Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Tình yêu bên cung đường lửa


                                                                                          Truyện ngắn của Hồ Ngọc Vinh
Xe đã ra tới thị xã Đồng Hới. Những ngọn đèn thành phố nhấp nháy, nhấp nháy trên các nẻo đường, ánh sáng hắt ra từ các khuôn cửa sổ của các dãy nhà khiến thành phố về đêm như một dải ngân hà hiện diện dưới mặt đất. Ạnh Lung nghĩ: đó chính là dấu hiệu của sự sống đã hồi sinh sau gần bốn mươi năm chiến tranh. Anh nói: từ đây qua đường HỒ CHÍ MINH đến đèo Đá Đẽo chừng khoảng 60 km. Mỗi lần qua đây anh không khỏi có cảm giác bồi hồi. Chị Tuyết hiều anh, bởi lòng chị cũng đang xốn xang. Chị nói: bảo lái xe rẽ về đó anh!
Giờ là 12 h đêm, rẽ vào đó mất chừng hơn tiếng, rồi quay ra, có thể từ đó cứ theo
theo con đường Hồ Chí Minh về tới Hà Nội cũng nhanh- Anh Lung nói rồi thở sâu. Bỗng chốc như đang sống lại trong thời gian khốc liệt khi giặc mĩ điên cuồng bắn phá con đường, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền bắc cho miền nam ruột thịt..
*
            Cuối mùa khô, suối cạn, nước chảy róc rách qua những khe đá. Chiều nay, họ ngồi bên nhau ria con suối . Anh Lung nói bằng giọng ấm áp, giai điệu mượt mà biểu lộ tình yêu thương sâu đậm:
- Số phận đã đưa em đến với anh!
            - Sao anh lại nói vậy?Chị Trang hỏi.
            - Lẽ ra anh được biên chế vào đơn vị vốn toàn bộ là giáo viên các cấp của các trường trong tỉnh, chuẩn bị làm công tác giáo dục ở các vùng giải phóng, thay vào đó hồ sơ của anh được chuyển về đơn vị thanh niên xung phong. Vậy là anh vào đây gìn giữ cung đường này.
            -Anh ở đơn vị mấy năm rồi?
            - Hơn ba năm, từ những ngày đế quốc mỹ leo thang chiến tranh đánh phá ác liệt miền bắc, đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn.
            Anh nói vậy thôi! Con gái Quảng Bình có chi  để anh để ý …
            Anh Lung ngồi trên phiến đá rộng, chân co, chân duỗi, dáng người mảnh mai. Khuôn mặt trái xoan bao năm rám khói bụi chiến trường trầm lắng nghiêm nghị, song vẫn thấy ánh sáng, linh hoạt của dân trí thức gạo cội.
-         Thế hết chiến tranh anh sẽ làm gì?
-         Anh sẽ lại làm giáo  viên. Anh yêu nghề gõ đầu trẻ. Tiếp xúc sự hồn nhiên,
trong sáng của các em, anh thấy mình như trẻ lại. Anh muốn chắp cánh ước mơ cho các em.
-         Em ghen tỵ với anh đấy. Mai anh có xuống trung đội 3 không?
-         Có chứ! Một số đồng chí trung đội ba đang học chương trình toán lớp 7.
-         Em ước gì sẽ học nữa. Anh dạy em học. Nhưng mà thôi! Em muốn sống với
người mình yêu, bên cạnh những đứa con.
            Họ im lặng giây lát. Tiếng bom nổ uỳnh……ùy…uỳnh như giã gạo từ chiến trường  nam vọng lại. Thậm chí có những lúc mặt đất, rừng cây rung lên, những con sẻ rừng hãi sợ vụt bay lên táo tác nhắc nhở anh hai người rằng chiến tranh vẫn ác liệt, cái chết lúc nào cũng cận kề.
            Đó là những ngày tháng yên ả hiếm hoi khi giặc mỹ ngừng ném bom miền bắc. Đội thanh niên xung phong của anh Lung chủ yếu dùng mìn phá đá, dùng búa đập đá, san lấp đường, tiếp tục mở đường cho  xe chạy. 
            Sáng nay, cũng như mọi sáng ở cung đường lửa, vậy mà anh Lung luôn có cảm giác bất thường. Khu rừng vào những ngày đầu tháng 5, cây cối phủ lên mình bộ cánh xanh mướt………không gian vắng tiếng chim kêu. Chiếc OV10 bay lè vè , lè vè  quanh đi, quanh lại một cách đáng ghét trên khu rừng.
 Đại đội trưởng Liên hô to: các đồng chí ơi! Lên chốt  thôi! Anh Lung cất quyển nhật ký, cẩn thận xếp nó xuống tận đáy ba lô, vội vác chiếc xà beng chạy theo đội hình đơn vị. Cuốn nhật ký này, anh viết bắt đầu từ ngày từ giã bục giảng, trở thành thanh niên xung phong, cùng đại đội phục vụ trên cung đường được mệnh danh là cung đường lửa này. Đơn vị theo con đường mòn men theo mép núi lên đường. Người cầm mai, người vác cuốc. Cánh đàn ông vác trên vai những chiếc xà beng, búa tạ nặng . Sườn núi này, sau những trận ném bom ác liệt của máy bay mỹ, hầu như không  còn cây lâu niên, nay ngập cỏ tranh, thi thoảng mới thấy vài cây dương núi, lá như lá sòi nhưng nhỏ, thân màu trắng. Hai bên đường rậm rì cỏ tranh, và cây lau. Mọi người vén cỏ tranh lên cung đường. Từ đây đi ngược ra phía bắc khoảng dăm km là tới đèo Đá đẽo, bên là núi, bên là vực hiểm trở, vòng về phía nam đến phà Xuân, nơi diễn ra những trận  ném bom ác liệt của máy bay mỹ. Bộ đội công bình ngày, đêm có mặt trên bến, giữ phà, giữ xe.
 Đi bên cạnh anh là Trang, dáng người mảnh mai trong bộ trang phục thanh niên xung phong. Cái áo màu xanh cỏ úa chiết ly thân trước và thân sau tôn thêm  dáng thắt đáy lưng ong. Cái mũ tai bèo màu xanh, làm khuôn mặt cô dẫu bao ngày vất vả xẻ núi, đập đá, vá đường vẫn tươi xinh và lạc quan. Cả mái tóc cô dài chảy xuống vai sau trông thật nữ tính.
Đại đội trưởng Liên phân công mọi người vào vị trí công việc, xong, quay ra cầm chiếc xà beng thúc vào phía dưới một tảng đá, dùng hòn đá khác làm điểm tựa, bẩy dần nó ra khỏi mặt đường. Anh Lung nói: Đêm qua khá nhiều đất đá trượt từ trên triền cao xuống đường. Anh dùng xà beng  cùng anh Liên bật nảy từng tảng đá đưa nó xuống ta luy âm. Chị Trang cung với các cô gái khác trong đội dùng xẻng xúc đất san đường.
Khoảng độ 9h, núi rừng bỗng rung chuyển bởi tiếng máy bay gầm rít, ngay sau đó là tiếng bom nổ chát chúa. Từng cột khói bụi bốc lên, đất đá văng tung tóe. Bom nổ trên mặt đường, bom nổ trên sườn núi, bom nổ dưới ta luy âm, có quả nổ gần ngay doanh trại của đại đội thành từng chuỗi liên tục . Oành….Oành….. Oành. Không gian ngả màu vàng xám xịt. Cây cối hai bên đường bị đốn, bị phạt tả tơi. Lác đác có đám lửa cháy. Ngay lập tức đám cỏ tranh bén lửa cháy phần phật. Anh Lung, chạy lúp xúp, lúp xúp, chân vấp ngã liên hồi, đất đá bắn rào rào vào người. Tiếng đại đội trưởng Liên. Các đồng chí mau lên cứu người, cứu hàng, cứu xe, đưa thương binh về trạm.
Bom mỹ sáng đó đánh trúng đội hình của một trung đoàn bộ binh đang chuyển quân vào nam. Đại đội anh cũng có vài chiến sĩ hy sinh. Nhìn những chiếc xe giải phóng, những chiếc jin bị cháy trơ lại vài thanh sắt khung sườn, đặc biệt thương binh đang đau đớn nằm trên đất ngay bìa rừng, anh Lung thấy lòng đau thắt lại. Anh nghĩ: Họ còn trẻ quá, lẽ ra tầm tuổi này họ đang ngồi trên ghế nhà trường chuyên nghiệp. Tương lai còn nhiều hứa hẹn. Họ còn có thể đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng đất nước. Những giọt nước mắt nóng bỏng mặn mòi tứa ra trên khóe mắt, chảy lăn dài trên má anh.
Đại đội họp vào ngay chiều hôm đó. Đại  đội trưởng Liên nói: thua đau ở chiến trường miền nam, giặc mỹ trở lại đánh phá miền bắc, đặc biệt là tuyến giao thông huyết mạch này, tuyến đường Trường Sơn. Phát huy truyền thống thanh niên xung phong “ sống bám cầu , bám đường. Chết kiên cường dũng cảm”, toàn đơn vị quyết tâm bám đường, giữ cho thông tuyến, để gạo không thiếu một cân, đạn không thiếu một viên, chi viện cho miền nam đánh Mỹ Ngụy.
Đơn vị tổ chức khoét núi  tạo thành những căn hầm rộng. Anh Lung cùng đồng đội chọn những cây thân gỗ đường kính khoảng 20 cm, cưa cắt thành từng đoạn, mang về làm  cột kèo, chống và ken mặt trần, đập dập thân nứa ken hai bên thành hầm. Mặt khác, cưa những thân gỗ dài khoảng gần mét, đóng cột làm chõng, néo xà tạo thành khung  chõng cao hơn mặt  nền chừng vài chục phân, rồi vót nan làm giát. Mọi sinh hoạt của đơn vị từ đó diễn ra chủ yếu trong hầm. Có lúc trời còn chưa sáng rõ, bỗng nghe tiếng thét của nữ thanh niên xung phong. Anh Lung cùng các đồng chí nam thanh niên xung phong vội chạy lại, thì ra  ngay dưới gầm chõng, vài con rắn núi đang ngển cao cái cổ, phun phè phè. Đó là những con hổ mang núi. Đúng là một phen hú vía.
Máy bay mỹ oanh tạc cung đường cả ngày lẫn đêm. Dịp này đang mùa mưa. Mưa dầm dề  khiến đất rừng lúc nào cũng ướt lép nhép. Lá cây thấm nước mưa, gặp gió nước mưa từ lá rừng rào rào rơi. Để tránh máy bay địch, xe ta chạy vào buổi tối. Cứ chập tối là từng đoàn xe chỉ dùng đèn gầm ầm ì, ầm ì đi qua cung đường…Có đoạn đường chi chit những hố bom mới. Đại đội người xúc đất san, vá đường. Các cô gái đứng ven đường hoặc ven ngầm làm tiêu cho xe chạy. …Trên trời,  những quả pháo sáng treo lơ lửng, tỏa ánh sáng soi mói chết chóc. Máy bay mỹ ào đến ném bom vào đèo Đá Đẽo, ném bom vào Bến phà Xuân. Chúng rải bom suốt cả cung đường dài hơn chục km. Đêm ấy, chị Hiên người yêu của đại đội trưởng Liên hy sinh. Mảnh bom phạt một miếng sau ót. Mảnh bom găm vào đùi trái của chị.. Từ vết thương những giọt máu hồng tươi vẫn còn ấm nóng rỉ ra khiến  trang phục thanh niên xung phong của chị bết máu. Khuôn mặt chị vẫn tươi, thản nhiên như đang ngủ.
Chị Trang vục xuống bên thi thể của đồng đội, khóc nức. Chị nói trong tiếng nấc nghẹn nghào: con nhỏ nó sắp làm lễ cưới! Con nhỏ nó sắp làm lễ cưới rồi!  Trang ơi!  Vậy mà bom Mỹ lấy đi cuộc sống của nó.
Bên cạnh Hiên, đại đội trưởng Liên, khuôn mặt như đanh lại, dường như đang ghìm nén nỗi mất mát vô cùng lớn lao. Anh đang ghìm giữ tiếng gầm thét trong lòng, cổ  họng như thắt lại. Anh vuốt ve thương yêu khuôn mặt của Hiên. Khuôn mặt ấy, đôi môi ấy “Hiên” với anh là cả cuộc sống. Anh đã đặt nụ hôn trên đôi môi ấy. Tâm hồn vô cùng trong trẻo, hồn nhiên ấy đã cho anh lạc quan, niềm tin để sống trong những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh. Lòng anh dạy lên nỗi căm thù không thể diễn tả nổi….
Sau hơn tuần  từ khi giặc Mỹ ném bom trở lại, những vạt rừng ven theo cung đường nay chỉ còn lại những thân cây cháy xém. Cả khoảng rừng đại ngàn xanh nay còn lại màu xám tro. Đây đó vẫn còn những thân cây cháy âm ỉ. Khói từ những thân cây đang cháy đây đó bốc lên tỏa vào khoảng trời màu xám u ám như màu chì.
Trong nhật ký của anh Lung có đoạn viết: “Giờ là  mùa mưa Trường Sơn. Mưa dầm dề, có những trận mưa như trút xuống rừng. Suối đầy nước, sôi réo. Nước lũ chảy xiết qua ngầm ào ào như thác cuốn phăng cả những tảng đá hộc.  Mặt đường, khu rừng bị bom Mỹ cày xới nham nhở. Đại đội cả ngày lẫn đêm có mặt trên đường. Hôm nay mình cùng hai đồng chí được phân công lên điểm cao 500, đếm bom, đếm tiếng nổ để phát hiện những kẻ thù giấu mặt, rình rập xe ta, bộ đội ta. Thoạt tiên, mình thấy lo lắng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cái chết của Hiên, của những đồng đội đã ngã xuống, lúc ấy không còn  sợ hãi nữa, chỉ còn lại là sự gan góc và ý chí quyết thắng mà thôi. Mình nghĩ tới Trang. Những giọt nước mắt của Trang đẫm ướt cả vai áo. Chưa bao giờ Trang khóc nhiều như thế. Khóc tức tưởi. Trang nói trong nước mắt nghẹn ngào: em thương con nhỏ Hiên quá. Mình nói: em khóc nữa đi! Khóc thật to! Vợi bớt đi nỗi đau thương để đừng có hèn yếu. Bởi hèn yếu còn đáng sợ hơn cái chết………”
Đêm nay, đơn vị ra ngầm. Mùa mưa, nước chảy qua ngầm dữ dội. Những chiếc xe giải phóng, bò lắc bên này, lắc bên kia chậm chạp qua ngầm. Pháo sáng nổ lục bục, những vệt lửa rơi hình vòng cung nhập nhoạng tỏa xuống ngầm, soi thấy những chiếc xe quân sự bên mình đầy lá ngụy trang. Anh Lung cùng đồng đội đứng  bên trái ngầm làm cọc tiêu cho xe đi. Khoảng 9h đêm, máy bay Mỹ lại ào đến. Chúng bay  thấp, tiếng rít của động cơ phản lực ầm ú đinh tai nhức óc. Bom nổ ngay ở ngầm. Trong ánh sáng chớp lóa, anh Lung nhìn thấy một chiếc xe gát 69 bị trúng bom, thân xe bung lên vỡ ra thành từng mảnh vụn. Bom nổ bên trái, bom nổ bên phải. Bom nổ ngay trước mặt chói lòa.
            Đơn vị tìm thấy anh Lung  nằm ở bên suối. Trang nói: anh ấy đây rồi. Không kịp nghĩ ngợi, cô bế thốc anh chạy lên bờ suối. Chị Trang đặt anh Lung nằm trong hang đá. Đại đội phó Lương nói: Cậu ấy vẫn còn thở!  Sơ cứu!…. Sơ cứu.! Đưa cậu ấy xuống trạm quân y Chop ngay.
  Khi tỉnh dậy, cảm giác đau như xé từ phía chân phải dội lên, anh Lung thử nhấc chân, cơn đau xốc lên tận óc. Toàn thân anh đều thấy đau, nhưng đau nhất là chân phải, rồi chân trái. Anh Nghiến răng, mắt nhắm lại cố chịu cơn đau mỗi lúc một tăng khiến toàn thân tê tái. Ngảnh sang bên phải, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn bão, anh thấy đại đội trưởng Liên Khuôn mặt bết máu, quần áo dính đầy máu và bụi đất. Người thứ hai anh nhìn thấy là Trang. Cô ngồi cạnh anh khuôn mặt đầy vẻ lo lắng. Anh hỏi ngắt quãng trong hơi thở yếu ớt: tôi đang ở đâu? Một giọng nữ cất lên như có vẻ mừng rỡ: anh ấy tỉnh rồi! Anh ấy vẫn sống và vẫn giọng nói ấy biểu lộ sự lo lắng vô bờ bến: anh đang nằm trong hang. Chúng em vừa đưa anh vào đây.  Trong lúc mê man anh loáng thoáng nghe có người nói: đại đội trưởng hy sinh rồi. Giờ đưa ngay anh Lung tới trạm quân y Chop! Cậu ấy mất nhiều máu quá!  Chân phải của cậu ấy bị mảnh bom phạt gãy. Đùi trái mảnh bom xé rách một mảng, nhưng rất may vết thương chỉ ở phần mềm……
Trong hang đá lạnh lẽo, ánh sáng vàng vọt nhập nhoạng của chiếc đèn bão dường như bị co lại, chỉ đủ soi một khoảng trống chừng vài mét.. Đại đội phó Lương khẽ vuốt cho đôi mắt của đại đội trưởng Liên khép lại. Anh bước ra ngoài hang cố ghìm tiếng khóc. Anh bỗng nhớ tới những ngày, anh Liên cùng cả đại đội chia nhau từng miếng cơm, miếng lương khô, hái những ngọn rau lang rừng về ăn đỡ xót ruột. Anh Liên sống gương mẫu lắm, thương đồng đội lắm. Ấy vậy mà con người ấy cũng đã hy sinh.
Bên cạnh Trang. Chị Thúy òa khóc. Chị Thúy nói: con bé Hiên mới hy sinh. Nay anh ấy cũng đi rồi. Chỉ vài ngày nữa thôi đơn vị làm đám cưới cho họ. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ cả, trong đơn vị ai nấy đều vui khi nghĩ tới điều đó. Vậy mà họ không đợi ngày đó. Cha tổ thằng Mỹ. Chúng bay thật độc ác!
Chị Trang không kìm được xúc động, nước mắt chảy dàn dụa, song chị cắn răng để khỏi khóc thành tiếng. Chị bỗng nhớ tới mấy hôm rồi, đại đội trưởng Liên lúc nào cũng lầm lì, dường như anh cố nén lại nỗi mất mát quá lớn trong lòng, cố gắng tỏ ra nghiêm nghị và cứng rắn trước mọi người. Con người tưởng như gỗ đá ấy không ngờ lại giàu tình cảm đến vậy. Chị gặp anh một mình bên con suối nhỏ, lặng lẽ để cho nước mắt tuôn rơi ngẹn ngào, người rung lên trong tiếng nấc. Người chết đã vậy, còn người sống. Anh Lung của chị  nằm đó cần được cấp cứu khẩn trương.
Đại đội phó Lương: đồng chí Tịnh, đồng chí Đồng đưa thương binh về trạm chop ngay.
Chị Trang: để em  đưa anh ấy xuống trạm quân y. Liền đó Chị  cầm hai đầu cáng cùng anh Đồng khênh cáng thận trọng lựa bước từng bước khỏi hang, hướng về Chop. Máy bay Mĩ vẫn tiếp tục đánh phá cung đường, tiếng bom nổ liên thanh chát chúa, sau đó là những đám lửa lẫn với bụi đất màu vàng đỏ tóe lên bốc lên cao.Trong ánh sáng nhập nhoạng, chị Trang và anh Đồng cáng anh Lung theo con đường mòn ẩm ướt, hai bên đầy cây lá, lúc lần từng bước trên những phiến đá đầy rêu trươn trượt, lúc lách lá cây đưa anh Lung về trạm quân y Chop.
            Trạm quân y Chop nằm gần cung đường lửa, dưới thung lũng, gồm những mái lán khuất dưới những tán cây to. Ở đây y bác sỹ chủ yếu sơ cứu. Sau sơ cứu , những thương binh nặng được chuyển về tuyến sau.
            Trong mê man vì đau đớn và mất máu, anh Lung loáng thoáng nghe bác sỹ nói: đưa cậu ấy lên bàn mổ ngay! Cậu ấy cần được  bó lại chân gãy, băng lại các vết thương bên chân phải. Mời bác sỹ Vân, y sỹ Sim chuẩn bị tiếp máu, gây mê. Sau đó anh thiếp đi.
            Hơn ngày sau, anh Lung mới tỉnh, cũng là lúc anh cảm nhận được nỗi đau như xé thịt. Mệt mỏi và đau đớn, anh bật tiếng rên khe khẽ, đôi mắt vẫn ngắm nghiền.
            Từ lúc anh Lung được đưa từ bàn mổ về lán, chị Trang không rời anh. Chị ngồi cạnh chõng, lo lắng, chăm chú quan sát gương mặt đau đớn đầy vẻ mệt mỏi của anh, thầm mong anh tỉnh lại. Chị lấy bát nước, nhỏ từng giọt xuống đôi môi khô ráp vì thiếu nước của anh. …….Khi nghe tiếng rên khe khẽ và nhìn thấy đôi mắt anh hé mở, chị vui sướng kêu lên: anh ấy tỉnh rồi! Bác sỹ Vân! Anh ấy tỉnh rồi! Chị nhìn gương mặt mệt mỏi của anh nói như thầm thì trong ngẹn ngào:  Mấy ngày nay em lo sợ quá! Em cứ nghĩ ngợi lung tung. Không thể biết chuyện gì xảy ra với em, nếu anh hy sinh. Em chỉ nghĩ về anh thôi. Anh biết không?
            Ngày sau, chị Trang mới trở về đại đội. Chị nói với anh Lung: Bác sỹ Vân nói anh đã qua cơn nguy  kịch rồi. Anh còn đau nhiều lắm không?
            Đỡ đau phần nào em ạ!- Anh Lung nói- đồng thời cố mỉm cười. Anh nhìn khuôn mặt tròn xinh của Trang cảm thấy thương yêu cô da diết. Chị Trang cầm bàn tay của anh Lung, nhìn ngắm khuôn mặt anh. Hơi ấm từ bàn tay cô tỏa lan vào cơ thể anh. Chị Trang nói: giờ em phải trở về đại đội. Ba lô của anh em treo ngay bên  vách lán.
            Anh Lung đưa mắt, nhúc nhích tay ra hiệu cho chị Trang đưa anh cái ba lô. Hiểu ý, chị Trang lấy chiếc ba lô để xuống chõng, bên cạnh anh Lung. Chị tìm trong chiếc ba lô, lấy ra cuốn nhật ký. Anh Lung nói: em cầm cuốn nhật ký này. Em cầm lấy- Anh nói rồi cố gắng nhoẻn cười.
Mấy ngày sau, anh Lung tiếp tục được đưa về bệnh viện tuyến sau. Chiếc xe đưa thương binh từ bệnh viện dã chiến của quân khu bốn về bệnh viện của Bộ Giao thông nằm tại Hà Nội. Thương binh được đặt nằm trên những chiếc cáng thương trong xe. Chiếc xe dùng đèn gầm để chạy.  Đường một bị đánh phá ác liệt, có đoạn đầy ổ gà. Xe lắc lư, lúc ngả bên này, lúc nghiêng bên kia, chậm chạp đi ngược dòng những chiếc xe gát, xe giải phóng, xe jin 130 chở đầy vũ khí, quân trang quân dụng ra chiến trường.
Làng xóm bên đường thoảng mới thấy ánh đèn le lói. Trên trời thi thoảng lại có vệt pháo sáng bay vút lên, ánh sáng rình rập chết chóc lóa cả một vùng. Sau đó đêm tối đen đặc lại ngự trị. Những quả đạn được bắn từ pháo hạm bay rít qua, đỏ lừ, rồi sau đó là những tiếng nổ uỳnh….uỳnh…. Không gian không lúc nào ngớt tiếng bom nổ. Thành phố Vinh, thành phố Thanh hóa không một ánh đèn,vắng người qua lại, im lìm như thành phố chết.
Các bác sĩ mổ lại chân phải cho anh Lung. Anh được điều trị tại bệnh viện của bộ giao thông tại Hà Nội cho đến khi tập tễnh đi được với chiếc nạng gỗ.
*
            Đoạn kết
Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là thời gian giặc mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, anh Lung bồn chồn như nằm trên đống lửa. Mỗi khi nghe tiếng máy bay là lòng lại dội lên lo lắng, sống lại với những kỷ niệm bên cung đường lửa, khốc liệt thật đấy nhưng cũng là nơi con người sống trong tình cảm đồng đội, tình yêu sâu đậm và cao thượng. Anh Lung  gửi rất nhiều thư cho chị Trang, về địa chỉ cũ song không nhận được hồi âm. Sau khi điều trị, anh Lung tiếp tục với công việc dạy học,  nghề mà ngay từ thời cắp sách, mỗi khi nhìn thấy thày cô đĩnh đạc , khoan dung đứng trước lớp, tha thiết truyền lại tri thức, kinh nghiệm sống và tình yêu con người cho học sinh, anh lại ao ước làm thày giáo. Mỗi khi ngồi trước trang giáo án, đặc biệt là lúc về đêm, lòng anh cồn lên nỗi nhớ thương. Trong anh đầy ắp những kỷ niệm về Trang, những kỷ niệm bên cung đường lửa.
……..Sau nhiều năm tìm kiếm, không có tin tức gì về Chị Trang , anh Lung thành hôn với chị Tuyết cũng là thanh niên xung phong xuất ngũ. Chị Tuyết cũng nhiều năm liền phục vụ ở cung đường lửa. Nay họ có với nhau ba mặt con. Anh chị có công ty riêng. Hàng năm hễ có dịp đi công cán vào miền Trung hoặc miền Nam, anh chị đều rẽ thăm đèo Đá Đẽo.       Hơn bốn mươi năm qua, Anh Lung giờ vẫn đi tìm chị Trang. Không chỉ vì tình yêu, mà vì trân trọng gìn giữ tình cảm đồng đội, tình người. Trong vô cùng gian khổ, cận kề với cái chết nghĩa tình đồng đội khắc sâu vào trái tim người.                                                                                                                                         Hưng Yên 10 tháng 3 năm 2014                                                                                       


0 nhận xét:

Đăng nhận xét