Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Truyền thuyết Hoàng Lang Đại Vương


Viết theo “di tích lịch sư văn hóa Đền Cót”
Tối nay, vầng trăng  tròn vành vạnh, sáng như một chiếc gương màu vàng trôi trên khoảng trời xám sẫm mông lung. Ngồi trên triền đê là người đàn ông tên Huệ đã ngoài tám mươi tuổi, mấy đứa trẻ và một vài trung niên. Họ ngồi đây hóng gió như thường lệ và nghe chuyện do ông Huệ kể.  Ông Huệ là người nổi tiếng trong làng vì thuộc nhiều chuyện dã sử. Ông Huệ mặc cái áo bằng vải lanh bợt màu, mấy khuy áo trên không cài, quần xắn tới gối, kể câu chuyện sau bằng giọng trầm đục:
 Ở làng Thụy Trai huyện Vĩnh Thuận có ông bà Nguyễn Công, phúc hậu hiền lành nhưng muộn sinh nở.  Một hôm Thái Bà nằm mộng. Tỉnh dậy bà  sợ hãi nói với chồng thì thào: này ông! Tối qua tôi nẳm mộng thấy có sao rơi vào miệng. Không hiểu là điềm gì?
  Nguyễn Công  nói: Nếu quả mộng như vậy, tất trời cho sinh con. Thực hư trong mộng hãy để nghiệm sau. Được 100 ngày, Thái Bà quả nhiên có mang ,đến kỳ mãn nguyệt khai hoa sinh ra một gái, nhằm vào ngày 15 tháng 3 năm 1013(Quý Sửu), đặt tên là Hiếu Nương . Hiếu Nương hình dung yểu điệu, mắt phượng mày ngài, mắt ngọc, da trắng như Hằng Nga, môi son má phấn,  khi sinh thoang thoảng mùi hương.Ông bà  Nguyễn Công rất yêu quý.
 Khi Hiếu Nương 3 tuổi, ngày mùng 5 tháng 9 năm ấy Thái Công mắc bệnh qua đời.  Thái Bà làm lễ an táng, sau 3 năm phục tang. Thái Bà có một người dì lấy chồng ở phường Thụy Trai, huyện Vĩnh Thuận làm nghề buôn bán vải tơ lụa ở chợ Vĩnh Thuận. Thái Bà và Hiếu Nương dọn đến ở với dì.
Hiếu Nương càng lớn, càng xinh đẹp, tuổi trăng tròn 17  trông như một bông hoa, sắc nghiêng nước nghiêng thành, như chim xa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, công dung ngôn hạnh, tứ đức vẹn toàn,  trời âu đã định nhưng ngọc còn đợi giá cao.
Vào một ngày xuân, mưa xuân lất phất bay, hoa đào nở rộ, cảnh vật mộng mơ như thực như ảo, vua Lý Thánh Tôn xa giá ra ngoài thành. Nhà Vua mê mải nhìn phố xá san sát cửa hàng, cửa hiệu, xưởng sản xuất thủ công, những người thợ nhễ nhại đang đập búa chan chát trên  chiếc đe. Ngoài thành, ven sông Hồng, làng quê trù phú, cây cối tươi tốt. Dân làng đang mở hội. Trai gái dập dìu với những điệu hò.  Mọi người tụ hội đến xem nhà vua. Vua Lý Thánh Tôn nhìn thấy Hiếu Nương. Nàng đứng ở bên phải lề đường, trong bộ váy áo nâu thôn dã nàng vẫn xinh xắn,  yêu kiều rạng rỡ như bông hoa. Nhà vua thầm nghĩ: đây không phải là người thường. Nhà Vua đem lòng yêu mến, sai sứ thần mang trầu cau đến hỏi cưới rồi rước nàng về làm phi.
 Vua sai lập cung tại phường Thụy Trai, chuẩn cho  phường Thụy Trai là Thủ Lệ. Từ đó Thủ Lệ là nơi thượng uyển của nhà vua.
Thái Bà lâm bệnh qua đời ở phường Thụy trai.  Nhà vua và Bách Quan đến làm lễ thụ tang. Qua 3 năm mãn tang mẹ, Hiếu Nương qua Hồ Tây tắm gội để vào chầu vua, trong lúc tắm gội thấy một con Rảo Long quấn chặt lấy người. Hiếu Nương bất tỉnh, nàng mơ thấy mộ đại trượng phu mình cao 9 thước đầu đội mũ rồng đến thẳng chỗ mình,  nói rằng tôi vốn là con vua Thủy Long Quân tên gọi là Hoàng Lang mượn cửa nhà vua để sau này dẹp giặc an dân. Lúc này Hiếu Nương bừng tỉnh,..cung nữ rước Hiếu Nương về cung và từ đấy Hiếu nương mang thai.
 Ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn, bỗng có một trận gió to, trời đất mù mịt, thoảng thấy mùi hương thơm ở chốn phòng loan, Hiếu nương sinh ra một người con trai mình phượng, cổ rồng, hàm én, mày hổ, dáng hình cao lớn, mặt mũi khôi ngô, sau lưng có 28 ngôi sao như vẩy lân. Hàng giữa có sao bắc đẩu diện điểm như hạt minh châu chia làm thất điền.
Sinh con được 7 ngày,  nhà vua cứ theo mộng đặt tên là Hoàng lang.
 Lúc này  có Trịnh Vĩnh Trinh khởi binh rối loạn tại kinh bắc, mang chục vạn hùng binh, trăm viên thượng tướng. Sức mạnh của giặc làm rung động cả kinh thành, vận nước nghiêng ngửa, quan quân lo sợ đành chịu bó tay. Hàng ngày ở biên phòng tới tấp 4 – 5 lần báo cáo, nhà vua lo buồn bèn lập đàn tràng cầu tế trời đất. Trong khi lập đàn trời, đất trời tăm tối 2 – 3 ngày. Nhà vua đang ngự tại cung Thái Hòa, trời đang mưa gió, thiếp đi thì thấy văng vẳng bên tai có tiếng vịnh thơ:
                                         “Nước lúc lâm nguy có thánh tài,
     Trời đã định rồi khắc lo chi,
    Bằng cầu tiên được thần nhân ấy,
    Trịnh Vĩnh kinh hồn tán chạy ngay.
Nhà vua lúc này bừng tỉnh thầm nghĩ: mộng này là trời đất cho biết khắc có thánh nhân giúp nước. Nhà vua làm lễ hạ đàn, viết chiếu chỉ mời các bậc anh hùng hào kiệt ai có tài ra giúp nước an dân, thành công sẽ trọng thưởng xứng đáng với công lao.
Sứ thần đi đến đâu loa đến đó. Hoàng Lang lúc này còn nhỏ nghe thấy tiếng loa cạnh phủ, bèn hỏi mẹ: “nhà vua có việc gì mà sai sứ thần thông báo khẩn thiết  như vậy”. Hiếu Nương nói: “nước nhà đang có giặc Trịnh Vĩnh Trinh  đánh phá khắp miền Nam Hải. Nhân dân lầm than điêu đứng, triều đình vô kế khả thi, vận nước nghiêng ngửa. Bởi thế nhà vua cho sứ thần đi khắp thiên hạ chiêu mộ người tài, đức, ra giúp nước. Nay con còn nhỏ, miệng còn hơi sữa làm sao báo đáp lại nghĩa của vua cha.
Hoàng Lang nói: mẹ cứ gọi sứ giả vào cho con. Hiếu Nương thấy làm kỳ lạ liền sai cung phi mời sứ thần vào. Hoàng Lang nói với sứ thần: ” người về tâu gấp với vua cha cho ta một lá cờ lệnh cao 10 thước, voi béo khỏe thì giặc sẽ bị đánh tan. Nhà vua không phải lo gì. Sứ thần vội vã về tâu.  Nhà vua nghe thấy sự kỳ lạ, ngay ngày hôm sau  sai làm một lá cờ cán dài 10 thước, voi béo khỏe, quân tướng chừng 10 vạn, sai các quan trong triều văn có Trương Bang Nguyễn Sáng, võ có đẳng tích Trần Hưng, ngoài ra còn có những  tướng ở Thủ Lệ trong đó có Lê Công Sức, Nguyễn Công Hoàng  điều binh khiển tướng.
Hoàng Lang vươn mình đứng dậy, mình cao chín thước, tay cầm cờ lệnh, đạp chân vào mình voi. Voi quỳ xuống. Hoàng Lang nhảy lên lưng voi, phất cao cờ lệnh. Quân tướng dũng mãnh như sấm, sét gió gào.  Voi chạy như bay ,đi đến đâu đầu giặc rơi đến đó khoảng 30 nghìn tên. Từ đó nơi voi quỳ dân lập đền thờ gọi là đền voi phục.
 Hoàng Lang một mình một voi xông thẳng vào trận, cùng Trịnh Vĩnh Trinh một trận thư Hùng. Trịnh Vĩnh Trinh ngã ngựa bị chém đầu. Quân tướng Trịnh Vĩnh Trinh hoảng loạn đầu hàng.
Hoàng Lang thắng trận hồi binh qua huyện Đông An nay là huyện  Khoái Châu. Binh mã dừng chân tại làng cửa sông. Thời gian này, nhân dân các xã Đại Hưng, Thuần Lễ và  vùng Cửa Sông đang bị dịch đậu mùa, do thiếu thuốc chữa trị nên đã có nhiều người chết. Bệnh dịch lan tràn khiến mọi người hết sức hoảng loạn. Dân làng nhóm họp tìm mọi cách đối phó nhưng vô kế khả thi. Hay tin, Đức Hoàng Lang cùng quan quân chữa chạy cho dân. Từ đó bệnh dịch bị dập tắt. Song do tiếp xúc lâu với bệnh tật Đức Hoàng Lang  cùng một số binh sĩ bị lây bệnh. Dân làng cửa sông mang cót ra bao quanh doanh trại chắn gió, giúp quân mã tránh bệnh dịch lây lan. Từ đó làng có tên làng Cót.  
Cảm  kích trước tình cảm của dân, Đức Hoàng Lang nói với các cụ làng cửa Sông: Khi về triều, nếu có mệnh hệ nào, tôi tâu với nhà vua cho nhân dân cửa Sông được bốn mùa hương hỏa.
 Hoàng Lang về triều. Nhà vua ăn mở tiệc ăn mừng khoản đãi, vua vịnh một bài thơ :
Trời kia đã định có thánh minh quét sạch phong trần diệt giặc Trinh, Đức Trẫm ngời ngời trời chẳng phụ, ức nghiêng chẳng nát thế còn vinh”.
 Hoàng Lang vịnh lại “ý trời cho xuống quét phong trần để Đức Vua  từ nay ngày một vinh, đất nước  thanh bình,  yên ấm một nhà , thanh thái hội vua dân”.
 Nhà vua và bách quan đều vui mừng.  Vua nói với bách quan: “Trẫm muốn nhường ngôi cho Hoàng Lang để lui về vui cảnh điền viên”. Hoàng Lang chắp lễ nhưng không nhận, nói: nhờ nhân đức của bệ hạ, giặc đã bị dẹp tan, bên ngoài không dám nhòm ngó tới đất nước ta, bên trong không còn giặc loạn. Trăm dân vui vẻ làm ăn. Người nên tiếp tục trị vì cho đất nước được thanh bình muôn dân được ấm no. Vả lại con cũng sắp sửa phải đi xa.
Hoàng Lang trở về Thị Trai rồi lâm bệnh.  Nhà vua dùng tới hàng trăm vị lương y, nghìn viên dược liệu nhưng bệnh tình Hoàng Lang không hề thuyên giảm. Một hôm Nhà Vua đến thăm Hoàng Lang thấy Hoàng Lang ngày càng yếu mệt thì tỏ ra lo lắng khôn cùng.  Hoàng Lang nói với Đức Vua:  Con vâng lệnh Ngọc Hoàng mượn cửa Nhà Vua để dẹp giặc an dân.  Lúc này, đất nước đã thanh bình, nhân dân yên ổn, con phải trở về Thủy Long Cung không được chậm trễ. Thưa Vua Cha!  Khi hồi triều qua đất Cửa Sông, được bô lão và dân làng đón rước trọng thể.  Hoàng Lang hỏi đây là nơi đâu? Các cụ bô lão tâu rằng đây là đất cửa sông. Nơi ấy đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt. Con người ở đó hiếu đễ, có đức tín. Con muốn Vua Cha cho dân nơi ấy  được bốn mùa hương hỏa.
 Nhà vua nói: Công lao của con lớn vậy, có điều gì Trẫm sẵn sang phê chuẩn.
Hoàng Lang tâu: con xin cho xây một ngôi đền tại Thị Trai là nơi mẹ sinh con;  hai là ở Thủ Lệ chỗ con xuất quân, ba là cửa Sông, xin cho cứ 3 năm một lần, tổ chức lễ hội rước nước, rước kiệu từ ấp cửa sông Cót lên thị trai, Thủ Lệ và từ Thị Trai Thủ Lệ về cót ấp cửa sông, ba nơi Giao Hiếu. Ông Huệ ngưng mạch chuyện nói: “Đường đê bối ra đền trước đây gọi là đường ngự giá là con đường dân  làng rước kiệu giao lưu giữa ba nơi, rước nước đem nước về làng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô tươi tốt, trăm sự được an vui”- Ông kể tiếp:
Hoàng Lang  tâu:Thời gian không còn nữa, xin vua cho ra phiến đá tại Hồ Tây, lúc sinh và nay lúc hóa.  Vua sai binh quan văn võ rước Hoàng Lang ra phiến đá tại Hồ Tây. Lúc này nhà Vua hai hàng châu lệ lã chã nói với Hoàng Lang: Tuy không phải là Con ta, nhưng công sinh, công dưỡng,  nghĩa vua tôi con có điều gì cha sẵn sàng phê chuẩn.
  Hoàng Lang nói: vua cha miễn giảm cho dân sưu thuế 3 năm. Lúc này,  trời tối đen lại, sấm chớp ầm ầm nổi lên, Hoàng Lang hóa thành Rảo Long mình dài mười trượng vươn thẳng đến Hồ Tây rồi biến mất.
 Các cụ cửa sông nằm mơ Hoàng Lang cưỡi voi về làng, lập tức cử người lên nghe ngóng thì quả nhiên Hoàng Lang đã hóa. Nhà vua cũng cấp sắc phong cho làng Cửa Sông. Từ đó dân làng cửa Sông lập đền thờ chờ ngài ngự , gọi là đền Cót.
 Năm 1522, nhà Mạc và nhà Lê tranh hùng. Năm 1548 Thái Úy họ Trịnh đem quân đánh Mạc. Chiến thuyền của Thái Úy qua đền Cửa Sông tức Đền Cót .  Nửa đêm hôm ấy Thái Úy mơ thấy một người cao lớn đầu đội mũ rồng, đai ngọc, mình mặc áo bào, hai bên có 4 tướng đi kèm sừng sững đi xuống bản doanh.  Thái Úy đứng dậy chào hỏi: tướng quân từ đâu đến.
 Hoàng Lang nói: tôi thấy nhà Lê mở hội Trung Hưng để đánh giặc, thấy Thái Úy mang quân qua đây nên đến giúp. Hai  người bắt tay nhau ,ngồi trò chuyện.. Đang trò chuyện thì Thái Úy bừng tỉnh, giật mình nghĩ đây là điềm tốt, liền bầy phương án lễ trời đất,  kéo quân đến thẳng trại Trần Thương đánh một trận đại thắng. Thái Úy thắng trận,  hồi triều, tâu với Vua Lê. Nhà vua phong Hoàng Lang thượng đẳng phúc thần và đổi tên Làng Cót là làng Nghi Xuyên. Tiếng linh thiêng từ đó truyền đi,  bởi vậy dân làng cùng khách thập phương  thường xuyên đến thăm đền, lễ bái cho đến ngày nay, và cứ ba năm làng mở hội đền một lần, trong đó có nghi lễ rước nước. Tục lệ đó còn truyền cho đến tận ngày nay.Ông Huệ kết luận: thời nào đất nam cũng có anh hùng giúp dân, giúp nước. Dân tôn thờ những người có công với nước, lập đền thờ nhắc nhở con cháu tiếp tục truyền thống anh hùng, gìn giữ non sông. Câu chuyện đến đây kết thúc. Đêm đã khuya, gió sông Hồng thổi về mát rượi. Trên thời đám mây như hình con RẢO Long đang cuốn lấy mặt trăng.

                                                                                    Hưng Yên ngày 18 tháng 9 năm 2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét