Truyện
ngắn của Hồ Ngọc Vinh
. Chị Liên nói: Đàn ông thời nay,
ra khỏi nhà là sinh chuyện , đá vào cọng cỏ là quên ngay mình đã có vợ, đi đến
đâu cũng khoe mình chưa vợ hoặc hôn nhân lỡ dở, vợ con không ra gì, ăn chán cơm,
rủ nhau ăn phở. Thật chẳng còn tin được ai!
Anh Nho cười góp vui: lại chuyện
chồng con rồi! Đàn ông có phải ai cũng vậy
đâu!
Chị em riết dóng quá, đàn
ông mất tự do, đôi khi vì thế sinh cãi
vã và tư tình cũng nên. Già néo đứt dây. Lạt mềm buộc chặt mà.
Đến lúc này, chị Tuyết với khuôn mặt vui đầy vẻ tự tin, thủng thẳng
nói: tớ chẳng phải giữ. Tớ tin anh ấy. Thậm chí tớ bảo với anh Phương: có sức
thì cứ đi! Ai có thân người đó giữ. Gớm báu gì ! Nói thế thôi chứ anh nhà tớ,
tháng lương đưa đủ, tối ngủ tại nhà, có chi phải sợ. Cái mặt ấy cho kẹo cũng
không dám. Mọi người trong phòng cười ồ lên vui vẻ.
Chị
Tuyết hãnh diện, tiếp: Anh Phương nhà mình chẳng bao giờ có chuyện đó. Yêu
nhau, sống với nhau bao năm nay tớ hiểu anh ấy rất nghiêm túc trong chuyện tình
cảm. Vả lại nếu có điều gì tớ phát hiện ra liền. Giấu sao được, cái kim lâu
ngày trong bọc cũng phải lòi ra. Đàn ông ngoại tình, không khó phát hiện. Các cậu
cứ để ý mức độ nồng ấm trong chuyện chăn gối thì biết. Chị Tuyết nghĩ: với anh
Phương chị luôn có niềm tin. Làm sao anh có thể phản bội chị khi hai người có
tình yêu như thế. Hồi còn học đại học, vào những ngày cuối tuần, anh đạp xe gần
trăm km tới xã nơi chị thực tập, mang tới cho chị những kỷ vật nhỏ nhưng đầy ý
nghĩa. Buổi chiều hai người bên nhau, trước mặt là cánh đồng đang đổ ải, nước
ngập rãnh cày, những con chim dũi, chim chìa vôi nhảy nhót trên những mô đất,
dùi cái mỏ bé xíu xuống đất kiếm ăn. Cánh đồng rộng mênh mông, phía xa là làng
với những căn nhà mái ngói nằm giữa màu xanh của cây cối. Chị nhớ những lúc bên
nhau bên Hồ Tây, lặng nhìn mặt hồ đang gợn sóng, những đôi nam nữ trên những
chiếc thuyền giống như những con thiên
nga khổng lồ đang đạp chèo. Sáu bảy năm trời yêu nhau có rất nhiều kỷ niệm đẹp,
vượt qua trở ngại của thời gian, định kiến của đôi bên gia đình họ đã đến được
với nhau, có với nhau một đứa con trai khôi ngô. Vả lại chị cũng thuộc vào tốp
đầu theo sự bầu chọn của mọi người. Ngay cả đám con gái chưa chồng, chẳng có đứa
nào xinh xắn, đoan trang như chị. . Chị tự hào về điều đó.Sao anh ấy có thể yêu
người khác.
Song mọi người vẫn không buông tha chị. Chị Liên nói: Ông Phương nhà cậu không bình
thường đâu. Tớ từng nghe ông ấy nói chuyện ngọt ngào và đầy lãng mạn với phụ nữ.
Cậu không để ý mấy đứa cứ xúm quanh ông ấy ư?
Thôi đi! Chị Tuyết nói cứng- Nam
nữ cứ đi với nhau là nghĩ rằng họ ngoại tình thì thần kinh mất thôi. Thôi chiều rồi. Giờ về phải
đón con, đi chợ mua con cá tươi nấu canh chua, làm cơm chiều. Suy nghĩ ấy khiến
lòng chị nhẹ nhàng, ngập tràn cảm xúc hạnh phúc.
***
Khi chuyện anh
Phương với Cô chân dài ở cơ quan bên cạnh bị phát giác, chị Tuyết bàng hoàng, toàn
thân bủn rủn, mặt đất dưới chân chị như bị sụt, đôi chân khuỵu xuống. Chị muốn
lồng lên đến coi mặt con bé chân dài ấy ra sao, người như thế nào mà câu được anh
ấy của chị, đập vào cái mặt nó, cào cấu nó, xé nát ..làm nó phải xấu hổ cho chừa
cái thói chiếm chồng người khác, nhưng làm ra sợ xấu hổ nên dằn lòng, ngồi như
pho tượng bên bàn, lúc cảm thấy trống rỗng đến cùng cực, lúc nung nấu bực tức,
muốn ném, muốn phá tất cả những thứ trong tầm tay.
Tối đó về nhà, Anh Phương mãi mới
mở được cửa. Thấy anh về chị Tuyết không đon đả, nhìn bằng ánh mắt yêu chiều
như mọi khi. Khi anh ngồi xuống bên giường cất tiếng xin lỗi là lúc chị bật như
con tôm: Anh ra khỏi nhà tôi ngay! Đi đi! Anh đừng ngồi gần tôi….chị xổ ra một
tràng rồi ngồi bật dậy vung tay nói: Đi! Đi cho khuất mắt tôi! Tôi không có cái
ngữ chồng con như thế! Thì ra đây là con người thật của anh. Chị ném cái gối xuống
nền nhà, nghiến răng nói trong uất ức: thì ra con này ngốc!Uổng công tôi bao
năm dành tất cả tình cảm cho bố con anh, chi chút cho cái nhà này. Cái mà tôi
được đó là sự phản bội. Được! Phản bội tôi, giờ thì không chồng con gì nữa hết!
Lừa dối tôi, làm khổ tôi, tôi làm cho ra nhẽ.
Anh Phương nín lặng hồi lâu, chờ
cho vợ xổ hết cơn tức mới nhỏ nhẹ như người thú lỗi: anh biết anh có lỗi với
em. Anh không nên làm thế! Xin em tha thứ!
Mấy ngày sau nữa vợ chồng anh
Phương không ai nói với nhau một lời, việc
ai nấy làm, cơm ai nấy ăn, niềm vui và sinh khí nồng ấm của gia đình không còn
nữa, ngự trị là bầu không khí lạnh lẽo. Thằng Thắng hết nhìn bố, nhìn mẹ, không
hiểu vì sao bị bỏ quên. Bữa cơm tối trước đây chị Tuyết thường đợi chồng, nay chỉ
có hai mẹ con. Sau khi ăn cơm, chị ngồi bên bàn đăm chiêu nhìn ra ngoài, cõi lòng
tan nát vì thất vọng.
Vào một buổi tối, từ cơ quan về
nhà hơi muộn, anh Phương dắt cái xe máy dựng vào góc nhà, rồi liếc nhìn vợ.
Khuôn mặt chị Tuyết lạnh như băng. Anh Phương nghĩ: Tuyết vẫn còn rất giận anh.
Nhưng rồi nỗi đau của cô ấy sẽ dần nguôi ngoai, bão tố sẽ qua, trời lại sáng,
gia đình lại nồng ấm như xưa.
Chờ anh Phương tắm giặt, ăn cơm
xong, ngồi vào bàn, chị Tuyết lấy từ trong túi xách một tờ giấy đánh máy bằng
vi tính, đặt trước mặt anh, nói: anh ký vào đây!
Anh Phương nhìn trân trối vào tờ
giấy đọc rồi lặng đi. Anh nói: em muốn li dị thật ư, đã nghĩ kỹ chưa? Đợi khi
nào em bình tĩnh, hãy nói tới chuyện này? Chị Tuyết: tôi bình tĩnh lắm rồi,
chưa bao giờ tôi thanh thản như lúc này. Tôi đã chịu đau khổ nhiều rồi. Giữa
anh và tôi giờ không còn niềm tin và tôn trọng nữa, đã vậy tốt nhất chúng ta ly
hôn. Anh Phương nghĩ: Anh vẫn còn yêu Tuyết, yêu con, làm sao có thể ly hôn cơ
chứ. Anh Phương nói: anh không muốn ly hôn. Vợ chồng người ta, đánh cãi nhau
thường xuyên vẫn không ly hôn. Có người vợ bị chồng ngược đãi, cũng không nghĩ
tới ly hôn. Chúng mình còn có thằng Thắng. Con nó cần có bố, có mẹ để dưỡng dục.
Chị Tuyết nói: sao trước đây anh không nghĩ tới chuyện đó. Thằng Thắng cần nguời
bố nghiêm túc, có trách nhiệm chứ không phải anh. Anh Phương bối rối: Anh biết
anh sai rồi! Anh không nên làm như thế, xúc phạm tới em, làm em đau lòng! Hãy
tha thứ cho anh, cho anh một cơ hội. Chị Tuyết vẫn không mảy may xúc động,
khuôn mặt chị ráo hoảnh nói:Thôi đi! Ông không xứng đáng là bố của con tôi! Đừng
bíu lấy áo tôi, đừng nói những lời giả dối. Giờ giữa chúng ta không còn gì nữa.
Gỡ tay anh Phương khỏi vạt áo, chị nói như một vị quan tòa: thế lúc lên giường
sướng với nó có ngĩ đến lúc này không? Có nghĩ đến gia đình, danh dự không? Không sợ vợ con khinh ư? Con người chứ
có phải………!
***
Chuyện vợ chồng anh Phương chờ thủ
tục ly dị, khiến nhiều người trong gia đình đôi bên ngỡ ngàng vì trước tới nay
với họ đấy là một cặp đôi hạnh phúc. Vợ chồng đều là người có học, có công ăn
việc làm ổn định, địa vị xã hội. Người
trách anh Phương: cái thằng trông mặt ấy mà tệ, vợ xinh xắn thế mà vẫn thèm của
lạ. Giờ mất hết nhé! Đáng đời! Người nói: cũng cần biết tha thứ, con người mà,
ai chẳng có lỗi, phải biết sống vì con cái, hơi một tý đòi ra tòa, đòi ly dị
đâu được.
Mấy ngày lên thăm em, nhìn thấy
em gái rầu rĩ trong căn nhà vắng nghĩ cũng thương, Chị Khuyên nói: Chị có cảm
giác lạnh lẽo hơn thường lệ khi vào nhà. Gương mặt chú, dì lạnh như bom? Thôi!
Chị thấy chú ấy tỏ ra rất ân hận vì chuyện đó. Mấy ngày rồi chú ấy tiều tụy hẳn,
đi đâu cũng như người chạy trốn, mắt trước mắt sau như thằng ăn cắp, thật tội.
Chú ấy biết lỗi rồi, cứ như chị thì nên tha thứ cho chú, cho chú cơ hội để sửa mình, đòan tụ với vợ con.
Chị Tuyết ngẩng mặt, rướn đôi lông mày, nhìn chị Khuyên không giấu
nổi bực bội, trong thâm tâm nghĩ:chị không ở trong hòan cảnh này, sao thấu được sự đau đớn của người vợ bị chồng phản
bội. Người ăn cùng mâm, nằm cùng giường, chia sẻ khó khăn, mất mát, lúc đau ốm
cũng như lúc hạnh phúc mà lại hai lòng. Chị nói: đến nước này mà chị còn nói
hay cho lão. Em thà chẳng chồng con gì. Chồng phải ra chồng. Em không có cái loại chồng đó. Khuôn mặt ai cũng bảo tử
tế vậy mà tri diện bất tri tâm. Ai hay lại đổ đốn ra như thế. Mỗi khi nghĩ lão
ngủ với người đàn bà khác về nhà ngon ngọt lên giường với mình em thấy ghê. Lão
làm em đau đớn quá. Lão phụ công em. Lão lừa em. Thế mới biết bề ngoài thơn thớt nói cười, bên
trong nham hiểm giết người không dao.
Chị Khuyên nghĩ: dì ấy giận quá mất
rồi. Chị thở dài nói: Chị biết có người đàn bà biết chồng vợ nọ con kia mà vẫn
cắn răng chịu đựng giữ thể diện cho chồng, để chồng con rộng đường phấn đấu, giữ
địa vị xã hội. Đằng này chú ấy không cờ bạc, không du côn du đãng, chịu khó làm
ăn, biết cư xử với mọi người. Đàn ông thời nay đi ra đường gặp đủ mọi thứ cám dỗ,
giữ được thân cũng bản lĩnh lắm. Thật đúng khôn ba năm dại một giờ, công lao phấn
đấu, thể diện bỗng chốc mất hết kể cũng đau đớn lắm chứ.
Chị!- Chị Tuyết nói găng: Người
ta khác! Em khác. Em không có tấm lòng bồ tát ấy. Em đã quyết rồi, phụ em em
làm cho ra nhẽ. Chúng em sẽ li dị. Con em em nuôi. Cho lão đi với bồ của lão!
Chị khuyên ngồi yên lặng hai tay
khoanh trước ngực, nhìn em gái đầy cảm thông chia sẻ, nghĩ:những gì cần nói, chị
dã nói hết với dì. Từ nhỏ đến lớn, hai chị em luôn bên nhau, chị biết tính con
bé yêu hết mình, vun vén tất cả cho gia đình của nó, lúc nào cũng nghĩ tới sự
trọn vẹn, chung thủy và hòan mĩ song cũng cực đoan quá lắm.
Chị Tuyết khuôn mặt nhăn nhó đau
đớn nói: Em tòan thấy chị bênh che cho lão. Lão có xứng được thế không? Đã đành
nhân vô thập tòan, nhưng hòan cảnh lão, cương vị của lão đòi hỏi nghiêm túc
trong mọi quan hệ, phải tử tế. Đàn ông
ai cũng như lão thì sinh loạn. Chung thủy, một vợ một chồng vẫn là nguyên tắc sống
đảm bảo sự hài hòa, yên ấm, kỉ cương nề nếp và uy tín trong gia đình, nuôi dạy
con cái. Chị! Giờ nhìn mặt lão em đã thấy ghê rồi….
***
. Đã qua thanh minh, buổi sáng
khí trời thật trong trẻo, nắng mới vàng tươi ngập tràn không gian, hành lang
vào tận mỗi gian phòng. Cảnh sắc đẹp thế mà anh trăm mối tơ vò. Nếu không có sự
cố thì lòng anh giờ đây đang đập theo nhịp tươi sáng của thiên nhiên đầy cảm
xúc. Nhưng lúc này đây, lòng anh như có đá đeo, trĩu nặng lo âu. Men theo hành
lang anh Phương tới căn phòng nằm phía cuối bên trái của dãy nhà nơi xếp đang
chờ. Tiếp anh là bí thư đảng bộ, phó giám đốc cơ quan. Ông ngồi trên chiếc ghế
sa lông da màu nâu, dáng người khô, khuôn mặt trái xoan, nước da đen vẻ khắc kỷ
, trong cơ quan ông vốn nổi tiếng là người
cực đoan, liêm khiết. Sau chén trà, ông nhìn anh Phương vẻ trách móc và thương
hại. Ông thầm nghĩ: có vài tuần trông cậu ta tàn tạ hẳn, khuôn mặt gày thất thần
đầy vẻ lo lắng, sợ hãi, thêm mấy cái tóc trắng trên thái dương, không còn phong
độ tự tin, cứng rắn, hoạt bát như độ nào. Ông còn nhớ phong cách quyết đoán,
nhanh nhẹ đầu tàu trong công việc của cậu ta. Cậu ta là lớp cán bộ mới có phong
cách, là cán bộ nguồn của cơ quan. Để xảy ra chuyện này thật tiếc. Thật đúng là
xảy một ly, đi một dặm. Càng là lãnh đạo càng phải nghiêm túc. Cơ quan cần có kỷ
cương, nề nếp để tạo sự thống nhất thực hiện nhiệm vụ. Ông nói: chắc cậu biết
lý do được mời tới đây. Em biết- Anh Phương đáp. Ông tiếp lời: Tôi thật lấy làm
tiếc cho cậu. Lẽ ra ở cương vị của mình cậu phải làm gương cho người khác.
Không nghiêm khắc với bản thân cậu hại cả cô ấy, tự hại mình. Lãnh đạo đã họp, thống nhất về nguyên tắc xử
lý chuyện này.
Chiều đó, rời nhiệm sở với tâm trạng
thật nặng nề, Không vội vã về nhà như mọi
khi, anh Phương lái xe dọc theo con đường vắng nằm ở ngoại ô rồi lên cầu, chiếc
cầu xi măng mới được bắc qua sông hẹp nằm ở phía tây thành phố. Anh dừng xe, đứng
trên cầu, lặng lẽ nhìn dòng nước đang chảy phía dưới chân cầu, đây đó những con
tàu nằm im lìm neo đậu bên bờ, khung cảnh
dòng sông buổi chiều thật đìu hiu. Lát sau, thành phố lên đèn, những ngọn đèn tỏa
ánh sáng yếu ớt vàng vọt của nó xuống những lùm cây, mái nhà. Anh biết Tuyết rất
đau lòng, dường như không chịu đựng nổi cú xốc này. Anh đã giáng đòn sinh tử
vào niềm tin và tình yêu Tuyết đã dành cho anh trọn vẹn bao lâu nay. Hễ cứ nhìn
thấy anh là khuôn mặt Tuyết lại trở lên giận dữ, có lẽ cô ấy không thể tha thứ
cho anh vì bản thân vốn rất thánh thiện. Anh chỉ còn biết tự trách mình. Thật
ra anh đã cố gắng đã ghìm lòng, đã tự răn đe vậy mà rốt cuộc không thể vượt qua
sự quyến rũ của ái tình. Ái tình như một chiếc lưới vô hình, anh đang mắc vào
đó giãy dụa, càng giãy tấm lưới càng quấn chặt. Anh biết Hoa đã Chuyển nơi công
tác. Cô ấy không nói với anh một lời tiễn biệt. Vậy là anh đã làm khổ Hoa, khổ
Tuyết, làm mất đi niềm tin của bao người vốn dành cho anh. Còn thằng Thắng nữa,
nếu Tuyết một mực đòi ly hôn, thằng bé sẽ không có được một gia đình trọn vẹn để
phát triển tâm lý một cách bình thường. Thiếu bố hoặc thiếu mẹ đều không có lợi
cho sự giáo dục con cái. Cái giá anh phải trả thật quá lớn.
Bây giờ về nhà, anh sợ phải nhìn
thấy khuôn mặt đau đớn và cái nhìn ghẻ lạnh của Tuyết. Anh rời cầu, rẽ vào phố,
tìm quán cà fê, chọn một chỗ ngồi ở góc quán, gọi tách cà fê, rồi gọi rượu, ngồi
lặng im đốt thuốc. Vừa rồi anh được thông báo chuyển vị trí công tác, làm nhân
viên ở phòng hành chính, phụ trách bảo vệ và bơm nước. Bao năm phấn đấu tạo dựng
uy tín và sự nghiệp giờ như công dã tràng, đau đớn hơn vợ anh người bao lâu nay
chia sẻ những khó khăn, những giây phút hạnh phúc, người đã đặt tình yêu và niềm
tin nơi anh đang đòi ly hôn quyết liệt. Nếu phải ly hôn anh sẽ chẳng còn gì. Ngồi
mãi tới khuya anh Phương mới về nhà, hơi thở sặc mùi rượu, nặng nề gieo mình xuống
giường.
***
Vài năm sau, thằng Thắng lúc ấy
đã lên mười, càng lớn càng giống bố ở khuôn mặt và vóc dáng. Đúng là giỏ nhà
ai, quai nhà nấy. Nó là học sinh giỏi đứng đầu khối 5 của trường tiểu học. Vợ
chồng anh Phương không ly hôn. Chị Tuyết không gửi đơn đến tòa mà chọn cách xử
sự khác, nghiệt ngã hơn. Một hôm chị Tuyết gọi con, trước mặt anh Phương, chị
nói thản nhiên: con phải biết từ lâu bố mẹ đã không có tình cảm với nhau. Mẹ vì
con thôi. Thằng Thắng băn khoăn giây lát rồi vứt cặp vào góc giường, lặng lẽ
nhìn bố rồi lại nhìn mẹ, lòng con trẻ hoang mang thất vọng và đau đớn. Anh Thắng
nhìn con, thương thằng bé, thương mình. Mấy năm nay, họ chọn cách sống ly thân, đóng kịch trước mặt con,
che dấu tình cảm thực trước mặt con, cứ nghĩ để cho con một gia đình trọn vẹn,
giáo dục con. Vậy mà nó vẫn không tránh nổi cú xốc, khi chợt hiểu điều gì đang
xảy ra giữa bố và mẹ. Anh cũng cảm thấy tổn thương nghiêm trọng, không còn thể
diện khi Tuyết công khai điều ấy với thằng bé. Vài tuần sau, người ta không thấy
anh Phương hàng ngày đi bơm nước, sửa chữa thiết bị điện trong cơ quan. Mọi người
bảo anh Phương chuyển lên vùng xa làm việc. Sau đó hơn năm chị Tuyết cũng chuyển
về huyện nhà làm việc ở phòng nông nghiệp.
***
Sự đổ vỡ trong hôn nhân khiến chị
Tuyết thề với mình sẽ không yêu ai nữa, tuy nhiên trái tim đâu ngủ yên, vẫn đập
và khát vọng tình yêu về gia đình hạnh phúc trọn vẹn vẫn tràn trề. Chị Tuyết gặp
anh Xứng nhân đợt học bồi dưỡng nghiệp vụ. Anh Xứng vóc người thấp béo, khuôn mặt
tròn ngắn, nước da bánh mật, mái tóc xoăn. Đó là lúc nghỉ ăn trưa khi hai người
ngồi cùng bàn, anh tỏ ra lịch thiệp ân cần với chị tạo cảm giác tin tưởng. Anh
Xứng nói: hòan cảnh anh trớ trêu lắm. Vợ anh là người buông tuồng, chẳng biết
làm ăn, không biết chăm sóc gia đình, con cái. Mọi việc trong nhà đều một tay
anh lo liệu. Đàn ông bọn anh như cái đó, người đàn bà trong gia đình như cái
hom. Vợ anh không được thế, tiêu tiền chẳng biết tính tóan gì, có là tiêu bằng
hết, không biết tiết kiệm, lo lắng cho tương lai. Anh và cô ấy mâu thuẫn với
nhau vì đủ thứ chuyện….. vì thế bọn anh đã ly dị.
Chị Tuyết tỏ vẻ thông cảm, thầm
nghĩ sao hoàn cảnh của anh ấy giống hoàn cảnh của chị đến thế. Chị nói: Chuyện
của em cũng thật đau lòng. Anh nhà em đã bỏ đi gần chục năm nay. Chợt như e ngại điều gì chị dừng lại nói lảng, khuôn mặt chợt
lộ vẻ buồn. Anh Xứng: em dịu dàng, xinh xắn thế và vẫn còn có những người đàn
ông quý mến sao không đi bước nữa? Chị Tuyết: Em không muốn! Sau lần hôn nhân
không trọn vẹn, em sợ. Vả lại còn thằng bé, em lo nó bị tổn thương. Em rất sợ cảnh
con em, con anh, con chúng ta. Anh Xứng: em như vậy mà chịu thiệt thòi. Thật
đúng là giới đàn ông có mắt không tròng rồi.
Sau lần gặp gỡ ấy, có vẻ như hai
người có duyên. Anh Xứng tỏ ra là người đàn ông tử tế biết quan tâm tới phụ nữ.
Thoạt tiên thằng Thắng không thích, tỏ vẻ khó chịu, cảnh giác mỗi khi anh Xứng
đến thăm nhà nhưng rồi trước sự kiên trì và thành ý nó dần tỏ ra gần gũi mỗi
khi anh đến.
Sau bao năm chị Tuyết đã khép
lòng, lạnh lùng trước bất kì người đàn ông nào. Nay lòng chị như mở ra chờ đón
tình cảm mới, hy vọng có được gia đình hòan chỉnh, lòng chị như có hoa nở,
khuôn mặt lại rạng lên e ấp niềm tin hạnh phúc.
Chuyện ấy mấy chị em trong cơ
quan chẳng ai kể cũng tường tận . Chị Hạnh nói: Trông lão ấy cũng hiền lành. Cậu
lấy lão cũng được thôi, nếu lão ấy thực lòng. Bầu bạn với nhau tuổi già cho đỡ
cô quạnh.
Chị Mai nhắc: phải cẩn thận đấy!
Nhỡ một bước rồi, nhỡ bước nữa thì khốn.
Chị Tuyết cười: các cậu lo lắng
quá rồi. Chuyện có gì đâu, chỉ là bạn quen thôi.
Đã lâu lắm rồi không thấy anh Xứng
đến xóm Cây Bông, khiến con đường vắng teo. Heo may đã bắt đầu khe khẽ thổi, những phiến lá vàng lấp tấp cuộn bay xào
xạc trên con đường đất đầy bụi cát. Bầu trời như cất cao hơn, trong hơn, thoảng
mới có những sợi mây trắng vắt ngang trời. Những con sẻ ríu rít chuyền từ mái
nhà này tới mái nhà kia. Chị Tuyết ngồi một mình trong căn nhà vắng teo. Nhà
không có đàn ông cũng có vẻ lạnh lẽo. Linh tính mách bảo chị một lần nữa hy vọng
về một gia đình trọn vẹn hạnh phúc lại tuột khỏi tầm tay. Anh Xứng đã đem đến
cho chị niềm hy vọng. Khi niềm tin trong chị, cảm xúc hạnh phúc trong chị manh
nha được thắp lên cũng là lúc anh lấy đi tất cả. Chị mất tất cả thậm chí còn mất
đi thể diện của bản thân, đây mới là điều khiến chị đau đớn vật vã nhất. Song
chị đã yêu, và đã cho. Có chăng chỉ có chị là người dại khờ trong tình yêu.
Mỗi khi sang nhà em gái, chị Khuyên
với khuôn mặt lộ vẻ cảm thông thường an ủi: Thôi dì ạ! Đó là số phận. Ở hòan cảnh
nào chịu hòan cảnh đó. Đàn ông kể cũng lắm người tệ bạc thật!.
Chị Tuyết chợt nhớ đến anh
Phương. Đôi mắt anh, khuôn mặt sám hối của anh khi quì xuống xin chị tha thứ.
Quả thật ngẫm lại nếu không có chuyện trăng hoa ấy, anh là người đàn ông tuyệt
vời. Thế mới biết đàn ông khó tránh khỏi cửa ải mĩ nhân. Chị đã từng khinh ghét
anh, thậm chí căm thù anh. Giờ nghĩ lại chị thấy phải chăng quá cực đoan trong
nếp nghĩ và cách xử sự. Giá như ngày ấy
chị mở lòng, tha thứ, vẫn có thể đón anh trở về. Biết đâu qua vấp ngã anh ý thức
được sự thủy chung để xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái là cần thiết và vị thế
xã hội đòi hỏi anh phải nghiêm túc trong tình cảm, anh sẽ tòan tâm tòan ý với
chị và con. Nhưng sự đã xảy ra không như thế….Gần đây, qua một người trong dòng
họ, chị biết anh đang làm việc ở một cơ quan tận vùng cao, và cho tới giờ vẫn có
“tập mới”.
Những vạt nắng chiều hôm vừa tắt,
phía tây chân trời một màu tím. Cuối vườn những con sẻ, con sáo cuống cuồng tìm
chỗ nấp trong những đám lá của cây nhãn cổ thụ. Khung cảnh chiều hôm làm chị
Tuyết chợt thấy lòng trống trải. Thằng Thắng đi học về, chào mẹ rồi vất cặp
sách vào đầu giường. Nhìn con lòng chị ngập tràn cảm xúc thương yêu. Khổ thân
thằng bé, giờ nó trở lên lầm lì, vẻ tinh anh trên khuôn mặt bầu bĩnh không còn
nữa, thay vào đó là khuôn mặt buồn bực, cau có. Nó cũng mất đi vị trí dẫn đầu khối. Mới đây, Thắng bê cả
cái nồi đập vào đầu đứa bạn hàng xóm làm con bé phải đi viện và nghỉ học vài
ngày. Có hôm chị phải nghỉ việc để đi tìm con trong các quán Game. Nhìn con mụ
mị trước màn hình với những hình ảnh bạo lực, bỗng chốc chị thấy sợ hãi, lo lắng
nghĩ: làm gì để giữ con. Giá như bố nó
còn sống chung, vợ chồng phối hợp để
giáo dục nó. Có thể thằng bé không đến nỗi như vậy.
Sợ nhất trong đêm thanh vắng, khi
chim cuốc kêu : cu….cuô…c…..cuốc gọi bầy,
chợt tỉnh giấc nghe gió lúc khe khẽ thở dài sườn sượt, lúc ào ạt như tiếng sói
tru trên mái nhà, bỗng thấy thấm thía sự cô quạnh của người đàn bà, chị bỗng nhớ
tới anh Phương, nghe nói hiện anh vẫn chưa đi bước nữa.
Hưng
Yên, tháng 2 năm 2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét