Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Về thăm ngoại


            Thế rồi năm học cũng kết thúc. Dịp nắng hè rực rỡ, trên những cành bang, cành phượng râm ran tiếng ve. Vải đã bắt đầu chín, những chùm vải đỏ mọng nặng trĩu cành. Trong làng, yên bình, thưa thớt tiếng chim gù: Cu…c…cu. Cúc cu…
            Ngày mai cả mấy mẹ con chị sẽ về thăm ngoại. Đã bao năm nay rồi, như lệ thường chị vẫn về thăm bố mẹ vào dịp hè. Những lần đi cùng chồng, chị đành nhờ ông bà nội trông con, thành thử chân ướt chân ráo, chuyện chưa hết đã vội quay về. Ông bà ngoại và các dì vốn quí cháu, khi không thấy các cháu ra chơi luôn trách cứ: “Sao bay không cho tụi trẻ ra chơi”. Và rồi trên khuôn mặt ông bà nụ cười đôn hậu chợt tắt đi vì niềm vui không trọn vẹn.
            Ngày trước khi lũ trẻ còn nhỏ, chị khó có thể đưa các con về thăm quê vì quãng đường dài tới gần hai trăm kilômét, tàu xe không thuận, phải đổi xe nhiều lần. Một hai năm gần đây, chồng chị cũng thường tranh thủ nghỉ một vài ngày, đưa cả mấy mẹ con về thăm quê.Và cũng từ đó lũ trẻ luôn mong tới dịp hè, luôn nhắc nhở mẹ: “Mẹ phải cho chúng con ra chơi với ông ngoại, bà ngoại”. Để động viên các con học tập, chị đã bảo chúng: “Nếu thành tích học tập của các con tốt, mẹ sẽ cho cả hai đứa ra quê ngoại vào dịp hè”. Trong năm học vừa rồi lũ trẻ thi đua học, cả hai đứa đều là học sinh giỏi của trường. Chúng sẽ có cái để báo cáo với ngoại, khoe thành tích với các em con dì.
            Đã bao năm nay rồi, mỗi khi chuẩn bị về thăm bố mẹ, lòng chị phơi phới niềm vui. Trong chị vẫn còn đó khát khao như thưở còn con trẻ, được sống trong bầu không khí đoàn tụ của cả gia đình, được hàn thuyên với mọi người đủ thứ chuyện trên đời, và nhất là được bên mẹ thủ thỉ với mẹ chuyện chồng chuyện con, chuyện công tác. Đây là dịp mà chị có thể thể hiện bao nỗi nhớ thương, niềm tâm sự sâu kín với mẹ, với các dì. Bên mẹ có bao giờ hết chuyện.
            Mẹ vẫn thường nói với chị: “Số con Hoa phải xa nhà, phải xa bố mẹ. Bởi vậy trong nhà mẹ thương con Hoa nhất”. Nghe mẹ nói chị thường tủm tỉm cười.
             Thực tế, sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, chị được điều động lên nhận công tác ở một huyện giáp biên giới. Xa nhà vài trăm kilômét, nên hàng năm chỉ đôi lần về thăm nhà. Thương chị mẹ mua đủ các thứ thết con gái, và khi chị chuẩn bị ra cơ quan, mẹ không quên gói ghém các thứ quà quê, xếp đầy ba bốn túi bắt chị mang theo. Mẹ nói: “Thứ này là để làm quà, thứ này là thức ăn. Ngoài đó các thứ này khó kiếm”.  Công tác tại đó dăm sáu năm, chị được chuyển về trường địa phương. Đôi chân vốn đã quen leo núi, lội suối cõng gạo, đôi mắt đã quen thấy núi đồi và câu rừng, giờ đây lại được phóng tầm mắt nhìn trời xanh bao la và biển rộng, lòng chị khấp khởi vui, những tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ còn phải xa quê. Vậy mà duyên số thế nào, chị được cơ quan cử đi học hàm thụ, chị quen anh, hai người thành thân và thế là thuyền theo lái, gái theo chồng, chị lại phải xa quê.
            Mẹ vẫn thường nói với mấy chị em: “Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho. Có con mà gả chồng xa, một là mất giỗ hai là mất con”. Mẹ những muốn gả chồng gần cho con. Chị cũng hiểu nỗi lòng của mẹ. Và chị cũng chẳng muốn lấy chồng xa. Nhưng mà gặp anh, cái duyên cái số, biết sao được.
            Chồng chị là giáo viên ở một trường trung cấp ở tỉnh ngoài, thường xuyên vắng nhà, lại hay công tác biệt phái nên thành thử chị chẳng khác nào lấy chồng bộ đội. Lúc vắng anh, lúc đầy vơi nỗi buồn, chị lại nhớ về quê hương, nhớ bố mẹ tới bần thần. Những lúc như thế, chị như muốn bay về quê, để được nhìn thấy cha, thấy mẹ, để tỏ dù là một cử chỉ nào đó thể hiện lòng hiếu thảo của đứa con ở xa, để được vơi đi nỗi niềm tâm sự, được đặt chân lên mảnh đất đầy gió cát, được đi chợ Rào nghe những lời chào bán xáo trộn ồn ã quen thuộc của người miệt biển, hít thở vị tanh mặn nồng của biển, được cùng các bác các dì ngồi bóc từng con sò huyết, đưa lên miệng nhấm nháp vị ngọt thơm của nó, hay tới nhà lũ bạn cùng thời hàn huyên về những kỷ niệm xưa. Trong trí nhớ của chị bỗng ngân nga câu ca dao mà bà ngoại ru chị thuộc lòng từ thủa nhỏ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
            Thật ra thì chị đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ mấy ngày nay, mua sắm vài thứ làm quà cho bố, cho mẹ và cho các dì, mua cho lũ trẻ bộ đồ mới để diện khi về quê.
            Cũng từ mấy tuần nay mấy đứa con chị không ngớt lời kể về ông ngoại, bà ngoại. Thằng Sơn nói: Lần trước ông dẫn con đi bộ qua thị trấn đến tận nhà các dì. Con đánh cờ vua với mấy em con nhà các dì. Chúng toàn thua con thôi. Thằng Lợi nổi cáu vứt cả quân cờ đi. Mẹ ạ!
            Chị đùa: Con lại không nhường nhịn các em rồi !
            Thằng Sơn cãi lại mẹ; Sao lại phải nhường nhịn, chẳng lẽ con bị thua ư ? Các em tập trung đánh cờ với con.
            Chị Hoa cười bảo: Thi thoảng cũng cho các em thắng được một lần. Nếu không sẽ còn ai chơi với con.
             Nghe chị nói, thằng Sơn ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi chợt nghĩ ra, nó mủm mỉm cười.
            Thằng Hưng thì kể chuyện bà ngoại cho uống nước dừa, nước dừa thật mát. Rồi nó nhắc tới giàn nho trước nhà ngoại. Nó bảo: Có lẽ nho giờ đã bắt đầu chín.
            Nghe con trẻ líu lo, chị nhớ đến mấy cây dừa, có lẽ đã được vài chục năm tuổi, cao vót, lá xanh ngắt. Bà ngoại bao giờ cũng dành phần cho mẹ con chị mấy quả dừa. Lần trước, khi chị ra, bà ngoại sai cậu dùng câu liêm trèo lên giật những chùm dừa non vỏ còn xanh. Bà bảo loại dừa như vậy đang vào nước, mát bổ. Thảo nào cu cậu thích. Chị nhớ tới giàn nho trước nhà, vào mùa từng chùm chín tím đỏ buông xuống mặt giàn chi chít. Nho chín ăn ngọt sắc.
Thằng Hưng bảo: Mẹ ơi! Chúng con rất thích ra bà ngoại.
            Chị cười hỏi lại con: Thế con có quý bà ngoại không?
            Thằng Hưng không nói gì, tỏ vẻ thẹn thùng, vòng ra phía sau ôm lấy cổ mẹ. Hưng tiếp tục trò chuyện với chị: Con Vịt nhà cậu giờ lớn lắm rồi mẹ nhỉ - Con Vịt là tên mọi người đặt cho con gái cậu Hòa – Con Vịt lúc nào cũng theo bà, ăn đòi bà mớm, ngủ đòi bà ru. Nó hờn, chỉ có bà mới dỗ được. Khi mợ về, nó cũng không muốn theo.
            Chị Hoa bảo con: Con Vịt từ nhỏ đã phải xa mợ, sống với bà, được bà bế ẵm nâng giấc. Mợ dạy học mãi tận ngoài đảo nên ít về, vì vậy em lạ với mợ.
            Trong khi chị gói ghém đồ đạc, mấy đứa con chị luôn dõi theo tất cả các công việc của mẹ, xem mẹ gấp từng cái áo, cái quần. Thậm chí chúng lăng xăng lấy hộ chị những thứ còn thiếu… Chúng nhắc chị nhớ tới hộp thuốc chị đã mua để làm quà cho bà. Công việc chuẩn bị đã xong, chị ngồi điểm lại các thứ đã cho vào ba lô, cảm thấy hài lòng vì mọi thứ đã đầy đủ. Sớm mai mấy mẹ con có thể ra xe sơm. Chị nhắc con đi ngủ để ngày mai có thể dậy sớm. Thế rồi một mình ngồi xốn xang với bao nhiêu suy nghĩ: Thời gian đi nhanh thật. Mới độ nào Người còn vất vả vì lũ con thơ dại, nay bố đã ngoài bảy mươi. Độ nào mấy chị em còn choạnh chọe hờn rỗi với nhau giờ đã mỗi đứa một phương, bận rộn lo lắng cho gia đình riêng. Vậy đấy, cha mẹ giờ lại quạnh hiu, lúc khỏe đã vậy, lúc yếu đau, thật chẳng có ai ở bên để chăm sóc. Nghĩ vậy, chị chợt mủi lòng.
            Thằng Sơn vẫn thao thức thỉng thoảng lại trở mình và rồi nhỏm người dạy hỏi về ông, về bà, về cậu…vv… Nó đã tưởng tượng được cảnh cùng lũ em con các dì chạy chơi tung tăng trong nhà ông ngoại, hoặc chơi phố. Nó nhớ tới lần nghỉ hè trước khi về quê ngoại được các dì cho ra Hạ Long. Lần đầu tiên đứng trước biển, sững sờ trước bao la đại dương, trước những con sóng lớp lớp xô bờ, Sơn đã đắm đuối nhìn về rất xa của biển khơi, nhìn những chiếc thuyền đánh cá dập dềnh trên mặt sóng, những cánh buồm nâu, những cánh chim chao liệng trên mặt biển. Các dì còn cho Sơn tắm và sau đó xuống tàu ra vịnh ngắm nhìn muôn ngàn những hòn đảo, cái trông như con voi phục, cái trông như con cóc, cái trông như hai cánh buồm…đủ mọi hình thù. Sơn còn nhớ rõ bờ biển dài thoai thoải, từng đợt sóng xô lên bờ bãi sủi bọt trắng xóa và nước biển xanh, càng ra xa, nước biển càng xanh ngắt, và những con tàu hàng khổng lồ đang neo đậu trong vịnh. Với Sơn đó là cả một thế giới đầy những sự kiện mới lạ. Nghĩ ngợi chán, Sơn lại  nhổm người dạy nói chuyện với mẹ: Thằng Khoa con gì Huệ hư lắm mẹ ạ. Nó toàn bỏ học, theo lũ bạn đi đánh điện tử. Dì chú bảo mãi nó không nghe. Dì phải khóc vì nó.
            Ừ thế là rất hư đấy ! Lần này ra ngoài đó, con phải bảo em – Chị Hoa nói với con, rồi nhìn đồng hồ. Giờ đã hơn mười hai giờ. Chị giục con – Thôi con ngủ đi! Mai mẹ sẽ đánh thức các con dậy sớm.
            Chị hiểu tấm lòng con trẻ. Chúng cũng như chị thôi, khi bắt đầu nhận thức được. là chúng hỏi về cuội nguồn, tự hào có những chú, những bác, có các dì các chú và đặc biệt là có rất nhiều anh, nhiều em. Tình cảm ấy là tình cảm máu thịt thật tự nhiên. Chị cũng không quên nhen nhóm trong lòng các con tình cảm gia đình bằng những câu chuyện về ông, về bà, về các dì các cậu…vv… Chị biết những câu chuyện ấy như những dòng sữa mát nuôi dưỡng tâm hồn chúng suốt cuộc đời.
            Các con chị còn thao thức một lúc lâu nữa mới chìm vào giấc ngủ. Chị dém màn lại cho các con. Các con chị lúc ngủ hay giãy đạp, muỗi có thể vào màn.Chị thấy rõ nụ cười trên môi chúng. Có lẽ chúng đang mơ thấy được ngồi trên xe ôtô. Chiếc xe chạy lướt êm ru trên con đường nhựa mới trải láng bóng. Làng mạc, phố xa, những căn nhà cao tầng vàng tươi trong nắng mai cứ vùn vụt chạy qua.

            Chị sẽ bảo chúng: Ngủ ngon các con. Ngày mai mẹ đưa các con về thăm bên ngoại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét