Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Trở lại đồi sim

                                                                                         Buôn Ma Thuột tháng 11 năm 2013
Bà Hòa chết chưa xanh cỏ, ông Kiềm đi bước nữa với một phụ nữ ở xã trong. Mọi người bàn tán, đàn ông tệ bạc thật, chưa chi đã tót lên xe hoa, có muốn đến chết người thì cũng đợi đã, gì mà gấp gáp thế, còn con nữa chứ ,Khiêm vẫn còn đang học kia mà. Khiêm sẽ sống với ai? Liệu gì ghẻ có chấp nhận nuôi con chồng?
Khiêm không theo bố về nhà dì ghẻ mà chọn cách sống với vợ chồng anh chị cả. Lòng Khiêm hoang mang tới cực độ. Từ bé tới giờ, cuộc sống của Khiêm  ví như quả bầu,  chắc vào thân leo, giờ đây đánh bịch một cái rơi xuống đất, làm Khiêm có cảm giác chơi vơi, đơn độc và tủi thân. Thì ra không ai thương yêu, chở che cho Khiêm. Anh chị Khiêm vốn nghèo, lo ăn lo học cho chúng chẳng đủ sao có thể lo cho Khiêm, vậy là Khiêm nghỉ học đi làm công cho một chủ ở địa phương.
Cuối tháng 4, mới sáng mặt trời đã  như gã say rượu, mặt đỏ au phả cái nóng vào không gian, lúc sau mặt đất  hầm hập vì nóng, cả đến ngọn gió cũng nóng, khiến cho con ngươi bứt rứt khó chịu. Trong gian nhà vẻn vẹn vài chục mét vuông, mấy cái máy xay nghệ đang ù ù chạy, dù đã được bao che ở đầu cửa xả, bột nghệ vẫn thoát ra như khói, bụi nhuộm vàng cả không gian. Trong xưởng nóng vô cùng, ai nấy mồ hôi, mồ kê, chảy ròng ròng trên mặt. Khiêm đứng bên chiếc máy xay nghệ, cả người Khiêm từ đầu đến chân, tóc tai, quần áo đều nhuốm vàng  màu nghệ. Ngày nào cũng vậy Khiêm đứng bên chiếc máy này, nặng nhọc bê đổ từng bao nghệ đã được thái lát, phơi khô vào cái thùng phễu của máy, và mỗi khi bột nghệ đầy cái bao nilon, vội thay chiếc bao khác , lấy hết sức bê bao bột nghệ nặng chừng dăm chục kg ra xếp bên góc xưởng. Sau một ngày chừng 12 tiếng đồng hồ như vậy, mệt mỏi rã rời, đầu óc ù ù như tiếng quay của mấy cái máy xay, Khiêm lảo đảo như người  say rượu lê lết về nhà. Khiêm không có niềm vui khi về tới nhà, mỗi khi đến ngõ nhìn mấy đứa cháu con anh cả đang băm bèo, hối hả quét dọn, đứa nào đứa ấy mặt mũi như thộn gày guộc, chị dâu Khiêm  quần xắn ống thấp ống cao mặt khó đăm đăm tất tả quanh sân với những công việc của người đàn bà Khiêm lại như người tỉnh rượu, ngộ ra cái chân lý tưởng như đơn giản của đời người “cái khó bó cái khôn; kiến giả nhất phận, bé thì anh chị em, lớn lên lấy vợ lấy chồng thành ra họ hàng”. Lòng Khiêm trĩu năng suy tư, nghĩ tới nghĩ lui. Sau một lát , đợi khi mồ hôi ráo Khiêm ra giếng dùng gầu múc nước đổ ào ào lên đầu. Nước giếng mát rượi làm trí óc Khiêm tỉnh lại, chẳng thể kì hết màu vàng của nghệ trên tóc trên người, Khiêm thay quần áo rồi cùng ăn cơm với gia đình anh chị.
Anh cả Khiêm có nghề nề, không thể nhận những hợp đồng xây dựng lớn, chỉ nhận những công việc như: xây tường rào, xây bếp, xây sân, nên công  việc khi có khi  không thu nhập không ổn định. Chị dâu Khiêm vất vả với mấy sào ruộng, vào những ngày nông nhàn, theo lên thành phố buôn bán hoặc đi nhặt nghệ cho mấy chủ ở địa phương.
Ông trời bắt Khiêm khổ vì đã phú cho Khiêm lòng trắc ẩn để thương thân , thương anh chị và các cháu. Hơn năm nay, làm được đồng nào Khiêm đều  đưa cho chị dâu nói: chị cứ cầm lấy mà tiêu, em chưa có gia đình chưa cần đến tiền. Chị dâu Khiêm trong lòng rất vui vẻ những lúc như vậy nhưng vẫn cố vớt vát: chú đưa cho chị làm gì. Chú cứ giữ lấy sau này còn vợ con. Khiêm nói: đã bảo chị cầm thì chị cứ cầm lấy, em đỡ lăn tăn. Chị dâu Khiêm khuôn mặt chợt buồn, ngần ngừ giắt tiền vào túi áo, lòng  bứt rứt nghĩ: thôi thì cầm. Chú ấy còn sống chung với gia đình kia mà.
Mãi cho tới đêm khuya, khí trời mới dịu mát, Khiêm nằm trằn trọc, lật sấp bên này, rồi lại lật sấp sang bên kia, nằm úp mặt, rồi xoay ngửa người vẫn không thể ngủ, đôi mắt Khiêm trong trong, đầu óc Khiêm đang sống ở thời điểm hơn năm về trước khi mẹ Khiêm mất. Dịp ấy mẹ bị bệnh liệt cầu thận, đi hết bệnh viện này tới viện khác, mỗi lần chạy thận hết dăm sáu trăm ngàn, tuần vài lần. Vài năm  liền như thế, bố mẹ Khiêm chẳng tích cóp được đồng nào phòng khi bất trắc bão gió trở trời nên vợ chồng anh Tài đi vay tiền chữa bệnh cho mẹ, song vô phương cứu chữa,  tiền mất tật mang. Lúc lâm chung mẹ cho gọi Khiêm đến bên giường, nhìn Khiêm, trên khóe mắt mẹ rơm rớm ngấn lệ. Bà thương con trai út chưa thành thân , chưa lo được cho nó đến nơi đến chốn, không nỡ xa con, và rồi đôi mắt bà khép lại. Mẹ nằm trên giường, phủ trên người tấm chăn len, khuôn mặt bà dần vàng như sáp. Lúc ấy Khiêm chỉ thấy thương mẹ, nước mắt chảy ròng ròng trên má, Khiêm khóc không thành tiếng, lòng  đau quặn vì sự mất mát to lớn này. Vài tháng  sau, bố Khiêm tái giá với một người đàn bà góa ở xã trong, ở rể luôn nhà vợ.  Thế là Khiêm bơ vơ,  như người sắp chết đuối, đôi tay chới với song không có vật nào khả dĩ để túm lấy. Cũng từ đó Khiêm thôi học, ở với gia đình anh Tài, đi làm ở xưởng sản xuất bột nghệ cho một gia chủ ngay trong thôn.
Khiêm dạy sớm, trong khí vợ chồng anh tài và các cháu vẫn còn ngủ. Tiếng gà gáy ò….ó…o..o.Một con gáy và rồi kế tiếp nhiều con gáy, kế đên là chúng vỗ cánh, lát sau gà gáy rộ. Trong đêm tối mịt mùng, tiếng gà tan loãng vào trong  không cùng của trời đất, man mác buồn. Khiêm nhẹ nhàng lục tìm quần áo trên những chiếc dây phơi, trong cái va ly sờn rách ở trong buồng, không muốn anh chị và các cháu thức giấc. Vả lại khiêm sợ anh chị sẽ gàn, giữ khiêm ở lại. Lòng Khiêm đã quyết rồi, Giờ là lúc Khiêm phải ra đi, đi đâu không rõ nữa, cũng như anh Tú bỏ nhà đi tìm cuộc sống từ nhiều năm nay chưa tin tức gì. Khiêm không muốn anh chị Tài phải bận tâm về Khiêm, không muốn khó dễ cho cuộc sống của anh chị và các cháu. Vả lại đằng nào Khiêm cũng phải ra đi, tự lo lấy cuộc sống, cứ nghĩ đến đó là lòng Khiêm lại xót sa. Cho dù Khiêm nay đã mười năm mười sáu, nhưng vẫn chỉ là đứa trẻ cần đến sự chở che của cha mẹ, cần cái nôi gia đình ấm cúng và những điều kiện để tiếp tục học. Nhưng mẹ đã mất. Bố tái hôn. Khiêm nghĩ rồi: anh em rồi cũng kiến giả nhất phận.Khiêm phải ra đi!
Trời vẫn còn tối. Trong vườn tiếng những giọt sương rơi trên tàu lá lộp bộp, lộp bộp. Gió từ mạn sông Hồng thổi vào se lạnh. Cái lạnh còn toát ra từ trong lòng Khiêm. Khiêm xách túi, ngoái đầu nhìn lại căn nhà nhỏ nơi đã sống qua những tháng ngày thơ ấu lần nữa rồi quả quyết bước đi.
Chiếc xe khách ngật ngưỡng, ngật ngưỡng bò qua những đoạn đường ổ voi, ổ gà. Bác Tài không  nén được bực  dọc buông câu: đường với sá, vừa làm xong đã hỏng, không chịu sửa. Ngồi trên xe, Khiêm cố nhắm mắt nhưng không sao ngủ được. Xe đến thành phố vào lúc  khoảng 9h.
Thời gian đầu tới  thành phố, ngày Khiêm quanh quanh ở khu chợ bên đầu cầu L-B, ai sai cái gì làm việc đó, thượng vàng hạ cám đủ loại, từ việc khuân vác hành lý, trông hàng ..bưng bê, rửa bát đĩa trong các nhà hàng. Tối về dưới gầm cầu, trên chiếc chiếu rách,  Khiêm đặt cái túi kê đầu, ngủ thiếp đi trong cơn mê thật nặng nhọc. Làm ăn ở đây cũng chẳng dễ đâu, Khiêm phải nộp cho một gã có tên Thành lé 30% số tiền thu được mỗi ngày. Mấy đứa con trai tầm mười 14 mười 15 tuổi, người gày đét, tóc húi cua, cằm dài thượt, vẻ mặt trâng tráo, bặm trợn, lảng vảng quanh khu chợ gầm cầu gằm ghè theo dõi từng cử chỉ của Khiêm.
Mấy tháng sau, Khiêm dọn đến trọ ở một gia đình thuộc khu bờ sông. Cùng trọ với Khiêm còn có nhiều người khác từ quê lên thành phố buôn bán. Hơn chục người trong một gian phòng, cũng chẳng nề hà vì ngày mọi người đi bán rong hoa quả, quần áo hoặc các loại vật dụng khác, tối về lăn quay ra ngủ mặc cho muỗi, ruồi, và cái nóng ngột ngạt của thành phố.
Vào những đêm khuya khi tiếng ồn ã của dòng người  tất bật mưu sinh, tiếng ầm ì của các nhà máy, công sở đã lùi đi, trả lại sự yên tĩnh, không gian thoáng đãng rộng rài cho các con phố,  gió nhẹ như những tiếng  thở dài, sau cả ngày lang thang trong các ngõ ngách thành phố kiếm sống, Khiêm nhẹ nhàng lăn vào giữa những thân người đang ngủ say thao thức .Tiếng tàu hỏa tu……u…hút… bỗng nhiên cất lên trong đêm thanh vắng, tiếng bánh xe nghiến trên đường ray ban đầu rất nhỏ, to dần, to dần rồi rầm rập qua cầu, tất cả những âm thanh ấy chỉ trong giây lát tan loãng vào đêm. Lòng Khiêm lại dạy  lên nỗi buồn man mác, nhớ về những kỷ niệm của tuổi thơ. Bao giờ có tiền Khiêm sẽ đi học một nghề gì đó, rồi về quê, mở cửa hàng, cửa hiệu để hành nghề. Khiêm muốn tự chủ.  Khiêm muốn có được sự quan tâm, Khiêm muốn được mọi người  để ý, nể trọng. Khiêm mơ hồ với những suy nghĩ như vậy là vì đã quan sát cuộc sống, trải nghiệm ban đầu cho Khiêm biết rằng tâm lý con người ta sợ hãi trước uy quyền. Uy quyền có thể có hoặc bằng địa vị xã hội, hoặc bằng đồng tiền. Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo. Người ta tỏ ra trịnh trọng đặc biệt tới những phong cách giàu sang, những người có tiền, có địa  vị xã hội. Những kẻ như Khiêm thì hoặc bị xua đuổi như xua đuổi con hủi, nếu có ai đó rủ lòng thì đó chỉ là sự thương hại. Sự thương hại lại làm lòng người nhói đau. Lòng thương hại không thể làm thay đổi cuộc sống của khiêm. Không ! Khiêm không cần sự thương hại. Khiêm cần cơ hội để vươn lên, nhưng cơ hội đó với Khiêm thật manh nha như sương, như khói  khó nắm bắt.  Song rõ ràng Khiêm phải tự thân, cố gắng tiết kiệm, lao động biết đâu cơ hội sẽ đến.
Khiêm gặp anh Tài vào một buổi trưa cạnh vườn hoa Hàng Đậu. Hai anh em ngồi trên chiếc ghế đá trong công viên. Anh Tài nói với em, bằng giọng cảm động: em đi không nói với anh chị một câu. Cả nhà cuống cuồng tìm em. Anh chị  sợ em bị ai đó bắt cóc, lấy gan lấy mật, hay sơ ý bị ngã té ở đâu đó. Chị Xoan cũng lo lắng lắm. Mỗi ngày chưa nhìn thấy em, là một ngày anh chị lo lắng và thương em. Có người gặp em trên này về nói, vậy là anh cuống cuồng tìm em ở đây tới vài ngày rồi. Nay em nên về với anh chị! Anh chị khó khăn cũng có lúc tiếng bấc, tiếng chì. Em đừng để ý! Anh em trong nhà no đói có nhau, đừng để thiên hạ họ dị nghị.
Anh đừng suy nghĩ nhiều. Em ra đi vì muốn tìm việc làm, không phải vì anh chị không thương em, chỉ bởi vì em sợ anh chị biết sẽ không để em đi. Khiêm nói rồi dúi vào tay anh vài trăm ngàn số tiền có được của vài ngày qua- Anh cầm lấy. Số tiền này em cho các cháu.
 Anh Tài nói: không anh không thể lấy tiền của em. Hai anh em giằng co mãi, cuối cùng anh Tài bùi ngùi cầm tiền, vò vò  trong lòng bàn tay, thấy thương em không kể xiết.
Vào một buổi tối, trái với  lệ thường, Khiêm về sớm, bước qua cái cầu thang bằng gỗ ọp ẹp kêu ken két dưới mỗi bước chân, leo lên gác xép.  Khiêm lục  tìm trong ba lô, muốn kiểm lại số tiền đã kiếm được trong nhiều ngày qua. Tiền Khiêm để ở ngăn đáy, song không thấy. Khiêm cuống  cuồng lục lọi nhiều lần, và rồi biết rằng, số tiền đã dành dụm đã không cánh mà bay. Ai có thể làm thế.? Người ta có thương Khiêm đâu? Khiêm rất nghèo mà! Khiêm đang  phải làm đủ các việc, tích cóp từng đồng, từng đồng để tìm cơ hội manh nha.
Chủ nhà năm nay chừng hơn bốn mươi tuổi, khuôn mặt bầu bầu, da vàng xỉn, mặc chiếc quần xooc màu ghi, cái áo kẻ đỏ, nói: cậu không biết giữ tiền. Cậu kêu cậu mất tiền. Vậy thì ai lấy tiền của cậu? Mọi người đi làm suốt ngày, chỉ có chúng tôi ở nhà. Như thế này chả hóa ra cậu vu cho chúng tôi lấy tiền của cậu. Cậu không ở đây thì thôi! Từ xưa chúng tôi làm ăn chân chính, sống bằng cái nghề cho ở trọ này, nay cậu kêu mất cắp làm chúng tôi mất hết cả thể diện. Cậu  nên chuyển đi nơi khác! Ông nói chậm nhấn mạnh từng từ, hình như lòng ông cũng thấy thương cậu bé bằng tuổi con trai mình. Nó cơ nhỡ vất vả. Ông đã không giúp gì được cho nó. Cuộc đời ông không dám nói quá lương thiện,  cũng tham,  chắt bóp và bủn xỉn, cũng đã có lần trèo cây hái quả của người khác trong vườn, nhưng chưa bao giờ lại đi lấy trộm tiền của đứa trẻ, vậy mà lần này…..
Tạm biệt thành phố! Tạm biết thành phố! Lần này Khiêm theo tốp thợ ở cùng quê, lên vùng trung du làm gạch. Chủ máy  thật ra cũng làm thuê cho chủ lò. Dăm sáu người trong  tổ, người chuyên xúc đất hất vào phễu máy, người đứng cắt gạch, vài ba người khác cáng gạch ra sân phơi. Cái máy Điesel suốt ngày chạy  xịch sịch, phả khói đên sì, ngốn đất nhào nặn, đùn dây gạch ra hệ thống băng chuyền con lăn. Ăn đấu làm khoán, nên chẳng ai phải thúc dục, mọi người làm việc như cái máy. Khiêm được giao nhiệm vụ xúc đất. Từ sáng sớm tới gần mười hai giờ, từ một rưỡi đến gần bảy giờ,  tay cầm xẻng khom người xúc đất, nâng xẻng đất nặng hất vào phễu máy, khiến người Khiêm rã rời. Mấy ngày đầu tưởng không chịu nổi, Khiêm định bỏ việc. Nhưng Khiêm không còn lối nào để đi, không có sự lựa chọn nào khác. Tối , sau một ngày làm việc mệt nhọc, sau khi ăn cơm, nằm trên phản gỗ trong lán che tạm bằng nứa, mùa đông gió thổi ào ạt, ào ạt, gió như con ngựa hoang chạy  rộng rài trên khoảng đồng trống, rét buốt thấu xương. Có hôm trời mưa phùn, gió mùa đông bắc bổ sung, trời rét đậm, Khiêm ăn mặc phong phanh, đứng dưới thùng đấu, hất từng xẻng đất lên trên, mồ hôi đẫm lưng áo, chỉ cần ngưng tay xẻng một chút là cái lạnh ập đến.
Cùng tổ với Khiêm có Đào, vốn là người địa phương. Đào chuyên gánh gạch ra sân phơi. Chẳng hiểu sao Đào để ý đến Khiêm, đôi mắt  cô gái tuổi mười tám thơ mộng và đa tình mỗi khi liếc nhìn Khiêm, rồi e thẹn quay đi. Cái liếc như một ánh chớp, xé cõi lòng đang tràn ngập nỗi mặc cảm và cô  đơn của Khiêm. Một buổi Khiêm ốm nặng, người nôn nao, rồi Khiêm nôn thốc nôn tháo, toàn thân lúc người nóng bừng như cục than, lúc lạnh giá như băng, phủ trên người vài tấm chăn vẫn run lên bần bật. Khiêm mê man….Khiêm ú ớ những gì không rõ, đôi môi khô rộp vì thiếu nước. Mọi người khác trong tổ vẫn đi làm, Đào ở lại trông Khiêm. Đào ngồi bên Khiêm trên tấm phản bằng gỗ tạp, nhìn khuôn mặt còn non nớt mệt mỏi đang vật vã với bệnh tật, lòng Đào dội nên nỗi xót thương. Đào kéo chăn lên tận cằm để ủ ấm cho Khiêm. Đào lấy gạo, nhóm lửa bằng củi nứa nấu cháo cho Khiêm, rồi dỗ dành bón từng thìa cháo vào miệng Khiêm. Nói thật, Đào để ý tới Khiêm từ những giây phút đầu tiên hai người gặp nhau bên thùng đấu. Lúc ấy người Khiêm tắm trong bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, những gợn tóc mai bết trên trán, đôi mắt nhìn dữ dội như có lửa. Một điều gì đó manh nha và mơ hồ chợt đến có thể do hoàn cảnh của hai người có những nét tương tự. Đào vốn là con nuôi của một gia đình ở địa phương. Bố mẹ nuôi nhặt được Đào trên một quả đồi, người quấn chặt trong mớ tã lót, với dòng chữ: “ Ai nhặt được cháu, nuôi giùm. Xin cám ơn.!” Bố mẹ nuôi cũng chẳng giàu có gì. Ở cái vùng trung du chó ăn đá, gà ăn sỏi, cây trồng chủ yếu là bạch đàn, cánh đồng trũng ngập nước bạc màu, mưu sinh nuôi Đào và mấy đứa con với bố mẹ cũng đã khó khăn. Hơn mười tuổi Đào đã theo mẹ trồng sắn, cuốc ruộng cấy lúa, trỉa ngô trên sườn đồi. Ngày qua tháng lại, thoắt một cái Đào đã mười tám tuổi.Dù bố mẹ nuôi thương Đào như con đẻ, trong lòng Đào vẫn khao khát về tình cảm cha mẹ, cái nôi gia đình yêu thương đùm bọc và sự chở che. Song Đào không nghĩ quá xa xôi, mà giản đơn, tự nhiên như cây cỏ hoang dại trong vô cùng bất tận của những ngọn đồi trọc, những cánh đồng mênh mang mùa hè về săm sắp những nước với những con cò đứng buồn thiu co ro trong sắc tím chiều tà. Giờ những xúc cảm của tình yêu chợt đến, Đào không suy nghĩ nhiều mà hồn nhiên theo tiếng gọi của ái tình.
