Hưng
yên năm 2010
Em sinh năm thân. Con
gái sinh năm thân đã khổ rồi, lại đứng hàng canh. Canh cô mậu quả. Có lẽ số phận
em long đong, vất vả về đường chồng con. Mẹ em nói: tuổi thân thì mặc tuỏi thân,
sinh vào giờ dần vẫn sướng như vua. Em hỏi mẹ: mẹ sinh con vào giờ nào? Mẹ em
gãi gãi đầu, dường như cố nhớ sinh em ra
vào giờ nào. Không rõ ràng lắm mẹ nói: mẹ không nhớ chính xác, hình như quá nửa
đêm hay nửa đêm gì đó. Thế là đành chịu! Có điều, nay chồng em như thế, chắc em
được sinh không vào giờ dần mà vào cái giờ sung khắc nào ấy.
Chuyện em lấy chồng kể
ra, chắc anh cười. Người ta lấy nhau vì tình yêu. Song em khác. Vài người làng
bên đến đặt vấn đề, song cha mẹ em không đồng ý. Mẹ em nói: lấy chồng xa, Con
biết nhà người ta thế nào? Lấy vợ kén tông lấy chồng kén giống. Thôi cứ lấy chồng
làng. Trâu ta ăn cỏ đồng ta vẫn hơn. Gần cha mẹ, tiện cả đôi đường. Mẹ chỉ có mình mày là con gái chấy rận.
Người em yêu, anh lấy
làm công an huyện, tử tế lắm nhưng cũng ở xa. Thế là nhất quyết cha mẹ em từ chối.
Mẹ nói: Nếu con lấy nó coi như không còn mẹ con gì! Mẹ chặt đuôi chấm tro, từ
cái mặt mày! Mẹ thở dài sườn sượt cả ngày. Cứ nhìn em là mặt ủ mày chau, khó chịu.
Đêm mẹ cũng không yên, trở mình rồi đi ra đi vào, có lúc ngồi bên bàn giờ lâu.
Có lẽ mẹ thương em lắm. Ngày xưa mẹ sinh
em vất vả . Lúc đẻ thiếu tháng, em còi cọc. Cha mẹ hàng ngày đi bắt cóc về chặt
đầu, tróc da cóc làm ruốc cho em . Em ăn đến hàng ngàn con cóc mới được thế
này.
Trong phòng mọi người lặng
yên dõi theo chuyện của cô gái tên Dịu ngồi trên chiếc ghế nhựa kề cửa. Nhìn Dịu
không ai có thể ngờ năm nay Dịu đã 29 tuổi, là mẹ của hai đứa con thơ. Dịu mặc
chiếc áo len mỏng màu trắng, khóac chiếc
áo Bludong bằng vải si pha ni lon mỏng màu sữa,
quần ka ki trắng, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng mịn màng, cặp
mắt có hàng mi cong và đôi lông mày mảnh, dài. Trông Dịu ngỡ là gái chưa chồng.
Chị Phin nói như để xua
tan nỗi nghi ngờ của mọi người: Nó năm nay 29 tuổi rồi đấy, xinh nhất làng Đông.
Cháu có hai con rồi. Nó gọi tôi bằng bác. Bố nó là em trai tôi.
Dịu kể tiếp: Chồng em
tên là Tòng, người cao ráo, khuôn mặt vuông, nước da trắng, râu quai nón trông
khá đẹp trai. Thật ra em không yêu Tòng. Thanh niên cùng làng với nhau, ai lạ
gì tính của Tòng, bất cần một cách thái quá và ham chơi. Nói thật,thoạt đầu em
ghét Tòng, vì hay chòng ghẹo em, gặp em ở đâu cũng nhếch cái môi, đon đả, đôi mắt
xoáy vào người ta, buông những câu chớt nhả. Vào những buổi tối, Tòng đến nhà,
ngồi lì trên chiếc sa lông nan. Em cố tránh mà không đươc. Bố em hỏi: Ý con thế
nào? Sao để cho Tòng đến nhà huyên
thuyên mãi thế. Em nói với bố: Con bảo anh ấy đừng đến, con có người yêu rồi, vậy
mà anh ta cứ………. Một hôm, sau khi đã uống một vài chén rượu, Tòng mặc cái quần ka ki màu rêu bạc thếch, cái áo
trắng, , khuôn mặt trắng bệch, chân nam
đá chân chiêu, tay cầm con dao nghiêng ngả đến nhà. Tòng vào nhà, ra bộ tử tế
xin phép thày mẹ được thưa chuyện. Tòng
nói: Con yêu em Dịu! Con yêu lắm, yêu từ rất lâu rồi! Nhưng em Dịu không yêu
con. Con khổ lắm! Bỗng nhiên Tòng giở giọng dọa nạt: Nếu không lấy được em Dịu,
con chết. Em Dịu Có thăng thiên, con kéo em xuống. Em Dịu có độn thổ, con kéo
lên. Con không để ai yêu em Dịu, lấy em Dịu. Mẹ em cuống cuồng, khuôn mặt thất
thần, người co rúm lại. Bố em cố làm ra vẻ bình tĩnh. Bố em nói: thôi mà cậu! Cứ
bình tĩnh đã! Cậu uống nước đi! Bình tĩnh hãy nói! Có gì không giải quyết được!
.Tôi ngắt lời Dịu nói: cậu
ta thật đúng là cầm dùi đục đi hỏi vợ!
Dịu kể tiếp - Em nói với
mẹ: mẹ ! Con không thể lấy anh ta được!
Đi tìm hiểu, mang cả dao theo.. Sau này anh ta bạo hành vợ con thì khổ.
Mẹ em sợ. Mẹ nói: có thể
vì yêu con nên nó mới thế. Nó làm vậy cốt để lấy được con. Mẹ thấy nó cũng đẹp trai, ăn nói hoạt bát.
Người như vậy thường khéo léo, biết chiều vợ con. Lát sau mẹ tiếp:: nếu con
không lấy nó, ngộ nhỡ nó làm bậy thì khốn.
Em nói: người con yêu
thì mẹ không đồng ý, một mực đòi trâu ta ăn cỏ đồng ta. Con mặc kệ! Con không lấy
chồng nữa. Mẹ nói: cái con này thật dại. Con gái là phải lấy chồng. Nếu không,
người ta bảo là bà cô, ông mãnh. Cả đời độc
thân. Trẻ đã vậy về già thế nào. Bố thương em nói: thôi! Con ưng ai thì nói, bố
mẹ tổ chức cho. Em tủi thân, lại thêm tự giận mình. Làm con chưa báo hiếu được
điều gì, nay chuyện chồng con cũng để bố mẹ phải lo lắng. Song người em yêu đã lấy vợ rồi. Anh ấy đã chờ đợi, không
được, và rồi lấy cô giáo giữ trẻ ở quê.
Lòng em bối rối, đau đớn đến vô cùng,
trái tim em tưởng như tan nát thành từng mảnh. Đó là mối tình đầu tiên của em,
tình cảm trong sáng chân thành của em, ngỡ tưởng được đền đáp thì nay trở nên
vô duyên, thật bẽ bàng. Em như chiếc thuyền chao đảo trong dòng nước, muốn có
chỗ tựa, muốn có chỗ để níu kéo….mà lòng cứ chơi vơi. Chắc anh không biết làng
em, nam thanh niên vẫn có tục giữ con gái làng. Trai nơi khác đến tìm hiểu con
gái làng, đôi khi ra khỏi làng cũng khó.
Em nghĩ mãi, cuối cùng trong
tâm trạng chung chiêng ấy chấp nhận làm vợ Tòng.
Chị Phin nói: Số con Dịu
khổ. Bao người tử tế không lấy, đi vơ lấy
cái chằng chồng tam đại, suốt ngày chẳng làm gì, chỉ được cái hay rượu. Mỗi lần
nốc rượu vào là đánh con bé. Có bận thấy
cháu quấn băng kín đầu. Tôi Hỏi : Đầu cháu sao vậy Dịu? Con Dịu đi nhanh qua
ngõ về nhà cậu Ngoan, dường như phải trốn ai đó. Nó nói lảng: Con về bên ngoại
tí chút. Thì ra con bé biết tôi hay lo lắng,
không muốn tôi phải suy nghĩ phiền lòng về nó, nên nói tránh đi. Sau tôi mới được
biết. Tòng tức bực điều gì, sau khi uống
rượu, hắn khóa trái cửa, nhốt con bé trong buồng, lấy dao băm vào đầu con bé
nhiều nhát. Hàng xóm nghe tiếng kêu, phá cửa xông vào mới cứu được con bé. Con bé bụng mang dạ chửa thất
thếu về nhà mẹ đẻ- Chị Phin vừa kể vừa lấy chiếc khăn tay, lau những giọt nước
mắt trào ra trên khuôn mặt tròn bầu bầu nhu mì đầy vẻ xúc động của chị. Chị
nói: Không ai nỡ đánh vợ như thế. Con bé còn bụng mang dạ chửa nữa cơ chứ.
Nghe chị Phin kể, Tôi
phẫn nộ nói: nếu không ở được với nhau, thì ly dị cho rồi.
Chị Phin nói: chẳng muốn
chia rẽ các cháu. Nhưng nếu chồng nó hành hạ mình như vậy, ăn đời ở kiếp với
nhau sao được!
Dịu nói như thanh minh,
bào chữa cho chồng: Chỉ lúc Tòng uống rượu
thôi! Dịu thầm nghĩ: Nói vậy là xấu chàng hổ ai thôi, chứ bao năm nay rồi
Dịu âm thầm chịu đựng, chẳng biết tâm sự cùng ai, nói ra vừa tự xấu hổ, lại đau
lòng cha mẹ! Tình Tòng vốn ham chơi, có vợ mà chẳng nghĩ đến việc tu tỉnh, xây
dựng gia đình. Con chim còn biết tha rác về làm tổ, đẳng này thanh niên trai
tráng mà thiếu ý chí làm giàu, thiếu hoài bão về gia đình yên ấm, đã vậy lại
đòi ăn ngon, đòi chiều chuộng. Nhưng Dịu
đã quyết định, vậy thì Dịu phải chịu. Dịu chỉ mong Tòng có ngày tỉnh ngộ biết
yêu thương Dịu, sống cho gia đình của Dịu.
Chị Phin gắt: Con này còn
bênh nó. Đàn ông gì mà suốt ngày không tính chuyện làm ăn, căn cơ xây dựng cho
vợ cho con, đằng này chỉ rượu, rồi đánh vợ, có phải một vài lần đâu, mười ngày
thì chín bận nó đánh cháu thâm tím cả mặt mũi- Chị Phin lấy khăn lau nước mắt. Chị kể chuyện về cháu,
mà xúc động, nước mắt nhòe trên mi.
Dịu nói: ngày trước Tòng
cũng đâu quá đáng như vậy!
Chị Phin tức- Cháu còn
cãi cho nó. Khổ thân vợ chồng cậu Ngoạn. Cậu mợ thương con gái. Cứ mỗi lần con
gái về là mợ khóc, trông thấy con gái là mợ khóc. Cậu Ngoạn buồn phiền sinh bệnh
vì chuyện vợ chồng của con Dịu, biết là sểnh bước mà không chữa lại cho được, cứ
âm thầm tự trách mình.
Tôi hỏi chị Phin: căn cớ
gì mà Tòng như vậy nhỉ? Chẳng hiểu rồi có sửa được hay không?
Chị Phin nói : ngữ ấy
à! Khó lắm! Người ta nói: núi sông có thể chuyển dời, bản tính con người khó đổi-
Chị Phin kể tiếp chuyện của Dịu.
Làng tôi chục năm trước
nghèo lắm. Cả làng không có mái ngói nào. Đường làng nhỏ hẹp chỉ vừa vết bánh xe bò, ngoằn nghèo,
quanh co đầy ổ voi, ổ trâu. Năm ấy có một người mang từ Thái Bình về cây vải. Quả vải này vỏ đỏ sần sùi, hạt bé bằng
hạt lạc, cùi dầy, nhiều nước, rất ngọt. Thấy đây là giống vải quí, người này
người kia xin giống về trồng. Trồng loại vải này chủ yếu bằng cách chiết cành
nên sớm cho quả. Nếu chịu khó chăm sóc, chỉ hai năm cây đã cao ngang người, cho
quả, như thế có thể thu hoạch vụ đầu tiên. Lại đúng vào thời điểm xã cho phép dồn
ruộng đổi thửa, mọi gia đình đua nhau thuê máy múc, múc đất đắp thành luống cao
hơn mặt ruộng khoảng gần mét. Dưới rãnh người ta thả cá hoặc nuôi ba ba. Loại
ba ba sần giá khoảng dăm bảy trăm đồng cân. Trên mặt luống trồng vải. Vào mùa vải
chín, thương lái từ khắp nơi đánh xe ô tô về làng thu mua vải. Vải chín rộ,
không kịp hái, nhiều gia đình phải thuê thợ ở các nơi. Các làng lân cận thấy vậy
cũng trồng vải, rồi đem đến làng để bán. Họ nói đấy là vải làng Đông. Cây vải
trở thành cây giúp làng làm giàu.
Sau khi cưới, hai vợ chồng
Dịu sống chung với cha mẹ trong cùng căn.nhà. Hai bố con bàn nhau gom tiền đầu
tư cải tạo mấy sào đất ruộng rìa làng để trồng vải. Con Dịu bán
số tư trang mẹ cho ngày cưới đưa hết cho chồng làm vốn. Còn thiếu chút
ít, lại đứng ra vay ngân hàng vài chục triệu. Họ thuê máy múc, múc đất tạo thành từng rãnh sâu hơn mét, rộng ba bốn
mét. Đất đào lên được rải đều tạo thành từng luống. Vốn chưa nhiều nên chúng
nuôi rô phi ở rãnh. Phía trên trồng ngót nghét trăm cây vải. Hai vợ chồng không
quản nắng mưa, lấy nước ở rãnh pha với
phân lân thêm ít phân urê tưới vải, làm
cỏ chân duới gốc vải. Năm sau những cây vải mới trồng đã cao ngang người, xòe
tán lá xanh mỡ màng…Công việc đang thuận, bỗng nhiên một buổi hai cha con ông Tần
nảy sinh cãi vã; trong lúc bực bội ông Tần chửi và nói: chúng mày không ở đây
thì đi nơi khác mà ở. Tòng nói: Bố mẹ không cho con ở đây, thì con đi nơi khác,
thiếu gì chỗ. Ông Tần điên tiết: Thì mày dẫn vợ con mày cuốn xéo đi đâu thì đi,
đừng ở nhà ông. Mày có giỏi thì đi nơi khác, đi ngay đi cho khuất mắt ông. Mày
con trai mà không có bản lĩnh, vợ nó dắt mũi…vv. Tòng đang cơn nóng giận, ngay
hôm đó bắt vợ dọn đồ đạc, cuộn màn, cuộn chiếu đi thuê nhà. Con Dịu nói: bố mẹ có nóng, có mắng chửi
cũng vì con. Hổ có ăn thịt con bao giờ! Anh cứ nhịn là bát lành canh ngọt ngay.
Nhưng Tòng không chịu.
Sao có thể đuổi con khỏi
nhà nhỉ? Rõ là ác! Cha mẹ ai lại xử thế với con cái! Ông bà Tần thế nào ấy?-
Tôi hỏi chị Phin.
Tôi không rõ, vì sao-
Chị Phin nói- Có thể hai bố con bực nhau vì chuyện tiền nong. Tòng hư cãi lại
ông. Ông Tần tức đuổi đi cho bõ ghét.
Chị Phin tiếp: Cậu mợ
Ngoạn đứng ngồi không yên vì con. Cậu mợ
cũng chỉ có hai đứa. Thằng lớn yên bề rồi. Còn con Dịu thôi. Cậu mợ bàn nhau bù
đắp cho con gái. Cậu mợ gọi chúng nói: Nếu cha mẹ con không cho con ở chung.
Các con về đây ở với cha với mẹ. Anh
Dũng có phần anh Dũng, các con cũng có phần. Cha mẹ xây dựng cho .Tòng không chịu.
Nó nói ngọt như mía lùi, tỏ ra biết điều nữa: con cám ơn cha mẹ. Nhưng con
không thể ở rể. Bàn tay con quyết định cuộc đời con. Con biết con phải làm gì.
Cha mẹ cứ yên tâm.
Thế là nó biết điều chứ
còn gì! Biết nói điều hay, làm sẽ tốt. Ở rể như chó ở gầm chạn thích gì!- Một
người trong phòng nói.
Chị Phin nói: không đâu!
Nó xạo thôi! Thằng ấy chỉ được cái mẽ!
Nói thì cứ như mật ngọt rót lỗ tai, nhưng kì thực hành động dở lắm. Chúng thuê một căn phòng ở riêng. Con Dịu bụng chửa
vượt mặt hàng ngày đi làm cỏ thuê, hái vải thuê. Cậu mợ Ngoạn thương con, dấm
dúi cho con bé nay vài trăm, mai vài trăm. Mợ chạy đi chạy lại mỗi ngày sang
nhà nó vài lần. Cậu mợ nói: con đi làm
thuê cho người thì thà làm cho bố mẹ. Bố mẹ đâu để con thiệt! Con Dịu nói:
không phải chúng con sợ thiệt mà là vì nhà con không muốn. Cậu mợ Ngoạn vì chuyện
ấy cũng bị dân làng cười chê. Mang tiếng
làm ăn giỏi, có của ăn của để, nhà gác đẹp nhất làng mà không lo nổi cho con.
Một buổi cả làng Đông ầm
ĩ vì cha con ông Tần lời qua tiếng lại. Tòng khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt xanh trắng vì kich động, lớn tiếng chửi
vu vơ ai đó, dường như nó…….. Ông Tần
lui vào trong nhà, nghĩ: thôi! Đất không chịu trời thì trời chịu đất vậy! Lòng
ông sa xót hệt như có ai chà muối vào chỗ đau.
Nó chửi ai?- Tôi hỏi.
Chị Phin nói- thì hãy để tôi kể tiếp- Nó chửi: Cha tiên sư cái thằng Tề! Thằng Tề sinh ra thằng Tần. Thằng Tần sinh ra thằng
Tòng để Tòng khổ.
Rõ là con nhà bất hiếu!
Một người nói. Chị Phin tiếp: ông bà Tần không ra nhời. Ông Tần mặc chiếc quần
ka ki màu rêu bạc phếch xắn đến gối, ngồi cạnh bàn, thoảng lại làm điếu thuốc
lào, phả khói đầy nhà, khuôn mặt lộ vẻ đăm chiêu, dường như đang suy nghĩ điều
gì đó rất nung nấu. Bà Tần mặc chiếc quần đen, cái áo hoa nhàu ngồi đối diện với ông Tần, nóng tiết vì nghe tiếng rít từ cái ống
điếu, gắt: sao ông hút thuốc nhiều thế? Có thôi đi không!Ông Tần bực tức đốp lại:
Mặc kệ nhà tôi! Khó chịu thì mời bà ra chỗ khác! Bà có biết thằng Tòng chửi ai không? Bà Tần
nói: Nó lại uống rượu rồi.
Chị Phin ngồi tựa lưng
vào tường, đôi mắt và khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, nhưng cái miệng vẫn liến thoắng
chuyện của cháu Dịu: Hai thằng anh Tòng biết tin, bàn với bố lừa cho Tòng uống
say, lôi về, trói giật cánh khủyu vào cái cột trước nhà. Tòng giãy, chúng thấy
vậy trói cả chân cả tay Tòng. Chúng bắt Tòng xin lỗi bố mẹ. Thằng Tòng lơ láo.
Thằng cả tức quá phang cho Tòng mấy gậy suýt gãy chân, gãy tạy. Con Dịu nghe
tin, vội chạy về nhà chồng nhìn thấy chồng bị trói ở cái cột, òa lên khóc, tay
giật dây cởi trói cho chồng. Hai thằng anh không cho, chúng xếch nách kéo con Dịu
ra ngõ, nói: Thím không được làm hỏng nó! Nó hư phải có người dạy bảo !
Tôi quay hỏi Dịu: Tòng
đánh em ác thế sao còn thương nó?
Anh ! Ăn ở với nhau một
ngày cũng lên nghĩa, huống chi đã là vợ chồng! Tòng có xấu cũng là chồng em! Xấu
chàng hổ ai! Dẫu thế nào Tòng cũng là bố của con em!
Chị Phin kể tiếp- Mẹ Tòng thương con, nén cởi trói cho Tòng. Tòng
lập tức đi tìm vợ. Sợ hai anh đi tìm, Dịu giấu chồng đi một nơi!
Trời ơi! Sao lại có thể đánh em
mình như thế! Nó hư, đã có bố mẹ dạy bảo, không đến lượt các anh các chị.
Đánh người thế là phạm pháp đấy. Một người
trong phòng nói.
Tôi nói: sao ông bà Tần
có thể để cho hai thằng anh đánh em nó.
Chị Phin nói: Ông Tần bảo:
Ông ấy được ba đứa con trai. Hỏng thằng
này đã có thằng khác. Cứ để chúng đánh cho
Tòng chừa đi.
Mấy ngày sau, con Dịu theo
chồng ra bến xe vào nam. Cậu mợ Ngoạn tìm con, thông tin lên cả đài địa phương
chẳng có tin tức gì. Cậu mợ lo lắng mất cả ngủ. Ông bà Tần cũng lo lắng không
kém. Bà Tần đổ lỗi cho ông Tần. Bà Tần nói: cha con ông chỉ vì mấy đồng tiền mà sinh sự. Nó bỏ nhà đi, có điều
gì cũng do ông! Ông đi tìm chúng về đây cho tôi. Nói vậy thôi chứ ông Tần cũng
xót thương con lắm. Mấy ngày liền không buồn ăn cơm, chẳng uống chén rượu nào,
gần thì bực tức con đấy, song giờ nó cùng vợ đi xa lại thấy xót, thấy thương.
Ông Tần bực mình nói: bực tức thì đuổi chúng
đi. Đạo làm con chúng xử sự như thế là sai! Bố mẹ đánh cửa trước, con vào cửa
sau. Vợ chồng nó rủ nhau đi đâu đó, rồi chúng về. Thằng Tòng không có gan để chết!
Chúng không chết được đâu mà bà sợ! Bà Tần khóc mếu khóc máo, cho đến khi hay
tin vợ chồng Tòng dắt díu nhau vào nam làm ăn mới hết lo lắng. Món nợ mấy chục
triệu con Dịu vay ngân hàng, các món nợ khác vợ chồng cậu Ngoạn bàn nhau đứng
ra trả cho con. Thật tội cho vợ chồng cậu Ngoạn.
Chúng ở trong nam bảy năm trời, mới về quê
cách đây dăm tháng, mang theo hai đứa con nhỏ.Ông bà Tần vui lắm, đón con cháu
về ở chung, nhưng cũng chỉ được vài tháng, cha con lại xung đột vì những việc rất không đâu.
Tòng lại một lần nữa dắt vợ con ra khỏi nhà - Chị Phin nhận xét. Ông bà ấy đến
lạ, ghét con trai, song còn các cháu. Thương cháu phải tạo điều kiện cho dâu
nuôi con chứ. Mình đã già rồi. Chuyện của chúng kệ chúng lo. Mọi người trong
nhà phải biết nhường nhịn, chấp nhận nhau,
mới có thể vui vẻ phấn chấn tạo đòan kết trong gia đình để cùng chung sống.
Tôi hỏi chị Phin: Còn
Tòng? Cậu ta giờ khá hơn chứ. Chị Phin chưa kịp tiếp thì Dịu nói: Hai vợ chồng
em vào mãi Đồng Nai, cùng với dăm bảy người khác quê miền trung thuê một căn
phòng để ở. Em buổi tối hái rau, rửa, ngày đem ra chợ bán, sống lay lắt như thế
vài tháng trời. Sau nhờ người giới thiệu, nhà em có việc làm tại một nhà máy sản
xuất bao bì, lương tháng được khỏang tám trăm ngàn. Ngày đó đất trong ấy còn rẻ,
em vỡ hoang được mảnh ruộng, trồng rau muống, ngày ngày đi chợ gom tiền nuôi
gia đình. Những tưởng thân cò đi làm ăn xa, tha phương cầu thực, khó khăn như
thế, vợ chồng phải thương nhau, chung lưng đấu cật để xây dựng gia đình, song
chứng nào tật ấy anh ấy vẫn uống rượu, khi say xỉn, về nhà chân nam đá chân
chiêu lè nhè chửi bậy, lại còn chơi đề nữa. Thành thử người chắt chiu bòn từng
đồng xu, người phá thì của núi cũng hết. Người ta nói buôn tàu, bán bè không bằng
ăn dè hà tiện mà anh. Được vài năm, anh ấy lại mang cả gia đình về quê.
Chị Phin nói: chứng nào
vẫn tật ấy thôi. Không biết thương vợ thương con, vẫn rượu rồi đánh vợ. Thằng
Tòng mà chí thú, chúng đã có của ăn của để. Chỉ khổ con Dịu thôi. Một mình đi
làm nuôi ngần ấy miệng ăn. Trông nó nay không bằng dăm phần ngày trước.
Mọi người lặng đi khi
chị Phin kết thúc câu chuyện về Dịu. Bên ngoài trời chạng vạng tối. Thành phố bắt
đầu lên đèn. Ánh sáng của những ngọc đèn cao áp mờ mờ khiến không gian hư hư ảo
ảo. Đèn trong phòng cũng được bật lên. Tôi hỏi chị Phin: Sao nói Dịu đã đâm đơn
ly dị.
Chị Phin nói: nó viết
đơn ly dị rồi!
Dịu bảo: viết là để dọa
nhà em thôi. Giờ em đi làm công nhân ở doanh nghiệp, lương tháng được vài triệu.
Em ăn dè, hà tiện để gửi tiền về cho nhà em nuôi con. Tòng không biết em làm ở
đây. Nếu biết có thể sẽ tìm đến. Có trời
mới biết việc gì sẽ xảy ra. Em muốn tạo sức ép cho Tòng, buộc Tòng biết lo lắng,
biết liệu công, liệu việc, nếu còn thương con, thương vợ. Mẹ em kể: vừa rồi bà
Tần đến nhà. Bà Tần nói: hai cha con nó giận nhau. Ông nhà tôi giận cả con dâu,
giận cả cháu. Chúng bỏ nhà đi, nhà trống vắng quá. Mấy ngày nay chúng tôi nhớ
các cháu. Ông nhà tôi cơm không ăn, cả ngày nằm thở dài.Ông Nhà tôi nói: bà hãy
tìm chúng về. Con với cái, chẳng biết chiều lòng cha mẹ gì cả. Bà Tần tiếp: Con
người chết hai tay buông xuôi, có mang theo được cái gì. Rồi đây tất cả là của
chúng. Chúng tôi xử thế cũng là muốn thằng Tòng đổi tính, đổi nết, biết căn cơ
việc nhà. Ông bà cho phép tôi đưa các cháu về bên đó trông nom. Tôi rất nhớ các
cháu! Tòng cũng sang nhà, khóc lóc, quỳ
xuống nói: con biết con có lỗi! Con xin mẹ và nhà con tha thứ. Con không muốn
li dị! Con không muốn mấy đứa trẻ thiếu vắng cha hoặc mẹ. Lần này con sẽ thay đổi, sẽ làm lại cuộc
đời! Dịu nói tiếp: Nếu Tòng thay đổi, em sẽ về, tha thứ cho anh ấy tất cả. Anh ạ!
Quần áo nhiều thì tốt, nhiều chồng, nhiều
vợ chẳng nên! Con người sống với nhau cần có một tấm lòng đó là sự cảm thông và
bao dung. Đúng không anh!
Câu chuyện Dịu và chị
Phin kể kết thúc. Mọi người yên lặng một lát, rồi lục tục với công việc cuối
ngày. Tôi mở cửa phòng. Gió từ ngoài thổi
vào phòng mát rượi. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, cảm thấy
nhẹ nhõm đi phần nào. Vẳng bên tai tôi câu nói của Dịu: em chỉ mong hắn thay đổi,
tha thứ tất cả để chung sống, nuôi lũ con lớn khôn.
Hưng
Yên, tháng 1 năm 2011
Hồ Ngọc Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét