mỗi ngày một to, lòng sung sướng vô cùng. Anh sờ vào cái bụng tròn tròn của vợ nói: em làm cái gì cũng phải cận thận đấy. Việc nặng nhọc đừng mó vào, để đấy cho anh. Ồ không biết là thằng cu hay cái hĩm đây?  Vừa nói anh vừa cười cười khiến chị Long cũng vui lây. Chị Long lườm yêu chồng: anh chỉ được cái hay tếu….!
Chị Long đội thúng cá lên chợ làng. Chợ làng họp ngay trên mặt đê, lúc bấy giờ nhà dân làm dọc theo hai sườn đê tạo thành khu phố sầm uất. Chợ họp vào mỗi sáng hoặc cuối chiều. Cá được bày bán trên những chiếc mẹt thưa hoặc trong những chiếc chậu nhôm. Đủ loại cá, những con bống da nâu sần sùi đôi mắt lồi to, cá ngạnh lưng xám, bụng trắng, miệng đầy râu, phồng mang thở, cá lăng giống cá ngạnh nhưng to và trường con, mình tròn hơn, cá cháy mình trắng lóa, song chủ yếu vẫn là cá mòi, con nào con nấy to mẩy, bụng đầy trứng.
Chỉ một lát thôi chợ cá đã vãn, thưa người dần, chị Long vội xuống bến, cùng anh Chính gỡ lưới. Chị Long tay cầm thoi chao đi chao lại vá lại chỗ lưới rách, xếp lưới chuẩn bị cho một buổi mới.
Vợ chồng anh Chính có đứa con trai đầu long đặt tên là Minh. Anh Chính bảo tên bố là Chính, tên con ắt phải là Minh rồi. Khó khăn nhưng tình yêu đã cho họ sức bật mạnh mẽ, hơn hai năm sau họ đã cất được nếp nhà mới. Chị Long hết đi vào lại đi ra ngó nghiêng mọi góc mọi chỗ, niềm vui hạnh phúc có được ngôi nhà như con chim có tổ ấm, khiến chị sững sờ khó tin. Ông bà nội thấy vợ chồng anh Chính ăn lên làm ra, lại có con trai thì mừng lắm, bao nhiêu giận dữ trút hết, thế nhưng không ra mặt làm lành. Ông bà thường xuyên sang thăm bế cháu nội, mua đủ các thứ bánh trái, đồ chơi cho cháu. Vừa bế cháu bà vừa nói: bố mày là cái thằng rắn mặt.hì….hì… nó rắn mặt lắm cháu bà nhỉ! Bố mẹ chị Long cũng hài lòng trước hạnh phúc của con gái. Hai bên thông gia chính thức hòa hợp vì con vì cháu.
Tôi nhớ lại vào cuối năm 1966, làng rộ lên phong trào tòng quân vào nam chiến đấu. Anh Chính cũng trong số ấy, được gọi nhập ngũ. Ngày ấy người ta chỉ chọn những nam thanh niên sức khỏe loại A. Sau hơn năm huấn luyện, anh được điều đi B. Từ đấy chị Long bặt tin anh Chính. Cho tới một ngày vào một buổi sáng, khi đang cày ruộng, bỗng có người gọi: cô Long ơi về nhà có khách! Chị Long hỏi: khách nào thế? Đó là một anh bộ đội- đứa trẻ mách. Buông tay cày, cũng chẳng tháo trâu ra khỏi bắp cày, quần  còn xắn tới gối, chị tất tả chạy về nhà.  Linh tính báo chị biết đó là đồng đội của anh Chính. Bao năm rồi kể từ khi anh vào Nam, chị ngày đêm mong thư anh, chờ tin anh, cầu mong cho anh được vẹn toàn. Chị luôn nghĩ về anh, nhớ về anh, nỗi nhớ da diết khiến lòng chị bồn chồn như có lửa đốt.
Sau chén nước trà, chị Long chủ động hỏi: Anh cùng đơn vị với nhà tôi? Vâng! Giới thiệu với chị tôi tên Năm. Tôi cùng đơn vị với anh Chính, nhập ngũ cùng ngày, cùng một đơn vị huấn luyện, cùng tiểu đội. Nhà tôi cũng ở huyện này. Khuôn mặt anh Năm lộ rõ vẻ thương cảm, khiến chị Long lo lắng. Thế anh Chính có khỏe không? Sao mấy năm rồi không có thư từ tin tức gì về nhà? Sao anh ấy gan lỳ đến thế, không biết vợ con ở nhà đứng ngồi không yên, hàng ngày trông ngóng?
Yên lặng giây lát, anh Năm kể xa xôi, miễn cưỡng, dường như anh không đủ dũng cảm để nói tiếp. Chị Long chột dạ hỏi: có chuyện gì với nhà em hả anh? Anh Năm lại yên lặng, nhìn  chị Long bằng ánh mắt và vẻ mặt lộ rõ sự thương cảm chia sẻ- Anh Năm tiếp- Vào một trận công đồn….khi đơn vị rút ra ngoài, không thấy anh Long. Từ xa nhìn lại, xe tăng địch đang nống ra ngoài. Đơn vị đã tìm nhưng … . Chỉ nghe được đến đó, tai chị Long đã ù lên, chị bàng hoàng, thảng thốt, rồi lả đi, sững sờ, lát sau mới bật khóc. Những giọt nước mắt long lanh nóng hổi lăn dài xuống má. Thằng Minh đứng nép bên cửa nhìn mẹ khóc. Còn rất bé nhưng nó hiểu có điều gì nghiêm trọng xảy ra với bố. Nó hiểu mẹ rất đau xót. Nó thấy thương mẹ, cũng mủi lòng khóc. 
Sau khi có tin anh Chính hy sinh, xã bố trí cho chị làm công tác phụ nữ, hơn năm sau, vì những thành tích với công tác này, chị được rút lên huyện làm việc. Chị Long lao vào công việc phần nhiệt tình, phần như muốn quên đi nỗi đau đớn như thắt lòng. Chị thường xuyên đạp xe về các xã dự đại hội, chỉ đạo các hoạt động phong trào phụ nữ. Tất nhiên có nhiều người đồng cảm chia sẻ với những mất mát của chị, đến với chị, nhưng đều không lay chuyển được ý định muốn đứng vậy nuôi thằng Minh. Người làm chị Long phải đắn đo nhiều nhất là anh Phong vốn là công an ở huyện. Anh Phong gần bốn mươi tuổi vẫn chưa vợ. Người bảo anh kén vợ, lười không chịu tán gái. Thằng Minh cũng quí anh. Anh Phong thường đạp xe đưa thằng Minh đến nhà trẻ, chơi đùa với nó mỗi khi sang nhà. Anh Phong nói với chị Long: em cho anh cơ hội để trông nom em và thằng Minh. Anh chưa từng nói điều này  với cô gái nào! Anh thấy rất thương em, muốn chia sẻ khó khăn với em. Lòng chị Long xốn xang khi nghe anh Phong nói. Chị nói: em biết anh thương mẹ con em! Em cũng rất quí anh! Nhưng em không thể! Anh đừng làm em rối bời hơn nữa! Thật ra lòng chị lúc nào cũng khao khát tình yêu, mong muốn trọn vẹn trong hạnh phúc gia đình..Mỗi khi nhìn con, chị lại nhớ tới anh Chính. Càng lớn thằng Minh càng giống cha nó, cứ như hai giọt nước. Chị thương con, nhủ thầm: mẹ sẽ không tái hôn nữa con ạ. Mẹ không muốn con phải sống trong cảnh cha nọ em kia. Mẹ sẽ dành tất cả tình yêu cho con. Còn một điều khác nữa, dường như chị đã dành tình yêu cho anh Chính trọn vẹn, không sẵn sàng đón nhận tình cảm mới. Trong chị hình ảnh anh ấy đậm nét, và chị luôn có cảm giác rằng ở đâu đó anh vẫn sống, vẫn nhớ thương chị.
Vào một chiều chủ nhật, mặt trời dần xuống bên kia sông, những con chim nhạn, chim sáo liệng bay trên triền đê. Phía tây hoàng hôn một màu tím thẫm man mác. Chị Long vừa từ ngoài bãi về, dọn dẹp quanh nhà, chẳng hiểu vì sao mấy ngày nay chị luôn có cảm giác nóng ruột, đôi lúc hắt hơi…chị Thầm nghĩ: chẳng biết có chuyện gì xảy ra đây. Chiều nay không hiểu sao con chim chào mào cứ đậu trên khóm lá sầu đông trước nhà hót lanh lảnh……..Dường như chị nhìn thấy anh bộ đội nào đó cao lớn theo ngõ nhỏ về nhà chị. Chị Nhìn ra ngõ, không thấy ai, lòng chợt trở lên buồn bã. Nhưng linh tính cứ mách bảo chị điều đó, chị không thôi với hình ảnh ấy. Chị lại ngóng ra ngõ, rõ ràng có ai đó đang theo ngõ nhỏ vào nhà..đôi mắt chị hoa lên. Khi anh Chính bước vào sân, chị vẫn không tin vào mắt mình. Có thật không, đây là anh Chính của chị. Chị Chẳng nói được câu nào, cứ luống cuống mãi. Thật lòng anh Chính muốn ôm vợ vào lòng ghì chặt, cho thỏa nỗi nhớ nhung bao lâu,  kể cho chị nghe những năm tháng nơi chiến trường khốc liệt, nhưng anh không làm thế, sững lại nhìn vợ giây lát rồi vào nhà, đặt chiếc ba lô xuống giường, trong lòng những cảm xúc tình yêu khiến cho hơi thở thêm gấp gáp. Chị Long  theo anh vào nhà. Hai vợ chồng nhìn nhau chẳng nói được lời nào.
Trời ơi! Lúc này chị Long như reo lên trong lòng. Anh ấy đã về thật. Anh Chính của chị đã về thật. Những giọt nước mắt hạnh phúc của ngày gặp mặt long lanh trào ra mặn mòi. Chị trách: người gì mà ngoan cố, không biết người ta ở nhà lo lắng bảy tám năm trời, đi biền biệt tới nay không một tin tức gì. Không thương người ở nhà sao? Anh Chính kể bằng giọng rời rạc đứt quãng vì cảm xúc: chiến sự ác liệt lắm, nhiều lần anh kề cận với cái chết. Anh cũng có gửi thư cho em, nhưng có thể bị thất lạc. Chuyện này anh sẽ kể em nghe. Anh còn sống đã là một kì tích rồi.
Đoạn kết
Tôi  và ông Chính ngồi nghe âm hưởng của những con sóng sông Hồng gõ nhịp thời gian lặng lẽ mà thôi thúc, bồi hồi tha thiết nhớ lại những kỷ niệm của một thời. Tôi hỏi ông: Sau khi từ  chiến trường trở về ông còn làm việc ở đâu? Ông Chính trả lời: Trở về hậu phương, tôi được xếp làm việc ở một huyện đội, hàng ngày bận rộn với công tác tuyển quân, huấn luyện dân quân cho các xã trong huyện….Như vậy vợ chồng ông có điều kiện sống bên nhau, chăm sóc lẫn nhau- Tôi nói.  Ông Chính cười, nhìn tôi nói: bà ấy nhà tôi cũng bận suốt, thường chúng tôi chỉ gặp nhau trong ngày vào bữa ăn trưa và vào buổi tối. Chuyện giữa chúng tôi đến đấy thì bà Long về, tay xách cái làn mây  đựng đầy rau quả. Bà Long tóc cũng đã hoa râm, khuôn mặt tươi tỉnh khi nhìn thấy tôi. Chú Cường! Tôi mỉm cười nhìn bà Long nói: Bà vẫn nhận được ra em? Có chứ! Người cùng làng mà. Vả lại ngày xưa bọn chị tổ chức hoạt động thiếu niên, dạy các chú hát, xếp hình suốt. Chú vẫn giữ được nét mặt như thời xưa. Tôi nhìn bà Long vui vẻ nhớ lại câu chuyện tình của bà với ông Chính ngày trước. Thầm nghĩ mấy chục năm trôi qua, giờ đây ở quê chỉ có hai vợ chồng ông bà. Tuổi già sống với nhau vì nghĩa, hàng ngày bà bận rộn với công việc cơm nước, quét dọn và chăm sóc ông, kỳ cái lưng cho  ông mỗi khi ông  tắm, lo lắng cho ông mỗi khi trái nắng trở trời. Tôi nhớ đến câu chuyện của một ai đó về vợ chồng chim câu: khi một trong hai con chết con kia bay đi rồi tấp vào đâu đó nhịn ăn cho đến chết. Loài chim câu vì thế là biểu tượng của sự chung thủy và hạnh phúc đôi lứa của con người.
Tôi hỏi ông Chính: thế ông không tham gia vào công tác ở xã? Ông Chính: các anh ấy cũng nhã ý mời tôi tham gia công tác Đảng. Họ nói: Đảng bộ rất cần những người có kinh nghiệm như bác, có độ tuổi và đã tham gia công tác trong quân đội. Bác có uy tín với mọi người, tiếp tục công tác để dìu dắt lớp trẻ. Tôi nói:trong xã còn nhiều đồng chí đang độ chín, được học hành có bằng cấp, nên để họ phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ- Ông Chính ngưng lại giây lát rồi tiếp tục bằng giọng trầm đục- Nói vậy thôi. Biết đâu mình ra làm việc, vô hình dung lại cản trở các cậu ấy. Tôi có ông bạn cùng đại đội với nhau thời chống Mĩ, về hưu, được đảng bộ xã tín nhiệm bầu làm bí thư Đảng ủy, được hơn năm không thể thích ứng, nên xin thôi gấp. Nói thật! Cậu ấy bỏ, nếu không chẳng khác nào con dê miệng nhúng bột. Tôi nhìn ông tủm tỉm cười, thầm nghĩ: đúng là anh Chính ngày xưa. Ông Chính tiếp tục: các cậu ấy ngày nay táo tợn lắm, ráo riết lắm. Vậy thôi, tôi vẫn tham gia vào câu lạc bộ hưu trí, hội người có tuổi ở địa phương, gặp nhau, hội họp làm con người có cảm giác gắn bó với cộng đồng làng xã. Thời gian còn lại tập thể dục và đan rổ rá.
Tôi hỏi ông: thế ông còn đặt cụp?
Không! Giờ đi đặt cụp cũng không được cá đâu.
Thế còn vào vụ cá mòi, ông còn đi đánh cá? Tôi hỏi  tiếp. Nói thật- Ông Chính nói- tôi vẫn có thể chèo thuyền, buông lưới. Nhưng tự lâu rồi làng mất đi cái nghề đánh cá mòi, mất luôn nghề đan lưới. Sao hả ông? Tôi gặng hỏi. Ông Chính như hơi bực mình nói xẵng:  thì người ta dùng điện đánh cá, dùng lưới quét dài chăng ngang sông để bắt cá. Thử hỏi cá nào còn sống được. Hiếm có con mòi nào vượt lên đến khúc sông này.
Tôi và ông lại chợt ưu tư, hình như cùng theo đuổi một suy nghĩ về một thời thiên nhiên hào phóng chở che dung dưỡng cư dân nơi đây, thăng hoa tình yêu đôi lứa. Ngoài kia sông Hồng vẫn rì rầm nước chảy, tiếng sóng thúc vào không gian, vào kí ức con người. Dòng sông bên lở bên bồi, giấu vào lòng bao nhiêu là chuyện, và nó nhỏ nhẹ kể trong đó có chuyện tình yêu của anh Chính, chị Long; chuyện về những mùa cá vật đẻ.
                                                                                    Hưng Yên, tháng 7, năm 2012

                                                                                            Hồ Ngọc Vinh




0 nhận xét:

Đăng nhận xét