Với Khiêm sự chăm sóc của Đào, đặc biệt lúc yếu đau, bù lấp trong Khiêm nỗi cô đơn, mặc cảm về thân phận, thổi bùng  khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Vào những đêm thanh vắng, trên gò cao, xung quanh là những  thùng đấu, xa nữa là những cánh đồng mờ mờ ánh trăng suông, hai đứa bên nhau, người vặt hoài những ngọn cỏ đưa lên miệng cắn, người ngồi nhìn cánh đồng hoang..e ấp và vụng dại.
Nếu như không có việc diễn ra sau đây  có thể Đào sẽ là vợ Khiêm. Ông Chủ của cơ sở sản xuất gạch vốn là tay hiếu sắc, khuôn mặt lúc nào cũng đỏ au, đôi mắt dâm dê nhìn phụ nữ cứ xoáy vào… khiến có người phải xấu hổ, vẻ mặt vừa gian vừa lì lợm của người từng trải, đã có vài tập nhưng vẫn sưu  tập tập mới, dù đã đến tuổi ngũ tuần. Thấy Đào là ông nảy sinh cuồng vọng chiếm đoạt, song chưa có cơ hội. Thế rồi vào một đêm trăng khi Đào vục nước tắm, nước ở vùng đầm này vẫn rất sạch và trong, nước mát rượi xua đi nỗi nhọc nhằn ban ngày. Khi Đào bước lên bờ, có người chạy đến ôm riết lấy, cô cuống cuồng chạy, hai tay vùng vẫy xua đẩy cái thân hình ngai ngái mùi thuốc lào, mùi mồ hôi, mùi hăng hắc của cơ thể đàn ông lâu ngày không tắm…Đào kêu lên…ối..Ai đó… đồ đểu cáng, có buông ra không. …!  Khiêm đến, giằng cái xác người to vật ra khỏi người Đào, tiện tay tống vào mặt hắn mấy cái. Người đàn ông hộc lên ...và rồi ông ta chợt cất tiếng: Cậu Khiêm! Tôi đây. Tôi là Công đây Tôi! Công đây mà!
Đào ngồi khóc. Khiêm đứng bên cạnh, trong lòng đau thắt đến cực độ, vì sự tổn thương, vì tình yêu bấy lâu Khiêm dành cho Đào nay như có người hắt bẩn lên tấm áo trắng tinh khiết, cảm thấy mất mát  to lớn.
Sáng sau, Khiêm đáp tàu  vào  miền trong. Ngồi trên xe lửa, nhìn làng  thôn, phố xá vun vút chạy ra sau, tiếng động cơ tàu hỏa nổ sình …sịch, tiếng bánh xe nghiến vào đường ray …rin….ri..rít, Khiêm nghiến răng dường như muốn lấy lại sức mạnh và sự  can đảm, thầm nhủ: Tạm biệt quá khứ, tạm biệt những ngày  dại khở, yếu đuối. Khiêm phải trở nên mạnh mẽ và can đảm.  Khuôn mặt Khiêm giờ đây đã có nét phong trần, ria mép đã xanh càng làm anh trở nên rắn rỏi và từng trải.
Học được cái nghề đun gạch, vào T-H Khiêm vay vốn, mở lò gạch tại Quỳ Hợp, sau mấy năm quày quả, tiết kiệm, dành dụm được ít  tiền, Khiêm mua đất ở quê. Lúc ấy, xã bán lại cho dân những mảnh đất dọc con đường liên xã với giá  rẻ, bằng một phần mười đất giá đất ở nơi khác. Khiêm  mua được mấy mảnh giao lại cho anh chị Tài trông nom. Những miếng đất này ở mặt đường, nên có thể dở việc gì đó để làm rất tiện lợi. Mấy tháng sau đất lên giá vù vù, gấp hơn hai chục lần, vậy là Khiêm trở lên giàu có.  Vất vả hàng chục năm, nghèo vẫn hoàn nghèo, vậy mà lúc giàu nhanh quá khiến Khiêm sững sờ. Anh Tài nói : chú giờ cũng có máu mặt rồi, nên lấy vợ nó để nó giữ. Khiêm nói: nói đến lấy vợ em ngại quá, ngoài ba mươi rồi, lấy con gái trẻ không chiều được, phụ nữ độ tuổi hăm tám, ba mươi thì chồng con đâu đấy. Anh Tài cứ riết róng, Khiêm ừ hữ rồi cho qua.
Giờ đây, trong giao tiếp, Khiêm nhận  thấy sự  nể trọng của người khác, điều đó đôi khi làm Khiêm khó chịu. Mọi người thầm thì trẻ thế mà đã tỉ phú rồi. Đi lên bằng hai bàn tay trắng. Giỏi thật!Mọi người đồn đoán, làm Khiêm nổi danh cả một vùng. Doanh nhân các nơi tìm đến rủ Khiêm chung vốn làm ăn, họ nhìn Khiêm bằng ánh mắt nể phục không giấu giếm. Thậm chí có người nói nịnh: cậu có tướng ông chủ,  cậu có quí tướng giàu sang. Thời gian đó Khiêm bỏ tiền đâu trúng đó, trong tay có vài tỷ đồng, vài miếng đất, rồi cơ sở sản xuất gạch ở Thanh Hóa.Đôi lúc Khiêm tỏ ra tự mãn nghĩ: làm giàu vậy ra cũng không khó lắm.
Một buổi Khiêm trở  về vùng trung du thăm lại nơi đã cùng với đám thợ đấu làm gạch. Khiêm muốn gặp lại  Đào. Theo tay chỉ, Khiêm theo lối rẽ ngoằn nghèo lượn vòng trên sườn đồi đầy những bụi xấu hổ đang trổ hoa tím ngắt, những lùm cây hương nhu và bạch đàn thân trắng cao vút tới nhà Đào. Đào một tay ôm con, tay cầm cái chổi quét sân. Mới độ ba mươi, phụ nữ một con lẽ ra trông mòn con mắt, nhưng trong bộ đồ ngủ bằng vải phin hoa màu vàng chanh nhàu nhĩ, cái dáng vẹo sườn, Đào thật nheo nhách. Nhưng đôi mắt vẫn đôi mắt của kẻ có tình, buồn bã và sâu lắng. Khiêm bỗng nhớ lại những đêm trăng chỉ có hai đứa bên nhau, bên cánh đồng hoang dại, trên gò cao, không gian đầy tiếng côn trùng rỉ rả kêu. Hai đứa cực nghèo hôn nhau, nụ  hôn cũng say  đắm, cũng thi vị lại còn đầy ắp sự cảm thông chia sẻ. Vậy  mà nay Đào đã là vợ lẽ của Công, một ông chủ lò gạch nhiều tiền, nhiều vợ, Đào đã có con. Nếu không có cái sự  ấy xảy ra, có lẽ Đào thành vợ Khiêm, cuộc sống của Khiêm sẽ khác đi. Đào nhìn Khiêm, giấu đi tình cảm thực trong lòng, nói bằng giọng lạnh  lùng cứ như trước đây hai đứa chưa có những  phút giây bên nhau- dịp này Khiêm thế nào? Lâu lắm không gặp!Đào nói tỉnh không: Tớ có con rồi. Nó đấy. Lão mua cho tớ mảnh đất, làm cho tớ cái nhà này. Mẹ con tớ lần hồi nuôi nhau. Còn Khiêm?
Khiêm không trả lời, trong lòng cảm thấy thương yêu Đào vô cùng, có lẽ cũng vì Đào với Khiêm là cảm xúc đầu tiên trong đời, có lẽ vì trong những lúc truân chuyên, Đào như một vị thánh áo trắng dịu dàng và tinh khiết đã thông cảm, chăm sóc Khiêm những lúc đau yếu. Khiêm hiểu không thể ở lâu hơn với Đào, ngay chiều đó bắt xe về cơ sở ở Thanh Hóa.
Ông trời thật ác, mưa xối mưa xả nhiều ngày liền. Ngay ngày thứ hai của đợt mưa, đã có lũ, đập vỡ, cả khu lò chìm trong biển nước đục  ngàu. Phải mấy  ngày sau mưa mới ngớt, nước rút cũng nhanh. Khu lò gạch, với những vỏ lò có thể đun hàng chục vạn viên với lán trại, gạch chín, gạch mộc, than củi  cả mấy cái máy đùn nhào đã bị nước cuốn phăng. Khiêm xót xa đứng nhìn thành quả của hơn chục năm lao động bỗng chốc xuống sông ,xuống biển lại còn thêm nợ chưa trả cho chủ than và tiền vay ngân hàng…. Người Khiêm như đổ gục xuống. Khiêm muốn hét, muốn nhảy lên, muốn chạy, muốn đâm vào đâu đó vì cùng quẫn, chợt nghĩ tới mấy mảnh đất ở quê lại dằn lòng.
Ngay sau đó Khiêm về  quê, bán mấy mảnh đất đem vào đầu tư lại cơ sở, song cũng thật không may, năm nay bão lũ nhiều, lần này lũ cũng cuốn đi tất cả.
Nỗi thất vọng tràn trề, Khiêm ngồi một mình ở quán nước lề đường, đã mấy ngày nay Khiêm sống trong thất vọng chán chường, muốn buông  thả, phó mặc cho cuộc đời như cát bụi muốn bay muốn tấp thế nào mặc kệ. Khiêm muốn quên tất cả, bởi Khiêm sực nghĩ cuộc sống của Khiêm và kiếp người thật bấp bênh, lúc lên voi, lúc xuống chó. Khiêm có lúc nghèo kiết xác, tha phương nơi quê người kiếm sống, có lúc Khiêm đã có rất nhiều tiền, những tưởng không bao giờ phải chịu cảnh nghèo khó, nhưng cuộc đời thật chớ trêu đã lấy của Khiêm tất cả:“tình yêu đầu đời để lại cho Khiêm vết thương lòng và nỗi nhớ không thể nguôi ngoai, đồng tiền xương máu mà Khiêm đã phải bao vất  vả mới có được”. Cuộc đời như muốn  trêu ngươi Khiêm. Khiêm uống rượu, để quên đi nỗi đau này. Khiêm mơ màng nhìn dòng người đang tất bật mưu sinh trong  nắng và cát bụi trên đường, đầu óc trống rỗng, sực  nghĩ  rằng cuộc sống thật phù du. Rời quán nhậu, Khiêm lảo đảo đi trong cái nóng như đổ lửa, gió lào thổi nóng rát , bụi cát quất vào mặt, vào mắt. Đôi chân Khiêm chỉ chực khuỵn xuống. Chợt có bàn tay nào đó vỗ mạnh vào vai Khiêm làm Khiêm bừng tỉnh.
Dũng nói : buồn lắm hả. Mới thế mà đã nản. Cuộc sống còn có lúc khó khăn hơn,  thế đã nhằm nhè gì? Người đâu mà hơi chút đã nản. Cúi mặt xuống thì làm ngựa, nhìn lên đối chọi với khó khăn để vượt qua thử thách cam go để phát triển thì làm người. Mày muốn làm người hay ngựa? Đã làm người thì phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Đừng uống rượu nữa! Đứng lên mà làm lại. Thời gian của mày  vẫn còn đó.
 Dường như có tia sáng nào đó rọi qua cái đầu u mê của Khiêm làm Khiêm chợt bừng tỉnh. Khiêm muốn làm người ,muốn khẳng định cá nhân trong cuộc sống. Phải !. Tất cả chưa phải là kết thúc. Khiêm còn thời gian. Khiêm phải bắt đầu lại, tìm kiếm cách thức vươn lên có giá trị trong cuộc sống.
Trở về làng, khi chưa tìm được công  việc khác khả dĩ, vào mỗi sáng, khi tiếng gà gáy canh ba ò ….ó…o…o..vừa dứt, Khiêm thức giấc, vội vã nhào khỏi giường, dắt chiếc xe đạp, dóng hơn tạ nghệ trong hai chiếc bao hàng, rồi lầm lũi thồ hàng sang chợ Chảy. Đôi chân Khiêm guồng từng guồng trên đôi pe- đan, đôi lúc phải dướn người, dùng sức nặng của cơ thể để đạp xe qua dốc, hoặc ổ gà. Nghĩ ngại chết người, nhưng tiếng gọi của đồng tiền thúc dục  Khiêm, tiếng gọi của ý chí quyết tâm vươn lên vì nhân phẩm và lòng  tự trọng thúc dục Khiêm. Mồ hôi, mồ kê chảy ròng trên mặt, đẫm ướt lưng áo Khiêm. Ban mai, những ngọn gió sớm mát lành làm bớt đi sự  mệt mỏi của Khiêm. Như thường lệ Khiêm phải có mặt ở chợ chảy vào lúc 5 giờ sáng. Lúc đó người đi chợ sớm, đông việc  mua bán dễ dàng hơn. Công việc không đơn giản như Khiêm nghĩ, thật ra cũng đã có người mang các loại nghệ đỏ, nghệ đen từ quê sang bán  ở nơi này. Khiêm tự nhủ bán hàng có cái duyên của người  bán hàng, trước hết phải tạo chữ tín để làm ăn lâu dài, giữ chữ tín về chất lượng của hàng, và lấy giá vừa phải, đôi khi Khiêm còn khuyến mại cho người  mua vài ba cân nghệ.  
Thời gian sau Khiêm đã xây dựng cho mình một số cơ sở phân phối hàng. Khiêm mua chiếc xe tải con, mỗi chuyến chở chừng hơn tấn nghệ, gừng sang giao cho đầu mối. Tiện xe, lúc về chở mía hoặc khoai lang tím mang  về bán buôn ở chợ quê.
Quày quả với công việc buôn bán, tuy nhiên được  đồng lãi và cơ hội của sự  tự chủ khiến Khiêm như người say. Khiêm bị cuốn đi theo sự tất bật của dòng chảy mưu sinh. Trong lòng Khiêm lúc nào cũng dội lên những tiếng nói: phải làm giàu, làm giàu để nâng cao giá trị  bản ngã, để tự chủ , để có được sự nể trọng của cộng đồng. Làm giàu đó là sinh mệnh của Khiêm.
Những lúc có được  vài giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, những kỷ niệm của thời ấu thơ, sống bên cha mẹ, củ khoai củ sắn thay cơm. Trời ợi! Khiêm muốn trở lại tuổi thơ, trở lại dòng  sông êm đềm nơi Khiêm cùng lũ bạn vặt cỏ gà chơi chọi, dòng sông êm đềm của  tuổi thơ trong đó có tình cảm, và sự  che chở của mẹ. Khiêm nhớ tới Đào, người đã thức dạy trong Khiêm xúc cảm yêu đương lãng đãng nhưng vô  cùng dữ dội. Tình cảm ấy vẫn còn đó trong lòng Khiêm lúc như gió thoảng qua, lúc trào dâng dữ dội, đánh thức trong Khiêm nỗi đau, thôi thúc Khiêm phải vươn lên khẳng định giá trị bản ngã, giành lấy sự trọng nể của mọi người.
Song cuộc đời Khiêm có bước thay đổi thực sự khi có biến cố sau đây xảy ra. Vào một ngày hè  sau khi đổ hàng cho một số thổ ở chợ Chảy,  mua mía chất đầy vào thùng xe, Khiêm nổ máy lái xe, lách qua những đám đông người mua bán trên đường. Đôi lúc phải dừng xe, Khiêm bực  tức nhìn ra ngoài buông câu chửi thề. Xe phải đỗ ở phố Yên hơn nửa tiếng vì tắc đường, vượt qua phố Yên lúc ấy đã gần mười  hai giờ trưa, Khiêm cảm thấy bụng đói cồn cào, bèn chọn một nhà hàng quen, cho xe rẽ vào theo hướng tay chỉ dẫn của người bảo vệ.  Khiêm cho xe đỗ vào bãi rồi thư thả bước vào nhà hàng. Là khách hàng quen thuộc của nhà hàng lại là dân lái xe nên Khiêm được chủ nhà đón tiếp vồn vã. Khiêm ngồi ở một chiếc bàn ngay cạnh bếp nấu, mùi thức ăn  từ trong bếp nấu bốc lên sực nức càng khiến bụng Khiêm cồn cào. Chủ nhà hàng độ ngoài 40 tuổi, cái bụng phưỡn ra , cái má chảy xệ vì béo, tóc cắt ngắn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại , cho gia vị vào các món xào nấu. Chủ hàng càu nhàu: bảo bà mua gia vị cho đủ, không mua, nay lại thiếu rồi. Món này không có ngũ vị hương nước dùng trắng chợt, không dạy mùi. Các món ăn không thơm ngon còn ai đến nhà hàng nữa! Vợ chủ nhà hàng nói: tôi tìm mãi không mua được ngũ vị hương. Dịp này không có hàng. Trong đầu Khiêm chợt lóe lên một ý tưởng: Khiêm sẽ chế biến gia vị, đặc biệt đó là ngũ vị hương.. Nhưng làm thế nào?  Ngũ vị đó gồm những  loại nào? Khiêm biết chắc trong đó có bột nghệ… còn các vị khác. Khiêm hỏi chủ  hàng. Thành phần của ngũ vị hương, chú biết chứ? Chủ hàng nhìn Khiêm rồi lại chú ý vào xào nấu, buông câu:  Thì gồm nghệ này, hồi, trẩu này….một số vị khác  nữa. Gọi là ngũ vị nó không chỉ có thành phần từ năm vị….. còn hương liệu nữa, thành phần ấy vừa có vị vừa có hương khi chế vào các món sào, món lẩu tạo nên vị và mùi thơm đặc biệt. Tôi chỉ biết có thế. Cậu đi mà hỏi chủ  nhân của nó  ấy. Vậy là Khiêm lao tâm khổ tứ tìm công thức chế biến ngũ vị hương. Và cuối cùng Khiêm đã thành công.
Nay Khiêm đã có trong tay cơ sở chế biến ngũ vị hương, nhà xưởng chừng một ngàn mét vuông, mấy cái máy dùng xay nghệ,  lò sấy nghệ, bể rửa nghệ, máy xay vỏ quế , máy xay hồi, trẩu, máy đóng gói sản phẩm… sản phẩm ngũ vị hương của Khiêm được bán ở khắp nơi từ lạng sơn vào sài gòn. Có tiền khôn như con mài mại, Khiêm cho đóng gói bột nghệ, loại một cân, loại nửa cân, loại chỉ hai ba lạng, dành cho những người đau dạ dày, sau đó lại nghĩ ra cách chiết xuất tinh bột nghệ. Tinh bột nghệ mỗi ký bán chừng gần triệu đồng, song đòi hỏi đầu tư kỹ thuật và sự tinh chế đặc biệt.
Giờ Khiêm là giám đốc của một công ty chuyên sản xuất sản phẩm ngũ vị hương và các dược liệu từ củ nghệ, hàng năm sử dụng tới ngàn tấn nghệ, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hàng trăm người ngoài ra còn có hàng vài trăm người khác chuyên trồng nghệ ở địa phương. Công ty có đại lý ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Vinh,  đội xe riêng chuyên chở sản phẩm đi giao hàng ở các nơi. Khuôn mặt Khiêm giờ đẫy ra, sạm nắng  phong trần, trải nghiệm trong gian khổ và mất mát khiến cho Khiêm vững trãi và kiên nghị nhưng vẫn còn đó trái tim giàu lòng trắc ẩn để cảm thông với những số phận đời người. Giám đốc suốt ngày bận việc hết việc ở xưởng sản xuất, đến việc giấy tờ và đi liên hệ ký kết các hợp đồng, đôi lúc muốn rời công việc vài ngày cũng khó. Tới đây công ty sẽ mở thêm xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Khiêm nói: kiếm được đồng tiền đâu dễ dàng, chỉ cần sơ xuất có thể đổ bể cả sự nghiệp. Giờ đâu chỉ có lợi ích của Khiêm, còn lợi ích của nhiều người gắn bó với công  ty, bởi thế đâu có thể chủ quan tự mãn, phải làm việc anh ạ!
                                                                        Viết xong tại Buôn Ma Thuột ngày 7/11/2013


                                                                                         Hồ Ngọc Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét