Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Thương nhớ đồng quê

THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ

Làng  có chừng hơn trăm nóc nhà nằm ở phía trong đê. Từ xa, đứng trên đê nhìn về làng, xóm thôn với những căn nhà tầng sơn màu ghi hoặc  vàng nằm xen giữa màu xanh của nhãn, của cam và bưởi. Những hàng cau thân mảnh mai cao vút,  lá như những chiếc lược chải vào trời xanh. Bên phải làng là cánh bãi ven sông, phủ kín màu xanh mướt mượt của lạc. Phía bắc làng là hồ sen nằm dọc theo con đê. Mùa này sen bắt đầu nở. Gió thoảng đưa mùi hương sen ngan ngát. Phía nam và phía đông của làng là những cánh đồng lúa đang trỗ đòng. Một màu xanh trải rộng ra xa, xa mãi tiếp giáp với chân tre của làng bên.

Tôi đứng bên kè. Dòng sông Hồng uốn khúc chảy giữa đôi bờ xanh. Những con tàu hàng chạy xuôi ngược trên dòng, nước rẽ từ phía đuôi tàu tạo thành từng đợt sóng bò lan vào bãi. Mùa này  bắt đầu có mưa nguồn, thoảng đã nghe tiếng sấm và ánh chớp lóe lên từ phía chân trời xa. Nước bắt đầu lên, dòng ngả màu hồng. Nước dềnh lên bờ bãi. Nước mang phù xa tiếp tục bồi lắng cho cánh bãi ven sông.

Trong ý ức tuổi thơ, xóm làng với những nếp nhà mái rạ vàng tươi lúp xúp trong những khóm tre, những mảnh vườn đầy cây nhãn cổ thụ; hoa dâm bụt đỏ trên các hàng rào; giếng làng nước trong vắt có thể nhìn thấy những con cá bơi bên những cánh hoa súng và cây gạo cổ bên đình làng ngạo nghễ với thời gian, kết hoa đỏ rực vào dịp tháng ba. Hoa gạo rắc vào khoảng trời những sợi bông trắng như tuyết. Những buổi sáng mẹ gánh hàng đi chợ và khi về cho tụi tôi mấy cái bánh đa .

Trước đây, làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ. Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng. Thày U tôi và chị Hà dạy từ rất sớm, đem theo sọt, làn để hái dâu. Cánh bãi rộng, cây dâu    cao ngập đầu người, lá xanh biếc. Mọi người vít cành dâu, bứt lá cho vào làn, đóng sọt, quảy về, băm lá dâu, rải lá dâu non trên mặt nong dâu. Xa để xe tơ được đặt dọc theo các ngõ. Người xe tơ tay quay xa, mắt dõi theo những sợi tơ tằm vàng óng, thoảng dừng lại kết nối những đoạn tơ.

Ngoài nghề xe tơ làng còn có nghề xe sợi đay. Người ta đặt guồng quay trên ta luy của con đê. Người ngồi quay, người khác cầm bó dây đay, rút từng dây, kết vào từng sợi đang được xe săn. Tiếng xa  quay tơ tằm và tiếng guồng quay sợi đay tạo cho làng một âm thanh vui rộn rã song thật thanh bình.

Vài chục năm qua, như có phép biến đổi diệu kỳ, diện mạo của làng đổi thay hẳn. Rất hiếm gặp những hình ảnh xưa cũ, con đường gạch, mái đình cong với những con sư tử đá nhe nanh, giương vuốt tượng trưng cho uy quyền siêu nhiên một thời.

Chị Hà nói với tôi: U nay đã ngoài 90. Chị em mình làm gì để cho U được vui vẻ thì gắng mà làm.
Tôi nói văn vẻ:  Rât hiếm có người sống thọ như vậy ở trong thôn. Cũng may U vẫn khỏe, minh mẫn.
U tôi ngồi trên trường kỉ, người  nhỏ thó, mái tóc bạc trắng, lưng còng, khuôn mặt dăn deo nhưng rạng ngời niềm vui bên các con các cháu. Dường như có một sức lực phi thường trong cơ thể tưởng như không còn sức lực, đấu tranh với khó khăn, với cái chết để sống. Trên vai một gánh nặng trần, trước đây vào  buổi khó khăn, U nuôi chúng tôi bằng những đồng xu kiếm được mỗi buổi chợ, những củ khoai lang, những cọng rau và cháo nấu xu hào. Trẻ hiện tại, già quá khứ, U nay sống bằng những câu chuyện ngày xưa. U có thể kể được suốt ngày, nếu có ai hầu chuyện. Mỗi khi muốn nghe, U lại dỏng tai lên, cố gắng nghe xem người ta nói cái gì, miệng hỏi: gì thế?  Ông, bà nói gì thế?

Đã lâu, anh chị em tôi, cùng  các con, các cháu mới có dịp hội tụ đông đủ. U tôi có vẻ vui khi thấy các con phương trưởng, đặc biệt các cháu đều học hành đỗ đạt có việc làm với mức lương khá. Vui chuyện, U tôi kể: khi mới lấy thày các con, U chỉ có một cái quần đen bằng vải lĩnh, một cái áo cánh gụ. Ngày xưa người ta thường mua củ nâu giã nhỏ, mua vải về nhuộm gụ. Thày U thuê chái nhà người ta để ở, làm thuê, cuốc mướn bao năm không đủ mua mảnh đất. Thuyền theo lái, gái theo chồng, Thày các anh các chị tha lôi tôi đi khắp nơi, làm mọi việc để kiếm sống. Mãi đến năm hoà bình, từ HN về quê Thày U được chia ruộng, cuộc sống mới thật sự có thay đổi. Vì biết ít chữ, thày các anh các chị làm bình dân học vụ rồi sau đó đi thoát ly, làm ở một nông trường mãi tận Sơn La.
Chị tôi nói vui: bu mười hai lần sinh đẻ, sa sảy mất hai đứa đầu còn lại mười đứa. Ngày xưa đông con là vậy  Thày U vẫn nuôi được. Chúng con chỉ có hai cháu xem ra nuôi đã vất lắm. Các cháu học hành tốn kém, tiền ăn học, tiền trọ…đủ các thứ tiền….
Tôi nói: ngày xưa các cụ nuôi con bằng cháo, bằng khoai. Giờ nhu cầu cao rồi, không thể cứ so sánh thế.
U tôi cười nói: Ngày trước người ta có cầu kì gì đâu, củ khoai, củ sắn cũng xong bữa,  mùa đông  rét thế nào cũng chỉ có vài cái vỏ bao làm chăn. Thày các anh chị ở xa, đồng lương cũng chỉ đủ nuôi thân. U lần hồi kiếm sống nuôi mười mấy đứa con lít nhít, bụng ỏng đít vòi, xanh xao ốm o vậy mà lớn lên đứa nào đứa ấy sức vóc, học giỏi, và ngoan ngoãn. Bỗng nhiên U tôi rớm nước mắt. U nói: nhìn các con lại nhớ hai thằng anh chúng mày hy sinh ở trong nam. Làm sao đưa được chúng nó về quê.

Câu chuyện của U làm tôi bỗng nhớ tới anh cả tôi. Lúc đó tôi còn bé lắm. U tôi bế cái Thu, dắt tôi theo, đứng ở bến tàu, tiễn anh tôi trở lại đơn vị để vào nam. Con tàu khách tên gọi là Mĩ Tho,  khi tới bến rúc những hồi còi  dài …tu..tu …hút.. .vang vọng cả một khúc sông. Anh tôi bước lên boong tàu, đứng trên boong, quay nhìn lại phía bờ dường như  muốn thu tất cả hình  ảnh mẹ tôi, chúng tôi và cả bờ bãi trong giây lát vào những ký ức không thể nào quên. U tôi đứng ở bến tàu, dõi nhìn theo con tàu khuất dần, khuất dần vào khúc sông phía xa.  Dọc đường hành quân và lúc ở chiến trường Bình Định anh có gửi về vài lá thư, những lá thư bằng giấy xé từ quyển sổ nhỏ gấp đôi, chữ nhỏ xíu, kín mặt giấy. Anh kể về con đường Trường Sơn, về con sông Sê pôn và những rừng dừa. Lá thư cuối cùng có một đoạn kết: Con đã nghe thấy tiếng súng. Mặt trận đã gần đây lắm rồi mẹ ạ…!Anh cả hy sinh ở Bình Định. Gia  đình nhiều lần tin hỏi, song hiện vẫn chưa thực hiện được ý nguyện của U tôi.

Anh Ba tôi có giọng hát hay, năng khiếu văn nghệ và  lối sống rất trẻ trung, suốt ngày anh hát những bài ca về trường sơn. Anh Ba  tình nguyện vào quân độ khi đang là giáo viên ở một trường cấp hai, dạy toán lớp sáu. Thấy vậy U tôi  nói: Anh con còn ở chiến trường. Chị con phục vụ trong thanh niên xung phong. Nhà ta cũng đã có người ra trận. Nhà nước không bắt buộc con phải đi bộ đội. Đánh giặc cũng cần, song trẻ cũng cần người dạy chữ.  Chú tôi cũng ngăn, thậm chí nhờ cậy bạn bè  ở huyện đội can, nhưng không được. Anh Ba nói: Nhìn thấy lớp lớp thanh niên trai tráng ở quê tòng quân, vào chiến trường với nhiệt huyết và thanh thản, con không thể yên lòng cầm phấn lên bục giảng. Bố mẹ yên tâm để con đi. Con đi rồi sẽ về. Hôm tiễn anh vào bộ đội, xã tổ chức lễ mít tinh. Anh Ba phát biểu hùng hồn lắm. U tôi  tự hào vì con nhưng không nguôi nỗi nhớ con và lo lắng.  Anh Ba hy sinh ở cửa ngõ Sài gòn trước lúc đất  nước thống nhất vẻn vẹn có vài ngày.
Chú Hải ngồi ở bàn bên, vui chuyện cùng anh rể. Vài năm trở lại đây chú béo ra, khuôn mặt phê pha hồng hào. Chú nói: công việc kinh doanh không đơn giản đâu. Ông chủ cũng là mình, kế toán cũng là mình, môi giới, giao hàng cũng là mình, vất vả lắm. Thấy mình làm được, mọi người làm theo, thành thử cạnh tranh khốc liệt. Ai không dày vốn, không kiên trì, không có nghệ thuật trong kinh doanh thì chỉ có nước phá nghiệp. Công việc của em cho đến nay có thể nói cũng tạm được. 
U tôi nói với mấy  chị em về chú Hải: Nó út ít, lại không được học hành đến nơi đến chốn như các anh, các chị. Sau này về già không có đồng lương hưu, thế là vất vả. U muốn cho nó tất cả căn nhà và mảnh đất này. Người ta nói giàu con út mà khó cũng con út là thế đấy.
Tôi bảo U: chúng con đều đã có gia thất. Đứa nào cũng có nhà. Căn nhà và mảnh đất này cứ theo ý mẹ. Cứ coi như đây là mảnh đất hương hoả. Chú vất vả, lại phải trông nom mẹ. Không ai tị nạnh đâu.
Chị  Hà nói với chú Hải giọng vui vẻ: U thương và lo cho chú nhất nhà đấy. Ngày trước chú ngịch ngợm, suốt ngày bỏ học lêu lổng. Ai khuyên bảo gì cũng không nghe cứ một mình một ý.
Chú Hải nói: thanh niên mà ai mà chẳng có lúc như vậy.
Quả thật ngày trước Thày U tôi vất vả vì chú Hải. Chú Hải thường bỏ học, cùng mấy đứa bạn đi chơi, thậm chí qua đêm, có bận gây gổ, đánh nhau với thanh niên làng khác. Thày tôi nói: không ngờ lại  sinh ra cái thằng ngịch tử. Mỗi bận chú sinh sự U tôi lại thở dài, lo lắng song không thể làm gì. U tôi thường gọi chú là thằng mắt xếch; vì chú khác hẳn anh em trong gia đình ở cặp mắt xếch ngược nganh bướng này. Gia đình ép mãi chú mới chịu học hết cấp ba. Chú cũng không thích học nghề gì. Thày, U tôi khuyên bảo thế nào cũng không nghe, còn nói giọng nganh ngạnh: Con không muốn thất nghiệp như mấy anh chị tốt nghiệp đại học trong làng; hoặc như mấy ông tiến sĩ phải chăn lợn để lợn nó nuôi mình.  Mẹ tôi nói: Dẫu khó khăn nhưng Thày U cũng  cố nuôi con ăn học cho bằng chị bằng em. Thày tôi cũng nói văn vẻ: Giờ thế, nhưng cuộc sống sẽ đổi thay. Tri thức khoa học sẽ được cần đến. Những giá trị đích thực sẽ được khẳng định, đánh giá. Khuyên bảo không được thày U tôi đành cho chú làm nghĩa vụ quân sự. Mấy năm trong quân ngũ, kỉ luật thép và sự giáo dục của quân đội như  phép màu nhiệm đã biến chú thành con người khác, ý chí và dày dạn.

Cũng như lớp thanh niên thời ấy, cuộc sống khó khăn đã tạo nên sự bứt phá kỳ diệu của mỗi con người để chiến thắng cái nghèo, đón luồng gió của thời kỳ đổi mới nên chú Hải có tư duy kinh tế, mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm kinh doanh, trong lòng chú sôi sục ý chí làm giàu. Chú lên thành phố làm đủ mọi việc: dỡ nhà, vận chuyển gạch, cát, phu hồ rồi thợ xây…vv. Vừa làm vừa để ý cách làm ăn của mọi người, sau đó học nghề điện nước. Về quê với chút  vốn dành dụm chú mở của hàng bán đồ điện nước, lập một đội chuyên đi lắp điện nước cho các công trình xây dựng, tiếp đến làm đại lý cấp một cho một số công ty, bởi vậy cuộc sống cũng khá giả.
Chú Hải nói với tôi vẻ tự hào: sự học không chỉ ở trưòng lớp . Có người học qua hết trưòng lớp này đến trưòng lớp khác song kỹ năng sống vẫn kém cỏi. Học có thể theo hình thức không chính thức đó là quan sát và trải nghiệm. Suy cho cùng điều cần nhất ở con người là ý chí nỗ lực vượt mọi trở ngại để khẳng định.

Buổi sáng, sau cơn mưa đêm qua, bầu trời tươi xanh, không gian như vừa được gội rửa sạch sẽ, nắng mới tưới lên cây cành còn đẫm  ướt sương đêm một màu vàng tươi. Con chim chích choè nhảy nhót trên cành bưởi sau nhà, cất tiếng hót vang chích choè…..choè.. chích chòe….

Tôi tản bộ dọc theo con đường bê tông mới trải. Lớp bê tông vẫn còn loáng nước mưa. Cảm giác bồi hồi khi mỗi bước chân những  kỷ niệm  thời học trò sống dạy.  Không thấy đâu những mái rạ trong làng. Những nếp nhà tầng được xây mới  tươi  màu sơn với những dây hoa leo. Đường làng đã được bê tông hoá kết nối với nhau kiểu bàn cờ như ở thành phố. Không còn  chi chít những ao bèo tây bên vườn, thay vào đó là những mảnh vườn cam, hoặc nghệ xanh non. Dọc theo những con đường trục liên thôn, liên xã, những cửa hàng sắt, nhôm nối liền nhau tạo thành một khu dịch vụ nhộn nhịp. Ở đây người ta làm cửa, cổng, khung nhà vv.. và nhiều các dụng cụ khác từ vật liệu sắt hoặc nhôm. Suốt ngày thợ sắt hì hụi với thước, đo, vạch dấu, cưa cắt rồi hàn. Xuất hiện các nghề mới như: Chế biến Ngũ Vị Hương chế biến tinh dầu.. từ những cây nghệ, cây húng, cây thanh hao. Những của hàng sửa xe máy, của hàng vàng, nhà cửa hàng quán mọc san sát tạo cho làng có cái vẻ của phố xá. Lối sống dân quê cũng dần có nếp sống của những cư dân thị thành.
Trong làng có bến xe khách. Những chuyến xe khách từ thành phố về đầy ắp người. Mỗi người ăn vận một kiểu, người cho áo trong quần bảnh chọe, người không, áo sơ mi dài bợt màu nhàu nhĩ vì đường trưòng. Các chị ăn vận có vẻ tươm tất hơn vơí áo phông màu đen hoặc màu ghi, quần ka ki đen hoặc trắng. Lối ăn mặc của thị thành dường như được các chị  tiếp thu nhanh hơn so với cánh nam giới. Họ nói chuyện về đủ thứ: từ chuyện làm ăn đến nơi ở trọ. Phần lớn hành khách làm nghề buôn bán, một phần trong đó là những thanh niên đi làm ăn ở xa, nay về quê, hết vụ lại trở về thành phố ,thị xã kiếm sống.

U tôi nay ở với chú út. Thật ra chị em chúng tôi đã đón U lên thành phố ở. Không dám nghĩ đến điều gì quá to tát, chỉ mong U đỡ vất vả lúc tuổi già. Nhưng chỉ được vài ngày U  đòi về quê: U  nói: Thôi! Các anh, các chị để U về quê. Ở đây, các chị, các cháu vắng suốt ngày. Một mình tôi lúc ra, lúc vào quanh quẩn trong gian phòng, vịn cầu thang lên gác, vịn cầu thang xuống gác loanh quanh, không có bạn bè để hàn huyên. Tôi cảm thấy tù túng quá.
Tôi nói với chị Hà: Ở đây U không có bè bạn. U không quen với nếp sống thành phố. Nên để U về quê.
Vậy là U về quê, sống trong căn nhà xây bốn gian được làm từ đầu những năm tám mươi. Thời đó có được căn nhà thế này cũng coi là khá giả trong vùng. Nay căn nhà đã cũ, tuy vậy lớp cây que trên mái vẫn còn óng vàng chưa thấy dấu hiệu của ải mục. Ngay cạnh đó là nếp nhà ba tầng của chú Hải. Chú cũng muốn U tôi lên ở trong căn nhà mới. U tôi nói: U muốn được tự do trong căn nhà của mình. U còn bè bạn đến chơi. Thôi cứ để U chạy đi chạy  lại, tốt hơn. U tôi không ngơi tay với công việc dọn dẹp, lúc căn nhà, lúc dưới bếp và mảnh vườn, thời gian còn lại ẵm cháu, ru nó ngủ trên chiếc võng bằng nilông treo trong gian buồng.

Buổi đêm ở quê thật yên tĩnh. Không gian tối thẫm mông lung, huyền bí chất chứa bao chuyện trong lòng nó. Bên giường U trở mình. Tuỏi già ít ngủ, thức lâu mới thấy đêm dài. Cuộc đời của U trẻ trăn trở với miếng cơm manh áo, ước mơ giản dị là nuôi lũ con khôn lớn, thành người, và đến lúc như lá vàng trên cây vẫn những nỗi lo con cháu.
Tôi nằm nghe tiếng gió thổi rộng dài xào xạc ngoài vườn, tiếng con sông rì rầm chảy như người kể chuyện cổ tích, tiếng con sóng vỗ bờ, lắng nghe tiếng mầm cây, chồi non cựa mình nảy lộc để mai ngày vươn lên cao hơn, xa hơn đón nắng. Sực nghĩ con sông cũng có linh hồn. Ai chẳng mang trong mình chút hồn quê, đó là hình ảnh của con sông, kỷ niệm của tháng ngày thơ ấu, tập tục văn hoá làng và hình ảnh của mẹ mỗi buổi chợ về, để đi xa,  hòa mình vào dòng đời với bản sắc riêng, tạo nên sự đa dạng của cuộc sống.
Cho dù cuộc sống còn nhiều điều trăn trở, dòng song lúc  bên lở, bên bồi, đất trời quê hương vẫn sinh sôi.
                                                                                                                     
                                                                                                                      Tháng Tư năm 2010



0 nhận xét:

Đăng nhận xét